Chỉ “rong chơi” trên trần thế 27 năm ít ỏi, đã 78 năm sau ngày rời xa cõi tạm, nhà văn Vũ Trọng Phụng vẫn kịp cho hậu thế những nhân vật đặc biệt, không chỉ tồn tại sinh động trên các trang sách, mà còn hiện hữu y như thật ngay giữa cuộc sống đương thời.

Những Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan, cậu em chã, những nghị Hách, Thị Mịch… đã định danh Vũ Trọng Phụng là một trong những nhà văn xuất sắc bậc nhất thế kỷ XX.

Đúng như nhà văn Ngô Tất Tố viết về Vũ Trọng Phụng trong số đặc biệt trên tạp chí Tao Đàn năm 1939: “Ông Phụng tuy chết, mười mấy tác phẩm của ông vẫn còn sống với mai sau. Thế cũng là thọ.”

“Ông Vua phóng sự Bắc Kỳ”

Vũ Trọng Phụng sinh ngày 20-10-1912, quê làng Hảo, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình nghèo. Ông chỉ được học hết tiểu học và phải đi làm để kiếm sống

Năm 18 tuổi, Vũ Trọng Phụng làm thư ký tại nhà Gô-đa, sau bị đuổi việc, ông xin vào làm nhân viên đánh máy Nhà in Viễn Đông và bắt đầu cầm bút từ đó.

Từ năm 1930 đến lúc mất, ông cộng tác với nhiều báo hàng đầu lúc bấy giờ: Nhật tân, Ngọ báo, Hải Phòng tuần báo, Phụ nữ thời đàm, Loa, Tân thiếu niên, Tiểu thuyết thứ bảy, Tương lai, Hà Nội báo, Đông Dương tạp chí, Tao đàn… và cũng chính những phóng sự đầy thân phận về con người của ông đã góp phần làm nên thương hiệu những tờ báo lớn ấy.

Nếu như nhà văn, nhà báo Vũ Đinh Chí (1900-1986) với bút danh Tam Lang là người khởi đầu nghiệp phóng sự thì Vũ Trọng Phụng được xem như người đưa phóng sự Việt Nam giai đoạn 1930-1945 đến đỉnh cao.

Thiên phóng sự đầu tiên viết về cờ gian bạc lận có tên: “Cạm bẫy người” in đầu những năm ba mươi, ngay lập tức sớm khẳng định một lối viết hoàn toàn mới mang thương hiệu Vũ Trọng Phụng.

Tiếp đó là các tác phẩm: “Không một tiếng vang”, “Kỹ nghệ lấy Tây”, “Dứt tình”… càng khẳng định sức căng, độ nhạy bén và đặc biệt là lối hành văn sắc sảo, hài hước, vô cùng hiện đại và hiện thực của Vũ Trọng Phụng.

Kể từ đây, một ngòi bút vừa xuất hiện đã gây chấn động làng báo, làng văn nước ta trước cách mạng tháng Tám. Giới cầm bút thời ấy tấn phong Vũ Trọng Phụng là “ông vua phóng sự Bắc Kỳ” khi ông mới ở độ tuổi đôi mươi.


Trong bài “ Địa vị Vũ Trọng Phụng trong văn học Việt nam cận đại” đăng trên báo “Tao đàn”, số đặc biệt về Vũ Trọng Phụng tháng 2-1939, Trương Tửu, một người bạn thân đã nhận xét về 4 thiên phóng sự nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng: “Cạm bẫy người”, “Cơm thày cơm cô”, “Kỹ nghệ lấy Tây” và “Lục sì” là 4 quyển kiệt tác đặt nền móng đầu tiên cho phóng sự Việt Nam.

Còn trong bài “Vũ Trọng Phụng – Người thư ký trung thành của thời đại” của tác giả Tôn Thảo Miên thì viết: “Vũ Trọng Phụng giống như một nhà chép sử, một người thư ký đã có công ghi lại một cách trung thành thực trạng xã hội những năm trước cách mạng…

“Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thày cơm cô, Lục sì, mỗi phóng sự là một nội dung phản ánh bộ mặt thực của xã hội đương thời với những mặt trái, những tệ nạn trầm kha nhức nhối..”.

Quả vậy, nếu Cạm bẫy người là là những khảo cứu công phu, tỉ mỉ về nghề bạc bịp, Kỹ nghệ lấy tây là những khảo cứu về nghề kinh doanh thân xác dưới cái vỏ hôn nhân Đông Tây, thực chất là một kiểu mưu sinh vừa quái gở, vừa thê thảm thì “Lục sì” có thể được coi là những tài liệu về vấn nạn của dục tính…

Ngoài ra, Vũ Trọng Phụng còn là một trong những nhà văn góp phần đáng kể vào việc hiện đại hóa văn xuôi quốc ngữ.

Nhà văn hiện thực xuất sắc

Ngoài các phóng sự thành công ngay ở buổi đầu cầm bút, Vũ Trọng Phụng còn viết 40 truyện ngắn, nhưng có lẽ giữa sự phong phú và đa dạng của nhiều thể loại ông thành công nhất là tiểu thuyết.

Các tiểu thuyết của ông luôn đề cập đến những vấn đề của xã hội, khái quát được một phạm vi cuộc sống hết sức rộng lớn mà ta không thể tìm thấy được ở những sáng tác khác của những nhà văn cùng thời.

Năm 1936, chỉ trong vòng một năm, bốn cuốn tiểu thuyết của ông lần lượt xuất hiện trên các báo, thu hút sự chú ý của công chúng. Cả bốn tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ, Vỡ đêLàm đĩ đều hiện thực, đi sâu vào các vấn đề xã hội.

Nếu tiểu thuyết là phản ánh bức tranh xã hội, phản ánh hiện thực đời sống thì Giông tố, Vỡ đê là bức tranh vẽ đầy đủ chi tiết, chân thật đời sống người dân dưới thời nô lệ.

Bằng ngòi bút trào phúng độc đáo Số đỏ, Làm đĩ, Trúng số độc đắc là một nét khác xuất thần, bật lên những vết thương rướm máu của xã hội được che phủ bên ngoài lớp sơn văn minh Âu hóa…

Vũ Trọng Phụng căm hờn, phỉ báng sự giảo quyệt, đê tiện, bẩn thỉu, thối nát của một xã hội cũ cũng đồng nghĩa với sự tất yếu phải xây dựng một xã hội mới của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Hiếm thấy một nhà văn nào yêu mến nhân dân, yêu mến người lao động và trân trọng họ theo một cách riêng, nhân bản và hiệu quả như Vũ Trọng Phụng.

Cái sự yêu quý người lao động, dù họ là gái điếm, lưu manh, trộm cắp vẫn luôn được Vũ Trọng Phụng nâng lên thành điển hình văn học độc đáo, nếu không muốn nói là “độc nhất vô nhị”.

Trong toàn bộ các sáng tác của ông, đến hôm nay đã tìm được, chúng ta đều thấy rất rõ ý thức bênh vực người lao động của ngòi bút nhà văn và sự vạch trần đến bản chất của cái xấu, cái ác cùng với một thái độ lao động của nhà văn hiếm thấy trong từng con chữ.

Có thể nói Vũ Trọng Phụng hiểu cái đáy của xã hội không phải từ trên nhìn xuống, từ ngoài nhìn vào mà là người nhập cuộc để thấu hiểu và đưa vào trang viết.

Chưa phải là một nhà cách mạng, nhưng văn Vũ Trọng Phụng đứng về đồng bào mình, đem cái chất phê phán xã hội vào trong tác phẩm.

Nhà thơ Tố Hữu năm 1949 đã từng có câu đại tự tặng nhà văn Vũ Trọng Phụng: “Ông không phải là nhà cách mạng, nhưng cách mạng biết ơn ông”.

Trong các tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, Số đỏ” được xem là một tuyệt tác. Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu cho rằng: Vũ Trọng Phụng sáng tạo một loại tiểu thuyết mới, tiểu thuyết cười, tiểu thuyết đa thanh, đa âm, đa sắc diện.


Số đỏ là một siêu tiểu thuyết và nhân vật Xuân Tóc Đỏ là một siêu nhân vật. Nhân vật Xuân Tóc Đỏ đã vượt khỏi giới hạn của một hoàn cảnh, một thành thị mà trở thành một nhân vật phiêu lưu, có mặt ở nhiều cảnh ngộ.

Không riêng gì Số đỏ, các tác phẩm Giông tố, Vỡ đê của Vũ Trọng Phụng đều là những tác phẩm có giá trị trong thời kỳ mặt trận dân chủ.

Các tác phẩm Số đỏ, Giông tố đều được dựng thành phim. Cốt cách và giá trị văn học của các tác phẩm đã tạo cho các bộ phim nhiều nét đặc sắc.

Tác phẩm Số đỏ cũng được Giáo sư Zinoman dịch ra tiếng Anh và được xem là một trong số 50 sách dịch hay ở nước Mỹ.

Bệnh tật và làm việc quá sức, Vũ Trọng Phụng mất ngày 13-10-1939 tại Hà Nội, ở tuổi 27.

Những sáng tác để đời của Vũ Trọng Phụng được ghi nhận là những di sản đặc sắc của thế hệ vàng văn chương Việt Nam hiện đại. Rất nhiều vấn đề được ông đề cập tới nay vẫn còn nguyên giá trị hiện thực.

Nguồn: Vnwriter.net

-------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link:https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3  

 



Xem thêm

Tác phẩm gồm 11 chương, xoay quanh mối quan hệ tình cảm của một người phụ nữ tên Tiết Hằng với ba người đàn ông: Đào Quân, Việt Anh và Huỳnh Đức.

Tiết Hằng là một cô gái xinh đẹp con nhà giàu, từ thuở đi học đã được hai chàng trai theo đuổi. Tiết Hằng đem lòng yêu Việt Anh, chàng trai học hành giỏi giang nhưng mang phận nghèo. Bố mẹ cô lại vừa lòng Đào Quân, anh chàng hợm đời nhưng được cái giàu có, cũng coi là môn đăng hộ đối. Để làm tròn bổn phận là một người con có hiếu, Tiết Hằng nghe lời bố mẹ lấy Đào Quân làm chồng, an phận làm một phu nhân xinh đẹp.

Nhưng đời Tiết Hằng từ khi xuất giá cũng chẳng dễ dàng gì, khi tình cũ và chồng vẫn là bạn thân, khi tình cũ vẫn đến nhà cô, mượn tiền chồng cô, và dùng ánh mắt mãnh liệt để nhìn cô. Mà chồng cô khi có được tình tiền dễ dàng thì lại hay trăng hoa ong bướm.

Biến cố xảy ra, Đào Quân yểu mệnh qua đời, vốn dĩ Tiết Hằng và Việt Anh đã được tự do mà đến với nhau. Nhưng lòng kiêu ngạo, nhu nhược và ám ảnh tâm lý phải có trách nhiệm về cái chết của Đào Quân mà cuối cùng Việt Anh đã bỏ lỡ cuộc hôn nhân sắp thành. Tiết Hằng tái giá với người luôn yêu cô là Huỳnh Đức, để trốn chạy khỏi tổn thương mà Việt Anh gây ra.

 “Nàng thấy cái lò sưởi cũng giống với cuộc đời con người ta. Miệng lò là sân khấu mà ngọn lửa là những vai trò trong tấn bi kịch. Ngọn lửa trước to, sau nhỏ dần và sau cùng thì bao giờ cũng chỉ là một nắm gio tàn khói lạnh, và hình ảnh đích xác về cái cứu cánh cuộc đời con người ta!”

Tựa đề “Dứt tình” chính là quyết định cuối cùng của Tiết Hằng đối với tình yêu bền bỉ, trung trinh và trong sạch mà cô dành cho Việt Anh.

Nhịp điệu và cấu trúc rất gần với điện ảnh, vẫn là qua những cuộc đối thoại và độc thoại, tác giả trao cho từng nhân vật cơ hội lý giải những căn nguyên sâu xa của hành động, để độc giả dễ dàng hình dung mặt tối sáng phức tạp của mỗi người.

Giữa bối cảnh Việt Nam những năm 30 của thế kỷ XX, giai đoạn xã hội lai căng nửa mùa, văn hóa giao thoa Á – Âu, giữa lối sống tân thời của thanh niên nam nữ bó buộc trong tục lệ phong kiến, Vũ Trọng Phụng đặt lên cán cân của ái tình và bổn phận, ái tình và trách nhiệm, ái tình và thiện lương, tự tôn và đồng tiền.

“Dứt tình” được đánh giá là tác phẩm mang tư tưởng định mệnh siêu hình, dòng sự việc diễn ra với niềm tin rằng tất cả đã được an bài sẵn một vận mệnh, mọi thứ sẽ trở nên cái nó được định trước. Vũ Trọng Phụng đóng vai trò là người quan sát và thuật lại, cố gắng lý giải những uẩn khúc của lòng người hay những cắc cớ của định mệnh, thông qua nỗi trăn trở về nghĩa lý cuộc đời của bản thân ông.

Dưới thời Pháp thuộc, khi thật giả lẫn lộn, khi mọi thước đo xã hội không còn ý nghĩa đích thực của nó nữa… Đã tạo ra một xã hội vô nghĩa lý, một xã hội khiến cho con người sống trong đó dễ dàng mê man, ngu muội. Sự vô nghĩa lý thấm sâu vào mọi ngõ ngách của đời sống: từ đạo lý cho tới nghĩa tình, từ tình yêu cho tới nghĩa vợ chồng.

Điển hình như Việt Anh – một con người thông minh, có chí hướng, nhưng chỉ vì thất tình mà đâm ra bê tha, hận đời. Cho đến cuối cùng vẫn cứ lửng lơ một câu hỏi không lời giải đáp: Sống để làm gì?

“Tôi đã là một kẻ khó chịu, vô nghĩa lý”.

“Hiện giờ tôi vẫn sống để thỉnh thoảng tự hỏi: Sống để làm gì?”

Nội dung “Dứt tình” không có gì mới, và cách giải quyết tình tiết cho đến cuối truyện cũng rất cổ điển. Có lẽ tình yêu không phải là tất cả, khi cuộc đời còn có thương, có nghĩa, có bổn phận và có trách nhiệm.

Xuất bản cùng năm với Số Đỏ (tạm nói xuất bản vì không rõ quyển nào ra trước) nhưng Giông tố không châm biếm, hài hước mà là một tấn dài bi kịch bạo tàn, được mở đầu bằng một cuộc cưỡng dâm có trả tiền và kết thúc khi nạn nhân một lần nữa nằm trong tay kẻ thống trị.

Mình hay cân nhắc khi mua quyển thứ 2 của cùng tác giả, do lần đầu luôn chọn quyển hay nhất. Nhưng Giông tố thì đúng là hay kiểu khác, qua một đoạn cứ muốn gập sách lại rồi thở hắt vài hồi.

Nhân vật quyển này có đủ kiểu: gái tân thời, ông đồ, nông dân, bọn cai trị trâng tráo,…, bối cảnh rộng dài từ thôn làng quê mùa nghèo mạt kiếp tới thành thị no phưỡn truỵ lạc, hút thuốc rồi thông dâm ngày qua ngày. Tựu chung lại thành một bức tranh chẳng lành về những trò gian trá, lố bịch của xã hội cũ. Với Giông tố, người hiền hoà rồi cũng có lúc đánh rơi bản chất, một bi kịch kiểu “thay đổi để thích nghi” tới giờ vẫn tồn tại trong xã hội hiện đại, nhưng mà với nhiều hình thức khác.

Trong đây nhìn thấy nhân quả xung đột với thực tế éo le, thấy nén bạc đâm toạc tờ giấy rồi cũng có ngày rơi nước mắt, thấy nội tâm giằng xé tìm hạ sách để tự giải thoát.

Nói chung là một cảnh láo nháo điên cuồng, con người khốn khổ, dẫm đạp lên nhau, xoay sở, hy vọng qua cơn Giông tố.

Nhắc đến văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám không thể không nhắc đến Vũ Trọng Phụng. Mà đã nhắc đến Vũ Trọng Phụng không thể không nhắc đến Giông Tố. Mặc dù Giông tố không phải là sáng tác nổi bật nhất trong sự nghiệp của ông nhưng là một trong những tác phẩm mang giá trị tinh thần và nhân đạo cao hơn cả.

Giông Tố là bức tranh thu nhỏ về hiện thực xã hội tàn khốc những năm 30 của thế kỷ trước. Giông Tố là một xã hội thối nát, thối nát theo đúng nghĩa đen, trên là bọn quan lại cường quyền áp bức dân lành đại điện là Nghị Hách, giữa thì có những người vì tiền mà sẵn sàng đẩy người vô tội rơi vào vòng xoáy tiếng tài, dưới cùng thì có những người phụ nữ là nạn nhân bị đẩy vào đường làm đĩ như Thị Mịnh. Một màu sắc đen tối bao trùm lên cả cuốn sách.

Phải công nhận Vũ Trọng Phụng có một cái tài vô cùng xuất sắc trong cách kể chuyện, từ những trang đầu tiên ông đã hấp dẫn người đọc. Nội dung mới lạ, nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật vô cùng đặc sắc, rồi cách xây dựng cao trào truyện về chi tiết loạn luân của nhân vật Long. Tất cả đều rất thật, như hiện ra trước mắt người đọc thời kỳ đen tối của xã hội nước ta nửa thực dân nửa phong kiến.

Giọng văn châm biếm sâu sắc, Giông Tố của Vũ Trọng Phụng là một trong những tác phẩm mang giá trị phê phán hiện thực sâu sắc, đồng thời cũng là sự cảm thông cho những nhân vật không may mắn. Một cuốn sách hay.

Cuốn sách 480 trang, đọc đến trang 416, chỗ Long gào:

“Tôi? Tôi mà lại là con ông nghị Hách! Ồ! Thế thì quá lắm! Thế thì ra bố hiếp vợ của con, con thông dâm với vợ lẽ của bố… rồi thì anh em ruột… anh em ruột”, cái mình nghĩ “dẹp dẹp, kịch gì mà kịch dữ, đời đâu mà trùng hợp ngon dậy, chán gì đâu, đọc nhanh nhanh giùm cho hết vở kịch cái coi.”

Đọc tiếp đến chỗ Hải Vân là lãnh tụ cách mạng, mình cứ gật gù “ừm, ừm, không khổ công cả tuần thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, dù thi làm được có 2 mặt giấy rưỡi…”

Đọc đến đoạn cuối Long rạch tay tự tử, cái tôii nghĩ “Long ơi Long, sao mày ngu dữ vậy Long! Tao biết mày cô đơn dằn vặt dữ lắm, hoặc là sống sình cái mặt ra cho nó sướng cái đời, hoặc còn đã muốn tự tử thì kiếm góc nào mà rạch chứ chình ình trước trước mặt con gái nhà người ta rồi sao mà chết hả con? Nó mà hét lên thì khỏi chết nhé, sống không được mà chết cũng không xong con à! Chết mà cũng làm màu nữa, sau mà muốn chết nữa thì chuẩn bị kỹ càng hơn một chút giùm cái.”

Xét về tổng thể thì mình chẳng ưa gì cuốn này nhưng cái “tội tổn thương phong hóa” là mình thích. Đọc Mịch mà cứ nhớ tới Bà Bovary.

"Trúng số độc đắc" mang đến cho độc giả sự tha hóa trong cách suy nghĩ của con người trước sức mạnh của đồng tiền mà đại diện chính là nhân vật chính của tác phẩm, anh Nguyễn Văn Phúc. Để làm rõ được sự tha hóa đáng sợ mà đồng tiền mang đến, Vũ Trọng Phụng đưa chúng ta vào vị trí xuất phát điểm là một anh chàng thư kí nghèo, túng thiếu đến nỗi phải ăn bám vào gia đình. Khi còn đang nghèo, lối suy nghĩ của Phúc thường mang đậm tính triết lí vĩ đại, cao cả về cuộc sống, về đồng tiền và về con người (đấy là anh tự nghĩ như thế). Anh cho rằng nếu như bỗng một ngày anh giàu có, tiền rủng rỉnh túi thì anh sẽ hành động giống như một người nghĩa hiệp, nào là giúp đỡ mọi người xung quanh, từ thiện cho những mảnh đời khó khăn khác, hay tu chí làm ăn sinh lời. Nhưng rồi khi anh giàu thật, anh không có sống như thế. Phúc khi cầm trong tay hàng vạn bạc, anh sống một cuộc sống trác táng, ăn chơi sa đọa, gái gú thuốc phiến hàng ngày. Phúc vung tiền vào những gì anh ta cho là sang trọng, là xứng đáng với vị thế của một người trúng số độc đắc. Những cái triết lí, suy nghĩ mà khi anh nghèo anh cho là lẽ phải, nó đã tiêu tan kể từ ngày Phúc rinh về nhà 10 vạn bạc.

Bên cạnh Phúc, Vũ Trọng Phụng còn mượn hình ảnh của những người thân xung quanh anh, từ bố mẹ ruột, cho đến em gái, vợ rồi cả anh trai của Phúc để thể hiện rõ cái ma lực đáng sợ mà đồng tiền mang đến. Từ những cái khinh Phúc ra mặt, chửi rủa thậm tệ khi anh thất nghiệp cho đến sự cung kính, thờ Phúc như vị ân nhân vĩ đãi là đã đủ để người đọc hiểu rằng, chỉ cần có tiền, thì lối cư xử của con người sẽ thay đổi hoàn toàn. Bố mẹ giờ sợ con một phép, Phúc nói gì, ông bố đều vâng vâng dạ dạ, Phúc bảo gì, bà mẹ cũng cho là đúng, cho là lẽ phải, chẳng còn đó cái trật tự trong gia đình. 

Lối viết văn của Vũ Trọng Phụng dường như chịu ảnh hưởng nhiều bởi những nhà văn Pháp như Victor Hugo hay Balzac, khi mà ông thường lồng ghép các yếu tố về triết học, nhân sinh quan cuộc sống vào trong tác phẩm của mình giống như cách Victor Hugo làm với “Những người khốn khổ” hay Balzac với “Lão Goriot” . Nhưng Vũ Trọng Phụng biết cách tiết chế, làm giảm nhẹ đi nhưng vẫn đủ thấm thía để người đọc hiểu được các yếu tố triết học mà ông mang đến. Kết hợp với đó là giọng văn mỉa mai, thâm sâu để gián tiếp lên án và phê phán những thói hư tật xấu của con người. "Trúng số độc đắc" xứng đáng là một cái kết đẹp mà Vũ Trọng Phụng dành cho cuộc đời của mình.

Phú uống vội bát nước vối nóng, cầm cái tăm bỏ miệng, rồi xách cái ghế mây ra sân, để chỗ dưới gốc lựu. Chàng đứng tần ngần như lãng quên một điều gì mà chưa nhớ ngay ra được, rồi lại đi vào nhà cầm một tờ nhật báo ra. Chàng ngồi xuống ghế, chân bắt chữ ngũ, cổ ngửa trên thành ghế, rộng mở tờ báo…

Cái tin một ủy ban đã làm việc suốt ngày đêm để có thể kịp gửi những hồ sơ của chính trị phạm về cho quan Tổng trưởng thuộc địa khiến Phú sung sướng mỉm cười một mình, cái tăm rơi xuống đất mà không biết. Chàng ngồi ngay ngắn lên, nhìn vào bếp gọi:

– Đẻ ơi đẻ! Sướng quá, đẻ ạ!

Bà Cử lúc ấy đương ngồi đun xanh cám lợn, thấy con gọi thì ngơ ngác quay ra đáp bằng một giọng hơi gắt:

– Cái gì thế?

Giọng chua chát của mẹ làm cho Phú hơi cụt hứng và hơi giận mẹ. Nhưng chợt nghĩ đến cảnh bần hàn bảy năm nay nó làm cho mẹ chàng hóa cấm cảu, khó chịu thì Phú lại động lòng thương. Chàng chạy xuống bếp, nói:

– Đẻ ạ, con chắc anh con sắp được tha!

Bà Cử ngơ ngác, trước thì còn hoài nghi, mà sau thì không tin nữa. Bà lại quay mặt nhìn vào xanh cám, hời hợt đáp:

– Mày chỉ được cái chuyện nhảm.

Phú vẫn cười, cố làm cho mẹ tin:

– Báo đăng rồi đấy mà! Hiện quan trên đương xét hồ sơ những người cách mệnh, để bên ấy xét rồi tha cho. Bây giờ ở bên Tây có sự thay đổi, đảng Xã hội và đảng Cộng sản…

Phú nói đến đấy thì bà mẹ cắt đứt:

– Thôi tao không chuyện rườm!

Bực mình, Phú lại ra ngồi ghế mây ngoài sân. Chàng không biết tìm cách nào làm cho mẹ chàng hiểu nổi. Rồi chàng thấy rằng một người đã chịu đau khổ như mẹ chàng đến nỗi không còn tin gì nữa, không còn dám hy vọng gì nữa, thì cũng không lạ gì. Phú ngẫu nhiên ôn lại quãng đời xưa…

Từ khi Phú còn nhỏ lắm, phụ thân của chàng, ông Cử, đã bị bắt và bị đày đi Côn Đảo. Từ đấy, mẹ chàng vẫn can đảm sống bằng nghề quay tơ mà nuôi nổi ba con: Minh, anh Phú, Tuất, chị Phú và Phú. Rồi anh Minh được bổ đi dạy học, rồi chị Tuất đi lấy chồng, rồi Phú vào trường trung học. Cuộc đời đã tưởng tốt đẹp. Công khó nhọc của bà Cử tưởng đã được đền bù… nào ngờ chưa được hai năm nhàn hạ thì Minh bị bắt, vào năm 1930 là năm Việt Nam Quốc dân đảng vỡ lở. Năm sau nữa Tuất góa chồng, quay về ở với mẹ với một đứa con thơ… Phú học đến năm thứ ba trường trung học thì cảnh túng thiếu khiến chàng phải bỏ đèn sách. Bà Cử cứ mỗi ngày một nhiều nợ thêm lên, già đi, hóa ra khó chịu thêm… Phú không kiếm được việc làm, không biết học nghề gì cả, đành về quê nhà đóng cái vai trí thức thất nghiệp trong hương thôn. Bà Cử từ đấy tuyệt vọng, lấy sống làm vui, cả đến sự no ấm cũng không dám ao ước nữa.

Một phiên tòa Đề hình đã kết án giáo Minh 15 năm tội đồ. Bà Cử không dám hy vọng đến cái thời xa lắc xa lơ kia mà coi con mình như đã chết hoặc trước khi con mãn hạn tù, thì bà cũng đã chết.

Ngày nay…

Thốt nhiên Phú kêu anh mình sắp được tha! Như vậy kể cũng khó tin thật. Phú chỉ còn cách cắt nghĩa cho kỹ nhưng không bao giờ bà Cử lại chịu để cho Phú cắt nghĩa. Mỗi khi nghe thấy Phú nói đến: “Đảng cộng sản bên Pháp” thì bà Cử lại giật nẩy mình lên đánh thót một cái và không cho Phú được nói tiếp. Bà sợ con bà sẽ bị vạ miệng. Bà cho con bà sắp hóa dại, hoặc nói chuyện làm quà.

Nghĩ thế, Phú tức lắm. Phú lại muốn vào bếp nói kỹ càng cho mẹ hiểu, để mẹ có hy vọng, để mẹ đỡ khổ, để mẹ được một chút vui mừng. Nhưng chợt một tư tưởng thoáng qua làm cho Phú vừa đứng lên lại ngồi xuống ghế. Liệu Minh có được tha về nay mai không hay là người ta sẽ giảm hạn tù từ 15 năm xuống độ 10 năm mà thôi? Nếu vậy, có nên nói với mẹ không? Phú sợ ngộ cái ảo tưởng của Phú sẽ làm cho Phú nói rõ thì mẹ chàng sẽ vì đó mà lại càng buồn bã hơn xưa. Chàng nghĩ thầm: “âu là chờ bao giờ có đích xác vậy”.

Gió hây hây thổi, đã có cái vẻ heo may. Nắng chiều rọi qua rặng tre ở góc sân in lên vách nhà hình bóng một cành tre đẹp như trong những tranh thủy mạc Tầu, lại còn rung rinh hoạt động nữa. Những mẩu lá tre úa rụng lả tả xuống sân, trước khi rơi xuống đất cứ quay tít theo chiều một chiếc ngư lôi vừa bị bắn ra khỏi miệng súng. Một cành lựu bị gió đẩy thỉnh thoảng lại chạm vào tai Phú, tinh quái như một người nhân tình.

Phú nhìn lên trời, nhìn những đám mây thiên hình vạn trạng, nhìn kỹ cả những hình tròn tròn hiện trên da trời – phản ảnh của con người mà tầm mục quan chỉ đến được đấy thì hắt trở lại. Một cái diều vo vo những tiếng sáo như bị treo lưng chừng mây, trông như một vầng trăng đen, khiến Phú ngẫu nhiên có những cảm tưởng man mác buồn. Chàng bỗng tủi cho thân thế.

Phú đã 24 tuổi đầu mà còn cứ phải ăn hại mẹ, mà người mẹ khốn khổ, nghèo xơ nghèo xác! Chàng có một khối óc sáng suốt để suy nghĩ mà không biết để suy nghĩ vào việc gì cả. Chàng có hai cánh tay khỏe mạnh sẵn sàng làm việc mà xã hội không thèm mượn đến, không cắt cho một việc gì cả. Sự mầu nhiệm của tạo hóa, sự mang nặng đẻ đau của bà Cử, bao nhiêu công ăn học của Phú, ngần ấy cái chỉ kết quả nên Phú là một người thừa… Phú thấy rằng cái xã hội như vậy phải cải cách, không thể để thế được nữa. Cải cách? Chỉ còn có một đường là: không sợ chết, như những người đã há sinh cả tính mệnh lẫn con khôn vợ đẹp. Há sinh thì cũng không thể biết trước kết quả sẽ thế nào, song đã muốn thì phải há sinh… Khốn nỗi Minh đã há sinh mất rồi, đã để lại một cảnh gia đình tiều tụy, để lại một mẹ già chỉ còn có trông cậy ở Phú. Chàng thấy nếu không liều thì chỉ là người hèn nhát, mà liều thì sẽ phạm tội đại bất hiếu với mẹ – thật là tiến thoái lưỡng nan…

Phú đã sống những ngày buồn bực, cực khổ.

Nhưng nay, thời cục đã làm cho Phú được phép lạc quan. Cũng như những người trí thức hiểu đời, Phú rất hy vọng vào Chính phủ Bình Dân Pháp. Xưa kia Phú không bao giờ dám hy vọng đến cái hy vọng ấy, nên chi khi thấy nay hy vọng kia đã hiện ra sự thực, thì Phú cũng vẫn phải hơi lo sợ, hơi nghi ngờ, mặc lòng rằng không dám tin vững thì chàng khổ sở lắm, và chàng không muốn phải nghi hoặc một phút bao giờ. Hằng ngày, những tin tức của Chính phủ Bình Dân bên Pháp càng làm cho Phú chứa chan hy vọng. Chàng cảm thấy rằng cái “sự không hiểu nhau” của hai dân tộc thế là không còn có nữa – Người bị chinh phục đã có thể coi kẻ đến chinh phục như ân nhân của mình nếu mình không muốn bị một kẻ thù khác nữa, nếu mình không muốn bị diệt chủng hoặc bị tái nô. Cái việc có một không hai trong lịch sử nước Pháp là cuộc toàn thắng của thuyền thợ và nông dân, làm cho Phú được dịp nhận thấy rằng cái quan niệm quốc gia của chàng là hẹp hòi, là sai lầm, và có tội nặng nữa. Một nước Việt Nam độc lập trong đó có một ông vua độc lập hay một ông tổng thống Việt Nam, mà tựu trung vẫn không chắc giữ vững được bờ cõi, hoặc là vẫn để cho dân quê ngu dốt, đói khát lầm than thì quả nhiên không khi nào bằng một nước Việt Nam hộ thuộc của một nước Pháp trọng công lý hơn, của một nước Pháp nhân đạo hơn.

Một con gà mái vừa cục cục vừa dắt díu mười hai con gà con đến chỗ trước mặt Phú làm cho sự mơ màng của chàng phải gián đoạn.

Phú nhìn những con gà con mới nở xinh xinh, mỗi con trông như một cuộn nhung vàng ấy, mà thích chí quá, chỉ những muốn bắt để kề vào miệng, hôn… Chàng tự cười mình vì đã đi mượn mấy cuốn sách dạy nuôi gà, hy vọng giúp đỡ mẹ bằng cách nuôi gà theo phương pháp mới. Chàng lại nghĩ đến cái vườn rau một sào do chính tay chàng trông nom tưới bón theo những phương pháp khoa học, cũng do cái kiêu ngạo muốn giúp mẹ mà bày ra hai tháng rưỡi rồi kết quả vẫn chẳng thấy đâu vào đâu… Phú nghĩ thầm: “Nay mai ta sẽ được gánh vác những bổn phận nặng nề hơn, ta sẽ được góp sức vào làm những công việc vĩ đại hơn”. Phú nghĩ thế là vì cái hy vọng nếu ông toàn quyền mới mà sang nhậm chức thì nước nhà sẽ được hưởng những sự cải cách lớn, Phú sẽ góp sức vào cuộc nâng cao trình độ tri thức và nhân sinh của dân quê, đạp đổ những hủ tục, giáo hóa cho nông dân có quan niệm về chính trị, truyền bá khoa học cho lan rộng, tổ chức những chính đảng, những nghiệp đoàn… Phú nghĩ thế rồi lại phải thôi, e mình mơ mộng nhiều quá….

Nói đến các tiểu thuyết phản ánh hiện thực của cụ Vũ thì có một tiểu thuyết không thể không nhắc đến, đó là “Vỡ đê”

Để nói về “Vỡ đê” thì trước hết nó miêu tả tất cả mọi thứ luôn các cậu ạ, cái gì cũng có, từ quá trình một người trở nên tốt đẹp rồi bị tha hóa dần, hay là những kẻ tha hóa thì mãi tha hóa, hay là cái tham nó đã đi vào cả một bộ máy, nó ung nhọt hết cả rồi.

“Vỡ đê” đề cập đến rất nhiều vấn đền, nhiều một cách đáng ngạc nhiên so với 25 chương ngắn bé. “Vỡ đê” nói về chuyện quan trường, tham nhũng, hối lộ, bòn rút của công, nói về những điều như cái giá của người phụ nữ trong cái xã hội thực dân nửa phong kiến, nói về những điều phù phiếm của sự tân thời không đến nơi đến chốn…

“Vỡ đê” nói về chuyện một ông quan huyện cố gắng thanh liêm, về một gia đình nho giáo có người con cả là tù nhân chính trị, về người mẹ gìa đợi con cả và lo cho số phận của thằng con thứ có học nhưng không có trải nghiệm, và lo cho chị con dâu cùng thằng cháu ruột.

Xuyên suốt “Vỡ đê” vẫn là lời ngợi ca về Đảng Cộng Sản, về những cuộc cách mạng, những cuộc khởi nghĩa cứu lấy các nước thuộc địa và cái ý nghĩ tưới sáng, tích của Phú. Cảm ơn Phú và Dung, bởi hai người là những người cứu lấy cái mạch buồn thiu đau khổ của tác phẩm.

Kết thúc tác phẩm bằng việc cuối cùng cô Tuất là chị dâu của Phú phải tái giá, để lại đứa con trai ba tuổi lại cho mẹ chồng và Phú.

Nói chung là, ngoài tính thời sự hóng nổi lúc nào cũng đúng về chuyện biến chất của một bộ phận quan lại (bây giờ là quan chức) và cuộc sống cơ cực của người dân dưới thời nửa thực dân nửa phong kiến, thì tớ nhận thấy tình yêu là điều đã phải dừng lại, để đi theo sau đất nước.

Tớ nghĩ rằng văn chương thời nào cũng có cái đặc điểm của riêng nó, đặc biệt là các dòng văn học đương đại đầu thế kỷ XX, thì việc giải phóng dân tộc chính là ưu tiên hàng đầu. đọc những tác phẩm như thế này giúp bọn mình một phần có thể hiểu hơn về lịch sử và quý trọng hiện tại, và cũng một phần, ờm thì, hiểu được thái độ bài xích đối với tình yêu của một số bộ phận rất lớn người Việt, tình cảm của Phú với Dung, sau này bị chính Phú cảm thấy mẹt mỏi, bị chính Phú coi thường rồi hất ra xa. Chàng vừa tự ti, vừa cảm thấy rằng mình đã phung phí biết bao nhiêu thời gian và công sức trong khi anh trai là Minh đang ra sức tuyên truyền khởi nghĩa giai cấp vô sản.

Tớ đọc “Vỡ đê” cũng nhiều lần rồi, lần nào cũng cảm thấy có một cái mới mới để rút ra, và lần nào đọc xong thì vẫn cảm thấy việc cho cuốn sách ở chỗ dễ lấy dễ với đều là một điều sáng suốt. mọi người cũng đọc đi nhé.

Sống ở miền Nam, chưa từng hứng chịu cảnh lụt lội, màn trời chiếu đất. Nhưng tôi cũng phần nào hiểu được những cảnh thống khổ ấy của người dân thông qua thiên tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng “Vỡ đê”. Không mỉa mai, châm biếm sâu xa mà ông đi thẳng vào vấn đề bằng con mắt khách quan, ráo hoảnh.

Sắp vỡ đê. Quan trên thì nặn óc suy nghĩ đủ điều làm sao để trục lợi. “Vô số người sẽ giàu về dịp này! Mình không ăn thì mình dại”, quan huyện, một vị quan phụ mẫu mà lại có suy nghĩ như thế ấy. Quả là suy đồi đạo đức! Kẻ đốc thúc dân phu thì chửi rủa thô tục, vung roi không tiếc tay vào những người dân vô tội. Họ có “một mối tín ngưỡng quái lạ: đối với dân ngu, lôi thôi là đánh bỏ mẹ”. Còn dân thì thảm thương vô cùng. Họ nai lưng ra làm việc, bị đánh đập, bị bỏ đói. Đêm đến, giấc ngủ cũng chẳng yên lành. Đọa đày họ là “Cái nhọc, cái rét, những cơn gió phũ phàng, những hạt mưa lạnh toát”. Họ ra sức để cứu vớt mấy sào ruộng, hay cái lều tranh rách nát của mình. Còn bọn chức sắc chỉ cần ngồi đó mà có thể mong bảo toàn được mấy chục mẫu đồn điền.

Rồi đê vỡ… Thương quá cái cảnh ảm đạm “Những tiếng ào ào nước réo, những tiếng kêu la gào thét, cha gọi con, vợ réo chồng của người làng mỗi lúc càng huyên náo ghê gớm mãi lên”. Thảm cảnh, quả là thảm cảnh! Có đứa trẻ vì đói quá nên bắt một cái tổ ong, định ăn ong con thì bị ong đốt sưng cả người, ngã lăn xuống vực sâu. Vì tranh con nhái bén, một con trai, một vài ngọn rau, có khi chúng trẻ đánh nhau đến vỡ đầu, “Cái đói đã làm cho người đi đến cái chỗ cuối cùng của sự đồi bại”.

Ngoài hiện thực thương tâm, tác phẩm còn là lời cổ vũ tinh thần chiến đấu của quần chúng nhân dân, ca tụng những chiến sĩ chiến đấu hi sinh cho lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Không hổ danh là văn của Vũ Trọng Phụng!