“Tìm kiếm là phủ nhận sự thật ngay trước mặt bạn. Hai mắt của bạn phải thấy cái gần gũi nhất; và thấy cái đó là một chuyển động không có kết thúc. Anh ta người đang tìm kiếm, chiếu rọi cái anh ta tìm kiếm và thế là anh ta sống trong một ảo tưởng, luôn luôn đang nỗ lực bên trong những giới hạn của cái bóng riêng của anh ta. Không tìm kiếm là tìm được và tìm được không ở trong tương lai – nó hiện diện ở đó, nơi bạn không nhìn đến. Đang nhìn luôn trong hiện tại, từ đó tất cả sự sống và hành động xảy ra.” (Giáp Mặt Cuộc Đời – J. Krishnamurti)

Giáp Mặt Cuộc Đời là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Krishnamurti, tập hợp lại các bài đăng trong tuyển tập Krishnamurti Foundation Bulletins. Nội dung của cuốn sách thể hiện cái nhìn sâu sắc và đa dạng của tác giả về cuộc sống và con người, với bố cục ba phần: Phần I gồm mười sáu đoạn văn ngắn, Phần II là tập hợp các câu trả lời của Krishnamurti xoay quanh các buổi thảo luận của ông và Phần III gồm những bài nói chuyện được sắp xếp theo thứ tự thời gian.

Phần I gồm những bài đọc ngắn bàn về cuộc sống, tự do, mối quan hệ và sự cần thiết của việc tái tạo tâm trí cũng như trái tim con người. Đó được xem là một cuộc cách mạng tâm lý sâu sắc, không được định hình theo khuôn mẫu, công thức hay khái niệm nào. Đó phải là sự thay đổi xuất phát từ bên trong, hướng về nội tại – là sự thay đổi xảy ra một cách tự nhiên khi một cá nhân hoàn toàn nhận thức được về bản thân, suy nghĩ và hành vi của mình. “Người ta luôn luôn lúng túng về hành động, và mỗi lúc lại càng bối rối hơn khi người ta thấy sự phức tạp của cuộc sống. Có quá nhiều việc nên được làm và có những việc cần hành động tức khắc. Thế giới quanh chúng ta đang thay đổi mau lẹ - những giá trị của nó, luân lý của nó, những chiến tranh và hòa bình của nó… Luôn luôn chúng ta quay lại để tự hỏi chính mình tất cả việc đó là gì và chúng ta phải làm gì.”

Cùng với sự trôi chảy không ngừng nghỉ của thời gian, liệu tâm trí có thể tự giải thoát và tìm cho mình những gì thuộc về bản thể? Có phải bản thân chúng ta quá mông lung, bối rối hay đau khổ? Và khi đó, một người bắt đầu tìm kiếm chính mình. Trong hành trình tìm kiếm những trải nghiệm và tầm nhìn khác nhau, mỗi người phải dành riêng cho việc quan sát tinh thần trong cuộc sống hàng ngày, xuyên suốt sự tồn tại của đời người. Bởi vì hầu hết chúng ta mong muốn một số loại trải nghiệm sâu hơn, rộng hơn và bởi vì cuộc sống hàng ngày của chúng ta quá hạn hẹp, vụn vặt, kém chất lượng và vô nghĩa, chúng ta chờ đợi một điều gì đó xa hơn thế và lớn lao hơn, thứ mà tâm trí chưa thể thấu suốt. Sự thật chúng ta đang bị mắc kẹt trong ảo tưởng về sự phóng chiếu của chính mình. Suy nghĩ là thời gian, là thước đo, là công cụ kiếm tìm, do đó, chúng ta dễ bị tâm trí lừa gạt và những gì chúng ta thấy cũng chỉ là sự phóng chiếu của chính suy nghĩ mà thôi. Nếu bạn không sử dụng lý trí thì bạn lại quay sang cái gọi là trực giác. Điều này cũng nguy hiểm không kém. Vì vậy, chúng ta phải hiểu rất kỹ và rất sâu về toàn bộ sự vận động của tư tưởng, hãy lắng nghe để tự mình tìm ra điều gì là đúng và điều gì không trong những gì quan sát được. “Như người ta có thể quan sát, chúng ta luôn hành động từ một trung tâm – một trung tâm thu rút và lan rộng. Thỉnh thoảng nó là một vòng tròn rất nhỏ và tại những thời điểm khác nó lại bao quát, riêng biệt và hoàn toàn thỏa mãn. Nhưng luôn luôn nó là một trung tâm của phiền muộn và đau khổ, của những hân hoan thoáng chốc và những bất hạnh, mê say hay quá khứ buồn bã. Nó là trung tâm mà một cách có ý thức hay không ý thức, hầu hết chúng ta đều biết, và từ trung tâm này chúng ta hành động và có được gốc rễ của chúng ta.”

Phần II tổng hợp các câu trả lời cho những câu hỏi muôn thuở của thời đại về tình yêu, tôn giáo, tự do và cả thiền định… Đó không chỉ là vấn đề của một cá nhân, đó có thể là tất cả những trạng thái quẩn quanh giữa cái biết và cái không biết mà mỗi người đều gặp phải trong cuộc đời.

“Đó là, khi bạn quan sát sự kiện mà không có sự hiểu biết, vậy thì bạn có thể học hành. Học hành là sáng tạo, nó là cái gì đó mới mẻ. Luôn luôn bạn đang học hành. Vì vậy tôi phải quẳng đi không những Freud và Jung, nhưng còn cả sự hiểu biết mà tôi đã thâu lượm về chính tôi ngày hôm qua.” Trên thực tế, để hiểu được toàn bộ chuyển động của suy nghĩ, người ta phải quan sát tư duy. Rõ ràng suy nghĩ là phản ứng của trí nhớ. Trí nhớ là kinh nghiệm và kiến thức tích lũy được theo thời gian. Suy nghĩ cũng là phản ứng của quá khứ. Trực giác, khát khao, hành động, tình cảm và tất cả những điều cơ bản đều dựa trên suy nghĩ của chúng ta, dựa trên sự đo lường. Ở đâu có sự đo lường, ở đó có thời gian. Đi dọc chiều dài lịch sử và văn minh nhân loại, bạn có thể thấy đối với phương Tây, đo lường ngụ ý trong đó có sự so sánh, lặp lại, thích nghi. Còn ở phương Đông, “phép đo là ảo ảnh, thông qua phép đo bạn không bao giờ có thể tìm thấy cái không thể đo lường được”. Vì vậy, thời gian là phép đo sự chuyển động, chuyển động từ chỗ này đến chỗ kia, bên ngoài hoặc bên trong. Không có sự đo lường nếu không có thời gian. Suy nghĩ không thể khám phá ra hoặc nắm bắt một thứ gì đó không thuộc về thời gian, không thể bị hủy hoại bởi thời gian. Suy nghĩ chính là thời gian.

Cái tôi cũng vậy, nó hiện hữu cùng với thời gian. “Vì vậy, khi người ta nói người ta phải biết về chính mình, liệu người ta biết về cái tôi mới mẻ, hay người ta tiếp cận nó bằng một nền tảng của hiểu biết đã có được sẵn?” Sự thật, cái tôi là một vùng đất không có lối đi, không ai có thể tạo ra hay dẫn bạn đến đó. Bạn phải trở thành ánh sáng cho chính mình ngay từ đầu để bản thân đứng một mình, được thanh lọc khỏi tất cả những điều phi lý trong nỗ lực tìm kiếm và giải thích bản ngã.   

Một khi đã nhận thức được bản ngã, bạn có thể đạt được sự tự do, vượt khỏi giới hạn của suy nghĩ và thời gian. Điều này được đề cập đến trong phần III của cuốn sách – Những bài nói chuyện. Đầu tiên, tâm trí phải được tự do. Tự do bao hàm không gian. Bạn có không gian trong tâm trí hay tâm trí bạn đang ngổn ngang đủ thứ? Không gian có thể được hình dung như một chuyển động không giới hạn bị chi phối bởi cái tôi. Khi chúng ta lấy bản thân làm trung tâm, nó tạo ra không gian nhỏ hẹp, không gian của sự phản kháng do những tổn thương và ham muốn. Tất cả điều này chiếm đóng toàn bộ tâm trí. Ở đó, thời gian lên tiếng. Thời gian có nghĩa chuyển động và cũng bao hàm phương hướng. Vì vậy, thấy bản chất của thời gian phải là chuyển động của suy nghĩ và chỉ nên đặt điều này trong sự quan sát. “Vậy thì, bạn sẽ tìm ra cho chính bạn liệu có hay không có cái gì đó mà không thể đặt tên, mà không ở trong lĩnh vực của thời gian. Nếu không tìm ra cái đó, nếu không bắt gặp nó, nếu không thấy sự thật của nó hay sự giả dối của nó, sống trở thành một sự việc trống rỗng, nông cạn. Bạn có lẽ có trật tự hoàn hảo trong chính bạn, bạn có lẽ không có xung đột bởi vì bạn đã trở nên rất tỉnh táo, rất cảnh giác, nhưng tất cả điều đó trở thành hoàn toàn giả dối nếu không có cái khác lạ.”

Có thể thấy, một điểm đặc biệt khác trong tác phẩm này là sự gắn kết với thiên nhiên. Đó cũng là vẻ đẹp không thể tách rời của cuộc sống. Con người sẽ tìm thấy chính mình khi hòa hợp với tự nhiên. Đó là triết lý nguồn cội khi con người muốn tìm về bản thể.

“Kia kìa, khi bạn đang đứng trên bờ nhìn ngắm vẻ đẹp của dòng nước, tất cả những vấn đề của con người và những học viện, sự liên hệ của con người với con người, với xã hội – tất cả sẽ tìm được vị trí đúng đắn của chúng nếu bạn có thể thông suốt cái sự việc được gọi là tình yêu này.

… Có sự yên lặng thăm thẳm, mà gần giống âm thanh của những con sóng vỗ bờ khi bạn giẫm trên bãi cát ướt sũng của bãi biển. Gần biển không có sự yên lặng ngoại trừ trong quả tim của bạn, nhưng lẫn trong những hòn núi, trên con đường uốn khúc, sự yên lặng hiện diện khắp mọi nơi…

Nó là tất cả bộ phận của chuyển động lạ thường của sự sống và đang sống, chiều sâu của nó sự suy nghĩ không bao giờ có thể tiếp xúc được. Mảnh trí năng có lẽ quay cuồng vô vàn lý thuyết quanh nó, thiết lập một cấu trúc triết học quanh nó, nhưng sự diễn tả không là vật được diễn tả. Nếu bạn ngồi yên lặng, xa khỏi quá khứ, vậy thì bạn có thể sẽ cảm thấy cái này; không phải bạn như một con người tách rời đang cảm thấy nó, nhưng trái lại bởi vì cái trí yên lặng tuyệt đối đến độ có một nhận biết vô hạn mà không có sự phân chia bởi người quan sát.”

(Giáp Mặt Cuộc Đời – Krishnamurti)

Với những tự tưởng được tập hợp dưới dạng các trang sách, Giáp Mặt Cuộc Đời đem đến cho người đọc nhận thức mới mẻ về cuộc sống, tình yêu, cái chết, sự cô đơn, thiền định và nhiều hơn nữa. Các bài tiểu luận ngắn nhưng chứa đựng hàm ý sâu sắc khiến người đọc phải tư duy sâu và nghiền ngẫm về các giá trị cơ bản của cuộc sống. Giáp Mặt Cuộc Đời là một tác phẩm đầy cảm hứng để mỗi người soi chiếu vào tâm trí của mình.

Jiddu Krishnamurti (1895 – 1986), nhà lãnh đạo tinh thần người Ấn Độ, được xem là một trong những nhân vật triết học và tâm linh vĩ đại nhất thế kỷ XX. Từ những năm 1920, ông đóng vai trò là một giáo viên và nhà văn. Năm 1929, Krishnamurti từ bỏ Hội Thông Thiên Học và tuyên bố không bị ràng buộc bởi bất kỳ tôn giáo hay giai cấp nào. Ông đi khắp thế giới với các bài nói chuyện của mình. Triết lý của ông là thay đổi bản thân thông qua hiểu biết về bản thân, nhận thức những nét tinh tế trong suy nghĩ và cảm xúc của mỗi người thông qua cuộc sống hàng ngày của họ. Các tác phẩm tiêu biểu gồm có: Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng (1954), Nghĩ Về Những Điều Này (1964), Cuốn Sách Của Cuộc Sống (1995), Bạn Làm Gì Với Đời Mình (2001)…

Review chi tiết bởi: Quỳnh Ly – Bookademy

Hình ảnh: Quỳnh Ly

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

 

Xem thêm

Ý niệm về bản thân. Cái ngã nhỏ bé muốn trở thành, biến ham muốn thành vui thú, sau này biến thành đau khổ, để vui thú có thể được hoan hỷ. Đó là một cuộc tìm kiếm không bao giờ kết thúc đối với sự điên rồ thuần túy. Một loại điên rồ được coi là lành mạnh là một loại bệnh hoạn.


Tất cả chúng ta đều nói, chúng ta là công việc của mình, chúng ta là nhu cầu của mình, chúng ta là những gì chúng ta trở thành. Sự trở thành này, nhu cầu này, những thói quen này là cái tôi. Một sự hư vô. Tôi tìm thấy điều gì đó trong tác phẩm của Samuel Beckett, điều gì đó đã nói với tôi rất sâu sắc nhưng tôi không thể nắm bắt được. Krishnamurti, như nhiều người đã nói, là một bông hoa đẹp. Hãy đọc cuốn sách này hoặc bất kỳ cuốn sách nào khác của anh ấy. Trên thực tế, đây là một tuyển tập các bài văn xuôi ngắn, hỏi đáp và các bài nói chuyện trước công chúng (đã được xuất bản dưới dạng bản tin). Hãy hỏi tất cả mọi thứ. Đừng chấp nhận uy quyền, và điều này hàm ý đừng coi Krishnamurti như một uy quyền. Đó không phải là nhiệm vụ của anh ấy. Nếu bạn chú ý, anh ấy hiếm khi sử dụng trí nhớ, tất nhiên anh ấy sử dụng trí nhớ để điều khiển ngôn ngữ, v.v., nhưng hãy chú ý, anh ấy thực sự đang tìm hiểu đi hỏi lại những điều tương tự ở anh ấy. Anh ấy không sử dụng trí nhớ, anh ấy đang đặt câu hỏi về hiện tại. Đây là những gì chúng ta có thể học, để đặt câu hỏi. Nếu bạn không đồng ý thì cũng không sao, tôi cũng làm vậy, đó không phải là điều xấu. Chỉ hỏi, nhìn, nói không. Đừng trốn tránh. Đây là công việc rất nghiêm túc. Đây là cuộc sống. Cảm ơn Quỹ Krishnamurti vì công việc tuyệt vời, các video, sách và mọi thứ. Những bài nói chuyện, những văn bản này, mọi thứ mà người đàn ông này tạo ra đều vô cùng quan trọng. Không có đạo sư, không có giáo viên, không có nghi lễ, không có thực hành. Cuộc sống là sự thực hành. Tất cả những điều tốt nhất cho bạn và của riêng bạn.

Tính tò mò tự nhiên của trẻ, sự thôi thúc học hỏi đã tồn tại ngay từ đầu, và chắc chắn điều này cần được khuyến khích liên tục một cách thông minh, sao cho nó vẫn còn quan trọng và không bị biến dạng, và sẽ dần dần đưa trẻ đến việc nghiên cứu nhiều chủ đề khác nhau. Nếu sự háo hức học hỏi này luôn được khuyến khích trong đứa trẻ, vậy thì việc học toán, địa lý, lịch sử, khoa học, hay bất kỳ môn học nào khác của nó, sẽ không là một vấn đề đối với đứa trẻ hay người giáo dục. Việc học tập trở nên thuận lợi khi có bầu không khí yêu thương vui vẻ và sự quan tâm chu đáo.

Sự cởi mở và nhạy cảm về mặt cảm xúc chỉ có thể được trau dồi khi học sinh cảm thấy an toàn trong mối quan hệ với giáo viên của mình. Cảm giác được an toàn trong mối quan hệ là nhu cầu cơ bản của trẻ em. Có sự khác biệt rất lớn giữa cảm giác được an toàn và cảm giác bị lệ thuộc. Dù có ý thức hay vô thức, hầu hết các nhà giáo dục đều nuôi dưỡng cảm giác phụ thuộc, và do đó khuyến khích một cách tinh vi sự sợ hãi – điều mà các bậc cha mẹ cũng làm theo cách trìu mến hoặc hung hăng của riêng họ. Sự phụ thuộc nơi đứa trẻ được tạo ra bởi những khẳng định độc đoán hay giáo điều về phía cha mẹ và những giáo viên về việc đứa trẻ phải là gì và làm gì. Với sự phụ thuộc luôn có bóng tối của sự sợ hãi, và nỗi sợ hãi này buộc đứa trẻ phải tuân theo, tuân thủ, chấp nhận mà không cần suy nghĩ những mệnh lệnh và 9 hình phạt của người lớn. Trong bầu không khí lệ thuộc này, sự nhạy cảm bị nghiền nát; nhưng khi đứa trẻ biết và cảm thấy rằng nó được an toàn, sự hưng phấn cảm xúc của nó không bị cản trở bởi sự sợ hãi.

Có lẽ khó khăn lớn nhất mà nhà giáo dục phải đối mặt là sự thờ ơ của phụ huynh đối với một nền giáo dục rộng hơn và sâu hơn. Hầu hết các bậc cha mẹ chỉ quan tâm đến việc trau dồi hiểu biết hời hợt nào đó mà sẽ đảm bảo cho con cái họ những vị trí được kính trọng trong một xã hội tham nhũng. Vì vậy, người giáo dục không chỉ phải giáo dục những đứa trẻ trong cách đúng đắn, mà còn phải đảm bảo rằng các bậc phụ huynh không hủy hoại bất kỳ điều gì tốt đẹp có lẽ đã được thực hiện ở trường học. Thực sự trường học và gia đình phải là những trung tâm chung của nền giáo dục đúng đắn, và không bao giờ nên đối lập nhau, với việc cha mẹ mong muốn một việc và nhà giáo dục làm một việc hoàn toàn khác hẳn. Điều rất quan trọng là phụ huynh phải hoàn toàn quen thuộc với điều gì nhà giáo dục đang làm và quan tâm sâu sắc đến sự phát triển toàn diện của con cái họ. Trách nhiệm của các bậc cha mẹ là đảm bảo rằng loại hình giáo dục này được thực hiện, cũng như trách nhiệm của các giáo viên, những người gánh nặng đã đủ nặng nề. Một sự phát triển tổng thể của đứa trẻ chỉ có thể đạt được khi có sự liên hệ đúng đắn giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh. Vì người giáo dục không thể nhượng bộ trước những tưởng tượng nhất thời hay những đòi hỏi cố chấp của phụ huynh, họ cần phải hiểu rõ người giáo dục và cộng tác với anh ấy, và không tạo ra xung đột và hoang mang trong con cái của họ.