Kết Nối: Ứng dụng IQ và EQ để xây dựng mối quan hệ sâu sắc
Xem thêm

Cuốn sách “Kết nối - Ứng dụng IQ và EQ để xây dựng mối quan hệ sâu sắc” sẽ giúp bạn đọc và khách hàng trả lời những thắc mắc đang ẩn khuất trong các mối quan hệ của mình.

Những mối quan hệ đặc biệt hoàn toàn có thể được xây đắp, vun vén. Chúng sở hữu 6 dấu hiệu sau đây:

1. Bạn được hoàn toàn là chính mình, và người kia cũng vậy.

2. Cả hai bạn đều sẵn sàng thể hiện mặt mong manh và dễ bị tổn thương của mình trước mặt người kia.

3. Bạn tin người ấy sẽ không dùng những điều bạn chia sẻ để phản bội bạn.

4. Hai bạn có thể thành thật với nhau.

5. Hai bạn có thể giải quyết những xung đột theo tinh thần xây dựng. 

6. Cả hai đều cam kết sẽ cùng nhau phát triển và trưởng thành.

Tác giả David Bradford và Carole Robin trong cuốn sách “Kết nối - Ứng dụng IQ và EQ để xây dựng mối quan hệ sâu sắc’’ này đã dành cả sự nghiệp để hướng dẫn mọi người cách xây dựng và vun đắp cho một mối quan hệ lành mạnh, hoạt động đúng chức năng và bền chặt trong cả phạm vi cá nhân lẫn công việc. Tài liệu tham khảo để viết nên quyển sách này chủ yếu là các nghiên cứu khoa học xã hội, đặc biệt là nghiên cứu về tâm lý học tương tác. Bên cạnh đó, quyển sách còn là bản đúc kết hàng thập kỷ kinh nghiệm sống của các tác giả.

“Kết nối - Ứng dụng IQ và EQ để xây dựng mối quan hệ sâu sắc” không hứa sẽ mang đến cho bạn những công thức kiểu “5 bước dễ dàng để phát triển một mối quan hệ sâu sắc”, bởi vì không tồn tại những công thức như vậy. Trên đời này không có phương pháp nào là dành cho tất cả mọi người. Cuốn sách chỉ sẽ thẳng thắn chia sẻ với bạn về lợi ích mà bạn sẽ nhận được từ những mối quan hệ ý nghĩa, cũng như nói thật với bạn về việc những mối quan hệ như thế cần nhiều nỗ lực đến mức nào.

Mạng xã hội tạo cho chúng ta áp lực phải tích cực hóa mọi chuyện. Bạn có thể đăng lên Facebook bức ảnh tươi cười trước tháp Eiffel, nhưng không ai biết thực tế chuyến đi đó đối với bạn khủng khiếp như thế nào.

Hàng trăm người theo dõi qua Instagram sẽ biết bạn gọi món gì trong bữa tối sang trọng tuần trước, nhưng chỉ những người có mối quan hệ đặc biệt với bạn mới biết bạn đang phải vật lộn với căn bệnh tiêu hóa suốt nhiều năm nay, hoặc biết trong bữa tối đó, bạn và người yêu đã bàn đến chuyện cùng nhau xây dựng tổ ấm hoặc cân nhắc những được mất của quyết định nghỉ việc.

Đây chắc chắn là những chủ đề mà bạn sẽ không bao giờ đề cập với những người bạn trung học đã lâu không gặp hoặc những người đồng nghiệp chỉ thân thiết ở mức xã giao; đương nhiên, chúng cũng không phải là chủ đề thích hợp để trò chuyện cùng người cô mà bạn đến thăm hằng tuần. Nhưng những người có mối quan hệ đặc biệt với bạn sẽ biết điều gì đang thực sự xảy ra chỉ đơn giản vì họ hiểu bạn.

Các mối quan hệ nằm trải dài trên một thang đo nhiều mức độ. Ở những mức độ thấp nhất, điều tồn tại giữa bạn và người kia là chỉ là mối liên hệ chứ không phải là sự kết nối. Nhưng khi mối quan hệ nằm ở đầu bên kia thang đo, bạn sẽ cảm thấy an toàn, được thấu hiểu, hỗ trợ, động viên và chấp nhận. Ở phần giữa thang đo, đó sẽ là những người cho bạn cảm giác gắn kết, nhưng trong số đó bạn chỉ muốn kết nối sâu sắc với một vài người. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Làm thế nào để mối quan hệ của bạn với ai đó có thể tiến đến đầu bên kia của thang đo? Và cuốn sách “Kết nối - Ứng dụng IQ và EQ để xây dựng mối quan hệ sâu sắc’’ sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi đó. Cuốn sách sẽ cho bạn biết đâu là một mối quan hệ tốt đẹp nên bồi đắp và đâu là mối quan hệ nên bỏ quên đi để mối quan hệ của bạn trở nên chất lượng hơn.

Khi một mối quan hệ vừa bắt đầu, cả hai bên đều thể hiện con người tốt đẹp nhất của mình. Nhưng khi hiểu nhau nhiều hơn, một trong hai người sẽ không tránh khỏi vài hành vi khiến người kia khó chịu. Khi những cơn ức chế được nhận ra sớm, sẽ không bên nào phải vướng vào cảnh đè nén cảm xúc của mình. Nhưng nếu sự khó chịu bị để mặc, nó sẽ tự phát triển, trở nên nghiêm trọng hơn lúc đầu rất nhiều, và sẽ dẫn đến nhiều vấn đề chồng chéo. Giả sử, bạn của bạn là người thường xuyên nói giỡn về cân nặng, điều đó khiến bạn khó chịu. Nhưng mỗi lần như thế, bạn thường không nói gì. Cho đến một ngày, khi cơn ức chế bị dồn nén và sự tức giận lên đến đỉnh điểm, một “cuộc chiến” sẽ nổ ra chỉ vì những lần nói giỡn đây bạn đã im lặng cho qua. Hãy tìm cách nói ra những ức chế của mình Mọi người thường lần lữa trong việc nói ra sự ức chế của mình, bởi họ sợ điều đó sẽ khiến họ trở thành kiểu người dễ tự ái và hay tính toán trong mắt người khác. Bạn có lẽ đã gặp một số người dễ mích lòng chỉ vì những điều nhỏ nhặt, và bạn không muốn trở thành họ. Hoặc bạn nghĩ: Đơn giản là chẳng đáng. Đôi khi suy nghĩ này đúng, nhưng đôi khi, nếu đào sâu hơn, bạn sẽ thấy điều khiến bạn phiền lòng là điều quan trọng với bạn hơn bạn tưởng. Nhiều người ngại nói ra cảm giác ức chế, bởi họ không muốn khiến vấn đề trầm trọng thêm. Liệu lời phàn nàn của bạn có khiến người kia phản kháng? Liệu nó có làm dấy lên một loạt vấn đề khác nữa hay không? Hay bạn đang cố gắng kìm chế bởi bạn cho rằng việc nói ra sẽ khiến mối quan hệ này đổ vỡ? Lý do cuối cùng khiến chúng ta từ chối nói lên cảm xúc ức chế là vì ta mặc định người kia không cố ý gây hại. Chúng ta nghĩ: Nếu họ không cố tình, có lẽ chúng ta không nên cảm thấy phiền? Khi bạn cảm thấy ức chế với hành động của ai đó, hãy tự hỏi mình rằng: Liệu sự ức chế này có ở lại với mình không? Chúng có liên kết với vấn đề nào khác không? Mình sẽ đợi để gây chiến vì một chuyện cỏn con hay là nói ra ngay bây giờ? Khi sự ức chế bị bỏ mặc, chúng sẽ phát triển và trở thành cảm giác đè nén. Và cảm giác đè nén thì phức tạp hơn nhiều, bởi ngoài việc gia tăng sự phẫn nộ, nó còn lôi bạn vào những câu chuyện tưởng tượng đầy tiêu cực về người kia. Khi sự ức chế trở thành cảm giác bị đè nén, chúng ta thường tự tưởng tượng ra nhiều câu chuyện với đầy những giả định tiêu cực. Vì thế, hãy luôn cố gắng để tìm cách nói ra những ức chế của mình và đừng để nó bị dồn nén.