“Học tập không phải phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn minh.” Đó là định nghĩa hết sức thú vị của thầy Harfan hiệu trưởng ngôi trường Muhammadiyah trong Chiến Binh Cầu Vồng của tác giả Andrea Hirata. Đúng như cái tên, cuốn sách kể về những câu chuyện có thật của những con người ở tận đáy cùng của xã hội tại hòn đảo giàu có Belitong, Indonesia. Đó chính là 11 chiến binh cùng với thầy Harfan và cô Mus đã phải đấu tranh để bảo vệ quyền được giáo dục tại ngôi trường lâu đời nhất ở Belitong. Chiến Binh Cầu Vồng là tình cảm trong sáng, tình thầy trò, là những con người biết ước mơ, vượt qua hoàn cảnh trớ trêu của số phận và hơn hết cuốn sách đã mở ra cho người đọc một cái nhìn chân thực về giáo dục. Để từ đó, tôi đã chiêm nghiệm và rút ra được sáu bài học dành cho chính bản thân mình.
1. Giáo Dục Cần Những Người Như Thầy Harfan và Cô Mus
Thầy Harfan là hiệu trưởng của ngôi trường Muhammadiyah. Bằng ngôn từ của mình, thầy khơi gợi nơi bọn trẻ sự ham học hỏi và khiến chúng phải bừng tỉnh với lời khuyên không bao giờ được đầu hàng trước khó khăn gian khổ. Thầy thuyết phục 10 đứa trẻ rằng cuộc sống có thể mang lại hạnh phúc cho con người ta dù trong đói nghèo, miễn là cho đi càng nhiều càng tốt trong khả năng của mình chứ không phải cố hết sức để lấy đi. Nếu như thầy Harfan tốn rất nhiều công sức để gây dựng nên ngôi trường Muhammadiyah thì cô Mus đã phải vượt qua bao gian nan khổ ải để đi dạy tại ngôi trường này. Bởi vì làm giáo viên ở một trường làng nghèo khó, một nghề không tiền, mà người ta thường đùa với nhau rằng có điên mới lao vào đây. Thế nhưng cô giáo Mus và thầy hiệu trưởng Harfan đã hoàn thành sứ mệnh của mình một cách tận tụy và đầy trách nhiệm. Họ dạy tất cả các môn học. Sau một ngày vắt kiệt sức với học trò, cô Mus còn nhận thêm hàng về may suốt đêm, và ấy là kế sinh nhai của cô.
Giáo dục luôn cần những con người tận tụy và tâm huyết như vậy. Và tôi biết rằng ở ngoài kia, vẫn nhiều người đang rất cố gắng để nền giáo dục nước nhà ngày càng tốt hơn.
Thầy Harfan và cô Mus nghèo khổ đã mang đến cho tôi tuổi thơ đẹp nhất, tình bạn đẹp nhất, và tâm hồn phong phú, một điều gì đó vô giá, thậm chí còn có giá trị hơn những khao khát mơ ước. Có thể tôi lầm, nhưng theo ý tôi, đây thực sự là hơi thở của giáo dục và linh hồn của một chốn gọi là trường học.
2. Tình Bạn Tuổi Học Trò Thật Trong Sáng Và Đẹp Đẽ Biết Bao
Chiến Binh Cầu Vồng có cả sự trong sáng tuổi học trò lẫn những trò đùa tinh quái. Là lúc thằng Syahdan giả chết để rồi bị cả đám ném xuống bùn, là cái thằng A Kiong và con bé Sahara luôn khắc khẩu với nhau, là lúc tác giả phải lòng cô gái ở cửa hàng khi được giao nhiệm vụ đi mua phấn cho cô Mus và phải đút lót Kucai để được nó giao cái nhiệm vụ này. 11 đứa trẻ, mỗi đứa mang một gam màu riêng tạo thành một tập thể đa màu sắc. Họ đã cùng nhau trải qua mọi gian khổ, khó khăn để được đến trường. Là khi chiến thắng được trường PN để mang về hai chiếc cúp ấn tượng cho ngôi trường, dùng số tiền thưởng để mua những vật dụng thiết yếu cho lớp học để có thể vượt qua những thử thách của thanh tra và hy vọng sẽ giữ được ngôi trường lâu đời nhất ở hòn đảo Belitong này. Tất cả những đứa trẻ ấy đã cho tôi thấy tình bạn của tuổi học trò thật đẹp đẽ và đáng yêu biết bao. Trong cuộc sống, nếu có một tình bạn đẹp là ta đã có một niềm hạnh phúc lớn lao. Thứ tình cảm ấy nhẹ nhàng như nắng ban mai vậy.
Điều lạ lùng là, dù té ngã, đâm sầm vào nhau và lăn quay ra đau thế nhưng bọn tôi luôn cười vang khoái chí và bỡn cợt nhau nữa - đây chính là điều hấp dẫn nhờ trò chơi không tên đó. Bọn tôi cứ chơi đi chơi lại trò đó. Không bắt nguồn từ cái góc của đầy thách thức hay tốc độ và sức nặng mà là bởi chúng tôi thích thế - ý thích ngốc nghếch trong những ngày mùa mưa. Cuộc sống dù khó khăn chật vật biết mấy sống những tháng cuối năm với bọn chúng tôi bao giờ cũng thật thú vị. Buổi tiệc mùa mưa chính là một lễ hội được thiên nhiên bày ra cho những đứa trẻ Mã Lai nghèo khổ chúng tôi.
3. Muốn Thi Đậu Ư? Mở Sách Ra Và Học Đi!
Flo và Mahar do cứ mải vẩn vơ với tổ chức bí mật mà hai đứa nó thành lập - Societeit de Limpai. Điểm của Flo và Mahar còn tụt dốc nhanh hơn cả vận động viên nhảy dù tự do. Vì vậy, Mahar nghĩ ra được một chiêu hết sức ngớ ngẩn: đi gặp vua pháp sư. Nó tin rằng vị pháp sư nửa người nửa ma có thể sửa điểm sáu thành chín, điểm bốn thành tám dễ như bỡn. Để gặp được Pháp sư, những người họ phải đối mặt với tử thần, đi đến Đảo Hải tặc. Cuối cùng, vị Pháp sư đã đưa cho Mahar một cuộn giấy với nội dung như sau:
“Nếu các ngươi muốn thi đậu
hãy mở sách ra mà học đi!”
Bạn có thấy bản thân mình trong đó không? Chúng ta mải mê giải trí, bỏ bê học tập. Để rồi khi kỳ thi đến, ai nấy đều cuống cuồng cả lên, nhưng có mấy ai học bài? Nếu thật sự đã học, thì bạn đã không phải cuống. Đêm trước khi thi, nhiều người hay share những bài kiểu như “share quả xoài/ đĩa thần để qua môn” để an ủi tâm trí mình. Sau đó thì sao? Số phận của bạn phó mặc cho đứa bạn cùng bàn. Chính vì vậy, muốn học tốt, điểm đẹp, không thể ngồi đó và cầu nguyện được, cũng chẳng có phép màu nào hiện ra. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là “mở sách ra mà học đi!”. À mà đừng để trước giờ thi mới “mở” nhé!
4. Đừng Đổ Lỗi Cho Thượng Đế
Có lần sấm chớp đì đùng, mưa như trút nước xuống lớp học. Nhưng mặc cho trời mưa, những đứa trẻ vẫn ngồi im không nhúc nhích một li vì không muốn cô Mus phải bỏ lỡ bài giảng của mình. Có khi Lintang phải đi hơn 40 cây số và chiến đấu với tử thần trên đường đến trường. Là những lúc thầy Harfan đạp xe 100 cây số để bán trái cây và dùng số tiền đó mua sách cho đám trẻ, là khi cô Mus tranh thủ may cả ngày lẫn đêm để chuộc Kucai về, vì đối với cô “chỉ mất một học trò thôi là coi như cô mất cả nửa linh hồn”. Khó khăn từ lần này đến lần khác như muốn thách thức họ. Nhưng 11 chiến binh ấy cả thầy Harfan và cô Mus vẫn không một lần than vãn, không đổ lỗi cho hoàn cảnh hay bất cứ thứ gì khác. Họ chỉ đơn giản cùng nhau vượt qua, vì họ tin rằng ngày mai sẽ tươi đẹp hơn. Câu chuyện của họ đã dạy tôi rằng, đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay Thượng Đế, đừng tin vào câu nói “đến giày dép còn có số”, đừng đầu hàng số phận khi chúng ta còn chưa bắt tay vào hành động.
Những ai thất bại trong một khía cạnh nào đó của cuộc sống đổ hết lỗi cho thượng đế. Họ thấy nếu họ nghèo, đó là vì Thượng đế bắt số họ phải như thế. Những ai đã mệt mỏi vì luôn phải gồng mình lên thì buông xuôi, đợi bàn tay định mệnh thay đổi số phận. Những ai không muốn làm việc cực nhọc thì chấp nhận số phận vì họ tin là nó không thể thay đổi. Mọi thứ đều được định trước cả rồi, hay họ tin như thế.
5. Đôi Khi Con Người Không Thoát Khỏi Hoàn Cảnh Nghiệt Ngã Của Cuộc Sống
Trong cả mấy năm đi học, Lintang chưa vắng mặt lần nào. Dù mưa gió, dù có bận làm công việc nạo cùi dừa khô. Nhưng vì cha mất, cậu bé ấy phải nghỉ học để đi làm nuôi tận mười bốn miệng ăn. Khi ông được chôn, thì niềm hy vọng lớn lao nhất của con trai ông cũng bị chôn vùi theo, cái chết của ông cũng giết luôn cả những hoài bão cháy bỏng của đứa con. Hai con người phi thường ấy rốt cuộc cũng bị chôn vùi trong sự trớ trêu của số phận. Câu chuyện của Lintang là một câu chuyện không hiếm gặp ở thế giới này. Thường thì chúng ta hay xem thời sự, sẽ thấy các câu chuyện về những đứa trẻ thông minh xuất thân nghèo khó không được ai ngó ngàng tới. Với những ước mơ đầy cao đẹp, nhưng không đủ khả năng và điều kiện để thực hiện nó. Để rồi những giấc mơ ấy bị đè bẹp bởi một chữ: Nghèo! Điều này thật không công bằng, nhưng chúng ta phải chấp nhận nó. Khi con người ta vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo, thì liệu họ có nhận thức được việc đi học là một quyền cơ bản của con người?
Nhưng hôm nay, Lintang chỉ là một người đàn ông nhỏ bé ngồi đợi đến ca làm việc nặng nhọc. Làm việc cả ngày lẫn đêm, ngậm ngùi từ bỏ niềm khao khát cao quý là được trở thành một nhà toán học để làm công cho những ông chủ thủy tinh đổi lấy vài đồng tiền công còm. Tôi nhớ da diết ngày xưa lúc trước cậu nhắm mắt lại không đầy mười giây mà có thể giải được một bài toán hóc búa. Khi cậu hét vang. “Jeanne d’Arc!” Khi cậu đứng trên bục vinh quang nhận cúp học sinh giỏi, cậu khiến cho chúng tôi tự hào và tự tin biết mấy. Giờ cậu ngồi đây nơi góc lán, không biết tương lai sẽ ra sao.
6. Sau cùng, Hãy Sống Như Những “Chiến Binh Cầu Vồng”
Bạn thấy đấy, cuộc đời thật nghiệt ngã biết bao khi con người luôn bị gánh nặng cơm áo gạo tiền bủa vây. Để rồi những ước mơ cao đẹp ấy phải tạm gác lại, và không biết đời này có thực hiện được nữa không. Trong 11 chiến binh cầu vồng và cả cô Mus ấy, vẫn có những đứa thực hiện được ước mơ cháy bỏng của mình. Đó chính là Kucai, một thằng khi đi học luôn đứng chót lớp, giờ đây đã được bầu làm dân biểu. Là Ikal tranh thủ đọc sách khi phân loại thư, trong khi ăn, trong khi nằm trên giường hay bất cứ khi nào Ikal có thời gian rảnh. Để rồi cuối cùng, cậu ấy đã giành được suất học bổng thạc sĩ từ Liên minh Châu Âu, được đi nhiều nước, tiếp xúc nhiều người. Và là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất Indonesia - Chiến Binh Cầu Vồng.
Vậy những người còn lại thì sao? Họ vẫn là những chiến binh! Bởi vì họ đã sống hết mình trong những ngày tháng được đến trường. Là thằng Mahar thích mơ mộng giành được chiếc cúp nghệ thuật danh giá, hay Lintang đã lấy chiếc cúp Học sinh giỏi để đáp lại sự hy sinh của mẹ, vì mẹ đã cho bán chiếc nhẫn cưới để nó tiếp tục đi học. Là những khi phải đối mặt với cái máy xúc, là cái chết báo trước của thầy Harfan, hay những ngày tháng phải ngồi dưới lớp học bị dột, tay cầm dù, còn cô Mus cầm tàu lá chuối để giảng bài mặc cho sấm chớp đì đùng. Rất nhiều, rất nhiều những thử thách mà mười một đứa trẻ phải vượt qua để giữ được ngôi trường Muhammadiyah. Đối với chúng, đi học không phải là trách nhiệm, mà là niềm vui được cắp sách đến trường, là ánh sáng của nền văn minh. Tuy cái ánh sáng ấy sau này bị mờ nhạt bởi sự nghèo đói, túng quẫn nhưng điều quan trọng là nó đã sáng. Để rồi lưu lại những ký ức đẹp trong lòng mỗi người và cả của độc giả. Quan trọng là chúng đã dám đấu tranh, vượt qua thử thách, đã dám sống với ước mơ của chính mình.
Rồi tôi nhớ đến lời hứa xưa kia của mình - lời hứa năm lớp sáu khi tôi trông thấy cô Mus băng qua sân trường, đội trên đầu tàu lá chuối dưới cơn mưa. Tận sâu trái tim nhỏ bé của tôi lúc ấy, tôi hứa sẽ viết một cuốn sách về cô Mus. cuốn sách sẽ là món quà tôi dành cho cô, bằng chứng rằng tôi thực sự trân trọng và đánh giá cao tất cả những gì cô đã làm cho chúng tôi. Hai ngày sau, ở Bandung, tôi đi làm về và bắt đầu viết cuốn sách. Những ngày sau đó, tôi khúc khích cười, xúc động, bực bội và khóc nức nở lúc nửa đêm - một mình. Tôi say sưa viết cho đến lúc nhìn lại đã thấy được 600 trang...
Lời Kết
Chiến Binh Cầu Vồng là những hồi ức đẹp nhưng buồn. Tôi nhận ra không phải ai cũng may mắn được cắp sách đến trường mà không bị gánh nặng cơm áo gạo tiền đè lên. Tôi biết rằng hơi thở và linh hồn của giáo dục được thầy cô gìn giữ và nuôi nấng tại một chốn mang tên trường học. Cuốn sách đã dẫn dắt tôi đi qua tất cả cung bậc của cảm xúc. Vui có, buồn có, rung động, bồi hồi và để lại trong tôi một ấn tượng không thể quên.
Tác giả: Hồng Dịu - Bookademy
Hình ảnh: Hồng Dịu - Bookademy
______________
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
"Chiến Binh Cầu Vồng" không chỉ là hành trình vượt khó mà còn là câu chuyện về niềm tin vào một ngày mai tươi sáng. Dù phải đối mặt với nhiều thử thách, những đứa trẻ vẫn không ngừng hy vọng vào tương lai tốt đẹp hơn. Andrea Hirata đã dùng ngòi bút chân thực và giàu cảm xúc để thổi hồn vào từng nhân vật, khiến câu chuyện trở nên gần gũi và lay động trái tim người đọc.