Có một buổi chiều nọ, tôi đi từ Sài Gòn về nhà ở Bình Dương. Mưa rơi lất phất. Tôi lướt qua những tòa nhà cao tầng, băng băng trên những con đường rộng. Người đi xe quanh tôi cũng nhiều, nhưng tôi chẳng cảm thấy họ, họ cũng chẳng lưu tâm đến tôi. Chỉ là lướt qua nhau thôi, không quen biết gì cả. Sài Gòn hoa lệ lùi xa sau những bánh xe. Cơn mưa gột đi những tia nắng và làm Sài Gòn trở nên mờ hơn, lạnh hơn và cô đơn hơn nhiều. Bên trong những ngôi nhà của thành phố năng động nhộn nhịp nhất Việt Nam là gì nhỉ? Những ngôi nhà của guồng quay phát triển, của một thành phố lớn thì khác gì với những ngôi nhà thâm thấp nơi tôi ở? Hẳn nó sẽ giống như những gì Leila Slimani miêu tả trong cuốn Người lạ trong nhà của bà chăng?
Cuốn sách mở đầu bằng một màn máu me kinh khủng trong một căn hộ thành thị. Có hai đứa trẻ bị tấn công. Đứa chị lớn bị thương nặng, hoảng sợ tột độ và gần như chỉ còn một hơi thở khi được đưa đi bệnh viện. Đứa em trai còn nằm nôi đã chết. Kẻ đã giết hai đứa trẻ - người giúp việc của căn hộ ấy - đã tự kết liễu đời mình. Trước khi câu chuyện được kể, các nhân vật được giới thiệu, cách tình tiết được nêu ra, tác giả đã ném ra một kết cục buồn thảm. Bà khiến độc giả ngấu nhiến tác phẩm của mình với hàng ngàn câu hỏi “sao hai đứa trẻ lại chết?”, “vì sao bà giúp việc lại giết chúng?”, “bố mẹ chúng đã ở đâu khi mọi chuyện xảy ra?”, “có ai cảm nhận được bi kịch này trước khi nó diễn ra hay không?”... Ngay từ đầu, bà thông báo cho độc giả biết rằng đây là một câu chuyện không có cái kết có hậu, đây là một bi kịch không lối thoát. Như thể ta bị ném cho một con trăn Nam Mỹ to lớn mập mạp, bị nó cuốn lấy, chưa chết nhưng thừa đủ thông minh để biết mình chắc chắn sẽ chết. Càng đọc, tôi càng bị con trăn độc ác siết chặt hơn, chặt đến nỗi nghẹt thở, đến nỗi không cựa quậy nổi.
1. Bối cảnh của một bi kịch đời thường
Thế ai lại đưa một mụ phù thủy độc ác như thế đến căn nhà của mình, để ả ra tay tàn độc với con cái mình như thế nhỉ? Mà, đã chẳng ai biết rằng người phụ nữ khả ái, bé nhỏ, toàn năng ấy lại có thể trở thành một tên sát nhân điên khùng dã man đến vậy...
Paul và Myriam là một cặp vợ chồng thành thị. Paul là nhà sản xuất âm nhạc. Myriam từng là một sinh viên đầy triển vọng của đại học Luật nhưng sau khi có bé lớn Mila và bé nhỏ Adam, cô ở nhà làm nội trợ toàn thời gian. Myriam tưởng mình sẽ thành một bà mẹ hoàn hảo, tự ép mình hài lòng với cuộc sống êm ấm bên các con, lánh xa cuộc sống bươn chải đầy rẫy hiểm nguy ngoài kia. Nhưng càng ngày cô càng muốn thoát ra khỏi thứ được xem là “tổ ấm” đó. Cô vẫn thích mùi của toà án, của xấp hồ sơ tố tụng hơn là mùi của giọt sữa khô lại trên áo, mùi mái tóc đã lâu không được chăm chút, mùi đống bát đĩa tối qua chưa rửa. Cô nghĩ niềm đam mê lớn nhất đời mình là Mila khỏe mạnh mập mạp và Andy có thể bớt quấy khóc ban đêm. Cuộc sống Myriam trở nên tù túng, bế tắc đến không thể chịu nổi. Mấy chuyện lông gà vỏ tỏi trong cuộc sống nội trợ của cô cũng trở thành lý do của những cuộc cãi vã. Chúng làm Myriam trở nên vô lý, làm chồng cô thành kẻ vô tâm.
Nhưng rồi, cô gặp lại Pascal - người bạn cũ thời đại học. Anh ngỏ lời mời cô làm việc tại văn phòng luật của mình. Myriam và chồng bàn bạc hồi lâu, cuối cùng cũng quyết định sẽ thuê một vú em chăm sóc con cái để cô được tiếp tục theo đuổi sự nghiệp của mình. Đó cũng là cơ duyên đưa Louise đến với gia đình này.
Ngay từ cuộc phỏng vấn - lần gặp gỡ đầu tiên, Louise đã chứng minh cho cặp vợ chồng trẻ rằng mình chính là một vú em hoàn hảo.
Louise nhẹ nhàng đón Adam từ tay bố và giả vờ không nhìn thấy Mila. “Nàng công chúa đâu rồi? Tôi tưởng đã nhìn thấy một nàng công chúa, nhưng nàng ấy biến mất rồi.” Mila bắt đầu cười vang và Louise vẫn tiếp tục trò chơi, tìm kiếm nàng công chúa bí ẩn bị mất tích khắp các góc nhà, dưới gầm bàn, đằng sau ghế xô pha.
Louise càng tỏ ra hữu dụng hơn nữa khi chị biến căn hộ ẩm thấp, bừa bộn của cặp vợ chồng thành một nơi tuyệt vời, luôn gọn gàng sạch sẽ, đôi lúc còn có hương thơm từ những bông hoa tươi mà chị cất công cắm nữa. Chị làm vượt mức yêu cầu, chị ôm mọi công việc nội trợ vào mình, chăm chút cho căn nhà từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Louise nấu ăn cũng rất tuyệt vời. Chị thường làm các món nhắm ngon để vợ chồng Paul - Myriam có thể mời bạn bè đến và thưởng thức.
2. Ranh giới không thể vượt qua
Paul và Myriam thấy mình thật may mắn và hạnh phúc khi đã có được một chị giúp việc hoàn hảo như vậy. Khi thấy các thành quả của Louise (căn nhà sạch sẽ, tủ quần áo gọn gàng, Mila và Adam ngoan ngoãn khỏe mạnh...), cặp vợ chồng như trở nên hạnh phúc hơn. Họ thán phục cô giúp việc toàn năng. Chìm ngập trong sự chăm sóc và chiều chuộng, Paul và Myriam dường như trở nên hạnh phúc hơn. Không còn những cuộc cãi vã vì mấy chuyện lặt vặt, họ sống trong một sự thoải mái đáng ngưỡng mộ. Lúc đầu, họ còn hơi chút áy náy vì đã để Louise phải làm những việc vốn không phải nghĩa vụ của chị. Nhưng càng về sau, họ càng chìm đắm trong các đặc ân của Louise. Họ tung hô chị, khen ngợi chị trước mặt người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Myriam cho chị những chiếc váy cô không mặc nữa, mua các món đồ rẻ tiền cho chị và nghĩ rằng chỉ với bấy nhiêu thôi, cô giúp việc nhà mình đã sung sướng như điên rồi. Cặp vợ chồng cố gắng khỏa lấp sự áy náy cũng như thể hiện lòng biết ơn của mình với Louise bằng những trò như vậy. Khi những người bạn để ăn tối tại nhà họ, thưởng thức những món ngon mà Louise làm, họ đã thể hiện với người ngoài như thể Louise là người thân, là một thành viên trong gia đình mình. Họ cố làm Louise nghĩ rằng họ đang tôn trọng chị, yêu kính chị. Thế nhưng, có một ranh giới mà họ không bao giờ muốn chị vượt qua: ranh giới giữa ông bà chủ và người giúp việc. Họ là người bỏ tiền ra để thuê chị, đó là điều chị không được phép quên.
Nó chế giễu:”Bác Louise là em bé. Thậm chí bác còn không biết bơi.” Paul thấy ngượng và sự ngượng ngùng đó khiến anh nổi giận. Anh giận Louise vì đã kéo theo cảnh nghèo nàn, nỗi yếm thế của chị đến tận đây. Vì đã đầu độc cả ngày của họ bằng vẻ mặt khốn khổ. Anh dẫn hai đứa trẻ đi bơi và Myriam lại chúi mũi vào cuốn sách.
Có một ranh giới nhất định. Không ai muốn một người giúp việc thấp kém, mang theo các đặc điểm đáng bị kỳ thị (từ màu da, tôn giáo, giọng nói vùng miền đặc sệt...) làm đau con họ. Những kẻ ấy có thể phục vụ trong căn nhà của họ, chăm sóc đám trẻ nhưng tuyệt đối không được tỏ ra quá thân thiết hay can thiệp quá sâu vào gia đình họ. Những kẻ ấy sẽ không bao giờ được phép phản kháng dù có bị ép buộc đến thế nào. Những kẻ ấy không được phép nổi giận, không nói to tiếng và phải tỏ ra hài lòng với những đặc ân nhỏ giọt từ ông bà chủ. Có lẽ nếu câu chuyện thị thành hiện đại này biến thành cuốn phim đen trắng thuở xưa, Paul và Myriam hẳn sẽ là ông bà chủ, còn Louise là nô lệ. Có những bài học cơ bản dành cho những người như Louise: những gì chị được hưởng xuất phát từ lòng tốt của ông bà chủ, những điều tồi tệ chị phải nhận chắc chắn sự trừng phạt đối với những lỗi lầm mà chị đã gây ra. Dù chẳng ai muốn khẳng định sự thật tàn ác ấy, chẳng ai nói ra, nhưng người ta vẫn luôn dung túng cho nó, để nó tồn tại trong tâm tưởng của mình và sẵn sàng lôi nó ra để biện minh, hoặc gán tội, bất cứ lúc nào họ - những ông bà chủ - cần tới.
3. Công dụng của những đứa trẻ
Không bao giờ nói hết được câu chuyện về những đứa trẻ. Chúng là những sinh vật hoang dã chưa được thuần hóa. Chúng sẵn sàng làm mọi trò ngu ngốc để người lớn đáp ứng những nhu cầu của chúng. Trẻ con có thể là những thiên thần. Những đứa trẻ đem lại niềm hạnh phúc cho gia đình, mang đến cho gương mặt tăm tối mỏi mệt của người lớn tiếng cười đùa ngây ngô, trong sáng và vô cùng đáng yêu. Nhưng trẻ con cũng có thể là mối phiền toái bậc nhất trong cuộc sống của bố mẹ chúng. Trong Người lạ trong nhà, những đứa trẻ cũng chính là lý do Paul và Myriam cãi vã và hằn học với nhau, cũng là lý do để họ thuê Louise về.
Những đứa trẻ là những sinh vật ngây ngô và trong sáng, tuy nhiên, không vì vậy mà chúng không phải trả qua những câu chuyện phức tạp của riêng mình. Trong một lần đi công viên, Louise đã ngủ quên và để lạc mất Mila. Khi tìm thấy con bé, chị đã ôm chầm nó vào lòng và rối rít nói lời xin lỗi. Thật may mắn làm sao! Nếu Mila bị lạc đến một nơi xa xôi nào đó hoặc tệ hơn là bị bắt cóc, cuộc đời Louise sẽ thành một mớ hỗn độn thật sự. Chị phải làm để đối mặt với vợ chồng Paul và Myriam bây giờ? Chị chắc chắn sẽ mất công việc này, sẽ không thể nào chi trả cho các hóa đơn và các món nợ mà người chồng đã mất để lại, tệ hơn, chị có thể sẽ phải vào tù. Dù đã tìm thấy Mila, chị cũng không mong muốn vợ chồng ông bà chủ biết mình đã từng làm lạc mất con họ. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, lúc ôm lấy Mila, chị đã bị con bé cắn nghiến một cái rõ đau vào bả vai. Không biết là do con bé trách chị vì đã để lạc nó, hay là nó cảm thấy hoảng sợ trước cái ôm siết có-lực-mạnh-một-cách-bất-thường của chị vú em. Dù sao, nó cũng đã để lại dấu răng đáng sợ trên bả vai của Louise. Hai bác cháu như đã có một thỏa thuận ngầm, một sự thông đồng trong bí mật về việc bao che cho tội lỗi của nhau. Cả hai đã cùng nhất trí rằng sẽ im lặng.
Một thời gian ngắn sau, khi tắm cho con trai Adam, Myriam phát hiện trên vai thằng bé có một vết bầm đã mờ. Tuy đã mờ bớt nhưng nhìn vào cũng có thể biết được rằng đó là một dấu răng cắn, một dấu vết khá đáng sợ. Cô tra hỏi Mila, hứa không phạt nó nếu nó thực sự cắn em, cô chỉ cần biết sự thật. Mila thề rằng mình không cắn em. Cô chuyển sự nghi ngờ sang Louise, nhưng chị vú em khôn ngoan đã nói rằng chính Mila đã cắn, còn vạch bả vai mình ra cho Myriam xem vết cắn mà Mila đã để lại cho cô. Chị ta tỏ ra khổ sở vô cùng, rằng chị đã hứa sẽ giữ bí mật cho Mila nhưng lại phá vỡ lời hứa đó. Chị tỏ ra khó xử vì hành động của Mila, cho rằng cô bé đang ghen tị với đứa em nhỏ của mình, rằng đó là hiện tượng tâm lý bình thường ở những đứa trẻ. Hơn hết, chị ta muốn Myriam giữ bí mật chuyện này với Mila và cứ để mọi chuyện cho chị xử lý.
Một âm mưu nhỏ mọn hoàn hảo: Mila cắn chị, chị cắn Adam nhưng lại để người mẹ nghĩ rằng chính Mila đã cắn cả hai. Vừa thông đồng với Mila để giấu Myriam chuyện mình từng để lạc cô bé, vừa lừa Myriam về cả hai vết cắn, Louise thực sự đã hoàn thành màn chơi của mình với điểm số hoàn hảo. Chẳng ai nghi ngờ gì. Hơn thế nữa, chị ta lại trở nên vô tội và đáng thương trong mắt hai bậc phụ huynh nhà này nữa chứ. Họ thấy chị là nạn nhân của đám nhóc, là người phụ nữ tội nghiệp và cần được bao dung, là chiến binh vĩ đại xứng đáng với những phần thưởng cao quý nhất. Những đứa trẻ, trong trường đoạn kịch này, chính là những công cụ đáng thương bị lợi dụng để che dấu tội lỗi cho cô giúp việc.
Nói một chút về đời tư cô giúp việc nổi tiếng hoàn hảo của chúng ta nhé. Thời trẻ, chị ta từng chăm sóc một bà già bại liệt cáu kỉnh trong một thời gian dài, cho đến khi cô mang thai Stephanie. Chị ta sống với một ông chồng cũng cáu kỉnh không kém. Hắn ta luôn thích gây sự, hắn ghét công việc vú em mà Louise làm, hắn ghét trẻ con, hắn ưa đổ đủ mọi thứ tội lỗi lên đầu Louise. Chị đã phản ứng thế nào trước những lần lên cơn của chồng? Chị ta xin lỗi. Ngoan ngoãn và khuất phục, im lặng, hoặc nói nhiều đến nhức cả đầu (nhưng tất cả đều có thể quy về sự im lặng cả mà thôi). Khi hắn ta chết, toàn bộ những gì chị được thừa hưởng là đống giấy nợ và hồ sơ những vụ kiện (đầy vô lý!) vẫn còn dang dở. Stephanie - người lôi chị vào cuộc sống lộn xộn thế kia - bỏ đi. Còn gì giữ Louise lại nơi chốn bất hạnh và lạnh lẽo ấy? Chẳng gì cả.
Vậy là chị điên cuồng tìm mọi cách để ra ngoài, để nhìn ngắm các cô gái trẻ trong bộ váy thời thượng, để ký sinh trong bầu không khí gia đình của người khác. Khát khao trốn chạy khỏi nỗi cô đơn và khát khao cuộc sống no đủ đốt cháy Louise, thôi thúc chị trở thành một người vú em hoàn hảo. Chị đã đến làm cho Paul và Myriam, chị đã quấn quýt và chăm chút cho hai đứa trẻ nhà họ. Nhưng nếu hai đứa đủ lớn, khi Mila đi học, khi Adam đi mẫu giáo, chị sẽ phải rời đi. Chị muốn những đứa trẻ nhà họ cứ mãi bé nhỏ để chị có thể chăm sóc cho chúng, để chị có thể lưu lại căn hộ thành thị đầy tiện nghi, để chị được hít hà mùi người - thứ mùi cứu rỗi chị khỏi sự cô đơn. Những đứa trẻ lúc này trở thành ngọn hải đăng của đời chị, trở thành chiếc phao cứu sinh của chị-Louise-sắp-chết-đuối bám vào.
Không ngăn được Mila và Adam lớn lên, chị nghĩ đến việc khiến Myriam và Paul sinh thêm đứa nữa. Một đứa trẻ khác - mà chị chưa biết mặt mũi, chưa từng tồn tại, thậm chí chưa chắc rằng nó sẽ tồn tại - đã trở thành niềm hi vọng của Louise. Chị cố trông Mila và Adam thật tốt, đưa chúng đi dạo thật lâu, nấu những món ăn bồi bổ và kích thích, dọn dẹp ngôi nhà thật ngăn nắp. Tất cả chỉ để Paul và Myriam có điều kiện “làm thêm đứa nữa”. Nhưng hai đứa trẻ đã là quá đủ với đôi vợ chồng thị dân vốn đã bận rộn trăm công nghìn việc. Sau một thời gian dài cố gắng, chẳng có dấu hiệu nào cho thấy một đứa trẻ mới sẽ xuất hiện trong bụng Myriam cả. Louise dần tuyệt vọng. Một ý nghĩ kỳ dị vụt qua: giả sử họ mất hết cả hai đứa trẻ hiện tại, liệu họ sẽ có lý do để tạo ra một đứa trẻ mới?
Có lẽ tôi sẽ bỏ lửng bài viết của mình tại đây. Có nhiều thứ để nói, nhưng tốt hơn hết là để độc giả tự mình lắng nghe câu chuyện. Bài viết của tôi sẽ dẫn mọi người đến bìa rừng, đoạn đường còn lại, mọi người sẽ tự mình bước đi, tự mình lội qua những vùng nước nông đen kịt, tự mình lách qua những khúc gỗ mục chứa đầy côn trùng và rắn rết, tự mình chứng kiến cảnh mặt trời lặn dần sau những tán lá rộng lớn của cây cổ thụ cao nhất. Bóng tối nghìn cân ập xuống và không một ai, không một phép màu nào nâng nó lên lại được.
Tác giả: Hoàng Anh
Designer: Trúc Phương
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
Lời Ru Ngủ của Leïla Slimani đã đoạt giải thưởng văn học danh giá nhất của nước Pháp, Prĩ Goncourt, vào năm 2016. Đây là một loại tiểu thuyết cho bất kỳ ai có người bảo mẫu có thể ngừng để suy nghĩ, về việc xoay quanh một tội ác khá ghê tởm được thực hiện bởi một người bảo mẫu dường như là hoàn hảo, khiến mọi người đều ngạc nhiên. Tôi sẽ hoàn toàn thẳng thắn và nói rằng tôi không thích cuốn sách này lắm, được biết đến là Người Bảo Mẫu Hoàn Hảo tại một số vùng lãnh thổ. Tôi yêu thích tiểu thuyết đen tối đến mức - có trời mới biết tôi đã đọc rất nhiều - nhưng cuốn này thì không hợp với tôi. Nó có cảm giác khó chịu, sốc đến mức gây sốc và tôi không thấy nó thuyết phục hoàn toàn. Để đọc phần còn lại về nhận xét của tôi, xin hãy ghé qua blog của tôi.