Ở thời đại 4.0 này, chúng ta có xu hướng bận rộn hơn rất nhiều, ai cũng có sự mệt mỏi và áp lực mà đôi khi không thể chia sẻ cho người khác được. Hầu như khá nhiều chia sẻ, họ còn đang vật lộn với chính bản thân mình chứ huống hồ có thời gian để nhìn ngắn và giúp đỡ xung quanh. Không những vậy mà ở xã hội này, hiện tại tình cảm của chúng ta dành cho nhau có vẻ có nhanh, quá chớp nhoáng. Người ta vội vàng tìm đến nhau để chia sẻ và thỏa mãn điều gì đó cho chính mình và cho người kia, như thể những cuộc giao dịch, như kiểu chỉ cần cái hiện tại của thời điểm đó, không toan tính quá nhiều đến tương lai sau này có những cam kết gì hay còn có thể phù hợp đi cùng nhau hay không. 


Không những vậy mà thế giới này ngày càng nhiều vấn đề, nỗi đau của nhân loại, chúng chất chồng và khiến chính người đó không tìm được lối thoát cho mình, khiến họ phải chạy trốn và đôi khi là những cách giải quyết khá tiêu cực. Bởi vậy mà chúng ta cần học được cách tự chữa lành cho chính mình, lắng nghe bản thân cũng như mở lòng lắng nghe xung quanh, sẵn lòng giúp đỡ và san sẻ với những người khác. Nghe đến “cho đi” “giúp đỡ” dường như mỗi người đều cảm giác mình phải nên làm những chuyện thực sự lớn lao một chút, được công nhận từ nhiều người. Tuy nhiên, thực ra, giá trị của nó lại thực sự đơn giản hơn rất nhiều. Có những sự giúp đỡ hay cho đi chỉ đơn giản là cho họ một chiếc ôm thật ấm áp, dành thời gian lắng nghe họ nhiều hơn một chút, cùng nhau trải qua quãng thời gian yên bình với nhau. 

Chúng ta vẫn luôn dành sự mềm mỏng, yếu đuối và sâu kín nhất trong lòng mình với những người, vấn đề mà ta thực sự quan tâm. Bởi vậy mà khi chính bản thân có đủ dũng khí để bày tỏ, có đủ tự tin để nói cho người khác biết điều khiến mình trăn trở thì đó như nền tảng đầu tiên cho sự sẵn sàng của bạn để cho đi. Bởi mình đã đọc được ở đâu đó: ”Bạn sẽ chẳng thể nào chữa lành cho bất cứ ai hay bản thân mình nếu bạn cứ giả vờ không đau, không buồn với những thứ khiến bạn bận lòng ấy”. Chúng ta đều là những đứa trẻ đang học lớn hay nhiều hơn một chút là những người vừa trưởng thành về ngoại hình đang học cách thích nghi với cuộc sống của người trưởng thành thực thụ. Bởi vậy với chính bản thân hay những người xung quanh, nụ cười, sự san sẻ đến từ vật chất hay tinh thần được xuất phát từ sự chân thành thực sự rất đáng quý và trân trọng. Có một câu nói mà tôi cực kỳ thích và là động lực cho tôi thời gian khó khăn vừa qua: “To the world, you are a person, To a person, you are the world”. Câu nói ấm áp nhất mà tôi từng được nghe. Nó được dịch ra là: “Đối với thế giới, bạn chỉ là một người, Đối với một người, bạn là cả thế giới”. Người đó có thể là cha mẹ của bạn hoặc sau này là người yêu bạn rất nhiều. Và với họ, sự hiện diện và vui vẻ, hạnh phúc của bạn đã là món quà vô giá rồi. Còn một thứ đặc biệt nữa là khi bạn biết cách cho đi thì người nhận được đầu tiên chính là bản thân bạn. Bản thân chúng ta là người đi cùng mình lâu nhất, như ai đó đã từng nói, bạn có thể lừa dối người này, đối xử không đúng với người kia nhưng phải sống nghiêm túc và thành thật với chính mình. 

Bởi vậy mà tôi từng nghe ở đâu đó, họ từng nói là: “Cuộc sống là quá trình trao tặng và đón nhận không ngừng, mỗi người trong chúng ta là một mắt xích quan trọng trong vòng liên kết ấy. Vì vậy, đừng do dự khi mở rộng lòng mình với mọi người”. Và trong chính trải nghiệm cuộc sống của mình, tôi cũng dần trưởng thành, lớn lên và nhận ra rằng, không ai là có thể tồn tại độc lập như một cá thể tách biệt với cộng đồng nói chung và những người xung quanh nói riêng. Con người là những sinh vật cảm tính nên việc chúng ta không kết nối, liên lạc và có tương tác với những người ta tiếp xúc gần gũi thực sự là một điều rất khó chịu. 


Chính từ đó mà ở cuốn “Cho Đi Là Còn Mãi” của hai tác giả Azim Jamal & Harvey McKinnon có viết: ”Sự chia sẻ cũng làm giảm bớt đi những nỗi sợ hãi, nhàm chán trong cuộc sống của chúng ta do nó thúc đẩy những mối giao tiếp xã hội và làm tăng cảm giác sống có mục đích, cảm giác an toàn cho mỗi người."


  Một kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy, những người xem nhiều tin tức trên truyền hình thường lo sợ thái quá về mối hiểm nguy đối với cuộc sống bình yên, hạnh phúc của họ. Nguyên do là vì phần lớn các chương trình truyền hình đều tập trung đưa thêm những bản tin, những hình ảnh rùng rợn, bất an, làm nảy sinh tâm lý hoang mang, sợ hãi trong lòng khán giả.

Và đáng ngại hơn, cuộc sống hiện đại đang xuất hiện ngày một nhiều “những cái kén người” tìm cách sống thu mình. Nói cách khác, những người này chỉ muốn tự nhốt mình trong tháp ngà của những mối quan hệ với người thân mà tự đánh mất dàn mối quan hệ với hàng xóm. Chính lối sống ích kỷ này càng làm cho họ dễ bị kẻ xấu tấn công và dễ gặp những chuyện nguy hiểm hơn.


Cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ hãi là hãy đối mặt với chúng, từ đó bắt đầu một quá trình tạo nên sự khác biệt. Cội nguồn của mọi hiểm nguy đều xuất phát từ hệ quả của những mặt trái xã hội, nhưng thường thì chúng ta không dám nhìn thẳng vào vấn đề này. Bản chất của sự việc diễn ra không quan trọng bằng cách mà chúng ta đón nhận những sự việc đó. Chúng ta cần có thái độ thích hợp để làm giảm thiểu những nguyên nhân gây ra mọi bất ổn trong cuộc sống của mình.”


Đôi nét về tác giả


Azim Jamal là một diễn giả tâm huyết, là chủ tịch và là nhà sáng lập của Corporate Sufi Worldwide Inc, mà ở đây ông truyền đi thông điệp về mô hình doanh nghiệp hoàn thiện quan tâm đến các giá trị xã hội vào năm 2007. Ông là đối tác kỳ cựu của một hãng kế toán trong hơn 15 năm trước khi chuyển từ “kế toán trong kinh doanh” sang “kế toán cho quốc đời” sau một chuyến đi làm tình nguyện với những người tị nạn ở Afghan ở Pakistan. Từ đó ông dành ra 20 giờ mỗi tuần trong suốt 25 năm để làm tình nguyện. Ông trở thành tác giả có sách bán chạy nhất của Amazon năm 2005 và 2009, trở thành tác giả có sách bán chạy nhất của Barnes & Noble (tháng 10/2009), dành giải thưởng Nautilus Gold Award (tháng 5/2009). Hiện ông đang sống với gia đình ở Vancouver, Canada.

Harvey McKinnon là một chuyên gia gây quỹ, một diễn giả tâm huyết, một nhà văn và người huấn luyện kỹ năng. Ông đã giúp gây được hàng trăm triệu đô la cho các tổ chức phi lợi nhuận từ tổ chức Amnesty International tới UNICEF. Ông còn sản xuất nhiều phim tài liệu dành giải thưởng, cũng như làm việc trong ban điều hành của nhiều công ty và các tổ chức phi lợi nhuận. Hiện ông đang sống cùng gia đình ở Vancouver, Canada. (Theo https://ebook.waka.vn/) .

Cả hai tác giả cùng tâm sự rằng, họ rất may mắn khi có nhiều cơ hội để chia sẻ những điều tốt đẹp với mọi người trong cuộc sống, và họ xem đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của đời mình. Sau nhiều năm nỗ lực phục vụ cộng đồng, cả hai đều tích lũy được những kinh nghiệm sống phong phú, cảm nhận được nhiều niềm vui và càng hiểu rõ hơn chân giá trị của sự chia sẻ. 

Một trong những lí do để hai tác giả gặp gỡ nhau và cùng viết quyển sách này là vì cả hai đều yêu thích việc học hỏi, tìm kiếm kiến thức và muốn truyền lại cho người khác. Họ nghĩ rằng điều này sẽ giúp ích được cho rất nhiều người và góp phần làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Hai ông rất thích thú khi tự nhận thấy mình giống như những người mà tác giả Malcolm Gladwell mô tả trong quyển sách The Tipping Point: Luôn tìm cách tiếp thu kiến thức, học hỏi, trải nghiệm những điều mới mẻ và luôn có một sự thôi thúc sâu xa từ bên trong là muốn được chia sẻ những điều tốt đẹp này với nhiều người khác.


Vài nét về cuốn sách

Ta có thể không bao giờ biết được sức mạnh của tình yêu thương mà ta đã trao cho người khác. Tình yêu đó giống như đốm lửa, một khi được nhóm lên sẽ mãi mãi tỏa sáng  và không bao giờ lụi tắt. Sự chia sẻ giúp ta tìm được ý nghĩa đích thực của cuộc sống, xóa bỏ trong ta những lo âu, sợ hãi và cảm giác cô đơn lạc lõng giữa dòng đời… Hơn thế nữa, ta nghiệm ra rằng: cho và nhận đều mang đến hạnh phúc. Cho không có nghĩa là mất đi, nhưng đó là lúc ta được nhận lại rất nhiều – dưới muôn vàn hình thức khác  nhau. Chính vì vậy mà cuốn “Cho đi là còn mãi” với thông điệp đơn giản mà vô cùng sâu sắc đã chạm đến tim rất nhiều độc giả. 


Ở đây không có quá nhiều lý luận, từ ngữ chuyên ngành phân tích cầu kỳ mà chỉ đơn giản là những câu chuyện minh chứng, những đúc rút của chính hai tác giả khi trải nghiệm và chứng kiến nhiều sự kiện liên quan đến “Cho đi” và “Nhận lại”. Như một tác giả khác có để lại nhận xét sau khi đọc xong “Cho đi là còn mãi”: “Bất cứ ai đọc cuốn sách này đều nhanh chóng bị ảnh hưởng bởi những gì mà tác giả gọi là virus của sự chia sẻ, và do vậy, thế giới này sẽ trở nên tươi đẹp hơn rất nhiều."

Cũng từ đó mà chỉ với năm chương, tác phẩm đã khái quát được những bài học quý giá, những giá trị nhân văn cao cả từ hai nhà hoạt động xã hội, có cống hiến đáng nể và là hai tác giả được yêu quý thời điểm bấy giờ cho đến hiện tại:

  • Chương 1- Sức mạnh của sự chia sẻ;
  • Chương 2- Những món quà từ trái tim; 
  • Chương 3- Những người cần chia sẻ;
  •  Chương 4- Học cách chia sẻ;
  •  Chương 5- Biết từ bỏ.

Cảm nhận cá nhân về cuốn sách

CHƯƠNG 1: SỨC MẠNH CỦA SỰ CHIA SẺ


Có một sự thật mà chính tôi cũng không thể phủ nhận là Gen Z hiện tại nói riêng và thế hệ trẻ bây giờ đang bước vào một giai đoạn khá cao của sự phát triển, tỷ lệ thuận với đó là những áp lực, khối lượng công việc lớn hơn cũng như sự kỳ vọng ở những thế hệ trước và chính bản thân họ nên đôi khi có những việc, suy nghĩ và lối suy nghĩ đề cao bản thân hơn mà đôi khi quên đi mất sự chia sẻ và kết nối với mọi người xung quanh. Các thiết bị di động, điện tử, không gian mạng xã hội trở thành nơi họ “sống thật” với con người của mình nhất, những điều không dám nói ra, những tâm sự không thể bộc bạch. Tuy nhiên, có một thứ rất đáng quý ở thế hệ chúng ta là động lực và sức trẻ, những con người dễ dàng nhận được năng lượng tích cực từ bên ngoài để thúc đẩy động lực trong họ rời đi những thói quen, lối sống và công việc hiện tại để chung tay với những người xung quanh, giúp ích cho cộng đồng và xã hội. 

Thực sự khách quan mà nói, chính ở bản thân tôi hoặc những người trẻ xung quanh, họ không chỉ đơn thuần là công việc học tập ở giảng đường đại học mà còn có những công việc cho riêng mình để không ngừng xây dựng bản thân, học hỏi và trau dồi kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng thực tế cho ngành học của mình, có công việc kinh doanh, có lối tư duy và sắp xếp thêm những khoảng thời gian để thư giãn, khám phá thế giới bên ngoài. Tất cả như là không đủ với 24h một ngày để chúng tôi thực hiện hết những điều muốn làm và yêu cầu nghiêm khắc cho chính mình. Đó cũng là lý do tại sao có đôi khi chúng ta cũng tự hoài nghi rằng: “Tại sao tôi phải mất thời gian quan tâm đến việc chia sẻ trong khi chính mình còn chưa đủ sức?” hay: “Chính tôi còn đang vật lộn với mớ hỗn độn của mình thì lấy đâu sức lực và nguồn lực để san sẻ hay giúp đỡ người khác?”, “Sao không phải là người khác giúp đỡ và thông cảm cho tôi?”...  Thật ra, sự chia sẻ có một sức mạnh lớn lao mang lại niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe cho chính bạn. Trong chương này, chúng tôi hy vọng giúp bạn thấy, dù đang sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả khi bạn đang gặp một số khó khăn trong cuộc sống, bạn vẫn có khả năng để chia sẻ với người khác. 


Có lẽ cũng vì điều đó mà trong cuốn sách, hai tác giả có kể đến một câu chuyện cực kì cảm động. Điều diệu kỳ của sự chia sẻ đã đến và làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bé Carlie. Khi lên ba, Carlie là một cô bé khỏe mạnh bình thường, cho đến một ngày cô bé bị một cơn sốt rất nặng hành hạ. Sau khi đưa Carlie nhập viện, cha mẹ của em – ông bà Russ và Lynette – đã rất đau buồn và choáng váng khi nghe tin con gái mình mắc bệnh ung thư. Đó là một căn bệnh vô cùng quái ác, chính vì thế mà trong suốt quá trình chữa trị cho Carlie, cha mẹ của em không thể làm gì hơn ngoài cầu nguyện. Trong gần mười tháng trải qua nhiều đợt hóa trị, cô bé luôn khao khát thực hiện được ước mơ của mình, đó là được đến bờ biển Sea World. Bà ngoại của Carlie đã thỉnh cầu Tổ chức thực hiện ước mơ (Make-A Wish Foundation) ở Canada để giúp cô bé thỏa nguyện mơ ước. Đây là một trong những tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới, có chi nhánh ở ba mươi hai quốc gia. Tổ chức này được thành lập nhằm mục đích đáp ứng nguyện vọng đặc biệt của các trẻ em mắc những căn bệnh hiểm nghèo. Ba tuần trước khi nhận được lời đáp ứng cho ước nguyện của mình là đến được bờ biển Seaworld, bé Carlie bất chợt lại bị viêm phổi, rồi bị cúm. Sáu ngày sau, Carlie rơi vào tình trạng hôn mê. Các bác sĩ nói với cha mẹ Carlie rằng cô bé chỉ còn hai mươi phần trăm cơ may sống sót mà thôi. Bệnh tình của Carlie mỗi lúc càng nặng hơn. Sau mười bảy ngày vẫn còn ở trong tình trạng hôn mê, phổi bị mất đi chín mươi tám phần trăm dung tích hoạt động. Cơ thể được nối với 13 ống trợ giúp, cô bé bị liệt hoàn toàn. Các bác sĩ chẩn đoán cô bé không thể sống đến cuối tuần. Sau này, ông Russ nhớ lại: “Thật không thể tưởng tượng được nỗi bàng hoàng của chúng tôi khi nghe tin dữ, đứa con gái bé bỏng của chúng tôi sẽ không thể qua khỏi!”. Khi hết ca trực vào đêm thứ Sáu, các cô y tá đã nói lời từ biệt với bé Carlie, nhưng vào sáng ngày thứ Hai tuần sau, họ vô cùng ngạc nhiên khi thấy ông Russ vẫn còn lưu lại trong bệnh viện. Điều kỳ diệu đã xảy ra: Bé Carlie đã tỉnh lại! Cơ thể cô bé đã bị mất đi phân nửa trọng lượng. Mười hai ngày sau, Carlie được đưa lên trực thăng bay đến bờ biển Sea World. Tại đây, cô bé đã thực hiện được niềm mơ ước của mình là bơi lội cùng bầy cá voi. Hai tuần sau, Carlie trở về nhà. Lúc này, cô bé đã đủ khỏe để chạy đến ngã vào vòng tay âu yếm của bà ngoại! Có thể nói, sự bình phục của bé Carlie thật đáng kinh ngạc. Ngày hôm nay - 5 năm sau sự kiện đáng nhớ đó, Carlie là một cô bé tràn đầy sức sống và khỏe mạnh. Cha cô - ông Russ - đã hạnh phúc thổ lộ rằng, ông là một trong những người may mắn nhất trên đời. Ông cảm nhận được rằng đứa con gái bé bỏng, yêu quý của mình đã được trao tặng sự sống. Ông nói: “Nhiều em nhỏ khác tuy không có may mắn được sống lại từ bệnh tật như Carlie, nhưng những ước mơ ấp ủ trong lòng của chúng cũng được đáp ứng nhờ có những tổ chức làm công việc từ thiện như Make- A- Wish Foundation”. Là một người cha suýt bị mất đứa con gái yêu dấu của mình, tôi muốn nói rằng: “Nếu thực sự khao khát và quyết tâm, bạn có thể đạt được những gì mình mong muốn”.


Mơ ước của cô bé Carlie được trở thành hiện thực là nhờ có khoảng 170 nhà hảo tâm từ khắp nơi đã gửi tiền quyên góp cho Make- A-Wish Foundation ở Canada. Những nhà hảo tâm này tuy chưa từng gặp Carlie, nhưng họ đã sẵn lòng chia sẻ mà không hề biết câu chuyện của cô bé. Khi đóng góp tiền, họ chỉ hy vọng là có thể giúp đỡ một đứa trẻ bị bệnh nào đó; và thế là, qua việc làm của mình, họ đã chia sẻ một quà tặng với cuộc đời. Hiện nay, ông bà Russ cũng đang tình nguyện làm việc cho tổ chức này như là một sự tri ân để trao tặng lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Hai ông bà thường xuyên đi khắp nơi kể lại câu chuyện của họ, câu chuyện về giá trị của sự chia sẻ, để quyên tiền tiếp tục tìm cách giúp đỡ những trẻ em kém may mắn khác. Câu chuyện của Carlie cho chúng ta thấy sự chia sẻ luôn mang lại niềm vui, hạnh phúc, sức khỏe, và thậm chí là cả sự sống cho con người. 


Lời kết


Dù là vật chất hay tinh thần thì những điều tử tế, chân thành và ấm áp chúng ta trao nhau không chỉ giúp những người đó ở thời điểm nhận được mà hạt giống tốt lành một khi được gieo xuống thì sẽ thật mạnh mẽ mà thoát ra khỏi vỏ bọc và vươn lên tràn đầy sức sống. “Cho đi là còn mãi” là không chỉ đơn thuần là một cuốn sách truyền cảm hứng. Đây còn là một lối sống, một nguồn động lực và những minh chứng sống cho một độc giả như tôi. Chính bởi thế, tôi thực sự mong muốn, nếu có cơ hội, bạn hãy tìm đọc và chiêm nghiệm những giá trị quý báu đó nhé!


Thân ái.

Tóm tắt bởi: Ngọc Anh (Nguynanh

Hình ảnh: Ngọc Anh - Bookademy






----------------------------




Xem thêm

Tôi biết vẫn còn rất nhiều người ôm ấp trong lòng một vết thương để rồi đóng cửa trái tim vĩnh viễn. Có rất nhiều người giấu mình nơi vỏ ốc kín bưng, quay lưng với thế giới và tự nhủ “thế giới đang quay lưng với mình”. Có rất nhiều người lại theo chủ nghĩa vị kỷ, chỉ biết đến một thứ tình yêu duy nhất - yêu bản thân mình… Họ vô tình hay cố ý quên mất rằng, cuộc sống ngoài kia vẫn còn biết bao điều thú vị. Còn biết bao người cần sự quan tâm, cần một vòng tay, cần sự giúp đỡ và cũng có rất nhiều người sẵn sàng yêu thương và sẻ chia với họ. Ngay cả tôi nhiều lúc cũng vậy. Nhưng đã đến lúc gạt mọi nghi ngờ đi để sống một cuộc sống "cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim". Hãy thôi hoài nghi. Sống đơn giản Tâm hồn bạn sẽ rộng mở, mọi thứ trở nên tươi đẹp, và hạnh phúc không còn là một khái niệm mơ hồ khó định nghĩa tỏ tường. “Cho đi và còn mãi”, một cuốn sách nhỏ nhưng đủ sức lôi cuốn người ta lật giở từ những trang đầu tiên cho đến tận lời kết cuối cùng. Azim Jamal và Harvey McKinnon đã chứng minh cho tôi thấy rằng, bản thân cũng việc họ đang làm cũng là một sự chia sẻ - chia sẻ nguồn cảm hứng. Và tôi hy vọng bạn cũng như tôi, sẽ cảm thấy cuộc sống phong phú, ý nghĩa hơn rất nhiều khi ta biết cách cho đi. Bởi, cho đi là còn mãi!