Cuộc sống hiện đại và phát triển đem lại cho chúng ta nhiều thứ và tất nhiên trong đó có cả sự vội vã, âu lo đến điên cuồng. Ghi chép về một hành tinh âu lo của tác giả Matt Haig sẽ là thước phim chân thực hơn bao giờ hết về cuộc sống xung quanh cùng với những tác động của nó tới chúng ta. Sau cùng, chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống, thế giới cũng chỉ có một mà thôi, nhưng thế giới của chúng ta sẽ vận hành như thế nào lại tùy thuộc vào cá nhân mỗi người.
Bạn đã bao giờ căng thẳng về vấn đề tài chính, tiền bạc chưa?
Bạn đã bao giờ căng thẳng về những áp lực trong công việc chưa?
Bạn đã bao giờ căng thẳng với chính bản thân mình chưa?
Thành thật đi nào. Chẳng ai trong số chúng ta sống yên bình, thong thả trong xã hội này cả. Xã hội hiện đại giống một cái vòng xoay khổng lồ của công việc, của những tiến bộ, thậm chí là của chính con người chúng ta. Nó khiến chúng ta quay cuồng quẩn quanh với công việc, áp lực, gánh nặng, cuộc sống,... Để tồn tại trong đó, con người luôn phải gánh gồng mọi thứ. Đó có lẽ là nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng. Trong cái thế giới căng thẳng này, mỗi giai đoạn trong đời, được ví như một chiếc băng chuyền khổng lồ, theo một khuôn mẫu định sẵn. Và con người chỉ là những hình nhân nhỏ bé trải qua các giai giai đoạn một cách máy móc từ đi học, có gia đình và kết lại ở cái chết. Cứ thế lặp đi lặp lại theo khuôn mẫu. Một cuộc sống “máy móc” và không có nhiều biến động đúng như Matt Haig miêu tả trong cuốn sách Ghi chép về một hành tinh âu lo của mình:
Khi tiến bộ quá nhanh, nó có thể khiến hiện tại giống như một tương lai kéo dài và tiếp diễn [...] Và xã hội khuyến khích chúng ta mong muốn trạng thái này. Chấp nhận tương lai và buông bỏ quá khứ [...] Đây là một công thức gần như hoàn hảo cho bất hạnh.
Những tưởng cuộc sống được ví như những băng chuyền tự động hóa ấy chẳng có gì khiến con người phải lo nghĩ. Nhưng, cuộc sống của chúng ta vẫn có những gánh nặng vô hình không phải ai cũng thấy. Ngay cả ở trường học, nơi được ví như thiên đường tri thức, giờ đây cũng trở thành gánh nặng lên vai các cô bé cậu bé học trò. Gánh nặng từ “trường chuyên lớp chọn”, gánh nặng điểm số, thành tích cho gia đình-nhà trường-xã hội, và cả “con nhà người ta” nữa. Người lớn luôn nghĩ rằng mình đang tạo điều kiện cơ hội tốt nhất cho con, mong muốn con học cao thành tài. Nhưng ít ai biết rằng, rất nhiều bậc phụ huynh đang cắt đi đôi cánh của con mình, thay vào đó là gánh vác những thứ được gọi là “danh tiếng” lên vai những đứa nhỏ. Liệu đó có phải là điều “tốt đẹp” nhất mà họ mong muốn dành cho con mình?
Tuổi nhỏ có những căng thẳng của tuổi nhỏ. Lớn dần lên, dường như sự căng thẳng ấy cũng được nhân lên theo cấp số nhân. Áp lực từ công việc, cuộc sống, gánh nặng tài chính, sự nghiệp, rồi đủ những lời chê bai “từ trên trời rơi xuống” cũng đè nặng lên đôi cánh của những người trẻ. Rụt rè, tự ti, cảm thấy bản thân vô dụng, rơi vào trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết để giải thoát,... là những hiện thực đã và đang diễn ra ở nơi mà thời gian cũng trở nên bất lực với nhịp sống hối hả đến căng thẳng của xã hội ngày nay. Bức tranh toàn cảnh về thế giới trong Ghi chép về một hành tinh âu lo được tác giả Matt Haig vẽ nên từ những chất liệu thật nhất, gần nhất. Trong bức tranh ấy, người ta sẽ cảm nhận được những gam màu tối - hiện thực mà nhân loại đang trải qua, bên cạnh những gam màu tươi sáng - những tiến bộ và thành tựu của xã hội loài người.
Điều duy nhất chúng ta nên sợ chính là nỗi sợ.
Thay vì trốn tránh nỗi sợ, Matt Haig trực tiếp đề cập về nó thông qua lăng kính của mình. Và bức tranh hiện thực về nỗi sợ ấy được lột tả chi tiết qua từng trang sách trong Ghi chép về một hành tinh âu lo.
Con người càng được giải thoát khỏi thiếu thốn - khi ngày càng nhiều điện báo, điện thoại, tạp chí xuất hiện - thì sẽ có ngày càng nhiều cách để lan truyền những lời nói dối và đạo đức giả, con người sẽ ngày càng trở nên bất hòa và đau khổ hơn. Đây chính là hiện thực đang diễn ra mà chúng ta phải chứng kiến.
Cuộc sống vốn dĩ không phải màu hồng. Nó là tập hợp của những mảng sáng tối đan xen. Điều đáng buồn là hiện nay, dường như những mảng tối, những nỗi sợ đang dần xâm chiếm cuộc sống của loài người... Những nỗi sợ cứ dần xếp chồng lên nhau: sợ mất bạn bè, sợ tình yêu, sợ quá khứ, sợ bị người khác phán xét, chỉ trích, sợ đám đông,... Rất nhiều và rất nhiều những nỗi sợ khác đang bủa vây cuộc sống của con người, đặc biệt là giới trẻ. Có lẽ những người trẻ của thế kỷ 21 - những người sinh ra và lớn lên cùng Internet, smartphone và mạng xã hội - đang phải đối diện với màn đêm sâu thẳm hơn, vô định hơn, khi giai đoạn trưởng thành của chúng ta cộng hưởng thêm nỗi sợ mới: nỗi sợ Internet.
Internet là thứ đầu tiên chính tay loài người dựng nên mà không hoàn toàn thấu hiểu - thí nghiệm hỗn loạn nhất mà chúng ta từng có.
Người trẻ luôn sống cùng nỗi băn khoăn và sợ hãi vô hình về sự tồn tại của chính mình, bởi đơn giản, chúng ta có thêm một môi trường hiện diện mới: thế giới mạng. Và một lần nữa, Matt Haig đã tái hiện lại chân thực, từng mảng tối trong thế giới ấy - nơi mà con người sống trong đó nhiều hơn cả thế giới thực - chỉ với gần 300 trang sách của Ghi chép về một hành trình âu lo.
Thực tế chứng minh rằng, thế giới mạng là nơi cực kỳ nguy hiểm. Phân tích thêm các nỗi lo sợ bắt nguồn từ Internet, có thể thấy thế hệ trẻ chúng ta vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm của chính mình. Mạng xã hội tiềm ẩn nhiều mối đe dọa. Những kẻ bắt nạt ngoài đời có khi còn ít đáng sợ hơn những kẻ bắt nạt trên mạng. Bạo tinh thần cũng ngày càng nghiêm trọng hơn. Vô hình chung, điều này trở thành những áp lực vô hình, trở thành những nỗi sợ luôn tồn tại trong mỗi cá nhân. Chúng ta sợ bị bỏ lại, sợ hãi khi bị xem là lạc thời, sợ những lời phán xét, chê bai, chỉ trích từ “ai đó” mà thậm chí ngay đến chính mình cũng không biết đấy là ai...
Và sau cùng, không có nỗi sợ nào kinh khủng bằng nỗi sợ “không thành công” - điều mà các nhà xã hội học cho rằng đây chính là căn bệnh của thời đại. Định nghĩa thế nào là thành công thời nay cũng đã thay đổi rất nhiều. Ngoài việc đạt được những thành tựu về vật chất hay sự nghiệp, giờ đây thành công còn hàm chứa cả nhu cầu được công nhận, được xã hội và người đời ngưỡng mộ. “Thất bại là mẹ thành công” cho đến tận hiện tại vẫn là câu nói tạo động lực nhất với mỗi người. Tuy nhiên, bên cạnh đó, thất bại còn là thú vui để mọi người bàn tán. “Có thế mà không làm được?”, “Học chưa xong còn đú đởn khởi với chả nghiệp”, “Học nhiều làm gì, khởi nghiệp cũng có thành công đâu”, “Có tiền mới làm gì cũng xong thôi”, “Làm quân chưa xong còn đòi làm tướng, hão huyền”... Đây là một vài comment trong số vài nghìn comment khác trên các trang mạng xã hội tôi đọc được về một bạn sinh viên chia sẻ thất bại trong lần khởi nghiệp đầu đời. Chưa bao giờ tôi nhận thấy ngôn từ lại có uy lực mạnh mẽ đến thế. Nó có khả năng cắt đi một đôi cánh, đẩy con người ta vào góc tối nhất. Nhìn vào sự thật ấy, ta chợt nhận ra cách mà thế giới mạng đang điều khiển chúng ta, mang đến vô số hệ lụy chua chát.
Để cách ly bảo vệ tâm trí của mình khỏi hành tinh âu lo này, đúng như Matt Haig đã chia sẻ:
Đừng khiến tâm trí lộn xộn với những phiên bản tưởng tượng của bản thân bạn, trong các vũ trụ song song, nơi bạn đưa ra những quyết định khác nhau. Thời đại Internet khuyến khích chúng ta lựa chọn và so sánh, nhưng đừng làm vậy với bản thân mình.
Mạng internet luôn luôn là con dao hai lưỡi. Đó có thể là đồng minh của chúng ta, cứu rỗi tâm hồn chúng ta trong hành tinh hỗn loạn này. Nhưng đó cũng có thể là kẻ thù, đẩy chúng ta vào những góc tối nhất, sâu nhất, mà đôi khi chúng ta không thể thoát ra được. Những lời nói, có thể là động lực cũng có thể là mũi dao. Điều chúng ta cần đảm bảo rằng chính bản thân mình - chứ không phải là công nghệ, hay là những nhà thiết kế, kỹ sư hay bất cứ ai đã và đang thao túng cảm xúc của ta - là người đứng ra lựa chọn đường đi cho chính mình.
Chỉ có duy nhất một góc nhỏ trong vũ trụ này mà chắc chắn bạn có thể cải thiện được: Đó chính là chính bản thân bạn.
Đến đây, tôi mới chợt nhớ đến câu hỏi mà tác giả Matt Haig đề cập xuyên suốt cuốn sách của mình: “Làm thế nào để chúng ta sống sót và không phát điên trong một thế giới đảo điên?”. Câu trả lời nằm chính trong những ghi chép của ông về hành tinh âu lo này, đó là chính chúng ta. Bạn mong chờ một cánh tay đưa ra, kéo bạn khỏi những vũng lầy trong thế giới điên đảo đầy lo âu này ư? Rất tiếc, không ai có lòng tốt đến vậy cả. Sẽ chẳng có ai có thể giúp bạn đứng vững trong thế giới này ngoài chính bạn. Cách duy nhất để chiến thắng tất cả những nỗi sợ đó chính là tin tưởng chính mình và thẳng thắn đối mặt với nó. Hãy xác định bản chất của nỗi sợ và tìm cách tháo gỡ nó. Đừng xem nhẹ nỗi sợ, vì nó là mầm mống của những thứ tồi tệ hơn như trầm cảm và rối loạn nhân cách. Hãy đối xử với nỗi sợ của bạn như một vết thương. Cần quan sát và điều trị cho đến khi vết thương khép miệng, trả lại cho bản tinh thần lành lặn thực sự.
Và căn bản hơn hết, ta cần có được sự cân bằng và an tâm về mặt tinh thần trong một thế giới không ngừng biến động. Matt Haig đã khuyên chúng ta như thế này:
Có thể bạn là một phần của hành tinh. Nhưng, cũng vậy, hành tinh là một phần của bạn. Và bạn có thể chọn cách đối xử với hành tinh này. Bạn có thể thay đổi những phần xâm nhập vào tâm trí. Đúng, theo một nghĩa nào đó, thật dễ dàng để nhận thấy hành tinh này đang có những triệu chứng như một cá nhân đang mắc chứng rối loạn âu lo, nhưng có nhiều phiên bản khác nhau của thế giới. Có tận bảy tỷ phiên bản của thế giới. Mục đích chính là để tìm được một thế giới phù hợp với bạn nhất.
[...]
Khi chúng ta nhận thức được cuộc sống hiện đại đang khiến ta cảm thấy như thế nào, khi chúng ta cho phép thực tế đó diễn ra, và khi chúng ta đủ rộng lượng để thay đổi lành mạnh hơn, chúng ta có thể kết nối với thế giới tươi đẹp mà không phải lo lắng về việc đánh mất chính mình.
Khám phá thế giới và chính mình, lắng nghe trái tim và đi theo con đường mà chúng ta lựa chọn. Và quan trọng hơn cả, chúng ta cần duy trì những mối quan hệ “healthy & balanced” nhất như gia đình, bạn bè, như một ai đó ta hằng yêu thương. Nhất định phải có một ai đó để ta có thể trò chuyện, giãi bày những vấn đề của bản thân, để dựa vào mỗi khi ta yếu đuối kiệt sức,... Đừng làm một người lạnh lùng, đừng cố tỏ ra lạnh lùng. thay vào đó, hãy ở bên những người ấm áp, bởi bản chất cuộc sống là ấm áp mà. Chỉ khi bạn chết. bạn mới lạnh lẽo thôi. Hãy mở lòng lắng nghe, chia sẻ với những người bạn tin tưởng nhé. Trên hành tinh trưởng thành, cách hiệu quá nhất để vượt qua mọi hố thẳm sợ hãi, mọi hố đen căng thẳng, đơn giản là sống thật. Đó là những lời khuyên chân thành từ Matt Haig đến chúng ta thông qua Ghi chép về một hành trình âu lo, đặc biệt là những người trẻ đang quay cuồng trong thế giới thật lắm âu lo, căng thẳng này.
Mình lắng nghe lời thì thầm của biển cả.
Và mình cũng phải nói thêm với bạn rằng.
Ngay cả những người khác trên bờ biển cũng chẳng quan tâm đến cơ thể của bạn đâu. Không hề nhé.
Họ đang chiêm ngưỡng biển khơi, hoặc đang bị ám ảnh bởi vẻ ngoài của chính họ. Kể cả khi họ đang nghĩ về bạn, thì bạn quan tâm làm gì nhỉ? Tại sao loài người lại quan tâm quá nhiều đến ý kiến của một người lạ?
Sao bạn không làm như mình nè? Để sóng cuốn đi. Cho phép bản thân sống thật với chính mình.
Hãy sống.
Như bãi biển vậy.
Đó là lời tâm sự của biển và cũng chính là lời nhắn nhủ của tác giả Matt Haig về những âu lo, căng thẳng trong một thế giới đầy âu lo, căng thẳng. Ghi chép về một hành tinh âu lo không chỉ là những ghi chép về hiện thực cuộc sống hiện đại, đó còn là những mảng sáng tối, những lời khuyên chân thành để con người, đặc biệt là thế hệ trẻ, tìm được một thế giới phù hợp với mình nhất.
Tác giả: Thu Trang - Bookademy
Hình ảnh: Thu Trang - Bookademy
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan toả văn hoá đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “Tên tác giả - Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Cuốn sách này là những ghi chép của tác giả về tác động của thế giới hiện đại, đặc biệt là mạng xã hội lên đời sống và sức khoẻ tâm lý của mỗi người. Rõ ràng là hành tinh này ngày càng vội vã và luôn ngập tràn lo âu, nhưng không phải ai cũng nhận ra nguyên nhân khiến mình căng thẳng, mệt mỏi, stress và tỉ tỉ căn bệnh không tên khác. Từ bức tranh toàn cảnh về một thế giới âu lo, tác giả dần cụ thể lý do vì sao mà chúng mình ngày càng quá tải, những tin tức với cái tít giật gân khiến mình bận tâm ra sao, và điện thoại khiến mình mất kết nối với thực tại như thế nào. Phần cuối, cũng như Những điều giữ tôi còn sống, là những cách “chữa lành tâm trí” và tìm bình yên giữa cuộc đời đảo điên.