Peter Pan sống ở Neverland, hòn đảo xinh đẹp, sống động nhưng cũng đầy bí ẩn dưới sương mù của trí nhớ và mộng mơ. Ở Neverland, lũ trẻ đi lạc chung sống với những cô cậu tiên bé xíu, với thổ dân da đỏ, dã thú, tiên cá và cả hải tặc. Ở đó thời gian dường như đứng im, chỉ có những cuộc rượt bắt cứ xoay vòng, xoay vòng.
Một lần đi chơi xa, Peter gặp cô bé Wendy mê mẩn những chuyện thần tiên. Xiêu lòng trước những lời rủ rê của Peter, Wendy đã cùng cậu bay đến hòn đảo kì diệu, hăm hở như mọi đứa trẻ trên đời lần đầu được tận mắt thấy phép mầu xảy ra. Để rồi, hai bạn nhỏ cùng nhau bước vào một cuộc phiêu lưu đầy biến cố…
Ra đời cách nay đã hơn một trăm năm, câu chuyện về cậu bé Peter Pan quả cảm, biết bay và không bao giờ chịu lớn đã chinh phục mọi độc giả trẻ thơ và độc giả đã đi qua tuổi thơ. Một câu chuyện lấp lánh phép mầu song lại chẳng phải cổ tích, dành cho trẻ em, cho cả những người lớn biết rằng mình đã lớn, ngoái trông lại tuổi thơ với nụ cười tiếc nhớ, bâng khuâng.
Vài nét về tác giả:
J. M. Barrie (1860 – 1937) là nhà soạn kịch và tiểu thuyết gia nổi tiếng người Scotland được biết đến nhiều nhất với vai trò cha đẻ của nhân vật Peter Pan. Cậu bé tinh nghịch này lần đầu xuất hiện trong tiểu thuyết Chú chim trắng bé con xuất bản năm 1902 và sau đó là trong tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, vở kịch Peter Pan, hay Cậu bé chẳng bao giờ lớn, được công diễn lần đầu vào năm 1904 rồi về sau được viết lại thành tiểu thuyết vào năm 1911. Để viết nên Peter Pan, Barrie đã lấy cảm hứng từ những người bạn nhỏ trong một gia đình mà ông quen biết. Năm 1912, ông đã bí mật cho dựng tượng Peter Pan trong Vườn Kensington để làm món quà bất ngờ cho trẻ em ở London.
Xem thêm
Chắc hẳn những ai đã từng yêu thích nhân vật Peter Pan – cậu bé không bao giờ lớn – cũng đều từng ấp ủ ước mơ bắt đầu câu chuyện của riêng mình: Vào một đêm buồn chán như bao đêm, Peter Pan bay đến ngoài cửa sổ, phẩy bụi tiên vào mình ta và cùng cất cánh bay đến xứ sở thần tiên nơi ta được chiến đấu một mất một còn cùng bọn hải tặc xảo trá, được gặp gỡ bộ lạc da đỏ với những chiến binh dũng mãnh, được sống trong căn cứ ngầm – tổ ấm gia đình của lũ con trai đi lạc. Không chỉ kích thích trí tưởng tượng, tinh thần khám phá của các độc giả nhí mà Peter Pan còn khiến biết bao người lớn say mê. Họ tìm thấy sự trong sáng, bay bổng của tuổi thơ, những bài học nhân văn sâu sắc và cả nỗi hoài niệm một thời thơ dại, khi giờ đây dù Peter có đến, họ cũng đã “quên mất cách bay”.
Chiếm trọn cảm xúc của người đọc, khiến nụ cười ta cất lên trong trẻo rồi vành môi ta run run những nuối tiếc của ngày xanh Peter Pan đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ. Từ khi ra đời cách đây hơn một trăm năm, tác phẩm đã nhiều lần được chuyển thể lên màn ảnh, sân khấu ba lê, là cảm hứng cho các chương trình truyền hình, trò chơi và vô số nhãn hàng, thậm chí tên của những nhân vật chính còn được dùng để đặt tên cho các hội chứng tâm lý hay hiệu ứng xã hội. Và cứ thế sức sống của Peter Pan sẽ còn mãi chừng nào “trẻ con còn vui tươi, còn ngây thơ và hồn nhiên”.