Ảnh: Anne with an E - Netflix

Isn't it amazing how every day can be an adventure?– Anne Shirley

Đây có lẽ là câu thoại tôi yêu thích nhất trong series "Anne with an E" của Netflix. Series được chuyển thể từ tác phẩm "Anne of Green Gable" của nữ sĩ Canada lừng danh L.M. Montgomery. Đã hơn 1 thế kỷ trôi qua, những trang viết ngày nào đã ngả màu trước hơi thở thời đại mới, nhưng hình ảnh cô bé Anne mồ côi, tóc đỏ và mộng mơ vô phương cứu chữa dưới chái nhà xanh làng Avonlea hãy còn sống động, chân thực và là hình mẫu của nhiều bạn gái toàn thế giới, bao gồm chính tôi.

Anne of Green Gable - hàng ngàn thế hệ độc giả say lòng với cô bé không phải qua những phần phim chuyển thể từ năm 1985 hay khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ với âm hưởng hiện đại từ ca khúc "Ahead by a century" của ban nhạc The Tragically Hip trong "Anne with an E" (dù series thực sự xuất sắc). Chúng ta yêu Anne vì Anne là Anne. Nhắc đến Paven trong "Thép đã tôi thế đấy", ta khâm phục Paven vì lí tưởng cao đẹp, bầu nhiệt huyết vô hạn dù thương tật nặng nề. Nhắc đến Holden Caulfield trong "Bắt trẻ đồng xanh", ta đồng cảm với một cậu nhóc tinh tế, thông minh nhưng sống nhầm thời đại. Nhưng nghĩ về Anne, ta yêu em vì chính em. Ta biết em luôn như vậy, dù ở Avonlea hay bất cứ đâu, vẫn cứ là một cô bé thánh thiện, mộng mơ, lạc quan, thông minh và tiến bộ.

Lấy bối cảnh tại ngôi làng Avonlea tưởng tượng thuộc đảo Hoàng Tử (Canada) cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX – khi khuynh hướng gia trưởng chiếm phần đa và phụ nữ chật vật để khẳng định vị trí trong xã hội bên cạnh nghề dạy học truyền thống - nghề nghiệp được chấp nhận cho nữ giới vì nó phần nào liên quan đến vai trò của một người vợ, người mẹ. Anne nổi bật lên như người tiên phong của làn sóng nữ quyền mới. Có khác chăng là em không trực tiếp lập nên hội nhóm nữ quyền nào hay đả đảo cụ thể điều gì, nhưng em thực sự là đại diện sáng nhất thời đại em.

1. Định kiến đến từ mái tóc 

Ảnh: Anne with an E - Netflix

          It is ever so much easier to be good if your clothes are fashionable

Trước khi đến Avonlea, Anne có thái độ khá tiêu cực với mái tóc đỏ hoe của mình. Khi đến Avonlea, em từng bị bà Rachel Lynde nhận xét thẳng thừng về ngoại hình với những từ như “gầy nhom”, “tóc đỏ không giống ai”, “xấu xí” và chúng khiến em tổn thương đến vụn vỡ. Ngay cả trong những ước nguyện thầm lặng về một “kindred spirit” (tâm hồn đồng điệu), em cũng mong người bạn của mình có mái tóc nâu đen tuyệt đẹp và Diana Barry đích thị là người bạn hoàn hảo, xinh xắn của em. Ta tự hỏi tại sao Anne lại chịu quá nhiều sự dò xét về mái tóc trong nhiều năm thơ ấu đến vậy? Phải chăng tóc đỏ gắn với những định kiến tiêu cực như liên quan đến phù thủy, nóng tính và là chủng người dị hợm? Đó có thể là một phần vì vùng quê Avonlea vốn có nhịp sống rất chậm và bảo thủ với quy củ cũ. Nhưng sâu hơn, mái tóc của em là tuyên ngôn cho sự khác biệt. Anne khác với mọi người, vì thế mọi người tự ra quyền được phán xét em. Mái tóc đỏ của Anne cũng đi ngược với vẻ đẹp chuẩn của Avonlea khi một bé gái xinh cần có mái tóc xoăn nâu hoặc vàng óng ả như Diana hay Ruby. Trong khi, đám con trai như Gilbert thì chẳng bao giờ bị phàn nàn về vẻ ngoài. Cùng với mái tóc, Anne đặt mình đứng giữa cuộc đấu tranh nội tâm từ rất sớm, giữa: vẻ ngoài – giá trị nội tại. Dũng cảm thay, dù có phiền muộn với mái tóc đỏ rực, em không thôi hy vọng về một mái tóc nâu khi lớn và vẫn tự do bộc lộ tính cách, sở thích và suy nghĩ.

Ngoài ra, mái tóc đỏ của Anne là đại diện cho sự khác biệt ngoại hình của hàng triệu người khắp thế giới. Cùng với mái tóc, đôi mắt – làn da – dáng người…đều có khả năng bị đặt lên bàn cân của những quy chuẩn nhàm chán, nông cạn. Có ai từng bảo bạn rằng cánh mũi to khiến mặt bạn thiếu nữ tính? Dáng người cao trông gộc ghệch phát khiếp? Hay ngực quá lép để được gọi là con gái? Nó xảy ra mỗi ngày với mỗi người, từ mọi nơi. Nếu đối diện với những nhận xét đến từ một tâm trí nhỏ mọn, thủ cựu như vậy, hãy như Anne. Lời chê giúp bạn trân trọng mình hơn và không gì ngăn cản được giấc mơ trong tim bạn.

2. Nuôi dưỡng trí tưởng tượng

 Ảnh: Anne with an E - Netflix

       It's delightful when your imaginations come true, isn't it?

Trí tưởng tượng là đặc điểm nổi bật của Anne. Nhờ có nó, một bé gái mồ côi thiếu thốn tình thương cha mẹ từ thuở lọt lòng vẫn luôn dành cho cuộc sống tình yêu tha thiết nhất, cuồng nhiệt nhất. Nhờ có nó, mỗi vùng đất em qua đều là một thế giới thần tiên để em yêu, em sống và em cống hiến hết mình. Nhờ có nó, em vượt qua được tất cả nỗi buồn, sự tuyệt vọng và cả sự ngột ngạt của giáo điều. Phải nói, tưởng tượng là chìa khóa để Anne tóc đỏ trở thành Anne của hàng ngàn thế hệ độc giả. Trí tưởng tượng là “sức mạnh mềm” của Anne, gây kinh ngạc cho người rụt rè nhất thế gian là Matthew và thổi một làn gió mới đến Chái Nhà Xanh nói riêng, Avonlea nói chung. Lại nói, ở thời điểm đó, nữ giới bị gắn với những công việc “hạn chế trí tưởng tượng” như: thêu thùa, may vá, trông con, chăm chồng…Dù được giáo dục nghiêm khắc từ khi còn nhỏ trong một gia đình gia giáo, Diana – bạn tâm giao của Anne cũng chỉ được dạy dỗ để hướng đến một nhiệm vụ: làm vợ, làm mẹ. Tình bạn đặc biệt với Anne giúp Diana thoát khỏi phần nào sự kìm hãm của gia đình và học được một chút tưởng tượng – điều Diana quá xa lạ. Tuy nhiên, trí tưởng tượng có 1 – 0 – 2 nhiều lần khiến Anne rơi vào rắc rối đến mức bà Marilla phải thốt lên: “Con là đứa trẻ dễ vướng vào rắc rối nhất ta biết”. Song, nó cho Anne nhiều trải nghiệm hơn bất cứ bè bạn nào và gắn kết em với khả năng thấu cảm đáng nể. Em luôn coi việc “nuôi dưỡng trí tưởng tượng” là một công việc quan trọng và cần thực hành mỗi ngày, nhờ thế, Anne có thể nhìn và cảm những điều mà hầu hết dân làng Avonlea không thể hiểu nổi. Đặt trong bối cảnh ngày nay, sự sáng tạo của Anne là “chìa khóa vàng” trong mọi công việc. Tưởng tượng nếu làm trong ngành truyền thông, hẳn Anne sẽ luôn là “át chủ bài” trong mỗi chiến dịch!

3. Cây bút tiềm năng

        If you have big ideas,  you have to use big words to express them, haven't you?

Như tác giả L.M. Montgomery, Anne Shirley là một cây bút tiềm năng và em có khả năng sử dụng ngôn ngữ sống động với lượng từ vựng đa dạng do niềm đam mê đọc sách. Em đã sáng lập lên câu lạc bộ viết truyện với Ruby và Diana – một quyết định tiến bộ và mang hơi thở thời đại mới. Em cùng các thành viên cũng rất tuân thủ nội quy khi có bài tập về nhà và luôn chia sẻ, sửa chữa những câu truyện tự sáng tác cho nhau nghe. Thậm chí, CLB còn gửi truyện hay nhất cho bà Barry đọc theo kỳ. Bên cạnh đó, ấn tượng của mọi người về Anne khi nói chuyện là cách Anne hay dùng “big words” (từ đao tu búa lớn). Đặc điểm này của Anne được lấy từ chính bản thân tác giả hồi nhỏ, và sau này với tác phẩm đầu tay “Anne of Green Gable”, bà chính thức đứng trong hàng ngũ những cây viết vĩ đại nhất Canada và thế giới, đưa quê hương Đảo Hoàng Tử Edward trở thành điểm du lịch nổi tiếng toàn cầu. Khi lớn hơn, Anne cũng ít dùng “big words” hơn vì em nhận ra có những ý nghĩ giữ trong tim còn mạnh mẽ hơn tiếng nói. Tuy nhiên, năng khiếu văn chương đóng vai trò đáng kể khi Anne thể hiện quan điểm và ý nghĩ của mình, điều này giúp em để lại ấn tượng sâu đậm với bất cứ ai từng tiếp xúc với em.

4. Điều gì một cậu con trai làm được – Anne làm được

Khi nhận ra Marilla và Matthew có ý định trả lại mình cho viện mồ côi, Anne đã tức giận khi cho rằng anh em nhà Cuthbert không nhận em vì em là một bé gái. Em khẳng định: “Điều gì một cậu bé làm được, cháu cũng làm được”. Cần biết rằng trong xã hội theo khuynh hướng gia trưởng, các bé gái được dạy dỗ rằng: nữ giới cần thế này, nữ giới không làm được cái kia…Nhưng vì Anne mồ côi nên lớn lên như cỏ dại, cộng hưởng với bản tính mạnh mẽ, độc lập, Anne luôn trân trọng chính mình và không chấp nhận bị khuất phục bởi bất cứ cậu con trai nào, dù đó là Gilbert Blythe. Ở trường, em miệt mài học tập để đứng đầu lớp, cạnh tranh công khai với Gilbert – cậu bé nổi tiếng nhất trường. Em cũng chưa bao giờ bị sao lãng bởi một cậu bé nào như Ruby hay Diana và không cho phép bất cứ ai đánh giá sai lệch, đùa cợt mình. Đỉnh điểm, khi Gilbert giật tóc và gọi Anne là “cà rốt”, em thẳng thừng đánh cậu bé vỡ bảng và ‘cạch mặt’ mấy năm trời. Sự dứt khoát, độc lập và cầu tiến của Anne là những nét tính cách được khuyến khích nhiều nhất ở thời hiện tại. Thế mà, một cô bé 11 tuổi mồ côi tại vùng quê cách đây hơn 100 năm đã mang sẵn tất cả tính cách ấy. Dù mạnh mẽ, độc lập nhưng khi yêu Anne trở thành một phụ nữ quyến rũ đích thực. Trong các bức thư gửi Gilbert tại tập 4 “Anne tóc đỏ dưới mái nhà Bạch Dương”, ngôn ngữ tình yêu và sự sôi nổi tuổi trẻ khiến người đọc thời nay không khỏi kinh ngạc. Một cô bé cá tính trong cuộc sống nhưng dịu dàng khi yêu, minh bạch – dứt khoát đôi đường, quả đáng khâm phục. Các bạn gái ngày nay cần học tập ở Anne sự dứt khoát này!

 

                                     Ảnh: Anne of Green Gable (1985 film)

Bên cạnh quan điểm tiến bộ về vai trò của nữ giới, “Anne of Green Gable” còn có một điểm sáng, chính là tác phẩm đã phá vỡ định nghĩa thông thường về một đứa trẻ ngoan. Một đứa trẻ ngoan không phải là đứa trẻ đặt đâu ngồi đấy, luôn sạch sẽ tinh tươm và không bao giờ thắc mắc vu vơ. Đó là đứa trị bị kìm hãm. Một đứa trẻ thực sự là đứa trẻ luôn ngạc nhiên với mọi thứ xung quanh, không ngừng đặt câu hỏi và đôi khi không nghe lời vì làm theo ý riêng. Anne, như ta thấy, là một cô bé thực sự. Hơn nữa, truyện cũng ‘dấy’ lên câu hỏi về lòng can đảm? Lòng can đảm không biểu hiện qua vẻ ngoài. Nếu bạn là con gái, bạn có thể đắm chìm trong giấc mộng về tay áo phồng nhưng vui vẻ với mái tóc tém khi đi mua đồ cho mẹ, bạn có thể làm bánh nướng thật ngon mỗi dịp lễ và tám chuyện với hội chị em nhưng không ngừng phấn đấu để đại diện cho một cơ sở, một doanh nghiệp. Can đảm qua ý chí, chứ không phải qua cái váy – mái tóc hay dáng hình.

Dù sở hữu nhiều giá trị tiến bộ cùng lối viết duyên dáng, tinh tế, series “Anne of Green Gable” không phải một viên ngọc không có vết xước. L.M Montgomery vẫn bị ảnh hưởng phần nào bởi áp lực về giới bấy giờ, khi khắc họa Anne hào sảng, độc lập, học thức (Anne sau này trở thành hiệu trưởng một trường học) nhưng ngay sau khi Anne lấy Gilbert, Anne cũng bị quay cuồng trong vai trò làm vợ, làm mẹ vì sinh rất đông con (7 con, 1 con chết lúc sơ sinh) mà tạm gác lại nhiều dự định văn chương. Bản thân L.M Montgomery ngoài đời có cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. Chồng bà là người không có hứng thú với văn chương và hai vợ chồng không có điểm chung. Hai người có 3 con, trong đó người con thứ 2 chết khi vừa sinh ra. Bà có người trong mộng nhưng họ không bao giờ đến được với nhau nên bà đành gửi gắm hình ảnh chàng vào nhân vật Peter Craig (The Story Girl). Phải chăng ước mơ không thành về một gia đình lớn với người chồng tâm giao đã truyền cảm hứng để bà tạo ra cái kết cho series “Anne of Green Gable”? Cũng chính nhà văn từng thổ lộ, tuổi thơ của Anne là tuổi thơ bà ao ước nhưng không có do gánh nặng vật chất và sự ruồng bỏ từ người cha.

Gấp cuốn sách lại, câu nói của Anne vẫn như văng vẳng trong tâm trí tôi, nhiều giờ liền: “Bạn luôn có thể tận hưởng cuộc sống nếu bạn quyết định sẽ làm thế”. Cô bé Anne của tôi, cô bé Anne của chúng ta, dù trải qua điều khủng khiếp hay một bi kịch đau thương nào, vẫn luôn lạc quan và giàu tưởng tượng như thế. Có ai ngờ? Hơn nữa, thông điệp nữ quyền của Anne không đao to búa lớn, phân trần kêu gọi, chỉ nhẹ nhàng và đơn giản nghiêng theo suy nghĩ của Anne, nhưng sức lan tỏa thì ảnh hưởng sâu đậm tới nhiều thế hệ và sẽ còn sống mãi trong tương lai. Với bản thân tôi, Anne là một kindred spirit, là nguồn động viên lớn để tôi yêu thương mình hơn, tự tin hơn và độc lập hơn, và tôi biết mộng mơ chẳng có gì sai trái cuộc sống này. Vì "kẻ mộng mơ có thể thay đổi thế giới".


Review chi tiết bởi: Thủy Ngân - Bookademy 

Hình ảnh: Sưu tầm 


--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

 

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


Xem thêm

"Anne Tóc Đỏ Dưới Chái Nhà Xanh" mang đến nhiều thông điệp sâu sắc về cuộc sống, tình yêu thương, và sự trưởng thành. Một trong những thông điệp chính là giá trị của trí tưởng tượng và tinh thần lạc quan. Anne Shirley, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn từ khi còn nhỏ, vẫn luôn giữ được sự lạc quan và trí tưởng tượng phong phú. Chính điều này đã giúp cô vượt qua những thử thách và mang lại niềm vui cho bản thân cũng như cho những người xung quanh. Qua nhân vật Anne, tác giả truyền tải thông điệp rằng, dù cuộc sống có nhiều thử thách, nhưng nếu giữ được sự lạc quan và tin tưởng vào những điều tốt đẹp, chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc.


Cuốn sách cũng đề cao tình cảm gia đình và sự gắn kết cộng đồng. Mối quan hệ giữa Anne với Marilla và Matthew Cuthbert, từ những người xa lạ trở thành gia đình, là một minh chứng cho tình yêu thương vô điều kiện và sự chấp nhận. Anne không chỉ thay đổi cuộc sống của Marilla và Matthew mà còn giúp cả cộng đồng Avonlea trở nên sống động và gắn kết hơn. Thông qua đó, tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của tình yêu, sự quan tâm và chấp nhận lẫn nhau trong việc xây dựng một gia đình và cộng đồng hạnh phúc.


Bên cạnh đó, giá trị của sự khác biệt và cá tính riêng cũng là một thông điệp quan trọng. Anne là một cô bé khác biệt, không chỉ bởi mái tóc đỏ, mà còn bởi cách suy nghĩ và hành xử của mình. Tuy nhiên, chính sự khác biệt ấy lại làm cho cô trở nên đặc biệt và yêu quý. Tác giả khuyến khích người đọc hãy trân trọng và thể hiện bản thân, không ngại ngần bộc lộ cá tính và những suy nghĩ riêng, vì đó là điều khiến mỗi người trở nên độc đáo và đặc biệt.


Những thông điệp trong tác phẩm không chỉ đơn thuần là những lời dạy bảo, mà được lồng ghép một cách tự nhiên qua câu chuyện cuộc đời Anne, khiến người đọc dễ dàng cảm nhận và đồng cảm.

Cuộc sống hạnh phúc và yên bình ở vùng quê Canada vào đầu thế kỷ XX, như được miêu tả trong "Anne Tóc Đỏ Dưới Chái Nhà Xanh," hiện lên qua bức tranh thanh bình của làng Avonlea. Đây là nơi mà nhịp sống chậm rãi, đơn giản và gần gũi với thiên nhiên, đối lập với sự ồn ào, hối hả của các thành phố lớn. Người dân sống hài hòa với môi trường xung quanh, chăm sóc ruộng vườn, canh tác mùa màng và nuôi gia súc, tạo nên một cuộc sống dựa vào nông nghiệp, tự cung tự cấp.


L.M. Montgomery đã khéo léo tái hiện cuộc sống làng quê với những hình ảnh đặc trưng: những căn nhà gỗ nhỏ nhắn, những vườn hoa tươi tốt, những cánh đồng trải dài, những con đường mòn bao quanh bởi hàng cây phong. Các mùa trong năm được chuyển đổi rõ nét, từ mùa xuân tươi sáng, mùa hè rực rỡ cho đến mùa thu êm đềm và mùa đông lạnh giá, khiến người đọc như được hòa mình vào khung cảnh đó.


Hạnh phúc ở Avonlea không chỉ đến từ vẻ đẹp tự nhiên, mà còn từ những mối quan hệ thân thiết giữa con người với con người. Dù không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng cộng đồng ở đây rất gắn kết, luôn sẵn lòng giúp đỡ nhau khi cần. Cuộc sống nơi đây xoay quanh những sinh hoạt đời thường như làm vườn, tổ chức các buổi lễ hội, những chuyến đi chợ phiên, và những bữa ăn tối quây quần bên gia đình. Điều này đã tạo ra một cảm giác ấm áp, bình yên, khiến Avonlea trở thành biểu tượng của một cuộc sống giản dị nhưng đủ đầy, nơi con người tìm thấy niềm vui từ những điều nhỏ bé và đơn giản trong cuộc sống hàng ngày.


Cách tác giả khắc họa cuộc sống ở Avonlea không chỉ là sự hoài niệm về một thời kỳ đã qua, mà còn là lời nhắc nhở về giá trị của tình yêu thương, sự chân thành và những niềm vui giản dị mà đôi khi cuộc sống hiện đại khó có thể mang lại.

"Anne Tóc Đỏ Dưới Chái Nhà Xanh" (Anne of Green Gables) của L.M. Montgomery là câu chuyện kể về Anne Shirley, một cô bé mồ côi tóc đỏ có trí tưởng tượng phong phú và tinh thần lạc quan, được nhận nuôi bởi hai anh em già Marilla và Matthew Cuthbert tại vùng nông thôn yên bình của Green Gables ở làng Avonlea. Ban đầu, Marilla và Matthew định nhận một bé trai để giúp việc nhà, nhưng qua một sự nhầm lẫn, họ lại được gửi đến một bé gái. Mặc dù không như ý muốn ban đầu, nhưng Anne với tính cách hoạt bát, thông minh và đáng yêu đã dần chinh phục được trái tim của hai anh em.


Cốt truyện theo chân Anne từ khi cô đặt chân đến Chái Nhà Xanh, trải qua những khó khăn, hiểu lầm và những phút giây vui vẻ trong hành trình lớn lên và hòa nhập vào cộng đồng mới. Anne không chỉ mang đến tiếng cười, niềm vui mà còn thay đổi cuộc sống của những người xung quanh bằng sự nhiệt tình và lạc quan của mình. Những sai lầm do tính cách quá sôi nổi và trí tưởng tượng bay bổng của Anne dẫn đến nhiều tình huống hài hước, nhưng cũng giúp cô học được những bài học quý giá về tình bạn, gia đình, lòng dũng cảm và tình yêu thương.


Cuốn sách đặc biệt ở chỗ nó không chỉ là một câu chuyện về một cô bé mồ côi tìm thấy gia đình, mà còn là bức tranh sinh động về cuộc sống tại vùng quê yên bình của Canada vào đầu thế kỷ 20, với những miêu tả tuyệt đẹp về thiên nhiên, các mối quan hệ cộng đồng và sự trưởng thành của nhân vật chính qua từng trang sách.