Bạn có bao giờ hỏi tại sao Facebook cứ liên tục thay đổi giao diện, thêm thắt một vài icon, tính năng mới? Có bao giờ bạn nghĩ mình sẽ trực tiếp đề nghị Mark đừng cho người dùng inbox được với nhau nữa?
Và nếu bạn được yêu cầu học tung hứng bóng, bạn sẽ bắt đầu học tung hứng với 1, 2 hay là cả 3,4, 5 quả bóng? Tùy bạn, nhưng một người tên John Cassidy đã lựa chọn làm quen với việc đánh rơi bóng trước tiên.
Hoặc là, có gì đặc biệt trong cách treo quần áo của bạn không? Có bao nhiêu loại ghế ngồi, đâu là loại được thiết kế tối ưu nhất cho công việc của bạn?
Những vấn đề trên đều có sự hiện diện của Sáng tạo, nói rộng ra hơn, Sáng tạo tồn tại trong mọi ngóc ngách, mọi khía cạnh của đời sống thường nhật. Có lẽ, rất nhiều người đã biết rằng Sáng tạo không dành riêng cho những lĩnh vực Nghệ thuật nhưng để tin là bản thân mình có một nguồn năng lượng sáng tạo dồi dào và biết cách tận dụng thì không phải tất cả đã làm được. “Creative Confidence - Tự tin sáng tạo” là một cuốn sách sẽ giúp bạn khám phá điều đó.
Tác giả cuốn sách là hai anh em nhà Kelly: Tom và David Kelly.
David Kelly có bằng Tiến sỹ của cả Trường kỹ thuật Thayer (ĐH Dartmouth) và Cao đẳng Trung tâm nghệ thuật ở Pasadena; là một trong những nhà sáng lập của IDEO - một công ty hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế và phát triển sản phẩm, nơi mà các tập đoàn lớn như Microsoft, Apple, Samsung… đều gõ cửa. Ông cũng đồng thời sáng lập ra d.School - Viện thiết kế của Đại học Stanford.
Còn Tom Kelly là cộng sự tại IDEO, tác giả của hai cuốn sách nổi tiếng khác “The Art of Innovation” và “The ten faces of innovation” bên cạnh “Creative confidence”. Ông cũng đang giảng dạy tại Đại học Tokyo và trường kinh doanh Haas - Đại học California Berkeley.
Niềm cảm hứng và mục đích tốt đẹp.
“Creative confidence - tự tin sáng tạo” là kết quả sau khi David vượt qua căn bệnh ung thư, với kinh nghiệm sáng tạo và mong muốn cháy bỏng của hai người là “Để truyền thông điệp đến càng nhiều người càng tốt. Để trao cho những nhà cách tân tương lai cơ hội theo đuổi niềm đam mê của họ. Để giúp những cá nhân và tổ chức khai phóng toàn bộ tiềm năng của họ - và xây dựng lòng tự tin sáng tạo của riêng họ”.
Cuộc hành trình tìm kiếm lòng tự tin sáng tạo.
Cuốn sách gồm 8 chương, giúp ta đi từ nhận thức đến hành động, từ những quan điểm cũ đến cái nhìn mới mẻ, đúng đắn và tích cực hơn về óc sáng tạo của con người. Dọc hơn 300 trang sách, tác giả kể những mẩu chuyện thú vị của những người thành công và thất bại ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó dẫn bạn đến một khía cạnh của Sáng tạo, rất tự nhiên, thuyết phục và truyền cho bạn một niềm tin đáng kinh ngạc.
Chương 1. Chuyển mình. Từ tư duy thiết kế đến lòng tự tin sáng tạo.
Với những người làm việc trong ngành thiết kế hay những công việc liên quan, có lẽ thuật ngữ “tư duy thiết kế” đã không còn mới lạ, nhưng trong chính tên gọi của nó đã cho thấy nhu cầu về sự cách tân liên tục, dù bạn có quen với khái niệm này bao lâu đi chăng nữa thì thực tiễn áp dụng nó luôn cần sự đổi mới sáng tạo. Đó là một hệ phương pháp, một phương thức tìm hiểu nhu cầu của con người và đưa ra giải pháp mới dựa trên những công cụ và tư duy như những chuyên gia thiết kế. Không dừng lại ở việc tạo ra một logo sáng tạo hay một sản phẩm hữu hình mà việc vận dụng phương pháp này còn giúp giải quyết các thách thức trong các vấn đề cá nhân, xã hội, kinh doanh… theo nhiều cách mới lạ.
Bằng việc giới thiệu về “tư duy thiết kế”, “tư duy sáng tạo”, rồi “tư duy cầu tiến” trong chương đầu tiên của cuốn sách, Tom và David dần dần thôi thúc ta tin vào khả năng của bản thân mình. “Tự tin vào khả năng sáng tạo của bạn chính là cốt lõi của cách tân”.
Chương 2. Dám. Từ nỗi sợ đến lòng can đảm
Bắt đầu với câu chuyện về ‘phương pháp điều trị chứng sợ rắn’ của Giáo sư Bandura tại Đại học Stanford, Tom và David miêu tả cách mà nỗi sợ hãi lớn được loại bỏ dần dần qua những bước nhỏ, cộng với những kiểm chứng thực tế, họ phát hiện ra rằng sự hoài nghi về năng lực của một người có thể được chữa khỏi bằng cách trải qua một loạt những thành công nhỏ. “Một trong những con rắn đáng sợ nhất trong phòng là nỗi sợ thất bại, thể hiện dưới dạng nỗi sợ bị phán xét, nỗi sợ bắt đầu và nỗi sợ những điều chưa biết. Mặc dù nỗi sợ thất bại đã được đề cập rất nhiều nhưng nó vẫn là một trở ngại lớn nhất mà con người phải đối mặt nếu muốn sáng tạo thành công”.
Chương 3. Tia lóe. Từ giấy trắng đến kiến giải
Trong chương này, bạn sẽ được "bày cho" các chiến lược để tạo ra những kiến giải mới mẻ.
Đôi khi chỉ cần thay đổi quan điểm, chúng ta có thể đưa ra nhiều kiến giải mới […] Song những kiến giải thật sự đều bắt nguồn bước vào thế giới và tìm kiếm sự đồng cảm với những người mà bạn muốn cải thiện cuộc sống của họ.
Chương 4. Bước nhảy. Từ hoạch định đến hành động
Với lòng tự tin đã có, điều cần thiết và quan trọng là biến nó thành hành động. Có rất nhiều câu chuyện, lời khuyên hữu ích để hành động hiệu quả, nhưng một trong những điều quan trọng đầu tiên là đừng làm một kẻ quan sát thụ động, phải luôn ở tư thế sẵn sang.
Chương 5. Tìm kiếm. Từ trách nhiệm đến đam mê
Chương 5 cho bạn những suy ngẫm nhiều hơn về nghề nghiệp, về đam mê, về con đường mà bạn lựa chọn. Ở đó có những khó khăn, có những lo lắng và cả những bất ngờ thú vị nữa.
Chương 6. Đội nhóm. Nhóm tự tin sáng tạo
Ở IDEO và d.school, chúng tôi hiếm khi nói “ý tưởng đó dở tệ” hay “làm thế không được đâu” hay “trước đây chúng ta đã làm thế rồi”. Khi bất đồng quan điểm với người khác, chúng tôi buộc bản thân phải hỏi “Làm thế nào để cải tiến nó? Mình có thể làm gì để biến nó thành một ý tưởng tuyệt vời?” Nhờ đó chúng tôi giữ vừng guồng quay sáng tạo thay vì chặt đứt dòng chảy ý tưởng. Tạt nước lạnh vào sự đóng góp của một người khác có thể khiến cuộc thảo luận đi vào bế tắc, chính sự trao đổi qua lại ý tưởng mới có thể dẫn bạn đến những vùng đất mới lạ, bất ngờ.
Khi mà làm việc nhóm là một yếu tố không thể thiếu thì việc than vãn hay bất mãn lại là giải pháp mà một số người lựa chọn. Nhưng, nếu bạn dừng lại, nhìn rộng ra, ý thức được việc xây dựng nhóm tự tin sáng tạo thì hiệu quả công việc sẽ rất khác.
Cứ như vậy, “Creative confidence - Tự tin sáng tạo” đưa độc giả khám phá từ nỗi sợ đến lòng can đảm, từ giấy trắng đến kiến giả, từ hoạch định đến hành động, từ trách nhiệm đến đam mê… rồi từ cuốn sách này đến cuộc sống của nhiều người trên thực tế. Điều quý giá của mỗi cuốn sách không nằm ở số lần tái bản, hay dòng chữ ‘best-seller’ mà ở những kiến thức hữu ích, những thay đổi tốt đẹp mà nó mang lại cho người đọc.
Chương 8. Lời kết với những nhắn nhủ của tác giả, nhìn lại những chia sẻ trước đó và nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc phát triển bản thân nội tại của mỗi người, từ đó mới có thể kết nối với đội nhóm và tập thể và vận dụng những chiến lược đã được nêu ra.
Nhưng trước khi kết lại, trong chương 7 của cuốn sách, bạn sẽ được đưa ra những thử thách hoàn toàn khả thi để kiểm nghiệm những gì đã được đọc trước đó với những hướng dẫn cụ thể và thú vị (Bạn có thể thử nghiệm với Thử thách số 2 được trích dẫn bên dưới bài viết). Đó thực sự là những trải nghiệm hay ho, giống như đang chơi với anh bạn Sáng tạo vậy. Nhưng, cuộc sống sẽ cho bạn những thử thách còn hay ho hơn nữa, vì nó không có kịch bản, không có hướng dẫn. Muốn có được hiệu quả, bạn phải luôn sẵn sàng, như Louis Pasteur đã quả quyết “cơ hội đến với những ai biết sẵn sàng”. Và sẵn sàng tự tin Sáng tạo sẽ giúp cuộc sống này vui vẻ hơn, đa sắc hơn, ý nghĩa hơn vì đó là bản thiết kế của chính bạn!
Dù bạn tự cho mình là một ‘nhà sáng tạo bẩm sinh’ hay chỉ mới biết đến khái niệm tự tin sáng tạo, bạn đều có thể cái thiện khả năng hình thành ý tưởng mới nếu cho phép bản thân mình và những người xung quanh phạm sai lầm… Nhà đầu tư mạo hiểm Randy Komisar nói rằng sự khác biệt của những doanh nghiệp như Thung lũng Silicon không nằm ở thành công của họ mà ở cách họ giải quyết thất bại. Những nền văn hóa khuyến khích doanh nghiệp có xu hướng đề cao và thấu hiểu hơn về cái mà Komisar gọi là “Thất bại mang tính xây dựng.
(Chương 2. Dám. Từ nỗi sợ đến lòng can đảm)
Thử thách sáng tạo số 2: Tăng cường đầu vào sáng tạo của bạn
Bất kỳ ai nghiên cứu về giấc mơ cũng sẽ bảo với bạn rằng nếu muốn nhớ lại giấc mơ, bạn cần có một quyển nhật ý giấc mơ ngay bên giường. Ngay khi vừa thức giấc – dù là nửa đêm hay sáng sớm – bạn nên ghi nhận giấc mơ trước khi chúng trôi đi. Điều này cũng đúng với những “giấc mộng giữa ban ngày của bạn, những ý tưởng một phần hay trọn vẹn, những suy nghĩ vụt lóe về tương lai khả dĩ. Nếu bạn muốn tối đa hóa đầu vào sáng tạo, đừng dựa dẫm vào trí nhớ ngắn hạn.
Thậm chí nếu chưa bao giờ trải nghiệm 15 phút nổi tiếng của Andy Warhol bạn cũng đã có những thời khắc huy hoàng của riêng mình vào lúc này hay lúc khác. Khi điều đó xảy ra hãy cố ghi chép ý tưởng của bạn ngay lập tức vì trí nhớ ngắn hạn của bạn chỉ có thể lưu trữ một suy nghĩ trong 15 đến 30 giây. Một cách đơn giản để có thể thêm nhiều ý tưởng trong kho vũ khí của bạn là bắt đầu ghi chép mỗi khi chúng xuất hiện.
Công cụ: 15 giây huy hoàng
Người tham gia: Đây là hoạt động cá nhân đơn lẻ
Thời gian: 10 phút mỗi ngày
Dụng cụ: giấy, bút, hoặc một thiết bị kỹ thuật số để ghi chú
Hướng dẫn:
Hãy ghi chép khi bạn nảy ra một ý tưởng hoặc bắt gặp một điều thú vị. Phương tiện ghi chép không quan trọng bằng tính tiện dụng của nó. Hãy chọn một phương pháp hoặc công nghệ phù hợp với phong cách sống và tính cách của bạn:
Các công nghệ kỹ thuật số thật tuyệt vời nhưng giấy bút vẫn vô cùng hiệu quả. Tom luôn mang theo một chiếc bút và một mảnh giấy được gấp lại trong túi quần sau. Anh cũng đặt một tập giấy nhỏ trên chiếc bàn cạnh giường và một chiếc bút phát sáng để có thể ghi chép một ý tưởng khi đang đọc sách hoặc giữa đêm khuya mà không lo đánh thức vợ.
David có một chiếc bút viết bảng trong phòng tắm để ghi lại những ý tưởng chợt lóe trước khi chúng biến mất.
Cộng sự của IDEO, Brendan Boyle đã thử nghiệm nhiều kiểu ‘ví ý tưởng’được thiết kế để lưu giữ những suy nghĩ của ông.
Trên chiếc iphone bạn có thể đọc chép một ghi chú nhanh chóng với ứng dụng Siri. Trên những nền tảng di động khác cũng đang xuất hiện nhiều lựa chọn tương tự.
Máy tính xách tay hay máy tính bảng của bạn đều có đủ mọi ứng dụng ghi chú. Tuy nhiên chúng tôi nghĩ bạn sẽ khai thác được nhiều chức năng hơn với những chương trình chuyên dụng như Evernote, được thiết kế đặc biệt để lưu trữ những ý tưởng như thế.
Do đó hãy tăng phần thắng của bạn trong cuộc chiến chống lại việc đánh mất ý tưởng. khi nỗ lực ghi chép lại những phút giây xuất thần đó, bạn sẽ lấy làm kinh ngạc trước số lương ý tưởng tốt được ghi nhận. bộ não chúng ta liên tục tạo ra những kết nối là liên kết với mọi người, mọi sự vật và mọi ý tưởng mà chúng ta tiếp xúc. Đừng lãng phí những kiến giải ngẫu nhiên đó.
(Chương 7. Di chuyển. Lòng tự tin sáng tạo mang đi)
Cách tốt nhất để đạt được lòng tự tin về khả năng sáng tạo là thông qua hành động – từng bước một.
(Chương 8. Bước tiếp theo. Vun đắp lòng tự tin sáng tạo)
Tác giả: Kaylee Nguyen - Bookademy
----------------------------------
Bài viết cộng tác cùng Bookademy xin gửi về: [email protected]
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/
Một lợi ích quan trọng khác của "Tự Tin Sáng Tạo" là nó cung cấp các kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả. Tác giả đưa ra những phương pháp giúp người đọc tiếp cận các vấn đề một cách sáng tạo, từ đó tìm ra những giải pháp độc đáo. Những kỹ thuật này không chỉ hữu ích trong công việc mà còn trong cuộc sống hàng ngày, giúp độc giả trở nên linh hoạt và nhạy bén hơn khi đối mặt với những thử thách.