1. Mở

Song thất lục bát là một phát minh vĩ đại của dân tộc ta. Thể thơ này không chỉ làm bật lên những nét đẹp rất đặc trưng, rất riêng của tiếng Việt ta mà còn chuyên chở tâm tình người Việt suốt hàng thế kỷ. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất được viết bằng thể thơ song thất lục bát là tác phẩm Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, được sáng tác vào khoảng nửa sau thế kỉ XVIII.

2. Thời kỳ “Lê-Nguyễn”

“Lê-Nguyễn” là khái niệm dùng để chỉ giai đoạn lịch sử dài hơn 500 năm từ năm 1427 khi nghĩa quân Lam Sơn triển khai thành công chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang, đánh tan quân Minh, nước Đại Việt được khôi phục, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, đến giai đoạn Nam Bắc phân tranh (1528-1802), giai đoạn nhà Nguyễn Gia Long (1802-1945), kết thúc bằng sự kiện vua Bảo Đại thoái vị.

Lịch sử Phật giáo suốt hai triều Lê-Nguyễn kéo dài 517 năm, nhưng do tình hình chính trị trong nước có nhiều biến động (cuộc chiến giữa các tập đoàn phong kiến tranh giành quyền lực) nên ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển văn hóa Việt Nam nói chung và của Phật giáo nước nhà nói riêng.

Thời Hậu Lê, xu hướng quan điểm tam giáo đồng nguyên (hòa hợp ba tôn giáo là Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo) bị loại bỏ, nền văn hóa dân tộc độc lập của Đại Việt bị chèn ép bởi nền hệ tư tưởng giáo điều của Tống Nho (ta lấy Tống Nho hà khắc làm nền tảng cai trị chứ không lấy Hán Nho cởi mở, phóng khoáng). Tư tưởng cửa Khổng sân Trình đã chiếm địa vị quan trọng bậc nhất trên trường chính trị, đồng thời lan tỏa sự ảnh hưởng sâu rộng đến các tác phẩm văn học. Phật giáo bị đẩy ra khỏi hệ tư tưởng của vua quan, những nhà sư đã không còn được tham gia chính sự nữa mà phải lui về chốn thiền môn, đạo Phật đã suy thoái lại càng suy thoái hơn. Triều Hậu Lê được xem là thời kỳ mà Phật giáo suy đồi nhất trong các triều đại kể từ khi đất nước Đại Việt dành lại chủ quyền dân tộc từ tay các thế lực phong kiến Trung Quốc thời Bắc thuộc. Trong thời kỳ này, nhiều nhà sư không học hành nghiêm chỉnh, chỉ chăm chăm tu tập theo hình thức, không chú trọng nội dung tư tưởng, ngoài ra còn làm nhiều việc mê tín (như điểm nhãn, cầu mưa, phù chú) hòng mưu cầu danh lợi...

3. Tác giả - tác phẩm

Nguyễn Gia Thiều (sinh năm 1741, mất năm 1798) là người làng Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh , thân phụ là Nguyễn Gia Cư, một quan võ được phong tước Đạt Vũ Hầu, thân mẫu là bà Ngọc Tuân Quỳnh Liên công chúa, con gái chúa Trịnh Hy Tô.

Ông vốn thuộc dòng dõi quí tộc, có tư chất thông minh dĩnh ngộ khác thường, khi trẻ ngoài sự học văn còn theo học võ, tinh thông cung kiếm, 19 tuổi được vào cung trung làm chức Hiệu uý quản binh mã, lập chiến công, được phong tước Ôn như Hầu. Trong thời gian làm tổng binh ở Hưng Hóa, dù có công và được khen thưởng nhưng ông vẫn thường bỏ về nhà riêng ở Hồ Tây để làm thơ và bàn luận về triết học với bạn bè. Có người nói rằng chúa Trịnh không còn tin dùng ông nữa nên đẩy ông đi trấn giữ Hưng Hóa vì thế mà ông chán nản bỏ về nhà sống cuộc đời tài tử, làm thơ, uống rượu và cả tu hành với hiệu là Như Ý Thiền. Ông còn những biệt hiệu khác là Hy Tôn Tử, Tân Thi Viện Tử và Sưu Nhân. Đến khi Tây Sơn lấy Bắc hà, thì ông đi ở ẩn không chịu ra làm qua, thọ bệnh và mất năm 1798, hưởng thọ 58 tuổi.

Những tác phẩm còn để lại, về phần chữ Hán có bộ Tiền hậu thi tập, nhưng chưa tìm thấy, chỉ còn khẩu truyền một vài bài; về phần chữ Nôm thì còn Tây hồ thi tập, bộ tứ trai Cung oán ngâm khúc. Ở tập Chuyết thập tạp chí của ông Lý Văn Phức chép truyện Ôn như Hầu có nói rằng: "Nhất thị ứng khẩu thành tụng, ngữ ngữ khả nhân, nhất thị thiên đoàn bách luyện, ngữ ngữ kinh nhân", nghĩa là: một là ra lời nói thành câu thơ, lời lời thảy nghe được, hai là nghìn lần nhồi nặn, trăm lần nung luyện ra câu thơ, lời lời khiến người nghe phải sợ... tức là Nguyễn Gia Thiều có tài ứng đối thơ nhanh chóng và những lời thơ ấy khi qua trau chuốt, chỉnh sửa lại thì càng hay hơn
Tác phẩm Cung oán ngâm khúc không chỉ là minh chứng sáng rõ cho tài hoa của Nguyễn Gia Thiều mà còn là đóng góp đáng kể của ông cho nền văn chương nước nhà nói chung và cho văn học Phật giáo Lê - Nguyễn nói riêng.

Cung oán ngâm khúc là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Gia Thiều, được viết bằng chữ Nôm, gồm 356 câu thơ làm theo thể song thất lục bát. Đây là một bài ca ai oán về thân phận của người cung nữ tài sắc vẹn toàn, lúc đầu được vua sủng ái, yêu thương thắm thiết nhưng chẳng bao lâu lại bị bỏ rơi. Người cung nữ sống trong cung cấm trong tâm thế cô đơn, khắc khoải mong chờ một ngày lại được cửu trùng đoái tới, nhưng càng ngóng đợi bao nhiêu thì bóng dương lại càng xa vời bấy nhiêu. Nàng thiết tha mơ về cảnh “hoắc lê thanh đạm”, dù nghèo đói bần hèn nhưng cuộc đời lại thong dong, hạnh phúc. Nàng cung nữ nghĩ cho phận mình rồi lại ngẫm cảnh đời biến chuyển, vô thường, ân sủng mà nàng từng có được và cả vinh hoa phú quí mà nàng được hưởng đều chỉ như giấc mộng Nam Kha, có thể dễ dàng biến mất bất cứ lúc nào.  

4. Ngôn ngữ

Tác phẩm dùng nhiều thuật ngữ trong kinh điển Phật học. Các từ ngữ gợi chỉ về Phật giáo tập trung chủ yếu ở đoạn III (câu 33 - câu 132):

 “Tuồng huyễn hóa đã bày ra đấy,

Kiếp phù sinh trông thấy mà đau!”

 “Thà mượn thú tiêu dao cửa Phật,

Mối thất tình quyết dứt cho xong
Đa mang chi nữa đèo bòng ?
Vui gì thế sự, mà mong nhân tình!”

 “Nghĩ thân phù thế mà đau,

Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.”

 “Sóng cồn cửa bể nhấp nhô,

Chiếc thuyền bào ảnh lô xô gập ghềnh.”

 “Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa,

Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên”

 Huyễn hóa: chỉ muôn vật không có thật tính

Phù sinh: chỉ cuộc đời vô thường, không vững bền, không cố định mà luôn thay đổi

Cửa Phật: chỉ chốn chùa chiền yên tĩnh, thanh tịnh, không vướng bụi hồng trần.

Phù thế: chỉ cuộc đời vô thường, không vững bền, không cố định mà luôn thay đổi

Bể khổ: bởi chữ khổ hải. Tiếng nói của nhà Phật, ví sự khốn khổ mênh mông vô cùng như bể vậy.

Bến mê: bởi chữ mê tân, nhà Phật nói: sự ngờ vực ở nơi tam giới và lục đạo thì gọi là mê tân, bến lạc đường phải nhờ thuyền Từ bi của Phật mới đưa vào đến bến.

Bào ảnh: là cái bọt cái bóng. Kinh Kim cương bát nhã nói: “nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh, như lộ riệc như điện, ưng tác như thị quan” nghĩa là: hết thảy những điều có làm, có bắt chước thảy là như giấc chiêm bao, như chuyện huyền ảo, như bọt nước, như bóng đèn, như giọt móc và cũng như ánh sáng của chớp nhoáng, thì hết thảy nên xem như vậy cả. Ý nói những sự hiện hữu trên đời đều không được lâu bền

Hoa đàm: bởi chữ Ưu đàm hoa, là một hoa thiêng liêng của nhà Phật, ba nghìn năm mới có một lần nở hoa, mỗi khi có hoa tức có Phật ra đời,(Điển lược chép ở Pháp Hoa kinh)

Đuốc tuệ: bởi chữ Tuệ hỏa, tiếng nhà Phật nói: ngọn lửa trí tuệ để đem chúng sinh ra khỏi nơi chướng ngại khổ sở.

Việc sử dụng nhiều thuật ngữ Phật học đã tạo cho tác phẩm mùi văn đậm hương khói cửa Thiền. Từ ngữ được đưa vào một cách tự nhiên, gần gũi, góp phần biểu thị nội dung tư tưởng của tác giả. Phật học đi vào Cung oán ngâm khúc trơn tru nhuần nhị như nước sông hòa vào biển lớn. Tác giả không cố công nhồi nhét Phật giáo vào tác phẩm mà để mọi thứ diễn ra tự nhiên, thuận theo mạch sáng tác nghệ thuật chủ quan của mình.

Các thuật ngữ Phật học chỉ xuất hiện nhiều ở đoạn III mà không xuất hiện xuyên suốt tác phẩm vì chỉ có đoạn III là đoạn thể hiện rõ nhất nội dung tư tưởng triết lý nhân sinh mà tác giả gửi gắm qua tác phẩm. Những phân đoạn khác không thể hiện triết lý mà lần lượt miêu tả người cung nữ trước khi lọt vào mắt xanh cửu trùng, những ngày tháng hạnh phúc được hưởng ân mưa móc của vua, nỗi cô đơn buồn tủi xen lẫn oán trách khi không được đoái hoài và niềm tin đầy vô vọng về một ngày nào đó nàng sẽ lại được quân vương âm yếm ấp iu.  

5. Tư tưởng

Phật giáo có quan niệm về thập nhị nhân duyên. Thập nhị nhân duyên là phép tu hành của Duyên giác thừa: rằng tất cả các sự vật, cho đến luân hồi, đều do nhân duyên mà được sinh ra và tồn tại trên cõi đời, nhân duyên hợp là sanh, nhân duyên tan rã là diệt. Trước khi diễn ra kiếp sống cuối cùng của Đức Phật, cũng đã có nhiều vị tu hành giác ngộ được đạo lý nhân duyên, dứt mình ra khỏi vòng luân hồi vô thủy vô chung, đó là các vị Độc giác. Còn người thường không trải qua giác ngộ thì sẽ bị trói buộc trong sự luân chuyên của mười hai nhân duyên, gắn mình với khổ đau trần thế.

Thập nhị nhân duyên bao gồm: Vô Minh, Hành, Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão Tử. Trong đó, nhân duyên khó cắt đứt nhất chính là “Ái”. Người cung nữ trong tác phẩm phải đặt cả tấm lòng mình vào quân vương nên nàng mới biết buồn khổ khi không còn được đoái hoài, ân sủng. Nàng phải yêu nhà vua nên mới cố “Nghiêng bình phấn mốc mà nhồi má nheo”, cố níu kéo tuổi xuân hòng được bậc cửu trùng yêu thương, nhớ đến. Đây cũng chính là nguồn gốc nỗi khổ đau, cô đơn, tủi phận của người cung nữ. Nếu nàng không yêu, hẳn nàng sẽ không buồn rầu đến thế. Nàng có thể vui lòng với vinh hoa phú quí trong cung, sống đời vô vi, không bận tâm nhân tình thế thái. Nếu vua ban ân sủng, nàng vui mừng nhưng nếu không có thì nàng cũng chẳng quá khổ sở. Nhưng sợi tơ duyên đã cột hạnh phúc cả đời nàng vào đế vương - chủ nhân của tất cả những nữ nhân trong tam cung lục viện. Chủ nhân của vườn hoa, vị Chúa Xuân ấy chỉ “nhìn ngắm một hai bông gần”, để tâm đến những bông hoa đương độ bung nở đẹp nhất. Khi bông hoa ấy đã nhạt màu, tàn rũ thì Chúa Xuân lập tức tìm đến những bông mới đẹp đẽ hơn, tươi tắn hơn. Người cung nữ đã rất nhiều lần tự nhủ với lòng rằng nàng phải buông bỏ mối duyên đau đớn này, thậm chí còn nguyền rằng thà trước đây không vào cung cầu vinh mà chỉ cần một đời thanh đạm yên bình nơi chân quê là được. Nhưng rốt cuộc, nàng vẫn chẳng thể buông bỏ được. Mối nhân duyên “Ái” đầy đau khổ buộc chặt hạnh phúc người cung nữ.

Bên cạnh sự ảnh hưởng từ tư tưởng Phật giáo, Cung oán ngâm khúc cũng mang chứa rất nhiều âm vang Nho học. Đây là một hệ quả tất yếu bởi lẽ tác phẩm ra đời trong thời kỳ đỉnh cao của Nho giáo (Tống Nho) ở Việt Nam. Nho gia quan niệm rằng ba mối quan hệ rường cột, đóng vai trò giữ vững tôn ti trật tự cho xã hội là: quân thần (quân vương và thần tử, thần tử phải trung vơi vua), phu phụ (quan hệ vợ chồng, trong đó vợ phải tôn kính chồng, đặt chồng lên trên mình) và phụ tử (quan hệ cha con, con phải hiếu kính với cha). Từ ba mối quan hệ trên, có hai điều mà Nho giáo suy tôn, bảo vệ: địa vị của đàn ông trong xã hội và quyền lực tối cao của “thiên tử” (người đứng đầu bộ máy phong kiến). Như vậy, dù bị ruồng rẫy, đối xử như một món vật đã hết giá trị sử dụng nhưng người cung nữ vẫn trung với vua, một lòng với quân vương, giữ tròn vẹn đạo quân thần, phu phụ theo khuôn khổ của Tống Nho hà khắc. Nàng không thể nào xuất cung sống cuộc sống bình dân thanh đạm được vì lễ giáo phong kiến không cho phép. Nhưng thứ ràng buộc nàng đâu chỉ là bản cung quy dài dằng dặc, đâu chỉ là lớp lớp cấm quân gươm giáo sẵn sàng, đâu chỉ là mấy bức tường thành cao lớn lạnh lẽo. Những thứ ấy chỉ giam được thân thể nàng mà thôi, còn sự ràng buộc trong tâm nàng là do nàng tự đặt ra. Người cung nữ dẫu trải qua tháng ngày khổ sở, cô quạnh trong cung cấm nhưng nàng chưa hề nảy ra bất kỳ ý tưởng phản bội quân vương nào. Nàng vẫn một lòng một dạ chờ đợi ân sủng của nhà vua. Dẫu đã trở nên già nua, dù nhan sắc đã nhạt nhòa, dù lòng quân vương đã vĩnh viễn không còn lưu lại ở nàng nữa nhưng nàng vẫn bám víu chút hy vọng mong manh rằng nếu nàng cố trang điểm, cố che giấu dấu vết thời gian trên gương mặt thì vẫn còn cơ hội diện thánh hưởng ân sủng một lần nữa. Nàng vẫn đau đáu trong tâm can:

Niềm hy vọng của người cung nữ mới mỏng manh làm sao, đáng thương làm sao. Bản thân nàng chưa từng hai lòng với quân vương. Đạo làm vợ nàng giữ trọn, đạo quân thần cũng chưa từng lung lay. Trên thực tế, theo những giáo điều phong kiến thời bấy giờ, người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc không được xem là “vợ”, là “thê” của nhà vua mà chỉ là thân phận thiếp thất mà thôi. Sự tồn tại của nàng trên lý thuyết là giúp đấng quân vương “khai chi tán diệp”, nối dài dòng giống mà xã hội thời đó cho là dòng giống cao quý nhất. Thực tế, nàng cung nữ không khác gì một đồ vật để mua vui, để thỏa mãn ham muốn dục vọng của nhà vua. Khi nàng đã không còn gây cho vua hứng thú nữa thì nàng bị vứt vào một góc, không ai đoái hoài, không ai để tâm đến. Nàng không phải là “Hoàng hậu”, người được công nhận là thê, là vợ của người nàng yêu. Nàng không phải là “Hoàng hậu”, người chưởng quản lục cung, kề vai sát cánh, phân ưu cùng đấng quân vương. Nàng chỉ là người cung nữ nhỏ nhoi không danh phận, một sinh thể vô hình vô giá trị trong tam cung lục viện. Một thân phận như vậy, một con người như vậy vẫn phải làm tròn đạo “phu phụ” dẫu rằng người “phu” kia không để tâm, đoái hoài đến mình. Không được buông lời oán than. Không được có tư tình. Không được xuất cung dưới bất kỳ hình thức nào mà không được vua cho phép, kể cả tự tử (luật xưa quy định nếu cung phi tự tử thì gia đình người ấy sẽ chịu liên lụy, bản thân người cung phi ấy cũng thân mang tội lỗi xuống mồ). Trật tự xã hội, trật tự trong Cung oán ngâm là thứ trật tự cực kì hà khắc, cay nghiệt, có khả năng chèn ép thân phận con người đến tận cùng. Dẫu nỗi đau cá nhân có lớn lao đến thế nào, con người thời bấy giờ vẫn phải tuân thủ “tam cương”, “ngũ thường”, phải sống vì đạo lý lớn, vì thiên tử. Họ không được phép phản kháng lại những quy tắc hà khắc ấy, không được phép phá vỡ thứ “trật tự” đầy khắc nghiệt mang đậm màu sắc Tống Nho mà thế lực phong kiến thời bấy giờ đã áp đặt.

6. Cảm hứng nhân đạo

Bản thân Phật giáo là một tôn giáo mang tính dân chủ, phóng khoáng và nhân đạo. Qua nhiều thời kì phát triển, những lúc thịnh suy, đến với nhiều vùng miền khác nhau trên thế giới, Phật giáo vẫn giữ được tinh thần dân chủ, phóng khoáng và nhân đạo ấy. Trong thời kì đất đước chịu nhiều binh biến can qua, tinh thần nhân đạo của Phật được thể hiện ở những con người bé nhỏ với số phận đau khổ. Hình tượng con người như vậy không chỉ có ở các tác phẩm văn học lấy Phật pháp làm đích đến mà còn có ở các tác phẩm mang ít nhiều phong vị chốn thiền môn. Đặc trưng về cảm hứng nhân đạo của văn chương Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng, đồng thời gây ảnh hưởng tới toàn bộ nền văn chương Việt Nam nói chung trong thời Lê - Nguyễn. Trong thời Lý - Trần, con người trong văn học Phật giáo hiện lên “tự do, tự tại, phá chấp”. Với tinh thần trên, con người (bản ngã) trở lại thành chính mình (thành cái vô ngã), hòa hợp và hòa nhập với thiên nhiên, với đời và với đạo. Trong thời Lê - Nguyễn, hình tượng con người được đưa ra nhằm thể hiện những nỗi khổ đau, thân phận hèn mọn yếm thế. Hành động của chủ thể gắn liền với giáo lý nhà Phật về Tứ diệu đế, xoay quanh những đau khổ trầm luân kéo dài không dứt trong cuộc đời phù du đầy ảo mộng.

Với tác phẩm Cung oán ngâm khúc và hình tượng người cung phi bị vua ruồng rẫy, Nguyễn Gia Thiều đã thể hiện lòng cảm thương sâu sắc với thân phận người phụ nữ bị siết chặt trong các thiết chế nam quyền của xã hội phong kiến thời bấy giờ. Sống trong cung vua phủ chúa nhưng nàng không hề hạnh phúc, ngược lại, nàng còn ước ao cuộc sống tuy nghèo khó nhưng hạnh phúc, tự do nơi thôn quê. Say đắm trong ân sủng và vinh hoa, trầm mê trong nỗi cay đắng đơn độc nơi cung cấm, nàng nhận ra sự vô thường của kiếp người, của “mồi phú quý”, của “bả vinh hoa”.  

7. Kết

Tác phẩm là một trong những đỉnh cao văn chương trong kho tàng nước nhà. Dù Nguyễn Gia Thiều vẫn chưa thể hiện thật sự rõ ràng sự thối nát của chế độ phong kiến nước ta (người cung nữ không oán trách triều đình phong kiến, chế độ đa thê hay các giáo điều Tống Nho hà khắc mà chỉ trách người vô tình, đời đen bạc) nhưng tác phẩm đã thể hiện rất rõ sự khốn khổ của thân phận người phụ nữ dưới ách phong kiến nặng nề, tàn độc. Những vần thơ làm dấy lên trong lòng người đọc nỗi xót thương và sự đồng cảm sâu sắc với người cung nữ, đồng thời cũng thể hiện cái nhìn nhân văn mang đậm màu sắc Phật giáo của tác giả. Đây là một thi phẩm đáng để hậu nhân lưu lại, đọc lại để mà suy ngẫm, để mà xót thương.

 

Tác giả: Hoàng Anh

Designer: Trúc Phương

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv 

 

Xem thêm

Tiếng Việt, thơ Việt khó lòng đẹp hơn thế! Phần nhận xét dành cho tác phẩm "Cung Oán Ngâm Khúc" của Nguyễn Gia Thiều: Bài ngâm song thất lục bát chỉ dài 356 câu, xoay quanh nỗi chán chường, thất vọng, oán hận của một người cung phi đã từng được vua sủng ái nay bị bỏ quên trong cung cấm. Nội dung chỉ đơn giản có vậy! Toàn bài thơ không hề có diễn biến gì, chỉ đơn thuần tả cảnh tả tình, giống như một tập tranh: Bức tranh đầu tiên là một đêm thu vắng vẻ gió lạnh, người cung phi một mình thui thủi xót xa phận mình. Bức thứ hai là thời con gái của nàng, một thiếu nữ kiều diễm tài hoa kiêu hãnh. Bức thứ ba, có vẻ không liên quan đến cung phi cho lắm, tả cuộc đời trần ai lắm khổ đau, phù du như giấc mộng. Bức thứ tư là những tháng ngày nàng được vua sủng hạnh, những sớm trưa chầu chực bên vua. Bức tranh thứ năm lại là những ngày u tối buồn bã mong mỏi oán hận trong cung cấm khi nàng bị vua quên lãng. Sau cùng chúng ta được trở lại bức tranh thứ nhất, nàng chưa kịp chợp mắt thì trời đã sáng, nàng nghĩ về những ngày còn lại của đời mình. Bài ngâm thuần tả tình (tả cảnh cũng chỉ nhằm mục đích tả tình), xuất phát từ thân phận bị phũ phàng, cung nữ giãi bày mọi ngóc ngách trong cõi lòng mình. Mọi thang bậc cảm xúc, mọi khía cạnh của tâm hồn đều được khai thác triệt để, thật tài tình! Đáng nói hơn là về bút pháp. Cách dùng từ đặt câu rất kiểu cách nên khó hiểu, nếu không nhờ chú giải cặn kẽ e là không hiểu được hoặc hiểu nhầm ý. Một khi đã hiểu ý nghĩa câu thơ, ta sẽ thấy tài nghệ của nhà thơ thật cao thâm! Hãy lấy thí dụ bằng hai câu thơ sau: "Lầu đãi-nguyệt đứng ngồi dạ-vũ, Gác thừa-lương thức ngủ thu-phong" "Đãi-nguyệt" là chờ ngắm trăng, "dạ-vũ" tức đêm mưa. Trong một đêm mưa (tức không thể thấy trăng) mà cung phi lủi thủi ra lầu đãi-nguyệt, hết đứng rồi lại ngồi. Chắc hẳn không phải là để ngắm trăng mà vì tưởng nhớ những ngày cùng vua ngồi ngắm trăng ở chốn này, nay nhớ vua quá nên một mình ra ngồi trông ngóng (trong tuyệt vọng). "Thừa-lương" là hóng gió mát, "thu-phong" là gió (lạnh) mùa thu. Đang cơn gió lạnh mà cung phi một mình ra gác thừa-lương, hết thức rồi lại ngủ, chắc không phải để hóng gió lạnh, mà vì nhớ những ngày cùng vua hóng gió nơi này nên một mình ra trông ngóng tìm lại cảm giác xưa. Chỉ bằng hai câu thơ mà tác giả diễn tả được một nỗi nhớ nhung, tha thiết, mong đợi và tuyệt vọng đến điên dại. Ấy là chưa kể hai câu thơ đối rất cân với nhau, đồng thời "dạ-vũ" và "thức ngủ" lại vần với nhau nữa. Thật là đẹp! Hoặc tả cảnh đêm thu hiu quạnh "Giọt ba-tiêu thánh thót cầm canh Bên tường thấp thoáng bóng huỳnh Vách sương nghi ngút, đèn xanh lờ mờ" Bên ngoài mưa rả rích, nước đọng trên lá (chuối) ba-tiêu thỉnh thoảng rơi xuống tạo ra tiếng "cầm canh", chứng tỏ đêm mưa vắng vẻ hiu quạnh ghê lắm. Bờ tường thì sương phủ kín, mờ mờ ảo ảo, lại có thêm ánh đom đóm lập lòe, trong phòng thì đèn ngọn xanh lờ mờ. Tả căn phòng cô quạnh của cung phi mà ta có cảm giác như tả cảnh ngoài nghĩa trang, thật không gì u ám sầu não hơn. Nhận xét dành cho phần chú giải của Lê Văn Hòe: Quả thực nếu không được chú giải tỉ mỉ cẩn thận e là tác phẩm này khó đến được với người đọc bình dân. Sách chú giải từng chữ từng từ, giảng giải các điển tích liên quan, liên kết với bối cảnh và thân thế của nhà thơ, giúp người đọc có hiểu biết cụ thể, rõ ràng về ý nghĩa của câu thơ. Lê Văn Hòe còn so sánh và phê bình những cách hiểu khác mà theo ông là không hợp lý. Điểm nổi bật trong cách chú giải của Lê Văn Hòe là ông kết nối ý của nhiều câu với nhau để tìm ra ý chung, từ đó mới đi tìm hiểu chi tiết từng từ từng câu một, như vậy đảm bảo cách hiểu bám chặt lấy nội dung chính của cả đoạn, cho nên nội dung chú giải rất nhất quán, trôi chảy và hợp lý. Bài ngâm dài 356 câu, sách dầy 290 trang, trung bình mỗi câu thơ được dành ra gần một trang để chú giải. Thật là công phu! Chính nhờ phần chú giải mà người đọc học hỏi được nhiều hơn về tiếng Việt và thơ Việt.

Với thể thơ song thất lục bát đã làm cho nhạc điệu của bài thơ là một bản tình ca đầy âm sắc. Với vần trắc của câu thất thứ nhất đã tạo nên một cảm giác rất gay gắt cho người đọc và người nghe. Nhưng câu thất thứ hai với vần bằng đã tạo sự nhẹ nhàng trở lại. Cho đến hai câu lục bát với vần bằng đã tạo nên một cảm giác trầm lắng xuống. Đây là nét độc đáo của bài thơ khi đọc đến hai câu lục bát có sự chùng xuống giống như những nốt trầm của một bài ca buồn. Theo người viết cảm nhận một khổ thơ bốn câu song thất – lục bát trong bài thơ này ẩn chứ nhiều cung bậc của cảm xúc. Câu thất thứ nhất nói lên sự ai oán, nỗi khát khao đến cháy lòng, câu thất thứ hai dịu hơn một chút vì sự ai oán và nỗi khao khát đã nguội dần, cho đến hai câu lục bát thì chùng hẳn vì biết rằng có mong đợi có ước ao cũng chỉ là tuyệt vọng mà thôi. Vần điệu song thất lục bát được kết hợp một cách nhuần nhuyễn, phép đối ngẫu được tôn trọng một cách chặt chẽ. Chính vì vậy mà Cung oán ngâm khúc từ khi phôi thai cho đến khi hình thành là dùng để ngâm nga chứ không phải để đọc. Cung oán ngâm khúc rất chặt chẽ về mặt cấu trúc cũng như sắc sảo về ngôn từ. Ngôn ngữ trong Cung oán ngâm khúc hết sức tài hoa, chuẩn xác, dùng nhiều chữ Hán và điển tích, điển cố như: gió vàng hiu hắt, lạnh ngắt như đồng, thân phù thế, mùi tục luỵ, mồi phú quý, bả vinh hoa, cánh buồm bể hoạn, hoa chúm chím chào, cợt đào ghẹt mai, thánh thót cung đàn, nỉ non tiếng địch, gay gắt điệu, tê tái lòng, má đào chon chót, âm thầm chiếc bóng, hồn bướm vẩn vơ, dế ran ri rỉ, quyên kêu ra rả... Câu thơ trong Cung oán ngâm khúc được trau chuốt đến mức tuyệt hảo mà không có từ ngữ nào có thể thay thế được. Nó giống như một tác phẩm điêu khắc đòi hỏi sự tinh xảo và tỉ mỹ đến từng chi tiếc mà người nghệ nhân phải rất tài hòa mới thực hiện được. Những danh từ được dùng như: bể khổ, bến mê, nước dương, bào ảnh, thất tình, hoa đàm, đuốc tuệ, tiền nhân, hậu quả... đều là những điển trong các Kinh Phật như Kinh Kim Cương, Pháp Hoa Kinh, Hoa Nghiêm Kinh, Truyền Đăng Lục... bên cạnh những từ ngữ của Lão giáo như: gió mát trăng thanh, thoát trần, cái thân ngoại vật, tiên,… đã làm cho tác phẩm khá phong phú về nghệ thuật. Trong Cung oán ngân khúc, không gian chủ yếu là cảnh bưng bít của chốn tiêu phòng lạnh lẽo cùng thời gian chủ yếu là bóng đêm và mùa thu với sự hồi ức đã tạo nên một bức tranh vô cùng đen tối, ảm đạm, buồn bả. Thông qua những hình dung từ về xúc giác, thị giác được chọn lọc một cách chính xác làm cho người đọc có nhiều sự tưởng tượng khác nhau. Hơn thế nữa, tác phẩm còn gây ấn tượng cho người đọc bằng giọng văn réo rắt làm bật lên tâm trạng não nùng, ai oán của nhân vật trong khúc ngâm một cách tài tình.

Nguyễn Gia Thiều cho rằng đời là tạm bợ nên phải ung dung tự tại để sống nhiều khi còn muốn tu hành thoát tục. Những điều này được thể hiện trong thơ ông nhưng chưa đạt rốt ráo của sự giải thoát. Ông muốn thoát khỏi chế độ xã hội bất công đã khinh thường và áp bức con người đến mức nghẹt thở cũng như người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc đã muốn phá tan cung cấm giam hãm mình bấy lâu nay để trở về sống đời “cục mịch nhà quê” mà không được. Điều này cho thấy làm người thật khó, không phải muốn gì cũng được. Ấy phải chăng đó là sự sắp đặt của “tiền định” mà con người không thể can dự vào: “Vẻ chi ăn uống sự thường Cũng còn tiền định khá thương lọ là.” (câu 51 - 52) Theo Vũ Ngọc Khánh thì ý này lấy từ sách Mạnh Tử : “Nhất ẩm nhất trác sự giai tiền định” (một cái uống một cái ăn đều được định trước).[10] Những việc nhỏ như cái ăn cái uống mà còn được tạo hóa sắp đặt sẵn huống chi là những việc liên quan đến vận mệnh của con người. Con người không thể cưỡng lại nỗi mà đành cam chịu số phận khắc nghiệt do tạo hóa đã định trước. Đó là tâm trạng bế tắc của Nguyễn Gia Thiều hay là sự bế tắc của cả xã hội phong kiến thế kỷ XVIII. Xã hội bế tắc là do con người hay do “tiền định”? “Một câu hỏi lớn không có lời giải đáp, cho đến bây giờ mặt vẫn chau.” Chính nhà thơ Huy Cận trong bài thơ Các vị La Hán chùa Tây Phương đã nói như thế. Mọi sự bế tắc của kiếp người in hằn trên thể xác lẫn tâm hồn của các vị La Hán. Chính cha ông ta đã đem những tâm sự u uẩn, bế tắc ấy vào trong những tác phẩm của mình. Các vị La Hán đã dứt hết các phiền não rồi nhưng không ngờ khi thấy cảnh đời cơ cực của chúng sanh mà “các vị đau theo lòng chúng nhân”. Nhìn thấy cảnh đời cay nghiệt mà chế độ phong kiến đem lại cho con người thì “tượng không khóc cũng đổ mồ hôi”. Nhà thơ Chế Lan Viên cũng viết: “Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ, Văn chiêu hồn từng thắm giọt mưa rơi.” Theo ý của người viết nghĩa rằng “tiền định” còn hàm nghĩa là “nghiệp”. Đây là một quan điểm của đạo Phật. Do nhân của tiền kiếp của người cung nữ đã gieo cho nên ngày nay gánh quả báo là phải chịu tất cả những đau khổ. Do nghiệp của thân, khẩu, ý tạo tác mà ngày nay người cung nữ khó có thể mà thoát được dù có muốn thoát hay không. Chính cái nghiệp này đã trói buột cuộc sống của con người, nếu con người có vùng vẫy cũng không thể thoát nên đành phải chấp nhận nó mà thôi. Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng nói: “Đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.” Chính vì sự bế tắc không thể thoát ra khỏi cái nghiệp đã định sẵn mà Nguyễn Gia Thiều muốn tìm đến sự tu hành. Một mặt ông muốn tìm đến của Phật để mong dứt hẳn mối thất tình vây hãm con người: “Thà mượn thú tiêu dao cửa Phật, Mối thất tình quyết dứt cho xong.” (câu 109 – 110) Thất tình: là bảy thứ tình của con người gồm: hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục: mừng, giận, thương, vui, yêu, ghét và ham muốn, là con người ai ai cũng có bảy thứ tình này đã làm cho con người đau khổ, trầm luân. Ông muốn tìm đến cửa Phật để “mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên”. Hoa đàm: bởi chữ Ưu-đàm-hoa là một hoa thiêng-liêng của nhà Phật, ba nghìn năm mới có một lần nở hoa, mỗi khi có hoa tức có Phật ra đời.[11] Ông muốn mình như hoa đàm không vướng bận một chút ưu phiền nào. Đuốc tuệ: bởi chữ Tuệ hỏa, tiếng nhà Phật nói: ngọn lửa trí tuệ để đem chúng sinh ra khỏi nơi chướng ngại khổ sở. Ông muốn dùng đuốc tuệ để soi đường dẫn lối ông thoát khỏi sự bế tắc của cõi đời này. Nói cách khác là ông muốn tìm đến với đạo Phật để tu hành với tiêu chí “duy tuệ thị nghiệp” nghĩa là lấy trí tuệ làm sự nghiệp để mà giải thoát. Nguyễn Gia Thiều không chỉ tu theo Phật mà ông còn muốn tu theo đạo Lão nữa Ông muốn: “Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa” để quên đi những nỗi phiền muộn của cuộc đời. Ông muốn tiêu dao vui thú với thiên nhiên cho quên đi những tháng ngày u uất. “Thoát trần một gót thiên nhiên Cái thân ngoại vật là tiên trong đời.”(câu 113 - 116) Ông muốn thoát khỏi cái thân uế trượt này siêu thăng như tiên để được tiêu dao không phải lo toan với những ưu tư phiền muộn. Nhưng không phải ai muốn đi tu là cũng tu được đâu? Ôn Như Hầu còn cảm thấy trên con người còn có một sức mạnh thần bí nào đó chi phối kiếp người mà con người tự mình không thể hiểu thấu trong hai câu thơ: “Cái quay búng sẵn trên trời Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.” (câu 91 - 92) Theo Vũ Ngọc Khánh chỉ có “ba chữ “cái quay búng” mà mỗi người hiểu một các khác nhau. Giáo sư Nguyễn Huy Bảo trong cuốn sách “Nhân bản Thiên Chúa Giáo” (trang 76 và 24) giảng “cái quay búng” trong Cung Oán Ngâm Khúc là Trời (viết chữ hoa). Giáo sư Tôn Thất Lương lại giảng “cái quay” là luân hồi của Đạo Phật”. Còn trong Chú giải Cung oán ngâm khúc thì cho biết: “Cái quay: bởi chữ Luân hồi, bánh xe quay, là cái máy quay của tạo hóa; nhà Phật nói: chúng-sinh ở trong thế giới, từ khi đầu tiên đến nay cứ bị quay xoay vần trong lục đạo hết kiếp này đến kiếp kia mãi, như cái bánh xe quay mãi không thôi. Chỉ có kẻ tu hành đắc đạo mới thoát khỏi luân-hồi ấy.” Chỉ có ba chữ thôi mà có nhiều cách hiểu khác nhau. Cũng theo Vũ Ngọc Khánh: “Nếu chỉ có ba chữ “cái quay búng” thôi, có thể hiểu là sự “may rủi”. Nếu thêm chữ “sẵn” thành “cái quay búng sẵn”, có thể là “tiền định”. Nếu lại thêm hai chữ “trên trời” cái tiền định này ở ngoài tầm con người không phải ở dưới trần nhưng ở trên trời. “Cái quay búng sẵn trên trời” chi phối ra sao? Trí người không ai thấu hiểu chỉ thấy “mờ mờ nhân ảnh”. Con người mò mẫm tìm ngược xuôi trong bóng tối “như người đi đêm” không biết đi về đâu. “Máy huyền vi mở đóng khôn lường”[12] Người cung nữ muốn trở lại với cảnh đời được sủng ái như ngày xưa không được mà muốn thoát ra để trở về với cảnh đời “cục mịch nhà quê” cũng không xong. Đây chính là quan niệm sống của Nguyễn Gia Thiều muốn vứt bỏ đi tất cả nhưng lửa duyên lại chưa dứt được còn muốn tu hành nhưng nghiệp quả lại không cho. Chính vì vậy mà ông ngán ngẫm nên không mong muốn gì thế sự nữa:­ “Đa mang chi kiếp đèo bồng, Vui gì thế sự mà mong nhân tình.” (câu 111 – 112) Đây không chỉ là tư tưởng của Nguyễn Gia Thiều mà là của một lớp người trí thức bấy giờ. Xã hội rối ren không còn kỷ cương, một tâm trạng bế tắc trước xã hội như thế con người ta muốn thoát khỏi nhưng không thể, để thấy xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII là một xã hội bế tắc khiến con người muốn vùng vẩy ra khỏi mà không được. Dù có thương cảm cho kiếp người hay có oán than cho xã hội thì Nguyễn Gia Thiều cũng giữ một tấm lòng trung với vua giống như người cung nữ oán trách vua khi bị ruồng bỏ nhưng khi ước ao trở lại cảnh ái ân với vua như ngày nào không được thì nàng vẫn phải giữ lòng trung trinh: “Phòng khi động đến cửu trùng Giữ sao cho được má hồng như xưa.” (câu 355 – 356) Đây là quan niệm về “chữ Trung” của Khổng Tử trong “Trung quân ái quốc” dù nhà vua có gì đi chăng nữa thì phận làm bầy tôi phải giữ lòng trung “Quân xử thần tử thành bất tử bất trung”. Nàng cung nữ dù có oán trách vua nhưng cuối cùng vẫn giữ một tấm lòng trung trinh ở đây nàng cung nữ đã nói thay cho Nguyễn Gia Thiều một nhà luôn đặt trên mình ba chữ “quân, sư, phụ” cho nên phải tận trung với vua. Nếu không trung với vua thì không là người yêu nước, chính vì vậy mà các nhà Nho rất xem trọng điều này. Hai câu thơ này la hai câu kết của tác phẩm hàm ý rằng dù xã hội có thế nào đi nữa thì con người cũng phải tôn trọng những giá trị lễ nghi của cuộc đời. Như nàng cung nữ dù có oán trách vua nhưng vẫn giữ một lòng trinh bạch cũng như Nguyễn Gia Thiều dù có bức xúc với xã hội đương thời những vẫn giữ lễ nghĩa của một người tri thức.

Chính vì ngán cái “tạo hóa” trớ trêu mà ông cho rằng muôn vật ở đời chỉ là hư vô, hư trụ, do duyên sinh, duyên khởi của vạn pháp mà tồn tại. Người viết tạm dùng hai từ “tạo hóa” để nói về một sự sắp đặt sẵn của mọi sự vật hiện tượng và luôn cả kiếp người. Con người tin có một đấng “bề trên” nào đó sắp đặt cuộc sống của con người và chi phối cả vũ trụ. Nguyễn Gia Thiều cũng tin như thế, nhưng ông còn am tường hơn khi đem giáo lý duyên khởi của đạo Phật để giải thích cho sự tồn tại của vạn pháp nói chung và của con người nói riêng. Con người đã tồn tại trên cõi đời này theo nhân duyên hòa hợp mà thành thì vũ trụ nơi mà con người hiện hữu cũng do nhân duyên mà sinh diệt. Nhưng dù con người có tồn tại trong vũ trụ này cũng chỉ là sự ê chề, bi thương vì bị luật vô thường chi phối. Sự sanh diệt của con người sớm muộn gì cũng bị tan hoại bởi luật vô thường. Còn mọi sự vật hiện tượng trên cõi đời này cũng chỉ là giả hợp không thật có: “Tiêu điều nhân sự đã xong, Sơn hà cũng ảo, côn trùng cũng hư.” (câu 95 - 96) Như vậy, có gì đâu để đáng tự hào, để đáng vui trong kiếp sống phù sinh này chứ. Đó là sự bi đát nhất của vạn pháp mà con người cũng chỉ là một trong những hạt cát của sa mạc vạn pháp đó mà thôi cho nên phải chịu chung số phận sinh diệt, vô thường này. Tư tưởng này xuất phát từ Phật giáo và của Lão Trang mà Nguyễn Gia Thiều chỉ là người tiếp thu nó. Nguyễn Gia Thiều đã tiếp thu chân lý đầu tiên của đạo Phật là Khổ Đế, thuyết vô thường, thuyết duyên khởi để nâng cao nó thành tư tưởng của tác phẩm. Bên cạnh đó, ông còn tiếp thu triết lý vô vi trong Đạo Đức kinh của Lão Trang để nâng cao thành triết lý sống của mình. Triết lý vô thường của đạo Phật và thuyết vô vi của Lão Trang trong tác phẩm Cung oán ngâm khúc đã vẽ cho cuộc đời một bức tranh tang thương của kiếp người chăng? Không phải thế, hai triết lý này mô tả một cách hiện thực bản chất của vạn pháp là duyên sinh duyên khởi. Có sinh ắt có diệt đó là chân lý hiển nhiên và con người phải biết chấp nhận nó để mà sống, để mà khỏi đau khổ thêm nữa. Trong câu 76, ông viết: “Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương", vân cẩu: là mây chó, ý này được lấy trong thơ của Đỗ Phủ: “Thiên thượng phù vân như bạch y, Tu tư hốt biến vi thương cẩu.” (Trên trời đám mây nổi như cái áo trắng, Bỗng chốc hóa hình con chó xám.) Ý nói sự biến chuyển nhanh chóng của mây. Về sau đem ví sự thay-đổi trên đời. Tang thương: tang là cây dâu, nương trồng dâu, thương là bể khơi, bãi bể. Sách Liệt Tiên truyện chép: Bà Ma-cô tiên-nữ đã nói bà từng thấy một nơi kia đám nương trồng dâu đã ba lần hóa thành bể khơi, bãi bể. Ý nói sự thay đổi nơi trần thế nhiều lần. Tang thương hay còn gọi Tang-hải-Tang-thương- Bãi bể nương dâu- Bể dâu, đều là một nghĩa.[8] Sự thay đổi biến thiên của một con người giống như nhìn một đám mây nỗi như áo trăng bỗng chốc lại hóa thành hình con chó. Biển xanh còn biến thành nương dâu thì thân người có xá gì. Theo Nguyễn Gia Thiều thời gian của một kiếp người thoáng mất qua cửa sổ: "Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi" (câu 353) còn Trịnh Công Sơn trong ca khúc Tình xa lại cho rằng: “Ôi tiếng buồn rơi đều nhìn lại mình đời đã xanh rêu”. Thật vậy cuộc sống con người thật ngắn ngủi nhưng con người đâu ý thức được đều đó. Chính không ý thức nên đã để thời gian trôi qua rất nhanh đến khi nhìn lại thì tóc trên đầu đã điểm bạc. Con người lúc nào cũng nghĩ rằng sự tồn tịa của một kiếp người là rất lâu nên nhạc sĩ Y Vân mới viết ca khúc Sáu mươi năm cuộc đời. Nhưng đối với đạo Phật thì kiếp sống của con người chỉ tồn tại trong từng hơi thở. Ở điểm này Nguyễn Gia Thiều thừa tự được tư tưởng của đạo Phật nhận biết thời gian như bóng câu qua cửa sổ rồi cuối cùng chẳng được gì ngoài nấm mồ cỏ mọc xanh rì: “Tuồng ảo hóa huyễn bày ra đấy, Kiếp phù sinh trông thấy mà đau Trăm năm còn có gì đâu? Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.” (câu 103 - 104) Vẫn biết cuộc đời là bể khổ, là bến mê, tất cả hạnh phúc trên đời chỉ là phù hoa ảo ảnh sẽ chìm đám vỡ tan như bọt bèo trong vũ trụ. Nguyễn Gia Thiều đã ví cuộc đời này là vỡ “tuồng” mà vỡ “tuồng” thì làm gì mà có thật cho nên nó mới là “tuồng ảo hóa”. Nếu cuộc đời này là vỡ tuồng thì con người là những diễn viên trong vỡ tuồng đó được sự sắp đặt của đạo diễn “tạo hóa” chứ không phải làm theo ý của mình. Đáng buồn nhất là con người giống như một con rối trong vỡ “tuồng ảo hóa” này bị người khác giật dây. Có vui hay có buồn gì đi chăng nữa cũng phải cố gắng đóng cho tròn vai diễn chứ không được quyền quyết định hay cải lại. Ngẫm nghĩ lại kiếp người mà thấy đau lòng khi nhìn lại trăm năm đi qua của một kiếp người cuối cùng chỉ là một nắm mộ bên nghĩa địa buồn mà thôi. Ý thơ này của Nguyễn Gia Thiều giống với tư tưởng của Nguyễn Du trong hai câu đầu của tác phẩm Truyện Kiều: “Trải qua một cuộc bể dâu, Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” Có sống qua gần hết một kiếp người thì cuối cùng nhìn lại chỉ là sự chán chường đau đớn. Người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều đã gặp Nguyễn Du cùng một quan điểm. Dù có sống đến trăm năm thì chỉ là trò bể dâu mà thôi. Nguyễn Gia Thiều đã miêu tả tâm trạng khổ sở cùng cực của người cung nữ khi bị dày vò trong cung cấm. Thông qua những hình dung từ: ảo, hư, tiêu điều, đau, tang thương cũng đủ nói lên tâm trạng quặn thắt của người cũng nữ trong chốn thâm cung. Nguyễn Gia Thiều còn xem cuộc đời này chỉ là giấc mộng: "Kìa thế tục như in giấc mộng" (câu 49). Những vần thơ trong Cung oán ngâm khúc được xem khoảng thời gian hưởng niềm vui thoáng đến rồi chợt đi giống như một giấc mộng. Những điển này được dựa vào tích của Tô Đông Pha, Trang Chu, Lý Công Tá (bài Ký Nam Kha Mộng). Ngay cả trong tình yêu cũng được ví như giấc “mộng xuân” ngắn ngủi mà một khi mất đi con người ta dù có ngàn vàng cũng không thể nào mau lại được: “Dẫu mà ai có nghìn vàng Đố ai mua lấy được một tràng mộng xuân” (câu 175 - 176) Cho đến khi đêm nằm ngủ trong chiêm bao thấy hồn mình thành bướm nhởn nhơ đó đây, nhưng khi tỉnh giấc thấy mình vẫn là con người nên lòng còn tiếc nuối ngẫn ngơ: “Khi bâng khuâng hồn bướm vẩn vơ” (câu 218) Mọi sự vật sự việc, mọi hiện tượng ở đời cũng chỉ là một giấc mộng Nam Kha huyễn hóa và vô tình mà thôi: “Giấc Nam Kha khéo bất tình Bừng con mắt dậy thấy mình tay không" (câu 83 - 84) “Giấc mộng Nam Kha”, có nguồn gốc từ cuốn tiểu thuyết “Tiểu sử Nam Kha Thái Thú” của tác giả Lý Công Tá đời Đường Trung Quốc thế kỷ 9 công nguyên. Kể về chuyện của Thuần Vu Phân, nhân ngày sinh nhật của ông, người thân và bạn bè đều đến chúc thọ, ông vui mừng quá, và uống nhiều chén rượu. Sau khi người thân và bạn bè về nhà, ông ngà ngà say hóng mát dưới cây hòe, bất giác ngủ quên. Trong giấc mơ, ông mơ thấy mình đi thi rồi đậu trạng nguyên và được vua gã công chúa cho ông. Sau đó không lâu ông được nhà vua cử đến quận Nam Kha làm thái thú. Ông cố gắng làm việc và quý mến nhân dân nên được nhân dân hết lòng khen ngợi. Ba mươi năm trôi qua, thành tích của ông đã nổi tiếng khắp toàn quốc, và ông đã có bảy con, năm trai hai gái, cuộc sống rất hạnh phúc. Nhà vua mấy lần muốn điều động ông về kinh thành đảm nhiệm chức vụ cao hơn, nhưng người dân không cho. Khi nước Thiện La đem quân xâm lược nước Đại Hòe, nước Đại Hòe bị thua trận nhiều lần. Các quan trong triều tiến cử Thuần Vu Phân, thái thú quận Nam Kha có thành tích công tác xuất sắc, bèn giới thiệu với nhà vua. Nhận mệnh lệnh của vua, ông dẫn quân xuất chinh nhưng vì không biết phép dùng binh nên quân của ông đã bị thua và xuýt nữa ông bị bắt. Được tin này, nhà vua hết sức thất vọng, ra lệnh truất bỏ mọi chức vụ của ông, giáng xuống làm bình dân, và đưa về quê. Thuần Vu Phân nghĩ tên tuổi anh hùng của mình bị phá hủy hoàn toàn, hết sức xấu hổ và tức giận, kêu một tiếng thật to, ông tỉnh dậy từ giấc mơ. Ông theo cõi mộng đi tìm nước Đại Hoè, hóa ra dưới cây hòe có một lỗ con kiến và có những kiến đang cư trú ở đó. Nghĩ đến tích này mọi người gọi là “giấc mộng Nam Kha” hay còn gọi là “giấc hòe”.[9] “Giấc mộng Nam Kha” được con người ví như là một giấc mơ về vinh hoa phú quý, nó chỉ là huyễn hóa không thật, khi tỉnh giấc mơ thì hiện thực vẫn trở về. Ở đây người viết đưa ra quan điểm: “Giấc mơ là có thật nhưng những điều trong giấc mơ chỉ là hư ảo.” Thế mới hay trò đời dâu bể khéo sắp bày và cuộc đời chỉ là một giấc mộng vô thương, hư vọng.

Với giọng văn gồm nhiều từ ngữ của nhà Phật, Nho, Lão, Ôn Như Hầu đã giải thích về nhân sinh, vũ trụ và cuộc đời. Ông cho rằng cuộc đời là bể khổ mê tân, con người từ khi có mặt ở cõi đời này đã là khổ: “Thảo nào khi mới chôn nhau, Đã mang tiếng khóc chào đời mà ra!” (câu 55 - 56) Đây là quan niệm “Sinh là khổ”, một trong Bát khổ của Khổ đế mà Đức Phật đã nói trong Tứ Đế. Khổ đế là chân lý đầu tiên trong Tứ Đế, nói lên sự thống khổ của chúng sinh và “Sinh là khổ” là điều đầu tiên mà Đức Phật đề cập đến. Khi mới sinh ra con người đã là khổ rồi và nỗi khổ đó được báo trước nên tiếng kêu đầu tiên lại là tiếng khóc. Tại sao không phải là tiếng cười mà là tiếng khóc vì tiếng khóc báo hiệu sự có mặt trên cõi đời này của con người sẽ chịu nhiều nỗi khổ mà sinh là nỗi khổ đầu tiên mà con người phải gánh chịu. Cùng quan điểm đó, Nguyễn Công Trứ cũng có câu: “Thoạt mở mắt thì đà khóc chóe, Trần có vui sao chẳng cười khì.” Thật vậy, cuộc đời có vui gì đâu mà cười, chính vì không vui nên mới phải khóc lúc sinh ra chứ. Trịnh Công Sơn trong nhạc phẩm Phôi pha cũng có đoạn: “Thôi về đi, đường trần đâu có gì”. Đúng vậy, đường trần không có gì cả chỉ là khổ thôi, mà Đức Phật cũng đã nói: “Nước mắt của chúng sinh nhiều hơn nước biển” và con người chỉ là cánh bèo trôi nỗi dập dền trong bể khổ ấy: “Nghĩ thân phù thế mà đau, Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.” (câu 67 - 68) “Bể khổ: từ Hán Việt là khổ hải. Đức Phật ví sự khốn khổ của chúng sanh mênh mông vô cùng như biển”[4]. Bến mê: bởi chữ mê tân, nhà Phật nói: sự ngờ vực ở nơi tam giới và lục đạo thì gọi là mê tân, bến lạc đường phải nhờ thuyền Từ-bi của Phật mới đưa vào đến bến được. Con người không thể định hướng cho chính mình mà chịu sự tác động của những yếu tố khách quan khác. Ôn Như Hầu ví thân phận con người như là bọt bèo để mặt cho dòng nước cuốn đi vào bến bờ vô định. Nghĩ đến thân thể mà đau đớn xót xa khi phải mang thân người. Khổng Tử cũng nói: “Ta khổ vì ta có cái thân này”, nếu không còn thân này nữa thì ta có hết khổ chăng! Chưa hẳn thế, không biết khi không còn thân nữa thì ta có hết khổ không nhưng chỉ biết rằng khi có thân thì chắc chắn là có khổ. Đau đớn hơn cả là con người không thể làm được những gì mà mình muốn nên phải cứ dằn vặt trong biển khổ đau thương: “Sóng cồn cửa bể nhấp nhô, Chiếc thuyền bào ảnh lô xô gập ghềnh” (câu 71 - 72) Bào ảnh: là cái bọt cái bóng. Kinh Kim Cương nói: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh, như lộ riệc như điện, ưng tác như thị quan.” Nghĩa là: Tất cả các pháp như giấc chiêm bao, như chuyện huyền ảo, như bọt nước, như bóng đèn, như giọt sương móc và cũng như ánh sáng chớp nhoáng. Ý nói những sự hiện hữu trên đời đều không được lâu bền, là giả tạm, là vô thường.[5] Dù biết đời là tạm bợ, thân là giả dối không thật, đó là đứng trên phương diện pháp tướng của nhà Phật mà nói, nhưng cái mà con người đối diện với những đau khổ cay cực của cuộc đời là có thật. Cái đau khổ đó không những người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc muốn thoát ra mà cả Nguyễn Gia Thiều cũng muốn phá tan cái vòng bức bách ấy. Sự cay nghiệt của tạo hóa đã giết chết con người hồi nào không hay: “Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán, Chết đuối người trên cạn mà chơi.” (câu 73 - 74) Trẻ tạo hóa: bởi chữ tạo hóa tiểu nhi, trẻ nhỏ tạo hóa, đây là lời nói bỡn gọi ông trời bằng trẻ con; nó xuất phát từ điển tích ông Đỗ Thẩm Ngôn đời Đường, khi đau nặng, bọn ông Tống Chi Vấn vào thăm, Đỗ Thẩm Ngôn nói rằng: “Ngao ngán thay trẻ tạo hóa làm ta nên khổ sở thế này…”[6] Chết đuối người trên cạn: bởi chữ Lục-trầm. Lục là trên cạn. Trầm là chìm đắm, Trang tử nói: “Không thèm đi chung với đường đời gọi là chết đắm trên cạn”. Ở đây có nghĩa là không hạp với tình đời.[7] Phải chăng, tạo hóa khéo sắp đặt cho những con người “tài hoa bạc mệnh” Ông Như Hầu đã cảm thương cho thân phận tài hoa mà phận bạc của người cung nữ. Ông cảm thương cho người cung nữ cũng chính là sự cảm thương mình vì Nguyễn Gia Thiều cũng là một người tài hoa nhưng số phận của ông cũng gặp phải sự cay nghiệt của tạo hóa. Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng ai oán không kém: “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Đâu phải Nguyễn Du chỉ có thương cảm cho nàng Kiều mà còn thương cho chính Nguyễn Du nữa để “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh, giật mình mình lại thương mình xót xa”. Ông cũng đau đớn chua chát cho thân phận con người đâu thua kém gì Nguyễn Gia Thiều khi sống trong chế độ phong kiến ở thế kỷ XVIII. Sự chà đạp con người của xã hội phong kiến cùng với sự khắc khe của tạo hóa đã làm cho con người tê tái cả cõi lòng. Đâu chỉ có “sanh là khổ” mà trong suốt cuộc đời từ lúc trẻ cho đến lúc tuổi già con người luôn đối diện với những bức bách, những nỗi sợ hãi về cuộc sống, đã bao lần lâm vào những cảnh sống dỡ, chết dỡ, đói nghèo hoành hành, tai nạn kinh khiếp: "Trắng răng đến thuở bạc đầu, Tử, sinh, kinh, cụ, làm nau mấy lần." (câu 59 - 60) Đường đời còn chồng chất nhiều nỗi đắng cay cùng với bệnh tật đã hành hạ thân xác lẫn tinh thân của con người. Sự thống khổ của bệnh tật đã cắt đứt tim gan, đốt ruột, cắt da con người hằng ngày hằng giờ trong đau đớn: “Bệnh trần đòi đoạn tâm can, Lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da.” (câu 63 - 64) Với hình ảnh “lửa” trong câu thơ này, Nguyễn Gia Thiều đã dựa vào tư tưởng của kinh Pháp Hoa để nói về nỗi khổ của chúng sanh bị thuê đốt trong nhà lửa của tam giới: “Tam giới bất an, do như hỏa trạch”. Ở đây, ông miêu tả sự bức bách của người cung nữ khi sống trong sự tù túng của cung cấm giống như bị thiêu đốt trong nhà lửa. Tuy nhiên sự bức bách thật sự trong tác phẩm này hàm ý nói lên nỗi khổ tâm của tác giả khi sống trong chế độ phong kiến đầy dãy những điều “chướng tay gai mắt”. Chính vì sự chán ngán đó đã làm cho con người thêm mệt mỏi. Khi mùi đời chỉ toàn là hương vị đắng cay thì còn có gì vui đâu để mà bám víu: “Mùi tục lụy dường kia cay đắng, Vui chi mà đeo đẳng trần duyên.” (câu 105 - 106) Sống trong cuộc đời với hàng nghìn cảnh va chạm của công việc, của các mối quan hệ với xã hội, gia đình, dòng tộc, hàng trăm lần bị sứt mẻ thân thể lẫn tâm lý đã làm tin gan con người se thắt lại. Có khi muốn chết cho mau nhưng nào được như vậy. Khổ sở nhất là trong cảnh sống không được mà chết không xong mà cứ phải chịu đựng những nỗi đau dày vò dằn xé: “Đòi những kẻ thiên ma bách chiết Hình thì còn bụng chết đòi mau !” (câu 53 - 54) Không chết được, vậy thì phải sống. Còn sống thì phải còn tất bật với cuộc mưu sinh. Trong cuộc mưu sinh đó con người phải toan tính và chạy theo cái vinh hoa phú quý có khi đánh mất mình hồi nào không hay. Thật ra có ai biết đủ để mà dừng lại. Chính vì sự ham muốn danh vọng mà con người đã rượt đuổi nó như một chiếc bóng. Nguyễn Gia Thiều đã phê phán hóa sự phú quý là “mồi phú quý”. Phú quý ở đây chỉ là miếng mồi dành để câu những con cá mà thôi. Con cá nào đớp được mồi tưởng đâu có được một bửa ăn no ai ngờ lại mắc phải cái lưỡi câu thì thật là khốn khổ. Còn vinh hoa thì ông lại gọi là “bả vinh hoa”. Bả ở đây là một thứ bỏ đi khi ai đó đã hưởng hết những phần tinh túy rồi. Cái mà người này bỏ người khác đi tìm thì đâu có giá trị gì nữa. Đã chán chê rồi cho nên mới bỏ và cái bỏ ấy chỉ còn là cái bả mà thôi. Vậy mà cái “bã vinh hoa” ấy biết bao nhiêu người tranh giành nhưng rốt cuộc chỉ là một trò lừa bịp của tạo hóa: “Mồi phú quý dữ làng xa mã Bả vinh hoa lừa gả công khanh.” (câu 81 - 82) Dẫu biết là trò lừa bịp của tạo hóa nhưng con người cứ mãi mê muội không nhận ra, cứ chạy đua theo nó đến nỗi “gót chân lấm bùn” (câu 70), “tóc rụng gần hết” mới nhận ra mình chẳng được gì. Kẻ mưu cầu được thì lại tham lam muốn hơn thế nữa, còn kẻ mưu cầu không được lại đau khổ khóc than. Đây chính là “cầu bất đắc khổ” mà Đức Phật đã nói trong Khổ Đế và được Nguyễn Gia Thiều áp dụng vào tác phẩm của mình. Tất cả nỗi khổ của người cung nữ cũng bắt nguồn từ chữ ái mà ra. Chính tình yêu đã làm cho người cung nữ bị ràng buột. Trong giáo lý Thập nhị Nhân duyên thì chi “ái” là một trong những chi khó đoạn nhất. Trong kinh Đoạn tận ái, Phật dạy: Nếu đoạn tận ái dục thì tất cả các chi khác cũng sẽ bị đoạn tận. Nếu đoạn tận các chi trong Thập nhị Nhân duyên con người sẽ được giải thoát. Giải thoát cũng có nghĩa là con người chấm dứt mọi khổ đau. Người cung nữ đã vướng phải lưới tình cho nên mới sinh ra những phiền não: “Ngẫm nhân sự cớ gì ra thế, Sợi xích thằng chi để vướng chân, Vắt tay nằm nghĩ cơ trần, Nước dương muốn rẩy nguội dần lửa dương.” (câu 45 đến 48) Sợi xích thằng là sợi dây đỏ hay còn gọi là dây tơ hồng. Điển này xuất phát từ của tích của Vy Cố đời Đường ở Tống-đô, đêm đi chơi mát, gặp ông già ngồi xem sách ở dưới trăng, bên có cái đãy đựng tơ đỏ (xích thằng) hỏi ông đáp rằng: Quyển sổ này chép tên tuổi, đãy đựng sợi tơ đỏ để buộc duyên phận vợ chồng người. Những người đã ghi tên vào sổ này, dù người thù hoặc ở nước khác cũng vầy nên chồng vợ. Ông này không có tên, ông xem sách dưới trăng nên gọi Nguyệt lão có nghĩa là ông già dưới trăng, hoặc có khi gọi là “Trăng già" hàm ý là Nguyệt lão. Chính dây tơ hồng của Nguyệt lão đã cột chân của người cung nữ đã làm cho nàng vướng chân không thể thoát khỏi cái vòng lẫn quẩn đến nỗi nàng muốn cần đến giọt nước cành dương của Bồ tát Quan Thế Âm làm nguội lữa ái dục trong lòng nàng để nàng được thanh thản. Nước dương: bởi chữ Dương chi tịnh thủy, giọt nước nơi cành dương liễu. Sách Pháp Uyển Châu Lâm chép: có vị tăng tên Phật Đồ Trừng người nước Thiên Trúc một hôm ông Thạch Lặc mời đến nhà chơi, vừa có đứa con đau bệnh nặng. Phật Đồ Trừng lấy cành dương liễu tẩm nước phép rảy cho đứa bé đau, liền lành khỏi. Phép ấy của Phật Quan Âm có bình ngọc cắm cành dương liễu trong bình có những giọt nước làm cho chúng sanh mát dịu như có phép mầu. Phải nói rằng nguyên nhân của người cung nữ cũng bắt nguồn từ chữ “ái” mà ra và chính nó đã làm nên biết bao nhiêu phiền muộn, bức bách. Triết lý hư vô trong Cung oán ngâm khúc khi cuộc đời là bể khổ đã in đậm trong tác phẩm của Nguyễn Gia Thiều toát lên tư tưởng nhân đạo cảm thương cho thân phận con người qua lời oán than của người cung nữ. Ông tiếp thu khá rõ chân lý Khổ Đế của Đức Phật, tuy nhiên ông chưa tiếp thu ba chân lý khác là Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế nên màu sắc của tác phẩm mang một màu tối và tư tưởng của tác phẩm là sự yếm thế, không lối thoát.

Qua tác phẩm Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều bày tỏ tâm sự của một kẻ sĩ đã nhìn thấy bao tang thương, thăng trầm, biến đổi của cuộc sống mà chính ông là người đã sống trong những biến cố ấy. Sự bế tắc của một thời đại với những tấm bi kịch đến tê tái trên thân phận kiếp người thông qua lời của người cung nữ đã vẻ nên một bức tranh ảm đảm cho xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Nhưng dường như ông chỉ mượn tâm sự của người cung nữ để nói lên nỗi niềm u uất của ông và cũng là của bao nhiêu người khác phải chịu nhiều bất công dưới chế độ phong kiến. Đến khi nỗi u uất đến đỉnh điểm ông đã lãng quên tâm trạng của người cung nữ mà trực tiếp bộc lộ về suy nghĩ của mình về kiếp người, về cuộc đời với triết lý hư vô rải rác trong tác phẩm và vô cùng sắc xảo đến từng chi tiết cũng như câu chữ. Hư vô ở đây không phải Không cũng không phải Có. Ý thức, sự suy nghĩ thì bị giới hạn trong thế giới nhị nguyên :có và không. Nếu vượt có, không, lòng không dính mắc, sẽ trực nhận được Hư Vô. Chúng ta đã quá quen thuộc và trọn tin nơi ý thức, Hư vô không phải tư duy mà được, càng tư duy con người càng sai lầm và ý thức của con người không phải là một thứ dễ tin tưởng. Theo nhà Phật khi con người chưa giải thoát thì mọi tư duy của con người vẫn bị vô minh chi phối. Tất cả mọi khái niệm đều bị giới hạn và hư vô nếu có khái niệm thì cũng không chính xác. Càng lăn xăn suy nghĩ về khái niệm càng xa lìa Hư Vô, tánh Không, Phật tính, bản thể vũ trụ. Nói chung hư vô là không có gì tuyệt đối, không thật có cũng không thật không, là hư vọng, giả hợp thoát ra hẳn tư duy của con người và hư vô nó có những biểu hiện của nó. Và trong tác phẩm Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều có mang những biểu hiện của hư vô.

Trong thế kỷ XVIII cũng có một tác giả nỗi bật với tác phẩm được xem là một tuyệt tác của thi ca chữ Nôm đó là Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều. Không giống như tác phẩm chữ Nôm của Nguyễn Du khi viết nên Truyện Kiều phải lấy ý tưởng từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Quốc, Đoàn Thị Điểm với Chinh phụ ngâm khúc được dịch lại của Đặng Trần Côn mà Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều là một tác phẩm rất Việt Nam không dựa vào đâu cả. Nó phản ánh hiện thực xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII với biết bao bất công và bế tắc. Sự bất công được thể hiện qua khát vọng tự do được yêu thương được sống như bao người phụ nữ và sự bế tắc được thể hiện qua ước muốn được thoát ra khỏi cái “lồng son” của cung cấm để sống với cảnh đời “cục mịch nhà quê” của người cung nữ mà không được. Tác giả đã thông qua lời của người cung nữ nói lên tâm trạng của mình với nỗi thương cảm cho thân phận và cuộc đời phải chịu nhiều đắng cay. Với những từ ngữ Hán Việt, những điển tích và điển cố xưa trong những tác phẩm xưa của Trung Quốc tác giả đã miêu tả cuộc sống của nàng cung nữ trong cung vua với những cảm xúc thăng trầm. Cùng với những tư tưởng của đạo Phật, đạo Lão và đạo Nho đã phác họa nên một tác phẩm mang đậm màu sắc hư vô trong thân phận kiếp người và cuộc đời. Chính vì vậy người viết đã chọn đề tài: “Triết lý hư vô về kiếp người, cuộc đời trong tác phẩm Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều.” Đây là một tác phẩm được viết trong thời Lê-Trịnh nhưng vẫn mang màu sắc tôn giáo và chính từ đó đã nỗi bật lên triết lý hư vô về thân phận kiếp người cũng như về cuộc đời một cách tài tình.

Trong văn học Việt Nam thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX, nhân vật phụ nữ có một vị trí đặc biệt, với nhiều vấn đề về tình cảnh và số phận của họ. Và Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều góp thêm một tiếng nói mạnh mẽ tố cáo chế độ phong kiến đày ải, giam hãm những người phụ nữ mỏi mòn trong thân phận cung nữ. Chế độ cung nữ của các vua chúa phong kiến là một hiện tượng hết sức độc ác, vô lí đã tồn tại hàng ngàn năm dưới các triều đại phong kiến. Hiện tượng ấy cũng đã trở thành đề tài của nhiều tác phẩm văn chương trong thời trung đại, nhưng phải đến Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều thì tình cảnh bị bỏ rơi, giam hãm của những cung nữ và niềm oán hận của họ mới được thể hiện một cách hết sức mạnh mẽ, vừa đau đớn, vừa chua xót. Thể thơ song thất lục bát đã xuất hiện từ hàng thế kỉ trước, nhưng đến Cung oán ngâm mới thật sự đạt đến sự hoàn chỉnh chặt chẽ trong cấu trúc của từng khổ thơ, trong cách gieo vần ở chữ thứ 5 của câu thất và đối về thanh điệu của cặp câu 7 chữ. Thể song thất lục bát qua Chinh phụ ngâm và Cung oán ngâm đã cho thấy nó rất thích hợp với những khúc ngâm bởi khả năng thể hiện những tâm trạng lớn, trải ra trong một thời gian dài mà mỗi khổ thơ là một con sóng, hết đợt sóng này đến đợt sóng khác tiếp nối để tạo nên một tác phẩm trữ tình trường niên.

Nguyễn Gia Thiều lớn lên trong sự nuôi dưỡng của nhà Chúa. Lên năm tuổi được chúa Trịnh Doanh đem vào phủ chúa nuôi cho ăn học. Những biến động dữ dội của xã hội phong kiến thế kỉ XVIII đã ảnh hưởng không ít đến tư tưởng của ông. Ông đã chứng kiến sự suy tàn của giai cấp mình ngay trong những cung điện nguy nga của vua Lê chúa Trịnh. Một trong những điều ông được chứng kiến và đã để lại dấu ấn không thể phai mờ là cảnh ăn chơi sa đoạ của vua chúa. Sản phẩm của những ngày sống trong phủ chúa chính là Cung oán ngâm. Khúc ngâm thể hiện nỗi đau đớn của người cung nữ bị ruồng rẫy và cũng là những dấu ấn tâm trạng của Nguyễn Gia Thiều trong những ngày đầy bão tố của cuộc đời. Cung oán ngâm là tác phẩm được viết bằng chữ Nôm của Nguyễn Gia Thiều, gồm 356 câu song thất lục bát, viết về số phận bi kịch của những người cung nữ trong cung vua phủ chúa. Để phục vụ cho thú ăn chơi sa đoạ của vua chúa, hàng ngàn cô gái trẻ đẹp bị đưa vào cung và chôn vùi tuổi thanh xuân ở trong đó. Người cung nữ trong Cung oán ngâm cũng vậy, nàng may mắn được vua sủng ái một thời gian, sau đó, bị ruồng rẫy, nàng phải sống trong cảnh cô đơn, mỏi mòn nhìn tuổi xuân của mình trôi đi trong vô vọng. Đoạn trích diễn tả tâm trạng đau khổ của người cung nữ bị thất sủng. Nàng sống cô đơn giữa bốn bức tường lạnh giá, xót xa cho tuổi xuân hoài phí và than thở một cách uất ức.

Bên cạnh một khúc ngâm rất nổi tiếng là "Chinh phụ ngâm khúc" (Đặng Trần Côn) thì "Cung oán ngâm khúc" của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều có vẻ yên ắng, bình lặng hơn. Nhưng như thế không có nghĩa là tác phẩm không hay và ít giá trị, ngược lại, nó luôn được đánh giá cao và xếp vào hàng kiệt tác trong văn học cổ điển Việt Nam. Tác phẩm gồm 356 câu thơ làm theo thể song thất lục bát. Nội dung kể về nỗi oán hận của người cung nữ khi bị nhà vua lãng quên trong chốn cung cấm buồng thêu, chịu đựng sự lạnh lẽo, quạnh vắng và sự phai tàn của nhan sắc theo thời gian. Do đó, tác phẩm là lời kêu cứu của người phụ nữ trong xã hội xưa, lên án mạnh mẽ bậc vua chúa quân vương hoang dâm, vô nhân đạo và rộng hơn ra chính là tố cáo mạnh mẽ chế độ phong kiến bất công, thối nát. "Trải vách quê gió vàng hiu hắt Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng Oán chi những khách tiêu phòng Mà xui phận bạc nằm trong má đào" Cái triết lý thuở xưa "hồng nhan bạc phận" lại một lần nữa được nhắc tới trong tác phẩm. Hãy xem Ôn Như Hầu tiên sinh tả vẻ đẹp và tài năng của người cung nữ: "Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn Lửng da trời, nhạn ngẩn ngơ sa Hương trời đắm nguyệt, say hoa Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình. Câu cẩm tú đàn anh họ Lý Nét đan thanh bậc chị chàng Vương Cờ tiên, rượu thánh ai đang Lưu Linh, Đế Thích là làng tri âm". Đẹp như vậy, tài như vậy mà rồi suốt cuộc đời nàng phải sống trong hoài niệm những ngày tươi đẹp thuở mới vào cung. Làm sao không than trời, trách phận cho được? "Tay Nguyệt lão khờ sao có một Bỗng tơ tình vướng gót cung phi Cái đêm hôm ấy đêm gì? Bóng dương lồng bóng, trà mi trập trùng". Nguyễn Gia Thiều là cháu ngoại của chúa Trịnh Cương, tư chất thông minh, giỏi văn chương và rành võ nghệ nên mới mười chín tuổi đã được thăng chức rồi phong tước Ôn Như Hầu. Sống trong nhung lụa như vậy nên tiên sinh phải là người có tấm lòng nhân đạo lắm thì mới có thể để tâm tới nỗi khổ của người cung nữ.