Là một nhà lãnh đạo xuất sắc, dù cho
đó là thủ lĩnh của một tập đoàn lớn, một công ty start-up hay tổ chức phi lợi
nhuận nào, trong bất cứ lĩnh vực nào, niềm tin luôn là thứ tài sản vô cùng quan
trọng mà những con người này luôn phải cố gắng để khai thác một cách triệt để
nhất. Sự thực đúng là như vậy. Những dẫn chứng trong thực tế sẽ chỉ ra rằng việc
nắm bắt và giải quyết được các thách thức trong việc xây dựng mạng lưới quan hệ
dựa trên cơ sở niềm tin bền vững chính là chìa khoá quan trọng để đưa những người
lãnh đạo này trở nên khác biệt so với phần còn lại của thế giới. Vậy làm cách
nào để chúng ta có thể phát triển khả năng nhận biết và mở rộng niềm tin thông
minh một cách có chủ đích, từ đó thành công hơn và viên mãn hơn với cuộc sống hàng
ngày? Niềm tin thông minh (SMART TRUST – The Defining Skill that
Transforms Managers into Leaders) của Stephen M. R. Covey, Greg Link và R.
Merrill sẽ là lời giải đáp thấu đáo dành cho chúng ta.
Trong cuộc sống ngày nay, khi quyết định có tin một
người nào đó hay không, chúng ta thường xuyên phải đi tìm câu trả lời cho câu hỏi:
“Chọn con tim hay là nghe lý trí?”. Trong mọi hoàn cảnh, với một người bất kỳ nào
đó, câu hỏi này hoàn toàn có thể bật ra bất cứ lúc nào trong đầu của bạn và mỗi
một lần nó xuất hiện là một lần chúng ta bị bối rối.
Tại sao trong xã hội hiện đại như bây giờ chúng ta lại
phải trả lời câu hỏi này với tần suất lớn đến như vậy?
Có nhiều lý do, nhưng có lẽ lý do lớn nhất mà chúng
ta có thể kể tới chính là vì thế giới ngày nay đang quá mất niềm tin.
Thế giới sẽ ra sao nếu không có niềm tin?
Thời buổi nay, sẽ chẳng lạ khi chúng ta phải nghe
thấy một số câu cửa miệng của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, theo kiểu:
1. Không yêu đương gì nữa! Mị mất hết niềm tin vào
đàn ông rồi chế ạ!
2. “Niềm tin đã mất, giọt nước mắt cuốn ký ức anh
chìm sâu!” – một ca sĩ từng hát như vậy.
3. Đừng tin thằng H. Nó mà cầm lái là phi xuống ruộng
luôn đấy.
4. Ôn bài đi, đừng tin cái T. Nó lúc nào cũng nói
là học rồi nhưng lúc sau hỏi câu nào là quên câu đấy luôn. Lơ mơ là “tạch” môn đấy
chứ chẳng đùa!
5. Thời buổi này chả tin được vào bố con thằng nào,
thật lòng mà nói là như thế!
....
Và hàng ty tỷ lời oán thán theo kiểu “Đừng tin vào
một cái gì đó” của rất rất nhiều người.
Chẳng lẽ thế giới này đang bị mất dần niềm tin? Và liệu
thế giới này sẽ ra sao nếu như không còn niềm tin?
Có lẽ không quá khi nói rằng thế giới này sẽ sụp đổ
nếu như niềm tin bị mất. Đơn giản bởi vì niềm tin là một nguyên tắc của sức mạnh.
Niềm tin có mối liên hệ trực tiếp với mức độ thịnh vượng, năng lượng và niềm
vui mà chúng ta trải nghiệm trong cuộc sống cá nhân lẫn nghề nghiệp. Lý do bởi
vì niềm tin là nguyên tắc cơ bản của chất lượng cuộc sống và không chịu ảnh hưởng
bởi thời gian. Nó đúng không chỉ đối với chúng ta trong các mối quan hệ cá nhân
mà còn đúng trong các đội nhóm, các tổ chức, trong cộng đồng, trong mọi ngành
nghề và đúng ở mọi quốc gia, mọi khu vực. Niềm tin chính là chất xúc tác thúc đẩy
và trao quyền, được đan quyện vào nhau trong mọi thành tố của mọi xã hội thịnh
vượng. Tuy nhiên, chúng ta hầu như không nhận thức ra điều này cho tới khi đánh
mất đi nó. Nói cách khác, chỉ khi niềm tin bị mất đi thì chúng ta mới nhận ra rằng
tin tưởng người đối diện quan trọng như thế nào. Đó chính là lý do vì sao thế
giới này sẽ “vỡ vụn” khi không có niềm tin, vì khi đó nó không còn được gắn kết
bởi “chất keo” mang tên “niềm tin” nữa.
Dù ý thức được hay không, chúng ta đều dựa vào niềm
tin để làm cho thế giới này trở nên có ý nghĩa hơn và các mối quan hệ cũng trở
nên đáng trân trọng hơn, đúng như John Stuart Mill (Kinh tế gia & Triết gia
người Anh) từng nói:
Lợi ích đối với nhân loại từ việc có thể tin tưởng lẫn nhau lan tỏa vào tận
mọi khe hở và ngóc ngách của cuộc sống con người: kinh tế có lẽ là phần nhỏ nhất
của lợi ích đó, nhưng cũng không thể tính toán theo cách thông thường.
Triết lý của Mill chỉ ra rằng giá trị của niềm tin
trong sự vận hành của nền kinh tế nói chung và trong hoạt động kinh doanh nói
riêng là một con số dương. Niềm tin là thứ vô cùng quan trọng trong cỗ máy kinh
tế, bất kể ở giai đoạn nào của chuỗi lịch sử nhân loại.
Niềm tin – Thứ tiền tệ “mềm” của thế kỷ XXI
Hoạt động kinh doanh ngày nay luôn phải dựa vào niềm
tin. Danh tiếng của một thương hiệu, khả năng thương hiệu này hợp tác làm ăn với
các thương hiệu khác, khả năng sáng tạo, hiệu quả gắn kết nhân viên, khả năng
thu hút và giữ chân nhân tài, tốc độ biến những điều này thành hiện thực,... đều
bị tác động mạnh mẽ bởi niềm tin. Đúng như các mà Seidman khẳng định:
Đây sẽ là loại tiền tệ “mềm” của thế kỷ 21: Ai có niềm tin nhiều nhất vào
những mối quan hệ của mình, và nơi nào hầu hết mọi người đều muốn làm việc, người
đó, tổ chức đó sẽ thành công.
Niềm tin thông minh đưa ra một vài con số để minh chứng cho vai trò vô cùng
quan trọng của thứ “tiền tệ mới” này trong nền kinh tế toàn cầu như:
1. Năm 2009, Edelman Trust Barometer công bố một
báo cáo cho thấy có 77% người được khảo sát trả lời rằng họ từ chối mua sản phẩm
và dịch vụ từ những công ty họ không tin tưởng, trong khi 72% phê phán các công
ty làm ăn bất tín trước mặt bạn bè và đồng nghiệp.
2. Có 55% người được hỏi nói rằng họ sẵn lòng trả
tiền cao hơn để mua sản phẩm hoặc dịch vụ từ một công ty họ tin tưởng và 76%
nói rằng họ giới thiệu những nhãn hàng đáng tin cậy với đồng nghiệp hoặc bạn
bè.
Những con số được thống kê trong Niềm tin thông minh nhằm mục đích chứng minh cho độc giả thấy rằng niềm tin có nhiều điểm tương đồng với tiền tệ, và trong đó điểm tương đồng lớn nhất giữa hai khái niệm này chính là khả năng thúc đẩy thị trường vận động. Nói cách khác, cũng giống như tiền tệ, niềm tin thúc đẩy thế giới chuyển động và khiến cho nền kinh tế vận hành.
Nhằm cụ thể hoá hơn sức mạnh to lớn của niềm tin
trong thời buổi kinh tế ngày nay, Niềm tin thông minh đưa ra những minh
chứng thực tế vô cùng thuyết phục. Đó là các case study gắn với những thương hiệu
nổi tiếng, những câu chuyện đã đi vào lịch sự của nền kinh tế nhân loại hay những
con số được trích ra từ các nghiên cứu hoặc báo cáo đáng tin cậy. Và để minh hoạ
cho vai trò quan trọng của niềm tin, hãy tham khảo một case study được trích dẫn
trong cuốn sách Niềm tin thông minh của nhóm tác giả. Đây là case study
về một thương hiệu bán lẻ rất nổi tiếng trên toàn thế giới – Zappos. Tuy nhiên,
trước khi đi vào chi tiết của case study....
Tưởng niệm Tony Hsieh – Cảm ơn anh vì những cống
hiến cho nhân loại
Khi nhắc tới Zappos, nhiều người sẽ liên tưởng ngay
tới vị CEO trẻ và tài năng của thương hiệu bán lẻ rất nổi tiếng này – Tony
Hsieh, và thật đáng tiếc khi năm 2020 vừa qua, thế giới đã vĩnh viễn mất đi con
người tài năng này. Những biến chứng không mong muốn từ vụ tai nạn trong quá khứ
đã lấy đi của thế giới một bộ óc thiên tài, tuy nhiên Tony vẫn sẽ mãi tồn tại
trong lịch sử của nhân loại – nơi anh được mọi người tôn sùng với cái tên “Tỷ
phú bán giày”.
Câu chuyện về Tony Hsieh và Zappos – Minh chứng cho
sự phục hưng của niềm tin trong một thế giới mất niềm tin
Một thương nhân của thời hiện đại là Tony Hsieh,
CEO của Zappos, người đã bắt đầu sự nghiệp từ trường đại học vào năm 1996 bằng
cách tạo ra một công ty tên là LinkExchange với một người bạn cùng phòng. Hai
năm sau, cả hai bán công ty này cho Microsoft với giá 265 triệu đô-la. Tại sao
họ bán? Theo Hsieh, đó là vì văn hoá công ty đã suy yếu. “Khi chúng tôi chỉ có
mấy người”, anh nói, “chúng tôi ai nấy đều phấn khích, làm việc suốt ngày, ngủ
ngay dưới bàn làm việc và không để ý hôm nay là thứ mấy”. Nhưng khi nhân lực của
công ty lên tới một trăm thì Hsieh “sợ phải ra khỏi giường vào mỗi sáng và chỉ
muốn ngủ nướng”.
Đó là lý do tại sao khi Hsieh trở thành chuyên gia
tư vấn, nhà đầu tư và cuối cùng là CEO của Zappos, ưu tiên hàng đầu là tạo ra
văn hoá công ty bao gồm không chỉ sự thịnh vượng mà còn là năng lượng và niềm
vui. Trong quá trình đó, anh đưa công ty từ chỗ hầu như không có thương vụ nào
cho đến khi thu nhập công ty lên tới 1 tỷ đô-la và đưa Zappos vào danh sách
“100 công ty tốt nhất để làm việc” theo bình chọn của tạp chí Fortune.
Và cách anh làm được điều này giữa bầu không khí kinh tế ảm đạm nhất trong nhiều
thập niên là tin vào nhân viên và khách hàng của mình.
Văn hoá của Zappos là hình ảnh thu nhỏ của niềm
tin. Trong cuốn Delivering Happiness của mình, Hsieh nói: “Chúng ta
không có những kịch bản có sẵn [để nhân viên chăm sóc khách hàng sử dụng] vì
chúng tôi tin rằng nhân viên của chúng tôi biết dùng những phán đoán tinh tường
nhất khi giao tiếp với từng khách hàng”. Không giống như hầu hết các trung tâm
chăm sóc khách hàng qua điện thoại, thời gian gọi không được ghi lại và nhân
viên được khuyến khích sử dụng thời gian bao lâu cũng được miễn là để làm khách
hàng hài lòng. Hsieh nói: “Hãy trao quyền và tin tưởng nhân viên dịch vụ khách
hàng của bạn. Hãy tin rằng họ muốn cung cấp dịch vụ tốt nhất... vì họ thực sự
muốn điều đó. Hãy hạn chế ít nhất việc nhân viên đưa sự vụ tới người giám sát của
họ”.
Zappos cũng tin vào khách hàng của mình, cho họ cơ
hội để đặt mua bất kỳ đôi giày nào họ muốn, thử và trả lại nếu họ không thích –
với tiền giao hàng miễn phí cả hai chiều và chính sách trả lại có giá trị trong
365 ngày. Ngoài ra, công ty còn nhất quán cư xử theo những cách truyền cảm hứng
niềm tin. Vào tháng 5 năm 2010, một lỗi về định giá dẫn tới mọi món hàng có
trên 6pm.com, một trang web chị em với Zappos, được chào bán trong vòng sáu giờ
với giá tối đa 49,95 đô-la. Vì một số món được thực hiện trên trang web này thường
được bán với giá hàng ngàn đô-la nên vụ này đã dẫn tới một thiệt hại khổng lồ
cho Zappos. Tuy nhiên, Zappos tôn trọng giá đã được chào mời.
Một mặt, chúng tôi chắc chắn đây là một giao dịch lớn đối với khách hàng, mặt
khác, đó là lỗi của chúng tôi và chúng tôi chịu thiệt hại vô cùng lớn (hơn 1,6
triệu đô-la – Chao ôi!) vì bán rất nhiều món dưới giá vốn. Tuy nhiên, đó là lỗi
của chúng tôi. Chúng tôi chấp nhận mọi đơn hàng được đặt trên trang web 6pm.com
trong khoảng thời gian đó. Chúng tôi xin lỗi bất kỳ khách hàng nào bị bối rối
và/hoặc thất vọng trong thời gian chúng tôi phạm sai lầm nhỏ này và cảm ơn họ
vì đã là những khách hàng tuyệt vời như vậy. Chúng tôi hy vọng họ sẽ tiếp tục
Mua hàng, Tiết kiệm và Mỉm cười hài lòng trên trang 6pm.com của chúng tôi.
Điều ấn tượng nhất về Hsieh và Zappos là những kết
quả họ đạt được ngay giữa cơn suy thoái kinh tế. Và đó không phải là những kết
quả tài chính, dù chúng rõ ràng là rất ấn tượng. Với Hsieh, những kết quả quan
trọng nhất mà Zappos tạo ra đều có liên quan tới năng lượng tích cực và niềm
vui. Trên thực tế, mang lại hạnh phúc cho nhân viên, khách hàng và các đối tác
của Zappos mới thực sự là những gì đã định hình nên Zappos. Tầm nhìn và lời
tuyên bố mục đích của công ty rất rõ ràng: “Zappos luôn mang lại hạnh phúc cho
thế giới”.
Trao niềm
tin thông minh – Chìa khoá thành công của những người lãnh đạo
Làm cách nào mà Tony Hsieh lại có thể chèo lái
thành công con thuyền Zappos giữa dòng suy thoái của nền kinh tế nói chung? Đó
là do dịch vụ tuyệt vời mà Zappos mang lại cho khách hàng. Nhờ dịch vụ hoàn hảo,
Zappos dễ dàng chiếm được sự tin tưởng của người tiêu dùng, từ đó khiến họ sẵn
sàng dốc hầu bao để mua sắm dù cho đây là giai đoạn đại bộ phận người tiêu dùng
sẽ có xu hướng cắt giảm chi tiêu vào những mặt hàng thứ yếu do hiệu ứng tiêu cực
từ cuộc đại thoái kinh tế toàn cầu.
Sự tập trung mạnh mẽ vào dịch vụ khách hàng đã tạo ra tăng trưởng cho
Zappos. Có thể bạn đã biết, nhưng sau này Zappos còn
lấn sân sang nhiều phạm vi hàng hoá mới
như hàng điện tử hay hàng gia dụng. “Hi vọng là sau 10 năm, mọi người sẽ không
còn mặc định rằng chúng tôi là hãng bán giày trực tuyến nữa. Khách hàng của
chúng tôi đã hỏi về khả năng Zappos khởi sự lĩnh vực hàng không hoặc điều hành
Cơ quan Thuế vụ Hoa Kỳ” – Hsieh nói. “30 năm sau tôi muốn điều hành hãng hàng
không Zappos với dịch vụ khách hàng hoàn hảo nhất”.
Câu hỏi đặt ra là: Quy trình dịch vụ hoàn hảo này
xuất phát từ đâu?
Nó đến từ niềm tin mà Ban lãnh đạo của Zappos,
trong đó người đứng đầu là Tỷ phú bán giày Tony Hsieh, đặt lên đội nhân viên phụ
trách mảng dịch vụ khách hàng. Nó cũng đồng thời tới từ niềm tin mà Zappos trao
cho khách hàng – chính là những người trả lương cho họ. Đúng như Jeff Bezos
(người sáng lập Amazon) nói: “Nếu bạn xây dựng một trải nghiệm tuyệt vời, khách
hàng sẽ kể cho nhau nghe về nó. Lời truyền miệng quả là đầy sức mạnh”.
Zappos, hay Tony Hsieh, chính là mẫu người biết
cách sử dụng niềm tin thông minh, và nhờ vào niềm tin thông minh ấy, một quy
trình dịch vụ khách hàng hoàn hảo được ra đời để đưa một công ty trở nên vô
cùng lớn mạnh bất chấp sự suy thoái của nền kinh tế.
Phần còn lại chính là lịch sử.
Thế nào là niềm tin thông minh?
Thông qua cuốn sách Niềm tin thông minh, tác
giả mang tới cho chúng ta hệ thống tư duy rõ ràng về bản chất của khái niệm
cùng tên.
Niềm tin thông minh là sự phân định. Đó là một năng lực và một quy trình giúp
chúng ta hoạt động với niềm tin cao trong một thế giới niềm tin thấp. Nó giảm thiểu
rủi ro và gia tăng tối đa các khả năng bằng cách tối ưu hóa hai nhân tố chính: khuynh
hướng tin và sự phân tích.
Nói cách khác, niềm tin thông minh sẽ giúp chúng ta
biết cách để tin trong một thế giới mất niềm tin.
Trong bản chất của khái niệm “niềm tin thông minh”,
có hai nhân tố xuất hiện là “khuynh hướng tin” và “sự phân tích”. Nhằm giúp cho
độc giả hiểu rõ hơn về khái niệm xuyên suốt công trình nghiên cứu, tác giả đã đưa
ra những phân tích chi tiết về hai nhân tố này trong cuốn sách Niềm tin
thông minh.
Khuynh hướng tin – Mặt tình cảm của niềm tin thông minh
Khuynh hướng tin là xu hướng, thiên kiến hoặc ước muốn tin vào người khác.
Nhân tố này xuất phát từ vấn đề liên quan tới con tim.
Một người biết cách điều khiển “khuynh hướng tin” hiệu quả là khi anh/cô ấy biết
thể hiện niềm tin trước tiên. Nói cách khác, khuynh hướng tin chính là xuất phát
điểm tốt nhất cho một niềm tin thông minh. Theo tác giả, khuynh hướng tin là cách
chúng ta lắng nghe trái tim của mình và lựa chọn cách giải quyết tình huống với
một niềm tin rằng “hầu hết mọi người cơ bản là tốt” và lý do chúng ta tin người
đối diện bởi vì đó là cánh cửa mở ra một thế giới mới với nhiều khả năng hoàn toàn
mới.
Nhưng việc chúng ta tin cậy người đối diện một cách
mãnh liệt ngay từ lúc ban đầu không có nghĩa rằng chúng ta sẽ quyết định trao niềm
tin nơi họ lúc sau cùng. Quyết định sau cùng sẽ được đặt ra sau khi chúng ta làm
phép phân tích.
Vậy thì bản chất của khuynh hướng tin là gì?
Bản chất của khuynh hướng tin chính là bạn phải mở rộng
lòng mình trước các khả năng. Nếu một người lãnh đạo dẫn dắt đội nhóm bằng sự mất
niềm tin, anh/cô ấy sẽ không thể nhìn thấy những khả năng trước mắt.
“Nếu không tin thì đừng dùng, còn đã dùng thì phải tin”.
Câu nói này của Tào Tháo đã làm toát lên bản chất của nhân tố “khuynh hướng tin”
trong niềm tin thông minh thuộc hoạt động quản lý và lãnh đạo.
Sự phân tích – Mặt lý trí của niềm tin thông minh
Sự phân tích sẽ củng cố cho khuynh hướng tin và sẽ là
nhân tố giúp chúng ta ra quyết định cuối cùng rằng có đặt niềm tin vào người đối
diện hay không. Sự phân tích chính là vấn đề của khối óc và nó mang tính lý trí,
và nhờ hoạt động phân tích mà quyết định của chúng ta sẽ được giảm thiểu bớt tính
rủi ro.
Sự phân tích niềm tin thông minh sẽ được thực hiện thông
qua việc đánh giá ba biến số: Cơ hội; Rủi ro; Sự tín nhiệm. Nhờ sự phân tích, niềm
tin sẽ trở nên bớt mù quáng, từ đó biến niềm tin trở thành niềm tin thông minh.
Đúng như câu ngạn ngữ của Nga có nói: “Hãy tin, nhưng có xác thực”.
Tư duy tổng quát của toàn bộ cuốn sách: Niềm tin thông minh = Khuynh hướng tin
+ Sự phân tích
Thông qua những phân tích trên, chúng ta có thể thấy
rõ được bản chất của niềm tin thông minh – tư duy xuyên suốt cuốn sách cùng tên.
Để rèn luyện niềm tin thông minh, chúng ta cần biết
cách củng cố kỹ năng của mình để hoàn thiện đồng thời cả hai nhân tố quan trọng
là “khuynh hướng tin” và “sự phân tích”. Không một nhân tố nào trong hai nhân tố
này được phép xem nhẹ khi bạn rèn luyện niềm tin thông minh, trong bất cứ trường
hợp nào.
Nếu chỉ tập trung vào khuynh hướng tin, bạn có thể sẽ
bị rơi vào trạng thái đặt niềm tin mù quáng. Hậu quả là bạn sẽ dễ dàng bị tổn thương
bởi đầy rẫy những sự giả dối trong thế giới mất niềm tin ngày nay. Khi đó, sự phân
tích sẽ giúp bạn trở nên lý trí hơn và có những quyết định sáng suốt hơn.
Tương tự, nếu chỉ tập trung vào sự phân tích, phán đoán
của bạn có thể sẽ bị lệch lạc bởi bạn đang quá bị chìm đắm vào trong những lý luận,
giả thuyết và cân nhắc các chi phí cơ hội. Khi đó, khuynh hướng tin sẽ giúp bạn
cảm thấy thoải mái hơn và dễ chịu hơn.
Hai nhân tố này bổ trợ cho nhau trong quá trình chúng
ta rèn luyện niềm tin thông minh, và đó cũng chính là một trong những tư duy lớn
trong cuốn sách Niềm tin thông minh.
Chúng ta không bao giờ muốn hợp tác với người rất giỏi nhưng có tính gian lận,
hay những người rất trung thực nhưng không có năng lực.
Kết
Niềm tin thông minh chính là một trong những kỹ năng
quan trọng mà một nhà lãnh đạo cần có. Anh/cô ấy sẽ không thể dẫn dắt đội nhóm đi
tới mục tiêu nếu như trên hành trình, họ không dành cho nhau sự tin tưởng. Tuy nhiên,
anh/cô ấy cũng cần phải biết đặt niềm tin vào đúng người. Nói cách khác, trên hành
trình chinh phục mục tiêu, niềm tin là thứ không thể thiếu và nó được đặt vào đúng
người. Đó chính là niềm tin thông minh.
Niềm tin thông minh của Stephen M. R. Covey, Greg Link và R. Merrill là cuốn
hồng bảo thư xuất sắc mà mọi người nên sở hữu trong một thế giới đang mất quá nhiều
niềm tin như ngày nay. Thông qua những phân tích sâu sắc, tác giả đã mang tới cho
chúng ta những lời khuyên hữu ích nhằm giúp chúng ta xây dựng thành công các đội
nhóm hiệu quả và văn hóa niềm tin cao, từ đó tạo bàn đạp cho sự tăng trưởng chung.
Nếu bạn khao khát muốn xây dựng các đội nhóm mạnh nhằm nâng cao hiệu quả công việc
thì Niềm tin thông minh chắc chắn sẽ là một cuốn sách rất đáng để đọc và
nghiên cứu.
Tác giả: DO
Hình ảnh: DO
______________
Theo
dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích
đọc sách và muốn lan toả văn hoá đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại
link: http://bit.ly/bookademy_ctv
(*) Bản quyền bài viết thuộc
về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy
đủ “Tên tác giả -
Bookademy”.
Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải
gỡ bỏ.
Điều này được yêu cầu đọc tại nơi làm việc. Không phải là một cuốn sách lật trang nhưng đáng đọc. Đã thay đổi quan điểm của tôi về giá trị của niềm tin vào một tổ chức, ở cấp độ vi mô/cá nhân cũng như cấp độ vĩ mô/tổ chức. Bạn sẽ làm được nhiều việc hơn nếu bạn mặc định tin tưởng, điều đó sẽ tạo ra một môi trường làm việc tốt hơn và cuối cùng là sản phẩm/dịch vụ tốt hơn.