Venice - "thành phố của các kênh đào", là thủ phủ tuyệt đẹp của vùng Veneto (Ý). Venice được bao phủ bởi nước và mang trong mình vẻ đẹp đặc biệt: mềm mại, mát mẻ và gợi cảm. Thành phố xinh xắn ấy đã làm xao xuyến bao con tim yêu cái đẹp, thu hút và khơi gợi bao rung cảm ngọt ngào. Vẻ đẹp lãng mạn, diệu kì của Venice đã được nhà văn Thomas Mann khắc họa đầy chiều sâu trong Chết ở Venice - một quyển tiểu thuyết ngắn nhưng rất ấn tượng.

Chết ở Venice viết về Aschenbach, một nhà văn đang bước vào buổi hoàng hôn của đời người, khi đang ở đỉnh cao của danh vọng nhưng mọi thứ cảm giác với đời sống đã chuyển sang trạng thái chán ngán, bã bời. Một kỳ nghỉ ở Venice, hay là một cảnh huống cuối cùng trong đời người, được Thomas Mann thể hiện bằng ngòi bút tuyệt mỹ.

Venice là một “thành phố nước” đầy quyến rũ, có chút hoang dại, nhễ nhại, gợi tình, thường rất dễ khiến những người khách đến du lịch ở đây rơi và những “ham muốn lầm lạc”. Tại Venice, Aschenbach đã tình cờ nhìn thấy cậu thiếu niên xinh đẹp, và ngay lập tức rơi vào cơn si mê điên cuồng.

Nhà văn già không dám đến gần cậu thiếu niên ấy, nhưng luôn dõi mắt theo cậu ở bất kỳ đâu. Nơi nào có cậu, đều âm thầm bừng lên một thứ ánh sáng ma quái, khêu gợi và đầy kích thích đối với Aschenbach. Suốt những ngày hè ấy, việc đắm đuối trong vẻ đẹp của cậu thiếu niên, và rồi suy tưởng về giấc mộng miên viễn của cái đẹp là điều duy nhất mà Aschenbach đã làm. Nhưng cũng từ lúc ấy, Aschenbach đã dần khám phá ra những khả năng của cái đẹp, ấy là sự khơi nguồn sáng tạo, và nó vốn là điều đầu tiên của sáng tạo.

Vì rơi vào tình yêu ấy mà Aschenbach sau nhiều lần dằn vặt giữa việc đi và ở đã quyết định ở lại, mặc cho cả thành phố Venice đang nồng lên mùi dịch bệnh và chết chóc. Ấy là sự khuất phục sức mạnh của cám dỗ, mà nguyện trượt vào để đắm đuối trong vùng cám dỗ ấy. Nhân vật của Mann dễ khiến ta nhớ đến câu nói nổi tiếng của Oscar Wilde, một kẻ tôn sùng cái đẹp, “Cách duy nhất để thoát khỏi cám dỗ là khuất phục nó”.

Chết ở Venice là một cuốn sách quyến rũ đến bệnh hoạn. Ánh mắt của kẻ si tình, đã trở thành cái gương soi chiếu tuyệt đối của cái đẹp. Chàng thiếu niên trẻ tuổi hiện lên qua đôi mắt mê mẩn của Aschenbach thì trở nên tuyệt mỹ, không gì có thể cưỡng lại được. Đó không phải là thứ ái tình đơn thuần, và Mann ngay từ đầu cũng không chỉ viết về một câu chuyện tình yêu đơn phương tuyệt vọng.

Mann đeo đuổi cậu bé niên thiếu xinh đẹp kia qua hết các đường phố ở Venice, cũng để ngắm vẻ xinh đẹp như thiên thần của cậu. Từng chi tiết, đường nét trên khuôn mặt, thân thể cậu đều được nhìn ra bằng ánh mắt mê mụ kỳ lạ. Chỉ có cái tình của một nghệ sĩ đắm đuối cái đẹp mới có thể nhìn thấy và nâng niu từng chút từng chút đẹp đẽ đến như thế. Và đoạn cuối của cuộc hành trình, với cái chết lặng lẽ của Aschenbach, Chết ở Venice đã đạt đến sự tuyệt hảo của câu chuyện, lúc người nghệ sĩ hoàn toàn quy phục cái đẹp, bước vào của sự dấn thân vào mê đắm, con người không thể nào thoát ra được, chỉ có cái chết mới là tận cùng. Cái kết đỉnh cao này, dễ khiến người đọc liên tưởng đến cái chết của người đàn ông trong Tiếng cười trong bóng tối của Nabokov, khi đã đi đến tận cùng của si mê và cám dỗ.

Ở cuốn sách mỏng này, người đọc có thể dễ dàng nhận ra cái chất đặc biệt của Mann, ấy là sự suy nghiệm đậm chất triết lý, với những quan điểm rõ ràng về nghệ thuật bằng lòng tôn sùng cái đẹp. Mann coi cái đẹp là nguồn cơn của sáng tạo, và vì thế cả đời mải miết đi tìm cái cùng sâu bản nguyên của cái đẹp. Ở kiệt tác đầu tay, Gia đình Buddenbrooks, là cái đẹp của sự những hào quang tàn lụi. Tới Núi thần lại là cái đẹp tuyệt đỉnh cô quạnh của thiên nhiên xa vắng, và lòng người mênh mang. Còn với Chết ở Venice, bên cạnh thành phố Venice xinh đẹp như hư ảo, chính Mann đã tìm ra cái con đường để phá hủy của những vòng vây triết lý khô cứng, nguyên tắc, để khai phá tận cùng bản năng thấm nhuần cái đẹp của một tâm hồn nghệ sĩ.

Một nhà văn được cho là mẫu mực về đạo đức như Aschenbach khi đến Venice cũng không thể cưỡng lại sức hút của nơi đây. Ông yêu, yêu say mê, yêu cuồng nhiệt đến quên đi những đạo lí bản thân từng tôn thờ. Cũng vì tình cảm mê đắm ấy, ông quyết định ở lại Venice, mặc cho dịch bệnh đang dần kéo đến… Phải chăng sức hút đã trở thành sự cám dỗ, làm con người u mê và khờ dại? 

Nhưng cũng không thể phủ nhận vẻ đẹp và tình yêu ở Venice thật sự đã tưới mát cuộc sống khô cằn buồn tẻ của nhà văn già. Ông được sống trong những cảm xúc cuồng nhiệt của tuổi trẻ, sống trong mơ mộng và thấy cuộc sống sáng bừng, rực rỡ… Dù tốt hay xấu, tâm hồn ấy đã sống lại, đã hạnh phúc.

Chết ở Venice thực chất là chiêm nghiệm của một nghệ sĩ về cái đẹp và những gì nó mang lại. Aschenbach cũng như Thomas Mann đều là những nghệ sĩ bản lĩnh đã vượt qua những giới hạn để khám phá vẻ đẹp hoàn mĩ. Bên cạnh đó, tác phẩm còn là sự phản ánh sâu cay về một xã hội Châu Âu ở thế kỉ XX với những kẻ cầm quyền vì lợi ích riêng mà sẵn sàng đẩy người dân vào cái chết.

Lời kết:

Nếu là một người yêu cái đẹp, hãy thử đọc Chết ở Venice, quyến sách của một nhà văn đoạt giải Nobel chắc hẳn sẽ không làm bạn thất vọng. Việc trải nghiệm một Venice lung linh qua trang sách sẽ mang đến bạn những cảm xúc đặc biệt, khiến ta hiểu sâu sắc hơn về bản chất, ý nghĩa cái đẹp.

Review chi tiết: Hà My

Hình ảnh: Minh Hồng

---------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN?Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3  

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.








Xem thêm

Venice “ thành phố tình yêu”, sở dĩ nó có tên gọi như vậy bởi vì không ai có thể chối bỏ cảm giác yêu và thèm yêu mà nó mang lại. Tác giả Thomas Mann đã khắc rất rỏ cảm giác đó qua nhân vật Aschenbach một nhà văn kiệt tác lúc bấy giờ.

 

Tác giả Thomas Mann ( 1875-1955) là văn hào người Đức, ông đã đoạt giải Nobel Văn học vào năm 1929, với lối hành văn sinh động, với một tâm hồn yêu cái đẹp nhưng đồng thời trong những án văn của ông cũng ẩn giấu nụ cười mỉa mai thâm thuý.

 

Chết ở Venice là kiệt tác thời kỳ đầu của ông, xuyên suốt tác phẩm là cảm giác chân thực của một nhà văn bị hớp hồn bởi cậu bé xinh đẹp người Ba Lan và sự xuôi tay của thành phố trước một dịch bệnh. Chết ở Venice là một tác phẩm miêu tả tình yêu hay đến bệnh hoạn. Tác phẩm nói về nhà văn Gustav Aschenbach-một người đang ở đỉnh cao của sự nghiệp văn chương với tâm hồn yêu nghệ thuật và luôn khắc khe với chính mình để giữ bản thân khỏi những hoan lạc của những cảm xúc bồng bột và khi cuộc đời đang ở tuổi xế chiều, ông bị dằn vặt bởi những nổi lo âu thầm kín về cuộc sống, nghệ thuật…Đó cũng là lý do mà ông quyết định đi đến Venice nơi mà ông coi là quê hương thứ hai của mình để vén màng tìm kiếm lối thoát và thừa nhận những cảm xúc của mình.

 

Ngay trong chuyến du lịch đến Venice ông đã miêu tả cho chúng ta thấy những cảnh vật đặt trưng ở đó như Cung điện, cây cầu Than Thở, hàng cột đội tượng thiên thần và tượng sư tử dọc bờ các con kênh đào, hơn nữa là người lái những chiếc gondola đen bóng miệng thì đang hát cho khách đang du ngoạn trên các dòng kênh trong nội thành thành phố, một thứ rất đặc trưng ở Venice. Ngay khi vừa đến ông liền bắt một chiếc gondola để sang đảo Lido nơi mà ông sẽ bắt gặp được cậu con trai út trong gia đình những người Ba Lan tên là Tadzio, câu bé được ông miêu tả bằng những từ ngữ đẹp đẽ nhất trần đời “ Gương mặt cậu - trắng muốt và mang một vẻ kính đáo thanh tao, được mái tóc vàng óng ánh như mật ong bao quanh, với sống mũi thẳng thanh tú, cái miệng đáng yêu chúm chím, sắc mặt nghiêm trang và thánh thiện”.  Suốt những ngày ở Venice công việc hằng ngày của ông là bám theo cậu bé thiếu niên xinh đẹp đó khắp các nẻo phố, trong mắt Aschenbach lúc đó cậu bé như là tín ngưỡng của cuộc đời mình, cậu bé như mở ra lối thoát, và mang đến sức sống cho tâm hồn già cõi của ông. Ngay cả khi thành phố đang sộc lên mùi dịch bệnh thì ông lại lựa chọn ở lại vì cậu bé cho dù cậu bé chưa từng chú ý đến sự tồn tại của ông. Tình yêu mà nhà văn dành cho Tadzio xuất phát từ bản năng thuần tuý của con người nhưng song song đó cũng được nuôi dưỡng bởi ảo tưởng của người nghệ sĩ về cái đẹp, tình yêu đó như con dao hai lưỡi vừa cho tâm hồn ông sống dậy và cũng vừa dìm chết người đàn ông trong sự khoái lạc.

 

Cuối quyển sách là sự ra đi nhẹ nhành của ông, ông bỏ lại mạng sống của mình ở Venice cũng giống như ông bỏ lại mạng sống của mình trong tình yêu, nơi mà mang lại cho ông sự yêu cuồn nhiệt của tuổi trẻ. Tác phẩm không chỉ nói về tình yêu đơn thuần mà còn lên án xã hội Châu Âu lúc bấy giờ sẳn sàng vì lợi ích riêng mà đẩy những người vô tội vào con đường chết.

 

 

5 điểm

Review bên dưới đã spoil toàn bộ cốt truyện nha, vì đây là tác phẩm kinh điển và đã làm thành phim nên mình không review mà chỉ viết cảm nhận. Còn ai thích chuyện tình đẹp lạ, đồng tính nam thì nhất định phải đọc cuốn này. Dù đã đọc nhiều chuyện tình yêu nhưng quả thật Chết ở Venice là câu chuyện lạ lùng nhất tôi từng đọc. Nhân vật chính là một nhà văn trung niên đã dành cả cuộc đời để theo đuổi sự nghiệp và đã thành danh nhờ sự cầu toàn đối với bản thân và các tác phẩm của ông. Ông được phong chức quý tộc, tác phẩm được đưa vào SGK để giảng dạy cho học sinh tiểu học. Nhưng cũng như nhiều người trên thế giới này một khi đã lên đỉnh điểm danh vọng và bước qua cái tuổi xế chiều thì con người thường cảm thấy cô đơn và muốn làm một cái gì đó để gột rửa tâm hồn để được trẻ lại để được "sống" một cuộc đời mới nhưng không phải ai cũng may mắn làm được. Aschenbach quyết định đi du lịch đến thành phố Venice, ở đây ông đã gặp 1 cậu bé chưa đến 18 tuổi, ngay lần đầu gặp ông đã bị hớp hồn si mê ngay vẻ đẹp mà theo như ông miêu tả đó là vẻ đẹp thiên thần, vẻ đẹp hoàn hảo nhất mà tạo hóa tạo ra và ông may mắn được chứng kiến. Trong thời gian ở Venice ông theo dõi cậu nhìn cậu mỗi ngày, lén theo cậu đến mọi nơi ở Venice, muốn bắt chuyện nhưng không dám vì ông đã già và đó còn là 1 cậu bé trai, một tình yêu mà theo ông đó là đồi bại. Nhưng theo Aschenbach thì đó cũng ko phải là tình đơn phương (mặc dù câu chuyện ko cho biết nhiều về thân thế của cậu bé chỉ biết là cả nhà đi du lịch, 3 chị gái, 1 cô gia sư và cậu) vì cậu bé thấy ông theo dõi mình nhưng ko tố cáo, còn cố ý lượn qua lượn lại trước tầm nhìn của ông, cười với Aschenbach. Cả câu chuyện cả 2 người không nói với nhau lời nào, không hề làm quen với nhau dù đã nhìn nhau hàng giờ liền hơn cả tháng trời ở Venice. Câu chuyện là nỗi dằn vặt đau đớn giữa tình yêu si mê đến điên dại với lương tâm đạo đức xã hội mà tác giả từng là người đại diện cho cái xã hội đó. Dù Aschenbach cho rằng tình cảm của mình là đồi bại nhưng tôi không nghĩ vậy và chắc chắn những ai đọc tác phẩm cũng sẽ thấy như vậy, vì ông yêu cái đẹp đến hoàn hảo của cậu bé chứ không hề có ý nghĩ chiếm hữu hay vướng chút nhục dục, chỉ đơn thuần là nỗi si mê của 1 người nghệ sĩ trước cái đẹp. Có lẽ đẹp đến nỗi ông không thể nào thoát khỏi số phận như nàng Semele (một nàng công chúa bị vẻ đẹp của thần Zeus làm cho tự mình bốc cháy), Aschenbach cũng thế ông biết Venice bị nhiễm dịch bệnh, du khách nước ngoài đã bỏ đi nhưng ông vẫn ở lại vì cậu bé kia, nỗi lo sợ duy nhất là gia đình của cậu bé sẽ bỏ đi vì dịch bệnh vì vậy ông cố giấu nhẹm chuyện này đi. Cuối cùng gia đình người Ba Lan cũng biết chuyện và rời đi, ngày cuối cùng đó, trong khi cậu bé vẫn đùa giỡn ngoài bãi biển chờ sắp xếp hành lý, Aschenbach đã nằm thư giãn trên ghế ngoài bãi biển ngắm nhìn người yêu lần cuối và hình ảnh tuyệt đẹp kia đã theo ông vào cõi vĩnh hằng ông chết trên chiếc ghế đó vì đã bị nhiễm dịch bệnh. Một tình yêu đầy cung bậc cảm xúc, đau đớn cô đơn nỗi khát khao không nói được thành lời, yêu đến si mê điên dại, tuyệt vọng đến mức tự bẽ gãy bản thân mình. Có một câu mà tác giả lặp lại đến 2 lần nếu hiểu được câu đó sẽ thấy được cốt lõi của sự tuyệt vọng đến tận cùng của Aschenbach "cậu bé nhìn ốm yếu chắc không thọ lâu" và điều đó làm ông vui. Nghe có vẻ kì cục khi nói Aschenbach yêu người ta nhưng người ta chết sớm ông lại vui nhưng nghĩ kỹ lại đó chính là lời nguyện cầu của ông, Aschenbach đã lớn tuổi theo lẽ thường ông sẽ chết trước cậu bé kia khá xa, kiếp này đã lỡ sinh ra như thế có lẽ ông mong cậu bé chết sớm theo ông để kiếp sau hai người có đầu thai cũng không có khoảng cách quá lớn không thể lấp nổi như kiếp này. Nhớ lại câu nói của Ennis nói với Jack "wrong time, wrong place and we're dead" (không đúng lúc, không đúng chỗ và chúng ta chết) có lẽ đúng với trường hợp của Aschenbach. Nhưng dù cả câu chuyện hơi tối nhưng với tôi có lẽ Aschenbach đã hạnh phúc vì trong 1 tháng cuối đời đó đáng giá bằng cả 1 cuộc đời của ông, ông đã yêu, đã đau khổ đã hy vọng, đã được nếm trải cảm giác "tim đập như búa thợ rèn" đã tuyệt vọng,mọi cảm giác mà ai cũng mong muốn được trải qua trong đời nhưng không phải ai cũng may mắn gặp được 1 người mang lại cho mình cảm giác đó.