Đại Ca Tiểu thuyết của Priest
Xem thêm

Trước là tình cảm gia đình,

Ngụy Khiêm hận mẹ mình, “Toàn thế giới dù sao cũng chỉ có một người như vậy là mẹ ruột của mình, giết rồi thì không còn nữa, gã không nỡ”. Ngụy Khiêm thà bản thân từ bỏ tương lai, từ bỏ tự do, treo mạng mình lên sợi dây mảnh, cũng quyết không bỏ già trẻ ở nhà. Gã Ngụy Khiêm này, độc mồm độc miệng, đối người ngoài là vô tâm vô phế, nhưng chỉ cần là người gã xem là người thân thì như mỏi cả chân tâm ra mà đối đãi. Xem Tiểu Bảo như bảo bối, gồng gánh từ khi nó mới ra đời, đá đánh đập Tiểu Viễn không thương tiếc nhưng sau khi nhặt về lại cố gồng mình cho nó đi học, ghét bà Tống lắm mồm khó ưa người dưng lúc nào cũng tia em gái gã, tới khi bà bệnh liệt giường, nguyện phụng dưỡng suốt đời.

Ngụy Khiêm đối người mình nhận thức, là thật tâm thật tình, là ho khan cả họng để tìm kiếm, là đối đãi mẹ người anh em mình như một phần của gia đình, dù lúc khá giả hay lúc nghèo đói, một hào cũng phải tính toán cũng không để mẹ Mặt Rỗ chịu khổ nhọc.

“Cuối tất cả khó khăn và gánh nặng, đều là năm tháng kiếp này như nước chảy mây bay.”

Sau là tình nghĩa huynh đệ,

Yêu cách họ tin tưởng, giúp đỡ nhau, cách họ cùng nhau vượt qua khó khăn, lo lắng cho nhau, suy nghĩ vì nhau. Từ mấy thằng nhóc lôi thôi, lếch thếch, thời gian thoáng qua, một người đã rời khỏi thế gian này mãi mãi, còn hai người đều đã sống gần nửa đời người. Vẫn như thế, luôn nhớ về quá khứ, thời điểm còn mặc áo ba lỗ la hét khắp nơi. Không hiểu sao, khi đọc hết truyện, mỗi lần nhắc đến “Đại ca”, nhớ đến đoạn đầu tiên của truyện, cảm xúc rất dễ bị tác động, vừa xen lẫn chút ngọt ngào ấm áp, vừa xen lẫn chua xót tiếc nuối thời thanh xuân. Tuổi trẻ, bạn bè, cuối cùng cũng bị thời gian mang đi mất.

“Ba anh em trong ngõ nhỏ năm ấy giờ đã mất một.

Khi đó Ngụy Khiêm còn là cậu nhóc mắc bệnh chung của tuổi dậy thì, vẻ mặt ưu sầu như tội phạm thiếu niên, Tam Béo là thằng béo mặc áo ba lỗ ngồi chồm hổm gặm dưa hấu, Mặt Rỗ và mẹ ở ven đường vừa chiên quẩy vừa lau mồ hôi như mưa.”

Cuối là tình yêu,

Tình yêu cùng Ngụy Chi Viễn, dù tất cả chỉ đơm hoa vào cuối chiều của truyện. Nhưng mà từng câu, từng cử chỉ, từng suy nghĩ của gã, một gã anh trai cổ hủ, em gái để tóc dài cũng khó chịu, đến cuối cùng chấp nhận cùng em trai mình “Đồng tính luyến ái thì thế nào, bị gọi là loạn luân thì thế nào, cũng không đánh sập được tôn nghiêm của gã”. Có lẽ trong bộ “Đại ca” này, tình yêu không phải là then chốt nhưng nó lại là lá non trên cành sau mùa đông lạnh giá, xóa đi cái tăm tối lạnh lẽo cuối mùa, vang lên tiếng chim hót đầu xuân, đưa ta đến kết cục hoàn mỹ nhất.

Ngoài ra, còn có chị Hùng Trần Lộ, vợ lão Hùng Anh Tuấn cùng với lão Hùng ấy, tình cảm của họ là cùng trải qua hoạn nạn lại không thể cùng an ổn hưởng thụ hạnh phúc lúc cuối đời, chị Hùng là sư tử Hà Đông, ngày ngày gặp mặt đều không động thủ thì động khẩu với lão Hùng cuồng ngược. Ân ân ái ái chưa bao lâu, hai người lại đi trên hai con đường khác nhau, cách nhau cả một lằn ranh sinh tử.

“Từ nay về sau, chúng ta chỉ có tử biệt, không còn sinh ly nữa”


So với hai nhân vật chính, không hiểu sao mình lại rất ấn tượng với nhân vật bà Tống. Lúc đầu khi bà ấy xuất hiện mình phải nói là cực cực kì ghét. Bà là bà nội của Tống Tiểu Bảo, từ quê lên, vốn là định nhờ cậy con trai nhưng lại phát hiện con trai đã chết, bà chỉ còn cách sống nhờ nhà Ngụy Khiêm. Bà thấy Ngụy Khiêm là lưu manh côn đồ, vì thế vô cùng ghét gã, bà luôn rủ rỉ dụ dỗ Tống Tiểu Bảo, nói bóng nói gió mỉa mai Ngụy Khiêm trước mặt con bé, bà muốn con bé ghét Ngụy Khiêm để dễ bề đưa con bé đi. Ngụy Khiêm lúc nào cũng nhịn, à không phải nhịn, mà là không thèm chấp, nhưng đến một lần bà chửi đến mẹ Ngụy Khiêm thì gã không chịu được nữa mà nhảy vào bóp cổ bà, sau đó bà dứt khoát đưa Tống Tiểu Bảo đi luôn.  Ôi thề lúc ý mình lộn ruột ý, âm thầm rùa xả bà già này độc ác quá này nọ, ghét cả con bé Tiểu Bảo sao lại nỡ dứt áo phản bội ông anh nuôi nấng mình ngần ấy năm. Thế mà lúc sau tất cả bực tức ấy lại được Pi đại hóa giải một cách lạ kỳ.  Tống Tiểu Bảo trốn về, sau đó bà Tống cũng về theo. Ngụy Khiêm nhường bà một nước, bà cũng nhường Ngụy Khiêm một nước. Bình bình đạm đạm sống cùng với nhau, dần dần cảm thông cho nhau và hình thành một thứ gọi là “gia đình.”  Bà Tống hiểu được Ngụy Khiêm không phải là lưu manh côn đồ, ngoài miệng gã độc ác thế thôi nhưng thực chất trong lòng thương yêu các em nhiều lắm, bản thân gã cũng muốn thoát khỏi vũng bùn này để trở thành một con người. Còn Ngụy Khiêm cũng nhận ra bà Tống chỉ là một bà già nhà quê, cổ hủ, thương con thương cháu quá mà thôi. Bà ác miệng nhưng không ác lòng, sống với ba anh em, bà cũng biết chạy đôn chạy đáo bươn chải lo toan, biết nấu cơm giặt giũ chăm lo cho cả nhà, còn biết đấu khẩu chửi nhau với bà hàng xóm. Khi cô giáo đến thuyết phục Ngụy Khiêm đi học lại, bà cũng là người vui nhất, hào hứng nhất, chỉ hận không thể đạp bay Ngụy Khiêm đến trường cho rồi. Hễ cứ ra ngoài là bà lại khoe Ngụy Khiêm giỏi giang thế này thế nọ, giống như sợ người ta không biết cháu bà giỏi không bằng, làm Ngụy Khiêm xấu hổ muốn chết, nhưng lại không kìm được mỉm cười hắng giọng gọi một tiếng “bà nội, về thôi”. Hình ảnh người bà lúc này hiện lên thật đẹp, thật chân thật, khiến mình không khỏi nghĩ đến bà nội của mình. Đó là người bà chân chất, quê mùa, suốt đời làm lụng vì con vì cháu, đến lúc sung sướng rồi vẫn quen khổ như xưa. Đó là người bà sẽ lo lắng hốt hoảng khi nghe tin cháu đi bụi, nhưng khi cháu về rồi lại cầm chổi vừa khóc vừa đánh chửi cháu. Một người bà như vậy, mình cứ nghĩ là sẽ có một cái kết thật đẹp, giống như Ngụy Khiêm nói, nếu bà chưa chết thì sẽ cố hết sức để cứu bà sống lại, còn nếu bà chết rồi thì sẽ làm một đám tang thật hoành tráng. Nhưng cuối cùng thì sao, cuối cùng bà Tống lại vì không muốn làm gánh nặng cho con cháu mà bỏ đi, bỏ đi thật xa, chết ở đâu cũng không biết. Có thể nói sự bỏ đi của bà và mẹ Mặt Rỗ gây ám ảnh cho mình suốt truyện, sự ra đi của họ vừa giống như thật cao thượng, lại vừa giống như thật tàn nhẫn.

Còn về tình cảm của nhân vật chính ấy à, ừm, Ngụy Khiêm tuy là người gai góc thật, nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn, Ngụy Chi Viễn lại có được sự ẩn nhẫn và kiên trì tuyệt đối. Thực ra dạo này mình rất thích niên hạ dưỡng thành, mình thích cái kiểu một người không cam lòng chịu sự bảo vệ của một người, do đó bức bách mình lớn lên, bức bách mình trưởng thành để che chở lại người kia. Trường Canh và Cố Quân như thế, Ngụy Chi Viễn với Ngụy Khiêm cũng thế. Vì một người mà cố gắng trở nên cường đại, đó là một ước nguyện đẹp đến mức nào.

Đầu tiên phải nói “Đại ca” là một bộ chậm nhiệt văn. Tức là, ừm, nó không dành cho những bạn nào thích tình cảm nồng nhiệt bỏng cháy, ngược chết đi sống lại hay là hường phấn tung tóe. Đây là một câu chuyện thật, rất thật về một chàng trai tên là Ngụy Khiêm và hành trình giãy dụa muốn thoát khỏi vũng bùn của chàng trai ấy. Mình đã đọc kha khá truyện về người nghèo, nhưng chưa có bộ nào để lại cho mình ấn tượng sâu đậm như “Đại ca”. Bối cảnh Pi đại dựng lên có vẻ không đặc biệt, vẫn là một khu chung cư “trát cứt gà sáp nghèo tơi nghèo tả”, cũng là một số phận đời cay nghiệt khổ sở: mẹ là gái điếm, tuổi thơ bất hạnh do bị mẹ hành hạ, một tâm hồn sứt sẹo méo mó mang tâm lý phản xã hội….Thế nhưng cái cách Pi đại miêu tả lại đêm lại một cảm nhận rất khác. Cái bất hạnh nghèo khổ đau đớn của Ngụy Khiêm không chỉ được nói lên bằng mấy từ chung chung đơn giản, mà nó hiện lên, phản ánh qua từng suy nghĩ, từng hành động, từng thói quen của nhân vật. Cái nghèo ấy cũng không phải là nghèo thê thảm tang thương mà là nghèo đến cười ra nước mắt, cái chật vật khổ sở ấy giống như một bức màn đen để làm nổi bật lên những đức tính, những tình cảm cao đẹp của nhân vật. Đó là Ngụy Khiêm liên tục bì giày xéo như giun nhưng không bao giờ chịu đầu hàng mà luôn giãy dụa đứng dậy, đó là Ngụy Chi Viễn luôn ép mình phải lớn lên để gánh vác thay anh hai, đó là Tống Tiểu Bảo bình thường luôn ngốc nghếch nhưng lúc cần thiết lại rất hiểu chuyện, đó là Tam Béo nghĩa khí, là lão Hùng sợ vợ, à, còn cả bà Tống miệng lưỡi chua ngoa và “Thần Quy chân nhân” Mã Xuân Minh nữa. Qua ngòi bút thần sầu của Pi đại, những nhân vật đó hiện ra chân thực và sống động đến bất ngờ, hình thành nên một xã hội với đủ các mối quan hệ và tình cảm khác nhau, những mối quan hệ và tình cảm ấy  giống như những sợi to mỏng, rất mỏng, đan cài vào nhau, hợp lý và logic đến không ngờ.

Lần này, thay vì nói nhân vật, mình thích nói đến những tình tiết, vì mình cảm thấy tính cách nhân vật trong truyện của Pi đại khá là sinh động, nó có sự vận động theo thời gian và tuổi tác, do vậy rất khó để khái quát lại được, mà trong khi đó, qua tình tiết, mình lại dễ cảm nhận được tính cách đó hơn. Ví dụ như đoạn Ngụy Khiêm gặp Ngụy Chi Viễn, khi đó Ngụy Chi Viễn chỉ là một đứa trẻ lang thang, đói rách đến mức phải giành đồ ăn của chó. Mình cứ tưởng Ngụy Khiêm sẽ động lòng trắc ẩn sau đó đưa Ngụy Chi Viên về nuôi, nhưng mà mình nhầm to. Ngụy Khiêm không hề thích Ngụy Chi Viễn, thậm chí khi Ngụy Chi Viễn theo về nhà thì còn chửi mắng thô tục, đánh đuổi em nó, không cho em nó bước vào nhà. Nhưng đó mới đúng là tình cách của Ngụy Khiêm. Gã quá nghèo, gã quá khổ, sự khổ sở của gã không cho phép lương tâm gã thức tình. Hơn nữa, Ngụy Khiêm cũng thừa biết, gã không đèo bòng thêm ai khác được nữa.  Nhưng một khi gã chấp nhận Ngụy Chi Viễn vào nhà rồi, thì gã coi cậu cũng y như em gái gã, đối xử hai đứa công bằng, không thiên vị người nào. Và cả đoạn cô giáo tìm đến muốn Ngụy Khiêm đi học lại, mặc dù vô cùng khao khát, khao khát muốn được tiếp tục theo học để vươn lên ánh sáng, rời khỏi con đường lao động chân tay để mặc áo blouse trắng, làm việc trong phòng thí nghiệm, nhưng Ngụy Khiêm lại từ chối, chỉ vì bốn chữ cơm áo gạo tiền. Gã không muốn ích kỉ cho mình mà làm khổ đến hai đứa em, không muốn chỉ vì con chữ của riêng mình mà hai em phải chịu đói rách. Ôi đọc đến đoạn ý mà muốn khóc lắm, thương lắm. Mỗi một chi tiết trong truyện dù là rất nhỏ đều cảm động chết đi được, thật đấy, giọng văn không phải kiểu thảm thiết nặng nề mà là nhẹ nhàng, đôi lúc tưng tửng, nhưng đằng sau cái sự hài hước lại là sự chua xót đắng cay không nói nên lời.

Cuộc đời của Nguỵ Khiêm, mình đọc tới đâu lại rơi nước mắt tới đó. Truyện công thụ không ngược nhau nhưng hoàn cảnh lại ngược họ đến thê thảm. Tác giả miêu tả số phận của nhân vật với giọng văn nhẹ nhàng, một chút vui, một chút chế giễu, khi đọc truyện bạn sẽ cảm nhận rằng thật ra dùng giọng văn nhẹ nhàng để viết về những đau khổ ấy nó còn đau hơn cả cách viết tăm tối. Rồi đột nhiên, kiếp sống lang thang khắc cốt ghi tâm thời thơ ấu ấy đều không còn chân thật lắm, cậu như một đứa trẻ đi xa, tìm được cảm giác về nhà và được chấp nhận trên tinh thần. Ngụy Khiêm cúi xuống đặt bó hoa trước mộ, khoác vai Ngụy Chi Viễn mà vỗ về cậu. Ngụy Chi Viễn kéo tay anh – mà trên đường viễn hành, cậu lại may mắn có thu hoạch, được người đời này quý trọng nhất.

Khi đọc truyện từng mảnh vỡ hiện thực như hiện ra trước mắt mình. Mình chỉ thấy khá tiếc vì những chương sau cùng mình vẫn không cảm nhận được Nguỵ Khiêm liệu có yêu Ngụy Chi Viễn như cách Ngụy Chi Viễn yêu anh không? Nhưng rồi mình nhận ra, thứ gọi là tình yêu với Nguỵ Khiêm là quá xa vời, một đứa trẻ từ nhỏ đến lớn đều gồng mình gánh vác cả một gia đình, trên có già, dưới có trẻ, anh chưa từng cảm nhận tình yêu thực sự nó mang màu sắc, hình dáng như thế nào cả. Một ngày nhân vật của chúng ta chỉ ngủ 5 tiếng rồi lại phải chạy từ sáng đến tối, Nguỵ Khiêm đã sống một cuộc đời như vậy đó.

Truyện HE nhưng cái kết theo mình thì có hơi ngắn so với cuộc đời đầy khó khăn ở quá khứ. Tiểu Bảo kết hôn, thực hiện được đam mê nghệ thuật khi còn bé, Tam Béo sinh được một đứa con, có được một gia đình hạnh phúc. Lão Hùng cuối cùng cũng buông bỏ được phân nửa phàm trần, làm một thầy tu xuất gia nhưng không thích ăn chay. Còn bà Tống và mẹ Mặt Rỗ cuối cùng họ cũng hoàn thành được ước nguyện, ra đi mà không để lại gánh nặng cho con cháu, đối với họ đó chính là giải thoát, không mang theo bất kỳ hối hận nào vào những ngày cuối đời, mỉm cười mà thoát rời bỏ kiếp này. 

Dù biết tới “Đại ca” từ sớm, tôi phải đợi rất lâu mới bắt đầu đọc. Bởi vì người viết là Priest. Đọc truyện của Priest thì cần đọc rất kỹ, và vì lúc đầu diễn biến sẽ chậm và một số truyện với tôi là có phần hơi chán, nên sẽ cần rất nhiều thời gian.

Nhưng tôi cũng biết chắc, kể từ khi chưa đọc truyện, là “Đại ca” sẽ không làm tôi thất vọng. Bởi vì văn án kiểu như thế, bởi vì là niên hạ công là thể loại tôi thích nữa.

Nhưng “Đại ca” còn hay hơn cả sự tưởng tượng của tôi. Priest thật xứng danh là đại thần của Tấn Giang. Từng câu từng chữ trong “Đại ca” đều hay, hóm hỉnh mà cũng đầy chất thơ, lại cực kỳ sâu sắc điêu luyện. Và “Đại ca” thì không chán chút nào!

“Đại ca” là một câu chuyện xúc động về số phận con người, về cái nghèo và nghịch cảnh. Ngụy Khiêm là con của gái điếm, và đó vẫn là lý do để người ta chửi anh, kể cả bà nội của đứa em gái cùng mẹ khác cha. Nhưng không ai biết, đó là ám ảnh khôn nguôi của Ngụy Khiêm, tới nỗi anh sợ tiếp xúc thân mật với người khác. Nhặt đứa bé mồ côi ngoài đường về, cuối cùng ko nỡ đuổi, cho nó một cái tên “Chi Viễn” (đi xa), còn nuôi nó cùng với đứa em gái, sau này còn nuôi bà nội của em gái. Ngụy Khiêm thông minh, giỏi giang biết bao nhiêu, nhưng vì quá nghèo, cuối cùng đã bỏ học cấp 3 để đi theo Nhạc ca làm lưu manh để có tiền nuôi từng ấy miệng ăn. Ước mơ thời niên thiếu vỡ nát, vì người huynh đệ đã khuất mà lập mưu giết chết Nhạc ca, nhưng ngay cả khi muốn quay lại trường học, cố gắng tìm lại ước mơ thuở thiếu thời, Ngụy Khiêm cũng phải tự đặt cược mạng sống của mình trên sàn hắc quyền.

Khi ấy, Ngụy Khiêm chỉ mới mười bảy tuổi…

Phải mang vác trên vai gánh nặng gia đình, phải lấy mạng sống ra liều khi muốn hoàn thành giấc mơ của chính bản thân mình. Đến nỗi, sau này, khi Ngụy Khiêm lấy được bằng đại học, anh cũng không hề vui. Anh cũng không có thời gian để vui, bởi vì anh phải lo cho công ty mà anh góp vốn thành lập và sau này làm chủ tịch. Cảm xúc của anh chai sạn rồi, không có chỗ cho tình yêu. Mà anh cũng không tin vào ái tình, lại là một người luôn cảm thấy thiếu an toàn. Anh cô độc suốt những tháng ngày lăn lộn gánh vác trách nhiệm, cũng khát vọng một tình thương dành cho mình, nhưng mẹ anh như thế, cuộc đời anh nặng nề như thế, có thể có sao?

Có một Ngụy Chi Viễn đích thân anh nuôi. Một Ngụy Chi Viễn rất giỏi nhìn sắc mặt đoán ý người, bình thường giả ngây ngô nhưng thông minh, kiên cường, can đảm. Lúc tôi đọc đoạn Ngụy Chi Viễn bình tĩnh bảo vệ em gái của hai người (Tiểu Bảo) khỏi tên biến thái, tôi thích tới phấn khích. Cũng là lúc tôi thấy được sự dịu dàng của Ngụy Khiêm, tôi liền hiểu, thì ra là vậy!

Ấy vậy mà hoài Ngụy Chi Viễn vẫn không thể tu thành chánh quả. Cậu ẩn nhẫn, kìm nén tình cảm lẫn dục vọng của mình, trong lúc làm cho bản thân mình mạnh mẽ hơn, giỏi giang hơn để bảo vệ cho người cậu yêu thương nhất. Lúc cậu gánh vác mọi thứ trong nhà thay Ngụy Khiêm, sắp xếp ổn thỏa mọi thứ, tôi thật sự quá thích. Ngầu! Bản lĩnh! Nhưng người tính không bằng trời tính. Dù có thủ đoạn cỡ nào thì Ngụy Chi Viễn cũng không thể ngờ được mình bị anh Tam Béo phá đám, cuối cùng một lần say rượu cậu đã không thể kiềm chế, bị Ngụy Khiêm đẩy một phát ra nước ngoài luôn. Nhưng ngày cậu trở lại, cậu đã giỏi giang hơn trước nhiều, và cũng tự tin hơn trước nhiều. Cậu thẳng thắn trong việc bộc lộ cảm xúc của mình, chủ động theo đuổi. Có lẽ, lúc này là một thời điểm thích hợp hơn đi, khi Ngụy Khiêm tuy vẫn đau đầu với công ty, nhưng đã qua cơn đói nghèo lâu rồi. Tuy Chủ tịch Ngụy rất là hấp dẫn người khác, nhưng cậu giờ cũng đã rạng rỡ tự tin, đủ sức để combat giành người của cậu về.

Anh có để ai độc nhất vô nhị ở trong lòng anh chưa? Anh cứ thử đi rồi biết, trong lòng chứa người đó một tháng, vậy một tháng chính là của người đó, chứa một năm, thế thì cả một năm chính là của người đó. Sau này vật đổi sao dời rồi thì thế nào? Người đó đã trở thành một phần của em.

Nếu em cũng sợ thì anh phải làm sao?

Anh giỏi giang hơn thì em cũng không thể dựa dẫm mãi được, đàn ông con trai dù sao cũng phải tự mình bước ra xã hội. Nếu không thì sau này em biết lấy gì để chăm sóc anh?

Có lẽ mọi người sẽ mong muốn Ngụy Khiêm tiến tới với Ngụy Chi Viễn sớm hơn. Nhưng tôi còn cảm thấy, Ngụy Khiêm có thể nào mà lại đi tiếp nhận Ngụy Chi Viễn? Chẳng phải là trai thẳng sao? Cái kiểu bảo thủ thế kia. Nhưng khi có một người rất si tình yêu thương mình suốt bao tháng năm không thay đổi, thì cũng hơi khó giữ lòng rồi.

Huống chi, người đó lại là Ngụy Chi Viễn, là Tiểu Viễn anh luôn yêu thương dù không bao giờ nói ra, dù lúc nào cũng là mắng chửi. Khi biết Tiểu Viễn gặp nguy hiểm vì cứu Tiểu Bảo, anh lo lắng. Khi Tiểu Viễn trong độ tuổi dậy thì xa cách anh, anh cảm thấy mất mát. Anh mất ngủ, nhưng có ly sữa nóng và sự dỗ dành của Tiểu Viễn, anh liền không còn bị mất ngủ nữa. Anh không chấp nhận được chuyện Tiểu Viễn thích anh, đẩy Tiểu Viễn đi du học, nhưng khi có điện thoại gọi về, anh đang say vẫn hấp tấp chạy tới tính bắt điện. Tiểu Viễn bỏ tôm vô chén cho anh, anh điềm nhiên ăn.

Dịu dàng bên nhau như thế, con tim cô đơn lạc lối cuối cùng đã tìm thấy nơi dừng chân ấm áp. Cả một đoạn đường dài với bao đau thương thậm chí là chết chóc, với những nỗi sợ hãi tới ám ảnh, cuối cùng cũng đã có thể lùi lại phía sau.

Từ nay về sau, chúng ta chỉ có tử biệt, không còn sinh ly nữa.

“Đại ca”, nói theo Priest, như một áng văn “trả thù đời” mà ngay cả chị cũng chẳng biết kết thúc thế nào, cho tới khi chị nghe được câu nói “Hai bàn tay trắng cũng chả sao, miễn là các em còn nghị lực”, và thế là câu nói ấy trở thành cốt lõi của câu chuyện. Ngụy Khiêm chẳng có siêu năng lực, chị để gã “tự dệt tròn máu thịt”, tự viết nên câu chuyện đời mình.

“Đại ca” là một câu chuyện mà theo tôi, hoàn toàn đáng để đọc, không chỉ một, mà vô số lần, để hiểu, để cảm, để thấu nỗi đau, thấu được tình cảm chất chứa trong từng câu chữ. Cái thú vị của Priest chính là, mỗi một lần đọc, sẽ lại nhìn thấy một chi tiết mới mà biết đâu mình đã vô tình bỏ qua. “Đại ca”, là cực phẩm, hẳn là câu chuyện bạn nên đọc ít nhất một lần trong đời, để nhận ra bạn còn rất nhiều may mắn, thay vì than trách số phận bạc bẽo, thì bạn hoàn toàn có thể tự mình đứng dậy thay đổi cuộc đời.

Những nhân vật ấy, mỗi người một cuộc đời, một vận mệnh của riêng mình, nhưng tất cả rồi cũng đều có được kết cục. Bà Tống, mẹ Thằng Rỗ để lại một nỗi khắc khoải nhưng cũng lưu giữ lại tự tôn và hình ảnh đẹp nhất trong lòng người ở lại. Mã Xuân Minh sau một lần đổ vỡ cũng tìm được hạnh phúc của mình. Một kẻ tưởng như ế ẩm cả đời Ba Béo, vẫn có được gia đình nhỏ cùng đứa con gái xinh xắn đáng yêu.

“Đôi lúc tìm lầm người cũng không hề gì, chỉ cần bạn đủ tốt, giữ vững được, rồi sẽ có người tốt hơn thích bạn.”

Trải qua muôn vàn trắc trở, “người có tình rồi sẽ tìm thấy nhau”. Ngụy Khiêm và Ngụy Chi Viễn trải qua một đời phồn hoa, xoay người lại, vẫn luôn có nhau.

“Từ nay về sau, chúng ta chỉ có tử biệt, không còn sinh ly nữa – Tiền Chung Thư”

Ngụy Khiêm và Ngụy Chi Viễn trao cho nhau tình yêu, trao cho nhau một mái nhà để trở về.

“Gã có một ngôi nhà, ừm, nhà gã không xa.”

Ai rồi cũng sẽ tìm được hạnh phúc cho riêng mình, biết đâu những đau khổ mà bạn trải qua chỉ là để tích đủ may mắn gặp được người ấy thì sao?


Có một bạn fan từng nói: “Đọc truyện của Priest, phải đọc ít nhất ba lần. Một lần để biết chị đang viết gì, một lần để hiểu những gì chị viết, và ít nhất một lần để cảm được thông điệp của chị.” Truyện của Priest là như vậy. Trong mười mấy tác phẩm tôi đã đọc của chị, để lại trong lòng ấn tượng sâu sắc nhất có lẽ là bộ ba “Sát phá lang”, “Đại ca”, và “Đọc thầm”. Tôi sẽ viết về “Đại ca”, bởi lẽ:

“Đại ca” không chỉ đơn thuần là đam mỹ. Đó còn là câu chuyện về tình thân, tình người, vạch trần những góc khuất tăm tối nhất của những con người nơi đáy cùng của xã hội. Họ không thánh mẫu, không phải là những kẻ cố giữ cho mình thanh cao "nghèo cho sạch rách cho thơm", họ có những con ác quỷ trong tâm hồn, họ có lầm đường có lạc lối, nhưng đến cuối cùng mỗi người đều tìm được cho mình một chốn về. Không phải ai cũng hạnh phúc, mà cũng có những cái kết cứ mãi lửng lơ vô định. Nhưng như thế mới là cuộc đời. Chân thực đến đáng sợ.

Cả một thiên truyện dài sáu mươi chín chương, (khi xuất bản gom lại còn hai mươi chín), kể về hành trình của cậu bé Ngụy Khiêm từ khi mười lăm tuổi đèo bồng một đứa em gái và một thằng em trai nhặt về mà chèo chống mưu sinh đến khi công thành danh toại, hiện thực hóa được ước mơ, xen lẫn trong đó là câu chuyện tình yêu chân thành đến điên cuồng mà một cậu nhóc dành cho người mà mình xem là anh trai Câu chuyện mở ra một khung cảnh tồi tàn khu ổ chuột, nơi căn chung cư xập xệ vẫn có những con người đang lặng lẽ sống. Có mẹ con Mặt Rỗ bán cháo quẩy thật thà đến đáng thương, có anh trai Ba Béo hiền lành trượng nghĩa, có một Nguỵ Khiêm lưu manh sống cùng em gái, tổ hợp kì lạ đó rất đỗi đời thường, một tổ hợp của những phận người nghèo khổ sống ở nơi tăm tối bần cùng nhất.

Nơi khu ổ chuột tồi tàn ấy, có bà lão hàng xóm đanh đá chuyên đổ rác trước cửa nhà Ngụy Khiêm, rao làng rao xóm về thân phận con hoang của gã. Thoạt nghe thì bình thường đấy, nhưng về sau Ngụy Khiêm nhận ra một điều cay đắng: "Người nghèo chỉ có thể làm khó nhau, cũng chỉ biết làm khó nhau, bằng không họ còn làm được gì nữa?"

Mỗi một nhân vật, là một số phận, là một tính cách, một cuộc đời. Priest tạo ra họ, nhưng họ lại chân thật như thể chị chỉ đang viết lại về những con người xung quanh mình.

“Là một tác giả, đào hố là thú vui, lấp hố là nghĩa vụ, lựa chọn nền tảng cố định và chơi cùng đồng bạn độc giả là tình cảm…”, đó là quan điểm viết văn của Priest – một tác giả của dòng văn học mạng Trung Quốc, người mà tôi đã phải gọi chị một tiếng “đại thần” vì những câu chuyện mà chị viết ra. Cũng như bao nhà văn mạng khác, chị không mấy để lộ thông tin về mình, những gì mà người ta biết, ngay cả những fan nhiệt thành nhất, chỉ đơn giản là năm sinh 1989 và chị từng là sinh viên ngành Kỹ thuật, tốt nghiệp đại học Hồng Kong, không hơn. Priest bắt đầu sự nghiệp viết văn năm 2007, tính đến nay là 12 năm. Suốt khoảng thời gian dài ấy, chị đã viết nên 28 tác phẩm, cả đam mỹ lẫn ngôn tình với đủ mọi thể loại.

Phong cách viết văn của Priest chia ra thành hai giai đoạn khá rõ ràng. Tuy nhiên, câu chuyện của Priest thường rất hấp dẫn, nội dung phức tạp, tình tiết chặt chẽ, lôi cuốn, tuyến nhân vật phong phú nhưng tuyệt không dư thừa, lối hành văn tinh tế, giàu cảm xúc, và cũng rất hài hước. Mỗi một câu chuyện là một thế giới do chị vẽ ra, luôn mang đến cho người ta cảm giác câu chuyện này đã thực sự xảy ra tại một nơi nào đó, một lúc nào đó, và chị chỉ là quan sát và viết lại một cách tỉ mỉ nhất mà thôi.

Giai đoạn đầu trước năm 2013, các câu chuyện của Priest đều có nội dung khá phức tạp nhưng không được giải quyết gọn ghẽ, và chị đã sai khi cố gắng truyền tải tất cả thông điệp và nhồi nhét rất nhiều kiến thức vào truyện mà không có dẫn dắt cụ thể. Những tác phẩm thời điểm đó, có rất ít truyện để lại ấn tượng sâu sắc sau này, khi vẫn bám theo một mạch truyện tình yêu đơn giản, gặp – quen – ghen – yêu, hết sức bình thường, mặc dù đặt trong một hoàn cảnh đặc biệt mà chưa một tác giả nào đủ khả năng chấp bút.

Thế nhưng, năm 2013 tới nay, nhất là các tác phẩm “Sát phá lang”, “Đại ca”, “Đọc thầm”, “Lục hào”,… thời kì đỉnh cao của Priest bắt đầu hé mở. Chị khắc phục được phần nào những nhược điểm trên, viết nên những “cực phẩm” thật sự, và được tôn làm “Đại thần” trên nền văn học mạng Tấn Giang.

Tôi ngưỡng mộ Priest đến tôn thờ, văn phong của chị là thứ tôi theo đuổi từng ngày. Hành văn mạch lạc tinh tế, trau chuốt từng câu chữ. Đọc truyện của chị, bạn hoàn toàn có thể thấy rằng, tại thời điểm đó, ngay vào lúc đó, chỉ có thể dùng từ đó mới có thể miêu tả chính xác những gì đang xảy ra. Cách viết của chị, cứ như thể chị điều khiển được cảm xúc của chính độc giả vậy.