Bộ sách Chuyện Xứ Lang Biang là câu chuyện kể về chuyến phiêu lưu kỳ thú của hai nhân chính Nguyên và Kăply bị lạc vào xứ phù thủy Lang Biang và tình cờ trở thành hai “Chiến binh giữ đền” có nhiệm vụ tiêu diệt phe Hắc Ám. Bộ truyện ra đời đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ phía độc giả bởi sự hấp dẫn của tiết tấu nhanh như phim hành động, cộng thêm những chi tiết dí dỏm, hài hước vốn có, và nhất là kết thúc luôn đẹp nhân hậu đúng phong cách Nguyễn Nhật Ánh. Nội dung tập 1: Nguyên và Kăply là hai đứa trẻ ở làng Ke, tình cờ bị đẩy vào thế giới phù thủy Lang Biang. Bất đắc dĩ thế vai hai tiểu chủ nhân của lâu đài K’Rahlan, cả hai phải đối đầu với âm mưu hủy diệt do kẻ thù của phe Ánh Sáng gieo rắc, và cái hạn báo tử 30 ngày của pho tượng Baltalon… Cả hai cũng phải cắp sách đến trường Đào tạo tài năng Đămri - trường phù thủy lâu đời ở xứ Lang Biang. Từ đây, nhiều tình bạn mới, nhiều biến cố mới dồn dập bắt đầu…
Xem thêm

"Chuyện Xứ Lang Biang" được gọi là Harry Potter bản Việt. Quả thực Nguyễn Nhật Ánh đã khéo léo lồng ghép những yếu tố ly kỳ, thần bí của thế giới phù thủy với văn phong giản dị, gần gũi vốn có của mình khiến độc giả trẻ Việt Nam cảm thấy thân thuộc hơn rất nhiều. Tên của các nhân vật trong truyện cũng rất "thuần Việt": đại phù thủy Mackeno (mặc kệ nó), thầy giáo Hailixiro ( hai ly xi rô), cô bé Bolobala (bô lô ba la). Nguyễn Nhật Ánh mang chất dí dỏm của mình vào những trang sách căng thẳng, làm không khí của câu chuyện trở nên vui nhộn, thú vị hơn.


Trong tập 1 của bộ truyện, đôi bạn thân là Nguyên và Kăply vì tò mò mà trèo lên đồi Phù Thủy - nơi cả làng đều tránh xa, và bị đưa đến thế giới phù thủy và hoán đổi vào thân xác của 2 đứa trẻ phù thủy. Không chỉ dừng ở đó, mạng sống của 2 đứa trẻ mà Nguyên và Kăply hoán đổi thân xác đang gặp nguy hiểm do bị thế lực hắc ám nhắm đến. Từ đây câu chuyện của Nguyên và Kăply phải khó khăn để hòa nhập với thế giới phù thủy cũng như tìm cách giữ mạng sống đang ngàn cân treo sợi tóc trở nên vô cùng hấp dẫn. Bên cạnh những khó khăn, ly kỳ ấy, Nguyễn Nhật Ánh còn miêu tả những chi tiết vui vẻ, xúc động về tình bạn của những đứa trẻ ở xứ Lang Biang, khi những đứa trẻ ấy luôn sát cánh bên nhau và dù có sợ hãi thế nào cũng không bao giờ bỏ rơi bạn bè, và cả tình cảm trẻ con với những rung động đầu đời vô cùng trong sáng giữa Nguyên và Êmê, Kăply và Mua.

Chuyện xứ Lang Biang xoay quanh cuộc phiêu lưu kỳ thú của hai nhân vật chính Nguyên và Kăply đến xứ sở Lang Biang - một thế giới phép thuật lạ lùng với hai phe chính tà cùng những cuộc đối đầu nghẹt thở... Tình cờ lãnh trách nhiệm chiến binh đền, hai cậu bé phải dấn thân cứu lấy xứ sở này trước họa diệt vong, và cùng bạn bè mình làm nên những bao cuộc phiêu lưu đầy màu sắc kỳ ảo.
Như phần lớn các truyện viết về thế giới phù thủy, Chuyện xứ Lang Biang trước hết cuốn hút người xem bằng cốt truyện phiêu lưu ly kỳ, hấp dẫn... Nhưng yếu tố chính làm nên “cái cốt” Việt Nam trong Chuyện xứ Lang Biang là bản thân diện mạo và tính cách của những nhân vật trẻ em. Thế giới học trò... phù thủy ấy cũng không thiếu những trò nghịch phá tưng bừng, những buổi lê la hàng quán ăn vặt, và cũng như mọi học trò khác, chúng cũng biết rung động vì một ánh mắt, một cái cầm tay, một lời động viên dịu dàng từ... phái kia.
Đáng lưu ý ở Chuyện xứ Lang Biang là yếu tố hài hước tràn ngập. Điều đó mang lại sự cân bằng cho bạn đọc sau khi phải suy nghĩ “nát óc” để lần mò manh mối những tình huống éo le hay sau khi chứng kiến những màn đấu phép hãi hùng của các phe phái phù thủy...

Để viết bộ truyện này, Nguyễn Nhật Ánh đã gặp khá nhiều thách thức. Về sáng tạo, nhà văn đã phải vận dụng và khai thác tối đa trí tưởng tượng để xây dựng các tình tiết một cách hợp lý. Các chi tiết cũng phải được sắp xếp theo một bố cục chặt chẽ và lôgic. Nhà văn tâm sự ông đã phải mất nửa năm tìm tài liệu trên Internet và đọc các loại sách liên quan như Phù thủy và Pháp sư, Ma thuật và Thuật phù thủy ở Philippines, Các huyền thoại phương Đông, Thần thoại Hy Lạp và La Mã, Một số vấn đề phát triển kinh tế xã hội buôn làng các dân tộc Tây Nguyên, Họ và tên người Việt Nam, Các dân tộc ít người ở Việt Nam, Các nền văn minh cổ đại... Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối tác giả đó chính là sự đón nhận của độc giả nhỏ tuổi với bộ truyện này. Ông mong muốn tác phẩm này đem lại sự thích thú cho độc giả như Kính vạn hoa.

Được biết, nhà văn đã từng sáng tác một số truyện có tính thần thoại như các bộ truyện tranh Bim và những chuyện thần kỳ và Ba đứa trẻ và những chuyện rắc rối. Nhận thấy có thể khai thác theo hướng viết này để viết truyện cho trẻ em, ông ấp ủ dự định sáng tác một tác phẩm thần thoại từ khá lâu nhưng vì lúc đó đang viết dở bộ Kính Vạn Hoa nên đến năm 2004, Chuyện xứ Lang Biang mới ra mắt bạn đọc.

Theo diễn tiến của câu chuyện và dự định ban đầu của Nguyễn Nhật Ánh, Chuyện xứ Lang Biang đáng lẽ phải kéo dài 6 tập nhưng do mất nhiều thời gian viết (trung bình 1 năm một tập) nên ông quyết định rút ngắn thành 4 tập. Ngày 23/10/2006, bộ truyện ra tập cuối cùng (tập 28 khổ nhỏ), kết thúc cuộc phiêu lưu của hai nhân vật chính Nguyên và Kăply.

Nguyễn Nhật Ánh viết bộ truyện này với trong thời điểm truyện dịch đang rất phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là bộ truyện phù thủy nổi tiếng gây sốt toàn thế giới Harry Potter. Trong một buổi phỏng vấn, ông tâm sự:

Tôi muốn đem lại nhiều tác phẩm cho trẻ em khi trào lưu truyện dịch ở ta đang nở rộ. Nhưng trách nhiệm và tự ái của một nhà văn nội không cho phép mình chịu thua.

Nguyễn Nhật Ánh không cho rằng đây là sự "chạy theo trào lưu" mà ông muốn thiếu nhi Việt Nam được đọc những câu truyện thần thoại do chính các nhà văn Việt Nam viết. Với sự ra đời của tác phẩm này, Nguyễn Nhật Ánh hi vọng đây sẽ là bước khởi đầu cho sự ra đời những tác phẩm mới với nội dung và cách thể hiện phong phú, đa dạng và hấp dẫn.

Tác phẩm còn thu hút độc giả bởi sự gần gũi và thân thuộc đậm bản chất văn hóa Việt. Tên các nhân vật mang đậm màu sắc Tây Nguyên và đặc biệt là địa danh Lang Biang, mặc dù Lang Biang trong truyện là của một thế giới hoàn toàn khác. Ý định của tác giả là vừa muốn mang yếu tố khác lạ cho câu chuyện, đồng thời vẫn giữ được bản sắc truyền thống của Việt Nam.

Khác với Harry Potter, cái ác và cái chết trong Chuyện xứ Lang Biang không được đẩy đến tận cùng, đôi khi nhà văn dùng giọng văn hài hước để làm nó nhẹ nhàng hơn. Theo ông, viết văn cho thiếu nhi thì không nên viết quá nặng nề bởi "Trẻ em khác người lớn, tâm hồn mỏng manh, trong sáng như cây non, nhận thức chưa chín, kinh nghiệm sống chưa có, đem giông bão đến cho các em để làm gì?" Truyện còn mang tính nhân bản sâu sắc ở việc đề cao những giá trị cao đẹp của tình bạn, được thể hiện qua những khó khăn và thử thách. Nhà văn chủ trương không xây dựng hình tượng anh-hùng-cá-nhân như hầu hết các truyện nước ngoài khác. Đây cũng chính là một trong những điểm đặc trưng rõ nét của truyện Nguyễn Nhật Ánh.

Nguyên và Kăply là hai đứa trẻ ở làng Ke, bị bắt cóc vào xứ Lang Biang - thế giới phù thủy, bởi K'Brăk và K'Brết và người chủ mưu là ông K'Tul. Dưới lốt của K'Brăk và K'Brết, cả hai trở thành tiểu chủ nhân bất đắc dĩ của lâu đài K'Rahlan, kết bạn với Êmê, K'Tub, Suku và Păng Ting - những đứa trẻ cùng lứa. Là kẻ tử thù của lâu đài K'Rahlan, sứ giả thứ ba của trùm Hắc Ám là Baltalon đã sai con chim cắt Boumboum gửi đến K'Brăk (tức Nguyên) một pho tượng tạc chính hình K'Brăk. Theo thông lệ, bất cứ ai nhận được pho tượng của chính mình do Baltalon gửi tới, người đó coi như đã lãnh án tử hình. Đúng 30 ngày sau khi gửi đi pho tượng, Baltalon sẽ tìm đến nạn nhân để lấy mạng, vì vậy hắn được mệnh danh là "Sát thủ ngày thứ 30". Không ngờ đến ngày định mệnh đó, Baltalon lại tiêu tùng bởi một nguyên nhân hoàn toàn bất ngờ: nặn tượng K'Brăk nhầm tay trái với tay phải. Nhưng trùm Hắc Ám không chỉ có một tên sứ giả. Cùng lúc đó, Nguyên và Kăply phải đến học trường Đào tạo Tài năng Đămri, ngôi trường phù thủy lớn nhất của xứ Lang Biang, trong lốt K'Brăk và K'Brết. Từ đây mọi chuyện mới thực sự bắt đầu với một âm mưu mới...

"CHUYỆN XỨ LANG BIANG- TẬP 1"

Cầm quyển sách mới trên tay cứ ngỡ sẽ được phiêu lưu và chìm đắm trong một khung cảnh tuổi thơ. Ấy mà, than ôi! Bác Nguyễn Nhật Ánh cũng biết viết truyện viễn tưởng luôn vậy. Một tác phẩm đi lệch với quỹ đạo mà xưa nay mình biết về sách của bác Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm “Chuyện Xứ Lang Biang” gồm 4 tập lận nhưng mình thì mới đọc được quyển 1 thôi. Hì, từ từ mình sẽ tìm đọc thêm cho đủ bộ.


Với tập 1 này, những trang đầu vẫn là ngôi làng, ở đây là làng Ke và những đứa trẻ: Nguyên và Kăply, rồi thầy giáo già. Câu chuyện nếu cứ đi theo mô típ ấy thì không có gì đáng nói. Những sự kiện lạ đã xảy ra trên Núi Phù Thủy, ngọn núi án ngữ ở đó như một thứ “Tabu” đối với dân làng Ke. Nguyên và Kăply đã vượt qua “Tabu” ấy (tức một thứ cấm kỵ, kiêng kỵ) nhưng hai thằng bạn thân đã cùng nhau khám phá ngọn núi phù thủy. Lần thứ nhất, mọi thứ diễn ra thành công ngoài mong đợi. Nhưng đến lần thứ hai, một sự dịch chuyển đã xảy đến, Nguyên và Kăply thấy mình ở trong một thân xác khác và cũng ở một thế giới khác, một thế giới kỳ lạ, nơi người ta học thần chú và ăn những món ăn kỳ lạ.


Theo chân hai cậu bé cùng khám phá thế giới mới, thì ra Nguyên ở thế giới này là chủ nhân của một lâu đài và vướng vào 1 cuộc săn của tay sứ giả thứ ba của phe hắc ám, tên là Baltalon. Vậy ra, Nguyên ở thế giới này thuộc về phe chính diện. Còn Kaply vào vai cậu bạn, con của người đang nuôi dưỡng Nguyên, sau khi ba mẹ Nguyên mất tích sau cuộc chiến với phe tà.


Tập 1 của tác phẩm dừng lại và đem đến một mớ lùng bùng. 27 ngày nữa Nguyên có chết hay không như lời đe dọa của sứ giả thứ ba, Baltalon? Rồi bí mật giữa ông K’tul và bà Êmô là gì? Liệu có được phanh phui?


Chúc các bạn đọc sách thật vui. Khi nào mình được đọc tập 2 mình sẽ viết cho các bạn nhé.

Không dám tự nhận là "fan ruột" của chú Nguyễn Nhật Ánh nhưng non nửa tác phẩm của chú tôi đã đọc qua, tôi thích cách viết của chú, gần gũi với lứa tuổi thanh niên. Đó là những câu chuyện bình dị, rất gần rất thật với cuộc sống, những câu chuyện tình yêu, cuộc sống tuổi học trò, hóm hỉnh nhưng cũng đầy cảm xúc.


Lần này, không phải một câu chuyện về tình yêu như đa số tác phẩm của chú, có lẽ vì vậy mà đến giờ tôi mí đọc nó mặc dù đây là một trong những tác phẩm hay của chú. Cho tới đợt vừa rồi trong chuyến du lịch Đà Lạt, được đặt trên lên "Xứ Lang Biang" tôi mới tò mò đọc nó.


Được ví như "Harry Potter của Việt Nam", đây là một câu chuyện viết về vùng đất phù thủy ở xứ Lang Biang, li kì hấp dẫn, mà lại rất gần gũi, vì là phù thủy xứ ta mà!


Câu chuyện được chia là 4 tập: Pho tượng của Baltalon, Biến cố ở trường Đămri, Chủ nhân núi Lưng Chừng, Báu vật ở lâu đài K'Rahlan. Lần lượt theo chân hai đứa trẻ làng Ke là Nguyên và Kăply, vì tò mò mà lạc vào thế giới phép thuật, ở đây 2 cậu đối mặt với nhiều rắc rối cũng như nguy hiểm chết người. Những tình tiết của truyện đưa người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Những bất ngờ ấy cứ liên tiếp, liên tiếp. Càng ngày, "Chuyện Xứ Lang Biang" càng ly kỳ, hấp dẫn, càng cuốn hút tôi hơn. Có những lúc, trái tim ta cũng xao xuyến, bâng khuâng, cảm nhận được vị ngọt ngào của những xúc cảm đầu đời. Những rung động mới mẻ, khó hiểu nhưng cũng thật thú vị, nhiều lúc còn đem lại nụ cười hóm hỉnh, mang đậm phong cách văn Nguyễn Nhật Ánh. Đó là nét xấu hổ rất đáng yêu của Êmê. Đó là sự né tránh của Nguyên vì ngượng. Hay đó là sự lúng túng của Kăply, sự lo lắng của Mua khi nghĩ rằng K’Brêt đã chết.


Cả câu chuyện mang nét nghịch ngợm trẻ trung của tuổi hồng, khác với Harry Potter, cái ác và cái chết trong “Chuyện Xứ Lang Biang” không được đẩy đến tận cùng, đôi khi nhà văn dùng giọng văn hài hước để làm nó nhẹ nhàng hơn. Tưởng chừng chỉ là những câu chuyện huyền bí trong thế giới kỳ ảo nhưng khiến ta phải suy ngẫm, liên tưởng chiêm nghiệm về cuộc đời. Và như bao tác phẩm khác của chú, mỗi khi kết thúc đều để lại cho tôi một cảm xúc mênh mang, những suy nghĩ, dư âm sâu lắng.


Nếu bạn nào chưa đọc tác phẩm này, thì có cả một thế giới kỳ bí đang chờ bạn phiêu lưu và khám phá đó. Tin tôi đi bạn sẽ không lãng phí thời gian khi đọc nó đâu.