Có những câu chuyện mãi được yêu thương và nằm trong trái tim bạn đọc suốt năm này qua năm khác. Và Bố con cá gai chính là một câu chuyện như vậy, trong trái tim độc giả Hàn Quốc và thế giới nhiều năm nay. 

Bên cạnh sự hào nhoáng, hoa lệ mà mọi người thường thấy và nghĩ về đất nước Hàn Quốc qua những bộ phim thì trong những tác phẩm văn học cũng khai thác, phản ánh những góc tối, hiện thực tàn khốc của cuộc sống. Đến với câu chuyện Bố con cá gai người đọc không chỉ rơi lệ bởi tình cha con mà còn là sự bế tắc, sự cô đơn, những cuộc sống khó khăn của con người bị tụt lại phía sau một đất nước phát triển nhanh chóng.

Tác giả Cho Chang - In

Nhà văn Cho Chang - in sinh ra ở Seoul, tốt nghiệp cử nhân và cao học tại Đại học Chungang. Ông từng là nhà báo, trong thời gian làm việc trong ngành xuất bản, ông đã thúc đẩy giới thiệu những cuốn sách hay tới bạn đọc. Trở thành nhà văn, ông tiếp tục truyền đi những thông điệp giàu tính nhân văn về giá trị gia đình, ý nghĩa tình yêu chân chính.

Tác phẩm

Với câu chuyện cảm động về tình cha con, Bố con cá gai đã trở thành một trong những cuốn tiểu thuyết được yêu thích nhất tại Hàn Quốc, đồng thời trở thành tác phẩm văn học được Bộ Giáo dục Hàn Quốc khuyên đọc. Không chỉ nhận được nhiều giải thưởng danh giá, tác phẩm còn từng được đưa lên màn ảnh với những diễn viên nổi tiếng.

Nhan đề

Ban đầu khi đọc tác phẩm tôi luôn mang trong mình câu hỏi "Tại sao nhan đề lại là Bố con cá gai"? cho đến khi tôi bắt gặp về những liên tưởng của Daum về bố mình:  

“Cá gai là một loài cá rất kỳ lạ.

Cá gai mẹ sau khi để trứng thì bỏ đi đâu mất. Cứ như thể những quả trứng có ra sao cũng không liên quan gì đến nó vậy. Rốt cuộc chỉ còn lại cá gai bố chăm sóc lứa trứng. Cá gai bố sẽ liều mình chiến đấu với các loài cá khác nếu chúng định ăn mất trứng. Cá gai bố không ăn không ngủ mà chỉ chăm chăm bảo vệ trứng. Rồi trứng vỡ ra, đám cá con lớn nhanh như thổi. Và cuối cùng đám cá gai con lại bỏ rơi cá gai bố, cứ thế theo con đường riêng của chúng. Sau khi cá gai con bỏ đi hết, còn lại một mình, cá gai bố liền đâm đầu vào giữa khe đá mà chết”.

Hình ảnh bố Daum chẳng khác gì hình ảnh chú cá gai trong câu chuyện trên.

1: Sự hy sinh thầm lặng của “Bố cá gai”

Câu chuyện xoay quanh nhân vật Jeong Ho Yeon, anh từng là một nhà thơ đầy triển vọng nhưng chiều lòng vợ, anh đã sớm từ bỏ sự nghiệp ấy để tập chung cho một công việc có thu nhập ổn định hơn. Và chính người vợ ấy đã từ bỏ anh và đứa con trai của mình để theo đuổi khát vọng riêng, một cuộc sống tốt hơn. Khó khăn lại chồng chất khi anh phát hiện con trai mình bị mắc bệnh ung thư máu. Đứng trước những bi kịch của cuộc đời nhiều người sẽ bỏ cuộc, mệt mỏi, than trách số phận nhưng "bố cá gai" thì ngược lại. Có lẽ, Jeong Ho Yeon từng bị bỏ rơi lúc còn nhỏ, trải qua một tuổi thơ thiếu vắng tình yêu thương gia đình nên anh hiểu và làm mọi thứ để Daum không giống như mình. Anh yêu còn bằng tất cả những gì anh có, coi  con là cả thế giới. Anh mang trong mình hai trọng trách khi vừa làm cha vừa làm phải mẹ chăm sóc đứa con ốm yếu, cẩn thận từng chút nhưng chưa một lần than vãn. Anh ôm từng tia hy vọng, làm việc vất vả dành dụm từng đồng tiền để chữa bệnh cho con. Tình yêu thương của anh còn biến thành sự dằn vặt bản thân khi nhìn con trai bị tiêm, đau mà không thể làm gì. Vì con, anh sẵn sàng rời bỏ thành phố Seoul mà lên rừng sinh sống. Cho đến cuối cùng, anh từ bỏ cả lòng tự trọng để có thể cứu sống con. Anh sẵn sàng hiến giác mạc để lấy tiền phẫu thuật cho con. Những lời nói dối của bố cá gai nghe thật đau lòng khi trả lời câu hỏi của Daum. 

"Bố, mắt bố làm sao thế ạ?

À, không có gì đâu. Vì bố có việc gấp nên phải ra ngoài ấy mà. Bố xin lỗi… Mấy hôm nay còn vẫn ngoan chứ?...."

Có lẽ, hình ảnh của người cha đầy tình thương sẽ mãi nằm trong tâm trí tôi như một bằng chứng cho người cha vĩ đại nhất thế gian.

2: Sự dũng cảm, kiên cường của Daum.

Daum - người con trai sinh ra trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Mẹ cậu từ bỏ hai cha con để đi tìm lại ước mơ của mình. Và tất cả những gì cậu có là tình yêu thương vô bờ bến của người cha. Một cậu bé mà mới chỉ 10 tuổi đã phải chịu cảnh thiếu thốn tình yêu của mẹ giờ còn phải gánh thêm nỗi đau về thể xác của căn bệnh quái ác quét mọi hy vọng, ước mơ,... 

 Bác sĩ ơi phải đau thêm bao nhiêu nữa mới thì mới chết được ạ?

Câu nói đó nghe thật đau lòng và khiến không ít người rơi nước mắt. Một đứa trẻ đang sống trong độ tuổi vô lo vô nghĩ, lại mang trong mình những lo lắng, sợ hãi. Mặc dù còn nhỏ nhưng Daum đã biết suy nghĩ về tiền viện phí, hình ảnh tiều tụy của cha và biết thương xót cho những bệnh nhân có hoàn cảnh như em. Cho Chang - in đã rất thành công và tài tình khi miêu tả nhân vật Daum, tuy bất hạnh nhưng cũng làm độc giả vô cùng khâm phục. Daum chịu tiêm rất giỏi, nghe lời bác sĩ, thỉnh thoảng nghĩ về bạn Eun Mi với những chiếc kẹp tóc xinh xắn, cùng lắp lego với bạn cùng phòng.

3: Phép màu cuộc sống.

Dưới những sự cố gắng của người cha cùng với sự mạnh mẽ kiên cường của Daum mà phép màu đã tìm đến  hai bố con. Sau nhiều năm ròng rã chiến đấu cùng căn bệnh tưởng như mọi hy vọng, cố gắng sụp đổ nhưng may mắn đã mỉm cười khi họ tìm được người phù hợp để ghép tủy cho Daum, đó là Midori một cô gái Nhật Bản. Sự sống của Daum như một minh chứng cho tình cha sau hàng trăm lần em đối diện với cái chết. Từng trang sách đều lôi cuốn, được kể qua lời kể của Daum, lời kể của người bố và của tác giả, làm người đọc khó có thể bỏ quyển sách xuống cho đến khi đọc hết quyển sách mới thôi.

Nhưng số phận không cho hai cha con hạnh phúc trọn vẹn, khi đứa con được cứu sống thì cũng là lúc mà cha lại ra đi vĩnh viễn vì căn bệnh ung thư gan. Ta thật xót thương cho hình ảnh ông bố nghèo khổ, vừa phải gồng mình kiếm tiền cho con chữa bệnh, vừa phải gồng mình chống lại căn bệnh quái ác nhưng chưa bao giờ thôi nghĩ và tìm đến những điều hạnh phúc, tốt đẹp cho con. Tuy nhiên, biết đâu kết thúc ấy lại mở ra những khởi đầu mới: là chuyến bay từ Hàn Quốc sang Pháp, tìm lại niềm vui sau những năm chiến đấu với căn bệnh máu trắng… Một kết thúc đau đớn nhưng lại đẹp vô cùng. Nó khiến tôi tin rằng may mắn trên đời này buộc phải đánh đổi bằng sự hy sinh. 

Lời kết

Kết thúc tác phẩm, trong lòng tôi đọng lại những cảm xúc khó tả. Tôi thực sự thương cảm cho số phận của hai cha con họ. Đọc cuốn sách xong, tôi nghĩ mình cần trao yêu thương nhiều hơn, tin tưởng nhiều hơn với những người bên cạnh mình,... Cảm thông trước số phận bất hạnh, nghẹn ngào trong giây phút chia ly, và rung động trước tình cha con quá đỗi thiêng liêng và cao cả là những cung bậc cảm xúc mà người đọc sẽ trải qua khi đến với tác phẩm này, một cuốn sách có khả năng làm mềm lòng những trái tim sắt đá nhất. Tác phẩm Bố con cá gai sẽ mãi nằm trong trái tim độc giả, là chốn dừng chân cho tâm hồn rung động và là lời nhắc nhở về tình yêu gia đình hết sức sâu sắc.

Review chi tiết bởi: Hải Hồng - Bookademy

Hình ảnh: Thùy Linh

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Xem thêm

Anh thì làm gì có tư cách làm bố! Câu nói này buột ra từ miệng một người mẹ đã bỏ con để đi theo đam mê của bản thân, bên người đàn ông khác. Câu nói này của một người vợ hơn 3 năm không gặp, từ Pháp trở về để nói với anh, gay gắt y ngày mà cô quay lưng đi.Người bố ấy có lỗi gì, mà đến tư cách làm bố cũng không có chứ? Anh ấy sinh ra đã khao khát tình phụ tử nơi người cha tật nguyền, kẻ đã hết lần này đến lần khác bỏ anh đi rồi lại đón anh về, ăn bữa mỳ đen cuối cùng trên tàu, xòe ra một nắm thuốc chuột đưa vào tay con trai. Thế nhưng chuyến tàu ấy rồi đưa 2 người về 2 ngả, không bao giờ còn thấy nhau trong cuộc đời này. Chàng trai ghét cay ghét đắng bát mỳ đen đêm ấy rồi cũng trở thành cha, giây phút bế con trên tay là giây phút mà anh biết mình là người hạnh phúc nhất, Daum đã đến, là nguồn sống, là hi vọng, là khao khát trong cuộc đời anh, là thiên thần giúp anh được sống để bù đắp những thương tổn trong quá khứ.Anh thường được giới thiệu với tư cách một nhà thơ, anh có trong tay những bộ sưu tầm thơ cổ mà bất cứ ai say mê văn chương đều mơ ước, anh được bạn bè, hậu bối vô cùng kính trọng, như thể nhắc đến anh và thơ của anh, người ta sẽ nghĩ ngay đến một hiện tượng văn học Hàn Quốc những năm ấy, thế nhưng, anh đã thôi không làm thơ nữa. Cuộc sống cơm áo gạo tiền, lo cho cả gia đình không còn làm anh rung cảm với thơ, anh bạt mạng kiếm sống bằng nghề viết báo, là phóng viên của hết thời báo này đến tuần báo nọ, rồi dịch sách để kiếm tiền.Anh si mê người vợ họa sỹ, anh và vợ ở 2 thái cực khác nhau, hoàn cảnh gia đình khác nhau, lao vào nhau mặc kệ sự ngăn cấm. Anh chết dần chết mòn khả năng thi ca, còn người vợ thì chán ngấy việc anh và con cản trở con đường thăng tiến của mình, rồi người vợ sang Pháp, để lại trong ký ức của Daum hình ảnh người mẹ tẻ nhạt, gắt gỏng và chỉ nấu được mỗi món mỳ ăn liền.Daun ốm, bệnh nặng, bác sỹ chẩn đoán em bị máu trắng, cuộc đời lại một lần nữa biến người bố khốn khổ ấy thành con rối, chạy đi chạy lại, chạy vạy tiền cho con điều trị trong suốt 2 năm ròng rã. Có Daum bố mới có động lực để sống, dù có phải ngồi cả ngày liền dịch bản thảo, đi hết đến nhà xuất bản này đến nhà xuất bản kia lạy lục van xin thì bố vẫn thầy bầu trời đẹp lắm. Có bố thì những ngày điều trị bệnh ung thư của Daum mới không đáng sợ, vì Daum biết mình có khóc, có kêu gào cũng chỉ làm bố lo thêm mà thôi. 2 bố con dã nương tựa vào nhau bền chặt và ấm áp như những cái rễ cây rừng nhiệt đới, chưa một ngày nào ngừng cắm sâu bám chặt vào đất mẹ.Người chồng, với chút hy vọng le lói cuối cùng, gắng ăn mặc thật chỉn chu, mua một bó hoa đến chúc mừng triển lãm tranh của vợ, rụt rè đợi chờ một hình bóng xưa cũ, một sự ngạc nhiên hay một chút tình yêu còn vương lại. Gặp lại vợ, phải là vợ cũ mới đúng, bao nhiêu chất chứa, bấy nhiêu nỗi niềm, và sự mệt mỏi của anh đã bị dội cho bay biến mất, vợ anh vẫn nhìn anh bằng con mắt khinh thường – một người đàn ông kém cỏi, sao anh lại già đi thế này, đến bản thân cũng không chăm sóc nổi.Người bố, đứng giữa sự lựa chọn cho con được sống những ngày cuối cùng tươi đẹp và để con chịu đau đớn trong phòng vô trùng, đã bán nhà, bán nhà đến không biết bao nhiêu lần, chuyển hết những kho báu văn chương của mình đến căn nhà thuê theo ngày, bán laptop và cùng con lên đường đến biển, nơi Daum khao khát được quay lại chuyến dã ngoại ngày xưa có mẹ, và nương náu nơi núi rừng mong một phép màu chữa lành từ thiên nhiên.Người bố, chưa một giây phút nào nghĩ cho bản thân mình, với anh, cuộc đời này có Daum là đủ, Daum hạnh phúc là đủ, và những người yêu thương nhau sẽ lại được ở bên nhau. Để con được sống, được tiếp nhận tủy từ một người xa lạ, để con đủ tiền điều trị trong 3 tuần quan trọng nhất cuộc đời, người bố đã làm một cuộc trao đổi. Bố đứng ngoài phòng vô trùng nhìn sự sống của mình đang hồi sinh, còn Daum – trong lúc đau đớn nhất vẫn mong chờ ánh mắt hi vọng và ấm áp của bố, nhưng bây giờ nó đã khác rồi.Không thể tưởng tượng được rồi người bố lại làm thơ, viết về những tháng ngày cùng nhau của 2 bố con, và cũng chính là món quà cuối cùng anh để lại cho con trong cuộc đời này – dành cho Daum của bố, mãi mãi yêu con.Người bố như vậy đấy, liệu có phải là một người không có tư cách làm bố không? Đến người bác sĩ xa lạ còn hiểu cho nỗi đau đớn vất vả của bố Daum, nói nhà thơ như anh thì nỗi buồn sẽ nhân đôi, rồi đến một ông già thâm sơn cùng cốc còn cảm động mà cho 2 bố con nương náu ở nhờ, đến người bạn cùng phòng bệnh còn an ủi mà tặng bộ Lego cướp biển, thì hà cớ gì, một người đã từng là sinh mệnh, một người đã từng là gia đình duy nhất lại buông ra những lời cay độc phủ nhận tình yêu và sự sống mà 2 bố con anh khao khát cướp lấy từ cuộc đời này.“Con cá gai lúc nào cùng làm tôi nghĩ đến bố. Và nỗi buồn lại dâng lên trong lòng tôi như những đám mây đen. Ôi, bố cá gai của tôi”.

Một câu chuyện đã chạm đến trái tim mình rất sâu sắc. Mình đã khóc rất nhiều khi đọc đến đoạn cuối của câu chuyện.

Bé Daum, một em bé chỉ mới 10 tuổi nhưng dũng cảm chiến đấu với căn bệnh bạch cầu; mặc dù rất đau đớn, em vẫn chịu đựng tất cả, luôn nghĩ lạc quan và tích cực. Em cũng rất thông minh, một em bé 10 tuổi nhưng rất hiểu chuyện, rất ngoan ngoãn. Em yêu thương và quan tâm đến cha từng chút một. Em luôn nghĩ: cha cảm thấy thế nào? Cha có buồn không?

Cha của Daum, một người cha đã cố gắng mọi cách để có thể trả tiền viện phí cho con, chăm sóc và động viên con chiến đấu với căn bệnh ung thư. Đọc câu chuyện, mình cảm nhận được tình yêu to lớn mà ông dành cho Daum. Có lẽ tất cả những người cha trên thế giới đều như vậy. Con cái là trên hết. Con cái là cả thế giới. Con cái là nguồn sống, là nguồn hy vọng lớn nhất.

Tình cha con làm mình rất xúc động. Vì thế, mặc dù cái kết hợp lý, nhưng đối với mình vẫn là một cái kết buồn. Daum đã dũng cảm vượt qua cuộc chiến khốc liệt với ung thư, vậy còn có khó khăn nào mà em không thể vượt qua? Nhưng chỗ dựa tinh thần của Daum không còn nữa, liệu có ai yêu thương và hiểu em như cha của em?