“Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào. Dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa, bạn vẫn muốn được đắm mình trong cơn mưa ấy lần nữa”.

 Cô gái chúng tôi theo đuổi năm nào – Cửu Bả Đao

Tôi cũng vậy! Ở cái tuổi 18, tôi cũng khao khát bản thân được đắm chìm trong những  “cơn mưa rào” để có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp và cả mùi vị ngọt ngào khiến con người ta say đắm đến nao lòng  của thanh xuân.  Vì thế, tôi tìm đến Nguyễn Nhật Ánh-một nhà văn của tuổi thơ, nhà văn của những xúc cảm trong sáng, ngây ngô.Ở những trang văn của Nguyễn Nhật Ánh, ông luôn biết cách lôi cuốn độc giả bằng những cốt truyện lạ lùng và lối viết dí dỏm Những nét chữ in nghiêng trên trang văn của ông luôn tinh tế, nhẹ nhàng và uyển chuyển một cách lạ lùng. Nó mang đến cho con người ta những cảm xúc chân thật, mới mẻ và hình như ở đâu đó trên những dòng chữ in nghiêng ấy tôi tìm thấy chính mình.

Lang thang trên những tập truyện mà ông sáng tác, đồng tử của tôi giãn nở hết mức ở một lời đề từ khá thú vị như thế này:

Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ

  Một con ngồi yên một con đổi chỗ

Đó chính là lời mở đầu cho đứa con tinh thần đầu tiên của mình ở thể loại đồng thoại “Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ”- tập truyện dài với 210 trang được xuất bản năm 2010. 


Nhẹ tựa một áng mây, hay tựa một liệu thuốc

Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ

Một con ngồi yên một con đổi chỗ

Tôi thực sự thích câu văn này trong tác phẩm. Mỗi lần nghĩ đến nó, tôi lại thấy trong lòng mình nhen lên một thứ tình cảm  rất đỗi dịu ngọt. Nguyễn Nhật Ánh từng nói “mỗi dân tộc đều treo một quả chuông trước cửa sổ tâm hồn, nhiệm vụ của nhà văn là rung chiếc chuông đó lên, bằng văn chương”. Với tôi, nhà văn là người rung chiếc chuông đó tốt nhất. Văn phong hài hước dí dỏm, nhẹ nhàng tinh tế mà không kém phần sâu sắc của ông bao năm qua đã thu hút hàng triệu độc giả. Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ cũng vậy! Một thế giới sinh động, hấp dẫn được mở ra trước mắt người đọc với câu chuyện về tình yêu, tình bạn đầy thú vị. Ai nói rằng đó đơn thuần là những câu chuyện giản đơn. Truyện của Nguyễn Nhật Ánh chứa đựng cả thế giới quan sống động, cả triết lý sống nhân văn. Đọc truyện, tôi không thể rời mắt khi những trang sách chưa khép lại. Điều gì hấp dẫn đến thế? Là những bài thơ ngộ nghĩnh của Mèo Gấu? Là tình bạn cảm động của Gấu và Tí hon? Là sự chờ đợi Gấu dành cho Mèo Hoa? Là những câu văn đầy lắng đọng của tác giả?…. . 


    Tác phẩm  tựa như “cơn mưa rào” đầu mùa mát lành, trong trẻo và chứa đựng cả những đám mây tươi sáng mang trong mình. Sâu thẳm sau những nét chữ in nghiêng là những triết lý sáng lóa, những khoảnh khắc khiến con người ta phải dừng lại mà ngẫm nghĩ. Đây không chỉ là món ăn tinh thần đầy sắc màu dành cho độc giả nhỏ tuổi, mà nó còn là một viên kẹo ngọt cho cả người lớn khi họ muốn tìm về mảnh đất của những điều trong veo, thánh thiện để xoa dịu đi những  tiêu cực trong cuộc sống thường nhật.

Tình yêu đâu phải chỉ con người mới hiểu được nó!

    Với nhan đề  “Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ”, nhưng suốt truyện lại là kể về một con-Mèo Gấu, và chuột Tí Hon với nàng chuột lang của chú tên gọi Út Hoa. Ngộ chưa!Thế mà, nhan đề lại có tên gọi Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ. Còn một con mèo nữa, con mèo tam thể tên gọi Áo Hoa, Mèo Gấu phải xa nàng sau một vụ bị bắt cóc và nàng chỉ hiện về trong tâm tưởng nhớ nhung của Mèo Gấu mà thôi, hình ảnh” hai con mèo,” là tượng trưng cho tình yêu và nỗi nhớ của con mèo này đối với con mèo kia

      Mèo Gấu tuy may mắn được một gia đình tốt nhận nuôi nhưng cứ ngày nhớ đêm mong đến Áo Hoa, nỗi nhớ chi phối cậu khiến cho cậu không buồn làm gì, kể cả nhiệm vụ bắt chuột. Nỗi nhớ ấy còn làm cậu dâng lên trong mình một nỗi thương cảm sâu sắc, thương những kẻ bị đuổi bắt kia! Cho đến một ngày cậu giải cứu thành công đôi chuột Tí Hon và Út Hoa khỏi bàn tay ác độc của lũ chuột gian manh, yêu mến chú chuột trọng tình nghĩa, mèo và chuột đã kết nghĩa anh em, trở nên gắn bó, thân thiết như đôi tri kỉ. Mèo Gấu kể cho đôi bạn chuột nghe về cô nàng Áo Hoa yêu kiều của mình và xướng lên những vần thơ kết tinh từ tấm lòng thương nhớ người yêu của cậu.

    Bài thơ đầu tiên Gấu làm tặng nàng có nội dung như thế này 

Rù rù rù… 

Meo...Meo meo meo...

Rù rù rù...

Meo meo... rù rù...

Rù rù... meo meo...

Dịch ra thì nó như sau:

  Bé yêu yêu đã ngủ chưa

Anh yêu yêu cũng mới vừa ngủ xong

Nến yêu yêu cháy trong phòng

Tình yêu yêu chảy trong lòng yêu yêu...

Thơ của thi sĩ Gấu chỉ bốn câu mà có tới mười chữ "yêu". Có lẽ vì vậy mà nàng Áo Hoa cảm động đập đập tay lên lưng thi sĩ, động tác mà loài mèo chỉ làm khi cảm thấy lòng mình vô cũng dễ chịu.”

          Tình yêu của mèo Gấu dành cho nàng mèo Áo Hoa không kém phần thú vị hay đúng hơn là một sự lãng mạn với những bài thơ tình bằng ngôn ngữ mèo. mèo Gấu đã đặt cái tên mỹ miều ấy cho người yêu “Chú đặt tên cho nàng là Áo Hoa. Giống như các chàng trai vẫn âu yếm gọi các cô gái của mình là Bé Bỏng hay Hòn Sỏi Buồn Của Anh”. Một con mèo luôn si tình, không buồn hoạt động, không buồn bắt chuột cho đúng cái “bổn phận”, mà ngày nào cũng nằm một chỗ suy nghĩ về nàng mèo trong mộng của mình.

    Choán hết các trang sách là khung cảnh của ba thế giới: chuột, mèo, loài người. Tôi thích loại truyện thế này, phải nói là cực thích! Qua cách miêu tả của Nguyễn Nhật Ánh,ta thấy sao các thế giới ấy gần gũi nhau quá! Chú chuột Tí Hon lại trở thành bạn bè thân thiết, hay nói đúng hơn là “em trai” mèo Gấu. Thật kì lạ bạn nhỉ! Loài mèo và loài chuột tưởng như muôn đời muôn kiếp đấu đá nhau, truy đuổi nhau, thế mà vào trang sách của Nguyễn Nhật Ánh, chúng lại trở nên quá đỗi thân tình. Truyện không quá dài nhưng vui nhộn, liên tục gây cười bởi sự ngộ nghĩnh của những con vật bé nhỏ này. Hết những pha vờn nhau trong cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Tí Hon và mèo Gấu, lại đến cảnh đuổi nhau thục mạng của Tí Hon và lão giáo sư Chuột Cống. Quả thật rất thú vị! Đọc truyện mà tôi có cảm giác như tôi là chuột Tí Hon và đang phải chạy trốn vậy. Tôi thích cả cái cách tác giả miêu tả những con vật ấy. Chúng hiện lên gần gũi dễ thương, và cũng rất đáng yêu. Thật lạ là chúng hệt như con người vậy.  Nó làm tôi có liên tưởng rằng những con người ghét nhau vẫn có thể hoà hợp được với nhau. Vui thế đấy!


Những cảm xúc từ trái tim đến trái tim phải chăng là một phép màu?

    Mèo Gấu vì yêu mà thành thi sĩ, làm những bài thơ tình tặng cho Áo Hoa. Mèo Gấu vì yêu mà thành lãng mạn, bảo chuột Tí Hon vẽ hình “bạn gái” mình đem dán các ngả đường mong nàng nhận ra lối về với tình yêu. Rồi cuối cùng, nàng mèo tam thể ấy về thật, nhưng chỉ là đứng lặng trên mái nhà nhìn xuống mèo Gấu, rồi sau đó sánh vai cùng một chàng mèo đực cao lớn….

    Ở khía cạnh khác, câu chuyện hầu như vượt ra ngoài tình cảm cá nhân nhỏ hẹp, đó là sự cảm thông, sự chia sẻ của mèo Gấu với những chú chuột nhỏ bé. Tình bạn của họ đã chứng minh được cuộc sống luôn tồn tại những điều kỳ lạ. Bạn sẽ không bao giờ hình dung ra được cảnh một chú mèo lén lút cất phần ăn của mình vào bọc để nuôi một đàn chuột. Hay bạn sẽ bất ngờ như thế nào khi một con chuột nhắt què tay lại suốt ngày quấn quýt bên chú mèo lười đầy những suy tư…


    Vậy đó, tình yêu khiến cho một chú mèo trở thành thi sĩ, cảm thông cho những kẻ đang yêu và nhất là có người yêu “hơi” giống tên người yêu của mình. Tình yêu khiến cho một chú chuột hân hoan vì những vần thơ, san sẻ nỗi buồn với bạn mèo bằng cách vẽ thật nhiều ảnh của Áo Hoa. Tình yêu làm thay đổi định kiến, sự kỳ diệu mà nó mang lại có thể nói thật là phi thường, bởi nó mà mèo và chuột có một sợi dây liên kết gọi là “tình bạn“.Qua đó, ta nhận thấy được rằng, chúng ta cần phải sống chan hòa, yêu thương đùm bọc và luôn mang những điều tuyệt vời nhất dành tặng cho nhau.


“Điều quan trọng nhất của tình yêu không phải là am hiểu mà là cảm nhận”


    Bằng lối viết văn mộc mạc, những hình ảnh đáng yêu, từ ngữ gần gũi pha lẫn hài hước, vô cùng tự nhiên, không gò bó hay sáo rỗng. Tác phẩm “Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ” đã gửi đến người đọc thông điệp: tình bạn, tình yêu luôn là thứ tình cảm đẹp đẽ, có thể nảy sinh ở bất cứ nơi đâu, có thể vượt lên trên sự khác biệt về giới tính, tuổi tác hay thậm chí là giống loài, bởi chẳng có gì khác nhau khi mà nước mắt của mọi người đều mặn.

    Từ câu chuyện tình yêu loài mèo, cho tôi biết được “điều quan trọng nhất của tình yêu không phải là am hiểu mà là cảm nhận”. Chính cảm xúc, chứ không phải sự phân tích về cảm xúc, làm nên tình yêu’. Kết thúc câu chuyện dù hơi buồn nhưng vẫn để lại trong tôi vô vàn cảm xúc, vừa hài hước hóm hỉnh, vừa sâu lắng, cảm thương, và đặc biệt vừa mang tải nhiều bài học sâu sắc về cuộc sống và tình yêu của mèo Gấu, như câu kết của tác giả, là tình yêu “luôn tỏa ra thứ ánh sáng lóng lánh mà với nó bất cứ ai cũng có thể tạo nên phép màu cho thế giới này

Tình yêu có gì?

Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ

Một con ngồi yên một con đổi chỗ…

Những câu thơ trong veo và da diết trên trích trong bài thơ cuối cùng của mèo Gấu tặng mèo Áo Hoa. Một cái kết không trọn vẹn! Không phải tình yêu nào, không phải lòng chung thủy nào, không phải sự đợi chờ nào, không phải nỗi nhung nhớ nào cũng được đáp trả bằng một kết cục có hậu. Cuộc đời là thế! Nhưng bạn ơi, đừng vì thế mà thôi hy vọng! Hãy cứ yêu thương hết lòng và luôn trân trọng những gì mình đang có!

Review chi tiết bởi: Thanh Nhàn-Bookademy

Hình ảnh: Thanh Nhàn-Bookademy

--------------------------------------------------                                                                     

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Xem thêm

Hảo nữ Trung Hoa gồm 14 câu chuyện với 14 mảnh đời khác nhau, trải dài qua nhiều thế hệ, qua nhiều thăng trầm lịch sử. Đó là một cô bé bị cha ruột hãm hiếp, đánh đập với người mẹ thờ ơ, không dám phản kháng, tự ép “xác ruồi” vào vết thương để bệnh thêm nặng để khỏi phải quay trở về nhà. Là câu chuyện về một vị giáo già sẵn sàng làm “người đàn bà nhặt rác” chỉ để ở gần con thêm chút nữa, là trái tim bị dày vò trong cuộc hôn nhân cách mạng sắp đặt không tình yêu. Đó còn là sự chờ đợi 45 năm trong vô vọng của một tình yêu bị chia cắt, là phía sau sự thời thượng, giàu có của một quý bà. Hay một Hân Nhiên lớn lên trong những năm tháng Cách mạng Văn hoá, bị bạn bè hắt hủi, xa lánh chỉ vì bố mẹ là những người tri thức, học rộng… Càng đọc, mình càng thêm thấm thía những nỗi đau mà thế hệ những người phụ nữ đi trước, hay gần hơn là bà, là mẹ đã phải chịu đựng và trải qua… Hân Nhiên kết thúc Hảo nữ Trung Hoa bởi một câu chuyện được ghi lại từ chuyến đi tình nguyện của bà ở Đồi Hét. Một vùng đất khốn khó, lạc hậu tách rời với xã hội bên ngoài, khi tri thức bị che mờ chỉ còn lại sự dốt nát và hủ tục đã tạo nên sự cam chịu lặng lẽ, dần dần trở thành thứ được gọi là “bổn phận” mà người phụ nữ phải nhận lấy. Không phản kháng, không đấu tranh, sự thầm lạng ấy đeo bám họ từ thuở lọt lòng tới lúc về già và tự cho rằng đó là một cuộc sống hạnh-phúc. “Miếng bánh mì dẹt, mô, mỗi năm chỉ nướng có một lần trên những miếng đá nóng giãy trên đỉnh đồi vào mùa hè… Chỉ có cánh đàn ông làm việc đồng áng là có quyền được ăn món đó. Phụ nữ và trẻ em sống nhờ món cháo bột mì loãng – những năm tháng phải vật lộn đã khiến họ quen với cái đói. Nữu Nhi nói rằng vinh dự lớn nhất và cũng là sự đối đãi tử tế nhất trong cuộc đời một người đàn bà là được ăn một bát trứng hòa với nước khi sinh con trai.”