Luật Ngầm
Xem thêm

“Luật ngầm” kể về cuộc đời đầy sự bí ẩn của nhân vật nữ chính – An. Tuệ Nghi đã để nhân vật xưng “tôi” và kể về cuộc đời của mình. Nửa đầu tác phẩm là những ký ức về tuổi thơ, về gia đình, những bí ẩn từ khi cô còn nhỏ mà không tìm được lý do. Tuệ Nghi từng nói, cuộc đời của nhân vật An lúc nhỏ rất giống với cô. Vì vậy, người đọc thấy được sự chân thực trong từng dòng chữ bởi nó được bộc bạch từ một người đã từng trải qua tuổi thơ như vậy.

Nhưng sự ra đi của người cha, chân tướng sự thật đã được phơi bày. Nó lý giải cho hành tung bí ẩn của ông, cho sự xuất hiện của những tay anh chị mà An nhìn thấy, quan trọng nhất cô gái ấy đã hiểu cha mình là một người như thế nào. Cô băn khoăn liệu có đi tiếp con đường của gia đình như bố và bà của mình. Như một định mệnh, cuộc gặp gỡ với người bạn đồng nghiệp của bố là bước ngoặt cho cuộc đời của cô.

Trải qua nhiều thăng trầm cuộc đời, cô biết được những mánh khóe, thủ đoạn để có những bước đầu dấn thân thuận lợi vào thế giới ngầm. Gánh trên vai một nhiệm vụ âm thầm, nguy hiểm nhưng cô đã được bà ngoại dạy dỗ phải gan cường từ nhỏ, cùng với đó là từng trải qua hoàn cảnh khó khăn nên cô biết vượt qua mọi khó khăn, biết đứng dậy khi vấp ngã. Nhưng liệu bản lĩnh của cô có vượt qua những cám dỗ, có thể che giấu thân phận thực sự để hoàn thành nhiệm vụ? Từng mảng tối trong thế giới ngầm được Tuệ Nghi hé lộ một cách đầy kịch tính, bất ngờ đến tận khi tìm ra kẻ cầm đầu đường dây buôn ma túy xuyên quốc gia. Với mật danh P-126 An sẽ viết tiếp tục theo đuổi những mục tiêu mới để viết tiếp trang sách cho cuộc đời mình. Dù kịch tính vậy nhưng câu chuyện có nhiều khoảng trầm, những cơn gió mát, những bài học ý nghĩa trong cuộc sống.

“Luật ngầm” thích hợp cho những bạn thích truyện trinh thám nhưng cũng thích hợp cho những ai muốn tìm những bài học về gia đình, về nghị lực vươn lên. 

Sau khi đọc xong cuốn sách này, tôi thấy một phần hình ảnh của mình trong thời thơ ấu của An, tôi đồng cảm sâu sắc về hoàn cảnh của An. Một cô gái vô cùng mạnh mẽ, kiên cường, không chịu khuất phục trước khó khăn để tiến về phía trước.

Tôi cảm nhận được một gia đình không còn hạnh phúc khi tình cảm của bố mẹ đã cạn mà vẫn chịu đựng nhau vì con cái. Giữa họ thường xuyên là những cuộc cãi vã, những lá đơn ly hôn được gửi ra tòa, những tranh luận gay gắt. Nhưng sau tất cả, mẹ tôi đã cảm hóa được bố, giúp ông nhận ra vấn đề.

“Mẹ muốn ly hôn với ba và mẹ muốn con suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này, mẹ vẫn sẽ nghe và cân nhắc theo ý kiến của con ”

Những mảng tối trong thế giới ngầm được tác giả lột tả một cách chân thực và kịch tính, dù vậy nhưng câu chuyện vẫn có những thăng trầm, những bài học ý nghĩa trong cuộc sống. Luật Ngầm còn phản ảnh tội ác của Đế quốc Mỹ và Thực dân Pháp đã lấy đi ông nội của An, chia cắt hai miền Nam Bắc, chia cắt anh chị em, người thân trong gia đình. Nỗi đau không được ở gần người mình yêu, mà phải ở với ông Đại tá Mỹ để khai thác thông tin phục vụ cho cách mạng.

Hình ảnh đồng quê Việt Nam hiện lên trong văn của Tuệ Nghi thật sinh động và đẹp đẽ, con đường, đồng lúa, nắng vàng đều là những khoảnh khắc trong tuổi thơ của mỗi người.

“Những ngày hè oi ả nơi miền quê cằn cỗi, tiếng ve kêu rợp trời, nắng vàng chói lóa trên những đôi cánh bướm bay dập dìu. Tôi đạp chiếc xe mini nhỏ xíu dành cho trẻ em đi học. Mẹ nói mãi mà tôi chẳng chịu đổi chiếc xe lớn hơn, đơn giản là vì tôi nhát. Sau giờ học, tôi thường hì hục đạp xe thật nhanh về nhà, trên ghi đông vắt vẻo một bịch khi là chè, khi là bánh, khi lại là bắp rang đường”.

An – một cô gái có trái tim nhân hậu, luôn muốn giúp đỡ mọi người, cô ấy cũng muốn đi học như bao cô gái khác, nhưng vì hoàn cảnh nên cô ấy phải nghỉ giữa chừng để bươn chải cuộc sống, nhưng khao khát ấy vẫn luôn cháy mãi trong lồng ngực trái của một đứa trẻ.

“Con có thể lựa chọn thái độ sống của mình khi đối diện với người khác chứ hoàn toàn không thể chọn lựa thái độ sống của người khác dành cho mình”.

Tôi rất đồng ý với cách kết truyện của tác giả, nghĩa là không có cái kết, nhân vật “tôi” sẽ mãi tiếp tục đấu tranh cho chính nghĩa, trên chính con đường mà cô đã chọn. Nhưng ở phần cuối, cách kết cho nhân vật “Tân” có phần làm tôi hụt hẫng, và phần kết sau đó có chút dài dòng, lẩn quẩn để đi tới việc An vẫn sẽ mãi theo đuổi những chuyên án và công việc của mình.

Lời cuối, tôi xin chân thành cảm ơn tác giả Tuệ Nghi đã xuất bản cuốn sách mà tôi rất thích. Hy vọng các bạn một lần đọc tác phẩm này để hiểu hơn về ý nghĩa mà tác giả muốn truyền đạt.

“Thế giới không chỉ tồn tại trắng và đen. Có những thứ tồn tại xung quanh đen và trắng như một cách khẳng định thiện và ác vốn cách nhau chẳng tày ngang. Trong ác chất có thiện và trong thiện lại lập lờ màu sắc của ác”.

Đó là những câu văn khiến tôi chẳng thể nào quên được và chính nó cũng đã tạo cho tôi cảm giác tò mò và bị lôi cuốn để tìm đến cuốn sách này.

Đọc đến đây, nếu những bạn nào yêu mến nhà văn trẻ Tuệ Nghi thì chắc chắn sẽ không thể không biết đến cuốn sách đầu tiên của chị. Vâng, đó là Luật Ngầm. Một câu chuyện với những dòng hồi ký và chiêm nghiệm giữa thiện và ác, giữa cách cư xử đối đãi rất đời và chân thật của chị.

Tôi đã bị thu hút ngay từ trang bìa của Luật Ngầm: bìa sách tông chủ đạo chỉ là nền trắng và đen, nó thể hiện rõ ràng nội dung ranh giới giữa Thiện và Ác chỉ cách nhau gang tất, không hề phân rõ đường nét. Mặc dù ta thấy rất rõ hai màu trắng đen nhưng chẳng thể định rõ ràng ranh giới, lồng trong màu tối sáng không phân định đó là hình ảnh một thiếu nữ với gương mặt thanh tú nhưng đượm nét buồn với phần tối nhiều hơn… Hình như cô đang tồn tại trong một thế giới với đầy những phức tạp và cạm bẫy, nó khiến cô hàng ngày vẫn phải tranh đấu với đời để sinh tồn chăng ??

Và càng lần theo câu chuyện qua từng trang sách , tôi càng hiểu lý do tại sao !

Tôi đã bị cuốn hút vào thế giới ấy từ những trang đầu tiên tôi đọc, tôi có một sự đồng cảm đến lạ vào câu chuyện của cô bé từ những năm tháng tuổi thơ sống cùng bố mẹ và phải thu mình lại, ít bạn bè, chỉ chơi cùng lũ cá nhỏ trong chậu nước bé ti trước nhà ,chai lì hơn trước mặt người khác để bảo vệ chính mình, chứng kiến bố mẹ cãi nhau và giày vò nhau.., tôi hiểu cái cảm giác đó nó cô đơn và đáng sợ đến nhường nào đối với một cô bé chỉ đang trong độ tuổi mơ mộng và lạ lẫm với mọi thứ xung quanh. Cái tuổi mong manh mà nó cần mọi nhận được mọi sự tốt đẹp nhất để phát triển nhân cách tốt. Chắc bởi vì những dòng ấy viết lên từ chính câu chuyện thật của tác giả và nó vô tình chạm đúng vào câu chuyện của tôi, vào tuổi thơ của tôi. Đọc đến những trang đầu tiên, tôi chỉ ước rằng người đàn ông trong gia đình lúc ấy có thể giữ được tình thương với con trẻ, thì cũng có thể giữ được sự tử tế đối với người phụ nữ đầu ấp tay gối bên cạnh và hạn chế được những lỗi lầm của mình, không khiến nó đi quá xa. Tôi cảm nhận được nỗi đau của người phụ nữ khi gia đình đã không còn là nơi hạnh phúc nhất, khi đã thấy người đàn ông của mình lầm lỗi và đứng trước sự lựa chọn là sẽ sống cho bản thân mình hay sống cho con khi ôm đứa bé vào lòng và thủ thỉ: “Mẹ muốn ly hôn với ba và mẹ muốn con suy nghĩ nghiêm túc về điều này, mẹ vẫn sẽ nghe và cân nhắc theo ý kiến của con. Vì đời này, mẹ chỉ sống cho con”. Tôi cũng đã từng rất đau khi nghĩ mình là gánh nặng của mẹ tôi khi nghe mẹ tôi ôm tôi và nói câu tương tự trong nước mắt. Vì vốn dĩ nếu không có tôi, mẹ sẽ có thể giải thoát sự ràng buộc cho mình bằng cách sống cuộc sống theo ý mình muốn!

Và rồi những năm tháng sau khi bố cô mất, cô bé phải theo mẹ trôi dạt khắp nơi, bị họ hàng bên nội hắt hủi , cô và mẹ phải làm đủ mọi nghề, bươn chải đủ nơi , đủ mọi cách để sinh tồn. Cái xã hội khắc nghiệt này, nó dạy cô trưởng thành nhanh hơn số tuổi cô có, nó dạy cô ngay từ những ngày thơ ấu đã phải chiến đầu để tự bảo vệ mình và phải mạnh mẽ can trường để bước đi vì bên cạnh cô còn có mẹ. Nếu cô không mạnh mẽ thì mẹ biết nương tựa vào ai? Cuộc sống này còn quá nhiều khó khăn và những mảng màu tối sáng không rõ ràng. Thành phố hào nhoáng là thế nhưng đâu đó vẫn còn những mảng màu đối lập với ánh sáng của chốn phồn hoa đô hội, màng màu xám ngoét cho những phận nghèo tha hương như cô và mẹ.

Cuộc đời vốn là một bàn cờ, nó sẽ không mang đến cho ta quá nhiều quân cờ để chơi thử các ”Game” được tạo ra. Và cuộc sống là một cuộc rượt đuổi khốc liệt, nó bắt ta phải chọn giữa việc phải trở thành con mồi yếu ớt bị người khác săn đuổi, hay mạnh mẽ ngoan cường để trở thành gã thợ săn máu lạnh săn mồi giỏi?

Cuộc sống vốn đã không dành cho những kẻ yếu bóng vía và quy luật ngầm của cuộc sống nó dần tôi luyện cô trở nên gai góc, đưa cô vào một thế giới ngầm. Nơi mà ở đó quyền lực và địa vị phải được đổi lấy bằng cả máu và chất xám. Càng lên cao sẽ càng cô đơn và máu lạnh. Ở thế giới đó, ranh giới giữa thiện- ác, trắng- đen, đúng-sai chỉ cách nhau một cái chớp mắt. Và Luật Ngầm còn đang nói về một cuộc sống rất chân thật của những chiến sĩ làm mật thám ở cái nơi mà bóng tối và ánh sáng luôn tồn tại song song với nhau. Họ luôn phải vừa có thể đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc vừa có thể giữ mình trong sạch, không nhúng tay vào chàm hay không?

Mới đầu khi nghe tên cuốn sách, tôi nghĩ nó sẽ kể về những điều xảy ra trong thế giới ngầm về những luật lệ và bóng tối của những tội ác, về thương trường khốc liệt mà có thể cô gái Tuệ Nghi đã trải qua. Đây sẽ là một cuốn tự truyện đây ….

Và khi tôi đọc "Luật ngầm", một câu chuyện thực sự lôi cuốn, pha lẫn chất kịch tính và cả nhẹ nhàng bay bổng, như một bản giao hưởng hòa quyện giữa những nốt trầm và khoảng lặng. Nhân vật tôi có một tuổi thơ ‘’khác thường’’ so với nhiều đứa trẻ khác bây giờ. Bà ngoại cô từng làm tình báo và cô lớn lên trong sự nuôi dưỡng dạy dỗ mà không phải đứa trẻ nào cũng có được. Cô được học về văn chương, võ thuật, được nghe kể những câu chuyện về chiến tranh về cuộc đời tình báo đầy “những vết sẹo’’ chưa bao giờ lành. Và cuộc sống gia đình đầy biến cố, có lúc gia đình phá sản phản sống trong nghèo túng, có những lần chuyển nhà và cả những cuộc tình bên ngoài của ba, những giọt nước mắt của mẹ. Nhưng tất cả không chỉ đừng lại ở đó, câu chuyện dẫn dắt đến những bí mật kịch tính hơn về một thế giới ngầm và công việc thực sự của người ba và nghề nghiệp mà cả gia đình muốn cô nối dõi. Cái chết của người thân cô bé cũng là dấu chấm hỏi đằng sau thế giới ngầm đó. Sau đó là sự xuất hiện của những người lạ mặt, những bí ẩn kinh hoàng dần dần được tiết lộ và cách cô đã vượt lên những nỗi sợ hãi, khó khăn, nắm lấy những cơ hội, bước chân vào thế giới ngầm và làm sáng tỏ những bí mật như thế nào. 

Tiểu thuyết có một sức lôi cuốn lạ lùng khi ta đọc nhưng vẫn không biết đâu mới là sự thật, nó chỉ hé mở khi ta đọc đến chương cuối cùng. Nhưng cái hay nó không chỉ nằm ở cốt truyện, theo tôi nó nằm ở sức sống và tham vọng mạnh mẽ, khí chất kiên cường, những cung bậc cảm xúc sâu sắc của nhân vật. Như một cơn gió mạnh mẽ, có lúc nóng nảy, dữ dội, có lúc trầm lắng, yêu thương, có lúc nhẹ nhàng yên ắng. Đó là một nhận vật “tôi” nghị lực, quyết đoán, tham vọng, thông minh và nhạy bén thấp thoáng hình bóng của chính tác giả ‘Tuệ Nghi’. Cuốn tiểu thuyết đã đưa đến cho tôi những suy nghĩ sâu sắc hơn cuộc sống, về thành công và về con người đặc biệt là sự khâm phục đối với chính tác giả.

“Luật Ngầm” không đơn thuần chỉ là một cuốn tiểu thuyết, như chính tác giả nhận định đây là một bản giao hưởng - nơi mà những nốt trầm và khoảng lặng chiếm ưu thế. Sẽ có những lúc giai điệu hùng tráng được vang lên nhưng rồi lại nhanh chóng lặng đi trong sự tiếc nuối. Những chi tiết bất ngờ luôn được lồng ghép xuyên suốt tác phẩm sẽ khiến bạn cứ liên tục hồi hộp và không thể ngừng đọc vì sự cuốn hút khó tả.

Cho đến khi kết thúc, thay vì đem lại một cái kết trọn vẹn thì tác giả lại khiến độc giả tiếp tục trầm tư, suy nghĩ về tương lai và cuộc sống của nhân vật chính. Sẽ tiếp tục là những ngày dài tăm tối hay sẽ có một tia hy vọng loé ra nhưng chưa kịp sưởi ấm một ai thì đã mau chóng lụi tàn.

Mặc dù gam màu chủ đạo của tác phẩm là đau buồn, nhưng đâu đó vẫn tồn tại những khoảnh khắc khiến người đọc bất chợt có niềm tin vào những điều nhỏ nhặt nhất, vào những điều tưởng chừng như không thể… Hãy đọc quyển sách này và bạn sẽ có những khoảnh khắc bắt gặp được chính mình trong “Luật Ngầm”: sự ngây ngô, sự bồng bột; những tâm sự khó nói, những nỗi buồn khó chia sẻ cùng ai...

“Luật Ngầm” là một tác phẩm mang nhiều ý nghĩa và thông điệp sâu sắc. Không cần những dòng khuyên nhủ hay những câu châm ngôn, những thông điệp tác giả muốn gửi gắm luôn tồn tại trong từng câu chuyện được kể.

Những chi tiết Tuệ Nghi đưa vào “Luật Ngầm” hơn cả đắt giá, những chi tiết ấy không đơn thuần là đem đến cảm xúc, mà nó còn khiến người đọc phải suy ngẫm và rồi tự nhìn lại chính mình trong vô thức. Có lẽ cuộc sống khổ cực mà cô đã từng trải qua chính là một nguồn cảm hứng lớn nhất khi sáng tác. Dưới ngòi bút của Tuệ Nghi, những ánh mắt, cử chỉ, những tình tiết nhỏ nhặt nhất được diễn tả một cách chân thực và khiến ai cũng phải hồi hộp, đan xen với sự xót xa khi đọc tiểu thuyết này.