1 năm trước Đọc xong được mấy tuần, giờ lại mới ngoi lên đây -_- Trong review này mình cũng chẳng biết nói gì. Vì sách trinh thám mà review thì mất chất cả. Thế thôi, mình chỉ muốn nói là, sách của bác Keigo thì các cậu cứ đọc hết đi, đừng chừng chừ :"> Like Share Trả lời
3 tháng trước Thất vọng Rất thất vọngKhông phải phong cách của tôiChủ đề trọng tâm chưa được thảo luận sâu sắc. Like Share Trả lời
1 năm trước Lấy án tử hình và hình phạt dành cho những kẻ phạm tội giết người làm trung tâm, cuốn sách kể về câu chuyện của một gia đình trẻ người Nhật. Thảm kịch đã diễn ra với con gái bẻ bỏng của họ khi người mẹ ra ngoài mua đồ và tên trộm lẻn vào cướp của sau đó giết hại cô bé. Nỗi đau tột cùng của sự mất mát đã tăng thêm sự quyết tâm cho cặp vợ chồng này đấu tranh cho án tử hình đối với kẻ đã giết cô bé. Tại tòa, những xung đột pháp lý và tâm lý hiện lên đầy hoang mang. Ở một thái cực là sự bao dung của luật pháp với việc hạn chế tối đa án tử hình với mong muốn giữ lại phần gười cho xã hội với thái cực còn lại là sự không khoan nhượng bởi nỗi đau là không thể đong đếm của gia đình người bị hại. Đọc cuốn sách người đọc không khỏi băn khoăn trước những câu hỏi nhân sinh: viện kiểm sát nghĩ gì khi làm mọi cách để lấy đi mạng sống của con người dù đó là kẻ đã gây ra lỗi lầm, luật sư của bị cáo nghĩ gì khi làm mọi cách để gỡ tội cho thủ phạm - phải chăng là một hình thức tiếp tay cho tội ác? Và gia đình người bị hại liệu họ có thực sự nguôi ngoai sau tất cả sự đôi co đó. Mỗi người có một câu trả lời cho riêng mình và họ theo đuổi quan điểm đó đến tận cùng câu chuyện. Không biết có phải do duyên trời hay không mà người chồng tiếp quản một trung tâm mai táng cho động vật nuôi - nơi mà anh cảm nhận sâu sắc hơn nỗi đau khi con người phải dời bỏ những gì thân thương. Nhưng chỉ tiếc thương mà không có những giằng xé như điều tương tự diễn ra với con người. Còn người vợ, khi không thể cùng chồng mình vượt qua nỗi đau mất con, cô đã đề nghị chia tay và về sống với cha mẹ cô. Đó cũng là thời điểm cô bắt đầu hành trình đấu tranh cho những tội lỗi phải được đưa ra ánh sáng. Hình ảnh ám ảnh người đọc là nụ cười trên môi của cô trong tấm di ảnh được trưng trong lễ tang, nụ cười đó cay nghiệt thay lại nở khi cô nghe án tử dành cho kẻ đã phạm tội trong vụ án mà cô theo đuổi với vai trò hỗ trợ pháp lí gia đình người bị hại. Cái chết của cô cũng không thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó khi cô cố gắng gây áp lực 1 đôi mà khi xưa chót yêu lầm lỡ. Họ dại dột trong những ngày đầu chớm yêu để rồi dại dột chôn sống đứa bé còn đỏ hỏn. Chàng trai trong vụ việc đó đã cố gắng trở thành bác sĩ tốt để cứu sống nhiều đứa trẻ với mong cầu chuộc lỗi lầm xưa. Anh thậm chí đã cứu sống và cưu mang hai mẹ con rồi sau đó là cả bố cô gái. Sự cực đoan của cô gái mất con đấu tranh cho những tội lỗi cần được đưa ra ánh sáng xung đột với sự cảm kích của ông bố vợ anh bác sĩ dẫn đến kết cục là cô gái đấu tranh đã bị ông bố vợ giết. Đôi trẻ khi xưa lầm lỗi đã đưa nhau ra tòa tự thú nhưng ngay tại phiên toàn, những câu hỏi bỏ lửng lại tiếp tục rơi vào mông lung rằng: nhà tù có phải là nơi cải hóa con người? Hình phạt như nào là đủ để răn đe? Tử hình để mọi chuyện chấm dứt tức thì hay sự dày vò dai dẳng mới là ác mộng với những kẻ phạm tội? Cả người bị hại và người phạm tội đều bị mắc kẹt trong những truy vấn nội tại đan xen bởi cảm xúc và suy nghĩ về những điều đã xảy ra. Có nên chăng cần một lối thoát cho cả hai là con đường dẫn tới sự bao dung, buông bỏ. Nếu không ám ảnh vẫn ở đâu đó lẩn khuất mà chẳng thể bước qua. Like Share Trả lời
1 năm trước "Đằng sau mỗi vụ án mạng luôn có một câu chuyện đau lòng và đầy nước mắt. Nhưng liệu rằng tử hình có phải là hình phạt thích đáng cuối cùng cho mọi tội ác? Công lý có thực sự được thực thi? Liệu rằng khi lời tuyên bố án tử được vang lên trước tòa, thân nhân của người bị hại có thực sự thấy yên lòng, nỗi đau có phần nào được bù đắp và kẻ gây nên tội ác có chút nào ăn năn, hối cải?"Đây là lời tựa biên tập cho cuốn sách này, và có lẽ cũng là câu hỏi đặt ra cho mỗi người trong hành trình xuyên suốt mạch câu chuyện cho đến khi gấp sách lại. Liệu rằng khi các vụ án khép lại, ta có được câu trả lời chính xác? Cuốn sách là bối cảnh một vụ giết người, sau hai ngày hung thủ ngay lập tức ra đầu thú, quá trình phá án gần như không gặp bất cứ khó khăn gì, nhưng nếu soi xét kỹ từng chi tiết tưởng như nhỏ nhặt, lại thấy mơ hồ một sự vô lý nào đó. Nạn nhân là vợ cũ của Nakahara Michimasa, là vợ cũ - vì suýt chút nữa anh lại trở thành người nhà nạn nhân. Giống như 10 năm trước, thảm kịch xảy ra với gia đình anh - bé Namami bị sát hại khi mới 8 tuổi, do bị kẻ trộm đột nhập vào nhà khi bé chỉ ở nhà có một mình. Ở vụ án đó, vợ chồng anh cùng ôm nỗi đau thấu tâm can, chỉ còn một nguyện vọng duy nhất, là đấu tranh để cho hung thủ giết con mình phải lĩnh án tử hình. Và với vụ án sát hại người vợ cũ này, anh tiếp tục đồng hành với bố mẹ vợ cũ, cũng vì ba mẹ vợ cũ của anh cũng có nguyện vọng giống như anh và vợ trước đây. Muốn hung thủ lĩnh án tử hình không phải giết người đền mạng, cũng không làm người còn sống nguôi ngoai, mà đơn giản chỉ là như trong bản thảo tìm thấy của Sayoko sau khi bị giết "Nếu như kẻ thủ ác vẫn sống, thì nỗi day dứt "Tại sao kẻ đó được sống, tại sao kẻ đó lại ban cho quyền được sống" sẽ vẫn mãi ấm ức trong lòng thân nhân người bị hại... Với họ, cái chết của hung thủ chỉ là một điểm mốc trong hành trình vượt qua nỗi đau mà thôi. Thậm chí, dù họ có đi qua được điểm mốc ấy đi chăng nữa, họ cũng không nhìn thấy con đường phía trước mở ra đi lối nào. Họ không biết họ phải vượt qua cái gì, phải hướng đến điều gì để tìm lại được hạnh phúc. Vật, nếu ngay cả điểm mốc ít ỏi ấy cũng mất đi, thì thân nhân người bị hại sẽ còn lại gì đây."Vụ án Sayoko bị giết không chi gợi lại vết thương quá khứ 10 năm tưởng ngủ yên nhưng chưa hề lành miệng mà còn dẫn dắt về một vụ án khác cách đây 21 năm. Hay phải chăng, chính vụ án cách đây 21 năm đã gây nên vụ án mạng thương tâm của hiện tại. Một sự thật quá đau lòng, sự nông cạn của tuổi trẻ, sự thờ ơ vô tình của những người xung quanh đã đẩy 2 thiếu niên mười mấy tuổi đầu vào hoàn cảnh giết đứa con đẻ ra (hay đẻ ra để giết?) của mình. Họ nghĩ đến phải giết đứa bé rất nhanh, kế hoạch cũng không có gì phải bàn tới lui, nhưng cuối cùng chính họ lại không thoát ra được. Đó là bản án cho người sống thay vì bản án tử hình. Vậy, pháp luật như thánh giá rỗng, một thánh giá nửa vời, khoan nhượng cho tội phạm nhưng họ không hề hối cải mà tiếp tục phạm tội, hay như Kanae nói, việc sống mà lương tâm cắn rứt, luôn tìm cách cứu rỗi các sinh mệnh như Shinia khác vì gánh trên vai chiếc thánh giá vô hình nặng trĩu, đâu mới là đúng?Không có câu trả lời thỏa đáng cho người đọc đến trang cuối cùng, cũng như không có một phiên tòa hoàn hảo cho tất cả mọi người. Like Share Trả lời
1 năm trước THÁNH GIÁ RỖNG - HIGASHINO KEIGODịch giả: Nguyễn Hải HàThời gian nghiền ngẫm: 30/07/2019 - 31/07/2019---o0o---Lại là một cuốn sách của Higashino Keigo. Vẫn hay, vẫn sâu sắc, vẫn đầy tính lương tâm, và vẫn đậm văn phong của tác giả ấy. Tuy nhiên, nó sẽ hoàn hảo hơn nếu bạn chưa từng đọc các tác phẩm trước đó của Higashino Keigo. Còn nếu đã từng đọc những "Bạch dạ hành", "Phía sau nghi can X",... thì cuốn sách này không được toàn vẹn như những đầu sách trước của Higashino Keigo."Thánh giá rỗng" lấy án tử hình làm cốt lõi của câu chuyện. Như cái tên, tác giả đặt ra câu hỏi, liệu rằng án tử có phải là bản án đúng đắn để phán xét cho một tội ác vô cùng tàn nhẫn nào đó, hay chỉ như một cây thánh giá rỗng?Và đương nhiên, vẫn như cái cách mà Higashino Keigo vẫn thường dùng để viết văn. Câu trả lời nằm ở bản thân của mỗi chúng ta...Thẳng thắn mà nói sau khi khép lại cuốn sách này mình khá hụt hẫng. Lý do có lẽ vì những cuốn sách trước đó mình đọc của tác giả này quá hay và quá hoàn hảo. Nhưng không thể nói, "Thánh giá rỗng" là một cuốn sách không hay. Nó không xuất sắc nhưng nó đủ vị.Khác với những tội ác tinh vi và có tổ chức như của "Bạch dạ hành", "Phía sau nghi can X", vấn đề lương tâm cũng không đơn thuần như "Bí mật của Naoko", nếu phải đánh giá thì, theo mình, cuốn sách này có 90% là vấn đề lương tâm và chỉ 10% là vấn đề trinh thám, hình sự.Mạch truyện vẫn đầy chất Higashino Keigo, các plot twist vẫn đầy bất ngờ, nhưng "Thánh giá rỗng" có điều gì đó kém thu hút hơn những cuốn sách trước. Có lẽ vì tính chất tội ác không đủ hấp dẫn, cũng có lẽ vì ở một mức độ nào đó thì án tử còn khá xa lạ, và ít được quan tâm. Nhưng sau tất cả, bên cạnh tính nhân văn, cuốn sách đã đưa ra được một vấn đề nóng hổi, không chỉ trên mặt tòa án pháp luật mà còn là tòa án lương tâm - thứ tòa án mang tính trọng yếu và có những phán quyết ác liệt nhất.Các nhân vật xuất hiện không có điểm thừa nào, từng câu chuyện được kể không có lấy một chi tiết phi logic. Và hơn hết, cuốn sách dù không bằng những đầu sách trước của Higashino Keigo mà vẫn đủ vị là vì tính nhân văn trong cách hành văn đầy khách quan nhưng không thiếu tình người của tác giả.Đó là người phụ nữ sau khi mất con vẫn mạnh mẽ đứng lên dù cô chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi đau ấy, giúp đỡ những con người cùng cảnh ngộ.Hay đó là cô gái luôn tìm cách tự hủy hoại mình sau khi chính tay giết chết đứa con của mình.Là người đàn ông quyết trở thành bác sĩ khoa nhi vì tội ác trong quá khứ.Hoặc là tình thương của bố mẹ khi mất đi đứa con mà họ sinh ra, chăm lo, nuôi lớn.Tất cả tạo nên một "Thánh giá rỗng" đầy nhân văn, đầy sâu sắc, đầy tinh tế. Sau mỗi câu văn thoạt nhìn vô cảm kia là những bài học đắt giá, những lời nhắn nhủ tận tình của tác giả chăng?Mỗi cuốn sách của Higashino Keigo đều là một điều gì đó rất quý giá. Ông luôn đưa ra hai mặt của con người: có người ác thì đương nhiên cũng có người tốt. Đối với bản thân mình, sách của Higashino Keigo như cuộc đời. Vì nếu được chọn cho cuộc đời một màu sắc, mình sẽ chọn màu xám - thứ màu trung hòa giữa màu đen và trắng.Chúng ta không thể ghét bỏ bất cứ nhân vật nào trong thế giới mà Higashino Keigo tạo nên. Nhưng chúng ta cũng không thể đơn thuần mà yêu thương những con người đó. Đấy là thứ cảm xúc gì đó chan hòa giữa sự thương tiếc, đồng cảm,... với số phận nhân vật, những tình huống tréo ngoe mà họ phải trải qua và cách mà họ chọn để giải quyết vấn đề.Tóm lại, cuốn sách, nói trắng ra thì, có thể gây thất vọng cho độc giả trung thành của Higashino Keigo nhưng nó không phải là một cuốn sách không hay. Nếu có thời gian, bạn vẫn hãy đọc cuốn sách và tự vấn bản thân những câu hỏi mà tác giả đã đặt ra xem sao nhé.Án tử hình là một điều hợp lý hay không? Có nên bỏ án tử hay không? Án tử thật sự có văn minh và phù hợp với lương tâm con người hay không?...Rất nhiều câu hỏi được tác giả đặt ra. Toàn những câu hỏi hay và hóc búa. Nhưng không phải là không có đáp án. Chỉ là mỗi chúng ta, liệu có ai đó có thể đủ tự tin để khẳng định rằng đáp án của bản thân mình là hoàn toàn chính xác hay không lại là một câu hỏi không có lời giải đáp.P/s:- Cuốn sách được dịch khá hoàn hảo, có thể nói là không hề có lỗi chính tả và câu văn thì mượt mà, không có lỗi ngữ pháp.- Thực sự rất muốn học tiếng nhật để được tận hưởng cảm giác đọc bản gốc.Thái Nguyên, ngày 13 tháng 08 năm 2019Đọc hết từ tháng trước mà nay mới viết review .--.Nắng quá nên lười theo luôn :((#AnDuy Like Share Trả lời
1 năm trước Mình ít khi đọc một cuốn sách chỉ vì tò mò nhưng “THÁNH GIÁ RỖNG” là một ngoại lệ. Bạn mình nói cuốn này hay trong khi hầu hết những đánh giá mình ngó qua về nó lại tương đối tiêu cực. Vì thế dù đang dở dang cuốn sách khác, mình vẫn nhào vào đọc ngay khi sách đến tay. (Review đảm bảo không spoil nội dung truyện.) Đầu tiên, phải nói rằng cuốn tiểu thuyết này không dành cho những ai tìm kiếm kịch tính với những vụ án rùng rợn máu me. Mặt khác, cá nhân mình nghĩ Higashino Keigo cũng không định hình nó là một cuốn tâm lý học tội phạm. Ông chỉ kể một câu chuyện và phần đánh giá, phán xét, ông để cho người đọc tự trả lời. Toà án ra quyết định xem nên kết án những kẻ phạm tội như thế nào nằm trong mỗi chúng ta, hẳn sẽ cho ra những kết quả khác nhau. Ba vụ giết người xảy ra ở những nơi khác nhau, những thời điểm khác nhau, hung thủ và nạn nhân khác nhau nhưng lại có thể kết nối với nhau như quy luật nhân – quả. Có người tìm thấy niềm an ủi nhờ những đám tang. Có người tự động viên mình bằng cách nỗ lực đẩy các phiên toà đến phán quyết tử hình. Có người cứu rỗi chính mình bằng việc cứu sống rất nhiều con người khác. Có người trừng phạt bản thân qua việc tự hành xác và phạm tội. Lại có người giết ai đó để chuộc lỗi và đền ơn. Nhưng dù chọn cách thức nào, không ai bước qua được quá khứ. Góc tối sâu thẳm khiến họ không thể tiếp tục sống theo cách của những người “bình thường”. Cuốn truyện không hẳn là có một tuyến nhân vật chính. Tất cả những con người xuất hiện tạo nên mạng lưới xã hội chằng chịt những mối quan hệ, người này tác động tới người kia theo những cách khác nhau tạo cảm giác rất chân thực về cuộc sống. Đan xen giữa quá khứ và hiện tại, mỗi trang sách là một lát cắt dẫn dắt người đọc vào quá khứ của từng nhân vật để hiểu rằng sâu thẳm trong mỗi người luôn có những góc khuất không dễ dàng nhìn thấy. Chúng ta không bao giờ có thể lựa chọn lại quá khứ, đồng thời không thể nào biết con đường trước mặt sẽ dẫn mình tới đâu. Có những thứ ta tưởng là tốt đẹp lại có thể dẫn mình vào đường cùng, thậm chí là cái chết. Trong THÁNH GIÁ RỖNG không có đúng và sai. Không, nói đúng hơn là ta biết rõ sự sai trái nằm ở đâu, nhưng ta lại không thể quyết định được nên làm gì với những sai trái ấy. Keigo làm người ta đôi khi không thấy cảm thông được với người nhẽ ra phải thấy cảm thông và ngược lại, thương cảm cho kẻ vốn dĩ thật đáng chết. Dường như bức tranh tâm hồn con người trong xã hội Nhật Bản mà Keigo vẽ ra không hề xa lạ so với những gì một người sống trong xã hội Việt Nam có thể tưởng tượng được. Dù khác biệt về văn hoá và chênh lệch về mức sống tới đâu, độ phức tạp trong tâm hồn và nhu cầu cơ bản của con người không khác nhau. Những nỗi đau, những bi kịch và tổn thương người ta có thể gây ra cho nhau cũng vậy. Vốn là người có xu hướng đi sâu vào việc phân tích động cơ nhiều hơn đánh giá kết quả của hành động ấy, mình đồng cảm sâu sắc với cách Keigo dẫn dắt câu chuyện đến với người đọc. Có thể khẳng định, Keigo rất yêu thương con người và từng nhân vật của mình. Rõ ràng tác giả cố gắng hướng người đọc tới sự tha thứ nên đã cho chúng ta thấy sự tốt đẹp hoặc sự tổn thương hay thiếu thốn bên trong mỗi con người trước khi tiết lộ những sai lầm hoặc tội ác mà họ phạm phải. Bất cứ ai cũng cần rất nhiều sự yêu thương. Ai biết được đứa bé con của Namae có thể trở nên thế nào khi bị xa lánh và tẩy chay vì những lỗi lầm không phải của nó. Bằng việc tránh xa những gì ta cho là bẩn thỉu để giữ bản thân được sạch sẽ, có khi chúng ta đã tự vấy bẩn tâm hồn mình và dồn ai đó tới đường cùng. Cuối cùng thì điều đáng sợ nhất trên đời vẫn là những gì con người có thể làm với nhau. Và sự trừng phạt thì không có biên giới. Điểm: 8.3/10 P/s: Mấy chỗ dán ghi chú là lỗi mình tìm thấy (đánh máy + dịch thuật(?) ). Tổng cộng 8 nhát, có nên báo cho Sky không? :D List lỗi: 1. Tr 45 - dòng 8: "mẹ nuôi" - do tác phẩm không xuất hiện nhân vật này nên mình đoán là nhầm - cái này không dám khẳng định là lỗi 2. Tr 58 - dòng 11+12: enter giữa chừng tên Hirakawa (lỗi đánh máy) 3. Tr 64 - dòng 9 từ dưới lên: thiếu dấu cách :)) - lỗi đánh máy 4+5. Tr 76 (cuối dòng 3) + tr 278 (dòng cuối): lỗi diễn đạt không tự nhiên 6. Tr 306 - dòng 1: trật tự câu lộn xộn và chắc là sai thời của động từ 7. Tr 353 - dòng 6+7: tối nghĩa, cần xem lại 8. Tr 360 - dòng đầu tiên: lộn xộn Like Share Trả lời
1 năm trước Keigo vẫn khiến cho người đọc (bản thân mình) luôn tự hỏi sau khi cuốn sách kết thúc rằng đó có phải là 1 kết cục tốt nhất không? "Thực sự không có 1 tòa án hoàn hảo cho nhân loại?" có thể đúng thế thật??? Like Share Trả lời
1 năm trước Trước khi đọc cuốn này, mình vô cùng ấn tượng với câu mở đầu "Không thể nào có một phiên toà hoàn hảo cho nhân loại", trong đầu mình đã mường tượng ra rằng "ồ, Keigo sensei lần nãy sẽ viết về luật pháp chăng". Và quả thực là như thế, lại đúng vấn đề mình đang quan tâm, án tử hình - nên bỏ hay giữ? Thật ra, đối với 1 sinh viên Luật như mình, để đưa ra quan điểm về vấn đề này thực sự khá khó. Mình thích nhất là nhân vật luật sư Hirai, với quan điểm án tử hình là vô nghĩa. Mỗi vụ án, mỗi kẻ giết người, đều có 1 câu chuyện riêng, nhưng đều bị quy chung về 1 hình phạt tử hình, cho tội lỗi của mình. Theo mình thì không nên, thứ mình thấy quan trọng hơn cả, so với việc kẻ giết người phải đền mạng, là việc người đó nhận thức thế nào về hành vi của mình, có ăn năn hối cải hay không, chứ không phải việc người đó sẽ chết với suy nghĩ rằng đấy chỉ do số phận an bài, chứ không phải do lỗi của hắn. Và hơn cả, câu chuyện của Keigo sensei cũng cho mình góc nhìn toàn diện hơn về gia đình nạn nhân cũng như gia đình nghi phạm. Luật pháp không đúng về phía bên nào 100%, bởi vậy chúng ta có kiểm sát viên để định tội cũng có luật sư để bào chữa. Mình cũng thấy thêm 1 góc nhìn khác về nghề luật sư. Họ không đáng bị chỉ trích vì giúp những kẻ giết người giảm án tù, họ chỉ đang giúp những kẻ đó tiến gần hơn đến việc nhận thức được tội lỗi của minh. 1 tác phẩm quả thực rất đáng suy ngẫm.. Like Share Trả lời
1 năm trước Đây là cuốn sách đầu tiên của Higashino Keigo mà mình đọc và giờ thì mình trở thành một fan của tác giả, thế cũng đủ hiểu độ hay và hấp dẫn của cuốn sách rồi chứ! Trong những lời giới thiệu của "Thánh giá rỗng" đã đặt ra câu hỏi là :"Tử hình có phải án phạt nặng nhất?" và cũng thấy luôn câu trả lời ở trang đầu tiên : "Tử hình là hình phạt vô nghĩa". Ban đầu ú ớ chưa hiểu gì nhưng sau đấy quan tâm và tìm hiểu hơn về vấn đề đầy tranh cãi mà nhà văn đặt ra thì mình mới thấm hết từng câu văn. Nhờ đọc cuốn sách mà mình có thêm cái nhìn đa chiều và sâu sắc về một vấn đề nào đó. Giét một mạng người có phải trả một mạng người là công bằng, những người thân của nạn nhân liệu họ còn được sống cuộc sống yên ổn như xưa hay không hay sẽ là nỗi đau và sự ám ảnh. Và không nên chỉ nhìn ở 1 phía, ở khía cạnh của người phạm tội liệu việc nhìn vào hồ sơ với tiền án, tiền sử giết người, trộm cắp từ trước để đánh giá đó là một tên khát máu lạnh lùng không hề biết ăn năn hối cải có là đúng khi vụ giết người ấy chỉ là tai nạn,...Cuốn sách thực sự không chỉ suất sắc với lối dẫn chuyện hấp dẫn và cuốn hút vô cùng mà hơn cả là những bài học, cách nhìn nhận về vấn đề, về con người mà nhà văn gửi gắm. Quả là một cuôn sách suất sắc, nó làm mình bất ngờ không ở tình huống truyện mà ở bài học mà mình nhận được và cách nhìn nhận của mình đã thay đổi sau khi đọc nó. Điểm trừ duy nhất là chất lượng giấy của Skybook thôi :"<< Like Share Trả lời
1 năm trước Quả nhiên, Thánh giá rỗng không làm mình thất vọng. Cốt truyện có chiều sâu, tâm lí được phơi bày một cách cực kì triệt để. Con người ta đều có lỗi lầm, nhưng cách chuộc tội hay có làm vậy không, nó vẫn làm con người ta day dứt không nguôi. Keigo-sensei nói một hiện trạng rất đúng về pháp luật Nhật Bản, làm mình nhớ đến cuốn "Thú tội" của Minato Kanae. Đọc cuốn nào của bác Keigo cũng cuốn hút không dứt ra nổi. Đọc xong lại là một khoảng lặng, những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc từ trong câu chuyện. Đây không phải là trinh thám hoàn toàn, và câu truyện nào của bác Keigo cũng lồng ghép, đan cài những cung bậc tâm lí con người, những hỉ, nộ, ái, ố. Sống thật là đớn hèn, nhọc nhằn thì đó không phải là sống đúng nghĩa. Sống thật là khó nhưng quyết định để chết hay không còn khó hơn. Mình rất yêu quý lối văn của bác Keigo. Bác không bao giờ ngại thử các đề tài mới mẻ, mọi chủ đề đều được khai thác rất rõ ràng: Đơn Phương (rối loạn nhận diện giới tính) hay chính cuốn này, khi xã hội méo mó, lệch chuẩn, con người ta cần một thứ bùa phép hóa giải. Đó là thánh giá. Nhưng thánh giá rỗng tuếch, lệch lạc thì chẳng có gì đáng tự hào hết! Công lí chết rồi thì những hành vi vênh lệch khỏi đạo đức vẫn sẽ tiếp diễn mà thôi. Quả đúng "Chết chẳng là gì, không giống m��i đáng sợ". Vốn không nghiêng nhiều về trinh thám nên cách phá án, lí giải và đan cài như mọi cuốn của bác đều rất hợp tình hợp lí. Nhưng cách thức với mình còn đơn giản, chưa tạo ấn tượng quá sâu và lớn. Nhưng mình đánh giá cao, rất cao thông điệp nhân sinh bác gửi gắm: chuyện người, chuyện đời, những người phụ nữ không đàn ông,...những con người khốn cùng không có ai chia sẻ, trách nhiệm sống...Tất cả làm nên một Higashino Keigo riêng biệt, một phẩm cách văn chương đáng trân trọng. Rất khuyến khích các bạn đọc cuốn này. Không những hay mà tiêu đề còn độc đáo nữa. Mỗi trang là một lời giải đáp ý nghĩa và sâu sắc. Like Share Trả lời
1 năm trước Hanae, cầu cho cô, cha cô, chồng cô xuống địa ngục. Cha cô và cô vì ý muốn ích kỷ muốn hạnh phúc sống trong sự bảo bọc của thằng chồng cô nên đã giết người và bảo vệ cho kẻ giết người, à mà thậm chí cô còn chẳng thèm biết ơn thằng bố khốn nạn của cô lấy một đồng cơ nhỉ. Bitch ích kỷ khốn nạn. Thằng chồng cô với nỗi ân hận vì đã giết đứa trẻ con mình ngay ngày nó sinh ra đời nên đã bỏ mặc người yêu của nó. Đáng lẽ người nó phải bảo vệ nhất chăm sóc nhất là người yêu của nó, người đã mang cốt nhục hình hài của nó, người đã chịu đau sinh đứa con của nó ra để rồi nhẫn tâm giết chết. Nhưng nó đã bỏ mặc cô ấy, không hề hỏi thăm bao nhiêu năm trời. Thế mà cô lấy lý do gì để biện hộ cho hành vi của nó? Anh ấy cứu bao nhiêu trẻ nhỏ này, anh ấy cứu mày và con mày này. Vậy cô tính ra bao nhiêu người chịu đau khổ vì gia đình bé bỏng hạnh phúc của cô chưa? Mọi thức quả kết hoa từ hạt giống độc ác sẽ không bao giờ trở thành thứ gì tử tế. Đó là gia đình cô đấy, Hanae ạ. Thằng chồng thì biện hộ mọi việc làm vô trách nhiệm của nó với lý do nông nổi. Giết con, nông nổi, bỏ mặc người yêu, nông nổi, từ gia đình, nông nổi, biết thằng bố vợ giết người nhưng vẫn bảo vệ, nông nổi. Trách nhiệm? Đức hạnh? Go f**k yourself. Đọc đến đoạn cuối gần tức chết. Nói về thánh giá rỗng và hình phạt tử hình, theo ý kiến của tôi, hình phạt dành cho tội phạm nên đặt khoan dung và nhân từ dành cho xã hội lên hàng đầu chứ không phải dành khoan dung nhân từ cho kẻ thủ ác. Việc kẻ thủ ác có nhận thức được tội ác tày đình mình đã gây ra và những bất hạnh khổng lồ đi kèm theo đó hay không thì cũng nên hiểu rằng, nó đã không nhận thức được bây giờ thì mãi mãi nó cũng không nhận thức được. Giải thoát cho nó cũng là giải thoát cho xã hội, cho những con người thiện lương cần cù làm việc và đứng lên vì lẽ phải. Like Share Trả lời