Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng là tác phẩm trong trẻo, tràn đầy tình yêu thương mát lành, trải ra trước mắt người đọc khu vườn trại rực rỡ cỏ hoa của vùng quê thanh bình, kèm theo đó là những “nhân vật” đáng yêu, làm nên một “thế giới giàu có, rộng lớn và vô cùng hấp dẫn” mà dường như người lớn đã bỏ quên đâu đó từ lâu. Sau Tôi là Bê Tô, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng, đây là một cuốn sách nữa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà nhân vật chính là những bé động vật ngộ nghĩnh, được mô tả sống động dưới ngòi bút tài hoa và giàu tình thương. Câu chuyện chạy qua 8 phần với 64 chương sách nhỏ đầy ắp lòng thương yêu, tính lương thiện, tình thân bạn bè, lòng dũng cảm và bao dung, đánh bạt sự ác độc và cả mọi thói xấu. Khép cuốn sách lại, tự nhiên thấy lòng mình dịu lắng, bình yên đến lạ lùng… Vài đoạn trích trong tác phẩm Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng “Tắm mình trong suối âm thanh, vẫn là những điệu buồn quen thuộc, nhưng đêm nay Mắt Tròn thấy tâm hồn mình như bay lên. Âm nhạc như một bàn tay vô hình đã nâng đỡ nó, lên cao, lên cao mãi. Cao hơn nỗi buồn, cao hơn những phiền muộn vẫn dày vò nó trong những ngày qua. Nỗi buồn, ờ thì nó vẫn ở đó, trong trái tim Mắt Tròn, nhưng nó không làm trái tim con gà xây xát nữa. Mắt Tròn ngạc nhiên nhận ra nỗi buồn có thể phát sáng, trở nên đẹp đẽ dưới sự vỗ về của âm nhạc. Tiếng đàn của chàng nhạc sĩ giang hồ đã sưởi ấm con gà, đã an ủi nó thật nhiều trong đêm hôm đó. Mắt Tròn neo mình trên cỏ, bất động, lặng thinh, đầy xao xuyến. Nó lắng nghe tiếng đàn, cảm tưởng đang lắng nghe chính bản thân nó, bắt gặp mình đang xúc động. Có lẽ bạn cũng thế thôi, khi nỗi buồn trong lòng bạn được âm nhạc chắp cánh, nó sẽ thăng hoa. Thay vì nhấn chìm bạn, nỗi buồn sẽ giúp bạn giàu có hơn về cảm xúc. Nó trở thành một giá trị và bạn chợt nhận ra nó là một phần thanh xuân của bạn. Có gì đâu! Đâu có gì đâu! Thời gian như nước chảy qua cầu Bờ cỏ không còn in dấu cũ Vườn địa đàng kia táo đã sâu. Có gì không? Không có gì đâu! Tem chưa đóng dấu đã phai màu Đường đi không tới đành quay lại Cuộc sống chưa xong lại bắt đầu Mắt Tròn đưa mắt nhìn quanh. Ở đằng xa kia, chỗ nhà giam, cây lộc vừng đang buông lững lờ những chuỗi hoa màu gạch cua, chốc chốc lại chao đi trong gió hệt như một tấm rèm ai treo trên nhánh lá. Trên bãi cỏ xanh bên dưới, thiên nhiên đã đính rải rác những chùm hoa ích mẫu, những cụm hoa mắc cỡ đan cài với cơ man là hoa xuyến chi và hoa sao nhái dệt nên một tấm thảm chi chít các hoa văn ngũ sắc. Cánh Cam nói đúng, “trong vườn thiếu gì hoa”. Và Mắt Tròn công nhận tất cả loài hoa trong vườn đều đẹp. Nhưng nó cũng thấy một điều khác đáng công nhận không kém: Chỉ có hoa kèn hồng kia bên dòng suối kia ngoài cánh đồng kia mới có thể đánh thức giấc mơ của nó, khiến trái tim nó tưng bừng reo ca như có chim về hót.”
Xem thêm



Nguyễn Nhật Ánh hẳn là một cái tên đã không còn xa lạ đối với chúng ta hiện nay. Ông được biết đến với các truyện ngắn như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Kính vạn hoa, Mắt biếc,... và gần đây nhất là tác phẩm Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng. Có thể nói truyện dài Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng được coi là áng văn mang trong mình âm hưởng của nỗi buồn trong suốt bởi chính nhà văn của tuổi thơ ấy đã ghìm mình vào buồn đau riêng, để chọn cho trang viết một khu vườn bừng nắng, và một thế giới loài vật giàu tình yêu thương. 

So với những tác phẩm khác, Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng được ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt, khi mà dịch bệnh còn đang hoành hành tàn phá. Hẳn cũng vì vậy mà bản thân nó dường như chất chứa một chút gì đó trầm lắng, bất an, tựa như nói lên tâm trạng của tác giả và cũng là tâm trạng của người dân lúc bấy giờ. Đó là sự trầm uất, đau đớn, là sự tiếc thương trước những mất mát quá lớn của đời người, của chính mình. Nhưng không vì vậy mà Nguyễn Nhật Ánh xuôi theo tâm trạng viết về nỗi buồn. Thay vào đó, ông chọn cách chữa lành vết thương, bù đắp mất mát trong tâm hồn bằng câu chuyện thanh khiết, rực rỡ sắc màu, tràn ngập yêu thương. 

Truyện mở ra với bối cảnh là một khu vườn trại gần đồng cỏ lau, với các nhân vật: những chú gà mang tên Mắt Tròn, Cánh Cam, Ướt Mưa, Sợi Tơ Vàng, bác chó Tai Dài, em cún Susu, mẹ con nhà vịt Bông Súng và Gì Cũng Biết, mẹ con nhà cáo Mõm Nhọn và Tia Chớp, hai anh em chuột Xám anh, Xám em… Trong khu vườn đầy cỏ hoa và nắng ấm ấy còn có lớp học của loài vật, có cô bồ câu thông thái chuyên gia tư vấn tâm lý, có chú ngựa Ô - bậc trưởng thượng uyên bác của vườn - và cả nhạc sĩ dế Ánh Sao chuyên khảy những khúc nhạc buồn đêm đêm… Nguyễn Nhật Ánh đã đắm mình vào thế giới trong vắt ấy, tựa vào thiên nhiên, cỏ cây, muôn loài để đi qua những ngày khó khăn nhất của đại dịch. Chính vì vậy, Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng không chỉ là tác phẩm của tuổi thơ, nó còn là một liều thuốc tinh thần vô cùng hiệu nghiệm có tác dụng xoa dịu, chữa lành.

Ông đã phản ánh cực rõ thực trạng cũng như vấn đề nguy cấp của xã hội tại thời điểm ấy khi nêu ra việc bé gà Sợi Tơ Vàng bị cách ly vì mắc phải căn bệnh lạ. Là khi dịch cúm tràn qua khu vườn và gà vịt đều cùng chung những triệu chứng, chỉ có thể nằm chờ chết. May mắn thay có bác sĩ Vinh Quang Tháng Ba - cô bói cá đã tìm thấy loại thảo dược đặc trị cứu cả khu vườn trại. Tâm trạng khi sống chung với dịch bệnh được nhà văn so sánh như khi “sống chung với kẻ xấu, lòng dạ lúc nào cũng nơm nớp không yên, tâm trạng sẽ ngày càng tệ đi”. Và nỗi buồn chia ly được gói trong câu viết về ý nghĩa sự sống: “Người sống lâu nhất, có lẽ là người tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống được nhiều nhất chứ không hẳn là người nằm xuống sau những người khác”, “Những người tốt dường như ít có khả năng sống lâu hơn những người khác, họ thường chọn xông pha vào nơi hiểm nguy để bảo vệ mọi người…”. 

Qua những câu từ đầy ý nghĩa, Nguyễn Nhật Ánh đã chữa lành cho mình và cho mọi người bằng một nỗi buồn trong suốt, với những con chữ lấp lánh vẻ đẹp của thiên nhiên, vạn vật. Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng cũng là một bài học trưởng thành và nhận diện những giá trị cuộc sống dành cho thanh thiếu niên, thông qua nhân vật chú gà Mắt Tròn. Câu chuyện giàu tình yêu thương, thấm đẫm giá trị nhân văn và tính hướng thiện qua “bí mật” của chú chó Tai Dài và mẹ cáo Tia Chớp. Sự dịu ngọt mà những trang chữ mang lại đẹp trong từng chi tiết, dù hài hước hay cảm động. Đó không đơn thuần chỉ là bức tranh tuổi thơ sống động rực rỡ sắc màu mà còn ẩn chứa những giá trị tinh thần nhân đạo sâu sắc về tình người. Khó khăn hoạn nạn ập đến, người ta mới biết cần nhau thế nào.



6 điểm