Xem thêm

Hồi đó, khi tôi đọc tác phẩm “Lời chia tay đẹp nhất thế gian” của Noh Hee Kyung, tôi đã hối tiếc nhiều và thật sự rất nhiều vì tôi cũng đã từng cho rằng: “Mẹ chỉ là mẹ thôi.”

 “Thật kỳ lạ.

Khi còn trên đời,

Mẹ chỉ là mẹ thôi.”

Đây là câu nói đập vào cửa sổ tâm hồn khi tôi bắt đầu tìm đến những trang đầu tiên của quyển sách. Bạn biết không, tôi không phải là một đứa trẻ hư hỏng hay một người con vô tâm…nhưng chẳng hiểu sao, từ khi đọc chính câu đó và khi đã đi đến cuối trang sách, tôi luôn mang cảm giác có lỗi và luôn muốn yêu thương mẹ nhiều hơn…Có lẽ là vì nỗi sợ…sợ phải đau khổ khi mất đi một ai đó quan trọng nhất trong cuộc đời mình, như cái cách mà những kẻ ở lại dành cho người ra đi mãi mãi trong tác phẩm này.

“Lời chia tay đẹp nhất thế gian” là một đoạn kết ngắn chỉ tầm 300 trang giấy. Nó kể về một kết thúc đau lòng, nhưng chỉ dừng lại ở đau lòng vì dù đã có sự mất mát về người nhưng cái cách mà người ấy ra đi lại khiến câu chuyện không quá lâm ly bi đát, ít nhất là đối với tôi.

Bà Kim In Hee, một người mẹ đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để trầy trật lo toan vì miếng cơm manh áo của gia đình dù con cái đều đã trưởng thành. Hình ảnh người mẹ luôn xuất hiện như thế đấy, còn chúng ta thì có thể cảm nhận sự thống khổ này được bao nhiêu chứ? Ngoài cái suy nghĩ “Mẹ chỉ là mẹ thôi” và “chẳng phải đó là việc của mẹ hay sao?”, thì tôi chẳng thể thấu hiểu được bao nhiêu sự cực khổ mà một người mẹ phải vác trên vai. 

Cho đến khi… 

Cho đến khi tôi biết đến “nó” - một “bản án tử” dành cho người mẹ hiền mà thẩm phán lại chính là căn bệnh ung thư quái ác. Nhưng cuộc sống của bà vào những ngày cuối đời lại chẳng khá hơn vì bà “vẫn luôn ở vị trí ấy với dáng vẻ y nguyên không đổi, vẫn ngày ngày vừa ‘chiến đấu’ với nội bị chứng mất trí nhớ, vừa chịu đựng ông chồng cộc cằn và những đứa con chẳng giàu tình cảm”. Nhưng thật may mắn khi tác giả đã không quá tàn nhẫn với bà, vẫn để cho bà nhận được sự yêu thương và quan tâm của mọi người trong gia đình sau khi họ biết chuyện ấy. Tôi không muốn kể một cách chi tiết hay quá rõ ràng về câu chuyện này, vì tác phẩm không có nội dung quá mới mẻ, và cũng chẳng muốn ngợi ca sự cuốn hút trong văn phong này vì điều đó đã quá rõ ràng. Cái mà tôi muốn nói cho mọi người biết chính là giá trị mà tác phẩm này đã mang lại cho chính tôi.

Chính vì cái cách của những nhân vật đã thể hiện từ trước và sau khi biết đến câu chuyện thương tâm của mẹ mình, nó làm tôi nhớ lại những lần mình đã to tiếng hay khó chịu với mẹ chỉ bởi vì thời tiết của ngày hôm ấy không tốt và tôi lại gặp một vài chuyện không vui. Tôi biết, không phải vì thế mà tôi không yêu mẹ của mình, họ cũng chẳng phải vì ghét bỏ hay chán chường mà đối xử với bà In Hee như thế…Chỉ là cả tôi và cả họ đều đã quen với việc có mẹ, có vợ, có một người phụ nữ như thế ở bên cạnh, quen với việc mẹ sẽ là người yêu thương và chăm sóc cho mình. Cho nên, dù chúng tôi có cáu gắt, bà cũng sẽ luôn ở bên cạnh và quan tâm chúng tôi như thế đấy.

Khi những thành viên trong gia đình biết đến cái chết gần kề của người mẹ, những con người ấy đã đau khổ, đã cảm thấy có lỗi và hối hận biết nhường nào…còn tôi….Bạn biết không, đó cũng chính là lúc tôi phát hiện mình đã quá hời hợt, vô tâm và cứ ỷ lại vào mẹ của mình. Chỉ vì một chữ mẹ mà tôi đã yêu cầu bà làm đủ mọi chuyện trên đời này, nhưng cũng vì một chữ mẹ mà bà cũng đã làm cho tôi hơn cả những đòi hỏi ấy. Chẳng phải, trong chúng ta ai cũng như thế hay sao? Cả người chồng và những người con trong tác phẩm này cũng vậy. Dù đến cuối cùng, họ đã nhận ra và thay đổi, nhưng trong thâm tâm họ luôn tồn tại một điều gì đó gọi là hối hận, hối tiếc. Đây chính là cái giá trị mà tôi đã nói, không phải nó giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, cũng không hẳn là cứu rỗi tâm hồn tôi, mà chỉ đơn giản là giúp tôi không phải hối tiếc về sau này.

Tôi sẽ lấy làm hạnh phúc khi tất cả chúng ta đều là những người con hiếu thảo, là những người chồng ấm áp. Nhưng còn điều gì tệ hơn khi bạn mãi rong ruổi ngoài xã hội tấp nập, cạnh những thú vui bên lề mà quên đi một người phụ nữ luôn chờ đợi bạn ở nhà, bên những chiếc đĩa thức ăn đã nguội, đang chờ đợi để được hâm nóng từ tiếng cười hạnh phúc của sự sum họp?

0 điểm

"Thật kỳ lạ. Khi còn trên cõi đời, Mẹ chỉ đơn giản là mẹ thôi. Chẳng có gì hơn. Thế nhưng khi bà qua đời, Tôi bỗng có suy nghĩ rằng Bà chính là cả cuộc đời mình”
Đây là suy nghĩ của tác giả về người mẹ của mình và cũng chính là nội dung chính của câu chuyện này.
Có lẽ vì tác giả là một biên kịch, đặc biệt còn là biên kịch của rất nhiều bộ phim nổi tiếng nên cách viết của bà khiến độc giả có thể tự tưởng tượng trong đầu, mỗi phân cảnh thì các nhân vật biểu hiện ra sao, khung cảnh thế nào... nhưng mỗi trang sách cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn tâm lý của từng nhân vật.
Câu chuyện đi sâu vào cuộc sống của một gia đình bình thường ở Hàn Quốc, càng đọc càng cảm thấy như đã từng gặp rất nhiều trong các bộ phim truyền hình dài tập. Có lẽ truyền thống của người phụ nữ Hàn Quốc thời gian đó là thế, hi sinh bản thân mình, hi sinh ham muốn của bản thân và dần dần dung nhập nó lại với mục đích duy nhất là giữ gìn mái ấm gia đình.
Tôi tìm thấy bản thân mình trong câu chuyện, có lẽ tất cả chúng ta đều cho rằng việc mẹ chăm sóc là đương nhiên, cho rằng bố mẹ sẽ như căn nhà, luôn luôn ở đó chờ đợi ta về. Chúng ta không biết, bố mẹ cũng có lúc mệt mỏi và cần chúng ta ở bên.
Dù motip của câu chuyện không mới, bài học cũng đã được nhắc đến rất nhiều lần nhưng chắc chắn vẫn sẽ chạm đến tim người đọc.
Hãy trân trọng những phút giây của hiện tại và quan tâm đến bố mẹ nhiều hơn...

“Thật kỳ lạ.

Khi còn trên đời, mẹ chỉ đơn giản là mẹ thôi.

Chẳng có gì hơn.

Thế nhưng khi bà qua đời,

Tôi bỗng có suy nghĩ rằng bà chính là cả cuộc đời.”

Ngay trang đầu tiên của cuốn sách đã khiến lòng mình nghẹn ngào và xúc động. Mình đọc câu chuyện ấy vào một ngày trời mưa, cái thời tiết mà luôn khiến con người ta tĩnh lại và trầm xuống. Mình chỉ dám đọc ở nhà là chính vì những câu chuyện cảm động thế này chỉ nên đọc một mình để có thể khóc một cách thoải mái nhất. “Lời chia tay đẹp nhất thế gian” là một câu chuyện đẹp về tình cảm gia đình. Mình thấy mọi người recommend quyển này rất nhiều, đọc xong thì thấy nó thực sự xứng đáng với những lời khen ngợi. Câu chuyện kể về cuộc sống của người mẹ, người vợ, người con dâu hiền lành, chăm chỉ, luôn ân cần chăm lo cho gia đình mà không một lời kêu ca oán trách. Cuộc sống này thật khó khăn biết bao với bà khi mà có một người mẹ chồng mắc bệnh mất trí nhớ, một người chồng không mấy quan tâm đến gia đình, một cô con gái bận rộn và một cậu con trai còn lo lắng chuyện thi cử. Thậm chí đôi khi bà còn phải lo lắng cho gia đình của cậu em trai mãi không chịu lớn.

Chỉ đến khi bà phát hiện mình bị ung thư thì mọi người trong gia đình mới chợt nhận ra mình đã vô tâm đến thế nào. Đến khi ấy họ mới dành thời gian ra để ở bên chăm sóc, quan tâm đến bà nhưng biết sao giờ, thời gian không phải là thứ có thể níu giữ được.

Cốt truyện không quá mới mẻ nhưng lời văn lại chân thành, sâu sắc cùng với những tình tiết cảm động giữa các thành viên trong gia đình những ngày cuối cùng bên mẹ. Cuốn sách như một lời nhắn nhủ gửi đến những ai khi đang còn có mẹ bên cạnh hãy trân trọng, yêu thương, quan tâm đến mẹ của mình bởi chúng ta không hề biết trước được chúng ta còn có bao nhiêu thời gian để ở bên cạnh những người mình yêu thương.

"...Gần đây anh thực sự thấy rất ghen tỵ với những người vẫn còn mẹ, những người mẹ đang sống thật khoẻ mạnh." - Jeong Soo

Một tác phẩm nổi bật trong các tựa sách chủ đề gia đình, mình cũng là thấy qua rất nhiều gợi ý mới tìm đến cuốn này. Cảm giác khi đọc rất quen thuộc, thì ra là do trước đó có xem phim "Ngày không còn mẹ" của Hàn, tựa tiếng Anh là "The Preparation" - sự chuẩn bị. Vừa trùng hợp, "Lời chia tay đẹp nhất thế gian" cũng đang kể lại quá trình chuẩn bị cho thời khắc chia ly của gia đình với In Hee, một người mẹ, người chị và là một người con dâu; vốn là 3 chức phận thường gặp của bất cứ người phụ nữ nào. Có lẽ vì thế mà xuyên suốt cuốn truyện, mình cứ nghĩ đến khuôn mặt của nữ diễn viên Go Doo Shim lúc đóng trong "Ngày không còn mẹ", khớp đến từng cử chỉ và câu thoại, hay là mọi bà mẹ trên thế gian này đều y như nhau hết nhỉ?

Thật ra thì làm gì có ai sống mấy mươi năm lại chưa từng trải qua một lần từ biệt mãi mãi với người thân, nhưng với "Lời chia tay đẹp nhất thế gian" là niềm hối tiếc khi con người trước giờ vẫn luôn bận tâm với thế giới lớn mà quên mất đi sự quan tâm cần thiết dành cho gia đình, là 2 chữ "giá như".
Giá như bệnh tình của In Hee được phát hiện sớm hơn, chồng bà ta lại làm bác sĩ, tiếc là ông chỉ để tâm đến bà khi đã quá muộn...
Giá như cậu em Geun Deok sớm hiểu chuyện thì đã không khiến chị mình khổ sở, day dứt cho đến tận lúc sắp chết vẫn lo lắng cho đứa em đã từng ấy tuổi...
Giá như Yeon Soo và Jeong Soo đừng chỉ giữ yêu thương trong suy nghĩ mà thể hiện nó với mẹ mình từ trước, In Hee cũng sẽ không thấy tủi thân nhiều như vậy...

Dạo gần đây mình thường hay nhớ nhà nên có xu hướng tìm đọc những quyển sách viết về gia đình. Hôm đó ra hiệu sách cũng tình cờ thấy quyển sách này, mình ấn tượng với lời tựa trên bìa “Cuốn sách biểu tượng về tình cảm gia đình khiến hàng triệu độc giả hàn rơi nước mắt suốt 22 năm qua!” nên mua ngay. Để xem thử quyển sách có đủ sức làm một độc giả Việt như mình phải khóc hay không. Và, hôm nay, sau khi đã đọc xong, mình nhận ra đã là con người trên khắp thế gian này thì một khi đã đánh động đến tình cảm gia đình, nhất là về mẹ thì khó mà không rơi nước mắt. "Lời chia tay đẹp nhất thế gian" – Noh Hee Kyung “Chết, điều đó có nghĩa là không nhìn thấy được nữa. Dù có nhớ nhung, cả đời này cũng không thể gặp lại nhau; muốn chạm vào cũng không thể chạm vào được nữa. Cả đời không thể nhìn thấy, không thể chạm, không thể nghe được giọng nói. Đó chính là sự ly biệt tàn nhẫn với tên gọi cái chết”. Kim In Hee, người con dâu chăm lo chu đáo cho mẹ chồng lớn tuổi với hội chứng mất trí nhớ. Mỗi ngày một lần bà đều lên cơn hành hạ con dâu, hết mắng nhiếc chửi bới đến nắm tóc mà đánh. Mọi thành viên trong gia đình dần dần cũng xem chuyện đó là chuyện thường ngày trong nhà nên cũng chẳng ai bận tâm đến. Thế nhưng sau tất cả những lần bị đối xử tệ bạc như vậy, người con dâu vẫn bao dung và không tỏ ra bực mình với mẹ chồng mà còn chăm sóc bà tận tình, lo lắng cho mẹ chồng ngay cả khi trên giường bệnh. Kim In Hee, một người vợ cả đời chưa bao giờ có khoảng thời gian riêng tư đầm ấm bên chồng. Gần 30 năm bà chung sống với một người chồng trầm tính, hẹp hòi và cứng nhắc như gỗ đá, cả đời ông “miệt mài không màng đến những điều bên ngoài bệnh viện”. Một tay người vợ ấy vun vén cho gia đình, chăm chút từ việc nhà đến tiết kiệm tiền để mua một ngôi nhà mới mà ở đó ít gió lùa vào mùa đông sẽ tốt cho sức khỏe của mẹ chồng. 

Lần cuối bạn giúp mẹ hoàn thành một công việc nhà là bao giờ? Lần cuối bạn thơm mẹ một cái đã cách đây bao lâu? Lần cuối bạn thủ thỉ chuyện trò với mẹ là khi nào? Đời người có vô vàn những nuối tiếc, song có lẽ điều mà khiến con người ân hận nhất, đó là chưa thể báo đáp công ơn của mẹ – người đã sinh thành, dưỡng dục ta nên người. "Lời chia tay đẹp nhất thế gian", tựa như một sự hối tiếc muộn màng, đã gieo vào lòng người đọc vô vàn những trăn trở, suy ngẫm, những trân trọng, yêu thương tới với người phụ nữ tuyệt vời nhất cả cuộc đời ta. 

Câu chuyện kể về một người mẹ, bình dị, lặng lẽ, âm thầm. Bà tên Kim In Hee, là con dâu của một bà mẹ chồng mắc chứng “mất trí nhớ”, là vợ của một người chồng cộc cằn, khô khan, là chị gái của một đứa em trai vô dụng, lang bạt, suốt ngày chỉ biết bù khú rượu chè và là người đã sinh ra hai người con hiếm khi thể hiện tình cảm với mẹ của mình. .

Như bao người phụ nữ khác, nhịp sống thường nhật của bà diễn ra một cách lặng lẽ. Sáng sáng, bà phải dậy thật sớm để chuẩn bị đồ ăn cho cả gia đình, phải bón cơm cho người mẹ chồng hung dữ, bất ổn. Tối tối, bà lại kiên nhẫn chờ đón cả nhà trở về mặc dù trời đã tối khuya. Cuộc sống của bà ngày ngày quanh quẩn trong góc bếp, bên người mẹ chồng có vấn đề, cạnh những chồng quần áo chưa gấp hay cả những hũ tương đã được ủ lâu chờ ngày thưởng thức. Cả cuộc đời bà chưa bao giờ mưu cầu một điều gì lớn lao, chưa khi nào khát khao một cái gì quá vĩ mô hay vị kỷ. Tâm nguyện lớn nhất mà bà mong muốn, đó chính là được quây quần cùng cả gia đình trong căn nhà mới xây – nơi những cơn gió đông rét buốt không thể nào lùa vào, nơi có những khóm hoa, vườn rau hay góc ban công nhỏ xinh với chiếc bàn đôi được kê và ngồi hướng mắt ra bờ hồ. Chỉ tiếc, ước mong của bà, dẫu nhỏ bé, bình dị, song cũng không tài nào thực hiện được một cách trọn vẹn. Bà bị ung thư cổ tử cung.

Đồng nghĩa thời gian của bà không còn nhiều. Đồng nghĩa cả gia đình mới chợt nhận ra người vợ, người mẹ bấy lâu nay mạnh khỏe nay đã sắp rời xa họ mãi mãi.

Người chồng vốn là bác sĩ sao có thể chấp nhận kết quả căn bệnh vợ mình đang mang. Người con gái lớn sao có thể chấp nhận được việc mình chưa trả hiếu mẹ đã rời xa. Cô còn chưa nấu cho bà một bữa ăn ngon miệng. Người con trai út sao có thể chấp nhận mẹ mình rời xa chứ, cậu còn chưa đỗ đại học kia mà. Người em trai xưa nay chơi bời lêu lổng cũng không thể chấp nhận người chị mình xem như mẹ sắp mất đi.

Không chấp nhận cho đến khi chấp nhận sự thật đó là một quãng đấu tranh trong nội tâm của từng người trong gia đình. Khi đọc mình cảm nhận được tác giả xây dựng tính cách từng nhân vật rất hợp lý. Và quan trọng là bà Kim In Hee - khi chính thức chấp nhận mãi sẽ không ở bên gia đình được nữa. Bà còn nhiều ước mơ lắm. Ước mơ cho mẹ chồng. Ước mơ cho bản thân và chồng được ngắm nhìn ngôi vườn ở ngôi nhà mới đang xây dựng. Ước mơ nhìn con gái lớn lấy chồng, con trai út lấy vợ. Và bà được chăm cháu.

Nhưng từng cơn đau càng lúc càng tàn phá cơ thể. Cả gia đình đến cuối cùng chọn ở cạnh bà, bù đắp cho bà, dành thời gian cùng bà những tháng ngày cuối đời thật hạnh phúc. Dù hạnh phúc đó đi kèm với nước mắt chia ly.

Cái kết thật nhẹ nhàng, phù hợp với mọi điều đã diễn ra và chúng ta cũng sẽ dễ dàng chấp nhận điều đó. Vì nó thật sự là lời chia tay đẹp nhất thế gian!

Mình cảm ơn người dịch Thục Anh nhiều. Bản dịch hay và thơ cực kì, chuyển tải những cảm xúc một cách mượt mà quá luôn. Một quyển sách mà đọc rồi khóc, kiểu một cái diễn biến nhẹ của nhân vật thôi mình cũng khóc theo. Nửa phần đầu mình đọc một lượt, nửa phần sau đọc từ từ tại cảm xúc bị cuốn theo nhân vật (cảm xúc buồn).

Mong đây là lựa chọn cho các bạn muốn đọc về tình cảm gia đình nhé, đừng nghe là buồn mà không đọc. Sách thực sự hay và ý nghĩa lắm.