Giữa cơn sôi trào nóng bỏng của Mùa xuân Ả Rập, Nguyễn Phương Mai lên đường đến Trung Đông, từ Ả Rập Saudi theo con đường Hồi giáo tỏa sang phía tây, để tận mắt nhìn tận mắt, chạm tận tay một Trung Đông thật, từ trải nghiệm của chính mình. Để rồi khi đặt chân về lại với quê hương yêu dấu, chị nhận ra rằng hóa ra Trung Đông không phải bức tranh một màu xám xịt của “Hồi giáo cực đoan”, “khủng bố”, bất bình đẳng giới”, mà là tấm thảm Tunisia nhiều màu sắc với trầm tích văn hóa hàng ngàn năm, những công trình kiến trúc đẹp đến nghẹt thở, với cuộc sống thấm đẫm tôn giáo, vẻ hiện đại và hào nhoáng tột cùng, rồi những bi kịch, sự khốn cùng, và những giá trị không dễ phán xét đúng sai. Tất cả những trải nghiệm quý giá đó đều được chị ghi lại qua Con đường Hồi giáo, để những ai vẫn còn nhiều băn khoăn và hoài nghi, có thể được chiêm ngưỡng một Trung Đông qua lăng kính trần trụi và chân thật nhất.
1. Chân dung cô nàng theo chủ nghĩa xê dịch
Nhắc đến tác giả Nguyễn Phương Mai, hẳn một vài fan cứng của báo Hoa Học Trò sẽ nhận ra ngay chị. Cô gái sinh ra trên con phố Lò Đúc này sớm bộc lộ niềm yêu thích và tài năng với việc viết lách khi chị viết văn từ năm lớp 10 và là cây bút đóng góp cho báo Hoa Học Trò những số đầu tiên. Chị quay lại đây sau hai năm tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội với vai trò là thư ký tòa soạn ở tuổi 24. Phương Mai đã sớm từ bỏ vị trí đó để đi du học và trở thành giảng viên khoa Kinh tế, Đại học ứng dụng Amsterdam, Hà Lan.
Đạt được một vị trí mà ngàn người mơ ước, nhưng với phương châm sống muốn làm “một hòn đá không bám rêu”, chị Mai đã đặt chân đến hơn 80 quốc gia trên thế giới để thỏa mãn khát vọng xê dịch, trải nghiệm và hiểu thêm về cuộc sống trên hành tinh 7 tỷ người này.
Cuốn sách Con đường Hồi giáo cùng với Tôi là một con lừa cùng nằm trong chuỗi series Lên đường với trái tim trần trụi là những hồi ký của chị sau những cuộc hành trình ấy.
2. Bạn tìm kiếm điều gì trong cuốn sách này?
Phần lớn mọi người khi nhắc đến Trung Đông, điều đầu tiên hiện lên trong đầu là gì? Những đất nước với chính trị bất ổn và những cuộc chiến tranh đẫm máu, một xứ đa tôn giáo luôn tồn tại tư tưởng trọng nam khinh nữ khiến những cô gái luôn phải giấu kín tuổi xuân và vẻ đẹp của mình sau chiếc khăn đen mỗi khi đi ra phố, hay miền đất của các tỷ phú dầu mỏ với những chiếc siêu xe triệu đô ta vẫn thấy trong bộ phim Fast and Furious 7. Dù hình dung ra điều gì thì chắc chắn đó cũng chỉ là những nét phác rất nhạt nhòa không có cá tính. Nếu chưa từng tìm hiểu nghiêm túc, chắc chắn sẽ thật khó để tìm ra điểm khác biệt giữa những đất nước như Saudi, Dubai, Yemen,... chính bởi sự mơ hồ trong cách hiểu của phần đông mọi người mà báo chí luôn để những dùng chung một cái tên Trung Đông cho xứ sa mạc nóng bỏng ấy, điều đã vô tình khiến Trung Đông càng thêm bí ẩn và khơi gợi trí tò mò của những con người ưa trải nghiệm.
Đọc Con đường Hồi giáo chính là đi trên con đường khai mở bí mật ấy, đồng hành cùng người dẫn đường tràn đầy nhiệt huyết. Mỗi chương sách là một lần cô gái trẻ đáp máy bay xuống một đất nước mới, kết giao với những người bạn mới và vỡ òa cảm xúc khi khám phá ra những khía cạnh mới trong văn hóa và con người nơi đây.
Con đường ấy xuất phát ở thánh địa Mecca 1400 năm trước, sau đó tỏa ra hai hướng, hướng Tây vượt qua Bắc Phi tràn đến Châu Âu, hướng Đông thọc xuyên sâu qua Ấn Độ đến tận Indonesia.
3. Hành trình khai phá những bí mật của Trung Đông huyền diệu
Điểm đặt chân đầu tiên của chị Phương Mai là Saudi Arabia - hay được biết đến với cái tên quen thuộc hơn Ả Rập Xê Út, nơi khai sinh ra Hồi giáo và là quê hương của nhà tiên tri nổi tiếng Muhammad.
Vào năm 570 sau Công Nguyên, ở miền tây bán đảo Ả Rập, một cậu bé tên là Muhammad chào đời, không may, cậu mồ côi cha mẹ từ nhỏ và được một ông bác nuôi nấng. Năm 25 tuổi, Muhammad và bà chủ giàu có của chàng phải lòng nhau. Bà liền chủ động cầu hôn. Họ nên duyên và sống hạnh phúc trong suốt hai mươi nhăm năm cho đến khi Khadijah qua đời ở tuổi 65. Làm một phép tính nhẩm, bạn sẽ thấy Muhammad 25 xuân xanh cưới Khadijah khi bà đã 40 tuổi, góa chồng với ba cô con gái từ trước cuộc hôn nhân. Muhammad 40 tuổi một mình tu luyện trong một hang đá nhỏ và lần đầu tiên nhận được “khải thị” từ thánh Allah. Tiếp nhận Kinh Koran, ông trở thành “Thánh thụ mệnh”, tự xưng là đã tiếp thụ sứ mệnh của chân chủ trao cho và bắt đầu truyền đạo. Đó là cách mà Hồi giáo,, tôn giáo được coi là lớn thứ hai trên thế giới, ra đời trên bán đảo Ả Rập thay thế cho những tôn giáo đa thần tồn tại từ trước đó.
Lịch sử đẹp đẽ và tráng lên là vậy nhưng không ngoa khi nói rằng trăm nghe không bằng một thấy. Di sản tôn giáo tráng lệ mà vị sứ giả Muhammad để lại giờ đây đã sang tên đổi chủ, ngôi mộ của ngài bị đập bỏ một cách không thương tiếc và những giáo lý vốn dĩ thuần khiết cao quý nhất cũng bị bẻ cong bởi những nhà cầm quyền đương thời:
Vào thời kỳ ông còn sống, chính nhờ Hồi giáo và các chế tài luật Shariah mà lần đầu tiên trong lịch sử tôn giáo độc thần phụ nữ được đứng ngang hàng với man giới về quyền con người. Lần đầu tiên có một tôn giáo quy định đàn ông bị giới hạn số vợ họ có thể lấy, không phải vì họ siêu việt hơn đàn bà mà do quyền lợi của những người phụ nữ có chồng chết trận phải được chăm sóc. Lần đầu tiên trẻ em gái được bảo vệ chính thức bằng tuyên ngôn tôn giáo Muhammad từng nhấn mạnh “chúng ta phải yêu thương mẹ mình nhất, nhì cũng là mẹ, ba cũng là mẹ, sau đó mới đến người cha”. Bằng tất cả những gì ông làm được vào cái thời mà phụ nữ bị coi như của cải trong nhà, đàn ông lấy vợ đuổi vợ vô tội vạ, và những hài nhi nữ bị vùi vào cát sa mạc thì Muhammad xứng đáng là nhà cải cách xã hội kiệt xuất và là những người tiên phong trong phong trào giải phóng phụ nữ.
Saudi ngày nay đã khác với bán đảo Ả Rập xưa. Phụ nữ Saudi giờ đây ai cũng cần có một người đàn ông giám hộ, họ cần giấy phép của đàn ông để đi làm, đi bệnh viện, mở tài khoản, kể cả khi chỉ là đi ra đường. Saudi giàu có và thịnh vượng hơn bao giờ hết nhờ có món quà mà thượng đế ban tặng: dầu mỏ, thứ “vàng đen” khiến con dân xứ Ả Rập chây lười đi trong khi thế giới ngoài kia đang không ngừng đổi thay và tiến bộ. Saudi giống như một cấm cung luôn khiến cho người ta choáng ngợp bởi sự nguy nga và hào nhoáng nhưng là lưu giữ những lề thói khắc nghiệt, bảo thủ và lỗi thời.
Rời xa quê hương Hồi giáo linh thiêng, ta lại bước vào một miền đất mới với một vẻ đẹp hoàn toàn mới - Dubai. Đẹp lộng lẫy kiêu sa với những tòa kiến trúc lộng lẫy cao ngạo với những thành phố siêu hiện đại, Dubai đủ sức khiến New York phải xấu hổ tự nhìn lại mình. Dubai giống như một bông hoa rực rỡ mọc lên giữa hoang mạc cằn cỗi. Ấy vậy mà những vị chủ nhà nơi đây lại không mấy hiếu khách, bởi nỗi sợ về một cuộc “xâm lược văn hóa” từ những kẻ ngoại quốc.
Thế rồi cánh cửa Oman mở ra, mang đến sự đối lập hoàn toàn với hai người hàng xóm Dubai và Saudi. Oman dù bơi trong vũng dầu vẫn đầu tư mạnh vào giáo dục, quyết tâm không làm hư con dân của mình. Miền đất quê hương của chàng Sinbad lừng danh trong Nghìn lẻ một đêm dẫn ta về lại với một giai đoạn tang tóc trong lịch sử Hồi giáo.
Năm 62 tuổi, thiên sứ Hồi giáo Mohammed cuối cùng cũng nhắm mắt xuôi tay, để lại một di sản khổng lồ gồm cả vùng bán đảo Ả Rập thần phục dưới một tôn giáo có tên la Islam. Truyền thuyết kể rằng trước lúc nhắm mắt xuôi tay, ông yêu cầu đem giấy bút đến bên giường bệnh để viết di chúc nhưng các bà vợ và kẻ cận thần bị cuốn theo những ý đồ quyền lực đã ngấm ngầm không làm theo như yêu cầu. Muhammad trút hơi thở cuối cùng mà không nói rõ ai là người thừa kế.
Nếu Muhammad có một cậu con trai, hẳn bộ mặt thế giới ngày nay đã rất khác, thế nhưng ông lại chỉ có một cô con gái duy nhất tên Fatimah, chính là người con cùng người vợ đầu Khadijah.
Người đàn ông gần nhất có quan hệ máu mủ với Muhammad là một cậu bé tên Ali, cháu bên họ nội và cũng là con nuôi của ông. Ali sau đó kết hôn với Fatimah và đương nhiên có quyền trở thành người thừa kế hợp pháp. Thế nhưng khi Muhammad qua đời, khi Ali còn đang bận khóc thương và chuẩn bị lễ mai táng thì những cận thần thân tín của Muhammad họp nhau lại và chỉ định người kế vị khác, là một trong những bố vợ của Muhammad.
Những thảm kịch tiếp theo cứ thể nối tiếp nhau theo dòng chảy thời gian khi những con người đầy tham vọng luôn thèm khát xâu xé, đánh giết lẫn nhau để chiếm lấy quyền thừa kế chính thống của Hồi giáo. Chưa đầy năm mươi năm sau khi Mohammad băng hà, gia đình máu mủ của vị thiên sứ đã bị xé toang cũng như chính di sản lớn lao của ông vậy.
Những người Hồi ủng hộ Ali cho rằng lãnh đạo tôn giáo phải là những người thuộc dòng tộc của thiên sứ Muhammad dần dần hình thành nên nhánh Shia, tiếng Ả Rập có nghĩa là những người đi theo Ali. Nhóm còn lại cho rằng dòng tộc máu mủ không quan trọng mà cách sống và phẩm chất đạo đức mới quyết định ai là người lãnh đạo. Họ hình thành nhóm Hồi giáo Sunni, tiếng Ả Rập có nghĩa là những người tuân theo lời dạy và lối sống (Sunnah) của thiên sứ Muhammad. Suốt gần 1400 năm qua họ đánh giết lẫn nhau. Và họ vẫn còn đánh giết nhau cho đến tận bây giờ.
Câu chuyện lịch sử về Hồi giáo quả thực khiến cho tất cả những ai nghe qua đều phải trùng mình xuống tiếc thương cho những con người vô tình bị cuốn vào vòng xoáy tranh giành quyền lực.Thiên sứ Muhammad chắc hẳn phải quặn đau từng khúc ruột khi thấy tôn giáo cởi mở, hùng mạnh và đi trước thời đại cả ngàn năm sau lại bị xoáy vặn, bị nhân danh, mang tên cả tên Thượng Đế ra làm công cụ vùi dập chính những điều nó từng tôn vinh.
Giống như câu chuyện ấy, Trung Đông hiện tại vừa có ánh sáng lấp lánh của những thành phố hiện đại phát triển không ngừng, lại vừa khiến cho người ta đau lòng bởi những cuộc chiến tranh hay những quan niệm cổ hủ về giới tính. Mỗi quốc gia đều mang trong mình những niềm đau riêng. Chúng ta có Li Băng - một Châu Âu nằm giữa trái tim của Trung Đông, nhưng cũng được chứng kiến một Syria đang lạc trong mê cung của chiến tranh, một Yemen nghèo đói nơi nửa số dân có mức sống trung bình dưới 2$ một ngày. Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng tình yêu đồng tính là một thứ được chấp nhận ở Jordan, đồng cảm với Palestine, một dân tộc mang trong mình niềm đau mất nước, hay tiếc nuối cho con nhân sư Sphinx hùng vĩ giờ đây chỉ là một họa tiết trang trí chứ không còn là xương máu linh hồn của Ai Cập. Trung Đông có lẽ nhiều hủ tục và những quan niệm lạc hậu, nhưng cũng có những mảnh đất xinh đẹp giống như Tunisia, với con người chân thành và hướng thiện.
Con đường Hồi giáo bắt nguồn từ xứ Saudi Arabia cuối cùng cũng kết thúc tại Tây Ban Nha nơi nổi tiếng với Thánh đường St Vincent được chia ra làm đôi, một nửa là nhà thờ Thiên Chúa, một nửa được xây dựng lại thành thánh đường Hồi giáo, một sự hòa trộn tuyệt vời của hai tôn giáo đã từng đối địch. Từ đây chúng ta bàng hoàng nhận ra rõ ràng hai tôn giáo thù địch có thể sống chung hòa thuận trên cùng một mảnh đất hoàn toàn có thể xảy ra, tại sao nhân loại phải tốn cả nghìn năm chém giết lẫn nhau để khẳng định tôn giáo của mình siêu việt hơn, rằng chỉ có đức tin của mình là đúng đắn?
Phía cuối cuộc hành trình, cô gái dũng cảm ấy chợt nhận ra rằng, Trung Đông không có đúng sai, không có kẻ xấu người tốt, chỉ có kẻ ít xấu hơn những kẻ còn lại, và những người tốt hơn người kia. Nơi cái đói nghèo và chiến tranh bủa vây những người dân vốn đã lạc chìm vào những quá nhiều đức tin trên cùng một mảnh đất. Để cuối cùng, người khách vãng lai sau cuộc hành trình phải giật mình tự hỏi: Thượng Đế là gì? Thượng Đế chẳng phải một trí tưởng tượng sao? Tại sao con người lại chém giết nhau trong suốt hàng thế kỷ qua chỉ vì một ảo ảnh?
Không giống như trong truyện cổ tích khi mọi câu hỏi đặt ra đều được trả lời sau một cuộc hành trình tìm kiếm, lịch sử có khi luôn đặt ra những câu hỏi mãi chẳng có lời giải đáp. Còn đối với những người đã chịu bỏ công đi đây đi đó, tìm tòi khám phá thì phần thưởng có chăng chỉ là sự giác ngộ rằng:
Sản phẩm lớn nhất của con người không phải là những nền văn minh rực rỡ, mà là một khái niệm chạm đến tận cùng của sự trừu tượng: Thượng Đế toàn năng.
3. Con đường Hồi giáo - Có đáng để trải nghiệm?
Nếu bạn là một người đang bắt đầu tìm hiểu về tôn giáo thì có hai cuốn sách chắc chắn sẽ là khởi đầu tuyệt vời, thứ nhất là cuốn Hành trình về phương Đông (dịch giả Nguyên Phong) và thứ hai chính là cuốn Con đường Hồi giáo này của chị Nguyễn Phương Mai. Cuốn sách là những dòng hồi ký của tác giả về chính những gì chị tự mình trải nghiệm, tai nghe mắt thấy, được tái hiện lại dưới ngòi bút trẻ trung mà sắc sảo đem đến một cảm giác rất chân thật và lôi cuốn. Những câu chuyện sống động cùng những bức ảnh tuyệt đẹp được chụp lại trong chuyến hành trình cũng đồng thời góp phần phác học lên một Trung Đông muôn màu muôn vẻ đầy tính cách, khác hẳn với những định kiến bấy lâu nay chúng ta vẫn thường nghĩ.
Review chi tiết bởi: Muse - Bookademy
Hình ảnh: Muse - Bookademy
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Muse - Bookademy."
Đã ngưỡng mộ Nguyễn Phương Mai từ "Tôi là một con lừa", nhưng đến cuốn sách này thì mình hoàn toàn thán phục. Rất ít người phụ nữ dám sống, dám nghĩ, dám làm, dám bứt ra khỏi mọi khuôn khổ, mọi giới hạn, mọi sợi dây ghìm chân mình để đi một hành trình như thế. Cuốn sách đã làm được nhiều hơn một cuốn sách du kí thông thường, khi đem đến một nguồn cảm hứng, một sự thôi thúc mạnh mẽ rằng ta phải đi và phải khám phá thế giới bằng chính đôi mắt và khối óc của mình.
Một cuốn sách không chỉ thay đổi cách nhìn của bạn về Trung Đông, mà rất có thể còn thay đổi suy nghĩ của bạn về thế nào là du lịch trải nghiệm đúng nghĩa. Một chuyến đi đích thực là một chuyến đi đem đến cho bạn cơ hội học hỏi và lớn lên.
Chấm điểm: 5/5