2 năm trước Tĩnh lặng, hun hút như thể khóa chặt hoàn toàn nhân vật Tác giả, ông Kawabata Yasunari từng tự nói về mình: "Không bao giờ tôi trút được ám ảnh rằng mình là một người lang thang ưu sầu. Luôn luôn mơ mộng tuy rằng chẳng bao giờ chìm đắm hoàn toàn trong mơ, mà vẫn luôn tỉnh thức giữa khi mơ...". Có lẽ xuất phát từ phức cảm này mà ông đã tạo ra ''Những người đẹp say ngủ'', tác phẩm lộng lẫy, kì dị mà cũng ngập tràn mông lung .''Say ngủ'' hay còn có nghĩa là thụy miên. Trong Phật giáo, hôn trầm thụy miên là một trong năm triền cái: năm màn ngăn che làm cho con người không thấy được tâm mình tham lam, sân hận, ngu si, ngã mạn, nghi ngờ. Năm triền cái là chướng ngại chính cản trở sự thành công trong hành thiền và phát tuệ giải thoát. Hôn trầm là trạng thái buồn ngủ, mơ màng còn Thuỵ miên là ngủ gục, ngủ sâu và say. Khi người ở trong trạng thái hôn trầm thụy miên, sự tỉnh táo và trí tuệ đều không tồn tại. Dù ăn và ngủ vốn là hai bản năng cơ bản của mọi loài, nhưng còn bị chi phối bởi hai bản năng này, đắm chìm trong đó thì tâm trí còn chưa được giải phóng hoàn toàn hay nói cách khác, mãi chìm trong u mê ái muội .''Những người đẹp say ngủ'' có mạch truyện chính dựa trên trạng thái mơ màng hôn trầm thụy miên. Không gian truyện vì thế mà tĩnh lặng, hun hút như thể khóa chặt hoàn toàn nhân vật cũng như người đọc vào một thế giới chỉ thuộc về riêng nó. Cốt truyện kì dị, ông già Eguchi gần 70 tuổi, theo lời giới thiệu của một người bạn mà ghé thăm ngôi nhà của những người đẹp say ngủ. Ông trải qua 5 đêm với 6 cô gái trẻ bị làm cho say ngủ. Bên cạnh các cô gái, ông chiêm nghiệm về tuổi già, về cuộc đời ông từng trải qua và cuối cùng là giấc mơ được giải thoát, được chết. Văn phong bồng bềnh dẫn dắt tôi vào một thế giới có quá nhiều cánh cửa bị khóa chặt, tĩnh lặng nhưng lại cuồn cuộn chất chứa một điều gì đó khó có thể chạm tới, khó có thể gọi tên buộc tâm trí hỗn độn phải bị rút sạch “để ở bên ngoài”. Vì thế mà cuốn sách này đem lại một trải nghiệm đọc như thiền, thư thái và tràn đầy rung cảm. Có thể bạn cũng như tôi, có cảm giác đứng ngoài hoàn toàn những cánh cửa tầng tầng lớp lớp xuất hiện trong tác phẩm, nhưng vẫn bị cuốn vào trong vô thức. Có quá nhiều thứ bị đóng kín, khóa chặt trong tác phẩm này, tâm hồn ông Eguchi, tâm hồn của các cô gái, câu chuyện của người đàn bà trung niên, bí mật về ngôi nhà của những người đẹp say ngủ và cả tâm trí của chính người đọc khi tiếp cận câu chuyện kì lạ này. Phải chăng vì thế mà không gian của ''Những người đẹp say ngủ'' lại tràn ngập mộng mị, không có chỗ cho tư duy mạch lạc, ở đây, mỗi cá thể phải đối diện với hỗn độn của chính bản thân mình? Like Share Trả lời
2 năm trước Đáng để đọc và cảm nhận Một cuốn sách mỏng, nhưng lại có thể gây quá nhiều tranh luận, biện chứng, và phải đi sâu phân tích từng câu từng từ của tác phẩm. Kawabata Yasunara từ nhỏ đã chịu sự ảnh hưởng của Phật giáo, vậy nên trong tác phẩm, ý nghĩa của tân nhân vật, hình ảnh xây dựng về ông lão 67 tuổi, hình ảnh những người đẹp say ngủ đều khiến những người đọc, nhất là những người phân tích ngôn ngữ phải băn khoăn, rằng đấy là biểu tượng gắn với hình tượng Phật hay là việc hạ thấp giá trị của người phụ nữ. Có lẽ chỉ dăm ba câu không thế đủ để hình dung hết những tác động mà truyện mang lại. Nhưng quả thật, như bài “Giải mã ngôn ngữ trong Những người đẹp say ngủ” của Khoa ngôn ngữ, Kawabata Yasunara quả thực là “ Mỗi nhà văn muốn hay không trước hết phải là con đẻ của một nền văn hóa dân tộc, tự giác tiếp nhận lối tư duy, những mô thức ứng xử từ xa xưa đã trở thành truyền thống của dân tộc mình”.. Like Share Trả lời
2 năm trước Một quyển truyện rất hay Một quyển truyện rất hay. Truyện kể về ông lão Eguchi, 1 người đã đến tuổi thất thập cổ lai hi rồi, nhưng vẫn luôn luyến tiếc về quãng đời đã qua của mình, cũng như sự bất lực khi phải mòn mỏi nhìn những ngày tháng cuối đời dần trôi qua và nhờ 1 ông bạn già, ông biết đến ngôi nhà có những người đẹp say ngủ những người con gái xinh đẹp bị đánh thuốc nằm trần truồng trên nệm đợi sẵn, và việc của những ông già là nằm ôm những cô gái này mà ngủ (chỉ được ôm, không được làm gì khác), như kiểu ôm gấu ôm, hay ôm búp bê tình dục hiện nay vậy. Đây rõ ràng là 1 chủ đề rất mới trong văn chương Á đông thời đó và có lẽ, nỗi lòng của tác giả cũng bộc bạch qua những ông lão như ông Eguchi, khi tuổi đời đang đếm ngược từng ngày trong sự bất lực vãn hồi, họ còn biết làm gì ngoài ôn lại những quá khứ hừng hực ngày xưa, để mà vui, để mà buồn, để mà luyến tiếc những người đẹp say ngủ như hóa thân của những chuyện tình không thành trong cuộc đời mỗi người đàn ông, là những người tình, mãi ngủ say trong trái tim dù già nua nhưng vẫn chan chứa của những ông già gần đất xa trời những người tình và hình bóng của họ mãi trẻ trung, xinh đẹp và không thể nào với tới hay níu kéo lại được nữa. Xã hội càng phát triển, những người già càng cảm thấy mình vô dụng, và trở thành kẻ đứng bên lề của cuộc đời, chơi vơi, lạc lõng, cô đơn và tủi nhục....đó chẳng phải đang là thực trạng ngày nay của xã hội loài người hay sao?. Nhưng với Kawabata, ông nhận ra điều đó từ mấy chục năm trước, từ khi ''Những người đẹp say ngủ'' được chắp bút rồi! Like Share Trả lời
2 năm trước Cuốn sách sâu sắc và nhân văn “Những người đẹp say ngủ” xoay quanh thế giới nội tâm của nhân vật Eguchi- một ông lão đã ngoài 60 theo lời giới thiệu của một người bạn mà tìm đến căn nhà của những người đẹp say ngủ. Đúng như tên gọi, mỗi đêm ông được ngủ với một cô gái lạ, trong tình trạng khoả thân hoàn toàn và luôn trong trạng thái say giấc. Mỗi một cô gái lại gợi lên trong lão kí ức về một thời hoa niên của mình, về những người đàn bà đã qua đi trong đời ông. Tất cả những kí ức ấy đan xen cùng với thực tại, chao đảo và mơ hồ trong cơn nửa mộng, nửa tỉnh. Thời gian đã lấy đi sức lực và tuổi trẻ của Eguchi, cái thời nhiệt huyết nhất đã bỏ lão đi tự khi nào. Đến cái tuổi sắp độ vào thu này, lão chỉ có thể đến căn nhà này để được nằm cạnh những cô gái trẻ trung, được chiêm ngưỡng sức sống căng tràn, mơn mởn của những cô gái xuân thì mới chớm nở. Vẻ như, đó là cách duy nhất để lão lắp đầy những khoảng trống của cô đơn và bất lực đang gặm nhấm thân thể héo tàn này từng giờ.Cuốn sách không quá tốn nhiều thời gian để hoàn thành nhưng để hiểu thấu tất cả sự chiêm nghiệm và đúc rút của lão Eguchi thì có lẽ, ta cần nhiều thời gian hơn thế.Cái chết và sự tuyệt vọng luôn luẩn quẩn trong từng trang giấy, đó là nỗi niềm tuyệt vọng khi không thể quay lại những năm tháng trẻ trung , sự tuyệt vọng khi không thể hoà mình với thời gian để ngàn năm bất diệt, tuổi già bào mòn sức sống của lão và vẽ ra những cái chết trong tâm tưởng kiệt quệ ấy. Thế nhưng, cái đẹp vẫn ngời sáng trong áng văn buồn bã, đó là khát khao cháy bỏng tìm được mối giao hòa với thế giới xung quanh, khát khao có một chỗ đứng trong cuộc đời bằng một cái tôi trọn vẹn. Kawabata vẫn luôn tái hiện và đề cao cái đẹp trong văn chương của mình bởi nỗi buồn vẫn luôn gắn liền với cái đẹp, sự hoà trộn giữa hai thứ tưởng như đối lập ấy đã làm dao động những tâm hồn luôn kiếm tìm cái “đẹp”, khát khao cái trường tồn, bất diệt giữa dòng đời vô thường, hữu hạn. Like Share Trả lời
2 năm trước "Một kiệt tác, toả ra thứ mùi như mùi hư hoại của trái cây chín nẫu, song vẫn giữ được vẻ đẹp hoàn hảo về mặt hình thức." Mình biết đến Kawabata Yasunari lần đầu tiên khi trải nghiệm tác phẩm Ngàn cánh hạc của ông. Văn chương của Kawabata Yasunari vừa đẹp, vừa buồn, lại thâm trầm và đầy sâu sắc. Nội dung của "Những người đẹp say ngủ" kể về một ông lão tên Eguchi theo lời giới thiệu của một người bạn tìm đến một nhà trọ, nơi ông ta và những vị khách khác được sắp xếp để ngủ với những cô gái có vẻ đẹp trẻ trung thần khiết trong tình trạng loã lồ và không thể bị đánh thức. Ban đầu, Eguchi chỉ đến vì sự hiếu kì, và ông cũng không có ý định đến sau lần đầu tiên. Tuy nhiên, càng về sau, thời gian Eguchi ghé vào quán trọ "những người đẹp say ngủ" ngày càng được rút ngắn. Trải nghiệm nằm cạnh bên những cô gái trinh trắng, đẹp đến nao lòng từng bước đánh thức kí ức mãnh liệt của Eguchi về những người phụ nữ bước qua cuộc đời ông, cùng với đó là sự chua xót, bất lực khi từng tế bào trên cơ thể già nua của mình toát ra mùi của sự huỷ hoại và cái chết. Nằm bên cạnh các cô gái ấy, Eguchi bị giằng xé giữa sự tôn sùng cái đẹp của tuổi trẻ và dục vọng chiếm hữu phá huỷ nó. "Chẳng phải niềm khát khao đối với giấc mơ không thể chứng kiến đến phút chót, nỗi tiếc nuối về những ngày tháng đã mất không thể tóm bắt được nơi những ông già đáng thương đang dồn tụ thành tội lỗi ở ngôi nhà bí mật này hay sao?" Con người trong quán trọ "những người đẹp say ngủ" đều là những kẻ đã gần như mục ruỗng, mà bất kì ai nói chung và Eguchi nói riêng khi càng cố níu giữ cái đẹp, càng cố gắng bảo vệ những thứ không thể chạm tới thì đều có thể biến nỗi sợ vỡ vụn và vuột mất nó thành hiện thực.Có lẽ khi xế chiều, con người ta thường tưởng niệm lại những thứ đã qua cùng những đam mê thời thơ dại. Đam mê của những người đàn ông, lão già trong văn chương Kawabata là thứ đam mê nhục dục thời trai trẻ và khao khát nắm bắt được vẻ đẹp của cuộc sống. Hiện ra trước mắt của Eguchi khi nằm chung với những người con gái diễm lễ trắng trong là vẻ đẹp tươi mới của tuổi trẻ, nhưng đó cũng là thứ tuổi trẻ không thể chạm vào, không thể huỷ hoại mà chỉ có thể cảm nhận bằng hơi thở và đôi mắt trần trục.Mishima Yukio đã có lời bình sau về "Những người đẹp say ngủ": "Một kiệt tác, toả ra thứ mùi như mùi hư hoại của trái cây chín nẫu, song vẫn giữ được vẻ đẹp hoàn hảo về mặt hình thức." Like Share Trả lời
2 năm trước Mình thực sự thích quyển này ấy Concept có cái nhà nơi mà toàn các cô gái ngủ say như chết để cho mấy ông già đến nằm ngủ cùng sờ soạng khá là thú vị, ờ thì không nói đến khía cạnh “đang tởm” nhé. Ông già Eguchi trong truyện ở cái độ tuổi già nua rồi, ông ta có thử qua đêm ở nhà này, mỗi một lần ông nằm cạnh một cô gái. Hình như là trong cả truyện có 4 lần ông đến nhà này, lần cuối cùng là ông được ngủ cạnh hai cô gái cùng một lúc. Truyện kể chi tiết về từng đêm của ông. Không có plot cụ thể gì cả, chỉ là những kí ức của ông hiển hiện khi ông nằm cạnh cô gái, và những suy nghĩ của ông về cô gái đó. Có một lần nằm ông phát hiện ra cô gái còn trinh, và ông tự hỏi những ông già khác khi nằm cạnh cô đã không làm gì cô và giữ gìn sự tươi sáng đó ở cô. Rồi ông nghĩ đến việc ông sẽ cướp đi sự trinh trắng đó, và khi cô gái tỉnh dậy cô cũng không thể biết được… và khi ông định làm thì ông tự ngừng lại, cảm thấy không thể làm thế. Bắt đầu lại những suy nghĩ về sự xấu xa, sự độc ác - bởi vì khi một cô gái ngủ say như chết, ông có thể làm gì cô gái ấy cũng được, thậm chí là bóp cổ. Sau đó ông được biết về một vụ xảy ra ở nhà này, khi mà vị khách, do đau tim, đã chết cạnh cô gái đêm đó. Cô gái đã ngủ qua cả một đêm cạnh một xác chết cho đến khi cô tỉnh dậy hãi hùng phát hiện ra. Ông già Eguchi cũng nghĩ ngợi nhiều lắm về chuyện đó, hình dung ra ông chết thì thế nào… Mình vốn thích văn phong của Kawabata Yasunari nên đọc cuốn này với concept mới lạ lại càng thích, nội dung truyện lòng vòng chỉ là kia ức của Eguchi về những cuộc tình trong quá khứ. ⠀ Like Share Trả lời
2 năm trước Nhận ra chúng ta đã già, nuối tiếc tuổi trẻ và quá khứ đã trôi qua khi nhìn vào hiện thực 💮 Trong giai đoạn văn học Nhật Bản được truyền bá đến Việt Nam, có lẽ Kawabata Yasunari là tác gia Nhật Bản có số lượng tác phẩm áp đảo. Những thế hệ trước đã biết đến Xứ Tuyết, Ngàn Cánh Hạc, Vũ Nữ Xứ Izu, hay Tiếng Rền Của Núi,... Hiện nay chúng ta, những thế hệ tiếp theo cũng được tiếp cận với văn chương của ông ở một diện mạo mới, đẹp hơn cả về bìa sách lẫn chất lượng in ấn để xuất bản, chỉn chu thống nhất trong biên tập và vì vậy, thu hút nhiều độc giả hơn. Nói về Văn của Kawabata hẳn chúng ta thường ấn tượng bởi cái đẹp, thường thấy là vẻ đẹp truyền thống Nhật Bản, cũng chính như yếu tố đã giúp ông nhận giải Nobel văn học. Cái đẹp thiên nhiên của ông, nổi bật nhất với mình mãi là vẻ đẹp tinh khôi nơi Xứ Tuyết thăng hoa theo dòng cảm tưởng của nhân vật. Và thực ra với mình, Kawabata còn đưa mình đến vẻ đẹp của con người, vẻ đẹp thuần khiết trung thực đến mức mà ngay cả người Nhật cũng không hẳn đã đồng ý. Vẻ đẹp ấy hiện diện rõ rệt trong Những Người Đẹp Say Ngủ.💮 "Những người đẹp say ngủ" còn từng được xuất bản dưới cái tên khác là "Người đẹp ngủ mê", một tác phẩm mà lúc bấy giờ bị đánh giá là đồi phế ngay cả ở Việt Nam lẫn Nhật Bản. Nội dung kể về Eguchi, một ông già khọm thường xuyên ghé qua ngủ lại ở một ngôi nhà, nơi ông ta và những khách hàng khác được sắp xếp ngủ riêng với những cô gái xinh đẹp trẻ trung thuần khiết. Ngủ ở đây thực sự chỉ là ngủ, những cô gái ngủ say, trần truồng, cả cơ thể toát lên một vẻ đẹp dịu dàng nữ tính, một sự thuần khiết trắng trong đến nao lòng như nàng công chúa ngủ trong rừng. Và trái ngược với sự mỹ lệ đó là những ông già bất lực, lọm khọm, da nhăn nheo đồi mồi, mỗi lỗ chân lông đều toát lên thứ mùi hủ hoại, mùi của cái chết và bệnh tật. Mỗi khi đêm đến những ông lão như Eguchi đã nằm kề bên những cô gái đó, khao khát chiếm đoạt vẻ đẹp và sự thuần khiết đó nhưng lực bất tòng tâm. Eguchi đấu tranh giữa thái độ tôn sùng cái đẹp của tuổi trẻ, của nữ tính và dục vọng chiếm hữu phá hủy nó. Trôi bồng bềnh giữa những hồi ức về một tuổi trẻ như đã hoang phế, ông đã giữ cái đẹp ở trước mặt mình cùng nỗi sợ hãi nó tiêu biến đi mất💮 Có lẽ sẽ có người không ưa quyển sách này, và thậm chí thấy có gì đó biến thái như cách bạn mình nhận xét. Nhưng đối với mình khi đọc chậm lại từng chút sẽ thấy buồn cho Eguchi, buồn cho tuổi già, buồn cho chính con người chúng ta. Ai cũng biết sinh lão bệnh tử là chuyện thường tình trên thế gian, nhưng mấy ai nhận thức rõ ràng. Giống như bệnh tật vậy, chúng ta thấy trân trọng cuộc sống và sức khỏe hơn chỉ khi chúng ra tiếp xúc với ốm đau bệnh tật và cái chết. Tuổi già cũng vậy, chúng ta chỉ ngỡ ngàng nhận ra chúng ta đã già, nuối tiếc tuổi trẻ và quá khứ đã trôi qua khi nhìn vào hiện thực. Chúng ta còn lại gì ngoài thân xác này, nỗi buồn và cả sự khao khát chút sắc hương dịu dàng của tuổi trẻ chỉ xuất hiện khi chúng ta ở mặt đối lập của vẻ đẹp và sức sống ấy, của những cô gái trần trụi mà trong sáng thánh thiện kia. Ngoài lề một chút thì mình từng xem một bộ phim phương Tây tên là sleeping beauty thì phải, hình như được xây dựng dựa trên quyển này hay sao đó bởi tình tiết khá giống.💮 "Dường như trên cơ thể trẻ trung của các cô gái, có cái gì đó u buồn gợi lên lòng muốn chết nơi các ông già."-----4☆ Like Share Trả lời
2 năm trước Cuốn tiểu thuyết với nhiều tranh cãi “Người đẹp say ngủ” ra đời khi Y.Kawabata đã ngoại sáu mươi. Đó là thời kì ông gắn bó với Tạp chí Tân Trào. Năm Chiêu Hòa thứ 35 (1960) ông chỉ tham gia từ số 1 đến số 6 trên Tạp chí trên. Sở dĩ Y.Kawabata vắng bóng nửa năm 1960 trên Tạp chí Tân Trào vì ông được mời đi Mỹ phỏng vấn và tham dự hội thảo nhà văn quốc tế lần 31 tại Braxin.Tiểu thuyết “Người đẹp say ngủ” miêu tả ông già Eguchi (âm Hán Việt là Giang Khẩu) 67 tuổi, đã 5 lần đến ngôi nhà được gọi là “mật thất”. Đó là câu lạc bộ của những người đẹp say ngủ, trước sau đã cùng 6 thiếu nữ chung giường chung gối khi họ dùng thuốc ngủ bất tỉnh. Tình tiết kì lạ có vẻ dung tục này đã đem lại những tranh luận cho tới nay vẫn chưa chấm dứt, đã đưa đến những kiến giải khác nhau về những chủ đề và giá trị đích thực của tác phẩm. Ở Trung Quốc phần lớn học giả đều cho rằng tác phẩm “Người đẹp say ngủ” là tác phẩm đồi trụy hư vô không lành mạnh, cho rằng tiểu thuyết biểu hiện tinh thần phóng đãng”, bộc lộ tâm lí bệnh hoạn của tác giả. Ngay trên quê hương Nhật Bản, cũng có không ít tiếng nói phê phán tác phẩm này từ nhiều góc độ khác nhau. Nhà văn Mitsueda Kazuo thậm chí nói: “Tôi thấy, điều mà tác giả thể hiện trong tác phẩm này chính là sự miệt thị và lăng nhục nữ tính.”(1). Xét từ bình diện bề mặt chữ nghĩa, từ dòng mạch những thiếu nữ dưới con mắt của ông già suy kiệt, loại bỏ sự tự tôn của ông già Eguchi, thì những thiếu nữ biến thành những con búp bê sống cho cánh đàn ông hưởng thụ, cũng đủ tạo ra sự lăng nhục đối với nữ giới. Tuy nhiên trên thực tế, những người già trong tiểu thuyết từ trong không gian tĩnh mịch và tăm tối của mật thất, thông qua cảm nhận hết sức mơ hồ của thị giác, khứu giác, xúc giác kể cả hơi thở mong manh do thính giác cảm nhận được, cũng không cần nhiều lời có thể thấy mong muốn cơ bản ở đây là sự truy tìm và thể hiện nỗi luyến tiếc về sức sồng tràn trề đã từng có của đời người trong những năm tháng xa xưa, là sự hưởng thụ khoái lạc về thể xác cũng như khoái cảm tinh thần hết sức thuần khiết phiêu diêu và hư vô. Ở đây tác giả rất dễ rơi vào lối mòn của tiểu thuyết sắc tình ướt át, song đã xử lí vô cùng tài hoa, đem lại cho tác phẩm sự hàm súc, thuần khiết và yên tĩnh. Ngay cả tính dục nguyên thủy luôn vang vọng, thôi thúc trong lòng ông già Eguchi cũng thể hiện sự tiết chế phi thường, không hề có một động tác nào thô dã, cũng chưa hề có một lời nói nào được bộc lộ ra. Độc giả chỉ có thể từ cảm giác mà cảm nhận cảm giác. Trong diễn ngôn, trước sau tác giả hết sức cẩn thận bảo toàn sự trong sạch cho các cô gái, đồng thời ra sức truyền cảm sự hồn thuần cao khiết hết sức đáng yêu của những cô gái này. Like Share Trả lời
2 năm trước Nhìn tác phẩm từ chủ đề cứu thế Tiểu thuyết “Người đẹp say ngủ” của Y.Kawabata, trên bề mặt là miêu tả một ông già suy kiệt hy vọng tìm mọi cách để có lạc thú, thực ra là thể hiện việc tìm ra cách cứu vớt và tĩnh hóa tâm linh trước những bủa vây của phiền não thế tục. Cái mà tiểu thuyết thể hiện là câu chuyện ẩn tàng về những kĩ nữ vốn là Bồ Tát hóa thân. Trong những thư tịch cổ của hai nước Trung - Nhật đều có ghi chép những câu chuyện loại này. Nhưng câu chuyện này đều truyền đạt tư tưởng phổ độ chúng sinh và vạn vật nhất như của Phật giáo. Y.Kawabata đã vận dụng mô thức kết cấu này để biểu đạt ý nghĩa mới của nội hàm cứu thế. Để hiện thực hóa sinh động hàm nghĩa kiểu truyện “kĩ nữ là Bổ tát hóa thân”, Y.Kawabata đã khéo dùng các hoàn cảnh, bối cảnh để khắc họa nhân vật, xây dựng quan hệ đối lập và tương hỗ giữa các nhân vật. Đằng sau tình tiết kì lạ “người đẹp ngủ say”, đã ẩn dấu chủ để cứu thế của Phật giáo – mọi chúng sinh đều được an ủi những khổ đau nơi phàm trần. Like Share Trả lời
2 năm trước Vẻ đẹp không vụ lợi Trong Người đẹp say ngủ, tình yêu thể xác hầu như không thể thực hiện được vì nhân vật chính của tác phẩm là những ông già bất lực, không thể có tình yêu xác thịt được nữa. Ngôi nhà thật là kỳ lạ và là một thực tế của xã hội Nhật Bản hiện đại. Các cô gái trẻ bị đánh thuốc mê, nằm ngủ mê mệt suốt đêm để các ông già có thể ngắm nhìn, nâng niu cơ thể để trần của họ. Nhờ có thuốc, các ông già có thể tin vào ảo tưởng rằng các cô gái vẫn thấy họ đáng thèm muốn mặc dù họ không thể làm tình theo nghĩa đen. Cái mà các ông già có thể nhận được khi tới ngôi nhà của những người đẹp say ngủ là họ có thể tìm về với tuổi trẻ của mình. Ở bên cô gái, ký ức của họ trở lại với những người họ đã từng yêu. Ký ức đó thi vị hoá hết thảy, khoảng cách về không gian và thời gian giữa những người được nhớ tới và người đang nhớ tới họ đã khiến mọi điều trở nên thanh khiết. Like Share Trả lời
2 năm trước Nemureru Bijo: The House of the Sleeping Beauty Đây là một cuốn tiểu thuyết ngắn (novella), lúc mới xuất hiện bị kết án là “suy đồi đạo đức”, kể về câu chuyện của một người đàn ông cao tuổi tên là Eguchi, đã thăm viếng một căn nhà bí mật, nơi hò hẹn lén lút của các người cao niên phần lớn không còn khả năng tình dục. Và cuốn truyện kể về năm đêm trường Eguchi đã nằm bên các người con gái lặng câm nhưng trần truồng, say ma túy, và nhân vật trong truyện này đã tôn trọng trinh tiết của một thiếu nữ, đã dừng lại tại một thời điểm. Thật là khó khi đánh giá các người con gái này bởi vì người đời thường có một ý niệm về một người qua quần áo, nữ trang, lời nói, qua các đặc điểm khác như tính tình và quá trình cuộc đời. Tại căn nhà này, Eguchi chỉ phân biệt các người Đẹp đang ngủ bằng các chi tiết nằm trong trí nhớ mà các nàng đã tạo ra cho Eguchi. Like Share Trả lời
Tác giả, ông Kawabata Yasunari từng tự nói về mình: "Không bao giờ tôi trút được ám ảnh rằng mình là một người lang thang ưu sầu. Luôn luôn mơ mộng tuy rằng chẳng bao giờ chìm đắm hoàn toàn trong mơ, mà vẫn luôn tỉnh thức giữa khi mơ...". Có lẽ xuất phát từ phức cảm này mà ông đã tạo ra ''Những người đẹp say ngủ'', tác phẩm lộng lẫy, kì dị mà cũng ngập tràn mông lung .
''Say ngủ'' hay còn có nghĩa là thụy miên. Trong Phật giáo, hôn trầm thụy miên là một trong năm triền cái: năm màn ngăn che làm cho con người không thấy được tâm mình tham lam, sân hận, ngu si, ngã mạn, nghi ngờ. Năm triền cái là chướng ngại chính cản trở sự thành công trong hành thiền và phát tuệ giải thoát. Hôn trầm là trạng thái buồn ngủ, mơ màng còn Thuỵ miên là ngủ gục, ngủ sâu và say. Khi người ở trong trạng thái hôn trầm thụy miên, sự tỉnh táo và trí tuệ đều không tồn tại. Dù ăn và ngủ vốn là hai bản năng cơ bản của mọi loài, nhưng còn bị chi phối bởi hai bản năng này, đắm chìm trong đó thì tâm trí còn chưa được giải phóng hoàn toàn hay nói cách khác, mãi chìm trong u mê ái muội .
''Những người đẹp say ngủ'' có mạch truyện chính dựa trên trạng thái mơ màng hôn trầm thụy miên. Không gian truyện vì thế mà tĩnh lặng, hun hút như thể khóa chặt hoàn toàn nhân vật cũng như người đọc vào một thế giới chỉ thuộc về riêng nó. Cốt truyện kì dị, ông già Eguchi gần 70 tuổi, theo lời giới thiệu của một người bạn mà ghé thăm ngôi nhà của những người đẹp say ngủ. Ông trải qua 5 đêm với 6 cô gái trẻ bị làm cho say ngủ. Bên cạnh các cô gái, ông chiêm nghiệm về tuổi già, về cuộc đời ông từng trải qua và cuối cùng là giấc mơ được giải thoát, được chết. Văn phong bồng bềnh dẫn dắt tôi vào một thế giới có quá nhiều cánh cửa bị khóa chặt, tĩnh lặng nhưng lại cuồn cuộn chất chứa một điều gì đó khó có thể chạm tới, khó có thể gọi tên buộc tâm trí hỗn độn phải bị rút sạch “để ở bên ngoài”. Vì thế mà cuốn sách này đem lại một trải nghiệm đọc như thiền, thư thái và tràn đầy rung cảm.
Có thể bạn cũng như tôi, có cảm giác đứng ngoài hoàn toàn những cánh cửa tầng tầng lớp lớp xuất hiện trong tác phẩm, nhưng vẫn bị cuốn vào trong vô thức. Có quá nhiều thứ bị đóng kín, khóa chặt trong tác phẩm này, tâm hồn ông Eguchi, tâm hồn của các cô gái, câu chuyện của người đàn bà trung niên, bí mật về ngôi nhà của những người đẹp say ngủ và cả tâm trí của chính người đọc khi tiếp cận câu chuyện kì lạ này. Phải chăng vì thế mà không gian của ''Những người đẹp say ngủ'' lại tràn ngập mộng mị, không có chỗ cho tư duy mạch lạc, ở đây, mỗi cá thể phải đối diện với hỗn độn của chính bản thân mình?