Muốn Ít Đi, Hạnh Phúc Nhiều Hơn: Bắt Đầu Từ Chính Căn Nhà Của Bạn Lối sống tối giản (Danshari) là một phong cách sống đến từ Nhật Bản, không còn quá mới mẻ với hầu hết chúng ta, hướng tới sự giải thoát khỏi những ám ảnh về cả vật chất lẫn tinh thần. Muốn ít đi - Hạnh phúc nhiều hơn ghi lại những trải nghiệm sắp xếp đồ đạc trong ngôi nhà của Michelle - người phụ nữ có một gia đình đông đúc với cuộc sống thường xuyên phải dịch chuyển. Để có một không gian thoải mái, thuận tiện mà vẫn gọn gàng dù sống ở Mỹ hay Nhật, cô đã chọn cách tối giản để bắt đầu cuộc “cách mạng” nhà cửa của mình. Không cầu kỳ hay phức tạp, những quy tắc nho nhỏ của Michelle rất thú vị và hữu ích, ai cũng có thể áp dụng vào chính căn nhà của mình. Bên cạnh đó, cô còn chia sẻ những nguyên tắc giản dị để có một cuộc sống đơn giản mà vẫn thật thoải mái, đủ đầy. Sự tối giản qua lăng kính của Michelle trở nên dễ hiểu và gần gũi hơn bao giờ hết, ai cũng có thể tự mình tinh giản nhà cửa, buông bỏ ràng buộc để cảm nhận sự thảnh thơi trong tâm hồn. Không chỉ đơn thuần là cuốn sách về nghệ thuật sắp đặt, Muốn ít đi - hạnh phúc nhiều hơn giống một thước phim đẹp đẽ, bình thản ghi lại từng khoảnh khắc an nhiên trong hành trình buông bỏ, đặt xuống những đồ đạc vướng bận để thu về sự thanh thản, tự do. Bởi “sắp xếp nhà cửa, xét cho cùng, cũng chính là sắp xếp mọi sự trong lòng”.
Xem thêm

Đến với quyển sách, bạn có thể học được ngay cách lựa chọn những vật dụng cần thiết nhất cho gia đình để làm sao vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt mà nhà cửa vẫn đơn giản gọn gàng. Bên cạnh đó, tác giả còn giới thiệu rất chi tiết từng vật dụng được cô sử dụng trong nhà, từ đôi vớ cho đến tấm thảm trải, từ cái tủ cho đến khay để đồ. Nguồn gốc xuất xứ, thành phần hoá học, công dụng, màu sắc, tính tiện dụng,… đều được liệt kê cụ thể. Thế nên là quyển sách có vai trò như cẩm nang, khi nào bạn cần mua đồ cho nhà bếp, hay sắm một tấm rèm, đều có thể mở ra đọc tham khảo. Không phủ nhận sự hữu ích, những ví dụ từ cuộc sống của chính tác giả đã góp thêm gợi ý trực quan có tính thẩm mỹ và thiết thực cho những ai đang từng bước theo đuổi sự tối giản. Nhưng việc vận dụng như thế nào, vận dụng được bao nhiêu phần trăm là tuỳ ở mỗi người. Nói chung là vẫn nên tham khảo qua, không bổ ngang cũng bổ dọc. P.S: Một điều hay mà mình học được từ tác giả là cách mà cô và gia đình tận hưởng cuộc sống. Có lẽ như đã đơn giản hoá vật dụng rồi nên cô và các thành viên trong gia đình có nhiều thời gian và không gian hơn trong việc sống có ý nghĩa và tích cực. Mình thật sự rất thích cách họ hoà mình vào thiên nhiên, như lời hứa đi cắm trại ở rừng vào mỗi cuối tuần, hay dành thời gian mỗi sáng để chạy bộ, không thì tưới cây, ngắm hoa, trân trọng món ăn, thường xuyên mời bạn bè đến nhà,… Thật sự rất hâm mộ.

Cuốn sách giống như quyển truyện tranh hay tạp chí, nhiều hình ảnh nên rất dễ đọc. Những chú thích về từng đồ vật có thể hơi khó hình dung nếu bạn chưa bao giờ tới MUJI hay những cửa hàng tương tự. MUJI tuy chưa tới Việt Nam những có nhiều hãng khác về đồ nội thất mang phong cách tối giản cũng đã xuất hiện rất nhiều gần đây. Mà do tác giả suốt ngày cứ MUJI nên làm mình cũng hơi bị dội, đồng ý là đồ MUJI tốt nhưng nếu cứ sa đà vào những doanh nghiệp lớn như thế thì lại thiếu đi tính bền vững với môi trường. Tác giả cũng theo phong cách luxury minimalism, có nhiều xu hướng Bắc Âu, nên chắc cũng không hoàn toàn hợp với khí hậu cũng như điều kiện kinh tế của đa số người Việt Nam. Nhưng cũng không sao, vì mỗi người sẽ có một cách tối giản cho riêng mình. Như mình nhìn đồ trong phòng bếp hay phòng khách của tác giả mình thấy còn có thể lược bỏ vài món nữa, nhưng tủ đồ của tác giả lại quá đơn điệu so với mình. Cái đắt giá nhất của quyển sách là 10 nguyên tắc để đơn giản hoá cuộc sống. Không phải nguyên tắc nào mình cũng thích như mời bạn đến chơi nhà thường xuyên hay trữ sẵn mật ong. Những nguyên tắc còn lại đều tuy không mới nhưng chưa bao giờ lỗi thời.