“Cũng giống như những người trẻ khi “lên chức” cha mẹ, các nhà quản lý cần học hỏi ngay từ công việc. Họ chịu trách nhiệm về cuộc sống của những người khác, vì thế họ buộc phải ra quyết định và hành động trước cả khi họ biết chính xác mình cần làm gì. Và như những ông bố, bà mẹ trẻ kia, các nhà quản lý cũng trưởng thành nhờ kinh nghiệm. Khi họ đương đầu với thử thách, họ mới xem xét bản thân và thế giới bằng một cái nhìn khác.” (Trích phần Lời giới thiệu trong cuốn sách “Cẩm Nang Quản Lý - Becoming A Manager” bởi Linda A. Hill)
Liệu trên đời có công thức nào để tạo ra một nhà quản lý hoàn mỹ không? Nếu như việc trở thành một nhà quản lý chỉ cần đọc những công thức hay bí kíp trong sách, có phải việc này đã quá dễ dàng hay không? Các nhà quản lý “được sinh ra” hay “được tạo ra”?
Nhà quản lý là một nhân tố không thể thiếu ở bất cứ tổ chức, đội nhóm đang hoạt động nào. Bản thân chúng ta phần nào cũng có những kỹ năng, hay phẩm chất của một nhà quản lý vì chính chúng ta đang quản lý rất nhiều công việc diễn ra hàng ngày của mình. Nếu như thế giới thiếu đi những nhà quản lý, trật tự xã hội và con người sẽ biến mất, và thay vào đó là sự hỗn loạn, vô tổ chức. Ý nghĩa trong sự tồn tại của nhà quản lý đã vượt lên những chức năng như gìn giữ sự khoa học về mặt tổ chức, hay dẫn dắt đội ngũ nhân viên cùng đạt được những mục tiêu chung bởi vì nhà quản lý còn đóng vai trò tương đồng như những người làm bậc cha mẹ, chính là quan tâm, chăm sóc cho những người làm việc cùng mình. Những bài học về việc trở thành nhà quản lý sẽ được phân tích, giải đáp trong cuốn sách “Cẩm Nang Quản Lý - Becoming A Manager”, được chắp bút bởi tác giả Linda A. Hill.
Về tác giả và tác phẩm:
Tác giả Linda A. Hill là giáo sư chuyên ngành Hành chính Kinh doanh thuộc Trường Kinh doanh Harvard, và đồng thời là người phụ trách phát triển các nhà lãnh đạo mới và ứng xử trong tổ chức của chương trình MBA. Bà là tác giả của nhiều cuốn sách về quản lý như Becoming a manager: Mastery of a New Identity, Power and Influence Customized Course Module, và là đồng tác giả của cuốn Managing your career và Managing Teams. Bà cũng nhận được nhiều giải thưởng về các chương trình phát triển và quản lý truyền thông như High Performance Management, Coaching và Managing for Performance. Các hoạt động đào tạo và tư vấn của giáo sư Hill còn được mở rộng ra các lĩnh vực như quản lý, sự chuyển đổi, quản lý các mối quan hệ liên chức năng, toàn cầu hóa, quản lý sự nghiệp, phát triển năng lực lãnh đạo. Bà đã từng cộng tác với nhiều tổ chức, bao gồm Cabot Corporation, General Electric, IBM, Novo Nordisk, Molex International, PricewaterhouseCoopers, National Bank of Kuwait, Morgan Stanley Dean Witter. Giáo sư Hill hiện là thành viên ban giám đốc của tập đoàn State Street Corporation and Cooper Industries, Trustees of the Rockefeller Foundation, Bryn Mawr College, và The Children’s Museum. Bà cũng là thành viên ban tư vấn của American Repertory Theatre, Independent Means và Getty Leadership Institute for Museum Management.
Cuốn sách “Cẩm Nang Quản Lý - Becoming A Manager” được xuất bản vào năm 2014, thuộc dòng sách Harvard Business Review. Cuốn sách là sự đúc kết, nhìn nhận, quan sát của tác giả không chỉ về những kiến thức, kỹ năng mà một nhà quản lý cần biết mà còn chứng minh rằng sự chuyển tiếp thành một nhà quản lý không chỉ giới hạn ở việc đạt được các quyền hạn hay xây dựng các mối quan hệ, mà còn là sự biến đổi sâu sắc khi một cá nhân học được cách suy nghĩ, cảm nhận và đánh giá như những nhà quản lý. Bà Ellen Kamp - giám đốc điều hành Trung tâm học hỏi và phát triển, Morgan Stanley - đã có những đánh giá như sau về cuốn sách: “”Cẩm nang quản lý” chứa đựng những quan điểm sáng suốt dành cho các nhà quản lý trẻ và cả những nhà quản lý kỳ cựu, đồng thời là nguồn thông tin vô giá cho cấp lãnh đạo trong việc điều hành các nhà quản lý.”
Về nội dung tác phẩm:
Khác với các cuốn sách được viết về việc quản lý, cuốn sách “Cẩm Nang Quản Lý - Becoming A Manager” không tập trung vào việc nhà quản lý cần có năng lực ra sao, mà tập trung vào các kỹ năng liên quan đến mặt tinh thần, xã hội mà nhà quản lý cần có khi trực tiếp điều hành đội nhóm và công việc. Hay nói cách khác, cuốn sách tập trung khai thác việc một người nếu trở thành cấp quản lý cần xây dựng cho mình tư duy và cách hành xử như thế nào. Và những gì được viết trong cuốn sách này không phải là lý thuyết suông hay chỉ là những lời khuyên với độ dài vừa đủ, có thể giúp những người mới trở thành quản lý có thể chủ động hơn khi mới bắt đầu công việc.
Nội dung cuốn sách giống như được sắp xếp theo trình tự từ khi một người trở thành một nhà quản lý, cho đến việc phát triển khả năng, tư duy đến những khía cạnh cá nhân trong lĩnh vực quản lý. Xuyên suốt cuốn sách, khía cạnh tâm lý học của nhà quản lý được khai thác nhiều. Chỉ riêng việc này cũng đã đủ để thể hiện bề dày kinh nghiệm cũng như cái nhìn đầy sự cảm thông mà tác giả dành cho những ai đang cầm trên tay cuốn sách này và nghiền ngẫm từng điều được răn dạy. Để trở thành một nhà quản lý, cá nhân đó phải trải qua vô vàn áp lực khác nhau. Và ngay cả khi đã trở thành một nhà quản lý, cá nhân đó cũng sẽ phải liên tiếp đối mặt với những áp lực to lớn khác. Tuy nhiên, với cuốn sách này, tôi tin chắc rằng những ai mới nhậm chức hay đã làm quản lý lâu năm đều có thể tích lũy được những kiến thức cần thiết từ cuốn sách này.
Trong phần đầu tiên của cuốn sách, tác giả đã nhấn mạnh rằng, nếu đứng ở chức vụ là một nhà quản lý, áp lực của chúng ta đến từ những kỳ vọng của sếp, của đồng nghiệp và của nhân viên về chúng ta. Chúng ta cần nhận biết một cách rõ ràng về những mong đợi đó vì những đối tượng khác nhau sẽ có những mong đợi khác nhau. Nhà quản lý được kỳ vọng trở thành người thương lượng với các đồng sự, người cố vấn - dẫn dắt - đi đầu - quản lý con người với cấp dưới và nhìn chung là trở thành một vị sếp. Làm sếp, hay làm quản lý đều đi kèm với sự kiểm soát, những quyền hạn và trách nhiệm nhất định. Khi đối diện với sự mới mẻ này, chúng ta thường có phần e ngại và sẵn sàng đón nhận những thử thách mới, nhưng chưa nhận thức được đầy đủ những mong đợi phức tạp, mang tính đòi hỏi và thường đối nghịch lẫn nhau từ những đối tượng khác nhau. Cho dù sự mong đợi đó là gì, những nhà quản lý cần phải làm những việc như sau: Xây dựng mạng lưới, lập chương trình, thiết lập lịch trình hoạt động, thấu hiểu bản thân, dung hòa nhân sự…
Và quan trọng nhất, mỗi một nhà quản lý đều đóng vai trò góp phần lan tỏa văn hóa lãnh đạo và học hỏi. Các nhà quản lý “được sinh ra” hay “được tạo ra”? Trở thành nhà quản lý là một đích đến, một mục tiêu và cũng là một quá trình không dễ dàng nhưng năng lực quản lý không phải là những thứ được học hỏi dễ dàng từ trường lớp, mà được học hỏi từ những trải nghiệm thực tế lâu dài, từ sự quan sát những nhà quản lý khác. Nhà quản lý là cầu nối làm việc giữa các cấp bậc nhân viên, các phòng ban, giúp cân đối hiệu quả công việc và giúp mọi người trong tổ chức có cảm giác an toàn tâm lý. Nhà quản lý có thể là tiếng nói của nhân viên, cũng có thể là người truyền đạt của ban lãnh đạo cấp cao. Họ có khả năng tạo ra một môi trường nơi mà sự mới mẻ được tiếp nhận và những cơ hội học tập trở nên rộng mở, giúp khuyến khích và truyền động lực cho rất nhiều nhân viên và đồng sự khác.
Đối với những nhà lãnh đạo cấp cao, đối với việc tìm ra những nhà quản lý phù hợp cần có sự thận trọng trong việc đánh giá mức độ phù hợp của những cá nhân được cân nhắc, không nên loại bỏ bất cứ ứng viên nào. Sau khi đã chọn được người phù hợp, việc tiếp theo cần làm chính là phát triển cá nhân được chọn trên một con đường phù hợp để người đó có thể phát huy năng lực của mình một cách tốt nhất: Khuyến khích việc tự học và tiếp tục nâng cao chuyên môn, sẵn sàng đón nhận các nhiệm vụ phát triển, đặc biệt là chủ động tìm kiếm những nhiệm vụ có tính thách thức và phát triển năng lực quản lý.
Cá nhân tôi cảm thấy những nội dung xuyên suốt cuốn sách không chỉ cụ thể, bám sát thực tế mà còn có khả năng truyền cảm hứng, động lực cho các độc giả. Khối lượng nội dung ở mức vừa đủ, dễ đọc và khuyến khích người đọc chủ động suy ngẫm, có những tìm hiểu sâu hơn. Là một người đang tích cực học hỏi về lĩnh vực quản lý, tôi cảm thấy những gì được phân tích trong cuốn sách rất hữu dụng, và là những lời khuyên sâu sắc dành cho những ai đang chập chững vào nghề. Đây là một cuốn sách nên được đọc thường xuyên để thấu hiểu nghề, và thấu hiểu những kỹ năng thiết yếu để thấu hiểu bản thân mình.
Lời kết:
Với giọng văn thẳng thắn, chuyên nghiệp, tác giả Linda A. Hill đã phần nào giúp khai mở những khía cạnh cá nhân và tâm lý học của lĩnh vực quản lý. Cuốn sách “Cẩm Nang Quản Lý - Becoming A Manager” hứa hẹn sẽ là một cuốn sách “gối đầu giường” với những bài học vỡ lòng, cảnh tỉnh cho những nhà quản lý ở hiện tại và tiềm năng trong tương lai vì con đường đến với vị trí quản lý không hề bằng phẳng và để trở thành một nhà quản lý giỏi lại càng khó hơn. Việc thăng tiến lên vị trí cao hơn, quan trọng hơn trong công việc là một cột mốc quan trọng trong cuộc đời của mỗi chúng ta, và chắc hẳn chúng ta cũng sẽ không mong muốn những cột mốc quan trọng đó lại mang đến cho chúng ta nhiều phiền muộn trong công việc. Tuy rằng con đường này không bằng phẳng, nhưng những nỗ lực bỏ ra đều xứng đáng. Chúc các độc giả thành công trên con đường quản lý cùng cuốn sách “Cẩm Nang Quản Lý - Becoming A Manager”.
Tóm tắt và Review bởi: Quỳnh Trang - Bookademy
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Tôi đã đọc cuốn sách này khi tôi mới trở thành một người quản lý. Mỗi khi có ai đó đến văn phòng của tôi và nói "Tôi muốn trở thành một người quản lý," tôi hỏi họ tại sao và liệu họ đã thực sự suy nghĩ về quá trình chuyển đổi này chưa? (Quá nhiều người muốn trở thành người quản lý vì họ nghĩ rằng điều đó "cần thiết" để tiến bộ trong sự nghiệp).
Cuốn sách cung cấp cái nhìn về những gì bạn sắp bước vào và hy vọng sẽ giúp bạn tránh những sai lầm phổ biến nhất mà tôi thấy xảy ra với những người quản lý mới hàng ngày.