Đời ngắn đừng ngủ dài của tác giả Robin Sharima là một quyển sách hay với những triết lý sâu sắc mà tác giả muốn gửi đến người đọc. Là một người trẻ chúng ta cần làm gì? Hãy nắm bắt cơ hội hành động đừng bỏ lỡ bất cứ lúc nào vì thời gian luôn là vô giá và hãy hành động khi ta có thể.

Đôi nét về tác giả


LL.B, LL.M là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về huấn luyện nghệ thuật lãnh đạo và phát triển bản thân, với triết lý cốt lõi của ông là lãnh đạo không cần chức danh và thoải mái phát huy cao nhất năng lực của mình. 

Ông là tác giả của 8 cuốn sách best seller trên thế giới, trong đó có The Monk Who Sold His Ferrari (được dịch ra 55 thứ tiếng), The Leader Who Had No Title và Who Will Cry When You Die?. Robin đứng trong top 2 của cuộc khảo sát độc lập do trang leadergurus.net thực hiện để đánh giá ảnh hưởng của những nhà tư tưởng lãnh đạo trên toàn thế giới. 

Ông là nhà sáng lập của Sharma Leadership International Inc., một công ty đào tạo với nhiều khách hàng nổi tiếng như FedEx, GE, IBM, Microsoft, Nike và Đại học Yale. 

 

Hãy là chính mình 


Warren Buffet từng nói: “Không bao giờ có ai giống bạn.” Một ý tưởng rất thâm thúy. Một con người khôn ngoan. Không bao giờ có ai giống như tôi. Và không bao giờ có ai giống như bạn. Sẽ có người cố gắng bắt chước cách bạn suy tư, nói năng, hành động. Nhưng dù cố gắng hết sức họ cũng chỉ đứng hàng thứ hai mà thôi. Vì bạn là duy nhất. Một bản thể duy nhất tồn tại hôm nay. Giữa hàng tỷ người khác. Hãy dừng lại và nghĩ về điều này. Bạn chợt nhận ra mình đặc biệt. Không, rất đặc biệt mới đúng. Và không thể có ai tranh giành được. 

Thế thì hôm nay, bạn làm gì khi bước vào thế giới cần những con người thể hiện vượt trội trong cuộc sống từ trước đến giờ? Bạn đã bộc lộ hết mọi khả năng tiềm ẩn chưa? Bạn đã tiết lộ con người chân thật của mình chưa? Bạn có là chính mình? Hãy tự hỏi. Bởi vì không còn lúc nào thể hiện chính mình tốt hơn lúc này. Và nếu không phải bây giờ, thì khi nào? Tôi nhớ đến lời của triết gia Herodotus: “Thà chấp nhận rủi ro phải gánh chịu một nửa những chuyện xấu mà ta từng dự đoán trước, còn hơn giữ mãi sự vô danh hèn nhát vì sợ những điều có thể xảy ra.” Một lời nói tuyệt đẹp.


Học từ lỗi lầm 


Gây lỗi lầm là điều bình thường. Chúng ta là con người, và lỗi lầm cho ta cơ hội học hỏi, lớn lên. Vấn đề là đừng gây thêm lỗi lầm như thế lần nữa. Nó chứng tỏ bạn đi ngược lại với bài học dành cho bạn. Bạn không lắng nghe cuộc đời. Bạn không chú ý gì hết. 

Trong Điều vĩ đại đời thường, tôi đã kể câu chuyện mình đánh mất cơ hội gặp gỡ Harvey Keitel tại sảnh lớn của khách sạn ở Toronto.Tôi không chộp lấy điều mà Carlos Castaneda gọi là “cơ hội bất chợt” đến. Nhưng tôi đã biết sửa chữa lỗi lầm. Tôi đã hứa sửa sai. Và tôi đã giữ lời. Một lần khác tôi xuống phố để gặp đại diện một nhà xuất bản, và đang ăn món cá sống tại một nhà hàng Nhật ưa thích của mình. Bạn biết ai đang ngồi bàn bên cạnh không? Chính là nghệ sĩ nổi tiếng Eric Clapton. 

Khi đúng thời điểm (chẳng có thời điểm nào là lý tưởng để chộp lấy cơ hội, nhưng tôi vẫn để ông dùng bữa xong), tôi mở lời chào. Tim tôi đập rộn ràng (tôi chỉ là người bình thường thôi mà). Tất nhiên tôi cũng lo lắng sợ mình bị ngó lơ. Nhưng nếu không thử, sao bạn biết được. Tôi nhận ra rằng nếu chộp lấy nó, ít ra tôi còn có một cơ hội gặp gỡ ông ấy. Còn nếu không, bảo đảm chẳng bao giờ có cơ hội nữa. Thế là tôi chộp lấy. Hóa ra chúng tôi đã có buổi tán gẫu tuyệt vời, và Eric Clapton là một người thú vị. Tôi đã có thêm một cuộc nói chuyện để hình thành con người mình – như mọi cuộc nói chuyện trước đây. 

Mỗi ngày cuộc đời gửi đến bạn cơ hội học hỏi, phát triển và bước gần đến chân thiện mỹ. Đừng bỏ lỡ. Có những cơ hội không bao giờ trở lại. Đừng lựa chọn sự hối tiếc.


Lời kết: Với những câu chuyện khác nhau đều mang những thông điệp giá trị và khi đọc nó giúp chúng ta trở nên suy nghĩ tích cực và sâu sắc hơn.


Review chi tiết bởi: Thanh Ngân - Bookademy

Design ảnh bởi: Thanh Ngân - Bookademy

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 


Xem thêm

Khi hỏi đến vấn đề tại sao lại không dám làm, không thể tiếp tục, hay tại sao lại thất bại người ta thường có cả vạn lí do để bào chữa cho sự trì hoãn, lười biếng, nhu nhược của mình. Chẳng hạn như “tôi không có thời gian”, “tôi không thể làm hơn như vậy nữa”, “tôi thấy nó quá khó đối với tôi”… Điều này rất thường hay xuất hiện và nó trở thành một điều bình thường. Vì con người đa số là sẽ đứng lên biện minh cho bản thân mình mà. Nhưng một số ít họ không làm vậy, vì trong từ điển của họ không có hai từ “bào chữa”, mà họ cố gắng tạo ra một thành quả thay vì giữ khư khư cái suy nghĩ “mình không làm nổi”, hay “khả năng mình chỉ có vậy thôi”. Đó là ai? Là những con người thành công, không phải chỉ thành công về tiền bạc tài chính, mà họ đã thành công trong việc chiến thắng bản thân. Trong quyển sách “Đời ngắn đừng ngủ dài” này, tác giả Robin Sharma có nhắc đến một câu nói của Rudyard Kipling: “ Lý do của thất bại thì chúng ta có hàng triệu, nhưng lời bào chữa thì chắc chắn không đâu”. Vậy nên một người luôn nói ra những mục tiêu và ước mơ, xong rồi dùng những lời biện minh để thoái thác nó, thì họ cách vạch đích họ muốn đến chắc là xa cả ngàn dặm. Thế nên trong sách, tác giả đã dùng những câu nói thật mạch lạc, mạnh mẽ cũng là để mong rằng bạn và tôi chấm dứt những lý do bào chữa cho bản thân mình đi. Đa số những lời bào chữa ấy chỉ là do ta tự nghĩ ra, giúp ta trốn tránh thực hiện những điều mình e ngại. Dần thì nó tạo nên một rào cản vô hình ngăn chúng ta bước qua giới hạn không có thực. Nếu không thử dấn thân vào, bước lên thực hiện điều mình muốn thì làm sao ta có thể biết được ta có phù hợp hay không, ta có thể thay đổi tốt lên được hay không. Tác giả cho rằng bên dưới mọi lời biện minh đều có nỗi sợ. Đúng thật, chúng ta có quá nhiều nỗi sợ. Sợ thất bại, sợ những điều xa lạ, sợ thay đổi,.. Nhưng cuộc đời này sống là để trải nghiệm mà, tại sao ta không thử đạp lên những nỗi sợ đó để bỏ qua những lời bào chữa và hành động để bản thân được đi xa hơn, vươn ra thế giới cao rộng ngoài kia? Cơ hội không phải đã qua, cũng không phải là sẽ tới, mà cơ hội để từ bỏ sự bào chữa đó chính là ngày hôm nay. “Ngày bạn tiến gần hơn đến những thành tựu trong tầm tay, vẫn đang nằm bên vệ đường trong hành trình cuộc đời. Ngày bạn lãnh đạo không cần danh phận, và giải phóng cho sự xuất sắc vốn có trong con người mình” - Robin Sharma.

Khi chưa biết đến quyển sách “Đời ngắn đừng ngủ dài” của tác giả Robin Sharma, tôi thực sự thấy mọi thứ khá mông lung, chẳng biết mình phải sống như thế nào mới gọi là xứng đáng. Bây giờ tôi đã hiểu mình cần làm gì rồi. Hơn 100 mẩu chuyện với các nhân tố, tính cách, khía cạnh trong tâm thức cũng như bề ngoài, tôi cảm nhận như đó là mình, câu chuyện đó là câu chuyện của chính mình vậy. Và giờ thì tôi đã biết cách làm sao cho cuộc sống này xứng đáng hơn, hay nó đáng gọi là “sống” thay vì là “tồn tại”. Ngay khi tôi đọc qua quyển sách này, đã là một việc có ích cho việc tôi đang sống, vì nó giúp tôi mở mang tầm nhìn, sự hiểu biết. Không chỉ đơn giản là cách tạo nên giá trị vật chất, mà quyển sách còn đề cập đến những giá trị tinh thần và sức khỏe. Bao gồm sự thấu hiểu, tình yêu thương, sự lắng nghe, hãy là chính mình, trân trọng phút giây hiện tại mà cố gắng, nỗ lực từng ngày….Bởi vì tạo hóa tạo ra bạn đã là một kỳ tích, đừng để phép màu đó trở nên vô nghĩa. Hãy nghĩ xem bạn thật sự đang sống 365 ngày trong một năm hay chỉ có một ngày nhưng lặp lại 365 lần. Nếu vẫn thấy chưa đủ nỗ lực, hãy cố gắng nhiều hơn nữa. Sự nỗ lực không cần quá mãnh liệt, nhưng kiên trì là được. Có người đã từng nói với tôi rằng: “Mỗi ngày kiên trì 1%, nhưng ngày nào cũng kiên trì như vậy, dần sẽ đạt đến 100%, còn nếu lúc đầu cố gắng 10%, 20% rồi sau đó lại dễ nản, dễ bỏ cuộc thì mọi thứ trở thành công cốc rồi”. Bên cạnh sự nỗ lực cho tương lai, tác giả còn nhấn mạnh việc nuôi dưỡng tình thương, biết lắng nghe, thấu hiểu bản thân và người khác. Vì việc sống sao cho xứng đáng không bao gồm sự ích kỷ, vụ lợi, không đơn giản là cố gắng để thành công mà còn chú trọng về mặt đạo đức nữa. Hoàn thiện cả bên trong và bên ngoài, một cái nhìn toàn diện. Tất nhiên ở đời, không có ai là hoàn mỹ được, nhưng nếu bạn cố gắng một thứ, bạn sẽ tốt lên thêm một thứ, sau đó dành thời gian để hoàn thiện những cái khác. Cái gì cũng cần có thời gian mới đem lại kết quả được, vậy thì bắt đầu sống cho xứng đáng ngay từ bây giờ đi nào. Không phải chỉ là xứng đáng với bản thân mà là xứng với niềm hy vọng ở những người yêu thương bạn nữa. “Đời của mình, mình cứ vẽ cho xinh”. Tôi đã tràn trề nhiệt huyết khi đọc xong quyển sách này và tôi mong các bạn cũng sẽ như vậy.

Trong cuộc đời mỗi người, thời thanh xuân tươi trẻ là lúc người ta sống mãnh liệt và tràn đầy sức sống nhất. Nhưng hình như cũng vì cái tuổi trẻ ấy, mà họ nghĩ bản thân còn rất nhiều thời gian để ăn chơi, lười biếng, làm những việc không có ích và rồi dậm chân tại chỗ. Có một sự nhầm lẫn không hề nhẹ ở đây, cuộc đời này chỉ dài khi bạn không làm gì cả, không có mục tiêu, không biết cố gắng. Còn đối với những người thành công hay biết tận dụng thời gian, họ thấy mọi thứ trôi qua rất nhanh, như một cơn gió thoảng, thoáng chốc đã không còn nhiều thời gian để làm việc này việc kia nữa. Họ sẽ có kế hoạch riêng và sắp xếp mọi việc trong ngày hợp lí sao cho tiết kiệm thời gian nhất. Lúc trước, tôi cũng đã từng nghĩ tuổi trẻ là phải sống hết mình. Nhưng sau khi đọc quyển sách này tôi thấy mình đã sai ở ngay chính khái niệm của nó, hết mình ở đây không chỉ đơn giản là ăn chơi thỏa thích, mà còn là phấn đấu hết mình vì một tương lai tươi đẹp rực rỡ. Ở quyển sách này của tác giả Robin Sharma, ông đã dùng những con chữ có vẻ nhẹ nhàng, đơn giản nhưng gần gũi để bộc lộ những tâm tình nho nhỏ vì muốn truyền cho độc giả chút ý chí phấn đấu, chút bài học của người từng trải khi họ đang ở tuổi thanh xuân tràn trề năng lượng sống này. Ông nói chúng ta rằng “hãy trân trọng khi được nhắc nhở rằng mình sinh ra để làm điều to lớn, không có ai tầm thường trên hành trình này, mọi cuộc đời đều có mục đích riêng”. Vì vậy tuổi trẻ này sao có thể trôi qua vô nghĩa như vậy, tầm thường như vậy được, có đúng không? Với 101 chương bao gồm những khía cạnh khác nhau và những kinh nghiệm sống cần thiết nhưng nhìn chung quyển sách đang nhắc nhở không chỉ những người trẻ mà bao gồm tất cả mọi người. Thời gian thật sự không còn nhiều, từ khi ta nhận thức được mình đã lớn thì trước đó đã có vài trăm ngàn tiếng đồng hồ trôi qua lãng phí rồi. Đúng, tuổi trẻ cũng vẫn được vui chơi, được khóc, được cười, được buông bỏ nhưng không được dùng hết thời điểm mình có nhiều sức sống nhất để khiến bản thân đi xuống. Thời thanh xuân là thời điểm thích hợp nhất mang lại cho bạn nhiều cơ hội mở mang kiến thức, học hỏi tìm tòi và khám phá. Cân bằng giữa việc học và chơi để sau này không phải hối tiếc. Tác giả đã dẫn đường cho bạn một đoạn rồi đấy, còn chần chừ gì nữa mà không đọc thử quyển sách này, và tham gia hành trình học hỏi kiến thức, phát triển bản thân.

Thế giới này còn vô vàn điều mà chúng ta chưa biết. Kiến thức thì rộng lớn tựa biển khơi còn chúng ta chỉ là những hạt cát nhỏ. Vì vậy, học hỏi để nâng tầm tư duy là điều kiện cấp thiết phát triển cuộc sống. Khi đọc nhiều sách và trải nghiệm nhiều điều, tôi biết rằng mỗi chúng ta khi đến với thế giới này đều có riêng cho mình một sứ mệnh, quan trọng là ta có nhận ra được và có hoàn thành tốt sứ mệnh đó hay không. Vì vậy, quyển sách “Đời ngắn đừng ngủ dài” của tác giả Robin Sharma như muốn tiếp thêm động lực để chúng ta biết cố gắng hơn vì nhiệm vụ của mình, rời xa những thứ vô bổ, không thực tế, phí thời gian. Trong sách, tác giả đã nói đến sự quân bình giữa sự tự do và trách nhiệm trong cuộc sống. Đây là một kiến thức quý giá cần được tiếp thu. Khi bạn biết tôn trọng và yêu thương bản thân, bạn sẽ cân bằng được cả hai yếu tố ấy. Là cân bằng chứ không quá thiên về bên nào cả, vì bên nào hơn cũng khiến cuộc sống có nhiều rắc rối, nhưng nếu quá thiên về sự tự do thì càng rắc rối hơn nữa. Vâng, cứ việc sống tự do vì đó là quyền cơ bản của con người. Tận hưởng nhưng giây phút hiện tại, theo đuổi đam mê, thư giãn thoải mái nhưng để hoàn toàn tôn trọng bản thân thì cần phải có trách nhiệm với chính mình. Tạo ra những mục tiêu và theo đuổi chúng, biết giữ lời hứa, hoàn thành công việc được đề ra, làm tròn bổn phận của mình…Thật sự nói ra thì dễ nhưng việc cân bằng được điều này không hề dễ. Thú vui của con người là nhiều vô kể, mà chúng ta cũng ưa thích những điều mới lạ. Vì vậy đa số người dành quá nhiều thời gian cho sự tự do và không còn có đủ thời gian thực hiện các đòi hỏi về trách nhiệm và xây dựng sự nghiệp, tô vẽ cho chính mình. Sự tôn trọng dành cho bản thân là bàn đạp tất yếu dẫn đến sự tôn trọng đối với người khác. Vì nếu ngay cả mình mà bạn cũng không tôn trọng được thì những thứ còn lại đều là giả dối. Và nên phân biệt rõ ràng giữa cái gọi là tôn trọng và cái gọi là sự dung túng. Làm bản thân mình tích cực hơn, tốt hơn mới đúng còn lấy danh nghĩa yêu thương bản thân để sống buông thả, vô trách nhiệm thì điều đó hoàn toàn sai. Nói rằng sự tôn trọng vốn có cho chính mình nhưng không phải vì vậy mà bạn có thể coi thường người khác. Ở đây, tác giả muốn chúng ta hãy tập tôn trọng, nuôi dưỡng sự yêu thương từ nơi chính mình, để có thể tôn trọng người khác bằng những điều chân thật nhất. Việc hình thành nên tư duy đúng đắn rất quan trọng, nên nuôi dưỡng điều đó ngay từ bây giờ. 

Bạn muốn chờ đến khi nào để trở nên xuất sắc? Khi còn nhỏ thì ta nói là khi lên ta sẽ thế này thế kia, khi còn trẻ thì ta nói chững chạc hơn sẽ làm điều này điều nọ, khi có cái này cái kia,… cuối cùng là thời điểm nào thích hợp, không ai có thể trả lời câu hỏi này một cách chuẩn xác cho bạn, vì chính bạn còn đang mơ hồ cơ mà. Bạn đang tự làm mất thời gian trong cuộc đời mình. Cuộc đời này thật sự ngắn, nó không hề dài để bạn cứ làm những điều vô bổ đâu. Mọi tiêu chuẩn dành cho sự xuất sắc là không giống nhau, vì tiêu chí ấy ở mỗi con người cũng khác nhau. Bạn có thể đánh giá bạn đã xuất sắc rồi, nhưng người khác có thể cho rằng bạn chưa đủ giỏi. Đừng đặt cho mình một thời điểm để xuất sắc, vì chẳng biết như nào là hoàn hảo cả. Hãy nhìn nhận xem mình hài lòng với sự xuất sắc ra sao, cần làm những gì, thực hiện từng cái nhỏ rồi dần dần sẽ hình thành nên sự xuất sắc to lớn. Cũng đừng chờ đợi sự tài giỏi sẽ tự chạy đến tìm bạn, vì chờ đợi trong mơ hồ sẽ giết chết ý chí của bạn, đánh gục tinh thần bạn một cách hoàn toàn. Tác giả đã nói rằng có người đọc xong cuốn sách “Đời ngắn đừng ngủ dài” này sau đó bước ra thế giới và thực hiện một điều gì đó giúp họ lên một tầm cao mới của sự xuất sắc, có người đưa ra quyết định trộng đại này trong vài giờ nữa để nâng cao chuẩn mực, thay đổi bản thân…. tại sao người đó không phải là bạn? Hãy quên đi những gì người ta từng nói, đừng nghe theo những tư tưởng nhỏ mọn. Ở trong một môi trường mà bạn thấy mình là người giỏi nhất chứng tỏ nơi đó không còn phù hợp để phát triển. Cho nên sự xuất sắc cũng không đề ra một giới hạn nào cả. Bởi vì nó không có giới hạn nên tiềm năng trong bạn cũng vậy, bạn có thể phát huy thế mạnh của mình chỉ cần bạn muốn. Hãy tin vào sự thật: “Bạn sinh ra để làm điều lớn lao trong cuộc đời mình. Để ra ngoài thế giới và nổi bật lên. Mỗi lần bạn từ chối lời gọi mời ấy, bạn đã phản bội chính bản thân”. Nghe rất hay có phải không? Tôi thấy có một động lực quá to lớn mà tác giả đang muốn dành cho chúng ta. Cuối chương nói về vấn đề này, Robin Sharma đã dành tặng cho chúng ta - những con người xứng đáng trở nên xuất sắc, một câu nói của triết gia Marcus Aurelius: “Để sống như thể đây là ngày cuối cùng, đừng bao giờ hoang mang, đừng bao giờ hờ hững, đừng bao giờ kiểu cách”. Một câu nói tuyệt vời. Tôi mong sau khi đọc quyển sách này, chúng ta có thể thật xuất sắc, bắt đầu ngay chính hôm nay.

Tiềm năng con người là những điều bí ẩn mà chưa ai có được đáp án chính xác, vì nó không bao giờ có sự kết thúc. Một người nào đó sẽ thất bại hoàn toàn nếu họ nghĩ mình đã nỗ lực hết sức nhưng không thành công. Nỗ lực là thứ làm gì có đích đến, vì “cơ hội để vượt trội sẽ đến vào chính giây phút mà người bình thường sẽ từ bỏ”, Robin Sharma đã nói như thế đấy. Vậy thì bạn có thể nào nhận ra ai là “người bình thường” không? Đối với mỗi con người sẽ tồn tại mức độ cố gắng khác nhau, muốn tạo nên kỳ tích thì nỗ lực khi người khác không thể tiếp tục là hành trình rất dài và rất gian khổ. Nhưng chỉ cần bạn tồn tại một niềm tin vững chắc, rằng sự nỗ lực của bản thân có thể tạm nghỉ ngơi nhưng nơi đó không phải là giới hạn của nó. Trên đời này sẽ chẳng có ai là hoàn mĩ, ai cũng có những khuyết điểm cần hoàn thiện và cố gắng từng ngày. Hãy chấp nhận mình là một người bình thường, để không khiến cho sự nỗ lực của bản thân trở thành vô hình. Trong sách “Đời ngắn đừng ngủ dài” này tôi đã đọc qua nhiều tấm gương sáng về sự nỗ lực không từ bỏ, một trong đó là Steve Nash- một cầu thủ bóng rổ nổi tiếng, với sự luyện tập vất vả hàng ngày, những buổi phân tích kinh nghiệm và các điểm đúng sai sau mỗi trận đấu, hay là Tiger Wood luôn tự đúc kết cho mình kinh nghiệm, học hỏi từ nhiều người khác để nâng tầm thành tích của mình trong môn đánh golf… Nhưng tôi thấy đó chỉ là một trong số ít những con người luôn nỗ lực rèn luyện hàng ngày, hàng giờ, bất cứ nơi đâu. Làm sao bạn có thể giỏi mà không thực hành, không nỗ lực hoàn thiện kỹ năng của mình? Dù cho đó có là sở trưởng, là cái vốn sinh ra bạn đã giỏi thì quá trình tập luyện và học hỏi mới khiến cho môn sở trưởng đó phát huy càng tốt hơn nữa. Thành công không đơn giản sẽ tự nhiên mà bay đến, kết quả mỹ mãn cũng không phải tình cờ bắt gặp bạn. Vì vậy nên tác giả muốn chúng ta hiểu những điều tốt đẹp nhất trong đời cần sự kiên nhẫn, tập trung và nỗ lực không ngừng nghỉ. Là những cố gắng thực sự chứ không phải do tưởng tượng mà có được. Chỉ ngồi đó hy vọng mình trở thành một nhà lãnh đạo thì khác gì nghĩ đến một phép màu. Hãy nổ lực dù chỉ 1% mỗi ngày, mỗi ngày phát triển một ít, theo năm tháng tích lũy thành những kết quả đáng kinh ngạc. Nếu bạn cần một động lực để cố gắng, quyển sách này rất đáng để bạn nghiền ngẫm.