Nắng Trong Vườn
Xem thêm

Truyện của Thạch Lam đa số không có cốt truyện. Nó đôi khi chỉ là một lát cắt, một cảnh quay dài, một trích dẫn hay một đoạn ghi chép về những gì ông quan sát được. Ông không nói những điều đao to búa lớn mà thay vào đó, gạn lọc ra cái đẹp, cái quí giá từ những điều nhỏ bé mà người ta thường không để ý mà bỏ qua mất.  

Trở lại với "Nắng trong vườn" (Nhã Nam phát hành), cuốn sách là tập hợp 12 truyện ngắn được in lại theo bản in của báo Đời Nay năm 1938. Từ tập truyện này có thể khái quát hai nét đặc sắc trong truyện ngắn của Thạch Lam. 

Một là, nghệ thuật tả cảnh đạt đến độ nhuần nhuyễn với cách sử dụng từ ngữ điêu luyện, hay thủ pháp “tả cảnh ngụ tình”. Dường như sự hiện diện của thiên nhiên luôn là cái cớ để nhân vật của Thạch Lam được dịp giãi bày, để từ đó ta tiến một bước sâu hơn vào nội tâm nhân vật. Những sắc độ sáng – tối đối lập nhau của cảnh vật trong “Hai đứa trẻ” giúp người ta nhìn ra sự buồn bã thê lương nơi phố huyện nghèo, cùng le lói niềm tin của những đứa trẻ về một điều gì đó mơ hồ, xa xôi. Cảnh vật yên tĩnh và tinh khôi của “Buổi sớm” mai đánh thức những cảm giác trong sạch, thanh cao ngày nhỏ của cậu bé Bình, làm sống dậy những rung động tưởng chừng như đã ngủ quên rất lâu trong lòng Bình để hành động tiếp theo của chàng là ngắt một bông hoa hồng vừa hé, “khép giữ một giọt sương long lanh như ngọc” dâng lên mẹ như những ngày cũ chàng vẫn hay làm. Có ý kiến cho rằng, đọc văn Thạch Lam, đặc biệt ở những đoạn tả cảnh, nếu để ý sẽ còn cảm thấy có nhịp điệu như thơ và âm sắc như nhạc. Để làm được điều này, tác giả, ngoài con mắt quan sát tinh tường, chắc hẳn đã phải vận dụng mọi giác quan để thấu cảm rồi tỉ mỉ, kỳ công trình bày bằng trái tim của một nhà văn, nhà thơ, người họa sĩ, nhà soạn nhạc.         

Hai là, tính nhân văn thấm đẫm trong các câu chuyện. Có lẽ thời gian sống và tiếp xúc với những người nông dân lao động ở Cẩm Giàng đã cho Thạch Lam một niềm cảm thông đặc biệt với những phận người thuộc tầng lớp dưới. Ở truyện ngắn “Bên kia sông”, kể về cái Bến Sen đìu hiu, buồn thảm, ông dành trọn sự thương xót cho những kẻ không may sa cơ lỡ vận vì thời cuộc đổi thay. Hay như truyện “Đứa con”, ta thấy Thạch Lam tuyệt đối đứng về những người nghèo khi an ủi họ bằng niềm hạnh phúc được sống với thiên chức làm mẹ, khẳng định triết lý: Người giàu, kẻ lắm tiền – chưa chắc đã hạnh phúc. Và sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến truyện “Người đầm”. Ở đây, tinh thần nhân đạo của Thạch Lam đã vượt lên mọi khác biệt về giai cấp, quốc gia để trở về giá trị nhân bản của nó: là giữa người với người.   

Tính nhân văn trong truyện ngắn Thạch Lam còn thể hiện qua tư duy mới mẻ về tình yêu đôi lứa. Với Thạch Lam, yêu là phải hết mình. Các cặp đôi trong truyện ngắn Thạch Lam hầu hết đều được ông sắp xếp cho một số phận, hoàn cảnh đặc biệt, nếu không muốn nói là éo le. Để từ đó, các nhân vật dám vượt qua mọi rào cản văn hóa, thách thức những khuôn vàng thước ngọc của chuẩn mực xã hội để đi đến tận cùng cái gọi là bản năng con người. Như Tiến và Thân trong “Tiếng sáo”, như Điền và Mai trong “Trong bóng tối buổi chiều” hay Tuân và Mai trong “Đêm sáng trăng”. Với các văn sĩ cùng thời, có lẽ Thạch Lam là người đầu tiên dám đưa những khát khao, táo bạo tính dục trong tình yêu vào truyện. Ta bắt gặp những đắm say vồn vã của Bình và Hậu trong “Nắng trong vườn”:

“Vừa xuống thuyền, Hậu đã ôm quàng lấy vai tôi, ngập ngừng nói những lời ân ái. Tôi thấy tấm thân trẻ và dẻo dang của Hậu quấn lấy tôi như một dây leo. Chúng tôi hòa hơi thở với nhau, tóc nàng bỗng buông xõa trên người tôi, thoảng ra một thứ hương ngát dịu và đầm ấm”.

Suốt tác phẩm, Thạch Lam đã tinh tế khắc họa những tình tiết nhỏ cho thấy một cô gái không chỉ tràn đầy sức sống mà còn khát khao tình yêu và hết lòng hết dạ vì tình yêu. Hậu yêu bằng cách riêng của mình, dịu dàng, ngọt ngào và dành trọn vẹn thời gian tận hưởng từng giây từng phút bên cạnh người mình thương mến.

Nhưng tình yêu của họ lại nhanh chóng tàn lụi để cô gái một mình với đôi mắt đỏ hoe. Có những cách biệt quá lớn khiến tình yêu không thể bền lâu kể từ khi nó mới bắt đầu, đó là sự khác nhau về không gian địa lý, lối sống, địa vị, thái độ và quan niệm đối với tình yêu của cả hai. Chàng trai của thị thành và cô gái thôn quê có những cách biệt chẳng thể gọi tên nhưng dù sao họ đã có thời gian gặp nhau, yêu nhau và dành cho nhau những gì tốt đẹp nhất. 

Dù khát khao tình yêu đến mấy hay hy vọng một lần đặt chân lên Hà thành bao nhiêu để rút ngắn khoảng cách với người mình yêu thì đến cuối cùng, Hậu chỉ có thể bất lực thả những ước nguyện vào chuyến tàu đang rời dần xa tiến về nơi thị thành lấp lánh ấy.

Thạch Lam khám phá những câu chuyện của con người bằng bút pháp bình dị, thầm lặng nhưng chất chứa ý nghĩa sâu sắc. Với nghệ thuật khắc họa nhân vật cụ thể, Thạch Lam tạo cảm giác nhẹ nhàng, uyển chuyển qua từng câu chuyện mà tác giả viết lên.

“Nắng trong vườn” - Câu chuyện tình trong veo nhẹ nhàng nhưng ấm nồng và vẫn đúng chất là Thạch Lam chẳng thể nào lẫn vào đâu được. Đọc các tác phẩm của Thạch Lam, người đọc cảm nhận dù đời có xấu xí khó khăn đến mấy thì Thạch Lam vẫn luôn tìm được một góc vườn đầy nắng dịu, một làn gió nhẹ nhàng thoáng qua nhưng thấm đẫm hương sắc ngọt ngào của tình yêu, sự yêu thương của con người dành cho nhau.

Câu chuyện là chuyện tình vào mùa hè giữa người con gái vừa tròn tuổi 15, 16 và cậu học trò 18 từ Hà Nội về quê nghỉ hè ở nhà người bạn cũ của cha trên đồn điền trồng sắn và trà. Vào khoảnh khắc mùa hè rực rỡ ấy, một chuyện tình trong veo chớm nở giữa chàng trai thị thành - Bình và cô thiếu nữ thôn quê - Hậu. Cả hai đã dành cho nhau những tình cảm thật đẹp, chàng trai đắm say trước vẻ đẹp dịu hiền của cô gái trong những buổi chiều ngập nắng và đầy thanh bình. Và rồi một tình yêu đơn sơ, trong trẻo cũng chẳng kéo dài được lâu, khi mùa hè kết thúc cũng là lúc Bình bắt đầu nhớ nhung cái hồn hoa của thành thị và rồi cô gái cũng hiểu được mình chẳng thể níu kéo bước chân của Bình. Hậu chỉ có thể nỗ lực trong vô vọng, níu kéo những cảm xúc yêu thương buổi ban đầu. Chuyện tình không nên duyên, những cảm xúc cũng vỡ vụn trong tâm hồn của chàng trai và cô gái trẻ. Có lẽ sẽ rất lâu họ mới quên được nhau, quên cảm xúc nồng cháy vào mùa hè năm ấy.

Tình yêu của Bình và Hậu đến tự nhiên như cách những tia nắng ánh lên trong khu vườn nông thôn khu vườn thôn quê ngập tràn ánh nắng. Chẳng gay gắt, chói chang như ánh nắng nơi thị thành, đó là những tia nắng ấm áp, trong veo và thanh bình. Thạch Lam đã mang đến cho người đọc những rung động thầm kín, âm thầm nhưng đầy mãnh liệt về một tình yêu ngọt ngào, trong sáng và đầy xúc cảm.

Nhà văn Thạch Lam để tình yêu của họ nảy nở trong khung cảnh thôn quê chứa chan nắng dưới nền trời trong vắt, len lỏi vào các vườn trà, len lỏi là tiếng gọi từ những cây thông rì rào trong gió lộng. Thiên nhiên làm tình yêu của họ càng thêm thơ mộng và thi mỹ, hiển hiện giữa bức tranh đồng yêu thơ mộng có tình yêu tràn đầy thi vị của đôi nam nữ khiến tác phẩm trở nên xuất sắc hơn bao giờ hết. 

"Nắng trong vườn" có chút gì đó thấm đượm nỗi buồn hơn so với những tác phẩm khác của nhà văn. Tập truyện là về con người, luôn biến đổi qua thời gian và tất cả bọn họ đều phải đối mặt những trắc trở, những lạnh nhạt và có khi là cả bi kịch của cuộc sống. Ta thấy gì qua họ? Sự yểu mệnh của một mối tình tươi trẻ, sự thương tiếc những gì đã mất, vị cay đắng đối lập giữa thực tại và ước mộng, nét tính cách đẹp hiếm hoi giữa một xã hội đầy những dị nghị đồn đoán, cái chết của một tình yêu ngang trái, ước vọng không bao giờ thành thực của người phụ nữ, sự đổi thay của lòng người, ám ảnh bởi quá khứ, hy vọng cho tương lai tươi mới, một tình yêu vượt qua khuôn phép xã hội, và cuối cùng là sự bắt đầu của tình yêu và hôn nhân.

Sự sống và cái chết, con người với muôn hình vẻ và đa dạng tầng lớp xã hội cứ hiện lên thầm lặng trong những trang truyện. Niềm vui và nỗi buồn cũng có những tầng bậc khác nhau. Với giọng văn trung dung và hết sức nhân văn, Thạch Lam không hề phán xét, chê bai hoặc tung hô bất cứ cá nhân nào mà chỉ phân tích đời sống tâm tư phức tạp của họ, để cùng cười, và cùng khóc. Xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX chứng kiến những thay đổi mang tính bước ngoặt trong lối sống, tư duy con người – tất cả hầu như cố gắng đập vỡ những quy tắc định kiến cũ. Họ có thể chọn cái chết để giải thoát phận mình, chuyển đổi quan điểm sống để yêu thương nhau hơn. Dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, những gì là bình dị nhất của cuộc sống, hóa ra lại là điều có mãnh lực ghê gớm nhất. Như chuyến tàu sáng lên giữa con phố huyện tăm tối của hai chị em Liên, như chỉ một buổi sớm mai Bình thức dậy ngắm bình minh lên giữa căn nhà bé nhỏ… âu đều gợi lên cho con người ý thức và ham muốn sống mãnh liệt, khát khao cho những sự thay đổi  và điều mới.

Và sẽ là một sai sót rất lớn nếu không nhắc tới thiên nhiên trong truyện ngắn Thạch Lam. Mặc dù chẳng hề có sự gắng gượng trong lời văn, con người trong truyện vẫn cứ hồn hậu và cảnh vật tự nhiên vẫn đậm đà hương sắc. Từng khung cảnh cánh đồng, rừng cây, đồi núi, con sông, chiếc cầu đều rất gần gũi, rất chân phương và thuần Việt. Mối liên kết giữa con người và thiên nhiên lúc bấy giờ là không thể phủ định – thiên nhiên luôn sẵn sàng mở vòng tay bao bọc lấy con người, vỗ về họ và xúc cảm cùng họ. Đất nước ta đẹp lắm, sự nên thơ và sức sống hiển hiện ở khắp mọi nơi, trong cả con mắt của mỗi con người. Chỉ cần một chút để ý và quan tâm, ta sẽ thấy.

Con người, đã và sẽ luôn là một chủ đề và nguồn cảm hứng bất tận của văn học. Nhưng tôi chắc chắn, sẽ chẳng thể tìm được một Thạch Lam yêu mến con người như năm nào. Người mà sẽ để bạn tự quyết định quan điểm của chính mình về xã hội loài người, lay bạn tỉnh giấc giữa cơn mơ mà nhắc rằng thứ mà tay bạn đang cầm nắm là thời gian, và hãy sống làm sao để khỏa lấp những ước vọng, tâm tư sâu kín nhất của mình trong cõi đời này.