Peter Pan sống ở Neverland, hòn đảo xinh đẹp, sống động nhưng cũng đầy bí ẩn dưới sương mù của trí nhớ và mộng mơ. Ở Neverland, lũ trẻ đi lạc chung sống với những cô cậu tiên bé xíu, với thổ dân da đỏ, dã thú, tiên cá và cả hải tặc. Ở đó thời gian dường như đứng im, chỉ có những cuộc rượt bắt cứ xoay vòng, xoay vòng.
Một lần đi chơi xa, Peter gặp cô bé Wendy mê mẩn những chuyện thần tiên. Xiêu lòng trước những lời rủ rê của Peter, Wendy đã cùng cậu bay đến hòn đảo kì diệu, hăm hở như mọi đứa trẻ trên đời lần đầu được tận mắt thấy phép mầu xảy ra. Để rồi, hai bạn nhỏ cùng nhau bước vào một cuộc phiêu lưu đầy biến cố…
Ra đời cách nay đã hơn một trăm năm, câu chuyện về cậu bé Peter Pan quả cảm, biết bay và không bao giờ chịu lớn đã chinh phục mọi độc giả trẻ thơ và độc giả đã đi qua tuổi thơ. Một câu chuyện lấp lánh phép mầu song lại chẳng phải cổ tích, dành cho trẻ em, cho cả những người lớn biết rằng mình đã lớn, ngoái trông lại tuổi thơ với nụ cười tiếc nhớ, bâng khuâng.
Vài nét về tác giả:
J. M. Barrie (1860 – 1937) là nhà soạn kịch và tiểu thuyết gia nổi tiếng người Scotland được biết đến nhiều nhất với vai trò cha đẻ của nhân vật Peter Pan. Cậu bé tinh nghịch này lần đầu xuất hiện trong tiểu thuyết Chú chim trắng bé con xuất bản năm 1902 và sau đó là trong tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, vở kịch Peter Pan, hay Cậu bé chẳng bao giờ lớn, được công diễn lần đầu vào năm 1904 rồi về sau được viết lại thành tiểu thuyết vào năm 1911. Để viết nên Peter Pan, Barrie đã lấy cảm hứng từ những người bạn nhỏ trong một gia đình mà ông quen biết. Năm 1912, ông đã bí mật cho dựng tượng Peter Pan trong Vườn Kensington để làm món quà bất ngờ cho trẻ em ở London.
Xem thêm
Kể từ khi ra đời, "Peter Pan" đã trở thành một biểu tượng văn hóa toàn cầu. Hình ảnh cậu bé bay lượn trong bóng đêm, luôn từ chối lớn lên, là nguồn cảm hứng cho biết bao tác phẩm nghệ thuật.
Tác phẩm đã được chuyển thể thành hàng loạt vở kịch, phim ảnh, và truyện tranh. Các bộ phim nổi tiếng như "Hook" (1991) hay "Peter Pan" (2003) đã mang câu chuyện của JM Barrie đến gần hơn với công chúng hiện đại. Những vở nhạc kịch trên sân khấu Broadway cũng giúp giữ gìn di sản của câu chuyện này.
Không chỉ dừng lại ở nghệ thuật, Peter Pan còn trở thành biểu tượng trong tâm thức văn hóa. Cụm từ "Hội chứng Peter Pan" được dùng để mô tả những người từ chối trưởng thành, cho thấy sự ảnh hưởng sâu rộng của tác phẩm.
"Peter Pan" không chỉ là một câu chuyện cổ tích, mà còn là cầu nối giữa tuổi thơ và cuộc sống trưởng thành. Với những thông điệp vượt thời gian, tác phẩm này chắc chắn sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ độc giả.