Ai ai trong chúng ta, dù mới sinh ra hay khi đã về già, đều sống để làm việc. Công việc đầu tiên kể từ khi cất tiếng khóc chào đời của mỗi chúng ta là làm người, sau đó là làm dân và cuối cùng là làm việc. Lựa chọn của mỗi người đối với từng công việc đó, sẽ vẽ nên bức tranh của cuộc đời họ, quyết định cuộc đời của họ có viên mãn hay không. Nếu bạn đang mông lung trên hành trình tự lực khai hoá (theo cách nói của nhà văn hoá Phan Châu Trinh) – hành trình tự hoàn thiện chân – thiện – mĩ, thì Đúng việc của Giản Tư Trung chính là chiếc chìa khoá cho bạn.

Đúng việc phân biệt đúng hay sai dựa vào cách tiếp cận định nghĩa lại mọi thứ và trả lại chân giá trị cho mọi vấn đề. Với Đúng việc, bạn sẽ được cung cấp vô vàn định nghĩa với các góc nhìn khác nhau cũng như các ví dụ rất thực tế và gần gũi với cuộc sống thường ngày.

Con người là một sinh vật luôn đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, của mọi thứ (Plato) 

Con người luôn trăn trở, khao khát tìm ra câu trả lời cho mục đích sống của mình. Sống để làm gì? là câu hỏi mà ngày ngày mỗi người đều kiếm tìm. Vì thế, điều khác biệt cơ bản nhất giữa con người và các loài vật khác là “lẽ sống” – là thứ mà anh ta luôn hướng tới. Như hoa hướng dương luôn hướng về mặt trời, thiếu lẽ sống, anh ta chỉ sống một cuộc đời trong hình hài của một con người nhưng vô hồn, không khác gì vật vô tri vô giác. Ngoài ra, con người vẫn luôn sống và đấu tranh cho lẽ phải.


 

Biết bao người dân Mĩ đã ngày ngày diễu hành phản đối chiến tranh tại Việt Nam, vì họ thấy được sự vô lý của cuộc chiến này cũng như sự tàn bạo của chiến tranh nói chung.

Hai phẩm giá mà con người đúng nghĩa, hay “con người tự do” có là tự trọng và tôn trọng.


 

Thật vậy, những người tự trọng sẽ luôn giày vò bản thân khi đi ngược lại lẽ sống, với những gì họ cho là đúng hơn là đối diện với luật pháp hay sự phán xét của dư luận bên ngoài. Ví dụ, “Tôi không nhận phong bì vì tôi cảm thấy đó là điều sai trái, dù rằng tôi đang cần tiền và dù tôi có nhận thì hoàn toàn không sao, vì ai cũng nhận phong bì trong phòng của tôi.” Vì vậy, người tự trọng, tự trị khó có thể làm điều xấu, dù cho không có ai biết việc họ làm. Đồng thời, họ vẫn sẵn sàng làm điều tốt dù không được công nhận, không có ai biết đến. Còn “tôn trọng” ở đây là tự do được làm mọi thứ mà mình muốn. Tuy nhiên, nếu sự tự do ấy xâm phạm quyền lợi của người khác, thì sự tự do ấy cần phải hạn chế. Ví dụ, bạn có thể hút thuốc, nhưng nếu đó là nơi công cộng, có rất nhiều người sẽ phải hút thuốc bị động theo bạn, và có nguy cơ bị các bệnh về phổi, thì bạn không nên hút thuốc. Tự do của một người không thể bị hạn chế với lý do nó sẽ khiến người đó hạnh phúc hơn. Bởi mỗi người có quan điểm về hạnh phúc khác nhau. Có người quan niệm thế này là hạnh phúc, nhưng với người khác thì không phải. Tôi thấy lên giường đi ngủ mỗi tối là một loại hạnh phúc, nhưng với cú đêm thì lại khác. Vì thế, không ai có quyền ngăn cấm người khác làm gì vì hạnh phúc của bản thân người đó.

Để làm người tự do, chúng ta cần rèn luyện năng lực khai phóng và năng lực khai tâm. Năng lực khai phóng, nôm na là để cho ánh sáng của sự đúng đắn, của lương tri quét sạch sự tăm tối của con người giáo điều, ấu trĩ bấy lâu nay. Chúng ta cần phải giữ một cái đầu sáng, có tư tưởng đúng đắn, bởi người ta từng nói “Tư tưởng quyết định số phận”. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta phải gạt bỏ ước muốn sang một bên để thực hiện những điều đúng đắn, mà cần khai thông quan niệm của chính mình. Nếu ta có những quan niệm đúng đắn về những vấn đề hệ trọng, và cả đời bám lấy quan niệm đó thì chúng ta sẽ có một cuộc đời như ước nguyện, còn nếu ngược lại, chúng ta mang trong mình những quan niệm sai lầm, lệch lại, thì cuộc đời không biết sẽ ra sao? Còn khai tâm, đơn giản là một trái tim “có hồn”, biết rung rinh trước cái đẹp, biết phẫn nộ trước cái xấu, biết thổn thức trước những oan khuất, nỗi đau. Có lẽ chưa bao giờ mà sự vô cảm lại tràn lan một cách đáng sợ trong giới trẻ hiện nay. Ngày ngày chúng ta vẫn bắt gặp các vụ tai nạn xe nhưng phần đông người đi đường nán lại chỉ đứng nhìn, chứ rất ít người thực sự bước xuống giúp đỡ người bị nạn. Hay trên xe buýt, thật buồn khi thấy không có ai nhường chỗ cho phụ nữ có thai, người già và trẻ em. Albert Einstein đã từng nói: Thế giới trở nên nguy hiểm không phải bởi những kẻ gây ra tội ác, mà là vì những người chỉ đứng nhìn mà không làm gì cả. Vì vậy, nếu bạn quan niệm sống cuộc đời không làm gì xấu xa nhưng lại giữ thái độ vô tâm thì cũng không thực sự là vô hại, vì nó rất gần với vô cảm, thậm chí là vô minh.

Tác giả đưa ra mô hình Ta là sản phẩm của chính mình, động viên người đọc chọn một hệ quy chiếu đúng đắn (gần với tự do, chân lý) để nhìn nhận cuộc đời. Mô hình gồm 5 phần: Khai phóng bản thân, Tìm ra chính mình, Làm ra chính mình, Sống với chính mình và cuối cùng là Giữ được chính mình.

Ai cũng mang trong mình quốc tịch của riêng mình, nên công việc tiếp sau làm người là làm dân.

Theo Giản Tư Trung, Quyền Hiến định là những quyền do Hiến pháp quy định, quyền Luật định là những quyền do Luật pháp quy định. Còn quyền Mặc định tức là những quyền tự nhiên, hiển nhiên, do tạo hoá ban cho con người khi sinh ra. Khác với nhân dân, Nhà nước không có quyền mặc định, vì “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, mọi quyền lực của Nhà nước đều thuộc về nhân dân và chính từ nhân dân mà ra. Và nhân dân tạo ra mỗi Nhà nước là để Nhà nước đó phục vụ mình, bảo vệ các quyền của mình, nhất là quyền mặc định của mình. Tổng thống Mĩ Obama đã từng nói: Là Tổng thống của Hoa Kỳ và Tổng Tư lệnh của quân đội, tôi chấp nhận rằng mọi người sẽ réo tên tôi như những thứ xấu xa mỗi ngày – và tôi sẽ luôn luôn bảo vệ quyền để họ làm vậy. Như vậy, ta có thể thấy, nếu một chính quyền sợ tư do ngôn luận và tự do học thuật tức là chính quyền đó sợ chân lý, sợ sự thật. Và chỉ có những chính quyền dối trá, xấu xa thì mới sợ “giấu đầu lòi đuôi” như vậy.

“Nô dân”, “thần dân” và “công dân”

Một công dân đúng nghĩa sẽ có hiểu biết về phẩm chất của một con người tự do, tự trị, về hiện trạng xã hội cũng như chính trị của đất nước, và biết cách làm thế nào để quản trị xã hội mình đang sống một cách đúng đắn. Khác với công dân, thần dân và nô dân không hề quan tâm đến vấn đề nà. Anh ta xem đó dường như là việc của người khác chứ không phải của mình, chỉ chờ đợi để nghe theo lệnh.

“Dân trí”, “dân quyền” và “dân sinh”



“Dân trí” là con đường bắt buộc phải cải thiện nếu muốn có “dân quyền” và “dân sinh”. Tất cả phải bắt đầu từ “dân trí”, mà dân trí của mỗi người thì bắt đầu từ năng lực khai phóng của chính bản thân họ.

Chương ba của sách bàn luận về “Làm việc”. Thật vậy, ai trong chúng ta cũng có một (hoặc một số) nghề nghiệp và dành một nửa cuộc đời sống với nghề nghiệp đó. Tuy nhiên, những người hạnh phúc thường không phải là những người không kiếm tìm được niềm vui trong công việc. Hay nói cách khác, “đạo sống” và “đạo nghề” của một người nếu không hoà quyện thì khó để người đó có một cuộc đời trọn vẹn. “Đạo sống” (làm người) là những giá trị ta lựa chọn theo đuổi trong cuộc đời, còn “đạo nghề” là lý tưởng nghề nghiệp. 



Nghề nghiệp mình chọn phản ánh con người của chính mình. Ta chọn nghề ca sĩ vì muốn được ca hát cho mọi người theo đúng đam mê cháy bỏng hay bị sự nổi tiếng cám dỗ? Ta chọn nghề giáo viên vì muốn được truyền tải kiến thức đến mọi người hay muốn được thị uy với học sinh?...

“Đạo nghề” chính là “đạo sống” trong công việc. Làm việc không có lý tưởng nghề nghiệp cũng giống như sống không có mục đích. Đáng buồn thay trong xã hội ngày nay, ta bắt gặp được vô vàn trường hợp mà người làm nghề lại chệch khỏi rất xa khỏi “đạo nghề”. Chẳng hạn như cảnh sát giao thông thay vì điều khiển giao thông lại chỉ “núp lùm” vòi tiền phạt của dân. Hay bác sĩ cũng vòi tiền người bệnh thay vì nhiệm vụ chính là chữa bệnh cứu người,…

Bạn có thể bắt đầu bằng hai câu hỏi:

-  Mình có đang hiểu đúng và làm tốt sứ mệnh của nghề / việc đó không?

-  Việc mà mình chọn có phù hợp với con người của mình không?

Chương này sẽ nêu ra chân dung một số nghề dưới hình thức cặp đối ngẫu để người đọc có thêm góc nhìn, những đối sách cần thiết, cũng như tự mình chiêm nghiệm ra đâu là cái “đạo” của nghề đó.

Cuối cùng, tác giả đưa thêm một công việc, coi như là quà tặng thêm cho độc giả là “làm giáo dục”, bàn luận về năm chủ thể trong hệ thống giáo dục: nhà nước, nhà trường, nhà giáo, gia đình và người học. “Công cuộc đổi mới giáo dục chỉ có thể thực sự diễn ra khi mỗi chủ thể giáo dục hiểu rõ công việc của mình, đồng thời biết giành lấy quyền vốn có của mình và trả lại quyền cho các chủ thể khác.

LỜI KẾT

Dù cho làm người, làm dân hay làm việc thì mục tiêu cuối cùng của đời người cũng là sống một cuộc sống hạnh phúc. Với những phân tích và đề xuất tưởng chừng như đơn giản mà lại rất khó, nếu bạn hướng tới tự hoàn thiện mình thành một “con người tự trị” và đảm bảo thực hiện được điều đó, thì Đúng việc hoàn toàn là một cuốn sách dành cho bạn. Hãy thử đọc và thử làm theo các đề xuất của Giản Tư Trung, rất nhanh thôi bạn sẽ đạt được hạnh phúc trong cuộc đời của mình!

Tác giả: Mei Hoàng - Bookademy 

----------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/

Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng kí tại link: http://bit.ly/2Hxkazt

Xem thêm

Chiều nay tôi bắt gặp 1 cảnh tượng rất dễ thương. Em bé cỡ vài tháng tuổi (tôi đoán vậy vì em vẫn còn mang vớ, chưa đủ tuổi mang giày hihi...) được bố mẹ chở bằng xe máy đi trên đường. Mẹ bồng em nằm ngửa nên đôi chân của em thò ra ngoài. Một chân mang vớ, còn chân kia không mang vớ và mấy ngón chân cứ ngọ nguậy liên tục, nhìn hết sức vui vẻ. Có thể có người bảo rằng bố mẹ em vô tâm, con bị rớt vớ mà không biết, hoặc đểnh đoảng quá mức đến nỗi bồng con ra đường mà chỉ mang cho con 1 chiếc vớ. Tôi nghĩ khác, biết đâu bố mẹ mang đủ cho em 1 đôi vớ, nhưng đi trên đường, phát hiện 1 chiếc rớt từ lúc nào nên bố mẹ đành để nguyên vậy, chạy tiếp. Tôi thích ý nghĩ thứ 2 của tôi hơn vì nó làm mọi thứ trở nên nhẹ nhàng, thông cảm với bố mẹ có con nhỏ. Hơn nữa, không nhờ 1 chiếc vớ thất lạc thì tôi chẳng được thấy bàn chân nhỏ xinh cùng mấy ngón chân tròn xoe cứ liên tục co duỗi, thiệt vui làm sao. Nghĩ về em bé ra đường chỉ mang 1 chiếc vớ, tôi chợt nghĩ, có ai cảm thấy kỳ cục nếu em bé chỉ mang 1 chiếc vớ thay vì 1 đôi vớ không? Nếu là người lớn đi ra đường chỉ mang 1 bên giày dép, bên kia đi chân không, chắc chắn bị người khác bảo hâm, thần kinh có vấn đề, trí nhớ bị trục trặc hoặc nhẹ nhất là cũng chọc ghẹo cười ầm ĩ. Dám chắc chẳng có người lớn bình thường nào đủ dũng cảm ra đường mà chỉ 1 mang chiếc giày/dép thay vì 1 đôi giày/dép. Chẳng may, người lớn trong lúc đãng trí, mang nhầm chiếc này chiếc kia cũng là 1 chuyện mắc cỡ, ngượng ngùng và hẳn người lớn chỉ muốn mau chóng quay về nhà thay giày dép. Trong khi em bé hoàn toàn ngược lại. Em không quan tâm chuyện mình chỉ mang 1 chiếc vớ. Em chẳng cần biết người ta nghĩ gì khi thấy đôi chân chiếc có chiếc không của mình. Và người khác cũng sẵn sàng cười xòa bỏ qua chuyện em bé mang có 1 bên vớ. Nói chung, em bé miễn nhiễm với suy nghĩ của người lớn và người lớn thì tự nguyện cho phép em bé đặc quyền được khác biệt so với mình (mình ở đây tức là người lớn). Không chỉ bàn luận về chuyện làm người, cuốn Đúng việc còn bàn luận về chuyện làm dân và làm việc bởi ai mà chẳng phải công dân của 1 quốc gia nào đấy và có 1 nghề nghiệp để sinh nhai. Làm dân và làm việc cũng là 2 vấn đề được trình bày khá thú vị với góc nhìn mới mẻ. Và quan trọng hơn, cách viết của thầy Giản Tư Trung rất đơn giản, dễ hiểu, thực tế cùng những ví dụ rất gần gũi với đời sống xã hội Việt Nam. Đó cũng là điểm thu hút của cuốn sách bàn luận về 3 vấn đề có to tát nhưng không xa lạ. Tóm lại, tôi chỉ muốn nói, nếu bạn còn đang băn khoăn mục đích bạn xuất hiện ở trái đất này, có lẽ bạn nên bắt đầu tìm hiểu về 3 công việc cơ bản nhất của con người (làm người, làm dân, làm việc) bằng cách đọc Đúng việc. Như thường lệ, tôi xin trân trọng nhắc lại, quyết định thế nào là ở bạn.

Nhìn chung cuốn này đọc có phần vĩ mô. Bạn nào đang cần tìm một cuốn bàn về giáo dục, tư tưởng, tư duy thì nên đọc. Sách không chỉ bạn làm gì cả, sách chỉ khơi gợi và cho bạn suy nghĩ về chính mình, về xã hội này, về đất nước này, về bản thân và về mầm non tương lai của đất nước. Đọc xong, bạn sẽ mệt. Mệt vì thấy làm người sao khó quá. Mệt vì cảm thấy được những nhức nhối trong xã hội hiện tại mà tác giả đề cập đến, phần nhiều về giáo dục - vì tác giả là nhà giáo. Chương 1 bàn về làm người. Nếu ai đang cảm thấy chênh vênh giữa việc chọn sống đúng và sống dễ, cần có động lực để sống giống bản chất bên trong, hãy đọc. Nó sẽ cổ vũ cho bạn nhiều. Chương cuối, bàn về giáo dục. Cụ thể là về trách nhiệm của nhà trường, nhà giào, nhà mẹ, người đi học, nhà nước...Các chương khác nói về công dân một nước nên có phần vĩ mô. Dù sao muốn làm "thằng đàn ông sống trong trời đất" nên nên đọc để thấy mình thiếu sót nhiều. Đọc để sau này dạy con. Tác giả có nói một câu mình tâm đắc, đại khái là: Bạn có thể chưa tìm ra cách để thay đổi, dù bạn biết bạn đang không đúng, nhưng cả việc bạn suy nghĩ về điều đó, bạn đã bắt đầu đi trên con đường khai minh.

Tôi tìm đến cuốn ĐÚNG VIỆC sau khi xem một vài chia sẻ của bạn bè và xem video chia sẻ của tác giả Giản Tư Trung. Trên quan điểm cá nhân, tôi xem ông là một người có tư tưởng văn minh và tiến bộ trong công cuộc toàn cầu hóa và hợp tác hiện nay. Để một người Việt Nam nói riêng và gia đình Việt Nam nói chung có thể tự tin nói chuyện với những người bạn nước ngoài thì bắt buộc anh phải có tác phong và tư duy của một người văn minh, có những nét văn hóa được thế giới ngưỡng mộ và đáng học hỏi. Đúng việc góp một phần quan điểm cho bạn trẻ nói riêng và độc giả mọi lứa tuổi nói chung về việc mọi người nên tích cực học tập và lấy trí thức, là cái hiểu biết về khoa học - xã hội - văn hóa, làm phương tiện tiến tới văn minh hơn, hiểu biết hơn. Đó có thể xem lấy việc tích cực học tập làm gốc cho phát triển bản thân. Cuốn sách chia làm bốn phần: 1. Làm người 2. Làm dân 3. Làm việc 4. Làm giáo dục Mỗi phần nói về một nhóm đối tượng khác nhau và để có một tổ chức hoạt động tốt thì mỗi nhóm chỉ cần làm tốt công việc của mình trong nhóm công việc đó. Tác giả cũng nêu rõ những quan điểm trong từng nhiệm vụ của nhóm nhiệm vụ, trong đó mỗi công dân đều nằm trong 4 nhóm đối tượng này, ai cũng cần làm người, làm dân và làm việc trừ một vài trường hợp khác thường mà thôi. Và cuối cùng là việc làm giáo dục tác giả đề cập tới vai trò của nhà trường, của gia đình, của người học của nhà nước và những ví dụ để thấy mỗi bộ phận tốt sẽ góp phần tạo nên một công dân tốt, mỗi bộ phận không tốt sẽ góp phần không chỉ làm một công dân không tốt mà còn ảnh hưởng tới nhiều người xung quanh, đặc biệt là người trẻ. Trong khuôn khổ của cuốn sách cũng như việc xuất bản hay trong bối cảnh chung có thể bị hạn chế ít nhiều nhưng cuốn sách của tác giả cũng góp phần nào cho người đọc có một cái nhìn tốt hơn về định hướng giáo dục cho bạn trẻ cũng như mỗi người tự tìm cho mình một câu trả lời cho câu hỏi: Vậy học để làm gì?