Đối với một tác giả được giới văn học đánh giá là cây bút khá am hiểu tâm lí con người, Phạm Duy Nghĩa đã có những trang viết sắc sảo về đời sống tâm hồn vốn “bí ẩn hơn đêm” (Xuân Diệu) của các nhân vật. Hơn thế, nhà văn còn thể hiện biệt tài của mình qua việc nắm bắt những khoảnh khắc tâm lí mong manh nhất trong sâu thẳm mỗi con người.

          Truyện ngắn Cơn mưa hoa mận trắng được Phạm Duy Nghĩa sáng tác vào khoảng giữa tháng 8 năm 2004. Tác phẩm đã nhanh chóng giành giải nhất trong cuộc thi truyện ngắn của tuần báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn được tổ chức cùng năm đó. Đây là một câu chuyện viết về người giáo viên cắm bản - những người tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đã tình nguyện vượt rừng, vượt suối đến nơi khó khăn nhất để “gieo” chữ.

          Bên cạnh một công việc vô cùng ý nghĩa, là cuộc sống hằng ngày phải đối đầu với cái lạc hậu, sự buồn chán, cô đơn và hơn hết là bản năng muốn bứt phá của những con người cô đơn giữa thiên nhiên rộng lớn. 

         Nhân vật chính trong truyện là cô giáo Thuận, một người phụ nữ đã có gia đình. Chính vì đã có chồng, đã “biết mùi đời” nên nỗi thèm khát bản năng cũng mãnh liệt gấp vạn lần so với những cô gái trẻ. Hoàn cảnh sống xa chồng đã khiến nhu cầu ấy ngày càng khủng khiếp, từ đó, phép thử về nhân cách do tình huống mà tác giả tạo ra càng trở nên ngặt nghèo hơn cho nhân vật. 

          Mở đầu truyện ngắn, chúng ta sẽ thấy tác giả rất thành công khi khai thác sâu vào nỗi cô đơn của cô giáo Thuận. Sống giữa bốn bề núi rừng quanh năm mây phủ, những thiếu thốn về vật chất dường như không thấm vào đâu so với sự thiếu thốn về tinh thần, tình cảm mà Thuận phải chịu đựng. Giữa không gian bao la của đất trời, con người cảm giác như mình đang bị bỏ rơi, bị đẩy vào một môi trường xa lạ, bị cô lập và bị lãng quên. 

           Đối mặt với căn bệnh “thèm người” chính đáng luôn đeo bám, con người phải gồng mình chống trả lại nỗi cô đơn cứ lớn dần từng ngày từng giờ. Người đàn bà này đã là một người vợ, là một người mẹ, nên sau khi trải qua cảm giác của hạnh phúc lứa đôi thì cuộc sống “đi trong mưa gió, sương mù, ngã giúi mặt xuống bùn lầy nhầy phân ngựa” nơi vùng cao thật sự là một thách thức lớn đối với chị.

            Và sự xuất hiện của Kiên – “cậu sinh viên trẻ trung, nhiệt tình”, cậu bước đến “như gió xuân thổi vào cuộc sống đầy sương mù của Thuận”. Chính thời khắc ấy, Kiên cũng vô tình đánh thức bản năng phụ nữ mà sự cô độc đã khống chế chị bao lâu nay. Đối với Thuận “những đêm vùng cao của người giáo viên cắm bản thật là dài”. Chị cũng chỉ là một người đàn bà bình thường với những khao khát đời thường. Một nhu cầu kiếm tìm sự chia sẻ trong cõi người rộng lớn cũng dần được hiện diện rõ từ đây. 

           Dù cố kìm nén như thế nào thì chị cũng không thể loại bỏ được nỗi cô đơn mỗi ngày cứ ám ảnh lấy mình: “Đã bao ngày chị là cái cây chết khô chết khát chờ đợi một cơn mưa tươi nhuần”. Phạm Duy Nghĩa đã khắc họa tinh tế hình tượng con người với cái tôi mạnh mẽ song vô cùng yếu đuối, mãi dấn thân, cam chịu của cô giáo Thuận và cậu thực tập sinh trẻ tuổi.

           Không gian thiên nhiên hữu tình trong truyện ngắn Cơn mưa hoa mận trắng đã làm nền cho một câu chuyện tế nhị mà sâu sắc. Đó là cuộc đấu tranh giữa bản năng và lý trí, giữa một người đàn bà đang khao khát tình yêu đôi lứa và một chàng sinh viên tràn trề sức trẻ và lý tưởng. Bối cảnh trong truyện Phạm Duy Nghĩa có thể là một cách tái hiện lại những ngày đã rất xa xôi khi anh còn làm giáo viên cắm bản ở một vùng biên ải. Đời sống của những người giáo viên xuất thân từ đồng bằng ở vùng núi cao heo hắt ấy, có lẽ, chỉ những người trong cuộc như nhà văn mới thấm thía được. Đây có lẽ cũng là chất liệu để anh viết nên những truyện ngắn khắc khoải đến vậy. 

            Nếu nói Cơn mưa hoa mận trắng là cuộc đấu tranh với cái xấu thì sẽ thấy “Trong một khoảnh khắc ta có thể bạc tóc cùng với sự giằng xé của nhân vật ở phút cuối”, theo Hữu Thỉnh nhận định. Con người trong truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa - những con người mãi thuộc phần thánh thiện, dù họ ở lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ, địa vị xã hội nào. Cho dù con người ấy có bị đắm chìm trong những sự nổi loạn xấu xa nhất, bị bơ vơ lạc loài giữa thế giới bao la thì họ cũng sẽ tìm cách vùng vẫy mà quay đầu trở về với con đường trong sáng, thiện lương. Bởi lẽ ấy, nhà văn Sương Nguyệt Minh đã từng nói quá lên rằng “Thậm chí chỉ bằng truyện ngắn Cơn mưa hoa mận trắng, Phạm Duy Nghĩa đã là một tác giả, một nhà văn đích thực”.

Lời kết:

          Cơn mưa hoa mận trắng là một xã hội nhỏ được tách biệt khỏi thế giới hiện đại. Bối cảnh truyện diễn ra sau cuộc chiến tranh của đất nước, nhưng mở đầu cho một cuộc chiến mới – chiến tranh của con người với chính bản thân họ. Khi văn học không còn phục vụ cho kháng chiến thì đời sống riêng tư của con người cũng dần được xem trọng và khai thác nhiều hơn.

          Đây là một cuốn sách với đề tài đời sống rừng núi mà bạn nên thử đọc. Bên cạnh một công việc cao cả, độc giả sẽ còn hiểu rõ thêm về nỗi khổ tâm sâu kín của những người giáo viên cắm bản. Đến với tác phẩm này, bạn đọc sẽ được mở mang thêm tầm mắt khi chứng kiến nỗi khao khát mãnh liệt của một con người trong vấn đề riêng tư, tế nhị mà chính đáng nhất. Một sự nổi loạn mà có thể đã từng diễn ra trong chính mỗi con người của chúng ta, mà bản thân đôi khi đã không để ý đến nó.

 Review chi tiết bởi: Ngọc Diệp - Bookademy

Hình ảnh: Ngọc Diệp

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Xem thêm

Thuận từ trường chính lên dạy chữ cho trẻ em người Dao ở phân hiệu này đã ba năm. Được tắm táp bằng mây gió vùng cao, da thịt không còn tươi mởn nưã nhưng chị đang ở độ chín mọng, tràn trề của người đàn bà bước vào thời kỳ sung mãn. "Người gì mà mồ hôi tiết ra ngọt như nước trái vả. Nhìn vào thấy toàn những múi, những khe, gợi cho người ta những ý nghĩ không tiện nói" - hiệu trưởng Tiến, kém Thuận hai tuổi, một tay tợn mồm lại ưa bông phèng nói vậy. Ba năm sống cô độc ở Kin Chu Phìn, Thuận đã thấm thía nỗi sợ, nỗi buồn của người giáo viên cắm bản. Những lần vận động trẻ đến lớp, chị chống gậy đi trong mưa gió, sương mù, ngã dúi mặt xuống bùn lầy nhầy phân ngựa. Có dạo mưa lũ, con suối ngoài thôn mênh mông trắng nước, không xuống chợ mua gạo và cá khô được, chị phải bẫy chuột nướng ăn suốt một tuần. Đêm ngủ, có con rắn xanh lét bò vào nhà tránh mưa, trườn qua ngực chị. Chờ nó bòn sang gian lớp học, chị lật chăn định ngủ tiếp, lại thấy một con rắn trắng nhợt, mềm oặt, nhỏ bằng cái đũa ngo ngoe giữa chiếu. Khi nắng lên rừng rực, chị lại sợ cháy rừng. Năm kia, một người Dao đốt nương đã để lửa cháy lan liếm sạch một dải rừng dâu da trong núi Rú. Tàn lửa bay đến vùng thượng Kin Chu Phìn, suýt thiêu rụi một góc núi toàn nhà lợp tranh của người Hà Nhì. Ông Tẩn Phù Siểu, trưởng thôn Kin Chu Phìn vào tận núi Rú, vác về một con khỉ cái chết thiêu, lông cháy đen thui, hai mắt lòi trắng dã. Ông bảo: "Cho cô giáo đấy, có ăn thì ăn. Nhìn mặt nó giống cái mặt đàn bà, tôi không muốn ăn nữa rồi.". Thuận đánh liều làm thịt con khỉ, gọi đứa con gái ông Siểu sang ăn cùng. Nồi thịt bốc mùi tanh nhức óc. Ngay đêm đó, Thuận lên cơn kinh giật, người lạnh toát. Trong lúc mê sảng, Thuận thấy con khỉ hiện về, vẩy máu vào mặt chị. Nó ngồi ở đầu giường, kêu khóc thảm thiết như người. Nghe chuyện, một giáo viên lâu năm tên là Thanh bảo Thuận: "Ngày trước ở xã này có người đàn bà oán hận nhà chồng, đang đêm bỏ nhà đi vào núi Rú rồi mất tích ở đó. Về sau có người nhìn thấy chị ta ở trong núi, thoắt hiện lại biến mất, nhanh như vượn. Chưa biết chừng Thuận ăn nhầm phải thịt người rồi đấy". Sợ toát mồ hôi, Thuận tìm nhặt lại những giẻ xương, bọc trong một mảnh ni lông, chôn ở đầu con dốc trước nhà. Quanh nấm mộ này, cỏ ngại và tam thất rừng mọc xanh ngằn ngặt.

Vốn là một thầy giáo, Phạm Duy Nghĩa lúc nào cũng cho ta cảm giác nghiêm ngắn, chuẩn mực. 

"Với văn chương, tôi lúc nào cũng cẩn thận chăm chút từng câu từng chữ. Tôi không bao giờ viết một lần là xong. Bản thảo của tôi luôn bị sửa chữa chi chít. Trong biên tập, tôi khó chịu với từng lỗi chính tả bị bỏ sót. Tôi ghét cay ghét đắng những câu văn viết sai ngữ pháp. Điều này có lẽ tôi chịu một phần ảnh hưởng của những năm tháng làm nghề dạy học, luôn phải chấm bài của học trò. Tôi là người cầu toàn và duy mỹ. Những cái sai, cái xấu, dù ở hình thức biểu hiện nào cũng đều làm tôi dị ứng. Tôi cũng là người khó chịu đến nỗi, nếu một cô gái nhắn cho tôi một cái tin mà sai lỗi chính tả thì tôi không chơi với cô ấy nữa. Tôi nhắn tin cho một người bạn, lâu quá họ không nhắn lại thì tôi cũng có thể xóa số của họ ngay".

Cực đoan đến mức không chịu thỏa hiệp với những cái bất bình thường, khó tính với mình và thừa nhận khó tính cả với người nên tuổi gần 40, anh chàng nhà văn, tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa vẫn là lính "phòng không". Bạn văn ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội không ít người sốt sắng lo tìm người mai mối cho tác giả "Cơn mưa hoa mận trắng" sớm có tổ ấm đi về, nhưng anh chàng vẫn bình chân như vại.