Những điều bí ẩn luôn luôn làm con người ta tò mò và ưa thích khám phá. Chính vì vậy, Ai Cập-một quốc gia với nền văn minh lâu đời luôn là một điểm thu hút các du khách, những nhà khảo cổ, nhà khoa học. Nếu bạn là một người cũng ưa thích tìm hiểu về Ai Cập, bạn sẽ không thể bỏ qua cuốn sách Dấu chân trên cát. Đây là một cuốn sách hay tái hiện lại một thời quá khứ huy hoàng của Ai Cập đã vùi sâu trong lòng cát, nó được kể qua lời của Sinuhe - một nhân vật có thân thế mơ hồ. Theo sử gia Herodotus ghi nhận:

Một người Ai Cập có tên là Sinuhe đến Hi Lạp mở trường dạy học. Ông có rất đông học trò. Sau khi ông qua đời, học trò của ông đã góp phần xây dựng Hi Lạp trở thành một quốc gia văn minh, hùng cường mà các thế hệ sau này gọi là thời buổi hoàng kim của các triết gia. Học trò của ông là Plato, Aristole,…

Sự ra đời của cuốn sách

Cuốn sách Dấu chân trên cát được ra đời trong một lần tác giả Mika Waltariđi du lịch Hi Lạp, ông nghe kể về Sinuhe, một giai thoại phổ thông vẫn được lưu truyền trong dân gian xứ này. Ông đã tìm hiểu, tiếp xúc với các bô lão để ghi chép, thu thập chi tiết về nhân vật lạ lùng này, rồi thêm vào đó một vài tình tiết với ý định sẽ dựng lên một vở kịch lớn nhưng nửa chừng, ông bỏ ý định và soạn thành cuốn tiểu thuyết The Egyptian (tạm dịch: Dấu chân trên cát). Xuất bản năm 1945, The Egyptian là một trong những cuốn sách có số bán rất chạy và đã được tái bản nhiều lần. Cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Ở Việt Nam, Dấu chân trên cát cũng được độc giả đón nhân nhiệt tình, nó được dịch bởi Nguyên Phong-một dịch giả nổi tiếng với hàng loạt sách về văn hóa và tâm linh như: Hành trình về phương Đông, Ngọc sáng trong hoa sen, Hoa sen trên tuyết, Đường mây qua xứ tuyết, …

Nhan đề

Ban đầu, khi mới đọc nhan đề cuốn sách, mình nghĩ rằng nội dung chắc hẳn sẽ nói về những điều bí ẩn, mới lạ mà các nhà khoa học tìm kiếm được trong hành trình khám phá Ai Cập cổ đại. Nhưng sau khi đọc cuốn sách, mình lại có suy nghĩ khác. Trong thực tế, những bước chân của ta trên cát chỉ in dấu một lúc rồi sau đó sẽ biến mất, những hạt cát mỏng nhẹ không thể lưu giữ bước chân chúng ta. Theo đó, những gì được xây dựng trên cát chỉ huy hoàng trong một thời gian ngắn và sau đó sẽ tàn lụi. Ai Cập cổ đại cũng như những dấu chân trên cát, nó đã từng để lại dấu ấn nhưng không thể tìm lại và lưu giữ vẹn nguyên như trước mà nay chỉ là quá khứ mơ hồ.



Tóm tắt truyện

Câu chuyện là lời tự thuật của Sinuhe về cuộc đời của mình, xen lẫn vào đó là tình hình chính trị-xã hội, những đặc sắc về đời sống văn hóa-tâm linh của quốc gia Ai Cập. Sinuhe là con của là y sĩ Seen Moot-một lương y nổi tiếng nhân từ chuyên chữa bệnh cho người nghèo không lấy tiền, còn mẹ ông là con nhà thế gia vọng tộc nhưng không đam mê cuộc sống giàu sang phú quý. Chính vì điều đó đã ảnh hưởng đến bản thân Sinuhe, ngay từ đầu ông đã lựa chọn một cuộc sống thanh bần, giản dị như cha mẹ của mình. Tốt nghiệp trường y khoa Abydos, ông trở về quê hương và trở thành một y sĩ. Tuy nhiên, cuộc sống không diễn ra êm đềm theo như những gì chúng ta muốn. Một thời gian sau đó, ông gặp phải nhiều sự kiện, biến cố làm thay đổi cuộc đời mình. Sinuhe trở thành một người hoàn toàn khác: luôn đem lòng hận thù, dằn vặt vì những tội lỗi, chạy theo tiếng gọi của danh vọng, quyền lực và đồng tiền. Nhưng cuối cùng, khi mọi hiểu lầm được hóa giải, ông trở về như xưa, là một người nhân hậu, vị tha, hết lòng vì đất nước. Nhưng triều đình rối ren, các phe phái tranh giành nhau quyền lực, Sinuhe cũng bị cuốn vào vòng xoáy ấy đến mức không thể thoát ra khỏi. Chỉ có một cách duy nhất mà hoàng đế Amenophis bày ra, tránh cho Sinuhe gặp phải tai họa, đó là đẩy Sinuhe đi lưu đày, không cho ông quay trở lại Ai Cập nữa. Kết thúc truyện là một kết thúc mở, Sinuhe yêu cầu Smenkere đưa ra đến một vùng đất mới, đó chính là Hy Lạp.

Những kiến giải về quy luật vận động của vạn vật

Dấu chân trên cát không chỉ lôi cuốn bởi cốt truyện hấp dẫn, logic mà còn bởi những lí giải của người xưa về quy luật vận hành của vạn vật. Tại sao con người mắc bệnh ? Đó là do có thái độ sống, hành động ngược lại với tự nhiên, lây nhiễm bệnh là bởi vì năng lượng chữa trị giữa bệnh nhân và y sĩ có sự trao đổi, qua lại với nhau, hậu quả là y sĩ cũng bị nhiễm bệnh từ bệnh nhân mà không hề hay biết,… Đặc biệt, trong cuốn sách, người đưa ra những đúc kết về quy vật vận động của tạo hóa nhiều nhất chính là hoàng đế Akhenaten Amenophis, ông là người có trí thông minh và tầm nhìn xa trông rộng. Trong mắt mọi người, Akhenaten là người mơ mộng hão huyền, làm việc thiếu thực tế.Nhưng tất cả những điều mà ông làm hiện tại đều có lí do riêng của nó. Hơn ai hết, ông hiểu rõ những sai lầm của đời trước đã gây ra những cảnh khổ đau khiến nhân dân phải gánh chịu, ông muốn sửa chữa sai lầm ấy bằng cách đưa ra hàng loạt những luật lệ táo bạo mà chưa một Pharaoh nào thực hiện như: chủ trương hòa bình với các nước láng giềng, bãi bỏ sưu thuế, tôn thờ chiếc đĩa tròn (Aten),…Cách suy nghĩ của ông cũng khác so với số đông, ông có suy nghĩ khác về chiến tranh, về việc thay đổi chính bản thân mình, về vấn đề giáo dục, ...Những suy nghĩ ấy vô cùng mới mẻ, độc đáo mà chính bản thân chúng ta hiện nay cũng chưa hề nghĩ tới. Những điều này được đúc kết từ quá trình học tập, trau dồi kinh nghiệm hằng ngày, nó phần nào phản ảnh được trình độ của người Ai Cập cổ đại đã đạt đến đỉnh cao của nhận thức và tư duy.



Những bí ẩn được khám phá

Hiện nay, Ai Cập cổ đại vẫn là một ẩn số. Bởi có quá nhiều bí mật thuộc về thế giới tâm linh đã cách đây hàng ngàn năm, khó có thể tìm được đáp án chính xác. Một trong những cách trả lời phù hợp nhất có thể được tìm thấy trong Dấu chân trên cát. Hàng ngàn câu hỏi như: Tại sao các đạo sĩ lại có nhiều phép thuật kì lạ, có thể đoán biết tương lai bằng cách quan sát các vì tinh tú trên bầu trời, chết đi sống lại, ướp xác ngàn năm không bị phân hủy, đến những câu hỏi về phong tục chôn cất người sống, thờ cúng hàng trăm vị thần,…Tất cả đều được giải đáp thông qua lời thuyết giảng của các vị đạo sĩ, những bậc tiền bối mà Sinuhe theo học ở trường Khoa học về sự sống, Khoa học về sự chết, qua lời giảng giải của người cha, của Pharaoh Akhenaten. Đó đều là những kinh nghiệm quý giá, không được lưu truyền rộng rãi ra bên ngoài. Ví dụ như cách ướp xác truyền thống của người Ai Cập, mục đích là để bảo vệ phách và danh. Các nghi thức ướp xác, tẫn liệm và chôn cất tại các ngôi mộ có vị trí đặc biệt, liên hệ với các bầu tinh tú, nghi thức này chỉ được dành riêng cho một số ít người trong hoàng tộc, họ cho rằng cõi giới bên kia cũng có sự sống như cõi hữu hình. Do đó, các chủng loại vô hình cũng được cung ứng những điều kiện sinh hoạt cần thiết, thích nghi riêng với chúng. Có thể nhiều người không tin vào tâm linh, họ coi đó là điều huyễn hoặc, ảo tưởng, nhưng thực chất chúng ta không thể nào biết hết tất cả. Những gì mà chúng ta tìm hiểu được chỉ là một phần rất nhỏ.Những bí ẩn của tạo hóa, về tâm linh luôn luôn là một điều gì đó gây tò mò, thử thách chúng ta. Và Dấu chân trên cát mang tới nhiều những lí giải thú vị về mặt này, phần nào thỏa mãn trí tưởng tượng của người đọc, người nghe.



Những mặt trái bị khuất lấp

Ai Cập mà chúng ta biết đến không chỉ với những bí ẩn tâm linh bị vùi lấp hàng ngàn năm mà nó còn là một vương triều huy hoàng với những đấng Pharaoh toàn năng, những đội quân dũng mãnh chinh phạt khắp nơi, những vị hoàng hậu nổi tiếng xinh đẹp, thông minh. Là một đất nước có triều đại từ rất sớm, khi thế giới còn đang trong buổi sơ khai thì Ai Cập đã phát triển và đạt những thành tựu rực rỡ về mặt chữ viết, toán học, y học, ...Nhưng vương triều nào cũng vậy, huy hoàng đến đâu thì cũng vẫn có những khoảng tối với những bí mật không bao giờ được bật mí. Chỉ khi nằm trong hoàn cảnh đó, ta mới biết nó không hào nhoáng, đẹp đẽ như bề ngoài chút nào.Những mâu thuẫn nội bộ trong triều đình, những phe phái tranh giành nhau, tất cả đều được khắc họa rõ nét qua lời tường thuật của người trong cuộc Sinuhe. Khi được  vào cung, trực tiếp chứng kiến mọi việc diễn ra trong đó, ông nhận thấy rằng khi con người ta đã có tất cả mọi thứ trong tay nhưng vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn, càng lên cao lại càng muốn cao nữa. Lòng tham con người là không giới hạn. Những giá trị tình cảm tốt đẹp, lòng yêu thương giữa con người với con người không còn quan trọng bằng quyền lực, địa vị. Chính lòng tham không đáy đã hủy hoại nhân cách, tâm hồn con người và đẩy họ vào kết cục thảm hại, không như mong muốn. Đó bà mẹ của Pharaoh Amenophis, bởi khát vọng muốn được cai trị cả đất nước mà không từ một thủ đoạn nào, bà ta sẵn sàng tìm mọi cách để từng bước leo lên ngôi vị cao nhất. Từ xuất thân là con nhà thuyền chài không có nhan sắc, vì biết vận dụng những mánh lới: tiêu diệt các phe phái chống đối, tráo đứa con mới sinh của hoàng hậu cũ để con mình được làm vua, nhưng khi đứa con trai không làm theo ý mình, bà ta liền có ý định giết hại và thay đứa con gái là công chúa Baketamon vào ngôi vị. Cuối cùng, bà ta phải trả giá bằng một cái chết vô cùng bi thảm. Hay như tướng Smenkere và Homremheb-người bạn thân duy nhất của Sinuhe, những tưởng họ sẽ là người trung thành với Amenophis nhưng vì ngôi vị Pharaoh mà họ đã bán đứng người tin tưởng mình. Rồi đến các phe nhóm trong triều, họ luôn luôn bất mãn, đối đầu nhau, diệt trừ nhau nếu người đó động đến quyền lợi của mình. Chính những điều đó đã gây ra hậu quả nghiêm trọng: đất nước lầm than, dân chúng khốn khổ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà tác giả đề cập tới để lí giải lí do vì sao vương triều Ai Cập lại dần dần bị diệt vong, sụp đổ. Sinuhe-một người lương thiện đến ngây thơ, có lẽ không thể chịu nổi những biến động này, sau khi Amenophis mất, để quên đi những buồn đau, ông và Meryt đã rời xa nơi này và tìm đến Hy Lạp. Kết thúc truyện là hình ảnh đẹp nhưng phảng phất u buồn – sự huy hoàng đang dần vụt tắt, chỉ còn lại là những kỉ niệm và con người cô độc, lẻ loi giữa dòng đời:

               Mặt trời từ từ lặn, những tia nắng rơi rớt vương vấn trên các cồn cát sa mạc. Xa xa, một con chim lạc lõng bay.

Phần kết

Dấu chân trên cát mang lại nhiều cảm xúc cho người đọc, càng đọc càng lôi cuốn bởi những tình tiết thú vị, hấp dẫn, những mâu thuẫn được đẩy lên cao và những nút thắt dần được tháo gỡ. Không chỉ nói về văn hóa Ai Cập, nó còn bày tỏ quan điểm về những vấn đề xã hội. Cuốn sách ra đời cách đây nhiều năm nhưng nội dung không hề cũ mà vẫn luôn mới mẻ, thu hút người đọc người nghe.

Tác giả: Thanh Hằng – Bookademy

______________
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
Xem thêm

“Dấu chân trên cát – Nguyên Phong phóng tác” viết về một vị y sĩ Sinuhe, con của hoàng hậu – vợ Pharaoh đời trước, khi mới sinh ra đã bị một phi tần khác đánh tráo với xác mèo đen để soán ngôi hoàng hậu. Trải qua bao thăng trầm của triều đại, được học tại cả Trường Khoa học dành cho người sống và Trường Khoa học dành cho người chết, sự điểm đạo vô cùng chi tiết của Pharaoh Akhennaten, Sinuhe trở thành một trong những học giả vô cùng uyên bác mang trong mình sứ mệnh lưu giữ, truyền dạy và phục hưng nền văn minh Ai Cập cổ đại huy hoàng. Bị cuốn vào vòng xoáy quyền lực tanh máu giữa các thế lực trong triều nhằm lật đổ Pharaoh, Sinuhe cuối cùng cũng biết được dòng máu hoàng gia vẫn chảy trong mình. Vị Pharaoh “đặc biệt nhất trong các vị Pharaoh” – Akhennaten, đã rất sáng suốt trong việc thay đổi chính sách cai trị, quân sự, thần quyền, đã đưa ra những quyết định mang tính cách mạng để cải tổ Ai Cập. Và cũng chính vị vua minh triết này đã gieo duyên lành, cứu Sinuhe khỏi cái chết bằng cách dùng mệnh lệnh cuối cùng của mình, đày Sinuhe ra khỏi Ai Cập vĩnh viễn. Chính từ nguyên nhân này, Sinuhe có cơ hội truyền bá nền văn minh Ai Cập cổ đại tới Hy Lạp và tạo nên các thế hệ học trò vô cùng nổi tiếng sau này như: Plato, Socrates, Aristole, Epictetus, vv… Chính họ đã góp phần xây dựng Hy Lạp trở thành một quốc gia văn minh, hùng cường mà các thế hệ sau gọi là: “thời buổi hoàng kim của các triết gia”. “Dấu chân trên cát” đưa ta về triều đại Pharaoh duy nhất yêu thích sự hoà bình, ghét chiến tranh xung đột, chú trọng giáo dục, văn hoá, nghệ thuật, am hiểu chiêm tinh và biết sống thuận theo tự nhiên, vũ trụ. “Các vì tinh tú, vũ trụ có thể ảnh hưởng tới cuộc sống mỗi quốc gia, dân tộc, con người, thì ngược lại, mỗi con người, mỗi quốc gia, dân tộc bằng suy nghĩ, hành động cũng có thể ảnh hưởng tới vũ trụ, tới các vì tinh tú” – một quan điểm vô cùng sâu sắc của Pharaoh Ahkhenaten.

“Dấu chân trên cát – Nguyên Phong phóng tác” Cuốn sách cho tôi có những trải nghiệm tưởng tượng về cuộc sống của vua chúa, của các Pharaoh, các hoàng hậu và phi tần trong cung thời đại hoàng kim của Ai Cập. Biết rằng Ai Cập đã có một vị Pharaoh hiểu biết và lý tưởng đến như vậy, và đó là lý tưởng tôi sẽ theo đuổi. Lý tưởng đó tìm về cội nguồn của chiến tranh, nguồn gốc của sự thịnh vượng là trí tuệ của người dân. Chỉ vì quá đề cao dân tộc của mình mà dân Ai Cập phải chịu đau khổ, sa vào vũng lầy của thù hận, tranh giành và tội lỗi chỉ vì của cải vật chất cướp bóc từ các nước láng giềng. với tư tưởng cổ xúy chiến tranh, mà sau tất cả thì quyền lợi chỉ nằm ở tay vua chúa, quý tộc và giới giáo sĩ. Còn dân chúng không được bình yên để lao động sản xuất, những người lính thì phải chịu cảnh bị thương, đau đớn, chia cắt với gia đình ở quê nhà. Vị Pharaoh Akenaten muốn đưa Ai Cập cải tổ lại toàn bộ Ai Cập, để tìm về hòa bình, cho người dân được yên ổn sinh sống. Nhưng đến sau cùng thì Ngài cũng phải chịu thua bởi tư tưởng cổ xúy chiến tranh đã ăn sâu vào tâm trí người dân, cũng như lòng tự hào dân tộc của dân Ai Cập chỉ coi những dân tộc khác là man dị, mọi rợ. Đâu biết rằng tình thế của Ai Cập bây giờ giống như sa mạc vào mùa xuân. Sa mạc nắng nóng khô cằn chỉ có một khoảng thời gian huy hoàng nhất khi các cây cỏ nảy nở sau cơn mưa xuân. Nhưng sau đó lại là vẻ hoang vu, khô cằn không có sự sống trong suốt các mùa khác trong năm. Thời điểm hiện tại của Ai Cập bấy giờ cũng vậy. Họ không biết rằng bây giờ đang thịnh vượng mà không lo xây dựng, không lo giáo dục thế hệ trẻ thì sớm muộn họ cũng sẽ lụi tàn. Và đúng như Pharaoh đã tiên liệu rằng dân Ai Cập phải chịu hơn 2000 năm đô hộ, mới biết được cảm giác của các nước bị nước này đánh chiếm. Và sau khi thời đại huy hoàng của các Pharaoh qua đi là khoảng thời gian đen tối nhất của xứ này, chịu sự đô hộ,xâm lăng vào bảo hộ của các nước Syria, Ả Rập, La Mã. Bây giờ thì nền văn minh huy hoàng trước kia đã bị mai một , khi mà chữ viết của người Ai Cập cổ đã bị thay thế hoàn toàn bằng tiếng Ả Rập. Thật đáng buồn cho một nền văn minh sớm phát triển nhưng cũng chóng lụi tàn. Chúc bạn có có những trải nghiệm thú vị của riêng mình khi đọc cuốn sách này

Cuốn sách này càng đọc mình chỉ càng thấy nhiều điểm yêu thích, cố tìm ra một điểm để không thích cũng không thấy được. Chính vì có quá nhiều điều mình thích nên khi đọc cuốn sách này xong, mình rất muốn giới thiệu và chia sẻ cho mọi người cùng đọc nhưng lại không biết phải bắt đầu từ đâu. Sau nhiều giờ ngồi hệ thống lại một mớ cảm xúc lộn xộn, cuối cùng, mình cũng tóm lại được bốn điều mình thấy đắt giá nhất khi đọc được cuốn sách này, hy vọng sẽ góp phần mang cuốn sách này đến được tay nhiều người hơn. Đầu tiên, nếu mọi người đã yêu thích những câu chuyện hay triết lý sâu sắc trong cuốn Nhà giả kim thì mình nghĩ cuốn sách này cũng sẽ mang lại những điều tương tự. Cá nhân mình thì cuốn sách này gần gũi và mình thích nó hơn cả Nhà giả kim nữa. “Con đường danh lợi mà chúng ta đang theo đuổi có những khó khăn, trở ngại của nó. Nhưng con đường tinh thần mà ngươi muốn theo đuổi còn khó khăn hơn gấp bội. Ngươi còn trẻ, nhiều nhiệt huyết và lý tưởng nhưng ngươi cần biết rằng con đường mà ngươi muốn đi thật không dễ dàng chút nào đâu. Ngươi hãy suy nghĩ cho kỹ trước khi chọn lựa và khi quyết định một con đường nào thì hãy đi cho đến cùng. Đừng để xao lãng. Một ngày nào đó, ngươi sẽ hiểu điều ta nói” Điều thứ hai, mọi người sẽ bắt gặp hình ảnh và câu chuyện của Thái tử Tất Đạt Đa – Đức Phật sau này qua hình ảnh và chặng đường 17 năm trị vì của Pharaol Akhenaten. Những tư tưởng về thế thái nhân tình, về chiến tranh, hận thù,…của Akhenaten trùng hợp hay ngẫu nhiên, nó giống với những điều mình thấy được ở Thái tử Tất Đạt Đa trong suốt 55 tập phim về cuộc đời của Đức Phật. Mình vô cùng thích thú và tâm đắc với điều này. Vượt không gian và thời gian, những tư tưởng tiến bộ này sao lại xuất hiện hai lần ở hai nơi khác nhau, trong hai con người khác nhau nhưng ở họ lại có sự giống nhau về nguồn gốc xuất thân và con đường giác ngộ. Điều thứ ba, nếu mọi người yêu thích những đường lối giáo dục cách tân của nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản cận đại – Fukuzawa Yukichi, với tác phẩm nổi tiếng nhất của ông – Khuyến học, thì mình tin, bạn cũng sẽ yêu thích hoặc đồng ý với những tư tưởng cải cách giáo dục của Pharaol Akhenaten. Mình chưa thấy vị Pharaol nào sở hữu những kiến thức tinh thông về khoa học sự sống và sự chết như ông. Nó bao gồm luôn cả những kiến thức về vũ trụ và chiêm tinh học. Mà Ai Cập thì đã quá nổi tiếng là cái nôi của chiêm tinh học rồi (nếu mình nhớ không nhầm thì là vậy). Mình đang hứng thú với những kiến thức về vũ trụ và tâm linh nên khi đọc cuốn sách này, mình cảm thấy rất đã như ăn được một món ăn lạ và ngon vậy đó. “Con người phải có kiến thức về vũ trụ cũng như môi trường thiên nhiên mà mà họ sinh sống… Chỉ khi nào biết quan sát vũ trụ bao la, hùng vĩ con người mới thấy họ nhỏ bé như con sâu, cái kiến,.. nhờ biết quan sát mà con người ý thức được sự tương quan giữa vũ trụ và con người, rồi biết được những định luật cao cả điều hành mọi vật. Từ đó, họ biết khiêm tốn hơn và không còn đòi làm những chuyện vá trời, lắp biển nữa. Theo ta, người nào biết được vũ trụ sẽ hiểu được mình và kẻ nào hiểu được mình sẽ biết được vũ trụ.” Điều cuối cùng, mình chỉ mới nhận ra khi đóng lại trang cuối cùng của quyển sách này, đó chính là câu chuyện tranh đoạt ngôi vị tối cao nhất giữa các triều đại Pharaol. Mình bắt gặp những câu chuyện tranh giành quyền lực, lật đổ và tàn sát lẫn nhau như trong seri phim Cuộc chiến ngai vàng (Game of Thrones), thâm cung hậu chiến của Trung Hoa hay như tập 6 của tiểu thuyết Bão táp triều Trần – Vương triều sụp đổ của Hoàng Quốc Hải mình đọc được hồi năm rồi, và nhiều câu chuyện về những cuộc nội chiến tranh giành quyền lực khác. Nếu bạn trót yêu thích và say mê những câu chuyện kiểu này, thì Dấu chân trên cát chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng. Cuối cùng, với bốn điều mình tóm gọn lại (mà thực sự cũng chưa gọn lắm), mình hy vọng nếu bạn đã dành thời gian đọc đến những dòng cuối cùng này, thì hãy dành thời gian đọc cuốn sách này nhé. “Cũng như những vết chân trên cát chỉ tồn tại một thoáng giây rồi phai mờ; huyền thoại về một người Ai Cập, qua Hy Lạp mở trường dạy học, đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất sắc chỉ còn là một câu chuyện mơ hồ trong cuộc sống ồn ào, náo nhiệt ngày nay.”

Dù bạn không thích hay thích Nhà Giả Kim thì cuốn sách này cũng là một sự thay thế hoàn hảo. Câu chuyện tâm linh cuốn hút, yếu tố văn hóa và lịch sử được lồng ghét rất tinh tế. Nhiều bài học và góc nhìn hay được kể xuyên suốt. Mình đã quá sức ấn tượng với cuốn sách này và tự hỏi tại sao nó lại không nổi tiếng nhỉ? Xếp cuốn này vào Novel cũng được, vì nó là một truyền thuyết được tác giả tưởng tượng ra 1 câu chuyện thành sách. Nhưng xen kẽ vào đó cũng biết được thêm về lịch sử Ai Cập, sơ lược. Truyện nổi bật vấn đề về cái chết, sự sống, con người hướng thiện, bắt đầu từ 1 vị bác sĩ, lương y, hết lòng vì bệnh nhân, không màng danh lợi, ham học hỏi, chỉ theo đuổi kiến thức , ấy thế mà cũng lầm đường lạc lối chỉ vì 1 cô gái. Tất cả đều rất gần với con người thật, bản ngã con người cũng vậy, không vững bền khắc sẽ vị lung lay vì những thứ hào nhoáng bên ngoài, không có giá trị thực tế. Bản thân sau khi đọc cuốn “Hành trình về phương Đông” và chuyển qua đọc cuốn này, đại ý như 1 sự liền mạch về cách suy nghĩ với sự sống và cái chết, về kiếp luân hồi, ở thiện làm điều thiện sẽ chuyển hoá qua 1 thế giới khác, làm lại được kiếp con người. Đọc để bản thân thấy mình thanh thản hơn, an nhiên hơn giữa đòng đời tấp nập hối hả, không biết sống vì mục đích gì. Đây là một cuốn sách khá lôi cuốn, dễ đọc và nhiều thông tin, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng. Mỗi một sự việc xảy ra trong cuộc đời đều có lý do của nó. “Theo cuốn Tử thư, lúc đầu vũ trụ chỉ là một luồng ánh sáng tinh khiết không có màu sắc (tượng trưng cho sự tuyệt đối), nhưng sau phân chia ra thành hai màu đen trắng, hay ngày và đêm (tượng trưng cho sự tương đối). Từ khi có sự phân chia này thì quan niệm hữu hình – vô hình, chánh – tà, thiện – ác, tốt – xấu, bắt đầu nảy sinh”. Cuốn sách này có rất rất nhiều câu quote (triết lý) sâu sắc. Nếu mọi người đã yêu thích những triết lý sâu sắc trong cuốn Nhà giả kim thì Dấu chân trên cát cũng mang lại những điều tương tự. Cá nhân mình thì mình thích cuốn này hơn hẳn cuốn Nhà giả kim luôn bởi vì mình đọc có cảm giác gần gũi và dễ hiểu hơn. Mọi người sẽ bắt gặp hình ảnh và câu chuyện của Thái tử Tất Đạt Đa – tức là Đức Phật sau này qua hình ảnh và chặng đường 17 năm trị vì của Pharaol Akhenaten (tên này khó đọc quá). Những tư tưởng về thế thái nhân tình, về chiến tranh, hận thù,…của vị Pharaol này trùng hợp hay ngẫu nhiên, nó giống với những điều mình thấy được ở Thái tử Tất Đạt Đa trong suốt 55 tập phim về cuộc đời của Đức Phật. Mình vô cùng thích thú và tâm đắc với điều này. Vượt không gian và thời gian, những tư tưởng tiến bộ này sao lại xuất hiện hai lần ở hai nơi khác nhau, trong hai con người khác nhau nhưng ở họ lại có sự giống nhau về nguồn gốc xuất thân và con đường giác ngộ. Nếu mọi người yêu thích những đường lối giáo dục cách tân của nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản cận đại – Fukuzawa Yukichi, với tác phẩm nổi tiếng nhất của ông – Khuyến học, thì mình tin, bạn cũng sẽ yêu thích hoặc đồng ý với những tư tưởng cải cách giáo dục của Pharaol Akhenaten. Mình chưa thấy vị Pharaol nào sở hữu những kiến thức tinh thông về khoa học sự sống và sự chết như ông. Nó bao gồm luôn cả những kiến thức về vũ trụ và chiêm tinh học. Mà Ai Cập thì đã quá nổi tiếng là cái nôi của chiêm tinh học rồi (nếu mình nhớ không nhầm thì là vậy). Và thứ cuối cùng chính là tính drama của cuốn sách. Mình đã bắt gặp những câu chuyện tranh giành quyền lực, lật đổ và tàn sát lẫn nhau trong những bộ phim Cung đấu của Trung Quốc. Còn ở Việt Nam thì mình có đọc tập 6 của tiểu thuyết Bão táp triều Trần – Vương triều sụp đổ của Hoàng Quốc Hải, khỏi phải nói tính drama không thua gì những bộ phim cung đấu. Nếu bạn trót yêu thích và say mê những câu chuyện kiểu này, thì Dấu chân trên cát chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng. “Cũng như những vết chân trên cát chỉ tồn tại một thoáng giây rồi phai mờ; huyền thoại về một người Ai Cập, qua Hy Lạp mở trường dạy học, đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất sắc chỉ còn là một câu chuyện mơ hồ trong cuộc sống ồn ào, náo nhiệt ngày nay.” – Trang 417

Dấu Chân Trên Cát là một cuốn sách hấp dẫn về mặt cốt truyện, sâu sắc về triết lý và sâu rộng về văn hoá. Tôi cho rằng, đây là một cuốn sách dễ đọc nhưng khó quên. Sách mang giá trị tâm linh, đạo đức nhưng không hề khô khan thuyết giảng mà được xây dựng như một câu chuyện mang tính lịch sử, hay đúng hơn là một lát cắt của lịch sử nơi Ai Cập xa xôi và huyền bí. Xét về tính tiểu thuyết, cốt truyện tương đối logic, hợp lý và mang nhiều nút thắt kịch tính, nhiều yếu tố bất ngờ trải đều từ đầu đến cuối khiến người đọc khó có thể buông rời. Mang trong mình giá trị đỉnh cao của nhận thức và tư duy, Dấu chân trên cát hàm chứa những triết lý nhân sinh sâu sắc và minh triết của nền văn minh Ai Cập cổ đại – nơi còn ẩn giấu biết bao nhiêu bí mật sâu kín mà thế hệ các nhà khoa học hiện đại đang miệt mài tìm hiểu và khám phá không ngừng. Truyện kể ở ngôi thứ nhất của y sĩ – triết gia Sinuhe từ khi còn là một cậu bé cho đến lúc trưởng thành về mọi mặt với biết bao thăng trầm, biến cố theo vận mệnh của xã hội Ai Cập thế kỷ thứ XIV trước Công nguyên. Sinuhe thông minh, điềm đạm, ham học hỏi, từ nhỏ đã được đào tạo, định hướng để trở thành một y sĩ tài giỏi để che chở, cứu giúp những bệnh nhân nghèo giống như cha mình đã làm. Hết sức tình cờ, Sinuhe kết bạn với Horemhed, một cậu bé mạnh mẽ, cương nghị, bất mãn với cả xuất thân của mình. Định mệnh đã khiến 2 người đồng hành qua nhiều biến cố, chứng kiến và tham gia vào những điều lớn lao trong vận mệnh của đất nước cùng với bước chân của vị Pharaoh huyền thoại của lịch sử Ai Cập – Pharaoh Akhenaten. Cùng điểm qua những sự kiện ít ỏi mà các nhà khảo cổ, nghiên cứu Ai Cập cổ đại mới khám phá ra cách đây không lâu về Akhennaten. Ông là một vị Pharaoh có nhiều điều đặc biệt. Tuy nhiên tên tuổi của ông dường như biến mất sạch trơn trong lịch sử Ai Cập bởi những thế lực không cùng chung quan điểm. Là người được – cho – là được thần linh lựa chọn, thế nhưng Akhenaten lại theo chủ trương từ bỏ tín ngưỡng đa thần giáo truyền thống của Ai Cập, chuyển sang thờ một vị thần duy nhất: thần mặt trời Aten, không cung phụng giáo sĩ. Ông cũng cắt giảm tô thuế, hạn chế các đặc quyền của giới quý tộc. Ông lựa chọn giải pháp nhún nhường mềm mỏng với các nước láng giềng để tránh hoạ chiến tranh, ông có tâm hồn bay bổng và thi sĩ, không giống như các Pharaoh các đời trước và sau. Trong tác phẩm Dấu chân trên cát, Akhenaten là nhân vật mang vai trò trung tâm, cùng với y sĩ Sinuhe vạch ra hành trình tìm đến sự minh triết, tìm đến bản chất của sự sống và cái chết. Akhenaten vốn chẳng màng tới ngôi vương tột đỉnh, ông mong muốn trở thành người của dòng tu Osiris, tiêu huỷ được hoàn toàn bản ngã. Để có thể vớt lại, dù chỉ là phần nào tương lai mờ mịt của Ai Cập, ông chấp nhận trở về giữ vai trò của một Pharaoh. Akhenaten nghiên cứu, hi vọng và dày công gieo trồng những hạt giống tư tưởng tiến bộ trên nền cát bỏng rát của sa mạc, trên nền của những giá trị sai lầm của đời trước. Nhìn lại lịch sử, những gì ông đã làm được cho Ai Cập lúc đó là một sự thay đổi vĩ đại, thế nhưng, với cái phủi tay vô tình của thời gian, tất cả cũng chỉ là một “dấu chân trên cát”, chỉ tồn tại trong thoáng chốc giữa vũ trụ bao la mà thôi. Câu chuyện có tính chất ly kỳ mà tác giả xây dựng trên nền những tình tiết, sự kiện lịch sử dường như chỉ là cái cớ để truyền đạt những tư tưởng huyền hoặc, những nền tảng đạo đức, triết luận trường tồn. Mỗi nhân vật, mỗi một sự kiện đều ẩn chứa trong mình những ý nghĩa nhất định, góp phần làm nên một tác phẩm đặc biệt sâu sắc. Giữa những âm mưu và tham vọng che khuất đạo lý nhân tâm, giữa sự phù phiếm của nhục dục, giữa sự tham lam tột độ thì giá trị tinh thần nhân đạo vẫn ngời sáng lấp lánh, như vầng Thái Dương rực rỡ, chói lòa. Những bài học về tình yêu, tình bạn, những sai lầm, bồng bột của tuổi trẻ là những bài học thấm thía cho những ai còn đang chới với trên con đường đi tìm mục đích, giá trị của sự sống. Có thể có một số ý kiến cho rằng một vài chi tiết truyện chưa thật logic, như làm thế nào để cậu bé Horemhed lại trở nên quyền lực đến thế, đủ sức bảo vệ Sinuhe cho đến tận cùng của sự học khi ở trường Y Khoa, nghiên cứu về sự sống, những đoạn hội thoại về minh triết sâu sắc nhưng khá dài dòng làm giảm đi tính liên kết của cốt truyện, tình tiết cô gái thành Babylon mắc bệnh và mắc nợ Shinuhe cũng không thật cần thiết, chi tiết y sĩ Shinuhe chẩn bệnh và chữa bệnh cho vua Hittites phảng phất một số truyền thuyết Trung Hoa. Dẫu vậy, với vai trò mượn cốt truyện để truyền tải giá trị tinh tấn của vũ trụ, những chi tiết trên hoàn toàn có thể được chấp nhận được. Một điều rất hấp dẫn tôi là cuốn sách cung cấp khá nhiều chi tiết liên quan đến văn minh Ai Cập cổ đại đầy bí ẩn, đặc biệt là trong những trang phụ lục rất chi tiết và lí thú. Đối với một người yêu thích dòng sách tâm linh, văn hoá, Dấu chân trên cát là cuốn sách không nên bỏ qua. Và nếu ai có thói quen ghi chép lại các trích dẫn sâu sắc, ý nghĩa về cuộc sống, tôi khuyên các bạn nên chuẩn bị một cuốn sổ dày và một cây bút nhiều mực, bởi các bạn sẽ phải làm việc vất vả với lượng lớn các tư tưởng minh triết vĩ đại trong cuốn sách.

Mở đầu tháng 3 với câu chuyện phóng tác dựa trên cuộc đời của vị Pharaoh kỳ lạ nhất lịch sử cổ đại - Akhenaton. Đây là vị vua kỳ lạ đã từng biết mất khỏi lịch sử Ai Cập trước khi ngôi mộ của ông được khai quật vào năm 1907. Việc biến mất của ông được cho rằng vì ở thời kỳ của mình, ông đã thực hiện cải cách tôn giáo, thay đổi tín ngưỡng đa thần giáo (thờ nhiều vị thần) thành tín ngưỡng độc thần giáo, chỉ thờ cúng duy nhất một vị thần Aten, hay còn gọi là thần Mặt Trời với hình ảnh tượng trưng là một cái dĩa tròn. Do phân tầng xã hội tại Ai Cập thời đó, bao gồm Pharaoh - là vua và cũng là đấng tối cao, tượng trưng cho thần, các giáo sĩ là người kết nối giữa thần và người rồi mới đến dân chúng. Thế nên việc chỉ thờ duy nhất một thần được cho rằng đã gây ra sự nhiễu loạn trong giới giáo sĩ và dẫn đến sự xóa sổ dấu vết vị vua này trong các niên đại sau. Thế nhưng, đây lại là cha của vị vua được cho là nổi tiếng nhất khi được khai quật trong Thung lũng Mộ vua - vua Tutankhamun (hay còn gọi là vua Tut), vì là một vị vua dưới hình hài một đứa trẻ và đã được khai quật trong trạng thái nguyên vẹn, khác với rất nhiều ngôi mộ khác đã không chống lại được nạn trộm mộ. Ngoài ra, Pharaoh Akhenaton còn là chồng của hoàng hậu Nefertiti, một trong nhữnh người đàn bà đẹp nhất trong lịch sử Ai Cập với cái tên mang ý nghĩa "người đẹp phương xa". Vẻ đẹp của bà được tái hiện trên bức tượng bán thân được khai quật nhưng xác ướp của bà vẫn chưa được tìm thấy. Có nhiều tin đồn cho rằng xác ướp của bà được chôn cất trong một mật thất bên trong lăng mộ vua Tut hoặc chính là xác ướp Quý bà trẻ vẫn chưa xác định được danh tính. Việc một trong những người phụ nữ quyền lực và xinh đẹp nhất lịch sử Ai Cập vẫn chưa được tìm thấy khiến cho bà cũng trở thành một trong những nữ hoàng bí ẩn nhất. Câu chuyện dã sử của Nguyên Phong đã phần nào tái hiện lịch sử Ai Cập bằng góc nhìn nhân văn, lồng ghép nhiều mảng miếng về chiến tranh, con người, tôn giáo, cùng với cách viết rất thu hút của ông trong lĩnh vực tâm linh đã khiến Dấu chân trên cát trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ để người đọc lần mò tìm hiểu về những câu chuyện của quá khứ, của một nền văn minh đồ sộ và vẫn còn quá nhiều bí ẩn.

Cuốn sách này càng đọc mình chỉ càng thấy nhiều điểm yêu thích, cố tìm ra một điểm để không thích cũng không thấy được. Chính vì có quá nhiều điều mình thích nên khi đọc cuốn sách này xong, mình rất muốn giới thiệu và chia sẻ cho mọi người cùng đọc nhưng lại không biết phải bắt đầu từ đâu. Sau nhiều giờ ngồi hệ thống lại một mớ cảm xúc lộn xộn, cuối cùng, mình cũng tóm lại được bốn điều mình thấy đắt giá nhất khi đọc được cuốn sách này, hy vọng sẽ góp phần mang cuốn sách này đến được tay nhiều người hơn. Đầu tiên, nếu mọi người đã yêu thích những câu chuyện hay triết lý sâu sắc trong cuốn Nhà giả kim thì mình nghĩ cuốn sách này cũng sẽ mang lại những điều tương tự. Cá nhân mình thì cuốn sách này gần gũi và mình thích nó hơn cả Nhà giả kim nữa. “Con đường danh lợi mà chúng ta đang theo đuổi có những khó khăn, trở ngại của nó. Nhưng con đường tinh thần mà ngươi muốn theo đuổi còn khó khăn hơn gấp bội. Ngươi còn trẻ, nhiều nhiệt huyết và lý tưởng nhưng ngươi cần biết rằng con đường mà ngươi muốn đi thật không dễ dàng chút nào đâu. Ngươi hãy suy nghĩ cho kỹ trước khi chọn lựa và khi quyết định một con đường nào thì hãy đi cho đến cùng. Đừng để xao lãng. Một ngày nào đó, ngươi sẽ hiểu điều ta nói” Điều thứ hai, mọi người sẽ bắt gặp hình ảnh và câu chuyện của Thái tử Tất Đạt Đa – Đức Phật sau này qua hình ảnh và chặng đường 17 năm trị vì của Pharaol Akhenaten. Những tư tưởng về thế thái nhân tình, về chiến tranh, hận thù,…của Akhenaten trùng hợp hay ngẫu nhiên, nó giống với những điều mình thấy được ở Thái tử Tất Đạt Đa trong suốt 55 tập phim về cuộc đời của Đức Phật. Mình vô cùng thích thú và tâm đắc với điều này. Vượt không gian và thời gian, những tư tưởng tiến bộ này sao lại xuất hiện hai lần ở hai nơi khác nhau, trong hai con người khác nhau nhưng ở họ lại có sự giống nhau về nguồn gốc xuất thân và con đường giác ngộ. Điều thứ ba, nếu mọi người yêu thích những đường lối giáo dục cách tân của nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản cận đại – Fukuzawa Yukichi, với tác phẩm nổi tiếng nhất của ông – Khuyến học, thì mình tin, bạn cũng sẽ yêu thích hoặc đồng ý với những tư tưởng cải cách giáo dục của Pharaol Akhenaten. Mình chưa thấy vị Pharaol nào sở hữu những kiến thức tinh thông về khoa học sự sống và sự chết như ông. Nó bao gồm luôn cả những kiến thức về vũ trụ và chiêm tinh học. Mà Ai Cập thì đã quá nổi tiếng là cái nôi của chiêm tinh học rồi (nếu mình nhớ không nhầm thì là vậy). Mình đang hứng thú với những kiến thức về vũ trụ và tâm linh nên khi đọc cuốn sách này, mình cảm thấy rất đã như ăn được một món ăn lạ và ngon vậy đó. “Con người phải có kiến thức về vũ trụ cũng như môi trường thiên nhiên mà mà họ sinh sống… Chỉ khi nào biết quan sát vũ trụ bao la, hùng vĩ con người mới thấy họ nhỏ bé như con sâu, cái kiến,.. nhờ biết quan sát mà con người ý thức được sự tương quan giữa vũ trụ và con người, rồi biết được những định luật cao cả điều hành mọi vật. Từ đó, họ biết khiêm tốn hơn và không còn đòi làm những chuyện vá trời, lắp biển nữa. Theo ta, người nào biết được vũ trụ sẽ hiểu được mình và kẻ nào hiểu được mình sẽ biết được vũ trụ.” Điều cuối cùng, mình chỉ mới nhận ra khi đóng lại trang cuối cùng của quyển sách này, đó chính là câu chuyện tranh đoạt ngôi vị tối cao nhất giữa các triều đại Pharaol. Mình bắt gặp những câu chuyện tranh giành quyền lực, lật đổ và tàn sát lẫn nhau như trong seri phim Cuộc chiến ngai vàng (Game of Thrones), thâm cung hậu chiến của Trung Hoa hay như tập 6 của tiểu thuyết Bão táp triều Trần - Vương triều sụp đổ của Hoàng Quốc Hải mình đọc được hồi năm rồi, và nhiều câu chuyện về những cuộc nội chiến tranh giành quyền lực khác. Nếu bạn trót yêu thích và say mê những câu chuyện kiểu này, thì Dấu chân trên cát chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng. Cuối cùng, với bốn điều mình tóm gọn lại (mà thực sự cũng chưa gọn lắm), mình hy vọng nếu bạn đã dành thời gian đọc đến những dòng cuối cùng này, thì hãy dành thời gian đọc cuốn sách này nhé. “Cũng như những vết chân trên cát chỉ tồn tại một thoáng giây rồi phai mờ; huyền thoại về một người Ai Cập, qua Hy Lạp mở trường dạy học, đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất sắc chỉ còn là một câu chuyện mơ hồ trong cuộc sống ồn ào, náo nhiệt ngày nay.”

“Dấu chân trên cát” là cuốn sách mà tôi không muốn gấp lại khi đọc đến những trang cuối cùng, bởi hành trình cuộc đời đầy kịch tính và cuốn hút của cậu bé kỳ lạ tên Sinuhe - dịch: “con người cô độc” Cũng “Dấu chân trên cát” - khiến tôi hụt hẫng, tiếc nuối và trống rỗng - khi biết rằng đây chỉ là một tiểu thuyết hư cấu, một giai thoại dân gian chứ không hề là “sự thật”. Nhưng rồi tôi nhận ra, có quan trọng gì đâu, bản thân tin vào điều gì thì đó chính là sự thật. Và nếu như “Nhà Giả Kim” cho tôi nguồn cảm hứng để theo đuổi đam mê hoài bão và tin rằng “Chỉ cần đủ muốn Vũ trụ sẽ dẫn đường” ở cái tuổi 25 chênh vênh vô định, thì sau 2 năm, Dấu chân trên cát lại giúp tôi sống chậm, sống sâu để ngẫm nghĩ về ý nghĩa cuộc đời. Không chỉ vậy, cuốn sách còn xây dựng cho tôi một hệ giá trị niềm tin và lẽ sống mạnh mẽ qua những tình tiết “hư cấu nhưng ẩn chứa chân lý vĩnh hằng“ Đọc Dấu Chân Trên Cát, bạn sẽ đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác, rồi dần dần thấm nhuần những giá trị sâu sắc về Tình yêu thương, về những bài học cuộc sống vượt lên trên thời đại. Bạn sẽ được khai mở Nhân sinh quan qua thế giới tâm linh và quy luật của Vũ Trụ bao trùm vạn vật và con người “Đời sống vốn là một sự bí mật, đòi hỏi một sự tìm kiếm không ngừng và đó chính là ý nghĩa chân thật nhất của đời sống” Đây là bài học đầu tiên. Và nếu bạn đang đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Tôi là ai? Tôi sinh ra để làm gì? Sau khi chết tôi sẽ đi về đâu? Tôi muốn sống và phải sống như thế nào? Thì câu chuyện xoay quanh cuộc đời của Sinuhe và những nhân vật trên hành trình cuộc đời cậu có lẽ sẽ gợi mở được phần nào đáp án cho bạn. Phần còn lại, sẽ là những trải nghiệm của chính bạn, qua hạnh phúc và cả những niềm đau. Bởi vì “Cuộc đời là một trường học vĩ đại mà trong đó phần lớn con người chỉ học được các bài học cần thiết qua yếu tố đau khổ”. Theo lời cha dạy, cậu bé lương thiện và thuần khiết Sinuhe đã theo học nghề y - “Khoa học của sự sống” với tất cả nhiệt huyết và niềm ham học hỏi, để quay về làng nối nghiệp cha, chữa bệnh & phụng sự những bệnh nhân nghèo khó, phát nguyện sống thanh bần suốt cả cuộc đời. Trên hành trình theo đuổi lý tưởng cao đẹp âys, Sinuhe gặp được vị Pharaoh trẻ tuổi Akhenaten - người mà sẽ dậy cho cậu thật nhiều bài học quý báu về cuộc đời, những bài học “kỳ lạ” mà chắc chắn không một trường lớp hay bất kỳ một vị Pharaoh nào khác dạy cả. Vị Pharaoh Akhenaten ấy giống như Đức Phật - mang ánh sáng của chân lý đến cứu giúp thế gian - những con người tham lam, ích kỷ và ngu muội, cả đời tranh đấu nhưng kết quả là huỷ hoại chính mình, huỷ hoại quốc gia. Đi ngược lại với lịch sử nghìn năm và những luật lệ truyền qua nhiều đời nhiều kiếp, Akhenaten liên tục đưa ra những luật lệ mới kể từ ngày đầu kế vị, ngài dùng tình thương và trí huệ để đem hoà bình cho dân chúng của các quốc gia, thay vì chiến tranh để mở mang bờ cõi; lấy lòng nhân ái để bênh vực những kẻ khốn cùng thay vì quy luật “mạnh sống yếu chết”. Ngài truyền cho Sinuhe kiến thức về Chiêm tinh học, về quy luật của Vũ Trụ, cách sống thuận với những rung động của Tự nhiên và vai trò của Giáo dục để thế giới trở nên tốt đẹp hơn.... Không chỉ vậy, Sinuhe còn học được bài học về tình Yêu qua trải nghiệm đầy khổ đau thù hận trong chính cuộc đời cậu, để từ đó biết được đâu mới là tình Yêu chân chính... Tóm lại, mỗi trang sách đều ẩn chứa những chân lý vĩnh hằng. Khép lại cuốn sách, tôi đồng thời mở ra cho mình một con đường mới, con đường đi tìm ý nghĩa của sự sống!

Một quyển sách vừa là lịch sử vừa là triết lý và cũng là một quyển tiểu thuyết. Một quyển sách làm tôi không thể ngừng đọc và không suy nghĩ được, Dấu chân trên cát” là tiểu thuyết dã sử hấp dẫn, đặt trên nền bối cảnh là đất nước Ai Cập cổ đại, huyền bí được GS. John Vũ (Nguyên Phong) phóng tác. Đây là cuốn tiểu thuyết không thể bỏ qua với những người đam mê tìm hiểu văn hóa, tâm linh và ý nghĩa cuộc đời, quyển này cũng tựa tựa Nhà Giả Kim ấy. Dấu chân trên cát" được viết dưới lời tự thuật của nhân vật chính Sinuhe - một y sĩ có biệt danh là Y sĩ cô độc sống ở Ai Cập vào thế kỷ thứ XIV trước Công Nguyên. "Dấu chân trên cát" được viết dưới lời tự thuật của nhân vật chính Sinuhe – một y sĩ có biệt danh là Y sĩ cô độc sống ở Ai Cập Tương truyền, Sinuhe là một người Ai Cập nhưng đã đến Hy Lạp mở trường dạy học. Sinuhe có rất đông học trò. Sau khi ông qua đời, học trò của ông đã góp phần xây dựng Hy Lạp trở thành một quốc gia văn minh, hùng cường mà các thế hệ sau này gọi là "thời buổi hoàng kim của các triết gia". Học trò của ông là Plato, Aristotle, Socrates, Epictetus… Vậy Sinuhe là ai và làm thế nào mà một giáo sĩ ngoại quốc có thể đến Hy Lạp có thể mở trường dạy học và để lại những kho tàng tri thức quý báu đến vậy? Theo lời kể, Sihune là con của một cặp vợ chồng y sĩ Sen Moot. Từ nhỏ, ông đã được tiếp cận y thuật nhờ quan sát người cha - người y sỹ tài năng, đức độ. Cha của Sinuhe rất giỏi trị bệnh, mổ xẻ, trong đó có cả kỹ thuật mổ sọ. Sinuhe được cha mẹ dạy rằng: "Những tài sản tình cảm, những tài sản tinh thần, những tài sản tâm linh, mới là những tài sản vô giá, mới là những tài sản bền lâu, thanh cao". Tương truyền, Sinuhe là một người Ai Cập nhưng đã đến Hy Lạp mở trường dạy học. 16 tuổi, Sinuhe được gửi vào trường y khoa Abydos - một trong những trường y khoa nổi tiếng nhất Ai Cập thời bấy giờ. Tại đây, Sinuhe được học môn Khoa học của Sự sống - môn khoa học về việc chữa trị bệnh tật và sống thuận hòa với tự nhiên. Sinuhe được đạo trưởng Akhanuxem tiết lộ, có những căn bệnh quái ác vượt ngoài tầm nghiên cứu của Khoa học của sự sống và nguyên nhân gây bệnh thuộc về cõi giới bên kia cửa tử, xuất phát một kiếp sống khác. Đó cũng là đối tượng nghiên cứu của Khoa học của Sự chết. Liên tục trong hành trình của mình, Sinuhe trải qua nhiều biến cố, thăng trầm trong cuộc đời. Cuối cùng, ông chọn con đường bị lưu đày khỏi Ai Cập để hướng tới theo đuổi những giá trị lớn hơn. Nhưng dù đã "phát dương quang đại" những tư tưởng minh triết như thế nào, cuộc đời huyền thoại của Sinuhe cuối cùng giống như "dấu chân trên cát", huy hoàng rực rỡ rồi quay trở về ẩn chứa, tiềm tàng trong lớp cát bụi của thời gian. "Dấu chân trên cát" cho chúng ta một bài học rằng trên đời này không có cái gì là tuyệt đối "Dấu chân trên cát" cũng là một câu chuyện sâu sắc về tình yêu và bản ngã con người. Tình yêu đã tạo nên khúc quanh lịch sử của các triều đại, tình yêu đưa con người lên đỉnh vinh quang, đồng thời cũng vùi dập biết bao kẻ "thân bại danh liệt". Và câu chuyện của y sĩ Sinuhe cũng có thể xem là một câu chuyện ngang trái về tình yêu. "Đừng bao giờ coi thường một người đàn bà, bất cứ là người đàn bà nào trên đời." - Sinuhe đúc kết. "Dấu chân trên cát" cho chúng ta một bài học rằng trên đời này không có cái gì là tuyệt đối. Chúng ta có thể không sa ngã nhiều thứ, nhưng vẫn có thể sa ngã vì một điều gì đó, đặc biệt là tình yêu - tất cả đều rất gần với con người trong đời sống thật. Bản ngã con người là vậy, thường không vững bền khắc sẽ vị lung lay vì những thứ hào nhoáng bên ngoài, không có giá trị thực tế...

Trước đây, mình đã nghe tên dịch giả Nguyên Phong và biết rằng những cuốn sách do ông dịch/ phóng tác rất được mến mộ. Vì thế, khi đọc “Dấu chân trên cát”, mình thấy bất ngờ vì sách hơi dở và nặng tính minh họa. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thêm, mình còn thấy thực sự rất không hài lòng về cách Nguyên Phong thiếu tôn trọng tác giả, tác phẩm gốc. 1. Có thể nhiều người chưa biết, Dấu Chân Trên Cát được phóng tác (hiểu nôm na là dựa theo tác phẩm có trước và diễn đạt lại bằng lối văn của mình) từ tác phẩm gốc The Egyptian của nhà văn Mika Waltari. Tuy nhiên trong bản in của First News, trang bìa và bên trong chỉ nhắc đến duy nhất cái tên Nguyên Phong mà không một lời nhắc đến tác giả, tác phẩm gốc. Hành động này có thể khiến độc giả hiểu lầm cuốn sách hoàn toàn là sáng tạo của Nguyên Phong trong khi thực tế không phải vậy. Trong tủ sách “Hạt giống tâm linh”, ngoài bìa có ghi Mika Waltari và Nguyên Phong dịch. Tuy nhiên, từ “dịch” không chính xác vì Nguyên Phong chỉ lấy khoảng ½ tác phẩm gốc của Mika Waltari và lược bỏ rất nhiều nội dung chính. Cũng trong quyển sách đó, phần giới thiệu vè Mika Waltari do Nguyên Phong viết có rất nhiều thông tin sai. Nguyên Phong cho rằng “Mika Waltari là một nhà soạn kịch nổi tiếng, đã viết hơn 80 kịch bản cho sân khấu kịch nghệ Broadway” và “Cho đến nay, dù đã soạn hơn tám mươi vở kịch nổi tiếng nhưng The Egyptian vẫn là cuốn tiểu thuyết đầu tay và duy nhất của ông”. Thực tế, Mika Waltari là một trong những nhà văn vĩ đại nhất của Phần Lan, đã sáng tác rất nhiều thể loại khác nhau như tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa, thơ, kịch… Tính riêng lĩnh vực tiểu thuyết, ông đóng góp ít nhất 29 tác phẩm vào kho tàng văn học thế giới. 2. Cuối Dấu Chân Trên Cát của Nguyên Phong có rất nhiều thông tin sai, không đúng với lịch sử. Điểm qua một vài chi tiết: Nguyên Phong viết “Ai Cập có hàng trăm pharaoh mà chỉ có dăm bảy kim tự tháp”. Thực tế, có ít nhất 118 kim tự tháp Ai Cập vẫn còn dấu tích cho đến ngày nay. Hoặc Nguyên Phong có nhắc đến Hatshepsut như người phụ nữ đầu tiên làm pharaoh, thực tế bà thường được coi là người thứ hai, sau nữ pharaoh được công nhận rộng rãi đầu tiên là Sobekneferu. The Egyptian là một tác phẩm hư cấu có nhân vật chính là Sinuhe, được truyền cảm hứng từ một nhân vật trong truyền thuyết của Ai Cập, thế nhưng Nguyên Phong viết về Sinuhe như thật: “Đây là một nhân vật lạ lùng đã có công mang văn minh Ai Cập truyền vào Hy Lạp khi quốc gia này còn ở một tình trạng kém mở mang so với Ai Cập lúc đó”. Nguyên Phong còn viện dẫn lời của sử gia Herodotus (không biết lấy nguồn từ đâu) khẳng định Sinuhe là thầy dạy của Plato, Aristotle, Socrates, Epictetus…thực tế Herodotus chết trước khi Aristote và Socrates ra đời cả 100 năm thì làm sao chứng thực mà viết thế được! 3. Ngay cả khi bỏ qua hai yếu tố trên, Dấu Chân Trên Cát vẫn là một tác phẩm phóng tác thiếu hấp dẫn… Toàn bộ tác phẩm hầu như không có tả cảnh, tả nội tâm mà chỉ là những đoạn đối thoại mà như độc thoại (vì chỉ một nhân vật nói) kéo dài 2,3 trang giấy. Ngôn ngữ sử dụng hoặc quá hiện đại, hoặc bị ảnh hưởng bởi truyện Tàu..Tác giả sử dụng những từ: giáng lâm, an khang vạn tuế, hạ thần, phản thần, kẻ hèn này…khiến độc giả cảm giác lạc vào một triều đình Trung Hoa chứ không phải là Ai Cập cổ đại. Cả tác phẩm là một cuộc truyền giáo liên tục bằng những bài phát biểu thành tiếng của nhân vật, không có chỗ cho sự suy tưởng, chiêm nghiệm. Với tất cả những điều trên, Nguyên Phong chắc sẽ rơi vào list tác giả/dịch giả tránh –đọc của mình. Và cũng rất hy vọng The Egyptian của Mika Waltari sẽ sớm được dịch một cách trọn vẹn và tử tế ở Việt Nam bởi một dịch giả có tâm!