“Hạnh phúc là niềm vui từ bên trong. Nó không đến từ sự tìm kiếm và đòi hỏi.
Hạnh phúc là biết thưởng thức sự sống của bản thân mình.
Hạnh phúc là biết yêu thương chân thành người khác và thế giới quanh ta.
Hạnh phúc không bao giờ đến với người không tự biết mình.
Hạnh phúc gắn với tự do.
Hạnh phúc là một trò chơi thiêng liêng.”
(Trích Lời giới thiệu thuộc cuốn sách “Hạnh Phúc Tại Tâm”, viết và dịch bởi Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm)
Mỗi người chúng ta có những ý niệm khác nhau về hạnh phúc, chính vì vậy mà mỗi chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc ở những sự vật, sự việc khác nhau. Thực chất hạnh phúc là gì mà chúng ta đều muốn theo đuổi và có được? Làm thế nào để chúng ta biết được rằng mình có thực sự đang hạnh phúc không? Đối chúng ta, hạnh phúc là một phần không thể thiếu vắng, nâng bước chúng ta trên hành trình phát triển và trưởng thành của mình. Có thể đối với chúng ta, hạnh phúc là một mục tiêu; nhưng trái lại, đối với Osho, hạnh phúc là thứ luôn hiện hữu vì từ rất sâu trong thâm tâm con người chúng ta, niềm vui - niềm hạnh phúc sống sẽ hóa giải tất cả, chứ không phải con người phải làm tất cả để có được niềm vui. Đã có vô vàn cuốn sách bàn luận về chủ đề Hạnh Phúc, nhưng từ những trải nghiệm cá nhân kết hợp với những quan điểm cá nhân khác mà ông thu thập được, tác giả Osho đã chắp bút thành công cuốn sách “Hạnh Phúc Tại Tâm”, đem đến cho người đọc nhiều góc nhìn đa dạng về hạnh phúc chân thật.
Đôi nét về tác giả Osho và cuốn sách “Hạnh Phúc Tại Tâm”
Trước tiên, có rất nhiều điều cần nói về tác giả Osho. Osho (1931 - 1990) là một vị đạo sư với những nét riêng biệt của thế kỷ hai mươi. Tên thật của ông là Rajneesh Chandra Mohan Jain. Ông sinh ra và lớn lên ở Ấn Độ. Vào tháng 2 năm 1989, ông tự đổi tên của mình, lấy tên là Osho, vốn là danh xưng tiếng Nhật Bản cổ, có nghĩa là “đạo sư” của một dòng Thiền. Trong những năm 60, Osho là giáo sư triết học tại đại học Jabalpur, Ấn Độ. Ông tốt nghiệp với bằng Cao học Triết từ viện đại học Saugar (University of Saugar). Sau đó ông trở thành giảng viên Triết học tại viện đại học University of Jabalpur trong chín năm. Trong thời gian giảng dạy, ông đi du thuyết ở nhiều nơi và trở thành một nhà lãnh đạo về tôn giáo. Osho đã để lại kho tàng tác phẩm và bài giảng khổng lồ cho các thế hệ sau. Chúng có sức hút mãnh liệt, nhất là những bài giảng về tôn giáo và triết học. Osho là một nhân vật “ngoại hạng”, bởi vì ông không thể được xếp vào một trường phái cụ thể nào. Hàng ngàn bài giảng được ông chia sẻ bao trùm mọi chủ đề - từ việc khám phá ý nghĩa tồn tại của bản thân đến những vấn đề khẩn thiết nhất của xã hội đương thời hay những vấn đề liên quan đến chính trị. Osho từng nói rằng: “Hãy nhớ, bất cứ điều gì tôi đang chia sẻ không chỉ dành cho bạn… mà tôi cũng đang trò chuyện với cả những thế hệ tương lai nữa.” Ông từng được tờ báo Sunday Times của London miêu tả là “một trong 1000 người kiến tạo thế kỷ 20.” Bên cạnh đó, ông còn được biết đến với những đóng góp trong lĩnh vực chuyển hóa nội tâm thông qua thiền định. Đối với ông, phương pháp thiền định là trạng thái “nằm ngoài tâm”, tìm sự an tĩnh và ngưng bật tư tưởng bằng cách ngồi yên. Phương pháp này giúp người thực hành có thể giải tỏa căng thẳng, rũ bỏ ức chế của cơ thể và tâm trí để trải nghiệm sự tĩnh lặng của cuộc sống. Osho từng được ngợi ca như sau: “Ông ấy là con người hiếm hoi nhất và tài năng nhất xuất hiện trong thế kỷ này” (Trích dẫn lời của Kazuyoshi Kino – Phó chủ tịch trường Hosen Gakuen Junior College, Tokyo, Nhật Bản) Chung quy lại, có thể nói rằng Osho là người “đặc biệt” với sức ảnh hưởng không nhỏ tới những ai biết đến những tác phẩm, đóng góp của ông cho xã hội.
“Hạnh Phúc Tại Tâm” là cuốn sách nằm trong số lượng đồ sộ các tác phẩm của Osho được học trò ghi lại. Những mẩu chuyện hài hước, những ngụ ngôn triết học, những tâm sự đầy trải nghiệm cá nhân, những đúc kết hiền minh… về hạnh phúc chân thật là tất cả những gì mà Osho dành cho người lắng nghe ông. Toàn bộ các chương mục trong cuốn sách này tập trung vào bản chất của đời sống và khả năng hạnh phúc của con người, sẽ cho bạn một cái nhìn sâu sắc về con đường tìm kiếm hạnh phúc của Osho.
Cảm nhận về nội dung của cuốn sách “Hạnh Phúc Tại Tâm”
Trước khi bàn luận sâu về chủ đề “hạnh phúc”, tác giả Osho đã giúp người đọc hóa giải những thắc mắc, khúc mắc khi phân biệt những cụm từ liên quan đến tâm lý học thường gặp cũng như sự kết nối của chúng. Chúng ta cần nắm rõ những cụm từ như “khoái lạc”, “an lạc”, “sự thật”, “ý thức”, “niềm vui” đúng nghĩa là gì. “Khoái lạc” là kiểu hạnh phúc thiên về sinh lý, rất ngắn ngủi, thuộc về thời gian, chỉ là “một khoảnh khắc sống”. Trái lại, “an lạc” là tối thượng, vượt lên những cảm xúc vui sướng bình thường, không thể bị chia cắt, vừa hiện hữu lại vừa trừu tượng, thuộc về chiều sâu vô biên của tâm hồn và thoát khỏi cái tôi cá nhân. “Khoái lạc” bao hàm hạnh phúc, còn “an lạc” bao hàm niềm vui. “Sự thật” là sự nhận thức về bản ngã vĩnh hằng của chúng ta, khi chúng ta nhận thức rõ ràng, chúng ta sẽ đạt tới “sự thấu ngộ sâu sắc, rộng lớn”. Theo Osho, ba khái niệm “an lạc”, “sự thật”, “ý thức” là chân lý tối thượng. Cá nhân tôi cảm thấy rất thích phương thức triển khai chủ đề hạnh phúc này, vì chúng ta thường hay dùng những cụm từ “hạnh phúc” và “niềm vui” thay cho nhau mà chưa nhận thức được rằng những khái niệm này có sự khác nhau về mặt ý nghĩa và nguồn gốc của chúng. Ngoài ra, việc mở đầu bằng việc giải thích những khái niệm thuộc phạm trù hạnh phúc dường như là ẩn ý của tác giả rằng những nội dung sau đó trong cuốn sách sẽ bao hàm, xoay quanh những cụm từ đó, hay nói một cách khác, những cụm từ mà ông đã giải thích chính là nguồn gốc, gốc rễ sâu nhất của hạnh phúc.
Sau đó, tác giả Osho đã đưa ra nhiều góc nhìn khác nhau về triết lý liên quan đến hạnh phúc. Dưới đây là những triết lý mà tôi có thể đồng tình với tác giả. Thật lòng mà nói, góc nhìn của tác giả với góc nhìn của người đọc không hoàn toàn giống nhau, nên sự khác nhau về quan điểm là chuyện có thể dễ hiểu. Ngay cả việc không đồng tình với tác giả cũng vậy. Tuy nhiên, nói một cách khách quan, thì những quan điểm của Osho đều hướng đến những suy nghĩ tích cực về hạnh phúc, giải đáp những khúc mắc của người đọc một cách gián tiếp. Có thể thấy tác giả đã rất nỗ lực để giúp người đọc có một góc nhìn toàn diện về hạnh phúc và những vấn đề liên quan đến hạnh phúc, mở rộng vấn đề về hạnh phúc đến những chủ đề về nhân sinh quan, thế giới quan. Trong quá trình đọc sách, chúng ta sẽ không tránh khỏi gặp phải những luồng ý kiến của tác giả Osho khiến chúng ta phải đắn đo, nhưng suy cho cùng, việc này âu cũng là một trải nghiệm đa dạng trong quá trình đọc sách, học hỏi về những chủ đề mới mẻ xoay quanh hạnh phúc.
Xuyên suốt cuốn sách, có lẽ tôi sẽ nhớ nhất khi tác giả Osho không cố gắng rập khuôn hạnh phúc, đồng thời khẳng định rằng từ sâu thẳm tâm hồn của con người, hạnh phúc là thứ hóa giải mọi sự việc, chứ không phải con người phải dốc sức để theo đuổi hạnh phúc. Trước tiên, khi ông không cố gắng định nghĩa hạnh phúc, có nghĩa là ông đang ngầm khẳng định rằng, hạnh phúc là một khái niệm tự do, phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Chúng ta có thể có những ý niệm khác nhau về hạnh phúc, nhưng đều có một điểm chung, đó chính là những cảm xúc trong chúng ta khi trải nghiệm hạnh phúc. Thật vậy, nếu như trong cuốn sách này chúng ta lại đọc thêm nhiều định nghĩa khác về hạnh phúc, chúng ta sẽ phải tiếp tục đọc những nội dung diễn giải xoay quanh định nghĩa đó. Việc làm này của tác giả có thể giúp người đọc học hỏi thêm nhiều khía cạnh của hạnh phúc mà không thúc ép họ phải thay đổi quan điểm, suy nghĩ của mình trước đó, giúp bồi đắp thêm những gì mà người đọc biết, hơn là hướng đến sự xê dịch, thay đổi. Nếu như phải định nghĩa hạnh phúc, thì sẽ làm mất đi sự khách quan trong phong cách của Osho. Bên cạnh đó, Osho cho rằng hạnh phúc đã sẵn chiếm một vị trí trong tâm hồn con người, và con người không cần phải dốc sức để theo đuổi nó. Hay nói một cách khác, thì ông cho rằng hạnh phúc là thứ có sẵn, sẵn trong mỗi chúng ta. Ông không coi hạnh phúc như một mục tiêu ngang hàng với những mục tiêu khác về sự nghiệp, công danh, tiền bạc, địa vị… Quan điểm này của ông, đối với tôi, vừa khiến cho người đọc có thể đồng tình và không đồng tình. Trước hết, nếu đứng trên quan điểm rằng hạnh phúc là một sự vật trừu tượng thì đúng là mục tiêu về hạnh phúc không thể nào được xếp ngang hàng với những mục tiêu về vật chất. Bản thân chúng ta có thể tự tạo ra hạnh phúc và tự cảm nhận được về hạnh phúc. Hạnh phúc xuất phát từ sự tồn tại của chúng ta, hoặc chính bản thân chúng ta là sự hạnh phúc. Mặt khác, khi đứng ở phương diện rằng hạnh phúc đến từ những gì chúng ta làm, thi hạnh phúc trở nên hiện hữu hơn hết. Chúng ta có thể tạo ra hạnh phúc, nhưng những nỗ lực này cần nhiều hơn là sự hiện diện, tồn tại của chúng ta. Nhưng suy cho cùng, hạnh phúc giống như là một kết thúc có hậu mà chúng ta đều xứng đáng có được, hoặc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, hơn là một mục tiêu. Bởi lẽ chúng ta đều xứng đáng có được hạnh phúc, và hạnh phúc nằm ở bất cứ việc gì mà chúng ta làm, ở bất cứ nơi đâu mà chúng ta đến. Hạnh phúc ẩn mình trong vạn vật, dù vui hay buồn.
Cuối cùng, chúng ta không thể không cảm nhận được những lời răn dạy của tác giả Osho. Ông mong muốn người đọc có thể tập trung vào hiện tại. Chúng ta đang sống ở hiện tại, cách quá khứ và tương lai rất xa. Chúng ta không thể cứ chìm đắm vào quá khứ, hay mơ mộng về tương lai mà vẫn mưu cầu hạnh phúc bởi những tư tưởng hão huyền này cho thấy chúng ta đang không cảm thấy hài lòng về hiện thực, muốn sống trong những giấc mộng. Hiện tại là những điều kiện mà chúng ta có thể phát huy để trở nên hạnh phúc hơn. Như đã đề cập ở trên, hạnh phúc len lỏi trong những điều nhỏ bé, và được quyết định bởi những hành động của chúng ta ở hiện tại. Hạnh phúc ở ngay trong chính chúng ta, ở những khoảnh khắc ở hiện tại.
Lời kết:
Cuốn sách “Hạnh Phúc Tại Tâm” là một tuyển tập những quan điểm và góc nhìn về chủ đề hạnh phúc và con người. Thiết nghĩ mỗi chúng ta có thể thử đọc một lần để hiểu về khía cạnh trừu tượng này, qua đó có thể nhìn nhận sâu sắc hơn về bản thân và cuộc sống.
Tóm tắt và Review bởi: Quỳnh Trang - Bookademy
Hình ảnh: Quỳnh Trang
-------------------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Cuối cùng, Osho muốn người đọc hiểu rằng, hành trình tìm kiếm hạnh phúc thực chất là hành trình quay về với chính mình. Ta không cần phải đi đâu xa hay đạt được điều gì lớn lao để cảm thấy vui vẻ, mà chỉ cần quay vào bên trong và nhận ra rằng hạnh phúc đã luôn ở đó.
Cuốn sách Hạnh phúc tại tâm giống như một tấm gương phản chiếu những suy nghĩ và cảm xúc của ta. Khi ta đọc, ta nhận ra rằng mọi bất an, lo lắng và đau khổ đều xuất phát từ chính tâm trí mình. Và nếu ta thay đổi cách suy nghĩ, ta sẽ thay đổi cả cuộc đời.
Hạnh phúc không phải là đích đến, mà là cách ta bước đi trên hành trình cuộc sống. Khi ta sống với sự tỉnh thức, khi ta biết yêu thương và chấp nhận chính mình, khi ta không còn bị trói buộc bởi những ảo tưởng của thế gian, ta sẽ tìm thấy niềm vui trong từng giây phút của cuộc đời.