Trả cho mỗi nhân mới 2000 đô-la nếu nghỉ việc.
Coi dịch vụ khách hành là trách nhiệm của toàn công ty chứ không phải của riêng bộ phận nào.
Xem văn hóa công ty là ưu tiên hàng đầu.
Áp dụng nghiên cứu khoa học về hạnh phúc vào điều hành kinh doanh.
Giúp nhân viên trưởng thành cả nhân cách lẫn chuyên môn.
Tìm cách thay đổi thế giới.
Và tất nhiên là cả kiếm tiền…
Bạn thấy những điều trên có vẻ điên rồ ư? Đó là quy chuẩn hoạt động của Zappos – nhà bán lẻ có doanh thu hơn 1 tỷ đô-la mỗi năm. Công ty này đã được Amazon mua lại trong một thương vụ trị giá 1,2 tỷ đô-la.
Trong cuốn “Tỷ phú bán giày”, Tony Hseieh – CEO của Zappos mang đến cho người đọc nhiều bài học quý giá thu được từ kinh doanh và từ cuộc sống, từ lúc khởi đầu với trang trại giun đất đến khi bán bánh pizza hay trong những năm tháng với LinkExchange, Zappos và nhiều điều khác nữa. Với tiết tấu nhanh và thực tế, cuốn sách này giải thích tại sao một kiểu văn hóa kinh doanh khác biệt như thế lại trở thành mô hình cực kỳ thành công và chỉ cho bạn thấy, khi quan tâm đến hạnh phúc của những người xung quanh, bạn có thể nâng tầm bản thân đến mức nào.
- Thành công “mỉm cười”
Chúng tôi có một nhà hàng, một phòng tập, các rạp chiếu phim, văn phòng và các căn hộ ngay trong cùng một tòa nhà. Chúng tôi đã thuê rất nhiều nhân viên để điều hành văn phòng.
Chúng tôi đã tạo ra thế giới của riêng mình.
- Thất bại ập đến
Thất bại đầu tiên xảy đến chính là khi chẳng nhà đầu tư nào quan tâm đến việc hưởng ứng lời kêu gọi “cứu” các công ty thuộc trong danh mục quỹ của họ vào giờ phút cận kề phá sản, Tony và người cộng sự Alfred mới nhận ra sự thật rằng có lẽ họ đã sai, đã quá tự tin vào thành công và uy tín của mình.
Chúng tôi đã gửi thư cho các nhà đầu tư trước đây để biết có bao nhiêu người muốn tham gia và chờ đợi phản hồi trong lo lắng.
Kết quả là chẳng có ai quan tâm đến việc này. Chúng tôi đã huy động được chính xác là 0 đô-la.
Cho đến thời điểm đó, tôi chưa quá lo lắng về sự sụp đổ của các công ty mạng. Mặc dù ở góc độ văn hóa, LinkExchange là trải nghiệm không hay ho gì, nhưng xét về khía cạnh tài chính, đó là một câu chuyện về sự thành công. Alfred và tôi đã sử dụng uy tín do LinkExchange mang lại để huy động được 27 triệu đô-la cho quỹ đầu tiên, vì thế chúng tôi mặc nhiên cho rằng sẽ không có khó khăn khi tạo lập nguồn quỹ thứ hai.
Nhưng chúng tôi đã sai.
Tôi bắt đầu nghi ngờ chính bản thân mình. Tôi băn khoăn liệu có phải mình đã ăn may trong vụ LinkExchange chăng. Có phải tôi chỉ là một kẻ trúng số tình cờ có mặt vào đúng thời điểm?
Tony muốn chứng minh rằng tất cả những người ngó lơ Zappos lúc này đều sai, sai hoàn toàn. Và chính lúc này, Tony đi đến quyết định rút khỏi vai trò là một nhà đầu tư và một chuyên gia tư vấn để tiếp tục làm một doanh nhận, bắt tay vào định hình và tạo dựng thế giới riêng của mình tại Zappos. Và đây không bao giờ là một quyết định sai lầm!
- Vượt khó và bứt phá
Nhu cầu sống còn và yêu cầu phải nghĩ ra mọi giải pháp đã mang đến cho chúng tôi những kết quả thật bất ngờ. Chúng tôi gắn kết với nhau bởi mục tiêu giữ cho công ty không bị phá sản. Dù phải nếm trải những thời khắc vô cùng khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn luôn sát cánh bên nhau, hăng say với công việc đang làm. Mỗi người chúng tôi đã hy sinh theo cách riêng của mình vì chúng tôi đều tin vào tiềm năng và tương lai của công ty.
Tôi không hề nhận ra rằng Zappos đã trở thành một thế giới mới của mình.
Có rất nhiều ví dụ về những công ty có nhiều tiền mà vẫn phá sản bởi họ cẩu thả hoặc tự tin thái quá trong việc ca ngợi những thành công trong quá khứ mà không thấu đáo trong việc điều hành công ty ở tương lai.
Sau đây là một vài số liệu ấn tượng về tình hình doanh thu của công ty Zappos trong những năm đầu tiên được tác giả đề cập đến trong cuốn sách:
1999: Hầu như không có gì
2000: 1,6 triệu đô-la
2001: 8,6 triệu đô-la
2002: 32 triệu đô-la
2003: 70 triệu đô-la…
- Tiền đề cho sự phát triển:
Giờ nhìn lại hành trình đã qua, bản thân tác giả cũng chính là chủ tịch hội đồng quản trị của Zappos mới hiểu nguyên nhân chính khiến công ty này sớm đạt được các mục tiêu đề ra, đó chính là nhờ vào việc quyết định đầu tư thời gian tiền bạc và các nguồn lực vào ba lĩnh vực chủ chốt: dịch vụ chăm sóc khách hàng (giúp xây dựng thương hiệu và phát huy hiệu quả của tin đồn), văn hóa (dẫn đến sự hình thành những giá trị cốt lõi) và đào tạo, nâng cao năng lực nhân viên (nâng cao khả năng sáng tạo của lực lượng nhân viên nòng cốt). Theo như tác giả thì đây có lẽ là “những lợi thế cạnh tranh duy nhất chúng tôi chú trọng phát triển lâu dài”. Mọi thứ khác có thể phát triển sau và thậm chí sẽ được sao chép lại.
Có thể nói, động lực số một thúc đẩy Zappos đi đến thành công chính là những khách hàng trung thành và sức mạnh từ sự truyền miệng của khách hàng. Họ lấy toàn bộ số tiền lẽ ra cần chi cho quảng cáo để đầu tư vào dịch vụ chăm sóc khách hàng và trải nghiệm khách hàng, để khách hàng tự quảng cáo với nhiều người xung quanh thông qua kênh truyền miệng.
Chúng tôi muốn xây dựng thương hiệu có dịch vụ chăm sóc khách hàng hoàn hảo nhất và trải nghiệm khách hàng tuyệt vời nhất. Chúng tôi luôn tâm niệm nhiệm vụ chăm sóc khách hàng không chỉ là của một bộ phận mà của cả công ty.
Cách tốt nhất để xây dựng một thương hiệu bền vững trong tương lai là gì? Chỉ gói gọn trong một từ: văn hóa! Ý tưởng cho ra đời cuốn Sổ tay Văn hóa Zappos trở thành một phần không thể thiếu đối với sự tồn tại của công ty. Tất cả các nhân viên cùng nhau tạo ra một cuốn sách nhỏ như một phần định hướng về văn hóa Zappos cho nhân viên mới. Tuy nhiên, ở thời điểm lúc bấy giờ, đó chính xác là một ý tưởng chẳng giống ai, chưa thấy bao giờ và có phần hơi mạo hiểm.
Ý tưởng ban đầu khá đơn giản. Chúng tôi yêu cầu nhân viên viết một vài đoạn văn trả lời cho câu hỏi: Văn hóa Zappos có ý nghĩa như thế nào đối với bạn?
…
Chúng tôi muốn việc này càng chân thực càng tốt nên chúng tôi quyết định không kiểm duyệt hay chỉnh sửa bất cứ bài viết nào ngoại trừ lỗi đánh máy. Cuốn sách này sẽ bao gồm những ý kiến khen chê để người đọc có thể thực sự cảm nhận nền văn hóa của chúng ta. Mỗi lần tái bản, chúng ta có thể dễ dàng biết được văn hóa Zappos đã biến đổi như thế nào theo thời gian.
Dưới đây là bản mô tả ngắn gọn 10 giá trị cốt lõi mà mỗi nhân viên trong Zappos đều hết mực tâm đắc:
Mang đến sự bất ngờ thông qua dịch vụ:
Tại Zappos, bất cứ điều gì đáng làm đều tạo ra sự bất ngờ.
Bất ngờ chỉ là một từ giản dị nhưng nó thực sự chứa đựng nhiều ý nghĩa. Để tạo được sự bất ngờ, bạn phải tạo cho chính mình sự khác biệt, nghĩa là làm một điều gì đó mang tính độc đáo và sáng tạo. Bạn phải làm một điều gì đó vượt trên cả sự mong đợi. Và bất cứ điều gì bạn làm phải gây ảnh hưởng về mặt cảm xúc tới người được nhận.
Zappos không phải là công ty tầm thường, dịch vụ của họ không xoàng xĩnh. Họ mong muốn nhân viên của mình đều có thể tạo ra cảm giác bất ngờ.
Dù trong nội bộ với đồng nghiệp hay trong các mối quan hệ với khách hàng và đối tác, việc đem lại sự bất ngờ có thể được truyền từ người này sang người khác. Triết lý của Zappos là phải tạo nên sự bất ngờ với các dịch vụ và trải nghiệm, chứ không phải với những gì liên quan trực tiếp tới đền bù vật chất.
Họ đã cố gắng đem sự bất ngờ đến khách hàng, đồng nghiệp và các nhà cung cấp, các đối tác và về lâu dài là các nhà đầu tư.
Hãy hỏi bản thân: bạn có thể cải thiện công việc và thái độ như thế nào để mọi người cảm thấy bất ngờ hơn? Hôm nay bạn đã làm cho ít nhất một người nào đó bất ngờ chưa?
Nắm lấy thời cơ và thay đổi:
Liên tục thay đổi là một phần không thể thiếu khi làm việc cho một công ty đang phát triển. Đặc biệt, đối với những ai đến từ những công ty lớn hơn, đôi khi khó có thể thích ứng ngay với sự thay đổi liên tục này. Nếu bạn không được chuẩn bị để đương đầu với nó, bạn sẽ không thể phù hợp với công ty.
Tất cả chúng tôi đều phải học cách không sợ hãi và phải chủ động chớp lấy thời cơ, thậm chí quan trọng hơn, phải khuyến khích và chạy đua với những thay đổi. Chúng ta luôn phải lập kế hoạch và chuẩn bị cho sự thay đổi liên tục này.
Mặc dù sự thay đổi có thể và sẽ đến từ mọi hướng nhưng quan trọng là toàn thể nhân viên, từ cấp dưới đến cấp trên – những người trực tiếp liên quan tới các vấn đề hoặc tới khách hàng, đều phải thay đổi.
Chúng tôi không bao giờ chấp nhận hay dễ dàng hài lòng với công việc của mình, vì rất nhiều công ty đã gặp khó khăn khi có những nhân viên không thể thích ứng và phản ứng nhanh với sự thay đổi.
Chúng tôi luôn cố gắng hoàn thiện bản thân. Nếu muốn tiếp tục vượt qua các đối thủ cạnh tranh khác, chúng tôi sẽ phải tiếp tục thay đổi và giữ cho mình luôn ở trạng thái này. Những công ty khác có thể sao chép hình ảnh, mô hình vận chuyển sản phẩm của chúng tôi từ website nhưng họ không thể sao chép con người, văn hóa và dịch vụ. Và họ cũng sẽ không thể thích ứng nhanh như chúng tôi vì sự thay đổi liên tục đang trở thành một phần trong văn hóa của công ty.
Hãy tự hỏi bản thân: Bạn lập kế hoạch và chuẩn bị cho sự thay đổi như thế nào? Bạn có nhìn những thách thức bằng con mắt lạc quan? Bạn có khuyến khích và chủ động thay đổi? Bạn làm thế nào để khuyến khích tất cả mọi người thay đổi?
Tạo ra sự thú vị và một chút kỳ quặc:
Một trong những điều khiến Zappos khác biệt với rất nhiều công ty khác chính là giá trị nằm trong khả năng tạo ra sự thú vị và pha chút kỳ quặc. Không một lãnh đạo hay nhân viên nào mong muốn một công ty lớn nhưng nhàm chán, bởi họ muốn có thể tươi cười với chính bản thân mình, họ tìm kiếm những điều thú vị và hài hước trong công việc hàng ngày.
Rất nhiều việc chúng tôi đang làm có thể pha một chút độc đáo hoặc một chút kỳ quặc. chúng tôi không định trở thành điên rồ hay kỳ quặc quá mức. chúng tôi chỉ muốn pha thêm một chút kỳ lạ để cuộc sống này thêm thú vị và tạo ra nhiều niềm vui cho tất cả mọi người. Chúng tôi muốn công ty mình thật độc đáo và khó quên.
Văn hóa công ty làm nên thành công của chúng tôi. Với nền văn hóa ấy, chúng tôi đánh giá cao và phản ánh cá tính riêng biệt của mỗi nhân viên. Chúng tôi muốn mọi người thể hiện cá tính của họ trong công việc. Với người ngoài, điều đó có thể không nhất quán hay kỳ quặc. Nhưng sự nhất quán nằm ở niềm tin của chúng tôi rằng mỗi người sẽ làm việc tốt nhất khi được thể hiện đúng con người mình. Chúng tôi muốn sự kỳ quặc của mỗi nhân viên được thể hiện trong giao tiếp với các thành viên khác và trong công việc.
Một trong những ảnh hưởng tích cực của sự kỳ quặc là nó thúc đẩy mọi người suy nghĩ các vấn đề một cách sáng tạo hơn. Chúng ta có thể đạt được thành công khi thêm vào một chút kỳ quặc mà vấn đảm bảo mọi người đều vui vẻ với công việc của mình. Tất cả nhân viên đều nên được khuyến khích trong công việc và cả công ty trở nên sáng tạo hơn.
Hãy tự hỏi bản thân: chúng ta có thể làm gì để tạo ra một chút kỳ quặc, khó hiểu, khiến chúng ta khác hẳn những nhân viên khác? Chúng ta có thể làm gì để vừa tạo ra sự thú vị vừa tạo ra một chút kỳ quặc, khó hiểu. Chúng ta có niềm vui như thế nào trong công việc và bạn có thể làm gì để khiến công việc trở nên thú vị hơn? Bạn có thể làm gì để giúp đồng nghiệp cũng vui vẻ như bạn?
Mạo hiểm, sáng tạo và cởi mở:
Ở Zappos, chúng tôi nghĩ rằng việc nhân viên và công ty đều dũng cảm và táo bạo (nhưng không thiếu thận trọng) là rất quan trọng. Chúng tôi muốn tất cả nhân viên của mình không sợ hãi trước những rủi ro và không sợ phạm sai lầm, vì nếu mọi người không mắc sai lầm, nghĩa là họ không dám chấp nhận rủi ro. Chúng tôi muốn mọi người luôn can đảm ra quyết định trong công việc. Chúng tôi muốn mọi người phát triển và cải thiện các kỹ năng ra quyết định. Chúng tôi khuyến khích nhân viên phạm sai lầm để họ có thể học hỏi từ những sai lầm đó.
Không bao giờ nên thỏa mãn và chấp nhận tình trạng hiện tại, luôn tìm kiếm sự mạo hiểm và thích thú khám phá những khả năng mới mẻ, tự do sáng tạo khi tìm kiếm giải pháp, những yếu tố này giúp một công ty tự tạo ra vận may cho bản thân. Hãy tiếp cận các tình huống và thử thách bằng một suy nghĩ cởi mở.
Đôi khi sự mạo hiểm và sáng tạo khiến các giải pháp trở nên độc đáo và trở thành một lợi thế khi đứng trước các đối thủ cạnh tranh.
Hãy hỏi bản thân: bạn có chấp nhận mạo hiểm không? Bạn sợ mắc sai lầm ư? Bạn có muốn thúc đẩy bản thân vượt qua khỏi vùng an toàn của mình? Công việc bạn đang làm có mạo hiểm hay sáng tạo không? Bạn có đang tiếp cận với các tình huống và thách thức bằng suy nghĩ cởi mở không?
Không ngừng học hỏi và hoàn thiện mình:
Việc thường xuyên thách thức bản thân, không bị bế tắc trong công việc và luôn cảm thấy mình đang không ngừng học hỏi và hoàn thiện bản thân cũng là một việc rất quan trọng.
Chúng ta phát triển vì chúng ta luôn sẵn sàng đón nhận những thử thách mới, thậm chí là đối mặt với nhiều khó khăn hơn vì sự phát triển này. Đó là một chu kỳ không bao giờ kết thúc và là con đường duy nhất giúp một công ty như Zappos có thể tồn tại được. Tuy nhiên, bạn sẽ luôn cảm thấy mạo hiểm, căng thẳng và lo lắng.
Đôi khi, dường như các vấn đề mới xuất hiện ngay khi chúng ta đang giải quyết các vấn đề cũ, nhưng điều đó có nghĩa là chúng ta đang vận động để trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn. Hãy coi những thách thức chỉ là những lộ trình bình thường, mỗi khi giải quyết được một vấn đề, chúng ta lại càng hoàn thiện hơn.
Hãy hỏi bản thân: bạn hoàn thiện mình bằng cách nào? Làm thế nào để bạn có thể nâng cao trình độ chuyên môn? Con người của bạn ngày hôm nay có tiến bộ hơn con người ngày hôm qua? Bạn làm thế nào để thúc đẩy đồng nghiệp và nhân viên tiến bộ? Bạn thử thách và rèn luyện bản thân như thế nào? Bạn muốn đạt đến cái gì? Bạn có thể giúp công ty mình phát triển như thế nào? Bạn có đang làm mọi điều để giúp công ty phát triển, đồng thời giúp những nhân viên khác hiểu được sự phát triển đó? Bạn có hiểu tầm nhìn của công ty mình không?
Xây dựng các mối quan hệ cởi mở và chân thật bằng giao tiếp:
Về cơ bản, sự chân thành và cởi mở có thể tạo nên những mối quan hệ tốt đẹp nhất bởi chúng dẫn tới niềm tin và sự trung thành. Chúng ta tạo ra những mối quan hệ lành mạnh với tất cả mọi người: lãnh đạo, nhân viên cấp dưới, khách hàng, các nhà cung cấp, đối tác kinh doanh, thành viên trong nhóm và đồng nghiệp.
Những mối quan hệ lành mạnh, tích cực, cởi mở là điều tạo nên sự khác biệt giữa Zappos và các công ty khác. Những mối quan hệ bền vững giúp chúng tôi đạt được nhiều thành công hơn.
Một yếu tố chủ chốt trong các mối quan hệ lành mạnh là phải phát triển được liên kết cảm xúc. Luôn cư xử thẳng thắn, cảm thông , thân thiện, trung thành và đảm bảo những việc đúng đắn và xử lý tốt các mối quan hệ của mình là rất quan trọng. Điều khó nhất chính là bạn phải tạo dựng được niềm tin. Khi đã có niềm tin, bạn có thể làm được điều mình mong muốn.
Trong bất cứ mối quan hệ nào, việc trở thành một người lắng nghe giỏi cũng như một người giao tiếp tốt là rất quan trọng. Giao tiếp cởi mở, chân thành là chìa khóa tốt nhất cho bất kỳ mối quan hệ nào. Hãy nhớ rằng, đó không phải là vấn đề bạn có thể nói ra hay làm được, mà là vấn đề bạn có thể khiến mọi người cảm nhận được. Để người khác thực sự cảm thấy thoải mái trong mối quan hệ với bạn, họ phải biết rằng bạn thực sự quan tâm tới họ, tới chính cá nhân cũng như trình độ chuyên môn của họ.
Xây dựng tinh thần gia đình và đồng đội lành mạnh:
Tại Zappos, chúng tôi rất quan tâm tới văn hóa vì chúng tôi là một nhóm và là một gia đình. Chúng tôi muốn tạo ra một môi trường thân thiện, ấm áp và thú vị. Chúng tôi khuyến khích các ý tưởng, quan điểm và cách nhìn đa dạng.
…
Chúng tôi không chỉ là một nhóm làm việ chung, chúng tôi là một gia đình. Chúng tôi quan tâm tới nhau, chăm sóc nhau và cùng nhau phấn đấu. Chúng tôi làm việc và vui chơi cùng nhau. Mối quan hệ của chúng tôi khác xa các mối quan hệ “đồng nghiệp” điển hình ở các công ty khác.
Hãy hỏi bản thân: bạn thúc đẩy tinh thần làm việc nhóm bằng cách nào? Bạn làm thế nào để khuyến khích mọi người có trách nhiệm hơn? Bạn có thể làm gì với các thành viên trong nhóm để họ vừa cảm thấy đây là một nhóm làm việc vừa là một đại gia đình? Bạn làm thế nào để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các thành viên trong nhóm cả trong và ngoài công ty?
Làm việc hiệu quả:
Thoải mái khi tiếp xúc đồng nghiệp hàng ngày không có nghĩa là mất tập trung hay thiếu nghiêm túc trong công việc. Để luôn dẫn đầu, toàn thể nhân viên Zappos sáng tạo và đổi mới không ngừng, luôn cố gắng khiến bản thân hoạt động hiệu quả hơn, luôn cố gắng tìm ra cách tốt hơn nữa, coi những sai lầm là những cơ hội để học hỏi.
Không bao giờ có khái niệm “đủ tốt rồi” bởi tốt là kẻ thù của vĩ đại. Và mục tiêu của Zappos không chỉ là trở thành một công ty vĩ đại mà là trở thành một công ty dịch vụ vĩ đại nhất trên thế giới. Họ đặt ra và cố gắng vượt qua những chuẩn mực cao của chính mình, liên tục nâng cao chướng ngại cho các đối thủ cạnh tranh.
Hãy tự hỏi bản thân: bạn làm thế nào để công việc mình đang làm hiệu quả hơn? Bạn có thể làm gì để bộ phận của mình hoạt động hiệu quả hơn? Làm thế nào để cả công ty hoạt động hiệu quả hơn? Cá nhân bạn có thể làm gì để giúp công ty hoạt động hiệu quả hơn?
Đam mê và quyết tâm:
Niềm đam mê là nhiên liệu để đưa bản thân chúng tôi và công ty tiến về phía trước. Chúng tôi đánh giá cao niềm đam mê, quyết tâm, kiên trì và tinh thần khẩn trương.
Chúng tôi có cảm hứng bởi chúng tôi tin vào những việc mình đang làm và cái đích mình hướng tới. Chúng tôi không bao giờ nói “không” hay “điều đó sẽ chẳng hiệu quả” trong câu trả lời của mình, vì nếu vậy, Zappos đã chẳng bao giờ khởi nghiệp được.
Bạn hãy tự hỏi bản thân: bạn có trách nhiệm với công ty của mình không? Bạn có niềm đam mê với công việc của mình không? Bạn có yêu thích công việc mình đang làm và những người bạn đang cộng tác?
Khiêm tốn:
Bạn hãy tự hỏi bản thân: bạn có khiếm tốn khi nói về thành công của mình không? Bạn có khiêm tốn khi nói về thành công của công ty? Bạn có đối xử với các nhà cung cấp lớn, nhỏ bằng sự kính trọng như họ đã dành cho bạn?
Trước đây, khi đang phát triển rất nhanh, Zappos nhận ra rằng luôn có những thử thách phía trước cần phải vượt qua. Họ tin rằng, dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, vẫn luôn phải tôn trọng mọi người.
Khi chúc mừng cho thành công của cả cá nhân và của cả nhóm, họ đã luôn khiêm tốn và đối xử với mọi người như cách họ muốn đối phương đối xử với mình. Họ im lặng về bản thân vì tin rằng về lâu dài, tính cách của mình sẽ tự hiện ra.
Thực ra, những giá trị cốt lõi của công ty bạn là gì không phải là vấn đề. Vấn đề nằm ở chỗ bạn có những giá trị đó và phải cam kết thực hiện chúng. Điều quan trọng là mối liên kết mà những giá trị ấy tạo ra khi chúng trở thành cách duy nghĩ mặc định trong cả công ty.
Tác giả: Nguyễn Nhiên - Bookademy
------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]
Zappos cho chúng ta thấy hiệu quả của việc dùng sự hạnh phúc như một khuôn khổ có thể tạo ra lợi nhuận, đam mê, và mục đích trong cả công việc và trong cuộc sống. Tiêu đề “Tỷ phú bán giày – Câu chuyện về công ty Z được Amazon mua lại với giá 1 tỷ đô” xếp thứ 23 trong số 100 các cuốn sách bán chạy nhất, xếp thứ nhất trong các sách bán chạy nhất về Quản lý, xếp thứ nhất trong các cuốn sách bán chạy nhất về Dịch vụ khách hàng và xếp thứ nhất trong các cuốn sách về kỹ năng Truyền thông.