Đọc văn của Nguyễn Ngọc Tư, người ta khó lòng ngăn cản được nỗi buồn, mà cũng không muốn ngăn cản nỗi buồn bởi cuối dòng chảy cảm xúc ấy là sự đồng cảm, hy vọng và cả dỗ dành..
Xem thêm

Trong tập truyện ngắn này, tôi thích nhất là “Khói trời lộng lẫy”, là những nỗi đau xé lòng, là một nỗi niềm của một người con gái sống trong hoàn cảnh trọng nam khinh nữ. “Họ buộc phải lựa chọn, hoặc là không yêu thứ gì, hoặc tập chai sạn trước nỗi đau. Cách nào thì đều dẫn con người về một chỗ: vô cảm”. Câu chuyện đan xen giữa thực tại và quá khứ, giữa nỗi lòng của một cô gái và một nhân viên nhiệt tình trong công việc. Để rồi đọc xong “… tôi biết âm thanh đẹp nhất của cuộc sống là tiếng của một người nói yêu một người”; để thấy thương cảm cho một cô gái vẫn trong tuổi xuân xanh, “không còn ai nhớ da thịt tôi đã từng ấm mùi lửa than và thơm dậy sữa, không ai nhớ tôi đã đẹp như thế nào khi nằm mút tay và mằn chơi những ngón chân mình. Tôi có từng ăn đất không? Có từng đái dầm? Hay khóc mớ?”. Không còn ai nhớ đến cả.

Tác giả khép lại câu chuyện là những cái kết bi thương. Để rồi nhận ra mọi thứ sao xa vời…Đối với tôi, câu chuyện đầu là buồn nhất, câu chuyện cuối là bi thương nhất. Dù chuẩn bị tinh thần khi đọc sách của cô Tư, nó sẽ buồn sẽ nhớ, nhưng rồi khi đọc mỗi câu chuyện lại có một nỗi buồn riêng. Còn nói về không thích thì có lẽ tôi chỉ tiếc sao mỗi câu chuyện lại quá ngắn. Khói trời lộng lẫy…


Thử hỏi thế gian ngọn đèn nào không tắt, có chăng chỉ là chuyện sớm hay muộn. Ngay cả mặt trời chói chang cũng có lúc khép mình chờ ngày mới đến. Thực tế như vậy, riêng tình cảm con người lại là những lí lẽ muôn đời không đoán được thì chuyện hiếm hoi nào lại không thể xảy ra. Ngọn đèn trong Nguyễn Ngọc Tư không rực rỡ, lấp lánh, vẫn hệt văn phong bà tác giả, ánh sáng phát ra đọng lại những tia sầu.

Đọc Nguyễn Ngọc Tư làm người ta yêu thêm mảnh đất quê hương Nam Bộ. Không vì phù sa cho lúa tốt, không vì cây lành trái ngọt quanh năm mà vì tình người mặn mòi hơn bất cứ giọt nước biển nào bạn từng nếm trải. Một vùng đất mà khi xa thấy quặn nhớ, lỡ đường không sợ vất vơ, mọi cánh cửa không chốt chặt, luôn sẵn lòng chờ đón bạn như người thân ruột rà. Cái xứ mà thiếu gì chớ lòng hào sảng thì cứ đầy ắp. Chú Tư lội sình bắt cá, cô Bảy hì hục chái bếp hun hút khói. Loay hoay buổi trời để đãi khách lỡ đường bữa cơm ngon. 
Ngọn đèn trong tâm tưởng là ngọn đèn mãi mãi không tắt được. Bởi vì ánh sáng phát ra đã ngấm vào từng hơi thở, thớ thịt, truyền từ đời này sang đời khác. Như ông lão hai Tương, đến ngày kỉ niệm cuộc khởi nghĩa, ông thay mặt đồng đội kể lại, chiến tích có, mất mát có. Chẳng phải ông là một ngọn đèn không tắt trong cuộc chiến đẫm máu hay sao, chẳng phải đồng đội đã khuất là những ngọn đèn không tắt trong lòng ông, trong lòng mọi người hay sao? Ông đi rồi thì nhỏ Tươi cũng tiếp nối ông nội, để cứ mỗi bận kỉ niệm ngày trọng đại, nó lại ê a câu chuyện của những ngọn đèn ấy, chân thực như thể đã từng kề vai chiến đấu. 

Rồi cũng tính hào sảng làm người xứ này nhiều phen nặng lòng. Ai sống vì tình nhiều hơn luôn là kẻ thua cuộc. Hỏi thử “Ai đem con sáo sang sông?”. Sáo trả lời thằng Phi chớ ai. Cái thằng gì mà cuộc đời phi lí hết sức. Phi lí chỗ bỏ học, bỏ tương lai rộng mở trước mặt về mần ruộng nuôi sắp em nhỏ ăn học. Phi lí chỗ để con gái nhà người ta chờ tới 24 tuổi, cái tuổi gái xứ này thuở đó kẹp nách ba con cũng còn trẻ chán. Phi lí ở chỗ chạy qua nhà trai, xem nhà xem gia cảnh, ưng bụng rồi về kêu người yêu “Em lấy chồng đi”. Rồi phi lí nhứt là giọng ca mùi mẫn hát vui đám cưới khắp xóm nhưng chẳng biết đến bao giờ hát đám cưới mình. Cuộc đời phi lí hết sức, mở lồng cho sáo sang sông. 

Nước mắt rơi theo nhiều dòng chảy, nếu chỉ rơi vì cay xè vị ớt, hành tây,… thì có khác chi nước lã. Rơi vì đọng tâm tư là giọt nước mắt của chân tình. Cũng rất muốn hỏi như Xuân Diệu: Hỡi thế gian tình là gì? Từ khi đọc Nguyễn Ngọc Tư lại muốn hỏi khác: Hỡi thế gian sầu là gì?
Cười không được, khóc chẳng xong. Có gì khổ bằng giữ hoài mối tơ lòng đã cũ. 

"Ngọn đèn không tắt" là tập truyện ngắn đầu tay của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, báo hiệu một tài năng văn học sẽ trở thành một tác giả nổi tiếng, mở đầu một giai đoạn sáng tác dồi dào và đặc sắc. Câu chuyện được lấy làm tựa đề tập sách là một câu chuyện thấm đẫm chất Nam Bộ, của những con người chân chất thuần hậu, của những thế hệ can trường không thay lòng đổi dạ và mối dây đồng bào không thể chia lìa của dân tộc. Có một chút nhớ đến "Ngọn đèn đứng gác" của nhà thơ Chính Hữu, với những con người đời thường hơn trong bối cảnh lịch sử chiến tranh.

Sáu truyện ngắn giản dị, không có xung đột gì to tát, chẳng có bài học gì cao siêu, chỉ là những chuyện ngổn ngang quanh ta ở xóm này chợ nọ, đời thường và gần gũi nhưng cũng vô cùng đáng quý, người ta có thể nhìn thấy làng quê và những ruộng đồng, sông ngòi và những mùa trôi qua trước mắt, trong lành nhưng vẫn mang bao niềm xúc cảm. Có thể thấy vì sao tập truyện được giải nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 2 vào năm 2000, ở đây văn Nguyễn Ngọc Tư vẫn còn khá trong trẻo, chưa có quá nhiều nỗi ám ảnh quay quắt như sau này. Sau này các tác phẩm của nhà văn có buồn thương đi thêm rất nhiều, cũng bớt đi phần trong trẻo theo thời gian, nhưng màu sắc bàng bạc những chiều quê Nam Bộ đã có từ đây, cũng như nỗi nhớ, nỗi buồn man mác đã lan vào lòng người đọc từ những câu chữ đầu tiên, không khác gì những điệu hò, câu lý dân gian xưa vọng về.

Nếu Nam Cao hay Kim Lân là những tác giả Việt Nam tôi thích nhất trong thời kỳ văn học cách mạng thì Nguyễn Ngọc Tư chính là tác giả mà tôi thích nhất trong nền văn học đương thời. Những cuốn sách của cô Tư đều mang vẻ đẹp mộc mạc, chân thành, câu chữ tự nhiên không hoa mĩ, hình ảnh con người hiện lên qua những trang sách cũng thật thân quen. Cuốn "Ngọn đèn không tắt" này cũng không ngoại lệ. Vẫn viết theo lối truyện ngắn quen thuộc, nhưng chưa bao giờ cô Tư làm tôi thất vọng, mặc dù đây là cuốn sách đầu tay nhưng không thể phủ nhận cái hay trong cách kể chuyện của cô. Cô cứ kể, không đầu không đuôi, chỉ đơn giản là ghi chép lại, là nhìn cuộc sống Nam Bộ và người dân nơi đây theo một lăng kính rất riêng, nhẹ nhàng mà khác biết. Sự lắng đọng trong tâm hồn, một chút u buồn nhưng giọng văn lại hấp dẫn, nó cuốn theo người đọc về vùng sông nước. Con người hiện lên qua câu chữ của cô Tư cũng nhẹ nhàng và sâu lắm như thế. Văn của cô Tư những quyển đầu tay thật sự khiến người đọc ám ảnh, mặc dù có vẻ mềm mại nhưng lại đầy chua xót, bởi văn học là nhân học, là câu chuyện của con người, tình giữa người với người, tình giữa người với quê. Để rồi sau tất cả cái cảm giác chua xót lắng động lại trong tâm trí người người đọc bất giác bồn chồn. Mặc dù đây không phải là cuốn sách hay nhất của cô Tư nhưng vẫn là một cuốn sách đầy cảm động và chân thành viết về một miền đất giản dị và chan chứa yêu thương.

Khói Trời Lộng Lẫy là câu chuyện tự thuật của một người con gái sống trong một xã hội ở thời kỳ trọng nam khinh nữ. Chỉ vì cô là con gái, cha cô đã bỏ mặc mẹ con cô khi cô còn rất bé.

Khi lớn lên, cô xin vào làm việc trong Viện di sản thiên nhiên và con người, nơi mà công việc chủ yếu đòi hỏi sự lắng nghe và ghi lại. Lắng nghe gì ư? Và ghi lại gì ư? Lắng nghe và ghi lại những vẻ đẹp ở trên đời của cả thiên nhiên và con người, đặc biệt là những vẻ đẹp sắp đi vào dĩ vãng….

Vẻ đẹp đôi khi cũng rất phức tạp, nhưng đôi khi cũng lại rất đơn giản.

Với thiên nhiên, vẻ đẹp chính là những âm thanh của tiếng chim hót, tiếng lá xào xạc, tiếng suối chảy róc rách, … hoặc là hình ảnh “chiếc xe xích-lô, xe thổ mộ xưa ngoại từng ngồi, hơi xóc tí nhưng hay lắm, thơ mộng lắm…”.

“Con người trừng trị thiên nhiên bằng cách hạ nhục nó, hủy hoại nó. Còn thiên nhiên trả thù bằng cách nào em biết không? Nó biến mất”.

Còn với con người, vẻ đẹp tồn tại như thế nào? Đó chính là những làng nghề, những trò chơi dân gian, hay nghệ thuật làng…

Hay tinh tế hơn, phức tạp hơn, vẻ đẹp chỉ là một khoảnh khắc, cái khoảnh khắc mà ngay “khoảnh khắc đó tôi đã biết âm thanh đẹp nhất của cuộc sống là tiếng của một người nói yêu một người”.