Đến một lúc nào đó bạn sẽ nhận ra, trưởng thành là việc mang trên mình những trách nhiệm còn lớn lao hơn cả hoài bão của ngày trẻ. Mọi lựa chọn mà ta hướng đến sẽ không còn đơn thuần chỉ là những điều mà mình thích nữa. Thay vào đó ta sẽ luôn đặt mình ở những vị trí và hành động mà ta tin rằng nó sẽ tốt cho cả ta và những người xung quanh. Có lẽ những mệt mỏi và trách nhiệm của cuộc sống sẽ dần khiến tâm hồn mình khô héo theo năm tháng. Thứ mà chúng ta cần vào những lúc khó khăn này có lẽ là một thứ gì đó để tưới mát tâm hồn mình. Và Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh chính là cơn mưa rào ấy, xối mát cho tâm hồn của ai từng là đứa trẻ khi dẫn dắt ta trở về với những mộng mơ của tuổi thơ.  

Câu chuyện về hồi ức tuổi thơ qua lời kể của cu Mùi

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là câu chuyện được kể bằng lời tự sự của nhân vật chính là cu Mùi. Nhờ lối kể chuyện chân thật, trong trẻo, mang vẻ hồn nhiên ngây thơ trong sáng và sự ngô nghê của một đứa trẻ khiến cho người nghe bị cuốn hút. Đó là những câu chuyện mà tưởng chừng như bất kỳ ai trong chúng ta đã từng trải qua trong thời trẻ thơ của mình. Từ những câu chuyện hàng ngày theo năm tháng, đến những rung động đầu đời, những khoảnh khắc của bộ tứ siêu quậy khiến chúng ta một lần nữa được sống lại những năm tháng tuổi thơ hồn nhiên và tinh nghịch. Ta bắt đầu nhớ lại những thứ mà mình từng đinh ninh là bất công, từng dặn lòng khi lớn và trưởng thành ta sẽ chẳng bao giờ để con cái mình phải chịu những bất công ấy. Rồi dường như khi trưởng thành, với những từng trải kinh nghiệm trong cuộc sống khiến ta lại có những nhìn nhận và đánh giá khác đi vô tình khiến con cái chúng ta lại có cảm nhận như ta ngày nào. Có lẽ đây là cơ hội kết nối cho những người đang là cha là mẹ với con cái của mình khi đọc cuốn sách này, để tiến lại gần hơn với những suy nghĩ và cảm nhận của những đứa trẻ mà ta dạy dỗ.

Câu chuyện xoay quanh cuộc sống và nội tâm hàng ngày một nhóm bạn bốn đứa trẻ: cu Mùi, Hải cò, Tý sún và con Tủn. Bắt đầu bằng việc nhận định cuộc sống buồn chán và tẻ nhạt của cậu bé tám tuổi cu Mùi. Cậu than rằng mỗi ngày của cậu đều là sự lặp lại quen thuộc của mọi sự vật xung quanh mình, chẳng còn điều gì mới mẻ để cậu chờ đợi. Và cùng với đó là rất nhiều việc cu Mùi không thích như phải làm rất nhiều việc mình không thích theo ý mẹ như phải đi học trong khi mình còn muốn ngủ hoặc phải ăn những món mình chã hợp khẩu vị tí nào. Rồi tiếp đó là tất tần tật những bất công của “thế giới” này mà một cậu bé tám tuổi phải chịu đựng. Khi trên lớp, cậu cũng như bao đứa trẻ khác, sợ phải lên bảng trả bài và chỉ thích vui đùa cùng bạn bè. Đá bóng, bắn bi, rượt đuổi hay vật lộn, những trò chơi phổ biến vào mỗi giờ ra chơi “cho đến khi không đứa nào còn ra hình thù một học sinh ngoan ngoãn nữa mới thôi, tức là lúc khuỷa tay đã trầy xước, mắt đã bầm tím, chân đi cà nhắc và áo quần thì trông còn tệ hơn mớ giẻ lau nhà”. Và cu Mùi thường đối diện với những sự răn đe của ba mẹ mỗi khi về nhà trong bộ dạng như mới rời khỏi một cuộc chiến nào đó của mình. Đó dường như là một ngày bình thường của cậu. Một trò chơi mà cậu và đám bạn hay chơi nữa là trò chơi gia đình. Khi vào vai ba mẹ, cậu thường hoạnh họe đứa bạn khác đóng giả con trai mình phải làm này làm kia, làm những điều mà cậu hằng mong ba mẹ sẽ bắt mình làm, thay vì suốt ngày phải học hành và làm theo điều ba mẹ cho là tốt. Cùng với đó là những ý tưởng điên rồ về việc không tiếp tục tin vào bảng cửu chương hay việc đặt tên khác cho những thứ xung quanh mình nhưng rồi sau những bài học sâu sắc, cả đám đã quyết định tin vào những điều đã được định sẵn hàng ngàn năm qua. Rồi cứ thế, cả nhóm cu Mùi tiếp tục trải qua những trận đòn, những lời răn của người lớn do những việc làm ngô nghê, học theo của một đứa trẻ. Mọi người dần lớn lên và khi biết được rằng cu Mùi của ngày nào sẽ kể về câu chuyện của cả bọn khi còn nhỏ. Tất nhiên, ngoài cu Mùi đang kể chuyện cho chúng ta nghe thì ông Giám đốc Hải cò, Hiệu trưởng Tủn đều rất giật mình khi biết được người bạn ấu thơ của mình sẽ kể ra tất tần tật những gì còn nhỏ ấy của cả bọn. 


Tôi cho rằng đây là một trong những đoạn hay nhất của cuộc này. Nó cho chúng ta thấy được rằng người lớn luôn phức tạp hóa mọi chuyện nhiều hơn là những đứa trẻ. Ai cũng hiểu rõ mồn một rằng bọn trẻ với sự ngây ngô của chúng, dù chúng có làm gì đi chăng nữa thì sẽ cũng chẳng với một ý đồ xấu nào cả. Nhưng khi lớn lên, ai cũng bắt đầu ngại kể những điều mình đã xảy ra. Có lẽ vì khi đã đủ thấu hiểu ở hiện tại, cân đo đong đếm vì sợ người khác sẽ hiểu lầm về chính mình và khi đã có một địa vị nào đó trong xã hội, khi mà lớn nói của mình có trọng lượng hơn, bắt đầu trở thành những tấm gương sáng cho những thế hệ khác noi theo. Tất nhiên rằng, bạn sẽ muốn dạy con cái hay thế hệ sau rằng không nên nghịch ngợm và phải luôn biết vâng lời phụ huynh. Nhưng không phải ai cũng có thể dễ dàng thừa nhận việc trước đây mình cũng từng như thế, đã từng làm khác đi những gì mình đang dạy con cái phải hướng đến. Mà cũng chẳng sao cả, dẫu cho chúng ta từng nghịch ngợm đến thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng đều trưởng thành lên, thấu hiểu những điều hay lẽ phải. Mà tôi tin chắc rằng, dù có từng đánh nhau hay nghịch ngợm, cũng sẽ chẳng ai nói rằng ông Giám đốc Hải cò không phải là một người tốt. Đó là lý do mỗi người trong chúng ta đều cảm thấy vui vẻ với những ký ức của tuổi thơ đã trải qua mỗi khi nghĩ về nó. 

Món quà vô giá của Nguyễn Nhật Ánh

Như chính tác giả đã thổ lộ “Tôi không viết cuốn này cho trẻ em, tôi viết cuốn này cho ai từng là trẻ em”. Vì thế mà bắt đầu đọc Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đồng nghĩa với việc bạn đã lên một chuyến xe với chuyến hành trình là tìm về tuổi thơ. Qua những trang sách, chuyến xe ấy sẽ bắt đầu đưa bạn len lỏi trong những hồi ức, trở về những ngày xưa, bạn sẽ bắt gặp lại chính mình khi còn là một đứa trẻ. 

Suốt những năm đi học, tôi và lũ bạn đã sử dụng những khoảnh khắc tự do hiếm hoi đó vào việc đá bóng, bắn bi, nhưng thường xuyên nhất và hăng hái nhất là những trò rượt đuổi, đánh nhau hay vật nhau xuống đất cho đến khi không đứa nào còn ra hình thù một học sinh ngoan ngoãn nữa mới thôi, tức là lúc khuỷu tay đã trầy xước, mắt đã bầm tím, chân đi cà nhắc và án quấn trong thì còn tệ hơn mớ giẻ lau nhà. 


Mỗi người trong chúng ta, ai cũng từng là những đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ và ấp ủ những ước mơ của riêng mình. Ai cũng muốn thật mau chóng lớn lên để có thể đi chinh phục những giấc mơ ấy. Có người muốn trở nên vĩ đại hoặc nổi tiếng để được nhiều người biết đến, có người thì muốn làm những công việc thầm lặng để cống hiến cho đời, có người thì đơn giản chỉ muốn làm những điều mình thích để mỗi ngày đều cảm thấy hạnh phúc. Nhưng dù bạn là ai, dù bạn mong muốn gì và đã trở thành gì thì cuộc sống của mỗi người trong chúng ta đều là cả một quá trình. Chúng ta luôn có những quyết định vào những thời khắc dường như thay đổi cuộc sống hiện tại của chính mình. Có nhiều khi, những mộng ước và mong mỏi của chúng ta khi còn nhỏ phải dừng lại cho những trách nhiệm, những lo toan trong cuộc sống. 

Ai cũng đều có một tuổi thơ riêng biệt, nhưng câu chuyện của cu Mùi, Hải cò, Tý sún, con Tủn dường như sẽ trở thành câu chuyện của chúng ta vì những nét tương đồng trong tuổi thơ của mỗi người. Đó là sự ngây thơ và trong sáng của một đứa trẻ, là những mộng mơ và những mong mỏi trong cuộc sống này cho tương lai xa xôi hơn. Và rồi, sau này, khi đã đến gần hơn cái được gọi là “tương lai ta hằng ao ước đấy”, liệu chúng ta có còn háo hức trông mong nữa không? Qua chuyến xe và chuyến hành trình về tuổi thơ ấy, mỗi người không chỉ được lại là chính mình của ngày nào, mà còn trở nên khát khao với những mong mỏi đã từng là cũ kỹ ấy.

Cuộc giống dưới góc nhìn ngô nghê của những đứa trẻ 

Sau này, tôi cũng nhiều lần thấy cuộc sống đáng chán khi thi trượt ở tuổi mười lăm, thất tình ở tuổi hăm bốn, thất nghiệp ở tuổi ba mươi ba và gặt hái thành công ở tuổi bốn mươi.

Nhưng tám tuổi có cái buồn chán của tuổi lên tám.

Đó là cái ngày không hiểu sao tôi lại có ý nghĩ rằng cuộc sống không có gì để mà chờ đợi.

Rất nhiều năm về sau, tôi được biết các triết gia và các thần học vẫn đang loay hoay đi tìm ý nghĩa của cuộc sống và tới Tết Ma Rốc họ cũng chưa chắc tìm ra. 

Nhưng năm tôi tám tuổi, tôi đã thấy cuộc sống chả có gì mới mẻ để khám phá.


Đó là những hoài niệm của tác giả về cảm nhận đầu đời của mình khi là đứa trẻ lên tám. Mỗi ngày, cuộc sống sẽ luôn tiếp diễn và Trái Đất vẫn quay. Nhưng cuộc sống của mỗi đứa trẻ dường như chỉ hiện hữu với nơi mà chúng quen thuộc. Còn trẻ, ai cũng chỉ quan tâm tới những điều mình cảm thấy thú vị. Và ngoài những điều tuyệt vời đó ra, những thứ còn lại dường như sẽ trở nên tẻ nhạt trong mắt mỗi chúng ta. Giá mà chúng ta vẫn giữ được những điều tuyệt vời ấy cho đến ngày mình trưởng thành thì tốt biết bao. Hoặc có lẽ, những trách nhiệm và áp lực buộc ta phải thay đổi để rời xa chính mình như những ngày còn bé. 

Có lẽ, từ những điều đã trải qua, những thứ mà ta gặp sẽ khiến cuộc sống và con người ta không còn như trước đây. Vì luôn biết được rằng mình không thể nào mãi mãi là một đứa trẻ và sẽ luôn bước tiếp dù cuộc sống có trở nên thế nào đi chăng nữa. Nhưng mỗi khi nhớ về những kỷ niệm cũ của ngày xưa, chúng ta sẽ như rủ bỏ được những lo toan và muộn phiền bởi những bộn bề mưu sinh trong cuộc sống, trở về cái ngày mà những mộng mơ còn bay bổng, được gặp lại mình của những ngày ấu thơ và sẽ chợt mỉm cười cho sự ngô nghê của mình khi ấy. Nó sẽ giống như được tắm trong một cơn mưa mát lạnh vào những ngày hè. Nó giúp ta tràn đầy năng lượng và trong khoảnh khắc ấy, bạn sẽ thấy những ưu phiền trong cuộc sống của mình dường như chẳng hề còn tồn tại nữa. 

Thông điệp dành cho tất cả người hiện đại

Thực ra, các thức ăn ngon nhất luôn luôn vẫn là các thức ăn quen thuộc: các loại thịt gia súc, chắc chắn loài người đã có hàng ngàn năm dùng răng và lưỡi sàng lọc các loại thịt trên trái đất. Tổ tiên chúng ta dĩ nhiên đã thử nếm qua các thứ thịt nai, chồn, rắn, tê tê, nhí, thằn lằn núi, đà điểu và vô số các động vật khác (bây giờ gọi là đặc sản) lẫn chó, ngựa, mèo, heo, bò, gà (lúc đó còn là chó rừng, ngựa rừng, mèo rừng, heo rừng, bò rừng, gà rừng) và cuối cùng đã đi đến kết luận: các loại thịt heo, bò, gà là tuyệt nhất. Từ phàn quyết đó, heo rừng, bò rừng, gà rừng đã được nuôi dưỡng và thuần hóa để trở thành nguồn cung cấp thực phẩm vĩnh viễn cho con người. Đó là một lựa chọn vô cùng sáng suốt và có giá trị ở mọi không gian và thời gian: cho đến nay ba loại thịt trên nghiễm nhiên chiếm một vị trí không thể thay thế trên bàn ăn của gia đình từ Đông sang Tây. 

Chó đã không được chọn lựa làm thực phẩm, hiển nhiên có lý do của nó, không chỉ vì nó có khoái khẩu và bổ dưỡng hay không. Loài người thuần hóa ngựa để cưỡi, trâu để kéo cày, mèo để bắt chuột và chó để trông nhà, và quan trọng hơn để là bạn với con người, đặc biệt là làm bạn với trẻ con.

Thật ra mỗi người trong chúng ta khi còn nhỏ, chắc hẳn đều không ít lần nhìn thấy được những mặt trái của xã hội, những điều vô lý và không nên mà những người lớn vẫn làm hằng ngày. Nó giống như việc bạn cầm một ngọn lửa để sưởi ấm những ngày đông vậy. Về lâu dần, ngọn lửa trong bạn sẽ tự từ nhạt nhòa. Và rồi chúng ta đôi khi lại làm những điều vô lý mà bản thân mình từng đặt câu hỏi về nó. Thật ra tác giả rất khéo léo trong việc nhắc nhở và khơi gợi tình cảm trong lòng mọi người. Đây không phải là một sự phê phán hay chỉ trích về mặt đạo đức. Mà là sự nhắc nhở dành cho tất cả mọi người, sự khơi gợi về mặt cảm xúc và một lập luận hết sức logic để thuyết phục tất cả mọi người. 

Hành trình trở về tuổi thơ, chuyến hành trình không bao giờ bị khép lại

Chiếc vé tuổi thơ đó, bạn cứ giữ kỹ trong túi áo, vì không có người soát vé trên chuyến tàu đặc biệt này.

Bạn có thể trở về thăm lại thời thơ ấu của mình bất cứ lúc nào, hay nói khác đi lúc mà bạn nhận ra rằng thỉnh thoảng tắm mình trong dòng sông trong trẻo của tuổi thơ sẽ giúp bạn gột rửa những bụi bặm của thế giới người lớn một cách diệu kỳ. 

Ở tám tuổi, vẫn là trong trẻo lắm, vẫn khát khao cuộc sống cho dù lúc tám tuổi có thể bạn rầu rầu nói: “Một ngày, tôi chợt nhận thấy cuộc sống thật là buồn chán và tẻ nhạt”. Câu nói yếm thế đó của một đứa trẻ có thể bắt đầu cho một cuốn sách vui nhộn. Nhưng bây giờ, đã lớn, nếu một ngày bạn cảm thấy sự bế tắc của cuộc sống gieo vào đầu bạn ý nghĩ ảm đạm đó thì rất có thể đó là khởi đầu cho một câu chuyện tệ hại và chân trời có khả năng khép lại trước mắt bạn.

Vì vậy, để sống tốt hơn đôi khi chúng ta phải học làm trẻ con trước khi học làm người lớn.

Sẽ thật đáng tiếc nếu chúng ta chỉ trở về thăm lại tuổi thơ có mỗi một lần vì sự trưởng thành sẽ khiến ta không ít lần mệt mỏi và áp lực. Khi mà bạn đã có trong tay chiếc chìa khóa để lại tiếp tục mở cánh cửa trở về tuổi thơ. Mỗi chúng ta đều đã trưởng thành, nhưng ta của tuổi thơ vẫn còn đó, vẫn hiện hữu và luôn tồn tại bên trong của mỗi người. Bởi để trưởng thành thì bất cứ ai cũng từng là mỗi đứa trẻ…

Cho tôi một vé

đi Tuổi thơ.

Vé hạng trung - Người bán vé hững hờ

Khe khẽ đáp: 

Hôm nay vé hết! - 

Biết làm sao

Vé hết, biết làm sao

Đường tới Tuổi thơ

còn biết hỏi nơi nào?

Nếu không kể

đôi khi ta tới đó

Quá trí nhớ

Của chúng ta

Từ nhỏ...”


Cuộc sống với sự phát triển không ngừng, có lẽ vì vậy mà con người luôn phải thay đổi thích nghi với nó. Chúng ta rồi sẽ không còn là những đứa trẻ, rồi sẽ rời bỏ quê hương để đi học tập ở nơi đất khách quê người. Chấp nhận xa gia đình và thiếu thốn tình cảm, chấp nhận ở trọ trong một căn phòng gò bó, chật hẹp để đổi lại là một tương lai tốt đẹp hơn hoặc là làm được điều mình hướng đến mai sau. Nhưng rồi mỗi ngày, từ những lo toan mưu sinh thường nhật, chúng ta đổi thay mà bản thân có lẽ quá bận rộn với những guồng quay nên không nhận ra nó. Liệu rằng, những đổi thay ấy có khiến ta đi lệch với con đường mà mình đã từng mong mỏi hay không? Trên chuyến hành trình trở về với những ngày cũ ấy, cũng là một cơ hội để mỗi người nhìn nhận lại. Chúng ta sẽ có câu trả lời chân thật nhất dành cho chính mình, khi bạn đã gặp lại mình của tuổi thơ. 

Cuộc đời của tôi cũng là một chuyến hành trình như thế. Tôi là một cậu bé của một vùng quê nghèo, ôm trong mình những mộng mơ và lý tưởng. Những hoài bão mà ngày còn nhỏ đã thôi thúc tôi luôn cố gắng hướng đến, những hoài bão mà mỗi ngày đều giúp tôi tràn trề năng lượng để cố gắng hơn. Tôi cũng rời xa quê hương như bao cậu bé khác, cũng đến một thành phố hoa lệ nơi dòng người tấp nập để học tập, sinh sống và làm việc. Nhưng có lẽ khác với nhiều người, tôi dành thời gian để nghĩ về cuộc sống nhiều hơn là là chạy theo guồng quay của nó. Điều đó giúp tôi nhận ra sự thay đổi của bản thân qua từng ngày. 

Tôi luôn tự hỏi mình, những thay đổi đó liệu có đúng hay không? Rồi một ngày tôi mơ thấy, tôi và các bạn lại trở về những ngày còn là những đứa trẻ. Chúng tôi vẫn xếp hàng tại vị trí của mình dưới sân trường như ngày nào, nhưng chúng tôi lại không còn là những đứa trẻ. Mà thay vào đó, trên gương mặt của mỗi người đều in hằng theo dấu vết của thời gian. Có đứa mắt đã bắt đầu nheo lại, trán đã bắt đầu nhăn, có đứa thì bụng phùng phình, đứa thì đầu tóc đã trọc lóc… Nhưng lạ thay mỗi chúng tôi đều vẫn mặc chiếc đồng phục cũ kĩ và trên cổ là những chiếc khăn quàng ấy. Mọi người đều nhận ra nhau dù ai cũng đã thay đổi hết sức kinh ngạc. Chúng tôi bắt đầu ríu rít hỏi thăm nhau, dạo này mọi người như thế nào, cuộc sống có tốt không và cả hàng ngàn điều khác về nhau mà người ta vẫn hăng say trò chuyện khi lâu ngày gặp lại bạn cũ. Đó dường như là một sự rung động mãnh liệt trong tôi ở cái ngày tôi bắt đầu vào đời, ngày tôi sẽ tự mình chống chọi với những khó khăn, thử thách và cả những thứ tôi cảm thấy nó là bất công với cuộc đời này. Và rồi, sáng hôm sau khi ngủ dậy trên gương mặt tôi đọng lại một nụ cười. Từ giấc mơ của chính mình, tôi hiểu được rằng thật ra cuộc sống rất khó để chúng ta vẫn luôn luôn đi đúng một con đường như những ngày nhỏ từng mong muốn. Cuộc sống đổi thay và chúng ta cũng phải thay đổi theo nó vì những trách nhiệm và những ràng buộc của chính mình. Nhưng dù bạn có thay đổi tới mức nào đi chăng nữa, thì chắc chắn rằng có một thứ không bao giờ thay đổi: Bạn vẫn là chính bạn mà thôi. Và những điều bạn luôn giữ trong lòng mình vẫn sẽ mãi mãi luôn hiện hữu nơi ấy.  


Lời kết:

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh sẽ là chiếc vé cho chuyến xe đặc biệt để bạn tìm về lại tuổi thơ và những điều đẹp đẽ luôn giấu kỹ trong lòng mình. Nếu trên tay bạn đã cấm lấy tấm vé ấy, ấy còn chờ gì nữa mà chưa lên xe?

Review chi tiết bởi: Hữu Ngọc - Bookademy

Hình ảnh được design bỏi: Duy Diện - Bookademy

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan toả văn hoá đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ Tên tác giả - Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Xem thêm