Lúc đọc quyển sách này, bạn sẽ tự hỏi có phải mình đang thấy một chàng trai, mặc kệ mùi đời qua những dòng văn chăng ? Thoải mái sống, thoái mái vui chơi. Có những người bạn chí cốt, những ký ức, những niềm vui. Quyển sách đáng đọc, giống như tác giả đã nói. Đọc xong không đọng lại gì về nhân văn, đạo đức cả đâu. Chỉ là những mảnh ký ức, tác giả ghi lại để người người theo đó tìm về bản ngã trong mình.
Xem thêm

Mình viết dòng này vào 02:15 sáng ngày 04/09 trong tình trạng ốm đau bê bết, trên nền nhạc “Tình đắng như ly cà phê” mà hôm trước ai đó đã hát mình nghe. Bài đầu tiên review trên Goodreads, chắc chỉ đơn giản là viết ra những gì mình nghĩ hiện tại. Cảm nhận đầu tiên khi đến với chữ của Đinh Vũ Hoàng Nguyên là: cách chú dùng từ thật sự gần mình đến bất ngờ. Mình và bạn đã ví chú như Nam Cao của thời hiện đại vì cách viết vừa thanh vừa tục của chú. Nhiều lúc ngồi đọc cả hai phá lên cười. Thâm và sâu. Những câu chuyện chú chia sẻ đa phần về thời sinh viên của chú, cũng là thời sinh viên của bố mẹ mình. Đùa đủ trò. Vui nhiều đấy, và cũng nạp thêm vào đầu mình rằng nên sống theo cách của chú: có thể vô tư, chẳng lo cơm áo gạo tiền, chẳng màng công danh. Suy nghĩ của mình về mấy ông chú hay trà đá tán phét cũng thay đổi theo. “Thằng Nguyên này điêu làm chó.” Một trong số những câu làm mình thấy buồn cười. Số còn lại là những câu chuyện về gia đình, số ít nhắc đến người vợ của chú. Một gia đình hạnh phúc, thật sự. Và buồn cười theo những trò đùa của chú. Đột nhiên mình cũng muốn trở thành một “người chép sử” như chú. Ít ra cũng có thể lưu lại phần nào tuổi trẻ của bọn mình. Vui mà nhỉ? Mình xa nhà từ khi mới mười lăm. Và sau một năm sinh sống thì Hà Nội với mình cũng kiểu quen biết xã giao làng nhàng thôi. Nhưng qua cách viết của chú Nguyên, thành phố này tự nhiên lại gần gũi với mình thế. Cách viết của chú gợi ra một Hà Nội đầy hoài niệm. Hà Nội của chú yên bình và man mác tình. Hà Nội của mình thì hối hả và mông lung. Gặp chú vào lúc thu vừa chạm, hẳn cũng là cái duyên. Thu Hà Nội đẹp hẳn lên qua lăng kính của phố. “Ta bên nhau trên phố của bao người Bao ân tình vừa đi qua phố Có một phố vừa đi qua phố Có một người lắng phố, bên em.”