Hôm nay thênh thang bước giữa Thủ Đô hoa lệ, bạn có bao giờ tò mò về hình hài Hà Nội của dăm chục năm trước, cái thời tem phiếu, bao cấp và sơ tán đầy khó khăn nhưng lấp lánh tình người? Một Hà Nội cũ lầm than cơ cực xen lẫn sự hân hoan xây dựng cuộc sống mới đã được nhiều cây bút có tầm tái hiện, nhưng có lẽ chân thực và đầy yêu thương nhất phải kể bộ sách “Yêu Hà Nội” với 4 tác phẩm nổi bật gồm: Hà Nội, mũ rơm Và tem phiếu, Kim Liên một thuở, Hà Nội, quán xá phố phường và Yêu Hà Nội, Thích Sài Gòn.

Ký ức về “36 phố phường” xưa cũ ấy lúc thì được kể bằng chất giọng bình tĩnh, vừa trào phúng, vừa ẩn chứa nỗi đau buồn, tiếc nuối cho năm tháng và phận người, lúc lại được nâng niu bằng góc nhìn của người tỉnh lẻ hay của một “tâm hồn đô thị”. Để rồi, mọi ngóc ngách Hà Nội ở cả kiến trúc, đời sống và văn hóa đều hiện lên rất thực, rất đời, làm cho người ta cười mà cũng có thể bật khóc ngay tức khắc. Muốn hiểu về Hà Nội, phải nghe kể chuyện cũ. Và bộ sách này chính là người kể chuyện chân thật nhất.

1. Hà Nội , mũ rơm và tem phiếu - Tác giả Trung Sỹ

Hà Nội có tàu điện

Đi về cứ leng keng

Người xuống và người lên

Người nào trông cũng đẹp

Leng keng leng keng... Khuya sớm đi về một âm sắc thanh giòn, như nhắc với con phố dài ngói nâu ngái ngủ trong những sớm sương bay, rằng cuộc đời vẫn đang chảy trôi. Có thể nói tiếng chuông tàu điện chính là tín hiệu sinh động nhất cho nhịp sống uể oải nơi đất cũ kinh kỳ.

Leng keng leng keng... Tiếng leng keng mà các thi sĩ, nhạc sĩ luôn tha thiết nhớ nhung ấy, phát ra từ bàn chân của anh lái tàu. Hôm nào phấn khởi mới lĩnh lương hay bữa trước vợ chiều đĩa lòng non có thêm tí tửu, anh sẽ giậm chân thật lực vào chiếc núm đồng có lò xo đàn hồi trên sàn tàu. Tiếng leng keng sẽ rộn rã phát ra từ chiếc chuông dưới gầm, tỉ lệ thuận với mức độ hưng phấn cùng dự trữ năng lượng của người cầm lái vĩ đại.

Có sinh ra ở Hà Nội hay không? Có từng trải qua thời kỳ tem phiếu, mũ rơm, cửa hàng mậu dịch và tàu điện leng keng hay không, thì tập hồi ký này của tác giả Trung Sỹ chắc chắn sẽ khiến độc giả bị cuốn vào từng trang sách, rồi bật cười vỗ đùi thích chí. Một Hà Nội ngỡ đã cũ mà dẫu được kể bao nhiêu lần đi chăng nữa vẫn không hết chuyện, vẫn khiến người ta muốn nghe, muốn đọc về nó. Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu là những kỉ niệm về Thủ Đô thời một-nghìn-chín-trăm-hồi ấy qua con mắt của một cậu bé, bằng giọng kể vừa văn vẻ, mà cũng pha chút "tưng tửng", lại một ít châm biếm đầy khéo léo và duyên dáng.

Những ký ức, kỷ niệm về một thời Hà Nội chưa xa nhưng đã bị coi là cũ. Giọng văn chân chất, thật thà gợi đến những rung cảm trong lòng người đọc về một quãng thời gian trong quá khứ. Những câu chuyện ký ức về sự vật về con người thế hệ những năm về trước gợi nhớ về những câu chuyện rất đỗi thân thuộc nhưng đã bị bào mòn bởi thời gian và sự phát triển của xã hội. Bằng giọng kể hóm hỉnh, pha chút trào phúng, người viết đã vẽ lại cả một bối cảnh Hà Nội xưa cũ thân quen...

Phía cuối hàng lổng chổng mấy nửa hòn gạch hay chiếc rá sứt cạp, xếp sẵn để đại diện cho một người mua hàng nào đó đang tranh thủ mua rau quầy bên cạnh. Thỉnh thoảng không thấy ai để ý, thằng bé con lại đá nửa viên gạch hay cái rá thủng mập mờ vô thừa nhận trước mặt mình bắn ra khỏi hàng, trong sự đồng tình của những người xếp phía sau lưng. Những kẻ chạy show quay về quầy cá, thấy mất “văn phòng đại diện” tức tối hằm hè, bất lực chửi đổng.

Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu là cuốn sách dành cho những Những tâm hồn hoài cổ như bơ vơ tụt hậu trong cái thành phố quê hương tuổi thơ một thời; dành cho những con người đã trót yêu, và sẽ yêu mảnh đất Kỷ niệm ken dày cô đọng xếp chật ký ức, tăm tắp dàn trải đều trên bước thời gian, như những viên gạch lát vỉa hè hàng phố.

2. Kim Liên Một Thuở - Tác giả Vũ Công Chiến 

Kim Liên một thuở là ký ức về Hà Nội qua góc nhìn của cư dân đầu tiên ở khu tập thể Kim Liên vừa được xuất bản. Cuốn sách là cuốn hồi ức của tác giả Vũ Công Chiến kể về những năm tháng gia đình ông sinh sống, gắn bó với Kim Liên từ khi ông mới chuyển đến đây (cư dân đầu tiên của Kim Liên) với đầy những bỡ ngỡ đến khi từng nếp sống tại đây đã trở nên thân thuộc như ăn vào máu thịt của ông.

Trên từng trang viết, hình ảnh Kim Liên xưa hiện ra quyến rũ lạ thường. Ở đó không hề có tiếng xe cộ ồn ào, không có khói bụi của ô tô, xe máy mà chỉ còn tiếng cười giòn tan của những lũ trẻ chơi bắt rắn dọa nhau hay chơi trận giả, trốn tìm. Nhịp sống vội vã, riêng biệt như hiện nay thay bằng nhịp sống chậm hơn, đậm chất tình người hơn, cư dân Kim Liên dùng chung với nhau từng cái bếp, cho nhau từng quả chanh rồi chung nhau cả cái nhà vệ sinh. Thiếu thốn là vậy, dùng chung là vậy nhưng chẳng hề xảy ra cãi cọ hay tranh giành gì cả.

Vẫn là kết cấu theo dòng thời gian quen thuộc, tác giả vẽ ra những bước chuyển mình mạnh mẽ của Kim Liên, từ một Kim Liên lưa thưa bóng người còn nghèo đói của những năm miền Bắc bắt đầu xây dựng Xã hội chủ nghĩa, Kim Liên của những năm sơ tán với đầy rẫy nhưng hầm hố trú ẩn, Kim Liên của những năm bao cấp với cảnh hàng dài người xếp hàng để mua được một chút gạo, chút mắm, chút muối; sau nhiều năm, nó đã chuyển mình đầy mạnh mẽ thành một Kim Liên đông đúc với cơ sở vật chất hiện đại như ngày hôm nay.

Hòa với nhịp sống hiện đại, rồi sẽ có một ngày chúng ta chẳng thể nhìn được hình dáng cổ xưa của Kim Liên nữa. Với ý nghĩ đó đã thôi thúc tác giả hoàn thành cuốn sách này với mong muốn...

Trước là để dành tặng cho cư dân mọi thời kì của khu Kim Liên, nếu còn có lúc hoài niệm về quá khứ. Sau nữa là thông qua chuyện của mình và của khu tập thể Kim Liên để kể chuyện cho tất cả mọi người, những ai mong muốn hiểu thêm về một góc của Hà Nội, muốn biết được thế hệ trước đã sống như thế nào, và những người quan tâm đến lịch sử dưới góc độ trải nghiệm cá nhân.

Cùng với sự phát triển của xã hội, rất nhiều cư dân tại Kim Liên đã chuyển đi, sinh sống tại những tòa nhà hiện đại sang trọng hơn, duy chỉ có gia đình tác giả là vẫn “say đắm” cái nếp sống tập thể ấy. Gần 60 năm là quãng thời gian tác giả và gia đình đã gắn bó, sinh sống tại khu tập thể. Dường như Kim Liên đã trở thành một phần không thể thiếu trong kí ức của ông và gia đình, nó đã cùng với ông lớn lên, trưởng thành và già đi theo năm tháng. Và khi mọi thứ đã trở thành thói quen, nếp sống thì việc rời bỏ là không thể nào.

Kim Liên một thuở chẳng hề gai góc như Hồi ức lính mà tác giả Vũ Công Chiến từng rất thành công, nó chọn cho mình cách hành văn nhẹ nhàng, ẩn chứa trong đó là cả tâm tình mà tác giả dành cho nơi mà mình đã từng gắn bó, nơi mà ông đã sống suốt nửa đời người, nơi giúp ông giữ vững tay súng suốt sáu năm ông đi lính. Từng thước ảnh của Kim Liên hiện lên đầy chân thực gần gũi qua ngòi bút của ông.

Đậm chất người lính viết văn, trong Kim Liên một thuở chúng ta còn thấy được ý chí chiến đấu của cả một Kim Liên anh hùng khi mà hàng loạt thanh niên ở đây đều xung phong đi lính, xung phong đi đánh giặc; chúng ta thấy Kim Liên oai nghiêm sau những trận bom rền rĩ của kẻ thù, chúng ta thấy được sự quyết tâm của cả dân tộc Việt Nam. Để rồi sau những năm tháng nhọc nhằn ấy, Kim Liên phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay.

3. Hà Nội, Quán Xá Phố Phường - Tác giả Uông Triều

Tôi cứ tự hỏi thứ gì làm nên vẻ riêng biệt của Hà Nội. Hà Nội là đô thị lớn nhưng có một vẻ thanh lịch nhẹ nhàng, một chút mộng mơ lãng mạn. Phần lớn điều ấy là do cây xanh mang lại. Và Hồ Gươm, điều gì đã khiến cho cái hồ này thơ mộng quyến rũ. Vì lịch sử nghìn năm, vì câu chuyện rùa vàng? Tất nhiên rồi. Và một điều quan trọng ít ai để ý, đó là vì một quần thể cây xanh đa dạng, phong phú làm cho mặt hồ thêm thanh bình, đáng nhớ.

Hà Nội quán xá phố phường của nhà văn Uông Triều là tập tản văn các bài viết về những điều bình dị ở Hà Nội. Bằng tình yêu dành cho Hà Nội, Uông Triều đã khắc họa sâu hơn chân dung của thành phố nghìn năm tuổi.

Từng bước, từng bước, anh dẫn dắt người ta đi qua phố phường với những con phố thân thuộc, gắn với những câu chuyện lịch sử như Đê La Thành, Hàng Đào, Hàng Ngang,… đến những món ngon truyền thống đến nay vẫn còn giữ nguyên vẹn hương vị trong tâm trí người thưởng thức như bánh rán, bún ốc, bún cá, phở bò,...

Không diêm dúa, đẽo gọt, bằng chia sẻ chân thành và giản dị, Uông Triều kể câu chuyện về những điều nhỏ bé nhưng được gắn kết với nhau đã tạo nên một Hà Nội sâu lắng và thơ mộng. Người đàn bà trung niên quê Nam Định bán hàng miến trộn, bún riêu” trên phố Phan Đình Phùng và không xa là “hàng đậu phụ mắm tôm của người đàn bà quê Thái Bình”;…


4. Yêu Hà Nội, Thích Sài Gòn - Tác giả Hồng Phúc

Đã bao giờ bạn dừng chân ở Hà Nội? Bạn có khi nào dừng lại trước Sài Gòn? Và có bao giờ bạn tự hỏi đời ta làm sao đi qua hết những ngõ ngách, hẻm mẹ, hẻm con, ... nơi ẩn giấu tâm hồn sâu kín của một đô thị lớn? Một thành phố thực ra chẳng khác con người là mấy. Việc ta muốn tìm hiểu đối phương là điều bất khả. Nhưng may mắn thay, vì là con người nên ta có thể yêu quý một-thành-phố-không-bao-giờ-hiểu-cạn bằng tình yêu thương không toan tính và âu lo.

Đó là cách tác giả Hồng Phúc của cuốn Yêu Hà Nội, Thích Sài Gòn tiếp cận với cuộc sống khi dành tình cảm đặc biệt với hai thành phố lớn. Nhớ nhung, yêu thương Hà Nội dồn vào những trang sách... nhưng cuộc sống và con người Sài Gòn cũng nhanh chóng thuyết phục và chiếm được tình cảm của Hồng Phúc - một nữ nhà báo sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng lại chọn Sài Gòn để lập nghiệp. Đọc Yêu Hà Nội, thích Sài Gòn của một "người Hà Nội di cư" để thấy một tâm hồn lãng mạn và sâu sắc, nhạy cảm và trí tuệ;  để thấy "nơi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn" (Chế Lan Viên), để vén những "bức màn văn hóa" (lời của tác giả) nơi mình đã đi qua, nơi mình đã sống và đã chọn dừng chân. 

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở 

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn


Lời Kết:

Cho Hà Nội xưa vẫn mãi mãi xanh

Để ta viết câu thơ, mong manh Hà Nội phố

Cho người đi xa, mang trong lòng nỗi nhớ

Hà Nội tự hào, Hà Nội thân yêu

Trong những ngày này, cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đang căng mình chống lại đại dịch, bỗng thấy đâu đó bóng dáng một Hà Nội cũ hiện về, cũng căng thẳng và cần sự đồng lòng nhất tâm của người dân như bây giờ. Ấy là Hà Nội của thập niên 60-70 cơ cực trước từng trận bắn phá của địch, những ngày đi sơ tán gian khổ, rồi hân hoan trở về xây dựng cuộc sống mới. Ấy còn là Hà Nội của tem phiếu, của khu chung cư cũ nương nhau từng xô nước, của nét văn hóa hàng rong, áo dài cổ….


Tất cả những đặc trưng khó trộn lẫn ấy đã được gói ghém trong bộ sách “Yêu Hà Nội” gồm 4 tác phẩm đắt giá: Hà Nội, Mũ Rơm Và Tem Phiếu, Kim Liên Một Thuở, Hà Nội, Quán Xá Phố Phường và Yêu Hà Nội, Thích Sài Gòn. Hà Nội 36 phố phường của năm tháng cũ lấm lem sự gian khổ, lầm than nhưng lại lấp lánh vẻ đẹp tình người. Tranh thủ những ngày “chống dịch” để sống chậm lại một chút để yêu Hà Nội xưa, thương Hà Nội nay.


Review chi tiết bởi: Thu Trang - Bookademy
Hình ảnh: Thu Trang

--------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy 
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Xem thêm

Nếu bây giờ phải tìm đọc một câu chuyện nào để thấy được phần lớn diện mạo của Hà Nội từ chiến tranh vắt sang thời hậu chiến, đó chính là Hà Nội mũ rơm và tem phiếu - thiên bút ký đậm tính hồi ức của tác giả Trung Sỹ. Trung Sỹ viết câu chuyện như của riêng mình, khiến người đọc cảm thấy cả sự nghẹn ngào run rẩy của tác giả khi phải chứng kiến những trận cuồng phong quét qua Hà Nội. Người đọc tự nhiên thấy mình bị cuốn theo cách nhìn tinh tế như của một tay bút lão luyện: "Những ngày mùa xuân trời ẩm mù, con phố dài xộc xệch, méo đi trong mưa bụi". Phải nói là rất lâu rồi mới bắt gặp một câu văn viết về phố lạ mà hay đến vậy. Không chỉ có thế, trong thời cả thủ đô oằn mình dưới bom Mỹ, tác giả khi ấy là cậu học trò cùng đám bạn trú bom trong hầm đã để tâm trí mình hằn ghi một hình ảnh: khi máy bay vụt qua, tiếng rít khiến lũ bò buộc dưới rặng xoan gần đó lồng lên chạy, và thằng bạn tên Hinh cùng lớp quên cả sợ hãi, nhảy lên chạy đuổi theo bò, gọi lạc cả giọng "Ơ... Mò... ơ... Mò... ơi". "Cả lớp thảng thốt nhìn theo bóng nó xa dần, khuất trong cánh đồng lúa chín. Tiếng gọi bò lạc giọng, chìm lỉm trong tiếng máy bay". Độ tin cậy của trang viết đến với người đọc bằng những câu chuyện thật đến nhói lòng như vậy. Đến thời tem phiếu, không gian sống của người Hà Nội trở thành một cung bậc kỳ dị mà nhiều người trong cuộc cũng không ngờ nổi. Câu chuyện của Trung Sỹ giờ trở thành chứng nhân mà bạn trẻ ngày nay chưa chắc đã kịp tìm hiểu: "Tin cá bể tươi về xôn xao hàng phố. Ra nhanh kẻo hết! Các bà nội trợ nhớn nhác cắp rổ đi như chạy ra gian chợ, vừa rảo chân vừa thông báo với nhau mậu dịch hôm nay cắt ô số 14-15 phiếu ND, mỗi phiếu nửa cân. Những người đi chợ bao giờ trên tay cũng cầm một tập phiếu, bởi chẳng ai hay hôm đó mậu dịch có bán những thứ gì, cắt ô phiếu nào, nên tốt nhất là mang đủ". Nhưng có lẽ, nỗi đau đớn đặc thù của Hà Nội là những thân phận trí thức tiểu tư sản trôi dài qua chiến tranh. Từ xuất thân gia đình "tư sản dân tộc", tác giả dành những trang viết ngấn nước mắt về người tiểu tư sản. Như trường hợp cậu Nhân: mê sách, mê nghệ thuật hội họa, làm thơ hay mà học hành dang dở. Cậu rơi ngay vào thảm trạng của thời cuộc khi khái niệm hiền tài còn bị bỏ quên và "nguyên khí quốc gia" đang được định nghĩa lại. Cứ thế, cậu Nhân và bao thân phận trí thức Hà Nội trôi trong quên lãng qua hết thời chiến tranh. Chỉ tác giả Trung Sỹ còn nhẩn nha chép lại những vần thơ như thốt lên nuối tiếc: "Bởi thiếu màu tươi trên giá vẽ/ Nên không họa nổi cảnh huy hoàng/ Những ngày tươi đẹp trời trong sáng/ Bức họa đời ta bỏ dở dang...". Qua lời thuật trần trụi về những chuyển động dích dắc của thời trước, người ta vừa mường tượng ra cái bóng sừng sững của người và đất Hà Nội một thời thâm hậu, hào hoa; vừa lý giải được nhiều hiện trạng ngày nay theo quan hệ nhân quả. Và gấp lại hơn 260 trang sách, vẫn thấy ám ảnh về Hà Nội một thời thật đáng tiếc: "Công cuộc công hữu hóa tư sản hoàn thành. Các hiệu buôn lớn phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân... cửa khép im ỉm. Buôn bán nhỏ vẫn được duy trì để gắng thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu của người thành thị... Bà tôi đóng cửa hiệu buôn". Đau thương mà anh dũng, Hà Nội sẽ vẫn còn được kể tiếp chứ, phải không?

Bạn đã bao giờ đi qua Hà Nội? Bạn có khi nào dừng lại trước Sài Gòn? Và tự hỏi đời ta làm sao đi hết các ngõ ngách, hẻm mẹ, hẻm con, hẻm cháu hẻm chắt, hẻm ‘chút chít’… nơi ẩn giấu tâm hồn sâu kín của một đô thị? . Một thành phố thực ra không khác một con người. Việc ta muốn hiểu hết về đối phương là bất khả. Nhưng may thay, vì là con người nên ta có thể yêu quý một-thành-phố-không-bao-giờ-hiểu-cạn bằng tình yêu thương không toan tính và âu lo. . Đó là cách tác giả sách “Yêu Hà Nội thích Sài Gòn” tiếp cận với cuộc sống – tương lai mới với Sài Gòn – nơi mà chị, cũng như hàng nghìn người đã, đang, sẽ nhập cư tới đây mỗi ngày. Nhưng nhìn lại sau lưng, Hà Nội vẫn còn đó, ngân lên sự hoài nhớ gia đình, kỷ niệm, bạn bè những tình huống ‘khó tả”… Hồi chuông ấy lâu lâu “kính coong” rung lên có chút buồn dịu nhẹ hay lóng lánh sắc màu trong trái tim một kẻ xa nhà. Vì thế, với nhiều người bắc vào nam sinh sống, tâm hồn bỗng đôi khi chia làm hai nửa: Hà Nội lắng đọng thủy chung Sài Gòn sôi nổi bao dung. . Tác giả Hồng Phúc đã chia sẻ về hành trình ấy bằng những trải nghiệm nội tâm, những quan sát, suy nghĩ, cách tiếp xúc chân phương, ngập tràn hơi thở đời thường của chị với góc nhìn của một người sống ở Hà Nội “di cư” vào Sài Gòn, như ngã rẽ cuộc đời của hàng nghìn người khác mà chị gọi là thế hệ “Bắc 2000” tại thành phố nắng. Những câu chuyện nhỏ ấy được ghép thành một bức tranh, tuy có vẻ rộng nhưng cũng chỉ là một lát cắt trong đời mỗi con người xa xứ ngay trên tổ quốc mình. Bởi vì đời con người ta, còn biết bao trải nghiệm, mỗi cá nhân luôn có vô vàn câu chuyện để kể, để suy tư… Di cư và nhập cư luôn không chỉ là khía cạnh thú vị của xã hội học và văn hóa học, và việc dịch chuyển là lẽ sinh tồn bình thường nơi con người. Nhưng với tác giả, đó còn là chuyện kể ở góc mỗi căn nhà, góc phố và xin dành tặng đầu tiên cho những người Bắc đã có duyên với cái nắng miền Nam. . Qua những câu chuyện nhỏ đó, để ta thấy tình yêu với những con người cũng như với một thành phố tưởng “dễ ẹc” mà lại kèm theo vô vàn so đo thỏa hiệp. Để đổi thay, người ta cần thời gian và sự mở lòng! Hãy thử cầm sách lên, để bạn thử cảm giác biết một đời sống giữa hai chiều dịch chuyển Hà Nội – Sài Gòn khác qua con mắt một ‘người xa lạ’ Để nhận ra rằng mọi sự trải nghiệm của mỗi con người đều rất riêng tư và khác biệt. Và vì thế, hãy sử dụng đời mình đầy thiện chí, đừng bao giờ để ngọn đèn cuộc sống của chính mình leo lét. Và khi đọc xong những trải nghiệm sâu lắng và tinh tế ấy, bạn hãy thức dậy nhé, hít một hơi, xỏ chân vào giày và bước ra ngoài kia… hòa vào hơi thở đời thường, tràn đầy năng lượng và không hối tiếc.

Bằng tình yêu dành cho Hà Nội, Uông Triều đã khắc họa sâu hơn chân dung của thành phố nghìn năm tuổi. Từng bước, từng bước, tác giả dẫn dắt người đọc đi qua phố phường với những con phố thân thuộc, gắn với những câu chuyện lịch sử như Đê La Thành, Hàng Đào, Hàng Ngang… đến những món ngon truyền thống đến nay vẫn còn giữ nguyên vẹn hương vị trong tâm trí người thưởng thức như bánh rán, bún ốc, bún cá, phở bò... . Không diêm dúa, đẽo gọt, bằng chia sẻ chân thành và giản dị, Uông Triều kể câu chuyện về những điều nhỏ bé nhưng được gắn kết với nhau đã tạo nên một Hà Nội sâu lắng và thơ mộng. “Người đàn bà trung niên quê Nam Định bán hàng miến trộn, bún riêu” trên phố Phan Đình Phùng và không xa là “hàng đậu phú mắm tôm của người đàn bà quê Thái Bình”, bắt tay làm quen “một ông cụ râu tóc bạc phơ, giữa mùa đông mà vẫn đánh trần, quần đùi áo cộc gánh nước tưới rau” ở phía sau chùa Láng... Những thu nhận ít nhiều sâu lắng đó, và hẳn cũng là thế mạnh của người viết đã khéo léo đẩy đưa làm cho ta khó lòng mà dừng bước nếu chưa đi đến trang cuối của cuốn sách. . Theo như lời giới thiệu của Mai Anh Tuấn, "Uông Triều viết về Hà Nội bằng sự chân thực, hồn nhiên của một người “tỉnh lẻ”, người có thể quan sát Hà Nội như thể lần đầu hội ngộ mà nhờ đó, mọi vướng víu xã giao thân sơ không cản được cảm xúc hứng thú, say mê. Anh viết về ngõ phố, thức uống đồ ăn, một sớm mai yên bình, một ngày ở Hồ Tây, một ngã tư nức tiếng kẹt xe… Anh cũng viết về những ngôi trường luống tuổi, hàng cây, công viên, nhà tù, quảng trường, khu chợ… Tất cả đều gãy gọn, mạch lạc và nhất là, đều được lồng trong kí ức và những cảm xúc “thực địa” của chính anh". . Cuốn sách có lẽ sẽ cho những độc giả yêu Hà Thành một góc nhìn rất khác về Hà Nội đã trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi.

"Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu đưa bạn đọc lên con thuyền ký ức, trôi về một thời khó khăn, vất vả, ngây thơ, ấu trĩ nhưng vẫn lấp lánh vẻ đẹp, trong một không gian tràn ngập tiếng cười, nỗi lo toan và cả những hoài nghi trăn trở. Để ghi lại chân xác những khoảnh khắc đó, phải có tình yêu sâu nặng với Hà Nội. Nhưng Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu không chỉ lưu lại những khoảnh khắc đẹp, rất đẹp mà còn mở ra cho chúng ta cả một bảo thàng về thời chiến tranh, bao cấp và những ngày sơ tán về quên trong hai thập niên 60 -70 của thế kỷ trước. Một câu chuyện mang vẻ đẹp huyền hoặc của màu thời gian và sự hoài niệm qua góc nhìn của một cậu bé Hà Nội cũ." - Bình ca (tác giả Quân khu Nam Đồng . . . Chân thật, bình dị nhưng đầy sức hút . Từng trang trong cuốn sách hiện lên qua lời kể của một cậu bé Hà Nội cũ những năm 60 - 70 thế kỷ trước. Đó là những câu chuyện vụn vặt của tác giả, một cậu bé được sinh ra trên đất Hà Thành, kể từ khi biết ghi nhận những chuyện xung quanh và ghi vào trong ký ức dẫu còn non nớt. . Những người hoài cổ chắc chắn sẽ một lần nữa được sống lại trong những bối cảnh quen thuộc: từ phố phường Hà Nội cũ đến những miền đồng quê khi đi sơ tán. . Có thể nói, sức hút của cuốn sách không chỉ nằm ở những câu chuyện, mà còn ở cách mà tác giả viết ra những câu chuyện ấy. Giọng văn, ngôn từ không trau chuốt kĩ càng, không hoa lệ, hào nhoáng nhưng lại lột tả được cái “chất” của cả một thời kỳ. . Cái “chất” ấy có những khoảng đẹp, rất đẹp. Đó là những lần bắt chuồn chuồn ớt giữa trời nắng trên cánh đồng dưa, những hôm tắm sông hay đi hái quả dại ven bờ, những lần đi câu cá diếc, là tiếng pháo nổ đón Tết... . Nhưng ẩn chứa trong những khoảng đẹp ấy là những đau buồn, tiếc nuối. Đó là một Hà Nội với các quầy mậu dịch đông đúc người xếp hàng cùng gương mặt mệt mỏi và các cô mậu dịch viên khó tính. Là những chiếc mũ rơm tránh đạn khi đi sơ tán, có đứa bạn cùng bàn hôm qua còn đội trên đầu nhưng ngày hôm sau đã vắng mặt vì bom mìn. "Chiếc mũ rơm khoác trên vai để em chống Mỹ Chiếc mũ rơm khoác trên vai vẫn đi học đều” . Cái thời kỳ toàn dân ăn độn đến nỗi “Món chuối xanh bung cậu tôi gọi là món “chối”. Món bí đỏ cậu tôi gọi là “bí ử”. Khoai sọ ăn liên tục, cậu gọi là khoai “sợ”... “Thịt là món ăn thường có trong bữa ăn hàng ngày của nhân dân, mà bằng mắt thường ta không thể nào nhìn thấy được.” . Những ngày Mỹ ném bom, Hà Nội lại càng trở nên xơ xác. “Con hắc điểu siêu thanh bay đêm chết chóc vụt qua một giây, tiếng động cơ mới đến đằng sau kéo theo hơi gió rít… Hắc điểu bay đêm lướt sạt đầu chúng tôi để tránh ra đa… . Tin B.52 chính thức ném bom Hà Nội trên đài phát thanh sáng hôm sau khiến cả nhà sốt ruột ngóng tin. Không biết ông bà ngoại và cậu tôi có bình anh không, phố cũ tôi vẫn còn hay đã tan nát sau trận bom đêm. Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam cũng bị đánh bom. . … Cuộc sống trở nên thất thường, tạm bợ, và mọi người như trở thành một con người khác, âu lo vội vàng hơn. … Sinh hoạt đảo lộn, mỏi mệt trong tiếng bom rền..." . . . Trăn trở về những điều chưa xa… nhưng đã bị xem là cũ . Có lẽ điều mà tác giả nhớ nhất về thời ngày xưa ấy chính là “mùi mậu dịch”. . “Khi tôi đến cơ quan mậu dịch, lên tầng hai chơi với các bà, bao giờ cũng được một vài cái bánh chả thơm phức lá chanh, hoặc ít ra là khúc sắn vàng dẻo quánh. Nhưng ấn tượng nhất ở đây là một thứ mùi đặc biệt, là tổng hợp của các thứ mùi. Mùi hồ chua chua từ các súc vải ẩm, mùi men kẹo giấy chảy, mùi mốc các thùng gỗ cũ, mùi hăng hắc từ các con cá chép nhựa mới nhập… Lĩnh xướng trên tất cả loại mùi, có lẽ là mùi khen khét, ngầy ngậy của xà phòng cục 72% Liên Xô. Tổng phổ mùi đó cho đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được, nó ám vào đầu óc rồi, và tôi tạm đặt tên là “mùi mậu dịch”.” . "Hà Nội có tàu điện Đi về cứ leng keng Người xuống và người lên Người nào trông cũng đẹp.” Có lẽ không chỉ tác giả, mà rất nhiều người cũng đã luôn khắc khoải về hình ảnh tàu điện những năm tháng ấy. . “Leng keng leng keng… Khuya sớm đi về một âm sắc thanh giòn, như nhắc với con phố dài ngói nâu ngái ngủ trong những sớm sương bay, rằng cuộc đời vẫn đang chảy trôi. Có thể nói tiếng chuông tàu điện chính là tín hiệu sinh động nhất cho nhịp sống uể oải nơi đất cũ kinh kỳ.” . Đúng như tác giả Trung Sỹ nói, cuộc đời vẫn chảy trôi. Tác giả cũng đã có chia sẻ rằng: “Tất cả những thành phố không riêng gì Hà Nội đều có một tiến trình thay đổi, có những ngày sẽ trôi qua và có những ngày sẽ đến, chúng ta sẽ nhìn thấy sự thay đổi theo thời gian ấy một cách rất bình thường. Những lớp người đi trước như chúng tôi đều không mong muốn lớp trẻ sẽ phải sống lại trong thời thiếu thốn như vậy nữa.”

"Kim Liên một thuở" của Vũ Công Chiến có lẽ sẽ là cuốn mở đầu cho nhóm sách hồi ký về các khu tập thể của Hà Nội. Sau Kim Liên, độc giả có lẽ chờ đợi những câu chuyện về Trung Tự, Lý Nam Đế, Ông Ích Khiêm... Gần 300 trang sách khổ nhỏ và những câu chuyện của một người công chức về hưu đã gắn bó với khu tập thể Kim Liên từ thời "chìa khóa tập thể" tới ngày hàng quán từ đầu đường tới tận sân chung cư là một món ăn tinh thần hấp dẫn và vừa vặn cho một chiều cuối tuần đẹp trời như hôm nay. Xoay quanh những câu chuyện về kiến trúc của một tập thể kiểu mẫu tại Hà Nội - nơi dành cho những cán bộ công tác tại Viện, Bộ... tới hình ảnh những con người gắn bó với bậc cầu thang thấp, những cánh cửa sắt hoen gỉ. Nơi ấy có những đứa trẻ nghịch ngợm, thường xuyên đánh nhau với lũ trẻ trong làng; những bà mẹ "đong đếm" bữa ăn khi mớ rau, con tép cũng phân phát, xếp hàng từ 4, 5h sáng... Đưa người đọc trở về những năm tháng bao cấp - những năm tháng mà "nhà nào cũng nghèo", Vũ Công Chiến xây dựng hình ảnh con người Hà Nội thời ấy hiện lên đầy đủ và sống động với bà Liên Xô, hình ảnh những học giả, những người lính trở về từ cuộc chiến... Mỗi con người, mỗi câu chuyện đều khiến độc giả tò mò và ngỡ ngàng, thấy vừa thân thuộc vừa xa lạ. Bao nhiêu cái hay, cái vui, cái thú vị thì Mị giấu tiệt, nói sơ sơ thế thôi để khuyến khích m.n mua sách đọc, vừa là ủng hộ tác giả và Sống của Alpha, vừa có thêm 1 "kho tàng" đem đi cất trữ làm của riêng. Cái chưa vừa ý thì nói công khai nhé. Hằng kỳ vọng hơn vào một cuốn sách thông qua những câu chuyện của ký ức để có sự so sánh với hiện tại, và từ đó, tác giả bộc bạch nhiều hơn về cuộc đời mình. Dù là người gắn bó với Kim Liên từ những ngày đầu tiên, đi qua cuộc chiến và trở về, gắn bó với nơi đây tới tận bây giờ nhưng đọc hết 279 trang, độc giả vẫn chưa nhìn thấy hình dáng cụ thể của tác giả. Những câu chuyện mới dừng lại ở cái "chung" dù lồng ghép vào đó những điều "riêng" nhưng vẫn chưa thực sự ấn tượng. Cuốn sách mới dừng lại ở việc "kể sự kiện" mà chưa có quá trình bình luận, suy tư để độc giả có thể hiểu rộng và rõ hơn. Người Kim Liên và tập thể Kim Liên thực sự có thể coi là một "vùng văn hóa" và những "nét văn hóa" rất riêng biệt, khác hẳn với những khu tập thể còn lại của Hà Nội ngay kể Nam Đồng ngay bên cạnh, chứ chưa nói tới những khu "chung cư tiên tiến" được xây lên ồ ạt như bây giờ. Còn nhiều và rất nhiều những mong đợi từ phía tác giả nhưng so với những diễm tình, ngôn tình, đam mỹ và đủ các thứ dạy dỗ con người ta làm giàu, thành công khác... thì Hằng một lần nữa khẳng định, đây là cuốn sách rất đáng đọc và đọc rồi chắc chắn sẽ không nỡ buông xuống khi chưa tới dòng cuối cùng.