Chiến tranh bước vào địa hạt của văn chương theo một lẽ tự nhiên nhất. Khi mùi khói súng của đau thương văng vẳng khắp mọi ngóc ngách của cuộc sống, ngòi bút của người nghệ sĩ nhỏ xuống trang giấy những tiếng khóc nghẹn ngào. Bức tranh về chiến tranh được người nghệ sĩ vẽ nên từ những hiện thực trần trụi của cuộc sống, nơi những người anh hùng xuất chinh ra chiến trường, bằng cái màu đỏ của máu, của lửa ngợp trời. Để hình dung về chiến tranh, người ta thường dùng những hình ảnh đầy thiên tính nam, đầy mạnh mẽ. Người đàn ông bước lên như một ví dụ tiêu biểu của chiến tranh nhưng một nửa còn lại của thế giới thì không được nhắc đến, phụ nữ chỉ có thể nép mình bên song cửa sổ, náu mình yên lặng. Tuy nhiên, đến với “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” của Svetlana Alexievich, người đọc ngỡ như bước vào một góc khuất chưa từng xuất hiện trong văn chương.

  1. Chiến tranh có phải là chỗ cho những khuôn mặt phụ nữ?

Chiến tranh là một đề tài quen thuộc của người nghệ sĩ, nó trần trụi và đầy ám ảnh, nó đẩy cảm xúc của con người lên đến tột cùng bởi sự mất mát, đau đớn đối với triệu triệu con người. Dù quen thuộc là thế, nhưng khi đọc “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”, người đọc không cảm thấy nhàm chán và vô vị, bởi thông qua hiện thực của chiến tranh, tác giả lại nói lên một điều mới mẻ. Len lỏi trong bức tranh hiện thực của chiến tranh, tác giả chọn cho mình một con đường mới mẻ, như một người mở đường tinh anh và tài năng, Svetlana Alexievich tìm đến những người chiến binh nữ - những người phụ nữ đi qua chiến tranh, một tâm hồn nữ, giọng nói nữ, một thiên tính nữ chưa từng có. Chiến tranh không còn là phép cộng của những con số vô cảm, những sự kiện kinh hoàng, chiến tranh không còn được nhìn nhận dưới những chiến công, những tượng đài hùng vĩ thời hậu chiến, mà nó là dòng hồi ức của cảm xúc mãnh liệt, của cái khát khao dữ dội trong bản năng của con người. Khi dòng lịch sử sang trang, chiến tranh được nhìn nhận bằng cái nhìn bình tĩnh hơn thì qua lời trần thuật của hàng trăm người phụ nữ, “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” không chỉ đại diện cho hàng trăm người phụ nữ Nga trong cuộc chiến tranh Vệ quốc, mà nó còn là cuộc đời của hàng triệu triệu con người, của một góc khuất mà mưa bom bão đạn đã từng che lấp.

 

2. Chiến tranh bào mòn đi sự nữ tính của những người phụ nữ, gọt dũa con người đến mức “không còn khuôn mặt phụ nữ” 

“Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” là tuyển tập những câu chuyện chân thực nhất của những người lính nữ trong Chiến tranh thế giới thứ hai, là những đau thương, những nỗi đau còn âm ỉ của những tâm hồn nữ, dù khói súng chiến tranh đã chấm dứt. Tác giả len lỏi khắp trăm thị trấn ở đất nước Nga rộng lớn, trò chuyện cùng hàng trăm người phụ nữ đã chứng kiến những thăng trầm trong cái cuộc chiến khủng khiếp của lịch sử, để từ đó hình tượng của người phụ nữ trong chiến tranh được hiện thực hóa, khắc họa một cách rõ nét và chân thực nhất. Không phải là bóng mờ của lịch sử, không phải là sự gợi nhắc mờ nhạt sau tấm vai rộng của người đàn ông, họ được hiện lên có tên có tuổi, có cảm xúc của chính mình. Hàng trăm cuộc đối thoại như hàng trăm lần những người phụ nữ này nhìn thẳng vào cái đớn đau của quá khứ. Khi đọc tác phẩm, những người phụ nữ ấy được hiện lên với muôn hình vạn trạng, họ không còn bị đóng khung bởi những định kiến của quá khứ, không còn là những người phụ nữ ở hậu phương, không còn quá nhiều nước mắt hay sự sợ hãi, họ là những chiến binh được sinh ra bởi sự trần trụi của chiến tranh, khi thực tế khổ đau bắt buộc họ phải lột đi cái bản năng của người đàn bà. Trong tác phẩm, họ là một xạ thủ bắn tỉa, một y tá, chiến sĩ cáng thương, phi công, xạ thủ phòng không, lái xe, lính bộ binh…

 

“Chiến tranh là hủy diệt con người, hủy diệt sự sống. Trong khi bản chất của người phụ nữ, chức năng của họ, là sinh ra sự sống, sinh ra con người. Bằng công việc, cách nhìn, khám phá và tác phẩm của mình, lần đầu tiên trong văn học thế giới, Svetlana đã buộc chiến tranh đối mặt với cái đối nghịch tuyệt đối của nó, vạch trần toàn bộ tính chất phi lý, phi nhân của nó”, nhà văn Nguyễn Ngọc nhận định.

Đọc tác phẩm, người đọc có thể nhận thấy sự khai thác đặc biệt của tác giả đối với đối tượng được nói đến. Từ đầu đến cuối tác phẩm, những câu chuyện của họ dù khác nhau, như những đường thẳng tưởng chừng song song lại bất ngờ hồi quy về một điểm, chính những người phụ nữ này bị ép buộc phải trở nên mạnh mẽ. Trong cuộc chiến sinh tồn này, người phụ nữ phải rũ bỏ đi cái thiên chức tự nhiên của mình để trở thành một người gan góc và nam tính. Sự rũ bỏ này, trần trụi đến mức làm người đọc sợ hãi.

Bản thân tác giả cũng là một người phụ nữ cho nên sự đồng cảm của tác giả đối với những người lính nữ trong chiến tranh không đơn thuần chỉ là sự xúc động hay đồng cảm trước những nỗi đau của họ, mà còn là sự đồng cảm của đồng loại, của người đàn bà đối với những người đàn bà khác. Bằng cách đối thoại với những người phụ nữ, tác phẩm chính là những lời tự sự của một lối viết mang đậm thiên tính nữ. Đó là một “cuộc chiến tranh nữ”, có những màu sắc, mùi vị và hình ảnh mang đầy nữ tính, cái ngôn ngữ của nhà văn lựa chọn cũng là một ngôn ngữ khác biệt so với các tác phẩm viết về chiến tranh khác, một ngòi bút nữ tính đối lập với ngôn ngữ nam tính của chiến tranh.

Một tác phẩm hay không đi theo lối mòn của những điều đã cũ, dù là một sự việc một con người trong cuộc sống nhưng con mắt của người nghệ sĩ cũng phải tìm ra được cái mới mẻ và độc đáo. Chính sự mới mẻ, độc đáo đó là sự thăng hoa của người nghệ sĩ đối với văn chương, với cuộc sống, là niềm hạnh phúc vô tận của người nghệ sĩ trước cái sự mới mẻ của cuộc đời, trước những tư tưởng mới và giá trị mới. Đối với tác phẩm, khói súng, bom đạn và cái chết chính là điểm khởi đầu của chiến tranh thì điểm kết thúc của tác phẩm lại là con người - những người phụ nữ. Khi tiếp xúc với tác phẩm, người đọc không chỉ ngỡ ngàng về cái mùi của chiến tranh, về nỗi sợ khi đối diện với cái chết mà còn là cái bản năng đàn bà chân thực nhất. Tác phẩm tập trung miêu tả về thân thể của người phụ nữ, từ hành kinh, mang thai, sinh con đến những nỗi đau về thể xác của người phụ nữ - những điều mà ngòi bút nam khó có thể chạm đến tột cùng. Cái cách viết đó cho thấy sự táo bạo của tác giả khi dám nói những điều mà những người đi trước chưa từng đề cập, một đóng góp sâu sắc mà những cây bút hậu bối đóng góp cho địa hạt năm tháng chiến tranh. Thông qua góc nhìn thời hậu chiến, qua lời kể của những cựu chiến binh, chiến tranh được cảm nhận bởi thân thể và xúc cảm của một người phụ nữ.

 

 Những cảm xúc trong tác phẩm được hình dung một cách đa cảm, giàu chiều sâu, từ đó gợi mở những ấn tượng sâu sắc muôn hình vạn trạng, cuốn hút người đọc từ nhiều góc độ khác nhau. Những hình ảnh trong tác phẩm được đặc tả một cách trần trụi nhất, tác giả nhìn thẳng vào những góc tối tăm nhất của cuộc chiến để phản ánh bản chất trần trụi và khát máu của chiến tranh. Một cô y tá bị giết, móc mắt cắt vú đóng cọc, một cô quân y nơi mặt trận nguy cấp không có dụng cụ buộc phải dùng răng nhay xé phần thịt hỏng của thương binh để cứu người, một nữ chiến sĩ phòng không không quân cơ thể ép chặt vào buồng lái hay là cảnh những cuộc thảm sát với đầy máu tươi, bị lột truồng, cấu xé ngực và bị “sửa móng tay”. Những hình ảnh đó khiến người đọc cảm thấy chân thực đến buồn nôn, lạ thay sự đau đớn lại bao trùm lên hết thảy, bởi những hình ảnh đó được hình dung thông qua giọng kể run run cũng như những giọt nước mắt quặn xé của những nữ chiến binh. Cái nỗi đau tưởng chừng như đã lành bởi thời gian và bộn bề cuộc sống bỗng bị chính chủ nhân mình xé toạc ra! Ngòi bút của nhà văn như một con dao, nhưng không phải con dao có lưỡi dao lượn sóng mà là con dao mổ, lạnh lùng và tàn nhẫn vào hiện thực. Đôi mắt của văn chương không thể nhìn cuộc đời màu hồng của niềm hạnh phúc, nó còn vươn ánh nhìn ra xa hơn, ở chỗ tăm tối và mờ mịt hơn, đề trầm mình vào nỗi đau và đưa đôi tay cứu rỗi lấy cuộc đời trần thế. Như tác giả đã từng nói: “Phải viết một cuốn sách về chiến tranh sao cho người đọc đến buồn nôn sâu sắc vì nó, cho họ thấy chỉ ý tưởng về chiến tranh thôi đã là bỉ ổi. Tâm thần.” Văn chương là một thứ vũ khí thanh tao và trong sáng được đặt vào đôi tay ấm của người nghệ sĩ, để mà cứu lấy cái cuộc đời vốn nhiều thứ trầm tư.

 

Chiến tranh không đem đến điều tốt đẹp cho số phận của con người, nó bào mòn và hủy hoại con người đến cùng cực. Trong những câu chuyện của người lính nữ Xô Viết, hình ảnh bím tóc cùng trang phục được lặp đi lặp lại. Bím tóc và những chiếc váy, đôi giày,… đều là hình ảnh ẩn dụ cho sự nữ tính tươi trẻ của những cô gái đến tuổi xuân thì những nó cũng chính là hình ảnh minh chứng cho bi kịch đánh mất chính mình của những người lính nữ. Đó là nhu cầu đơn giản của những cô gái, là sắc đẹp, là thiên tính nữ trong con người họ, nhưng khi đặt vào hoàn cảnh chiến tranh, bím tóc dài của người con gái bị cắt gọn thành đầu húi cua lởm chởm đặc trưng của người lính, những đôi giày cũng đổi thành đôi giày lính lớn hơn tận năm số chân. Cách xây dựng hình ảnh đối lập giữa cái thiên tính nữ với cái nam tính đã bộc lộ khát khao nữ tính của những con người này, cùng nỗi đau bị tước đoạt đi chính bản thân mình, tước đoạt đi cái bản năng sống của một người phụ nữ. Thông qua cái hình ảnh ẩn dụ đó, chiến tranh không cho phép có khuôn mặt của người phụ nữ, không một người nào đủ sức chịu đựng được những cái nỗi đau mà chiến tranh đem đến. Nỗi bi kịch dâng lên đỉnh điểm khi chính những người phụ nữ ấy phải hi sinh tuổi trẻ, nhan sắc, thậm chí đau đớn hơn là cả gia đình và những đứa con. Trong thẳm sâu của một người phụ nữ, bản năng làm mẹ là bản năng lớn nhất, mạnh mẽ nhất, không điều gì có thể dập tắt được tình mẫu tử trong chính tâm hồn họ. Họ giằng xé, đau khổ bởi chiến tranh, họ giết chết con mình, lợi dụng những đứa trẻ để làm nhiệm vụ, nỗi nhớ thương đứa con thơ ở nhà, cùng niềm khát khao được làm mẹ. Những người phụ nữ ấy trầm mình ở chiến trường, nơi nước mắt và máu hóa thành sông. Chiến tranh như một con quái vật kí sinh vào mỗi một người lính, gặm nhấm rồi cắn chặt vào tất cả các giác quan của họ. Những hình ảnh được đặc tả ấy đã cho người đọc nhận thấy được cả một thế giới bi thương, những nỗi đau của chiến tranh được xếp chồng lên nhau, đâm những nhát đau đớn vào những con người trong thời đại đó. Họ chiến đấu vì hòa bình, vì hạnh phúc song họ lại đang đánh mất dần đi hạnh phúc của cuộc đời mình. Bằng cách xoáy sâu vào những khổ đau mà chiến tranh mang lại, tác giả khiến người đọc đồng cảm sâu sắc đối với những con người đã dâng hiến cuộc đời mình cho tổ quốc, cho lý tưởng, cũng như buộc người đọc phải thật sự cảm nhận tác phẩm bằng chính lòng mình, bằng hết các giác quan mà đi sâu vào tác phẩm, trao đi giọt nước mắt đau đớn mà khóc thương cho nhân vật. Bởi đằng sau sự huy hoàng của những tấm huy chương là những bi kịch thời hậu chiến, sau những khúc ca khải hoàn chiến thắng là tiếng khóc thê lương của những tâm hồn đã không còn lành lặn.

 

3. Chiến tranh qua lăng kính yêu thương của những người phụ nữ

Nếu như nam giới cảm nhận chiến tranh qua lý tưởng, qua những trận chiến thì người phụ nữ lại thiên về gặm nhấm những cảm xúc nhiều hơn. Chính thiên tính nữ trong họ khiến họ nhìn nhận chiến tranh bằng một góc nhìn nữ tính hơn rất nhiều, họ tinh tế và giàu xúc, họ dám yêu, cho đi tình yêu. Phải chăng sự nữ tính khiến cho những người lính nữ thấy được những điều mà những chiến binh nam không bao giờ thấy được? Họ không chỉ thấy được cuộc chiến tranh, kẻ thù tàn bạo, họ còn thấy được cái thế giới đầy đau khổ đang bao trùm lên cuộc chiến ấy. Vì vậy, họ đấu tranh cho cái sự nữ tính của mình bằng cái bản năng người phụ nữ tiềm ẩn trong họ. Họ thấy được “giọt sương chưa kịp khô trên lá cây”, thấy được bầy sếu đang bay ngang trên bầu trời, thấy vườn anh đào đang nở rộ mùa xuân, thấy được người đàn ông mình yêu ngã xuống cũng như những đứa trẻ đói ăn bên bờ chiến tuyến. Trong cuộc chiến anh sống tôi chết, họ vẫn trao đi ánh nhìn đầy yêu thương, bởi trong lòng họ vẫn là một cô gái đắm mình với thiên nhiên, cô gái hái hoa tím cắm lên lưỡi lê, giữa đất trời mà nghe tiếng chim hót. “Mặt trời sáng chói… Tất cả đều ra hoa… Hoa chuông thân yêu của tôi, ngập tràn các bãi cỏ… Tôi nhớ: Chúng tôi nằm giữa lúa mì, một ngày nắng lớn.” Đặc biệt là bản năng người mẹ trong họ, họ không căm hận những đứa trẻ Đức, họ xót xa cho chúng. Những nhân chứng trong tác phẩm đều nhìn nhận cuộc đời này thông qua lăng kính của yêu thương. Họ vì gia đình mà xung phong ra trận, chiến đấu rồi hy sinh, căm hận rồi tha thứ.

 

Cái chết trong tác phẩm được đặt trong làn ranh của sự sống. “Chúng tôi đạp lên lúa mạch đen mà đi. Mà năm ấy, mùa màng thật đặc biệt, lúa mì chưa bao giờ cao đến thế. Cỏ xanh, mặt trời rực rỡ, và những người chết nằm dài trên mặt đất, máu. Những xác người và súc vật.” Hình ảnh cái chết hiện lên qua con mắt của người phụ nữ được nhìn nhận dưới một con mắt khác, nó được đặt dưới khung cảnh của một sự sống đang sinh sôi mạnh mẽ, để cái chết không còn đau khổ mà nhẹ tựa lông hồng. Dù ngoại hình của những người lính này đã không còn là một người phụ nữ nhưng tâm hồn họ vẫn là một tâm hồn của một người phụ nữ giàu tình yêu thương với cuộc đời. Có lẽ, vì khai thác qua góc nhìn của những người con gái, chiến tranh mới hiện lên bằng một góc độ khác, chân thực và nhân văn hơn. Chân dung của chiến tranh là cái chết, là nỗi tức tưởi, nó làm người đọc ám ảnh không chỉ bởi những cái xác nằm chết chồng lên nhau mà còn là ở những con người bị bào mòn mất dần đi chính bản thân mình. Thế nhưng, thông qua ánh nhìn đầy nữ tính của người lính, người ta lại thấy sự sống bắt đầu sinh sôi từ cái chết, cái lạc quan trong đau thương đáng ngưỡng mộ.

Có lẽ khi đọc tác phẩm, tôi chợt nhớ đến  tác phẩm "Người sót lại của rừng cười" của Võ Thị Hảo, một trong những tác phẩm ám ảnh hậu chiến tranh. Chiến tranh đã qua đi nhưng những vết thương mà nó đem đến vẫn không thể xóa nhòa, nó như vách ngăn ngăn cản con người trở về với cuộc sống đời thường. Tác phẩm "Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ" mang trong mình một giá trị nhân bản sâu sắc, bởi nó hướng về con người và vì con người, nó đưa người đọc vào miền đau thương của chiến tranh, đề rồi tuyên dương những người phụ nữ đã dũng cảm hy sinh cá nhân vì tập thể. Tác giả hướng ngòi bút nhân văn của mình để xót xa cho nỗi đau của những tâm hồn giàu cảm xúc nơi sa trường, đề rồi người đọc đồng cảm sâu sắc đến những số phận đáng thương khuất sau cái bóng hào quang của chiến thắng. Trong một “lịch sử câm lặng và giông bão”, người phụ nữ đã không còn náu mình yên lặng mà tự cầm bút viết nên lịch sử của chính mình, bằng một thứ ngôn ngữ, một dòng cảm xúc, một cách viết đầy thiên tính nữ của chính bản thân mình. Tác phẩm chính là phương tiện tìm lại chính mình, tìm lại tuổi trẻ của những người phụ nữ “không có một khuôn mặt phụ nữ”.


Tác giả: Ngọc Anh - Bookademy

-------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Xem thêm

Trước khi bắt đầu đọc "Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ" của Svetlana Alexievich, bạn cần lưu ý phong cách viết đặc trưng của bà. Tác giả phỏng vấn những người thật, đôi khi trong nhiều thập kỷ, nhưng không kiểm chứng thông tin chi tiết. Bà chỉnh sửa, sắp xếp và tái hiện câu chuyện của họ ở các mức độ khác nhau, hướng đến giá trị văn học hơn là sử sách.

Tuy nhiên, thành quả là một bức tranh ghép tuyệt đẹp về một thời đại và địa điểm. Nói theo Stephen Colbert, đây là minh họa cho "sự thật theo cảm nhận, không phải sự thật theo nghĩa đen". Chính xác hơn, Alexievich ưu tiên chân lý chủ quan, cảm xúc hơn sự kiện xác minh được. Thông thường, điều này hữu ích hơn để hiểu một sự kiện so với sự thật theo nghĩa đen.

Nếu bạn muốn hiểu phụ nữ Liên Xô chiến đấu như thế nào và tại sao, thì "Những Người Phụ Nữ trong Chiến tranh Vệ Quốc" là cuốn sách cần đọc. Nó buồn bã, truyền cảm hứng, bi thương và khó quên. Phiên bản mới bổ sung thêm những hồi ký (gây ám ảnh) không có trong bản in đầu tiên của Liên Xô, bao gồm phần giới thiệu được thực hiện tốt với các ví dụ về những gì đã bị lược bỏ ban đầu.

"Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ" là một tuyển tập hồi ký vô cùng xúc động, kể về những cô gái trẻ, thậm chí rất trẻ, tình nguyện gia nhập cuộc chiến tranh vệ quốc của Liên Xô trong Thế chiến II. Họ đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, từ phi công, y tá, thợ máy, xạ thủ cho đến nhiều vị trí khác.

Một số câu chuyện miêu tả sống động và đau đớn khiến người đọc xót xa, một số miêu tả cảm động về khao khát cái đẹp, tình yêu và sự chấp nhận. Những trải nghiệm khác được kể lại một cách thực tế nhưng vẫn phơi bày nỗi ám ảnh chiến tranh mà họ vẫn đang gánh chịu. Giống như tất cả các tác phẩm khác của Svetlana Alexievich, cuốn sách này ghi lại lịch sử của người dân Liên Xô, không chỉ cung cấp kiến thức về các sự kiện lịch sử mà còn cho thấy những cảm xúc đằng sau những điều đã xảy ra.

Như nhiều độc giả khác đã đề cập, sự anh hùng của phụ nữ bị lãng quên sau chiến tranh, trong khi sự anh dũng của nam giới vẫn được ca ngợi cho đến ngày nay. Bản thân điều đó đã là một bi kịch.

Cuốn sách là lời kể chân thực về những con người bình thường đã đối mặt với chiến tranh phi thường. Nó nhắc nhở chúng ta về cái giá đắt đỏ của chiến tranh, về khao khát hòa bình và sự kiên cường của tinh thần phụ nữ.