“Tôi đã làm việc chăm chỉ trong gần hai năm, với mục đích duy nhất là thổi phồng sự sống vào một cơ thể vô tri vô giác. Tôi đã tự tước đi thời gian nghỉ ngơi và sức khỏe của bản thân. Tôi đã dồn hết tâm huyết vào việc biến mong muốn thành hiện thực. Vậy mà giờ đây khi tôi thành công, vẻ đẹp của giấc mơ đã biến mất, chỉ còn nỗi kinh hoàng và sự ghê tởm hiện hữu trong trái tim tôi.” (Victor Frankenstein)
Thế giới là sự tồn tại đồng thời của rất nhiều những cá thể khác nhau, và nó đòi hỏi các cá thể này phải chung sống để cùng tồn tại, cùng phát triển. Xuyên suốt chiều dài lịch sử nhân loại, hòa bình là mục tiêu, còn chiến tranh thì trở nên “không thể tránh khỏi” vì mất đi sự cân bằng giữa những giá trị mà mỗi cá thể đề cao và tôn trọng. Trong thế giới này, có một “cá thể” mặc dù đến sau, nhưng sức mạnh của chúng không thể bị xem thường - đó là công nghệ. Công nghệ là công cụ, nhưng sức mạnh của công nghệ có vượt xa hơn một công cụ thông thường hay không đều phụ thuộc vào sự tính toán của con người. Lịch sử đã ghi nhận nhiều cuộc chiến tranh và mâu thuẫn chấn động, và trong số đó, công nghệ không thể thoát khỏi có sự liên quan. Bản chất của con người được phản ánh qua công nghệ - thứ mà con người đã sử dụng, hoặc lạm dụng để có được thứ mình muốn. Nhưng suy cho cùng, công nghệ không có bản chất “xấu xa”, mà chính những cách thức sử dụng công nghệ của con người đã làm “hắc hóa” bản chất của công nghệ. Rana Foroohar, tác giả của cuốn sách “Đừng trở nên xấu xa”, đã giải thích cho sự hắc hóa những nguyên tắc vận hành của các công ty công nghệ, sự “phản bội” của họ với những giá trị tốt đẹp mà mình đã hứa hẹn mang lại trong cuốn sách “Đừng trở nên xấu xa”.
Về tác giả và cuốn sách:
Rana Aylin Foroohar là một tác giả người Mỹ, nhà báo chuyên mục kinh doanh và cộng tác viên biên tập tại Financial Times. Cô cũng là nhà phân tích kinh tế toàn cầu của CNN. Trước khi gia nhập tờ báo Financial Times và đài CNN, Foroohar đã có sáu năm làm việc ở tờ báo Time với vai trò là thư ký tòa soạn kiêm người phụ trách chuyên mục kinh tế, và trước đó mười ba năm ở Newsweek với tư cách biên tập viên kinh tế đối ngoại kiêm phóng viên thường trực nước ngoài ở châu Âu và Trung Đông. Cuốn sách “Đừng trở nên xấu xa” của cô từng được trao giải Porchlight vào năm 2019 cho hạng mục “Sách kinh doanh”.
Về nội dung cuốn sách:
Trong cuốn sách “Đừng trở nên xấu xa”, tác giả Rana Foroohar đã có những bài nghiên cứu rất chi tiết và đa chiều về những case study của các doanh nghiệp về công nghệ, cụ thể là các trường hợp mà những công ty này quay lưng lại với những thước đo đạo đức nghề nghiệp, sử dụng lợi thế công nghệ của mình để tiếp tay hoặc nhúng tay vào những cuộc giao dịch, trao đổi bất chính, thu lợi về cho mình, trong đó bao gồm các công ty như Google, Alphabet và các gã trùm công nghệ lớn khác.
Tiêu đề cuốn sách là “Đừng trở nên xấu xa”, cũng là câu mở đầu nổi tiếng trong bộ Quy tắc Ứng xử nguyên bản của công ty Google. Ngày nay, triết lý này có vẻ giống như một di tích cổ của những ngày đầu thành lập công ty khi các sắc màu trên logo của Google vẫn truyền tải tinh thần vui vẻ và giàu lý tưởng của họ. Khi đứng trước trách nhiệm xã hội và lợi nhuận, liệu câu trả lời của các ông trùm công nghệ là gì? Thông qua cuốn sách “Đừng trở nên xấu xa”, tác giả Rana Foroohar đã lên án về lỗ hổng đạo đức của các doanh nghiệp Big Tech và ảnh hưởng của hiện tượng này lên nền kinh tế nói chung. Bằng việc so sánh lỗ hổng đạo đức trong giới tài chính, tác giả đã dự đoán về những ảnh hưởng tương tự khi xuất hiện lỗ hổng đạo đức trong giới công nghệ. Và kết quả là đã có nhiều ngân hàng mọc lên bất chấp những quan ngại từ người dân và xã hội, dữ liệu bị rò rỉ, mua bán như những món hàng với giá cắt cổ, các thị trường với những nhu cầu không cần thiết được tạo ra để làm bàn đạp cho những người kinh doanh. Trong cuốn sách, tác giả đã lấy ví dụ về ngành bảo hiểm. Lĩnh vực bảo hiểm hoạt động dựa trên cơ sở chia sẻ rủi ro: lấy tổng chi phí bảo hiểm cho các nhóm nhà cửa, xe hơi và nhân mạng rồi chia đều cho số tài sản. Trong thời đại dữ liệu hiện nay, các tập đoàn bảo hiểm có thể truy xuất thông tin từ thiết bị theo dõi trong xe hơi hoặc cảm biến trong nhà và sử dụng những thông tin đó để định giá hợp đồng bảo hiểm dành riêng cho bạn, phù hợp với thói quen và phong cách của bạn. Có thể bạn sẽ được hưởng những ưu đãi nào đó, nhưng đổi lại, bạn sẽ phải trả cái giá nếu cảm biến phát hiện ra những tình huống trong nhà, chẳng hạn như con trai bạn hút thuốc (cảm biến sẽ gửi thông tin này tới công ty bảo hiểm) hoặc khi bạn không kịp dọn tuyết trước thềm nhà (công ty bảo hiểm cũng sẽ nhận được thông tin này để hạn chế rủi ro bồi thường nếu có ai đó trượt chân ngã). Có thể bạn sẽ có quyền lựa chọn không sử dụng những thiết bị cảm biến, theo dõi đó nhưng dĩ nhiên, công ty bảo hiểm sẽ không để điều này xảy ra dễ dàng. Tương tự, khi lướt những trang mạng như Facebook hay Google, bạn sẽ không thể từ chối cấp quyền truy cập thông tin cá nhân mà không bị tước bỏ quyền sử dụng nhiều dịch vụ.
Rana Foroohar viết: “Đã một thời, những người theo "giáo phái kỹ thuật số" từng rao giảng tầm nhìn về một tương lai mà công nghệ nắm giữ sức mạnh biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn cho mọi người. Tầm nhìn này luôn tuân thủ một nguyên tắc nghiêm ngặt: thông tin phải được miễn phí và Internet sẽ là một "lực lượng dân chủ " tạo sân chơi "công bằng" cho tất cả chúng ta.” Trên thực tế, những cách thức sử dụng dữ liệu của người dùng của các công ty công nghệ chẳng phải rất hiển nhiên hay sao? Chúng ta có từng một lần cảm thấy kỳ lạ khi mình được yêu cầu cung cấp nhiều thông tin cá nhân đến thế? Tác giả Foroohar đã lên án rằng những công ty công nghệ đã chiến đấu để bảo vệ những loại lợi ích có thể làm tăng lợi nhuận nhưng gây thiệt hại cho xã hội và người dân. Những công ty này đã làm cho việc bảo đảm bằng sáng chế trở nên khó khăn hơn, gây bất lợi cho các công ty nhỏ và các cá nhân. Kết quả của tất cả những sự thay đổi này là sự lên ngôi mạnh mẽ của độc quyền, sự đổi mới bị bóp nghẹt, và sự xuất hiện của những thông tin sai lệch và nội dung xấu xa có thể làm ô uế các lĩnh vực công cộng và chính trị, trong khi những người sáng lập, quản lý của các tập đoàn công nghệ ngày càng trở nên giàu có. Bỗng chốc, công nghệ trở thành những công cụ thao túng nền kinh tế, chính trị, còn thông tin của con người trở thành những quân cờ trong một trò chơi tiến đến sự giàu có bất chính.
Là người có kinh nghiệm lâu năm trong cả hai lĩnh vực: báo chí và kinh tế, tác giả Rana Foroohar đã có cách diễn giải những câu chuyện công nghệ một cách dễ hiểu và thuyết phục. Có lẽ mục đích của tác giả không chỉ dừng lại ở việc vạch trần sự thật, mà còn mong muốn giáo dục người đọc về những biến động trong xã hội, đồng thời cảnh tỉnh người đọc về những mối nguy hiểm đến từ sự tham lam của các gã trùm công nghệ. Cô đã cung cấp rất nhiều thông tin về thị trường, về nền kinh tế, chính trị, công nghệ cho người đọc, đồng thời trích dẫn rất nhiều từ các nhà kinh tế, công nghệ, chính trị khác để củng cố luận điểm của mình. Đồng thời, chúng ta có thể nhận ra cách lập luận của cô rất sắc bén. Từng lời, từng chữ rất sắc bén và mạnh mẽ, cùng với những thông tin, nghiên cứu sâu sắc và chắc chắn. Tác giả không chỉ phân tích các vấn đề liên quan đến công nghệ, kinh tế, thị trường hay thế lực độc quyền mà còn phân tích ảnh hưởng lên xã hội. Cô vừa đứng ở góc nhìn của người tiêu dùng, của xã hội để nhìn nhận bức tranh toàn cảnh về triết lý “đừng trở nên xấu xa” mà còn đứng ở góc nhìn của một nhà kinh tế học, hay một người có hiểu biết sâu sắc về công nghệ cũng như về Big Tech.
Kết luận:
“Con người tạo ra những cỗ máy và dù có những tưởng tượng bi quan về việc AI thâu tóm thế giới, con người vẫn là chủ nhân của chúng. Đi kèm với quyền làm chủ là khả năng - hay nói đúng hơn là trách nhiệm - lựa chọn và tạo ra tương lai mà chúng ta muốn từ Big Tech, cho chính chúng ta và cho thế hệ sau này". Để Big Tech không bị “hắc hóa”, bản thân những người làm công nghệ cần đặt ra ranh giới cho chính những công việc của mình, luôn bám vào những triết lý và nguyên tắc làm việc. Đồng thời, bản thân những người tiêu dùng trong xã hội cần học cách bảo vệ bản thân, đảm bảo sức khỏe và phúc lợi trong kỷ nguyên số. “Đừng trở nên xấu xa” là một cuốn sách phản ánh tình hình xã hội, thị trường, rất đáng để chúng ta học hỏi, nâng cao hiểu biết xã hội của bản thân.
Tóm tắt và Review bởi: Quỳnh Trang - Bookademy
Hình ảnh: Quỳnh Trang
-------------------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
"Đừng trở nên xấu xa" là câu thần chú của những người đồng sáng lập Google và Foroohar đã dùng chính câu đó đặt tiêu đề cho cuốn sách của mình. Tác giả đã không ngần ngại mà vạch trần những hậu quả nghiêm trọng mà Big Tech gây ra cho con người và xã hội về nhiều mặt khác nhau. Với ngòi bút sắc sảo cùng dẫn chứng thuyết phục, cuốn sách " Đừng trở nên xấu xa " đã có một sức ảnh hưởng vô cùng lớn. Một cuốn sách giúp con người tự nhìn rõ bản chất của công nghệ trong cuộc sống hiện đại. Nó đem lại nhiều lợi ích tốt đẹp nhưng nếu không biết cách sử dụng thì lại là một thứ vũ khí nguy hiểm. Nếu bạn muốn nhìn nhận rõ hơn về những sản phẩm công nghệ, tôi nghĩ bạn nên đọc nó và ngầm nghĩ thật sâu sắc, bạn sẽ nhận ra những bài học mà Foroohar muốn gửi đến chúng ta.