Văn chương, ở một tầng nghĩa khác, không chỉ là công cụ giải trí cho con người, mà hơn cả, nó như một thứ ánh sáng soi rọi khiến con người ta có thể nhìn thấy trần trụi chính bản thân mình. Đó chính là cơ hội để mỗi chúng ta, những ai tiếp cận được với văn chương một cách chân chính sẽ có cơ hội được trở nên tốt hơn với đúng chính bản thân mình. Người ta có thể thấy cái nghèo, cái đê tiện, cái bỉ ổi xấu xa trong các tác phẩm văn học. Nhưng bao giờ cũng vậy, một trang văn nào, dù bi thống đến đâu, cũng đều sót lại một mảnh tình người, một bài học, một tình yêu, hay thậm chí là một tia hy vọng. Và đó là lý do tại sao vào một số những khoảnh khắc đặc biệt trong cuộc sống, như cô đơn, hay như rơi vào trạng thái bi kịch, người ta thường tìm đến văn chương, không phải để nếm trải sự cô đơn hay đau buồn, mà để thấy mình trong đó, thấy mình không lẻ loi. Người đọc đã đón đọc và đến với Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư bằng một lẽ như thế, người ta đọc để yêu thêm, sâu sắc thêm giữa cái đời sống ngồn ngộn đầy ngổn ngang này.

Bản sắc Nam Bộ rõ nét

Khi đi xa, có hai thứ người ta thường nhớ nhất, đó là: tiếng nói và đồ ăn của quê hương mình. Người ta nhớ hai thứ ấy sâu sắc đến như vậy là bởi nó gắn liền với ruột già quê hương, với từng miếng đất thịt của dân tộc. Bao giờ cũng thế, người ta chỉ yêu những gì mà người ta đã mất, người ta chỉ yêu tha thiết những gì đã trở nên xa xôi. Người ta cảm nhận được rõ cái tình quê thắm thiết nhất, đong đầy nhất, trăn trở nhất và bàng bạc nhất khi đã xa quê. Và đôi khi, người ta còn tìm kiếm những hương vị, những sắc màu của quê hương mình trên những con phố lạ. Và thế, trong những cái khoảnh khắc ấy, giây phút ấy, cái ồn ào, cái lộn xộn nó lại trở thành cái đẹp, cái thắm thiết, chứ riêng gì đâu ngôn ngữ quê hương.

Những Việt Kiều ở xứ người cũng tìm về với văn chương nước nhà bằng cái lẽ như vậy.

Ở nước ngoài, có hai nhà văn hải ngoại mà người ta yêu quý nhất, đó là Hồ Biểu Chánh và Nguyễn Ngọc Tư. Hai nhà văn ấy là hai nhà văn Nam Bộ hiếm hoi giữ được cái chất giọng thuần Nam Bộ, cái thứ giọng thuần mà không bị pha tạp bởi bất kì một mảnh đất nào, một vùng miền nào. Và cũng vì thế, mà nó là cái lẽ dễ hiểu thôi nếu như người ta đọc những tác phẩm của Hồ Biểu Chánh mà đặc biệt là của Nguyễn Ngọc Tư, người ta thấy nhớ quê hương đến cồn cào mà da diết, đến thấm thía bùi ngùi.

 Chúng ta sẽ không gượng gạo kiếm tìm một thứ chất văn như thế ở đâu xa, vì ngay những trang viết ấy, chỉ đọc lên thôi, người ta đã bùi ngùi mà nhận ra những điều gì thuộc về phần hồn của chính mình. Đọc cuốn sách, ta cảm nhận được rất rõ cái chất hiền lành, trong trẻo, hồn nhiên mà sâu sắc của người Nam Bộ. Cái màu sắc Nam Bộ ấy ta thấy rất rõ qua ngôn ngữ, trong cái lối xưng hô nhẹ nhàng, hà hà, thấy vậy mà không phải vậy đâu mấy cưng. Người ta sẽ khó mà tìm thấy những giản dị, những chân quê như thế trong một tác giả khác, hay thậm chí là ở một miền đất khác. Đọc Cánh đồng bất tận, ta cảm nhận rõ cái cuộc sống mưu sinh đầy vất vả của con người miền Tây. Đọc văn của cô Tư, chiếc nồi đất kho quẹt với vài ba con cá rô, hay một ngàn đồng để mua mỡ nước cũng trở nên cảm động đến lạ. Không phải là cảm giác choáng ngợp về cái gì đó quá xa xỉ, cũng không phải là cảm giác nặng nề vì cuộc sống vốn khó khăn, mà nó mang đến cho chúng ta đầy suy tư và hoài niệm, đầy yêu thương và gần gũi về một khoảng trời dù nghèo đó nhưng vẫn luôn có những con người bình dị như thế, họ vẫn cố kết ở đó để neo trong mình những đức tính truyền thống đáng quý của quê hương. 

Về tập truyện ngắn “Cánh đồng bất tận"

Giống như khi nhắc đến Jack London, người ta không thể không nhớ đến Tiếng gọi nơi hoang dã, sẽ thật thiếu sót nếu như người ta nhắc đến Nguyễn Ngọc Tư mà không nhắc đến Cánh đồng bất tận. Có thể coi rằng đây là tập truyện gần như đã tạo nên tên tuổi của Nguyễn Ngọc Tư trong lòng các bạn trẻ. Tập truyện Cánh đồng bất tận là một tập truyện trải dài gồm 14 truyện ngắn, mỗi câu chuyện lại xuất hiện ở đó những mảnh đời khác nhau, những hoàn cảnh khác nhau. Dù trong mỗi cuộc đời ấy, ai cũng đều mang trong mình những bất hạnh riêng, những nỗi đau riêng, những tổn thương mà không thể nói được với ai, không thể so sánh được với nhau, thì họ vẫn cùng có chung một điểm. Đó là dù ở trong một hoàn cảnh đau khổ đến nhường nào, dù éo le đến đâu, họ vẫn luôn hướng về sự sống và tương lai phía trước, họ vẫn luôn hoài đi kiếm tìm những thứ tình người tốt đẹp nhất, dẫu cho nó đã tàn phai dần đi theo những xô bồ và cám dỗ của cuộc đời.

Từ khát khao đến những éo le đầy trăn trở

Thẳm sâu trong mỗi chúng ta, luôn có những phần được giấu kín: một mối tình, một ước mơ, một niềm hạnh phúc, một khát khao,...Những điều bé nhỏ đó lại chính là một phần tạo nên chính chúng ta của ngày hôm nay. Và trong tập truyện ngắn ấy, bất kể dù hoàn cảnh có thế nào, thì người ta vẫn thấy trong nhân vật những ước mơ, những khát khao, dù đôi khi ngớ ngẩn, éo le, lạ lùng đến nực cười. Như nỗi lòng của miền đất cô quạnh Mút Cà Tha, ước mơ của những người nơi đây chỉ là có một người bác sĩ, một người chịu ở lại, một người chịu gắn bó lấy cái vùng đất khỉ ho cò gáy này. Hay như nỗi buồn của người đàn ông có đứa con tên Cải bỏ nhà ra đi khiến ông phải tất tả mọi nơi đi tìm, và cuối cùng, ông chọn cách ăn trộm trâu của người ta để rồi cố tình bị bắt, được lên tivi chỉ để phát biểu một câu “Cải ơi, ba nè, về đi con!”. 

         Ông đã đi tìm con nhỏ gần mười hai năm, đã đi qua chợ qua đồng, tới rất nhiều quê xứ. Lúc nhỏ Cải mười ba tuổi một bữa mê chơi nó làm mất đôi trâu, sợ đòn nó trốn nhà. Rồi con nhỏ không quay lại, vợ ông khóc lên khóc xuống, bảo chắc là ông để bụng chuyện nó là con của chồng trước nên ngược đãi, hà khắc, đuổi xua. Ông lấy trời đất, thần phật, rắn rít và cả kiếp sau (mặc dù cũng chưa biết nó ra làm sao ) ra thề nhưng bà không tin, giận chẳng nhìn, chớ thèm cười nói. Người ta còn đồn đãi ông giết con nhỏ rồi lấp ở một chỗ đất nào, họ ùn ùn lại coi, ông khăn gói bỏ xứ ra đi, bụng dạ đinh ninh tìm được con Cải về." Và ông Năm Nhỏ đi tìm con Cải cuối cùng cũng vẫn chưa tìm ra, ông cứ vẫn mải mê tìm cách để được lên ti vi, để được nói đôi lời với đứa con gái của vợ, dù ông phải mang cái tiếng là kẻ đi ăn trộm "Cải ơi, ba là Năm Nhỏ nè, nhà mình ở Cỏ Cháy đó, nhớ không? Về nhà đi con, tội má con vò võ có một mình. Con là trọng, chứ đôi trâu cộ nhằm nhò gì... Về nghe con, ơi Cải...

Hay như trong truyện  Hiu hiu gió bấc,  Vì nghĩa tình thuỷ chung nên ông cụ già cha anh Hết mới một mình gà trống nuôi con đến tận cuối đời mà không đi thêm bước nữa. Vì thương con, vì hiểu được nỗi lòng của con nên ông vừa giả đánh thằng con vừa đau đớn “cái thằng ma cà bông…”. Anh Hết vì nhờ ơn bú thếp mà dằn mình bỏ đi tình yêu đầu đời. Chị Hoài vì thương anh Hết mà lấy chồng nhưng vẫn luôn hoài mong ngóng. Còn chị Hảo, đã biết bao nhiêu mùa gió Bấc đi qua mà 9 chai dầu gió vẫn chưa thể thành 10… Đọc truyện, ta cứ ngỡ như trọn vẹn rồi nhưng vẫn thành ra dang dở. Dường như nhân vật trong “Hiu hiu gió bấc" là những con người sinh ra để sống một lần và trọn vẹn với cái đầu tiên. Trái tim của họ không có khả năng làm lành lần thứ hai, họ sống và hết yêu mình như thể cuộc đời họ chỉ có một, vì thế mà thành ra dang dở.

Thêm một mùa gió bấc nữa, chị Hảo vẫn chưa lấy chồng. Ai lại cũng hỏi, chị chờ ai vậy cà. Chị bảo chờ người ta xức dầu Nhị Thiên Đường của chị mà hết đau, chờ người ta đánh cờ mà trong tâm "Viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh niết bàn", chờ người ta thôi buồn khi đưa chốt qua sông.

Nhưng mà chờ tới chừng nào lận?

Ai mà biết.

              Mùa này gió bấc hiu hiu lại về.

(Hiu hiu gió bấc)


Những khắc khoải tình người


Nhưng sâu sắc hơn cả, cái chất của đất và người Nam Bộ còn hiện lên sâu sắc và đậm nét ở nơi tình nghĩa thắm thiết, bởi cái cách người ta yêu nhau và cảm nhau. Tình nghĩa có lẽ là cái đặc sản rõ nét nhất trong văn chương Nam Bộ hay văn chương  Nguyễn Ngọc Tư. Thời xưa hay thời nay, người ta đọc văn của Nguyễn Ngọc Tư vẫn thường rất dễ xúc động bởi tình nghĩa giản dị như vậy… Những truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư không mang lại cho chúng ta một sự bi thiết, đau khổ đến thê thảm, Nguyễn Ngọc Tư không miêu tả những điều như thế. Cả một tập 14 câu chuyện, tưởng như chỉ là những vụn vặt cuộc đời lướt qua chúng ta, để lại cho chúng ta những nỗi buồn man mác về cuộc sống này. Vì những câu chuyện ấy nó éo le mà chân thật quá, cứ như thể đó là cuộc đời, là hơi thở, là nỗi thương tổn đâu đó rất gần quanh chúng ta. Trong cuộc đời của mỗi chúng ta, ai đã từng chia tay với người thương của mình, ai đã từng phản bội lòng tin, ai đã từng mang trong mình những hoài niệm về những mối tình xưa cũ,... Và trong chính cuộc đời này, những điều éo le như vậy vẫn hoài diễn ra ngay trước mắt, nhưng chúng ta đâu có vịn vào đó để ghét đời, thù người. Các nhân vật trong tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận dù là ai vẫn luôn vươn tới tình yêu giữa người với người. Dù họ là ai, là một người đàn bà với số phận làm đĩ, bị người ta vây quanh đánh đập, đánh ghen, giật áo xé váy, thậm chí là đổ cả keo dán sắt vào cửa mình của chị, trôi dạt vào một gia đình ghe nước trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận, hay đến người hát ca nữ già nua đơn độc trong Cuối mùa nhan sắc. Họ đều khát khao yêu và được yêu, được cuộc đời chở che bằng những thứ tình người đáng quý nhất. Những Cải ơi, Huệ lấy chồng, Cuối mùa nhan sắc, Duyên phận so le... - chỉ cái tên truyện thôi đọc lên đã thấy khắc khoải, cũng đủ khiến người ta day dứt hoài. Nỗi đau của kiếp người rất riêng, chẳng ai giống một ai. Nỗi đau kẻ cùng cực khốn khó, vật vã trong cái đói cái nghèo sao giống được với nỗi đau những người yêu thương nhau mà đường đời cứ lạc, càng khác xa nỗi đau của những thân phận bèo bọt lênh đênh cứ mặc cho dòng nước dòng đời đánh dạt đánh trôi... Lúc đã thấm tháp, đã thấu hiểu cái khổ cái đau mới thấy hai chữ tình người hiện lên sao mà lay động, trân quý.

Tôi thích những mối tình câm, tình thầm. Tôi tưởng tượng đó là những mối tình da diết, sâu sắc. Mãi mãi chẳng dám nói thật lòng, cho đến cuối đời, tình ấy vẫn bàng bạc, rập rờn, và mỗi khi có dịp (như đi qua chỗ ngồi cũ, con đường cũ, gương mặt cũ…), ta bỗng thấy nhói ran. Chắc là khó chịu lắm, khi yêu mà giả bộ không yêu, khi buồn cố diễn mặt vui, khi đau tình phải tỏ ra vô tình…

Những day dứt, ám ảnh đến tận khi gấp cuốn sách lại

Gập lại cuốn sách, một khoảng buồn hiện ra. Những ám ảnh về những hình ảnh cuối cùng trong mẩu chuyện cuối cùng không làm cho người ta khỏi day dứt. Người đàn bà làm đĩ đã phải lòng người cha. Và dĩ nhiên ông ta khinh thường, rẻ rúng. Còn Điền lại yêu chị, yêu một tình yêu không thể hiểu nổi. Với 2 đứa trẻ, người chị của Điền và cả Điền nữa, nỗi buồn từ lâu đã làm chai sạn họ, biến họ trở thành những đứa trẻ tự kỷ điển hình. Giao tiếp bằng cảm giác, không còn bằng lời nói. Có nỗi đau nào buồn hơn thế. Câu chuyện kết thúc với việc người chị làm đĩ bỏ đi. Thằng Điền dáo dác đi tìm, và cũng một đi không trở lại nữa. Ông bố đã bắt đầu biết quan tâm hơn tới người chị của Điền.  Nhưng rồi chị Điền bị “những đứa trẻ tên Hận, tên Thù, mang khuôn mặt rắp tâm của cha tôi” cưỡng hiếp… Những dòng cuối cùng như chiếc kim đâm chọt vào lòng người đọc, về một cuộc sống mà đâu đó đang diễn ra, đâu đó bất hạnh và nỗi đau vẫn còn đó


     Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ, hay Dịu, Xuyến, Hường…Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn.


 Không có nhiều từ còn lại để miêu tả văn của Nguyễn Ngọc Tư. Vẫn như một ám ảnh, khắc khoải trong lòng người đọc, ta đã nhiều lúc không hiểu mà tự hỏi cô đã lấy từ đâu, đã cặn bằng mấy mà chuốt được cái thứ văn bỗ bã, ráp ghép những mảnh đời dạt đời, dạt người, dạt từ trong chính sông nước miền Tây đến cả ồn ã phố thị. Mà mỗi mảnh đời là một câu chuyện, là một điều mà người ta vẫn luôn hằng suy tư, trăn trở, đoái hoài, day dứt. Cánh Đồng Bất Tận là tập hợp của nhiều truyện ngắn mà tất cả đều buồn, đều day dứt. Có lẽ người ta đi qua đời quá nhanh, chiêm nghiệm thứ còn phần nông cạn, phải cần Nguyễn Ngọc Tư viết những trang sách này mà nhắc nhớ người về một phần của đời sống, một phần của cái hồn mình, để người ta có thể sống tốt hơn, hay đón nhận những vụn vỡ một cách trọn vẹn và chiêm nghiệm hơn. Dường như Nguyễn Ngọc Tư viết rất giỏi về cái nỗi buồn. Bà viết về cái bi ai mà không thấy con người ta là sản phẩm của hoàn cảnh, không thấy con người ta đê hèn đi, đồi bại đi. Cuộc sống dù có éo le đến cỡ nào không làm cho con người ta quay quắt, cay cực, người ta không vì thế mà ghét bỏ rồi thù hằn nhau, muốn huỷ hoại nhau. Đọc xong tập truyện Cánh đồng bất tận ta tự hỏi vì đâu mà những đạo lý quý giá ấy lại ngày càng trở nên mất giá, yếu đuối mà bất lực trước cuộc đời thực? Rồi những thứ tình nghĩa ấy phải chăng sẽ bé nhỏ và lầm lũi, cô độc rồi chìm thật sâu vào bóng tối khi mà vật chất lên ngôi, khi mà lòng người chỉ được coi là thứ yếu… Vì thế mà đọc xong, người ta không thể không nguôi ngoai về từng câu từng chữ, người ta không thể đọc mà không suy tư, không trăn trở, không hoài niệm và không lo lắng… Không phải là những trang sách dữ dội nhưng nó vẫn để lại trong lòng người đọc những gợn sóng về những điều nghịch lý nhưng vẫn đang xảy ra trong chính cuộc đời này. Cuốn sách sẽ đưa các bạn vào một khoảng lặng của tâm hồn, bỏ mặc những cuộc đời vẫn đang bon chen và xô bồ ngoài kia, bỏ mặc đi guồng quay tất bật của cuộc sống, cuộc sách sẽ cho chúng ta trải nghiệm những trạng thái thẳm sâu trong tâm hồn, cho chúng ta cơ hội để suy ngẫm, về mình, về người, về những điều đang xảy ra, đã xảy ra và sẽ xảy ra.

Review bởi: Hoàng Dịu - Bookademy

Hình Ảnh: Hoàng Dịu - Bookademy


______________

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “Tên tác giả - Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Xem thêm

“CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN” – LIỆU CÓ ĐỦ CHỖ CHO KHỔ ĐAU VẪY VÙNG?


Đôi nét về tác giả

Nguyễn Ngọc Tư là một trong những cây bút thuộc thế hệ 7x, dốc lòng gắn bó với mảnh đất vùng chiêm trũng Cà Mau. Dân dã, đời thường nhưng không kém phần cay đắng, chua chát làm nên thứ gia vị không thể nhầm lẫn rắc đầy câu văn Nguyễn Ngọc Tư.


Về tác phẩm

“Cánh đồng bất tận” là tập truyện ngắn bao gồm 13 mẩu truyện, trong đó mẩu truyện “Cánh đồng bất tận” trải trên nhiều trang giấy nhất, và cũng là nhan đề, nhãn tự của tác phẩm. Ấn tượng ban đầu của tôi về tựa sách chính là nó gợi lên trong tôi hình ảnh cánh đồng lúa chín vàng đặc trưng của vùng miền Tây sông nước. Tuy nhiên, sau khi gấp sách lại và có những chiêm nghiệm, tôi mới nhận ra: cánh đồng hóa ra bất tận do sự tù túng của hiện thực cuộc sống, do cái khổ đau gào thét từ con người, bất tận vì cứ hoài luẩn quẩn, không thể tìm lối thoát. Tác phẩm nhận được Giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam 2006. Giải thưởng Văn Học ASEAN 2008, Giải thưởng LiBerator preis 2018,...


Không đầu lẫn cuối

Có một điều, không chỉ ở “Cánh đồng bất tận” mà còn hiện hữu ở những tác phẩm khác của Nguyễn Ngọc Tư, chí ít là những quyển nhàu nát tôi hay “lui tới” chạm đến tôi, khắc sâu vào tâm khảm: một lời dẫn “không đầu” và một kết thúc “không cuối”. Một cách mở bài kỳ lạ và một cách khép màn lạ kỳ. Tôi trân trọng cách hàng tá thắc mắc như mớ tơ vò được “Cô Tư” chầm chậm gỡ rối qua từng lần xuống dòng, nhuần nhuyễn, thuần thục. Dường như có một sợi dây vô hình nối tất thảy những chi tiết lại với nhau, chỉ chờ đến khi căng thẳng hai đầu dây, mới ngộ ra sự đồng điệu.


“Cánh đồng bất tận” mở đầu bằng một chị gái “phóng” lên ghe của ba cha con, chạy trốn khỏi lũ đánh đập chị. Sự kiện ngỡ chẳng liên quan gì đến họ, nhưng lại mở ra dòng thời gian tiếp diễn cũng như những hồi tưởng về quá khứ. Tác phẩm kết thúc với hình ảnh nhân vật “tôi” nằm bất động giữa cánh đồng sau khi bị cướp mất sự trong trắng, bắt đầu vòng lặp số phận như những người con gái quê khác.


Tiếng nấc từ những kiếp lầm than

“Mỗi lần rời khỏi một nơi nào đó, thật khó để phân biệt, chúng tôi đang bỏ đi hay chạy trốn.” Truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” xoay quanh cuộc sống du mục, lênh đênh sông nước của ba cha con Nương. Sự phản bội của người mẹ đã đẩy hai chị em vào kiếp sống rày đây mai đó, đã tước đi niềm tin vào đàn bà (và cuộc sống) của người cha, đã gây ra nỗi ám ảnh ghì chặt hai đứa trẻ mỗi khi nhớ về. Tác phẩm bóc trần số phận bán thân của những người phụ nữ quê qua lăng kính được tinh chỉnh ở cự ly gần nhất. Nguyễn Ngọc Tư “thả” những mất mát, ẩn ức vào trang sách một cách tưởng chừng nhẹ bẫng nhưng nặng trịch một nỗi u hoài; một cách tỉnh rụi, như thể vết thương hở hoác ấy đã lành từ lâu. 


Gấp sách lại, ta nhận thấy không thể phân định nhân vật nào là hoàn toàn đúng hay sai, mà chỉ có thể đứng ở lập trường một-con-người đau lòng cho nỗi khổ tâm riêng của họ. Chẳng biết trách số trời định đã khổ, hay họ quá yếu ớt để thoát khỏi nghịch cảnh.


Tôi học được gì từ “Cánh đồng bất tận”?

“Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”


Mặc dù Nương đang trong khoảnh khắc tuyệt vọng nhất, bi quan nhất, cô vẫn tin chắc một niềm tin tươi sáng: con cô (nếu không may có sự xuất hiện của nó) sẽ vui vẻ. Vì Nương luôn khắc khoải lầm lỗi cô gây ra ngày bé (mà cô cho rằng) đã khiến người mẹ bỏ nhà đi. Như trong bộ phim “Reply 1988”, người bố đã nói: ''Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố. Cho nên con gái à, hãy lượng thứ cho bố nhé.” Chúng ta sinh ra cũng là lần đầu làm con, thế nên nếu được, hãy bao dung cho những khuyết thiếu, lỗi lầm của người lớn nhé!


Tái sinh trên màn ảnh

“Cánh đồng bất tận” - bộ phim cùng tên đã được đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình chuyển thể dựa trên tác phẩm này. Dù có một vài chi tiết được sửa đổi hoặc thay thế, bộ phim vẫn lột tả được những chất liệu bất hạnh, khổ đau của những con người nông thôn khu vực châu thổ sông Mê Kông. 


Tóm lại…

Tóm lại, “Cánh đồng bất tận”, đối với cá nhân tôi, là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Với ngòi bút sắc lạnh và sự tiết chế, tinh giản trong lối hành văn, chỉ với vỏn vẹn 56 trang, truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” nói riêng và quyển sách “Cánh đồng bất tận” nói chung đã thành công chạm đến sợi dây cảm xúc, khơi dậy lòng trắc ẩn của bạn đọc, trong đó có cả tôi. Tác phẩm thoạt nhìn chỉ là bức tranh làng quê với những gam màu ảm đạm nhưng khi nhìn kỹ, ta sẽ thấy đâu đó những góc tối với những con người, khoắc khoải và dữ dội.



Cánh đồng bất tận?

Đó có phải là vạt cỏ xanh lá thơ mộng khiến ta mường tượng ngay về một cánh diều, một tiếng sáo hay một giấc mơ trưa? 

Hay có phải chăng là nắng, là mây, là tuổi thơ hạnh phúc mà bước chân và bàn tay ta quá nhỏ bé để đi hết và ôm trọn?

Trong “Cánh đồng bất tận”, Nguyễn Ngọc Tư đã chọn chính hình ảnh cánh đồng quen thuộc trong tượng tưởng của nhiều người ấy làm bối cảnh cho một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của mình, nhưng cái hay ở chỗ là nó buồn và man mác cái vô tận của cuộc đời chứ không hề tươi sáng hay vui vẻ. Nó dội thẳng hiện thực được cường điệu hoá và ta thấy, mình cũng như đang chạy mãi, chạy mãi giữa cánh đồng.

Nhìn chung, quả là không ngoa khi nhận xét rằng miền Tây trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư hiện lên hầu như là những mảnh đời bất hạnh, những chiếc thuyền trôi nổi nay đây mai đó, và những cái kết chia xa mang màu sắc ảm đạm, đôi khi còn hơn cả chiến tranh máu nóng bởi dường như sự lạnh lẽo của lòng người còn ám ảnh hơn rất nhiều.

“Mỗi lần rời khỏi một nơi nào đó, thật khó để phân biệt, chúng tôi bỏ đi hay chạy trốn.”

“Cánh đồng bất tận” mang đầy đủ những yếu tố trên và nó là đan xen nỗi đau của nhiều người, nhiều câu chuyện tạo nên sự cộng hưởng mà người đọc có muốn dừng lại để ngẫm nghĩ cũng không được, tựa như đôi bàn tay đang chơi một bản piano chỉ có thể ngừng lại khi hết nhạc phổ vậy.

Đọc tác phẩm, ta thấy được nỗi đau ấy bắt nguồn từ một hiểu nhầm, và sau đó là rất nhiều hiểu nhầm. Nương hiểu nhầm mẹ giao thân cho một người đàn ông khác khi bố đi làm ăn xa, bố Nương hiểu nhầm mẹ Nương, rời bỏ bà và mang lòng hận thù với cuộc đời, cô gái làng chơi hiểu nhầm về một tình yêu có thể cảm hoá được “sự sắt đá” của bố Nương, và chính cuộc đời, cách suy nghĩ khá lệch lạc, trưởng thành của Nương và em trai Nương - Điền cũng là hệ quả của những hiểu nhầm đó. 

“Má cưng ác một, nhưng người cha này của cưng ác tới mười.”

Người ta có thương, có yêu thì mới có giận. Nhưng cái giận này không bị gió thổi bay đi mà sinh sôi nảy chồi, mọc xanh lên thành cánh đồng hoang vu, không thể tìm thấy lối ra.

Cảnh cuối của truyện khi Nương bị xâm hại ngay tại cánh đồng thật sự đã ám ảnh mình suốt một tuần sau đó bởi, còn gì đớn đau hơn khi gặp lại mẹ, khi thấy được nỗi buồn nước mắt chảy ngược của mẹ rõ ràng đến như vậy trong hoàn cảnh đó.

“Rồi ký ức ùa về kinh hãi, vẻ mặt má tôi cái hôm bị người đàn ông bán vải đo lên người hình như không phải là khoái lạc thăng hoa, nó giống như tôi bây giờ, đau nhói. Tôi tiếc mình không hiểu điều đó sớm hơn.”

Nằm trên một con đò xuôi dòng nước, nỗi đau thể xác khiến ta muốn vùng dậy mà chiến đấu với cuộc đời. Còn nỗi đau tinh thần thì như liều thuốc ngủ mời gọi ta giao đi vận mệnh.

Cầu mong rằng nỗi đau của Nương và chúng ta sẽ phai mờ đi theo năm tháng, rằng tiếng gọi Nương của bố nơi cánh đồng bất tận ấy sẽ là câu thần chú lấy đi giọt nước mắt và thay thế bằng những nụ cười.

1 điểm

Giờ thì tớ hiểu tại sao truyện của chị Nguyễn Ngọc Tư lại được nhiều người yêu thích đến vậy. Một câu chuyện mà nhân vật rất ít được nhắc đến tên, hoạ chăng cũng chỉ là một hai lần nhưng đó lại là điều đặc biệt. Và cũng là một câu chuyện ngắn với kết thúc khiến tớ có lẽ rất tò mò muốn biết rồi các nhân vật sẽ ra sao, người chị sẽ thế nào khi chỉ còn mình với người cha và hai người họ có thể tìm lại một cuộc sống bình thường được không. Điền có đuổi kịp chị Sương không, nếu không thì hai người đó rồi sẽ ra sao? Truyện viết dưới góc nhìn của người chị. Từ khi mẹ bỏ đi, cha trở nên bất thường, gần như không còn quan tâm đến sự tồn tại của hai chị em nữa. Cuộc sống của chị và em gần như tách biệt khỏi con người, tuy vẫn gần con người nhưng không còn thuộc về nơi đó nữa. Hai người bị tổn thất nặng nề về tinh thần từ khi còn rất bé. Dần dần con người của hai chị em cũng đổi khác, xa lạ nhưng vẫn mong muốn, khát khao một cuộc sống bình thường. Truyện tuy ngắn nhưng lại khiến bất kỳ ai đọc nó đều cảm thấy day dứt, lạc lõng, một nỗi đau chực tràn dâng, suy nghĩ về dục vọng thể xác, về tâm hồn và cả về tình người.

"Chiến tranh theo tôi biết có nhiều người nhói khi nhắc về nó. Những huân chương, huy chương chỉ làm ấm ngực niềm đau khuất ở một góc lòng,có kẻ nhìn thấy, có người không..." 

Đọc đến đây tôi lại càng nhận ra ông Mười đã yêu dì Thấm đến nhường nào nên đã quyết tâm xóa đi hình ảnh ông Thọ để dì có thể sống bớt đau khổ, bi thương. Lúc người ta thấy dì khóc, họ chỉ cảm thấy dì đáng thương nhưng chỉ có ông bước ra lặng lẽ lau những giọt nước mắt cho dì, bảo vệ dì....Hình ảnh là minh chứng cho ta thấy vì yêu mà con người ta có thể hi sinh tất cả vì nhau và có đôi khi chỉ cần một bàn tay lặng lẽ vỗ về những lúc ta yếu mềm nhất còn đáng quý hơn ngàn vạn lời đường mật.... "Cánh đồng bất tận" còn có những câu chuyện khác đầy chân thực về phận đời của những người sống đời ghe thuyền, sự gắn bó và tình yêu của họ với sông nước... Câu chuyện cũng gợi ra nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội đương thời như sự thất học, đói nghèo.Tác phẩm đã thực sự để lại trong tôi nhiều dư âm khó tả, vui có, buồn có và xót xa cũng có. Nhưng trên tất cả, sau khi kết thúc cuốn sách tôi thấy bản thân thật may mắn vì mỗi buổi sáng thức dậy tôi vẫn có cha mẹ bên cạnh, có đầy đủ điều kiện để bản thân được học hành, được phát triển, được sống mà không phải lo nghĩ đến cái đói. Đó thật sự đã là một niềm hạnh phúc lớn lao rồi.