Đảo mộng mơ là một lát cắt đời sống của những đứa trẻ lên 10 giàu trí tưởng tượng như tất cả mọi đứa trẻ. Chúng mơ mộng, tưởng tượng, và tự làm “hiện thực hóa” những khao khát của mình.
Câu chuyện bắt đầu từ một đống cát, và được diễn ra theo nhân vật tôi - cu Tin. Có một hòn đảo hoang, trên đảo có Chúa đảo, phu nhân Chúa đảo, và một chàng Thứ… Bảy. Hàng ngày, vợ chồng Chúa đảo và Thứ Bảy vẫn phải đi học, nhưng sau giờ học là một thế giới khác, của đảo, của biển có cá mập, và rừng có thú dữ. Thế giới đó hấp dẫn, đầy quyến rũ, có tranh cãi, có cai trị, có yêu thương, có ẩu đả, và cả…những nụ hôn!
Tuổi thơ trong Đảo mộng mơ như trong những tác phẩm khác của Nguyễn Nhật Ánh: trong veo và ngọt ngào. Với cuốn sách này, hẳn bạn sẽ muốn bé lại bằng cu Tin để được cười, được khóc, được làm Chúa đảo thích đọc sách và biết đánh lại lưu manh, bắt giam kẻ cắp. Và từ đó hiểu rằng, đối với trẻ con, nhu cầu được tôn trọng đôi khi lớn hơn gấp bội so với nhu cầu được yêu thương.
Văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn luôn thế, trong sáng, dí dỏm, đầy ắp thực tế tâm lý, hành động và ngôn ngữ của trẻ. Hy vọng Đảo mộng mơ thỏa mãn những khao khát “được chơi”, được thỏa chí tưởng tượng mà không bị mắng là “hâm”, là “bốc phét” của trẻ, cũng như những băn khoăn của các bậc cha mẹ, làm sao có thể giữ gìn sự trong trẻo hồn nhiên mãi cho con mình…
Xem thêm
"Đảo mộng mơ" đó chính là hòn đảo được tụi trẻ con hình tượng hóa nó lên và được tụi nhỏ đặt tên là Robinson. Rồi nhờ có bài văn của ba đứa trẻ đều viết về đảo đó giống nhau đến lạ thường, từ đó hòn đảo được nhiều người biết đến và tự nhiên trở thành một khu vui chơi. Chiều nào cũng có bảy, tám đứa nhóc nhảy nhót hò hét om sòm trên đảo.Tụi nhóc thay phiên nhau vào nhà xách nước đổ xuống mương để giữ cho mực nước biển luôn đầy ắp. Một đứa thả cá và một đứa khác thả các loại rong xuống biển. Chỉ là cá nhỏ be bé thôi, nhưng trong mắt tụi nhóc đích thị là cá mập. Sinh hoạt nhộn nhịp của hòn đảo thu hút sự chú ý của nhiều người. Ai lúc còn bé chắc cũng không ít lần mộng mơ về những thứ như thế phải không nào?