“Đọc sách là rất tốt, mang lại cho chúng ta nhiều kiến thức, thông tin”, “Đọc sách giúp chúng ta trau dồi khả năng văn chương”, “nhiều mẹo bổ ích”... 

          Nếu ta viết lên mạng tầm quan trọng của việc đọc sách, hầu hết ai cũng hiểu được việc này, nhưng chắc chắn sẽ có một số người cho rằng: “Chẳng cần phải đọc sách làm gì, nhất là khi ở thời đại 4.0 này ta có thể tìm kiếm mọi thứ chỉ với vài dòng gõ”. Vậy nên, những người không có thói quen đọc sách chắc hẳn không thể biết lợi ích thật sự của việc này.

Theo bạn những thứ quan trọng trong cuộc sống của các bạn là gì? Sức khỏe, tiền tài, thời gian, các mối quan hệ, phát triển bản thân hay thể hiện cái tôi,...

      Đọc sách mang lại cho chúng ta tất cả những điều đó. Nhưng hầu hết chúng ta khi đọc sách đều gần như quên đi những nội dung được đề cập trong cuốn sách đó, mọi khái niệm hay chi tiết đều rơi vào trạng thái nhớ mang máng, đọc đã lâu rồi nên chẳng còn nhớ gì về nó hết. Đại khái là dù chúng ta đã bỏ ra công đọc nhưng lại chẳng nhớ gì về nó hết, mọi công sức đều trở về con số không.

      Để đọc mà không rơi vào tình huống nhớ trước quên sau, sau khi đọc xong không nhớ được nội dung sách, chúng ta mỗi người đều cần có bí quyết. Và cuốn sách “Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu” chính là chiếc chìa khóa dẫn bạn đến bí kíp đó.

        Khi cầm cuốn sách trên tay,  điều đầu tiên mà bạn làm là gì? Đọc theo thứ tự - đọc từ lời nói đầu đến mục lục hay là đọc tản mát (đọc lướt nhanh qua nội dung toàn cuốn sách) , nắm được tâm lý người đọc và cách đọc sách thông thường, tác giả đã sắp xếp để khiến cuốn sách trở nên khác biệt: Đó là để phần mục lục sách ở ngay đầu tiên, trước các chương sách.[8]  Điều này khiến cho người đọc hiểu rõ trong cuốn sách có nội dung là gì, bao gồm những chương nào, và những điều mà tác giả đúc kết. 8 chương sách không quá dài và cũng không quá ngắn, tất cả là vừa đủ để bạn có thể học hỏi được những kiến thức, kinh nghiệm mà tác giả đúc kết về việc làm thế nào để đọc sách mà có thể ghi nhớ được lâu.

      Mở đầu tác giả đặt ra câu hỏi Tại sao đọc sách là cần thiết? và tám điều có được nhờ đọc sách. Để trả lời cho câu hỏi tại sao cần phải đọc sách chúng ta cần phải hiểu rằng: Đọc sách chính là một cách quyết định chất lượng cuộc sống, mang lại cho chúng ta giá trị tinh thần, dựa vào các bí quyết mà được chi sẻ trong sách để áp dụng vào thực tiễn gia tăng giá trị vật chất thu lại. Đọc sách làm tăng trải nghiệm cho chúng ta. Tất nhiên trải nghiệm của người khác chẳng thể nào hoàn toàn phù hợp với bản thân nhưng qua việc tham khảo những điều đó, ta có thể tiết kiệm thời gian mày mò tìm tòi vô ích còn hơn phải bắt đầu từ con số không. Sách chất chứa trải nghiệm thành công của hàng nghìn người, thất bại của hàng nghìn người. Bộ sưu tập các ví dụ về thành công và thất bại cũng nằm trong sách. Thay vì việc cứ liên tục mắc lỗi sai rồi sửa chữa, tại sao chúng ta không học hỏi từ những người đi trước để tránh được điều đó, dành thời gian cho những việc khác tốt hơn. Hoặc nếu bạn nghe đến việc đọc sách có thể tăng thời gian một ngày lên 72 giờ, liệu bạn có tin vào điều đó không? Tác giả Kabasawa có thể hoạt động với khoảng thời gian 72 giờ 1 ngày, gấp ba lần người khác. Bạn có thể tự hỏi rằng tại sao lại như vậy? Điều này xuất phát từ một việc vô cùng đơn giản: Đọc sách và vận dụng những điều học hỏi được từ sách. Đọc sách có thể giải tỏa căng thẳng và bất an chỉ với 6 phút mỗi ngày, linh hoạt đầu óc. Vậy chúng ta cần đọc sách như thế nào để ứng dụng những điều ta học được vào cuộc sống, mở đường đến thành công, tăng tốc quá trình phát triển bản thân để có thể đạt được mục tiêu của mình nhanh nhất.

        Câu trả lời nằm ở chương thứ 2 ba kỹ năng cơ bản để đọc sách không quên. Tác giả Kabasawa trình bày ba nguyên tắc cơ bản của việc đọc sách mà theo ông là quan trọng nhất trong quá trình đọc hiểu.

Ông cũng nêu ra sự khác biệt giữa việc đọc sách và tra cứu thông tin trên mạng internet. Nội dung mà chúng ta có được thông qua TV, báo, tạp chí, tuần san đa số là thông tin, còn thứ ta thu được từ sách, có hệ thống rõ ràng là kiến thức. Có thể nói thông tin là dạng kiến thức bị phân tán. Còn kiến thức là thứ chúng ta kết tinh qua 5 năm hay 10 năm vẫn không bị bào mòn, dẫn lối hành động, có khả năng thực tiễn ứng dụng... Nắm rõ được điều căn bản, phân biệt đâu là thông tin đâu là kiến thức thì mới có thể áp dụng hiệu quả những kĩ thuật đọc nhiều nhớ rõ nhớ sâu. Kỹ thuật mà tác giả Kabasawa chia sẻ rất mới lạ, dễ hiểu mà cũng vô cùng hiệu quả, thực hiện rất dễ dàng. Ông cũng đề cập đến việc tiết ra các hóc-môn có khả năng tăng cường trí nhớ như norepinephrine, dopamine (hóc-môn hạnh phúc), endorphin… sẽ giúp ta ghi nhớ sống động và lâu dài nội dung của những quyển sách. Hay ứng dụng thuật đọc sách thời gian trống. Bạn có thể hiểu là nếu ta gom những khoảng thời gian trống lại trong 24 giờ trong một ngày như những khoảng thời gian di chuyển trên oto, nghỉ trưa, những phút giải lao giữa giờ học hay làm việc, ta cũng sẽ có được hai giờ trống để tranh thủ đọc sách. Kabasawa khuyên chúng ta hãy đọc sách sâu, quan trọng là chất lượng, sau đó mới đến số lượng, phải đảm bảo tri thức được tiếp nạp một cách chắc chắn. Theo ông đã đọc là phải tranh luận, phải nêu ra được điều mình tâm đắc, học hỏi được từ cuốn sách, thích thú chương nào dòng nào. Nếu không đảm bảo về “chất” khi đọc, tức là trong hạn mức tối thiểu không thể nhớ và tranh luận được về nội dung, thì dù đọc nhanh đến đâu, đọc nhiều đến thế nào cũng không có ý nghĩa.

      Ở chương sách thứ 3, tác giả tiếp tục trình bày về những thuật đọc sách nhớ lâu như thuật đọc sách sử dụng bút dạ quang đánh dấu vào những câu tâm đắc, kỹ thuật đọc sách ba dòng hay thuật đọc sách theo cách chào hàng qua TV, … Ngoài ra còn hai từ khóa quan trọng mà chúng ta cần nhớ và ưu tiên, lấy đó làm kim chỉ nam cho việc đọc sách: ôn lại vào khoảng thời gian trống. Việc nắm vững những kĩ thuật đọc sách hiệu quả, thực hành thành thục những kỹ năng đó không chỉ khiến cho việc ghi nhớ trở nên dễ dàng mà bản thân người đọc cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm. Từ đó chúng ta sẽ nâng cao được chất lượng trong việc đọc sách. Nếu đọc những bài về phương pháp ghi nhớ cho học sinh, ta sẽ thấy trong đó viết rằng “với những kiến thức khó ghi nhớ, học trước khi ngủ sẽ hiệu quả”. Có thể nói, đọc sách trước khi ngủ so với đọc sách ban ngày dễ ghi nhớ hơn. Bởi vì giấc ngủ có vai trò sắp xếp lại não bộ, khi chúng ta đi ngủ mọi thông tin hỗn loạn trong đầu sẽ được sắp xếp lại. Khi thức dậy ghi nhớ tốt hơn, nắm được ý rõ ràng hơn. Không chỉ giới hạn ở việc đọc sách, nếu ta tìm kiếm thông tin ở các giấy tờ, tài liệu của những vấn đề còn để ngỏ thì khi thức dậy vào sáng hôm sau, ta sẽ nảy ra được những ý tưởng không ngờ.

        Tiếp tục trong chương thứ 4, Kabasawa chia sẻ sáu cách trong thuật đọc sách siêu thực của bác sĩ tâm thần để giúp độc giả ghi nhớ và đọc sách sao cho có ý ích. Có thể mỗi người trong chúng ta đã có những lúc đọc sách ứng dụng các kĩ thuật này nhưng vẫn chưa thật bài bản và chi tiết, cũng không hiểu rõ những kĩ thuật đó là gì. Vậy chương tiếp theo sẽ giải thích thật rõ và bài bản để độc giả có thể hiểu đơn giản nhất. Ví dụ như khi muốn đến một địa điểm nào đó, chúng ta sẽ tra trước trên bản đồ, tìm hiểu xem nó nằm ở vùng nào rồi mới đi thì sẽ không bị lạc đường mà còn đến được sớm hơn. Cũng tương tự như vậy, nếu ngay từ đầu bạn nắm được đại khái điểm mình cần đến, bạn có thể đạt được mục tiêu nhanh hơn gấp nhiều lần. Nếu chúng ta đọc sách trong tâm trạng háo hức thì hiệu quả đọc sách sẽ mang lại gấp nhiều lần so với ban đầu. Một trong những câu hỏi thường gặp về đọc sách, đó là giữa việc đọc nhanh hay chậm mà chắc thì cách nào ghi nhớ tốt hơn, hiệu quả tiếp thu cao hơn? Người không quen đọc sách có lẽ sẽ cho rằng dành thời gian để đọc chậm rãi chắc chắn sẽ giúp nhớ lâu hơn và có hiệu quả tích cực hơn. Nhưng điều đó là không đúng.  Não người khi nỗ lực tư duy về vấn đề hơi khó hơn so với năng lực của bản thân thì sẽ hoạt động tốt nhất, bởi lúc đó hóc-môn dopamine trong não sẽ tiết ra và khả năng tập trung sẽ được nâng cao. Chính vì thế mà chúng ta không chỉ tối ưu hóa kiến thức thu được mà bạn còn có thể nhớ đến nỗi 30 năm sau cũng không quên. Bởi lẽ đó chúng ta có thể thấy rằng việc ghi nhớ một cuốn sách đến từ rất nhiều yếu tố, như thời gian, cách đọc, hay thậm chí là hóc-môn.

          Không chỉ cần học hỏi cách đọc sách hiệu quả nhất mà bản thân mỗi độc giả còn cần trang bị cho mình cách chọn những cuốn sách cần thiết cho bản thân, tránh việc mua nhưng không hợp gây lãng phí. Bản thân tác giả cũng chia sẻ câu chuyện về một quyển sách kinh doanh, để lấy ví dụ cho việc như nào là đắt, như nào là rẻ? Ví dụ như quyển sách 1500 yên. Hiển nhiên còn tùy thuộc vào nhiều thứ, nhưng những người nghĩ quyển sách kinh doanh giá 1500 yên là đắt thì chắc hẳn họ có cách nhìn sai lầm trong cách chọn sách. Bởi lẽ nếu thu được hơn 1500 yên từ những kinh nghiệm trong cuốn sách đó áp dụng vào thực tế, thì 1500 yên đó là rẻ. Nhưng nếu giá trị thu được không vượt quá 1500 yên thì ta sẽ nghĩ nó đắt. Nếu bạn có thể thu được nhiều điều đúc kết từ nó là chắc chắn 1500 yên tuyệt đối là giá hời. Đó có thể coi là một bài toán kinh doanh, chia số tiền ta chi ra so sánh với thời gian và hiệu quả mà ta đạt được, sẽ thấy số tiền đó là hợp lý, thậm chí là rẻ hơn so với những gì ta thu được. Bản thân nhiều người khi mua sách quan trọng đến việc đọc nhiều, mua nhiều thay vì tự hỏi mình muốn đọc thể loại sách gì, nội dung ra sao. Đọc sách thì “đọc gì” quan trọng hơn “đọc nhiều” gấp mười lần. Hiểu và học được các phương pháp chọn sách mà Kabasawa truyền tải trong cuốn sách này, bạn sẽ có thể có được những quyển sách cần thiết nhất cho bản thân bây giờ. Thay vì dành thời gian đọc thật nhiều sách mà chẳng thu được gì, chúng ta có thể đọc và hiểu sâu nội dung cuốn sách. Kết quả của điều đó là từ cùng một quyển sách, ta sẽ thu được nhiều điều tâm đắc hơn và có thể phát triển bản thân. Trong chương thứ 5, tác giả sẽ giới thiệu cho người đọc thêm nhiều thuật đọc sách và chọn sách mới lạ, như thuật đọc sách nhập môn, nắm được kiến thức cơ bản nhờ việc đọc sách nhập môn, có cái nhìn tổng thể, xây dựng được nền móng cơ bản mới tiến lên cấp độ tiếp theo. Nó không chỉ giúp chúng ta tiết kiệm thời gian, vừa đúc kết được bài học sâu sắc hơn. Cũng có nhiều loại sách trình bày xuyên suốt từ cơ bản đến ứng dụng, nhưng trong trường hợp đó, trước khi mua bạn nên suy nghĩ và phán đoán đối tượng độc giả chính của quyển sách mà tác giả muốn hướng đến là ai. Chỉ riêng việc đọc những cuốn sách đúng tầm ở hiện tại, việc thông hiểu, vận dụng và sự phát triển của bản thân cũng sẽ tăng lên rất nhiều lần.

      Ở chương thứ 6, độc giả sẽ đến với một phương tiện đọc sách quen thuộc, đó là sách điện tử. Chắc hẳn ai cũng đã một lần đọc sách trên sách điện tử nhưng tận dụng sách điện tử như thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất chưa chắc ai cũng đã biết đến. Trước hết chúng ta cần biết rằng các máy đọc như Kindle của Amazon hay iBooks của Rakuten, nói có hơi quá thì chúng có thể lưu trữ bao nhiêu cũng được, số lượng thông tin có trong đó là vô tận, lại dễ dàng sử dụng, truy cập mọi lúc mọi nơi. Tức là hiểu đơn giản như chúng ta có thể mang theo cả thư viện sách bên mình. Việc nắm được lợi ích cũng như ưu điểm và nhược điểm của sách điện tử có thể giúp chúng ta đưa ra lựa chọn cho bản thân mình dễ dàng hơn. Ngoài ra tác giả Kabasawa còn đưa ra thêm thuật đọc sách Kindle theo phong cách của chính mình, phương pháp đọc miễn phí tiểu thuyết trên Kindle hay bí quyết đọc sách điện tử miễn phí. Dù không có máy đọc sách, độc giả vẫn có thể đọc sách điện tử trên điện thoại thông minh hay máy tính bảng và cả máy tính bàn nữa. Sách giấy và sách điện tử là hai công cụ đắc lực cho người đọc, chúng ta cũng có thể mang song song một quyển sách bình thường và đọc một cuốn sách điện tử, đó có thể nói là thuật đọc sách hiệu quả tác động kép, không lãng phí thời gian trống và tăng khả năng ghi nhớ.

          Thông qua hai chương cuối cùng, Kabasawa viết thêm về phương thức mua sách mang lại nhiều nguồn lợi, thuật mua sách trong ngân sách hằng năm. Mở đầu tác giả đưa ra chiến lược chiếc ví Amazon mỗi tháng 10 nghìn yên. Theo ông, ngoài tạp chí hay những quyển phải đọc ngay lập tức nếu chưa có bản sách điện tử và phải mua ở nhà sách, 80% - 90% ông sẽ mua qua mạng. Bạn có thể chi ra 1 khoản nhất định để mua thẻ hay phiếu của Amazon hoặc hãng nào khác rồi nhập mã để tiền vào tài khoản trên Amazon, và mỗi lần mua sách cứ thế chi ra. Hay cách quản lý sách hiệu quả bằng cách chia làm ba loại sách mình muốn đọc nhất để lên danh sách dễ dàng hơn hay tặng sách cũ cho những người yêu thức những cuốn sách đó. Ngoài ra tác giả còn giới thiệu thêm 31 quyển sách mà bác sĩ tâm thần khuyên mọi người nên đọc, những cuốn sách mà theo ông đã thay đổi suy nghĩ và hành động của ông, từ những cuốn sách quý báu về não bộ sức khỏe con người, khoa học tâm thần đến những lĩnh vực khác như kinh doanh, internet...

           Nếu có thể hãy thử học hỏi ở Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu - một cuốn sách mà đó có thể chính là “cuốn sách định mệnh của bạn”. Đọc sách chính là một cánh cửa mở ra những tiềm năng vô hạn bên trong con người. Nếu có thể biến việc đọc sách trở thành thói quen, thực hiện nghiêm túc những điều tâm đắc thu được từ việc đọc sách, không những khả năng giải quyết vấn đề của bạn được nâng cao trông thấy mà bạn còn được giải phóng khỏi những cơn stress và thay bằng niềm vui. Tôi tin rằng bạn sẽ không hối hận khi đọc cuốn sách này, học hỏi được nhiều phương pháp đọc sâu nhớ lâu và biết đâu khi bạn chia sẻ cuốn sách này đến nhiều người cũng giúp được cho họ. Một cuốn sách không hề đắt đỏ gì, vậy tại sao bạn không chủ động nắm lấy con át chủ bài có thể thay đổi được tương lai chính mình.

                            Gặp được một quyển sách hay nên mua liền dù đọc được

                           hay không đọc được, vì sớm muộn gì cũng cần đến nó.

                                                                                 – W.Churchill –

  

Review chi tiết bởi: Ngọc Trâm - Bookademy

Hình ảnh:  Ngọc Trâm - Bookademy

 

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


Xem thêm

Để việc đọc sách thực sự có hiệu quả, nó có ý nghĩa với cuộc sống của bạn thì cách đọc sách chính là yếu tố cần thiết mà mỗi người trong chúng ta cần phải rèn luyện. Bước đầu tiên mà các bạn nên chú trọng, khi quyết định đọc sách chính là những công việc đầu tiên trước khi đọc sách. Có nghĩa là, bạn cần phải xác định rõ mục đích mình đọc sách làm gì? Mình đang cần tìm cuốn sách nào để đọc, để thỏa mãn yêu cầu của bản thân. Khi xác định được những điều đó, bạn sẽ bắt đầu tìm hiểu xem nên đọc cuốn sách nào trước, thể loại nào cho phù hợp. Đã xác định được sách, thì tìm mua sách. Hãy đến những cửa hàng, nhờ nhân viên chỉ giúp nơi bán cuốn sách đó rồi rinh nó về nhà. Sắp xếp thời gian đọc sách sao cho hợp lý nhất. Có sách trong tay, hãy lật từng trang sách, đọc mục lục và phần giới thiệu của sách để hiểu rõ nội dung trong đó nói đến là gì? Việc này giúp bạn có thể hiệu cuốn sách nhanh hơn, có cảm hứng đọc và thôi thúc bản thân đọc nó liên tục. Để những kiến thức trong sách có tác dụng thực sự với mình, thì quá trình bạn đọc nó cần phải nghiêm túc, hãy nhớ tường tận nội dung, ý nghĩa thực sự của sách với những điều cơ bản sau đây. Hãy tập trung cao độ khi đọc sách, nghĩa là toàn bộ suy nghĩ, sự tập trung của bạn khi này hãy dành cho những trang sách, những lời văn đang thể hiện trong sách chứ đừng để phân tán bởi bất cứ điều gì ở bên ngoài. Bạn làm được như vậy, bạn sẽ hiểu rõ nội dung của cuốn sách, bạn cũng ghi nhớ được mình đã đọc gì, điều gì đang nói đến trong đó. Rồi bạn cũng sẽ cùng bộ não tư duy luôn các vấn đề. Hãy đọc bằng mắt không được đọc bằng miệng, đừng đọc bỏ trang mà đọc lần lượt theo thứ tự, mắt chuyển động theo chiều thẳng từ bên trên xuống dưới. Ở những đoạn hay, quan trọng thì đọc thật chậm và đọc kỹ, còn đoạn không quan trọng thì đọc nhanh và lướt qua. Cố gắng đọc đến đâu, hiểu đến đó nội dung câu từ, thâu tóm được toàn bộ cốt truyện của cuốn sách qua từng phân đoạn. Ghi chép lại những nội dung hay, quan trọng. Nếu bạn nhận thấy đoạn nào hay, quan trọng thì hãy chuẩn bị sẵn một quyển sổ và cây bút ghi chép lại nội dung đó. Bởi việc này giúp bạn nhớ lâu, khi bạn cần dùng đến có thể lôi ra sử dụng, nó cũng là cách giúp bạn học thuộc bài.

Với sự đòi hỏi kiến thức, tài năng toàn diện để là người phát triển hiện nay thì thế giới đang hướng đến xã hội của học tập. Chính vì thế mà vai trò của sách, phương tiện quan trọng giúp con người đến gần tri thức được chú trọng nhiều hơn. Từ đó, sách cũng cho thấy vai trò của mình quan trọng rất nhiều ở đời sống nhân loại. Điều này được thể hiện cụ thể qua những yếu tố cơ bản sau đây: Kích thích tinh thần: Đọc sách giúp kích thích các dây thần kinh não bộ từ đó làm chậm lại tiến độ của bệnh Alzheimer và mất trí nhớ, giữ cho bộ não của bạn hoạt động và tham gia ngăn không cho bị mất năng lượng. Cách tập thể dục này giúp cho não bộ của bạn luôn khỏe mạnh và tránh lão hóa. Trau dồi kiến thức: Sách là kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại được lưu truyền qua hàng ngàn năm. Đọc sách là cách tốt nhất để ta tiếp thu văn hóa trên thế giới, làm giàu thêm vốn hiểu biết của mình. Ngoài việc đọc sách chuyên môn để củng cố kiến thức, chúng ta cũng nên đọc những quyển sách về các lĩnh vực khác trong cuộc sống để hiểu những gì đang diễn ra xung quanh mình, hoàn thiện bản thân, phát triển tâm hồn để hướng tới những giá trị tốt đẹp. Củng cố vốn từ và cách hành văn: Điều này gắn liền với lợi ích thứ 2, khi bạn đọc càng nhiều, vốn từ và cách hành văn sẽ dần đi vào kiến thức của bạn. Từ đó bạn sẽ có thể nói lưu loát, diễn đạt ý một cách rõ ràng, mạch lạc hơn. Tăng cường khả năng tư duy, phân tích, sáng tạo: Đọc sách đồng nghĩa với việc bạn đang khám phá những kiến thức, những điều mới mẻ, thú vị. Bạn phải suy nghĩ cùng tác giả, bạn phải tưởng tượng, liên tưởng đến những gì đang diễn ra, tự đặt mình vào trong hoàn cảnh của câu chuyện để học hỏi, trải nghiệm. Và, khi đọc bạn sẽ tự đặt ra câu hỏi như tại sao lại thế này, tại sao lại thế kia, chúng giống nhau gì, khác nhau gì… Chính điều này giúp hình thành cho bạn tư duy tốt, khả năng nhìn nhận vấn đề logic và toàn diện. Đây chính là lợi ích tuyệt vời bậc nhất mà sách đem lại cho con người.

Sách này được mẹ mình tặng nhân đúng dịp sinh nhật, vào mình lại đang ở chóp lớp, gặp rất nhiều khó khăn trong học tập, liệu có phải đây là đúng cách đúng thời điểm hay không? Với hơn 200 trang sách, bạn sẽ khám phá ra những cụm từ lạ tai như: “thuật đọc sách háo hức” hay “thuật đọc sách rèn sắt khi đang nóng”, “thuật đọc sách vừa giới hạn”, “thuật đọc sách trăm nghe không bằng một thấy”... Đây là những phương pháp khá kỳ lạ nhưng lại vô cùng hiệu quả mà tác giả chia sẻ để giúp độc giả luyện trí nhớ, “đọc đến đâu, ghi nhớ đến đó”. Dù không mấy ai thừa nhận, nhưng thực tế là chúng ta thường quên đi (hay đúng hơn là chỉ nhớ mang máng) gần như về mọi thứ mình đã đọc được. Nếu không cải thiện được điều này thì việc đọc, vốn là một việc vui vẻ và hữu ích, rốt cuộc lại chẳng để lại cho ta lợi ích gì, thậm chí có thể bị xem là một việc lãng phí thời gian và tiền bạc. Nếu bạn không muốn bị lâm vào tình cảnh đó nữa thì “Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu” sẽ là “chiếc la bàn” dẫn dắt bạn cách đọc sách đúng cách, “đọc sâu nhớ lâu”! Mọi vấn đề muốn nhanh chóng giải quyết thì cần có phương pháp, việc đọc sách cũng vậy. Khi bạn nắm phương pháp trong cuốn sách “định mệnh” này thì cuộc đời bạn có thể thay đổi đấy!

Cuộc đời của bạn có thể biến đổi bao nhiêu cũng được. Chỉ là nếu bạn không biết cách, nó sẽ không thay đổi. Và thứ dạy cho bạn phương pháp thay đổi cuộc đời chính là “Sách”. Mỗi người đều có khả năng vô hạn. Tuy nhiên, để biến khả năng đó thành hiện thực, ta cần tăng sự lựa chọn cho cuộc đời. Thứ làm tăng sự lựa chọn cho cuộc đời bạn… cũng chính là “Sách” Nếu có thể biến việc đọc sách thành thói quen, thực hiện nghiêm túc những điều tâm đắc thu được từ sách thì bạn có thể nhanh chóng phát triển bản thân. Tri thức và kinh nghiệm trong đời mỗi người vô cùng nhỏ bé. Tuy nhiên, nhờ vào sách, không gì là không thể. Đọc sách chính là át chủ bài cuối cùng và mạnh mẽ giúp thay đổi cuộc đời của bạn. Một quyển sách chẳng hề đắt đỏ gì, nên không lý nào bạn lại không tự tay nắm lấy con “át chủ bài” đó. Hãy biến việc đọc sách trở thành thói quen. Hãy trang bị cho mình thói quen đọc sách. Như thế, khả năng giải quyết vấn đề của bạn sẽ được nâng cao trông thấy. Và bạn sẽ được giải phóng khỏi những cơn stress để trở nên vui vẻ mỗi ngày. Hãy tạo thói quen đọc sách để nắm trong tay khả năng vô hạn. Và “Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu” của tác giả người Nhật - Zion Kabasawa, chia sẻ những thuật đọc sách không quên, giúp bạn đạt được khả năng ghi nhớ, đọc sâu nhớ lâu! (Từ sách “Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu - Zion Kabasawa) Đừng quên chia sẻ niềm vui đọc sách , lan tỏa cảm hứng cân bằng, “bình an trong tâm hồn” bạn nhé!

Bạn có nhớ hồi nhỏ mình từng đọc truyện tranh không? Và giờ nếu ai đó hỏi lại bạn nội dung của một bộ truyện tranh nào đó, chắc chắn bạn có thể kể một lèo gần như từ A – Z. Nhưng nếu ai đó hỏi bạn nội dung của một cuốn sách nào đó bạn đã đọc chừng một năm thì gần như bạn chẳng nhớ gì hoặc quá lắm chỉ nhớ được vài ý chính. Giờ thì chắc bạn đang cười vì: “Ồ, đúng rồi, sao lại có thể như vậy được nhỉ?” Nguyên nhân là: Khi đọc một quyển sách khiến bạn hạnh phúc, vui vẻ, thậm chí bất an hay lo sợ, những hóc-môn liên quan đến mỗi loại cảm xúc này sẽ được não tiết ra và và khiến bạn nhớ lâu hơn. Và đối với bất kỳ sự kiện nào xảy ra trong đời bạn cũng thế. Đó là lý do bạn không thể quên được anh chàng mình từng hẹn hò từ thời cấp ba hay cảm giác của nụ hôn đầu đời dù là sau hàng chục năm. Tất cả đều đã được khoa học chứng thực. Vì thế, Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu? không phải là lý thuyết nói suông mà đã được kiểm chứng hẳn hoi. Nếu bạn muốn nhớ lâu và tích lũy được thật nhiều kiến thức để phát triển bản thân, cuốn sách này sẽ chỉ bạn cách để làm điều đó.

Sài Gòn lại đến mùa mưa rồi. Khi ra khỏi nhà các bạn đừng quên áo mưa. Hôm nay, sau khi xếp lại giá sách của mình, tôi đã lôi ra vài cuốn cũ ra để đọc lại. Có những cuốn sách đọc một lần tôi sẽ không quên và thậm chí nhớ cả cảm xúc của mình khi đọc nó. Nhưng cũng có những cuốn sách tôi đọc đi đọc lại rất nhiều lần mà không nhớ nó quá sâu. Điển hình là cuốn “Những người đàn ông không đàn bà” của Murakami Haruki. Tôi thích cách viết, thích câu chuyện xong lại chẳng nhớ lâu. Tất nhiên đó là một cuốn truyện mang tính giải trí, nên tôi không quá gồng mình để nhớ nó. Nhưng cuộc sống mà, chúng ta không thể quên những vấn đề quan trọng như đề cương thi cuối năm phải không? Tôi là một đứa mông lung, vậy cách nào để một “ngáo ngơ” đi thi? Hãy nghe lời khuyên từ bác sĩ Zion Wasawasa chia sẻ cách dung nạp những điều đã đọc một cách hiệu quả. Cuốn sách“ Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu” đã được phát hành bởi nhà phát hành Zenbooks. Các bạn muốn biết nội dung cuốn sách này không? “Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu” - Một cuốn sách tạo động lực cực tốt cho những bạn mới đọc sách. Thậm chí là con mọt già nua như tôi thì nó cũng làm tôi cảm thấy hào hứng. Nakatani Akihiro - Một nhà văn, diễn viên và nhà sản xuất tài năng, nổi tiếng ở Nhật Bản cho rằng “khoảng cách về tiền bạc không tạo ra khoảng cách về tri thức”. Từ câu nói đó, tôi có thể tự hào lên mặt rằng, bản thân có bộ não nhớ được nhiều thứ thú vị phết đấy. Và làm sao để đọc đâu nhớ đó thì chúng ta hãy nghe lời khuyên từ Zion Wasawasa: “Người đọc xong phải hiểu, áp dụng,review, tóm tắt, phê bình, viết ra được... để nhớ được lâu”. Đây là lý do mà chúng ta cần một cái bút và giấy để ghi lại những điều mình thích từ một cuốn sách. Doanh nhân Watanabe Yasuhiro nói“ hãy tuỳ ý đọc cuốn sách theo bất kì cách nào bạn muốn”. Tôi thích ý tưởng này của anh đấy Yasuhiro. Nếu anh ở Việt Nam và gần nhà tôi thì biết đâu chúng ta có thể trở thành tri kỉ. Yasuhiro chia sẻ cách để đọc 500 trang trong 20 phút, tôi hỏi bác sĩ Zion Wabawasa : “ Điều này có thể không ?”. Zion Watanabe nói “ Tất nhiên rồi, tôi còn đọc 30 cuốn sách/tháng, viết phê bình sách và phim mỗi ngày, xuất bản 3 cuốn mỗi năm chưa kể các hoạt động diễn thuyết và quản lý kênh YouTube hàng trăm ngàn followers đấy”. Trong cuốn sách “ Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu” Zion Wasawasa còn nhấn mạnh cần đọc, hiểu, phân tích, áp dụng, phản biện... để việc đọc sách kể cả nhiều về số lượng không trở lên vô nghĩa. Bác sĩ tâm lý kiêm nhà văn Wasawasa còn giải thích cặn kẽ và đưa các ví dụ khác để chúng ta có cách đọc sách hiệu quả hơn. Điều cuối cùng để lại ấn tượng cho tôi là đây là một cuốn sách đẹp cả về nội dung lẫn hình thức. Chắc Zion Wasawasa đã đầu tư không ít cho khâu thiết kế. Một cuốn sách viết về “skill” đọc không cần thiết “hầm hố” như bách khoa lịch sử hay khoa học thế giới. Cách trình bày đơn giản theo phong cách người Nhật và màu sắc thu hút là điều bìa sách có. Cuốn sách này đã đáp ứng được “tâm hồn mộng mơ” và “bộ não hình ziggac” của tôi và gia nhập hội “những đứa con tinh thần” trên giá sách. Tóm lại, nếu đọc sách hay quên thì sao? Đọc sách như thế nào mới tốt? Đọc sách khi nào là ghi nhớ sâu và lâu? … Mời bạn tìm hiểu những phương pháp ghi nhớ hay ho từ bác sĩ người Nhật Zion Kabasawa trong quyển sách “Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu?” nhé! Nguồn: group "30 PHÚT ĐỌC SÁCH MỖI NGÀY" - Facebook