Xem thêm

Nhiều người nghĩ "Tội ác và Trừng phạt" mới là tác phẩm tiêu biểu và hay nhất của F.Doxtoevsky, nhưng tôi lại thấy, "Lũ người quỷ ám" mới hợp với vị trí " đầu bảng" hơn.

Trong "Lũ người quỷ ám", hiếm có cảnh giết chóc, trộm cắp, bạo lực mà thay vào đó là sự xuất hiện của "căn bệnh" tinh thần đang lây lan khắp nước Nga những năm 1860 - 1880. Những lực lượng Cách mạng đánh mất hi vọng vào một cuộc cách mạng nhân dân và lao vào con đường manh động vô chính phủ, phá rối trật tự xã hội và khủng bố cá nhân. Họ làm quá vai trò của cá nhân trong lịch sử, đối lập “người hùng” với “số đông”, “lãnh đạo” với “quần chúng”. Còn giới quan lại Nga thiển cận, ngu dốt, mất đi nguồn gốc gốc, bỏ qua thực tế đất nước; cả xã hội quý tộc - trí thức theo đuổi lối sống xa hoa, chạy theo thời thượng, tâng bốc những thần tượng giả và hết sức thờ ơ với số phận của nhân dân.

Căn bệnh trong tác phẩm phát triển đến cùng cực: Sự tiêu vong của cả một hệ tư tưởng, nơi mà con người gạt phăng Thượng Đế, tôn giáo để tự đề cao bản thân ngang tầm với Chúa trời. Chủ nghĩa quốc gia - dân tộc hẹp hòi phát triển rầm rộ, che mờ đi đạo đức, trách nhiệm của mỗi người.

Xin được trích một đoạn từ bản dịch của Nguyễn Ngọc Minh: "Không một dân tộc đơn độc nào, cho tới nay, đã đặt đời sống của họ trên căn bản lí trí và khoa học, trừ một đôi lúc ngắn ngủi và do sự điên rồ. Trong chính cái bản chất của nó, xã hội chủ nghĩa là một chủ nghĩa vô thần - ngay trong lời tuyên bố đầu tiên, nó đã xác nhận rằng nó là một tổ chức không có Thượng đế: nghĩa là, một xã hội chỉ đặt nền móng trên những nguyên tắc của lí trí và khoa học. Nhưng lí trí và khoa học từ trước tới nay vẫn chỉ giữ một phận sự phụ thuộc trong đời sống các dân tộc và cho tới ngày tận thế cũng vẫn vậy."


Mình mới đọc lại xong “Lũ người quỷ ám”. Cảm giác có đỡ hơn lần trước, nhưng chung quy lại vẫn không dễ chịu gì lắm.

Mình từng đọc ở đâu đó nói rằng, một cuốn sách hay là cuốn sách làm ta thẫn thờ khi đọc xong, tiếc nuối vì nó đã kết thúc, hoặc khiến ta phải thầm văng tục sau khi chấm dứt dòng cuối cùng, chỉ vì nó quá hay. Mình bị cái phản ứng đầu tiên với “Chàng ngốc” – nó làm mình ngơ ngẩn suốt vài ngày sau đó. Chỗ này mình không nói điêu chút nào đâu, dù nghe hơi ủy mị. Còn cái phản ứng thứ nhì, mình có với “Lũ người quỷ ám”. Lần đầu mình đọc xong nó, mình văng tục thành tiếng. Chỉ có vài cuốn sách gây cho mình phản ứng vậy thôi. Trước giờ chưa đếm quá được mười đầu ngón tay.

Lần đọc lại này, vì không còn lạ lẫm gì nữa, nên khi gấp sách lại mình chỉ im lặng thôi. Vẫn thỏa mãn và khâm phục như ngày nào, nhưng không đến nỗi phải bật lên thành tiếng nữa. Nhưng cảm giác ngơ ngẩn lại tăng lên. Một cảm giác không dễ chịu. Khi đọc lại một tác phẩm, ta thường ngấm đòn sâu xa hơn lần đầu.

Cuốn này khá dài, cũng khó tóm tắt nội dung. Đại để đây là tác phẩm duy nhất (dường như) của Dos nghiêng hẳn về đề tài chính trị xã hội, và cũng là tác phẩm duy nhất có giọng văn hoạt kê xuyên suốt, bất chấp tính chất hài kịch lúc đầu dần chuyển qua bi kịch một cách chậm rãi. Những cuốn tiểu thuyết đề tài chính trị xã hội, thoạt nghe tưởng hấp dẫn, nhưng thực tế thường chán lắc. Mình luôn bảo lưu quan điểm, phải là một tâm hồn già nua chai cứng đáng chán lắm mới cố nhồi nhét những “tư tưởng”, “triết lý”, “chính trị”, “xã hội” vào chật kín một tác phẩm, choán sạch những chỗ lẽ ra phải thuộc về vẻ đẹp của nghệ thuật tiểu thuyết. Cái tật này của các nhà văn, mình thấy nhiều lắm. Ngay cả Dos, tài nghệ là thế, nhưng đôi khi cũng sa đà. Trong “Chàng ngốc”, có đôi chỗ ông viết như nhét lời vào miệng nhân vật. Trong “Lũ người quỷ ám” thì không có thế nữa. Từ đầu đến cuối, hết sức đều tay, dù cả ngàn trang truyện đầy ứ nhân vật với đủ thứ tư tưởng của họ. Bí quyết ở đây, theo mình là giọng văn hoạt kê hài hước. Sự hài hước tạo nên nét duyên dáng. Nét duyên dáng trung hòa vẻ đao to búa lớn kệch cỡm khi nhà văn cố đề cập đến quá nhiều vấn đề miên viễn một cách ôm đồm. Bạn nên gạch đít ý này vào sổ tay nếu sau này có mộng viết lách những chuyện cao xa.

Cái tư tưởng chủ đạo, cái vấn nạn xã hội thời bấy giờ ở Nga mà Dos đề cập đến trong “Lũ người quỷ ám” chủ yếu xoay quanh chủ nghĩa hư vô. Chủ nghĩa hư vô, nói tóm gọn thì là tư tưởng cho rằng mọi thứ trên đời này vốn vô nghĩa và cũng không có chuẩn mực giá trị gì sất. Xin không nhầm thứ chủ nghĩa này với chủ nghĩa hiện sinh trong triết học và văn học cũng như chủ nghĩa phi lý trong văn học sau này. Ở hai loại kia, tuy thoạt nhìn cũng từa tựa vậy, nhưng chúng mang thiên hướng tích cực hơn, phủ định những giá trị cũ nhằm tái khẳng định giá trị con người, và hệ thống lý luận cũng chặt chẽ hơn. Chủ nghĩa hư vô thì hết sức đơn giản. Một kẻ đần độn nhất cũng có thể tuyên bố mình là nhà hư vô chủ nghĩa. Mà trong “Lũ người quỷ ám”, có rất nhiều kẻ đần độn như thế.

Truyện này có rất nhiều nhân vật, nhưng hầu như không có nhân vật chính theo đúng cái nghĩa của từ này. Gọi là “nhân vật trung tâm”, thì có thể xem truyện xoay quanh Nikolay Vsevolodovich Stavrogin. Anh này là một kẻ rất dị. Gọi là người xấu thì không hẳn, dù anh ta đã phạm rất nhiều tội lỗi. Tính cách phức tạp, mâu thuẫn, có vẻ vô cùng hời hợt, nhưng cũng thú vị khôn dò. Anh ta làm nhiều việc xấu, chẳng qua vì thấy đời chán quá mà thôi. Một mẫu nhân vật tưng tửng, quái đản, hành tàng khó đoán, sau này truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các nhà văn phái phi lý như Beckett hay Ionesco sáng tạo ra những nhân vật phản anh hùng tương tự.

Ngoài anh chàng này ra, “Lũ người quỷ ám” còn rất nhiều nhân vật vô cùng thú vị khác. Cá nhân mình đặc biệt thích Alexei Kirilov. Anh chàng này đẩy tư tưởng hư vô lên đến đỉnh cao của nó. Anh ta tin rằng không có Chúa, và bất cứ ai đủ dũng cảm để thực hiện tự do ý chí của mình ở cấp độ triệt để nhất là tự sát (trong khi ý thức rõ việc tự sát đó không phải vì chán đời mà là nhằm thực thi tự do ý chí tuyệt đối) thì sẽ trở thành Chúa. Nếu bạn đã đọc bài viết về những nét cơ bản trong tư tưởng Nietzsche của mình, bạn sẽ thấy chủ nghĩa hiện sinh mà Nietzsche dõng dạc vỗ ngực xưng danh chẳng qua chỉ là nói lại những gì Alexei Kirilov đã suy ngẫm. Đọc là sẽ thấy. Một chàng hơi mát mát, nhưng tốt tính. Một trong vài người tốt hiếm hoi giữa lũ người quỷ ám. Bản thân anh ta, có lẽ cũng là kẻ bị quỷ ám.

Nói chung, khi đi qua hết cuốn này, bạn có thể tìm thấy phần đa mầm mống mọi trào lưu tư tưởng nổi bật của thế kỷ 20 trong đó, cũng như rất nhiều nhân vật mà đọc qua làm ta nhột, những con người với những thói tật không hề xa lạ trong xã hội ngày nay ta sống. Nổi bật là ông Stepan Trofimovich Verkhovensky, nhân vật mở đầu truyện, mang lại cho nó vẻ hài hước cần có. Ông này đẻ ra cậu con là Piotr Stepanovich Verkhovensky, nhân vật có lẽ là quan trọng thứ hai trong truyện sau Nikolay Stavrogin. Mình sẽ không nói Piotr Verkhovensky là người như thế nào, vì như thế dễ spoil cốt truyện. Nếu Nikolay là trung tâm, thì Piotr là kẻ liên kết các mắc xích giữa lũ người quỷ ám này. Bóng ma của tư tưởng hư vô, những mầm mống của chủ nghĩa cộng sản ở trạng thái sơ khai nhất của nó, bạn sẽ tìm thấy trong tác phẩm này.

Cái làm mình thẫn thờ sau khi đọc xong, là số phận những nhân vật bất hạnh trong truyện. Cuốn này Dos viết càng về cuối càng hay, tình tiết ly kỳ có thừa. Mình để bạn tự khám phá vậy. Mỗi khi bạn tưởng tới đó rồi là thôi, ông sẽ thoi vào mặt bạn một cấp độ mới của bi kịch. Ông làm thế liên tục được, và có vẻ là làm không biết chán. Biết sao được, đó là đặc trưng của ông.

Thôi, tắt một lời là bạn thử đọc “Lũ người quỷ ám” xem sao. Với mình, cuốn này đứng nhì trong số những tác phẩm hay nhất của Dos.

"Lũ người quỷ ám" là một lời cảnh báo sâu sắc của Dostoyevski về chế độ nô lệ và chủ nghĩa vô thần, thứ mà ông cho là nguyên nhân chính gây bất ổn cho Nga vào những năm 1800. Các nhân vật vô cùng phong phú và mỗi người đều mang đặc trưng của một tầng lớp xã hội. Người cha bất an, cẩu thả Stepan có một đứa con trai bị ghẻ lạnh hoá ra lại là người đứng đầu máu lạnh của tổ chức hư vô. Thuyền trưởng nát rượu và người em tật nguyền của ông ta chống lại phản ứng căn bản của lương tri trước thảm hoạ. Kirillov phải tự sát để chứng minh sự không tồn tại của Chúa. Cuối cùng, Dostoyevsky đã không làm chúng ta thất vọng khi tạo ra mô típ đặc trưng của mình. Sự xuất hiện của một thiên thần Sofya để giải cứu linh hồn sa ngã của Stepan ngay trước khi anh ta từ bỏ linh hồn của mình. Mô típ thánh nữ cứu nam chính sa ngã này nhiều lần xuất hiện trong các tiểu thuyết khác của Dostoyevsky như Tội ác và Trừng phạt, Thằng ngốc, Người giàu, người nghèo. Dostoyevsky cũng đã gặp được một thiên thần trong cuộc đời mình. Người vợ thứ hai đã mang lại cho ông sự ổn định và hạnh phúc gia đình, sinh cho ông bốn đứa con và giải quyết giúp ông món nợ cờ bạc. Thông điệp chính trong cuốn tiểu thuyết được liên kết với các câu kinh thánh của Lu-ca. Những xã hội dựa trên Cơ đốc giáo mạnh mẽ như vậy không cho phép sự tồn tại của những người theo chủ nghĩa hư vô, những người có tư tưởng tự do, những người theo chủ nghĩa tự do và những người theo chủ nghĩa vô chính phủ.

"Lũ người quỷ ám" là một cuốn sách phức tạp. Bản thân Dostoyevsky đã thừa nhận trong một bài báo rằng ông sẽ hy sinh tính dễ đọc đơn giản để đổi lấy (những) thông điệp có chủ ý mà ông truyền tải trong cuốn tiểu thuyết này.

Ví dụ, người kể chuyện Gogonov đã chuyển từ vai trò là một phần của câu chuyện sang người quan sát và tường thuật. Đôi khi người đọc tự hỏi làm thế nào anh ta biết được nhiều điều về những gì anh ta kể đến vậy.

"Lũ người quỷ ám" cũng chứa đựng một loạt các vấn đề chính trị, triết học và tôn giáo rất dày đặc và sắc bén. Đây là một trong những điểm tối ưu của cuốn tiểu thuyết, nâng tầm nó lên hàng kinh điển. Đôi khi, bạn có thể buộc phải dừng lại và đọc lại các đoạn văn hoặc cuộc thảo luận giữa các nhân vật, để cố gắng tiếp thu, nghiền ngẫm và xem xét chúng một cách nghiêm túc.

Dostoyevsky có mục đích để khán giả của mình suy ngẫm về trường hợp cụ thể. Nhiều người ca ngợi ông có tính tiên tri trong dự đoán của ông - thông qua điều không tưởng về chính trị của Shigalyov - về số lượng người sẽ bị tàn sát trong thế kỷ 20 do các hệ tư tưởng chính trị mà phần lớn có xu hướng nghiêng về phía 'những chuyến đi của bản ngã', như Robert Belknap đã quan sát chính xác trong phần giới thiệu - Stalin, Hitler, Mao, v.v.

Tôi không biết gì về chủ nghĩa hư vô chính trị và đạo đức của Nga dưới thời trị vì của Sa hoàng Alexander II, nhưng "Lũ người quỷ ám" dựa trên sự kiện có thật xảy ra vào tháng 11 năm 1869 mà Dostoevsky đã lấy cảm hứng và khắc họa trong cuốn tiểu thuyết này, xuất bản lần đầu năm 1872 trên Tạp chí Herald của Nga.

Nó được thuật lại bởi một người bạn thân của Stepan Trofimovich Verkhovensky, anh ấy tên là Anton Lavrentievich G — người kể không chỉ về xung đột nội tâm giữa thiện - ác và thói đạo đức giả của xã hội thượng lưu, mà còn kể về khoảng cách không thể tránh khỏi giữa hai thế hệ cha và con, và xung đột giữa các giá trị và những người theo chủ nghĩa truyền thống.  

Pyotr Venkhovensky, con trai của Stephan Trofinovich Venkhovensky, một học giả đã đóng góp cho các lực lượng hư vô, là một thanh niên lôi cuốn, chống chủ nghĩa hư vô dựa trên nhà cách mạng Sergey Nechayev, thủ lĩnh của một nhóm nhỏ những kẻ âm mưu: thực sự nhân vật của anh ta là kẻ chủ mưu đằng sau lựa chọn của các nhân vật khác, say mê Nikolai Stavrogin, nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, con trai của Varvara Patrovna, một địa chủ giàu có. Stavrogin quyến rũ, đẹp trai, không sợ hãi và tự cho mình là trung tâm nhưng đồng thời cũng trầm ngâm, thờ ơ và bị một thứ gì đó dày vò đến chết, giống như một thực thể xấu xa đang ăn tươi nuốt sống anh ta. Anh ta liên tục vắng mặt trong tiểu thuyết, Dostoevsky cố tình làm điều đó, mô tả hoàn hảo "tính cách không tồn tại" của anh ta. Pyotr nhìn thấy ở Stavrogin một nhà lãnh đạo mang tính biểu tượng cho chi bộ cách mạng, có các thành viên là Ivan Shatov, một cựu trí thức đa nghi, ít nói và u sầu, anh trai của Darya Pavlovna. Nhân vật của anh ấy cũng dựa trên một sinh viên bị sát hại trong quá trình tuyên truyền của Sergey Nechayev - và Alexei Kirillov, một kỹ sư sống và dành một năm ở Mỹ để làm công nhân nông trại cùng với Shatov; một thanh niên vô thần, ẩn dật và cuồng tín, người mô tả đầy đủ khái niệm Übermensch của Friedrich Nietzche để trở thành Chúa - hay đúng hơn là "Người - Thần".