Những Mùa Hoa Bay Đi Mùa hoa năm ấy bay đi…cùng với nụ hôn thần tiên giữa cánh đồng oải hương rực rỡ Mùa hoa năm ấy bay đi…đã lâu, chậu hoa trước thềm nhà chẳng trổ bông lần nữa Mùa hoa năm ấy bay đi…trôi về đâu những cánh hoa anh đào mỏng manh trong gió? “Những mùa hoa bay đi” là tuyển tập những truyện ngắn đặc sắc nhất của Lynh Miêu – cây bút quen thuộc trên những ấn phẩm của báo Hoa Học Trò. Tuyển tập truyện ngắn gồm 4 phần: Vị của mùa, Một đất nước khác, Viết cho Hà Nội, Cho những trái tim can đảm. Mỗi phần tập hợp những câu chuyện phù hợp với chủ đề đó. Xuyên suốt trong tuyển tập là những câu chuyện tình cảm nhẹ nhàng, lãng mạn, đa phần kết thúc lửng lơ và buồn – điển hình cho phong cách viết truyện của Lynh Miêu. “Những mùa hoa bay đi” cất sâu: ... những rung động ngọt ngào đầy trong sáng khi lần đầu tiên biết yêu khi trải nghiệm “Bí mật của hoa oải hương” ... chút tình cảm láu cá, đầy tính đuổi bắt trong “Cú hích” ... thi vị và ngọt ngào như “Tự tình Hà Nội” ... thứ tình yêu đơn phương đầy da diết trong “Vì em là nắng” ... sự nuối tiếc khi vuột mất tình yêu như chàng trai trong “Khi tôi bước chậm hơn định mệnh”, ... để rồi, bạn sẽ nhận ra rằng: Hãy luôn can đảm trong tình yêu, can đảm để nói ra như cô gái trong “Con đường bất tận” hay can đảm để buông tay như cô gái trong “Mùa cây thay lá”. Bởi những tình cảm nặng sâu thì cũng cũng giống như “Những hạt tinh thể muối” – “những điều mặn mà thì chẳng dễ gì tan biến”. Bạn sẽ chẳng thể nào dứt nổi cuốn sách này, một khi đã cầm nó trên tay, bởi vì bạn sẽ gặp lại rất nhiều xúc cảm của bạn – dù là những gì đã qua, đang có, hoặc chưa đến. Xen lẫn trong tác phẩm là những câu chuyện, lời tâm sự hay chia sẻ mà Lynh Miêu muốn gửi đến những độc giả yêu quý của mình. Về tiêu đề: “Những mùa hoa bay đi” – nó không phải là tên của bất kì truyện ngắn nào trong tuyển tập, mà chính là một lời tâm sự của tác giả: “Sẽ có lúc bạn thấy rằng: tuổi trẻ hay những mối tình của mình… tựa như những mùa hoa… đã mãi mãi bay đi”. Vậy nên cuốn sách không đơn thuần là cuốn sách, nó giống như một cuốn sổ lưu-giữ “những mùa hoa” – hay chính xác hơn là tuổi trẻ, cảm xúc của người viết. Và độc giả cũng không phải đang đọc truyện, mà đang trải nghiệm dòng cảm xúc, câu chuyện tuổi trẻ và tình yêu của tác giả.
Xem thêm

Phần tiếp theo của cuốn sách mang tên Viết cho một đất nước khác. Ở phần này tác giả chia sẻ rằng chị chưa từng được đến những vùng đất trong truyện, nhưng chị "thích cái cách mình tưởng tượng ra những câu chuyện ở những nơi mà mình chưa từng đặt chân qua", để rồi sau mỗi câu chuyện "lại thêm một khát khao rằng nhất định sau này sẽ phải đặt chân đến đó." Nỗi khát khao ấy qua những câu chuyện đã truyền thẳng vào trái tim mình. Mình thích cảm giác tưởng tượng về những vùng đất xa xôi, những đất nước cách mình tới nửa vòng trái đất như Úc hay Pháp, Ý. Đó sẽ là mảnh đất như thế nào? Liệu có xinh đẹp và dịu dàng như trong lời văn chị kể? Mình cũng tò mò về nỗi cô đơn lạc lõng khi xa quê mà các nhân vật phải trải qua. Một con bé 13 tuổi chưa đi đâu xa khỏi phố huyện thì làm sao hiểu cảm giác chơi vơi một mình nơi xứ người. Nhưng dù không hiểu, trái tim mình vẫn như run lên trước sự cô độc của các nhân vật, rồi lại rung động trước cái cách các nhân vật tìm thấy nhau, bên nhau và dịu dàng an ủi nỗi niềm của nhau. Những cảm xúc ấy thắp lên trong mình một ước ao: một ngày nào đó mình cũng có thể đi thật xa, trải nghiệm tất cả những cảm giác vui buồn của một người con xa xứ. Nhưng dường như trước khi mình có thể thực hiện ước mơ đó,  mình cũng đã giống tác giả Lynh Miêu, đem lòng yêu những vùng đất xa lạ nhưng vô cùng thú vị và dịu dàng.

“Tôi nhớ hồi còn ở Việt Nam, khi trời lạnh, tôi thích đút tay mình vào túi áo của người đi cùng, để cảm thấy chút ấm áp rất dễ thương mà mùa đông mang lại, nhưng khi đi với Yuji, tôi lại không dám làm như thế. Yuji đi song song bên tôi, vẫn như mọi lần, anh im lặng chạy theo những dòng suy nghĩ, hoặc có thể anh đang chẳng nghĩ gì. Ban đầu, nhịp bước của chúng tôi rất đều nhau, nhưng sau, tuyết làm bước chân của tôi ngày càng nặng. Tôi bước chậm hơn Yuji một đoạn. Yuji đi chậm lại để đợi tôi, tiện đà, tôi hơi hơi níu tay anh. Và rồi, tôi đút luôn tay mình vào túi áo Yuji để tìm hơi ấm. Tôi ngước lên nhìn Yuji để xem phản ứng. Thấy môi anh khẽ cười. Tôi cũng cười. Và chẳng ai nói gì thêm nữa.

Cứ thế, chúng tôi đi chậm rãi. Bàn tay chúng tôi đã đan vào nhau trong túi áo của Yuji. Tuyết vẫn không ngừng rơi… nhưng tôi không thấy lạnh nữa.”

Cuốn sách được chia làm 4 phần, mỗi phần gồm những câu chuyện phù hợp với chủ đề đó. Mỗi câu chuyện ở mỗi phần lại là một màu sắc khác nhau, nhưng tất cả đều được bao trùm bởi một cảm giác lãng đãng nhẹ nhàng, có chút mơ hồ buồn - đặc trưng trong phong cách viết của tác giả Lynh Miêu. Trước khi bắt đầu vào một phần mới - đôi khi cả khi kết thúc một câu chuyện - tác giả sẽ viết một đoạn ngắn, hoặc nói về lý do mình viết những câu chuyện này, hoặc nói về cảm xúc của tác giả lúc ấy, hoặc chỉ đơn thuần là những dòng tâm sự hết sức chân thành. Mình rất thích đọc những đoạn viết ấy của tác giả, mình cảm thấy như được trò chuyện với tác giả vậy, giọng điệu tự nhiên và dịu dàng của tác giả khiến mình cảm thấy thật gần gũi.

Phần được chọn để mở đầu cuốn sách là Vị của mùa. Vị của mùa đối với mỗi người là không giống nhau. Đó có thể là niềm hạnh phúc dịu dàng khi giữa những năm tháng cô đơn nhất họ tìm thấy nhau. Đó có thể là chút man mác buồn của những tổn thương xưa cũ. Đó có thể là chút tiếc nuối vì những điều đáng lẽ không nên xảy đến. Đó cũng có thể là những đớn đau khi phải chấp nhận buông tay những điều quan trọng. Nhưng dù mang hương vị ra sao, mùa cũng sẽ chỉ đến một lần rồi đi mà không quay trở lại,dù có muốn đổi thay quá khứ hay níu giữ những ngọt ngào hiện tại cũng đều bất khả thi. Việc duy nhất ta có thể làm là trân trọng những gì mùa đã cho ta, trân trọng những điều không bao giờ quay trở lại ấy, vì dù là ngọt ngào hay đớn đau thì đó cũng là điều đã làm nên ta ở hiện tại, giúp ta trưởng thành hơn. Đó là điều mình đã học được từ Vị của mùa.

“Mắt nâu nhìn khuôn mặt buồn bã của tôi, bỗng em cười hồn nhiên và giơ giơ bàn tay trái của mình lên cao, để nó ngập trong những tia nắng. Mắt nâu tập đàn guitar nên đầu ngón tay trái đều có những vết chai, nhìn có thể không nhận thấy nhưng sờ thì ngón nào ngón nấy vô cùng thô ráp:

- Anh không biết đâu, hồi mới tập đàn, tay của em đau lắm. Nhiều lúc muốn bỏ học luôn cơ. Nhưng rồi dần dần khi những ngón tay chai lại và những bản nhạc được cất lên thì những vất vả và đau đớn trước đây như tan biến hết.

Tình cảm cũng vậy, nó có thể làm anh tổn thương và người anh yêu quý tổn thương, nhưng thời gian qua đi, khi những vết thương chai lại, cái anh nhận được ở hiện tại sẽ không còn là nỗi đau đớn hay sự dằn vặt nữa, mà là bài học về sự cảm thông, để có thể yêu thương ai đó chân thành hơn, và trọn vẹn hơn…”