Cô ấy có ổn không khi khóc lóc chẳng có ai ở bên?

Chuyện ấy là của quá khứ. Sau khi khóc đủ, cô ấy sẽ học cách chấp nhận.

Anh ấy bao giờ thì xuất hiện bên cạnh tôi vậy?

Chuyện đó là của tương lai. Sống đủ tốt, người bạn mong chờ nhất định sẽ đến.

Bạn có nhận ra rằng, trong 24h ngắn ngủi chúng ta đã lãng phí từng phút hiện tại cho những ám ảnh dĩ vãng hay ảo vọng tương lai? Có những người, sau từng ấy năm tháng, vẫn không thể nào thoát khỏi quá khứ, có chạy đến đâu cũng không quên được những chuyện đã qua. Tôi không có ý trách móc họ. Vì đó là một điều tưởng chừng bình thường trong thế giới người lớn - càng trưởng thành càng nhận ra sống hồn nhiên như một đứa trẻ thật khó biết chừng nào. Tôi không chắc bản thân mình trong những ngày quá khứ ào ào ập tới như một cơn giông bất chợt, sẽ có thể làm gì hữu ích. Có lẽ là chấp nhận nó cùng với một cuốn sách, một bản nhạc và mọi thứ sẽ ổn thôi. Cuốn sách “Chẳng nhớ quá khứ, chẳng sợ tương lai” của Thập Nhị sẽ phù hợp trong hoàn cảnh đó. Tôi không chắc nó sẽ khiến bạn vui, nhưng ít ra bạn sẽ không cô đơn giữa những con chữ.

Bất luận thế giới thay đổi thế nào, bất luận bạn phải uốn mình để sinh tồn trên đời ra sao, tôi cũng hy vọng trái tim bạn vẫn có thể ngân lên tiếng hát vì tình yêu.

Bạn có thể coi đó là tôn chỉ của cuốn sách. Một cô gái mà tuổi thơ chỉ gói gọn trong bốn từ: cô đơn, đọc sách, chê bai, đạp xe chắc chắn hiểu được cảm giác hạnh phúc không trọn vẹn. Nhưng cô gái ấy vẫn trưởng thành và sâu sắc hơn qua năm tháng, mang hy vọng tới cho những tâm hồn chưa thể an tĩnh trong thế sự đảo điên. Chính là như vậy, Thập Nhị - cũng là tác giả cuốn sách, sẽ bằng những dòng chữ mà cố gắng kết bạn với tâm hồn của chúng ta, trong những ngày bất an với quá khứ hay tương lai. Bạn không cần hăm hở đi tìm lời khuyên trong cuốn sách này, vì nó không phải self-help. Hãy thưởng thức nó một cách tự nhiên nhất có thể, như nhấm nháp hương thơm, vị đắng vị ngọt đầy lắng đọng của một ly trà trong buổi chiều yên ả.

Thật ra bạn chẳng cần sợ gì cả.

Nỗi sợ là một phần của cuộc sống. Không thể phủ nhận.

Nhưng nó kéo dài từ ngày này sang tháng khác, trở thành một nỗi ám ảnh cố hữu khiến chúng ta trở nên mệt mỏi, thì đã đến lúc đối mặt với chúng. Sự sợ hãi chính là, chúng ta càng giấu kín thì nó càng đáng sợ. Chỉ cần một chút thôi, nhẹ nhàng với những nỗi sợ - sợ quá khứ, sợ tổn thương, sợ mất mát - và trò chuyện với chúng. Đó là thời điểm chúng ta bắt đầu chấp nhận nó.

Kiếm của chúng ta cùn đến mức không đỡ nổi một đòn, tiêu chuẩn thẩm mỹ bị đảo lộn, linh hồn bị giam cầm. Hễ nổi giận là đánh mất lý trí, hơi tổn thương một tí là suy sụp, bị phản bội và ức hiệp là không gượng dậy nổi...

Nhưng trải qua giai đoạn đó rồi nhìn lại mới thấy chẳng có nhiều chuyện hay người đáng nhớ, những ngày thú vị chỉ vẻn vẹn chừng ấy, những điều thực sự đáng sợ cũng chẳng đáng bao nhiêu.

Thực ra bạn chẳng cần sợ gì cả, cứ đi đi mãi sẽ lại tới lần ngoái đầu nhìn lại tiếp theo thôi.

Đọc đến đoạn này, tôi chợt nghĩ tới câu văn của nhà văn Nguyễn Khải trong tác phẩm “Mùa Lạc”: “... ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy”. Chúng ta thường tuyệt vọng khi gặp mất mát, đau thương mà không nhận ra rằng, vẫn có những hạnh phúc đang chờ tờ khi can đảm bước tiếp. Đáng tiếc, tôi từng gặp nhiều người vì sợ tan vỡ của một mối tình, vì sự bội bạc của một kẻ bước qua đời ta năm mười tám đôi mươi mà đứng mãi trước cánh cửa hạnh phúc, không chịu mở lòng với tương lai. Nếu như Hà Lan năm đó đừng vì mặc cảm quá khứ thì “Mắt biếc” sẽ là một kết thúc có hậu. Nếu như năm 17 tuổi, bạn đừng sợ một câu từ chối thì sau này chẳng nuối tiếc nhiều đến thế cho tình đầu dang dở. Nhưng cuộc đời chẳng có nhiều lần “nếu như” đến vậy. Có những thứ bỏ qua rồi chính là mất mãi mãi. Cũng chỉ hy vọng rằng, bạn của hiện tại và những năm tháng sau này, có được sức mạnh và vượt qua những nỗi sợ hãi.

Cuốn sách viết khá ngẫu hứng, mà tôi nghĩ đó chính là phong cách của tác giả. Cô ấy thích mọi thứ tự nhiên theo duyên cớ của chúng, thích bỏ lửng những kết luận để độc giả tự cho mình câu trả lời. Do đó, những chuyện về nỗi sợ khá phong phú, có sợ tuổi già, sợ cô đơn, sợ tổn thương và những phiền não trong chuyện yêu đương. Những câu chuyện bất chợt đến rồi lại đi qua như những cơn gió. Vào những ngày tâm trạng bề bộn, tôi tin rằng không nhiều người quan trọng quá cuốn sách sắp xếp theo trật tự gì đâu. Giây phút đó, chúng ta không còn là sinh viên với giáo trình dày cộp theo thứ tự các chương từ cơ bản tới nâng cao mà bắt buộc phải đọc chương 1 mới hiểu chương 2, cũng chẳng phải một nhân viên chăm chỉ đọc tài liệu kỹ càng từng chữ một. Không, chúng ta là gã khờ như Alexander siêu lang thang, là kẻ mơ núi mơ sông như Đen Vâu và chẳng là ai cả. Chúng ta phiêu dạt và tự do trong những con chữ. Không ồn ào phố thị. Không sợ hãi không đau thương. An yên tuyệt đối như sự linh thiêng của tôn giáo mà không một sự rối bời hay ràng buộc nào có thể càn quấy.


Bạn cũng có thể trở thành người phụ nữ huyền thoại.

Tưởng chừng cuốn sách này chính là dành cho thế giới tâm hồn của con gái. Và đó là điều khá đặc biệt mà tôi phát hiện ra ở tác giả - đó là cách cô yêu thương những người phụ nữ. Có thể là do cùng giới tính nên có sự thấu hiểu và không khí chung của quyển sách đã nói lên điều này.

Thập Nhị có nhắc tới Diệc Thư, cũng là một nhà văn của thế hệ trước.

Diệc Thư, người chuyên khắc họa những thất bại và vĩ đại của phụ nữ Hồng Kông, có một thời gian rất hay viết những câu chuyện huyền thoại đô thị như thế. Bí mật đằng sau ngôi sao nữ đang lên, nàng Lọ Lem xinh đẹp một ngày kia rũ bùn đứng dậy lấy chồng giàu có, mối tình dùng dằng giữa cậu con riêng nổi loạn của phú hào nọ và cô em dễ thương...

Đọc những câu chuyện ấy, những phụ nữ có cuộc đời phẳng lặng thường thổn thức không thôi, song cũng không nén nổi nghi ngờ: Trên đời có chuyện như thế thực ư?

Những cô gái huyền thoại bước ra từ phim ảnh hay tiểu thuyết ấy không nhiều, nếu có thì xác suất rơi vào chúng ta cũng không cao. Nhưng đối với tác giả, điều này không phải là vô ích. Những huyền thoại từ Chanel đến Thatcher hay Lâm Huy Nhân, Đặng Văn Địch như cô đề cập đến đều là cơ sở cho mọi ước mơ của các cô gái bình thường. Có thể thành hiện thực hoặc không, nhưng điều đó chẳng liên quan gì đến quyền được mơ cả và giấc mơ đó chính là động lực để họ phấn đấu theo đuổi. 

Bên cạnh sự ủng hộ cho niềm tin, ước mơ của người con gái, tác giả còn muốn huyền thoại hóa tình yêu. Có thể thấy, trong lòng tác giả, tình yêu là điều thiêng liêng bất diệt, được coi là tia nắng duy nhất soi thấu được mọi ngóc ngách tâm hồn, là điều duy nhất khiến người ta vui mừng tới mức quên tất thảy mỏi mệt. Tuy nhiên, ngày nay có vẻ chúng ta sớm được tiếp xúc với những dung tục và lệch lạc của tình yêu mà không coi trọng nó nữa. Tác giả còn nhận ra điều này được phản ánh cả trong điện ảnh:

Mọi người chỉ thích xem phim anh hùng hơn là tình yêu. Thế nên trong tất cả những bộ phim bom tấn, tình yêu đều trở thành vai phụ, bất luận là anh hùng cứu thế giới hay dũng sĩ đơn độc, thì những giai nhân tuyệt sắc cũng chỉ giữ vai trò hâm nóng không khí lúc thích hợp mà thôi.

Dẫu vậy, nhưng vẫn có những bộ phim huyền thoại về tình yêu mà cho dù đến mãi về sau, hậu thế cũng không thể phủ nhận được giá trị của nó. Chuyện tình yêu không quá dài mà lại là bất tử của Jack và Rose trong “Titanic”, tình yêu đầy trái ngang và phức tạp trong “Đồi gió hú”, “Đại gia Gasby”, thậm chí cho đến những tình cảm gây tranh cãi không ngừng như “Lolita”, tất cả, đều là một phần của thời đại. Có thể thay đổi, có thể biến chất nhưng tình yêu chưa bao giờ là thứ rẻ tiền. Chỉ có con người lệch lạc mới không tìm được ý nghĩa trường tồn của nó.


Chọn đàn ông nào, chọn cuộc sống nào. Sự thật sau khi chung sống.

Mỗi người phụ nữ đều mưu cầu hạnh phúc. Đó là một khát khao nhân bản mà chúng ta đều được học từ thời ngồi ghế nhà trường, như nhân vật Thị trong “Vợ nhặt”, như Xuân Quỳnh từng tỏ bày trong “Sóng”. Tất nhiên, trong xã hội hiện đại, nhiều người phụ nữ có xu hướng theo đuổi sự nghiệp nhưng mong muốn được yêu không phải biến mất, chỉ là họ chấp nhận đánh đổi. Và dù là người phụ nữ vô tư đến mức nào, cũng không hề muốn lãng phí thời gian và tình cảm cho mối tình lầm lỡ. Thập Nhị cũng viết về điều này, về việc chọn một người đàn ông giàu có.

Có điều BMW hay xe đạp không phải mấu chốt vấn đề. Ngồi BMW chưa chắc đã là hạnh phúc, đi xe đạp cũng không hẳn là khổ. Vì không có được nên bạn mới ngỡ rằng đó là hạnh phúc, song bản thân hạnh phúc lại chẳng liên quan gì tới những điều ấy. Hạnh phúc nằm ở chỗ bạn vừa lòng tới đâu, chứ không phải người khác hài lòng về bạn đến đâu.

Tôi và các bạn bè mình cuối cùng đều bỏ ý định lấy chồng giàu. Những tuyên bố hùng hồn thuở non nớt chưa hiểu chuyện, giờ chỉ để đem ra làm trò đùa mà thôi.

Thực sự có một điểm khá hay ở cuốn sách, đó là bạn có thể trò chuyện, tranh luận cùng nó. Tác giả đưa ra quan điểm mang đậm tính cá nhân như một người bạn gái thân thiết lâu năm. Bạn có thể tin, có thể phản bác. Có một số người sẽ không tin ý định lấy chồng giàu là ước mơ non nớt vì họ nghĩ “Thà khóc trên xe ô tô vẫn sướng hơn ngồi cười trên xe đạp”. Về vấn đề này thì ổn thôi, mỗi người mỗi ý và còn phụ thuộc vào trải nghiệm của từng người nữa. Tương tự như việc lấy chồng già, tác giả cũng đưa ra quan điểm.

Người đàn ông làm mưa làm gió ấy, trong cuộc sống thỉnh thoảng lại lộ ra vài phương diện mà bạn hoàn toàn không thích ứng được. Anh ta khao khát xây dựng sự nghiệp, khao khát mạo hiểm, khao khát thách thức, khao khát chinh phục, khi đang là đối tượng chinh phục của anh ta, bạn sẽ choáng ngợp trước hàng loạt ưu điểm mà anh ta phô ra. Nhưng khi bạn nghiêm túc, bạn gần gũi anh ta hơn, anh ta lại như một đứa bé đã chơi chán, chuẩn bị cuốn gói chuồn thẳng.

Lại một quan điểm nữa có lẽ đập thẳng vào mộng tưởng của những cô gái trẻ. Họ muốn yêu những người đàn ông trưởng thành để tạo cảm giác an toàn. Nhưng thực ra cái gì chẳng có hai mặt, người già dặn trải đời như vậy muốn tổn thương bạn cũng rất dễ dàng. Mấu chốt chính là chọn đúng người mà thôi. Những biến số như nhan sắc, giàu có hay nổi tiếng không thể đánh giá được toàn bộ.

Về việc sống chung, Thập Nhị cũng đưa ra rất nhiều vấn đề, nhưng có một phần tôi cực kỳ hứng thú. Trong thế giới mà hằng ngày lên mạng thấy người ta cãi nhau, bỏ nhau thực sự phiền não nhưng họ không biết rằng, vẫn có rất nhiều những khung cảnh êm đềm của những đôi tri kỷ khiến chúng ta có niềm tin hơn vào điều hạnh phúc của cuộc sống.

Nước nhỏ chảy dài, tháng năm êm ả, cần một trái tim bình thản và thấu tỏ. Sâu trong lòng mỗi người đều cần một không gian riêng. Nước nhỏ chảy dài, tháng năm êm ả, chỉ nhờ một người đàn ông thích về nhà, dù là chân trời góc biển, bạn vẫn biết người ấy chắc chắn sẽ về nhà.

Tháng năm êm ả, chờ đợi người đàn ông trở về nhà sau giờ làm cũng chính là bình yên.

Cùng chung sống hẳn sẽ có những bất đồng, nhưng nếu trái tim đủ yêu thương và thấu tỏ, ngôi nhà thực sự là mái ấm hạnh phúc.


Thay lời kết.

Cuốn sách nhỏ này rất xứng đáng có trong góc nhỏ bình yên của mỗi cô gái. Hy vọng khi đến được tay độc giả, nó sẽ thực hiện được tâm nguyện của tác giả - đem được dũng khí và bình an tới cho mọi người, những ai đọc được những dòng chữ đầy tâm huyết này.

Không rối bởi tâm,

Không khổ bởi tình,

Được vậy, an lành.


Review chi tiết bởi: Mai Trang - Bookademy
Hình ảnh: Mai Trang
-------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Xem thêm

Tôi nghĩ rằng, muốn bước những bước đi vững chắc trong cuộc đời này, chúng ta cần có 1 trái tim như tựa đề cuốn sách "chẳng nhớ quá khứ, chẳng sợ tương lai". Nội dung cuốn sách là những câu chuyện xoay quanh tác giả và những mối quan hệ của tác giả. Góc nhìn câu chuyện đa phần là từ phái nữ nhìn nhận về các vấn đề như tình yêu, công việc, gia đình, xã hội..... Các bạn nữ có thể đọc để hiểu rõ những góc nhìn khách quan về 1 sự việc, các bạn nam đọc để hiểu rõ tâm lý con gái hơn.... Đúng như trong lời tựa, tác giả có nói rằng "Bất luận thế nào, tóm lại cũng sẽ có một câu trả lời. Song tôi không có đáp án chuẩn nào cả. Những bài viết của tôi chỉ là một sự tham chiếu. Một sự tham chiếu cho tâm hồn bạn, một vật tham chiếu giúp người ta sáng mắt sáng lòng. Bạn đọc nó rồi tự đối thoại với tâm hồn mình, tìm hiểu những suy nghĩ và mong muốn của nó, năng lượng của nó có lẽ còn vượt xa những gì bạn phán đoán và kỳ vọng". Mọi câu chuyện tác giả đều sẽ không phán đoán đúng sai, mà chỉ từ góc độ tâm lý hợp lẽ nhất của tác giả để phân tích câu chuyện. Để rồi, người đọc soi vào câu chuyện, và nhìn nhận được ra rằng, sự thật luôn phũ phàng, nhưng hãy không ngừng yêu lấy bản thân mình, tiếp tục tin tưởng, tiếp tục là chính mình.

Bằng một cách nào đấy, những câu từ của cuốn sách có thể dễ dàng len lỏi chạm đến những cảm xúc, suy tư vốn không ai muốn đối mặt. Tại sao chứ? Vì đó là những băn khoăn, những chông chênh, hoang mang, sợ hãi... Cuốn sách này chẳng phải là một câu chuyện cụ thể nào, chỉ là những những chia sẻ, hay có thể coi như đó là cuộc tâm tình mà chúng ta là người lắng nghe, chỉ lắng nghe thôi.Chẳng nhớ quá khứ, chẳng sợ tương lai thích hợp để chúng ta nhâm nhi, khi tâm trạng đang tan chầm chậm. Với mình, khi đọc cuốn sách này bản thân cảm thấy mình bình tâm hơn, điềm nhiên với cuộc sống này hơn. Đúng thực “thật ra bạn chẳng cần sợ gì cả”. Cứ bình tĩnh sống mà tận hưởng cuộc đời, tận hưởng cả những niềm vui hạnh phúc đến cả những tổn thương vụn vỡ. Thập Nhị còn mang đến cho mình những điểm nhìn cuộc sống mới mẻ nữa, giống như được khai sáng mở mang đầu óc ấy. Chợt nhận thấy bản thân nhìn đời còn hạn hẹp ghê.Dẫu thế nào thì cũng hãy yêu đời nhé, tích cực và tin tưởng vào bản thân mình.

"Chẳng nhớ quá khứ, chẳng sợ tương lai" là những ghi chép mang đậm dấu ấn cá nhân của hot blogger người Trung Quốc Thập Nhị: không quá đanh đá cũng không quá nhu mì. Những chia sẻ của chị như một lời tự sự chân thành, dẫn lối người đọc tự tìm đáp án cho những trăn trở, những nỗi đau trên hành trình trưởng thành của riêng mỗi người. Nói về cuốn sách của mình, Thập Nhị viết, đây là “một sự tham chiếu cho tâm hồn bạn, một vật tham chiếu giúp người ta sáng mắt sáng lòng. Bạn đọc nó rồi tự đối thoại với tâm hồn mình, tìm hiểu những suy nghĩ và mong muốn của nó, năng lượng của nó có lẽ còn vượt xa những gì bạn phán đoán và kỳ vọng.” Nhờ đứa con tinh thần, Thập Nhị muốn gửi gắm tới mọi người “Bất luận là tương lai hay quá khứ, chúng cũng là ảnh phản chiếu của cõi lòng bạn. Những hình ảnh phản chiếu đó thường hỗn loạn, bất định, làm rối phán đoán của bạn về sự thực. Đây là nguyên nhân khiến con người ta càng trưởng thành càng phức tạp, cũng là lý do tương lai và quá khứ đều dễ trở thành gánh nặng trên vai. […] Sống là cảm nhận thật nhiều, cảm nhận từng khoảnh khắc của sinh mệnh. Bạn chẳng cần vội hiểu hết mọi thứ làm gì, những việc cuộc đời sắp đặt để bạn hiểu, ắt bạn sẽ hiểu thôi. Mong cho mọi người chẳng nhớ quá khứ, chẳng sợ tương lai." Trích đoạn: "Đa số chúng ta đều buộc phải phấn đấu, không thể không cố gắng, chẳng có cách nào để không cố gắng. Song những cố gắng ấy không phải để chứng minh rằng mình tới gần được thành công, mà là lúc còn trẻ trung phơi phới, ta chẳng biết mình còn có thể làm được việc gì có ý nghĩa hơn. Đến ngày nào đó, xác định được tố chất mình như thế, thì cứ sống theo mong muốn của mình thôi. Lúc gặp tôi, cô ấy còn rất trẻ, đang đứng trước quyết định quan trọng đầu tiên trong đời. Cô hỏi tôi, nên sống yên bình ở thành phố nhỏ non xanh nước biếc hay tới thành phố lớn cách xa nghìn dặm ngày ngày phải chen chúc trên xe buýt tới công sở? Tôi đáp, “Cậu phải cố gắng một lần thì sau này mới khỏi hối tiếc. Ít ra về sau lúc cho bú và thay bỉm, cậu vẫn có thể hiên ngang tự nhủ, chị đây tốt xấu gì cũng từng xông pha ngoài xã hội rồi nhé.” Rất nhiều lựa chọn trong đời chúng ta, thực ra đều không nhắm tới thành công, mà là bởi không thể không can đảm, không thể yếu đuối, không thể không biết gì về thế giới. Trong lúc còn có thời gian, có tuổi trẻ, cứ mạnh dạn làm những việc mình muốn, ắt sẽ tìm được câu trả lời cho bản thân. Chúng ta không thể dự đoán, không thể lên kế hoạch, cũng không thể thay đổi cuộc sống. Chỉ có thể tìm cách thích ứng với hoàn cảnh, sống ngày một tốt hơn. Tôi chỉ mong mình thành công hơn trước đây là đủ. Đâu chẳng có bình yên? Đâu chẳng có hạnh phúc? Tâm an tức là nhà."

Tất cả phụ nữ đều phải trải qua giai đoạn mót cưới. Chỉ không biết từ lúc nào, thời đại này đã tiến hóa đến mức chưa yêu đã bắt đầu mót cưới. Trước đây, họ tâm sự với tôi rằng có một dạo mình điên cuồng muốn tìm chồng, lúc ấy gặp được ai ổn định và đối xử dịu dàng một chút, sẽ rất dễ xiêu lòng. Lẽ nào, thời điểm thực sự là vũ khí tất sát cuối cùng để đánh bại mình sao? Bạn tôi nhận xét, chẳng biết các cô gái bây giờ sợ cái gì nữa. Năm xưa, chúng tôi chỉ nơm nớp lo cuối tháng không có tiền đóng tiền nhà thì làm sao đây, mấy năm sau vẫn nghèo xơ xác thế này thì sao đây, lỡ đem lòng yêu một anh cũng nghèo như mình thì sao đây... Năm ấy, chúng tôi nào dám tơ tưởng đến hôn nhân. Giờ nhìn quanh khắp trên dưới cả nước đều xôn xao bàn tán chuyện này. Bạn tôi tức tối than: “Cậu có biết không, bực nhất là mãi mới được lúc nghỉ ngơi mở ti vi ra xem, lại thấy đám 9X nghênh ngang đi xem mắt trên màn hình”. Họ hỏi tôi: “Thế giới này làm sao thế không biết, đang trẻ trung phơi phới mà không có người yêu, lại phải lên truyền hình nếm cảm giác làm gái ế à?”. Càng nhiều người thắc mắc tại sao thì nhất định là chẳng được bao nhiêu người biết câu trả lời. Cuộc sống, tình yêu, hôn nhân là chủ đề vĩnh cửu, mãi mãi không có kết luận, vì việc nào trong số ba việc đó đều có thể rút dây động rừng.

Thực ra bạn chẳng cần sợ gì cả Thứ càng được nhiều người bàn tán thì chắc chắn là rất ít người thực sự có được, vì không có được nên mới muốn theo đuổi. Mười năm trước, lúc thất tình, tôi vẫn chưa có di động, chưa có máy tính, không có weibo, beanmail hay WeChat. Giữa mùa đông, tôi chạy vụt ra khỏi phòng tự học buổi tối trong ánh mắt của bao nhiêu con người, run rẩy mở khóa xe đạp, toàn thân run lên bần bật giữa gió đêm. Đạp xe đến trạm điện thoại công cộng gần nhất, dùng tiền tiết kiệm mua một tấm thẻ, gọi điện thoại đường dài cho anh. Anh bắt máy rồi im lặng, tôi cũng không biết nói gì, tôi không biết chửi rủa mắng mỏ, chỉ hỏi một câu tại sao. Lát sau, thẻ điện thoại hết tiền. Tôi chẳng muốn nói thêm gì nữa, lặng lẽ quay về phòng học, như vừa tỉnh giấc mơ. Giờ cũng chỉ nhớ được cảnh tượng khi ấy, còn lại đã quên cả. Sau này, tôi từng thấy rất nhiều người khóc lóc vì đủ thứ nguyên nhân. Bất luận là người đang gặp thời làm mưa làm gió hay kẻ bình bình khiêm tốn, đều đột nhiên rơi nước mắt như bị cảm nặng, chẳng biết tại sao. Tôi thường thắc mắc không hiểu sao một người thế ấy lại nghĩ thế kia? Về sau mới nhận ra mình cũng vậy mà thôi. Tại sao cứ phải là tôi? Tại sao tôi không thể hạnh phúc hơn chút nữa? Những câu hỏi ấy rất dễ nảy ra trong lòng, ai cũng vậy cả.