Tuổi Thơ Im Lặng được coi
là tác phẩm văn xuôi đặc sắc nhất của nhà văn Duy Khán. Ông viết tác phẩm này để
dành tặng cho những người con của mình. Mình được mẹ mua cho cuốn sách này từ một
hiệu sách cũ, được xuất bản năm 1996, khi đó mình còn chưa ra đời, giấy đã ngả
vàng thoảng mùi mốc. Mình đọc từ hồi năm lớp 7 lớp 8 đến nay đọc lại vẫn như lần
đầu. Từng câu chữ, câu chuyện cứ thế mà sinh động, nhảy nhót, gợi lên bao liên
tưởng về cuộc sống nông thôn bình dị ngày đó.
Tuổi thơ nơi nông thôn nghèo khó mà ấm áp
Cuốn hồi kí lấy bối cảnh trước những
năm 45, nhưng Tuổi Thơ Im Lặng lại không mang màu sắc nặng nề nhiều như các
tiểu thuyết khác cùng thời. Vì là nói về tuổi thơ nên màu sắc câu chuyện vẫn có
cái gì đó tươi sáng, hơi hoài cổ. Nếu như đầu cuốn hồi kí màu sắc tươi sáng hiện
lên rất rõ, qua những chương miêu tả không gian thôn làng, vườn tược, chim chóc
thì càng về cuối lại là không khí u tối của nạn đói, súng đạn. Mỗi con người
trong Tuổi Thơ Im Lặng đều có số phận riêng, ai cũng đáng thương và
ai cũng để lại trong tâm trí tác giả một dấu ấn đặc biệt. Từ cô Phan không chịu
ở nhà chồng giàu, cứ khóc thét ở gốc cây đa cho đến khi bị nhốt vào cái rọ lợn;
chị Ngoãn không chồng mà chửa, chua ngoa đanh đá đối đáp với thiên hạ nhưng rồi
cũng tự tử mà chết; chú Ất rao mõ già rồi mà cả làng gọi là “thằng”,…
Đọc tác phẩm, ta như được sống lại
cái thời đói khổ khi đó mà mình chưa từng được sống. Bữa cơm hằng ngày chỉ là
cơm độn sắn, ngô, có hôm còn lấy dao bài thái nhỏ thân cây đu đủ rồi vo lẫn với
gạo nấu thành "cơm trộn thân cây đu đủ". Nhà ai nghèo, không nuôi được
con thì phải cho con đi làm con nuôi, làm người ở. Rồi nạn đói năm 45 làm bao
nhiêu người chết, có người đi giữa đường chết, chết thành đống, ai cũng như
bóng đen lùi lũi đi trên đường có thể gục xuống lúc nào không hay biết.
Đầy giời mưa đen sì. Từng đàn người bóng cũng đen ngòm, xiêu vẹo bồng
bế nhau qua đường cái quan. Có người đã chết cứng, hở xương vè, bụng bẹp gí. Có
em bé còn thoi thóp, tay vẫn để ngực mẹ.
Bà Can “sứt tai” không còn gì để bán, gian hàng của bà gió tốc tả tơi.
Tôi bước vào, giật mình: sáu người ngã chồng lên nhau chết tự bao giờ. Còn người
đàn ông đang nằm thở hắt ra. Chắc là cô vợ, còn trẻ đang bế con ngồi cạnh. Em
bé gái chừng lên ba, há miệng gào nhưng không ra lời. Miệng em xanh lè màu rau
cỏ. Bỗng người mẹ từ từ ngã xuống, rời con khỏi tay.
Những thế hệ trước như ông bà, bố mẹ chúng mình hay kể chuyện ngày xưa. Ôn nghèo kể khổ, hồi đó sao mà cực quá, ấy thế mà vẫn nhớ mãi, muốn quên đi cái đói nghèo mà chẳng quên được. Dù khổ là thế, mỗi lần nhớ lại là khóe mắt cay cay nhưng cái cay cay lẫn với cả niềm vui. Vui thời đó là vui của tuổi thơ rong ruổi khắp làng, vui của tình nghĩa gia đình làng xóm.
Thế giới tuổi thơ sinh động qua từng câu chữ
Đọc nhiều tác phẩm truyện thiếu
nhi, chưa bao giờ mình để ý nhiều đến ngôn từ, cách miêu tả, biểu đạt cảm xúc
qua từng câu chữ như tác phẩm này. Ngôn ngữ trong “Tuổi thơ im lặng” rất “thường”.
“Thường” vì nó gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày quá, mang đúng chất nông thôn
Bắc Bộ ngày xưa. Những câu ca dao, tục ngữ cũng được thêm vào vì người mình xưa
hay nói theo ca dao như vậy. Những bài vè của bọn trẻ con cũng được ngân lên
nhiều chỗ. Nếu như những truyện khác mình đọc, mình thường tập trung vào diễn
biến câu chuyện. Đa số các tác giả cũng không đi sâu lắm vào miêu tả, nếu có chỉ
là miêu tả bối cảnh và hành động đặc biệt của nhân vật. Từng con người, khung cảnh,
con vật và cả những đồ vật tầm thường nhất cũng được nhà văn Duy Khán miêu tả
chi tiết, cẩn thận. Nó giống như xuôi theo dòng hồi ức của tác giả, từng thứ hiện
lên tâm trí, rõ mồn một, rồi cứ thế mà tuôn ra thành câu chữ. Sự chi tiết và tỉ
mỉ ấy không chỉ thể hiện sự cảm nhận tinh tế của tác giả mà còn muốn thể hiện
cái tấm lòng hết sức trân trọng của ông. Tất cả thuộc về tuổi thơ sâu sắc đến mức
một người đã 43 tuổi vẫn nhớ như in và viết ra bằng hết tình yêu thương của
mình như vậy.
Mình từng nghĩ rằng ở quê thì đâu
cũng giống nhau thôi nhưng đọc xong cuốn hồi kí này thì mình biết mình đã nhầm.
Tại vì mình được sinh ra lớn lên ở thành phố, không được gắn bó với làng quê
nên không thể hiểu được. Những ngọn núi, bãi đất nơi quê hương được tác giả
miêu tả rất cụ thể, không những vậy lại còn gắn với những truyền thuyết, sự
tích vào đó. Như thế càng hiểu rõ, mỗi tấc đất quê hương nó thiêng liêng, đáng
quý như thế nào với mỗi người. Dù sống nơi thành phố, nhưng mỗi lần xa nhà tôi
lại thấy nhớ, dù chỉ là con đường, hàng cây, con ngõ nhỏ thôi khi mỗi ngày đi
qua sao thấy nó tầm thường mà khi đi xa lại thấy đặc biệt đến thế. Chẳng trách
vì sao tác giả lại yêu mến quê hương mình như vậy, vì nơi đó gắn liền với tuổi
thơ, là nơi chôn rau cắt rốn và có những con người mình yêu mến.
Dưới ‘đầu rồng’ có cái thung lũng. Thung lũng có cái chùa cả Tổng, nổi
tiếng tỉnh Bắc Ninh. Ấy là chùa Hàm Long, gọi tắt là chùa Hàm. Giữa chùa có tượng
Thích Ca cao chọc nóc chùa, đâu mười lăm thước thì phải, bằng đồng đỏ chóe. Tôi
ngẩng mặt nhìn Ông. Tôi lọt thỏm dưới cảnh áo cà sa của Ông. Chị Cún, cô Phan bảo
tôi: ‘Đừng chỉ trỏ, cụt tay đấy’. Nhiều lần tôi chỉ trỏ mà chả thấy cụt tay hay
là sau này mới cụt? Cách xa mấy cánh đồng, có quả núi như quả thị bổ đôi, úp xuống.
Các cụ bảo đấy là núi Ngọc. Thôn Sơn Nam ở đấy, núi Ngọc ở đúng phía Hàm Long
hướng ra.
“Lao xao” là chương truyện được
tác giả viết để miêu tả các loài chim khi trời vào hè. Đọc mà ta cứ tưởng như
đi tham quan vườn chim ở nơi miệt vườn nào đó vậy. Mình vẫn nhớ hồi học lớp 6
được học bài đọc hiểu này. Tác giả miêu tả các loài chim rất chi tiết, mỗi loài
có những đặc điểm riêng, được nhân hóa như con người. Có loài chim rất hiền, chỉ
mang đến niềm vui cho trời đất như sáo sậu, sáo đen, chim ri, tu hú. Có loài
thì đóng vai kẻ ác như diều hâu, quạ, chim cắt. Có loài bị coi là “kẻ lắm lời”
như liếu điếu, chim gõ mõ thì “khôn ranh đến choắt lại”, chim cu gáy thì “ngơ
ngác đến cái mức luôn bị mắc bẫy” rồi thì “hiền quá hóa ngu”, chim giẻ cùi thì
lại “lười chảy thây”,…
Đến gần trưa, một con chim khoác bộ lông dễ đến bảy tám màu sặc sỡ. Nếu
nó đi trên đất thì đuôi quết đất. Ai chưa biết về nó thì nó làm cho mọi người
thèm thuồng muốn nuôi nó làm chim cảnh. Nhưng khi đã biết nó thì ai cũng tởm lợm.
Nó ngủ sớm, dậy muộn; lười chảy thây. Nó chẳng gây gổ gì, nhưng các loài chim
hiền đều tránh nó. Nó bẩn lắm. Khi nó bay qua là bọn chúng tôi phải bịt mũi…
Những đồ vật đơn giản như cái cối,
cái chày, cái chăn thôi nhưng tác giả không hề coi nó vô tri vô giác mà rất có
hồn. Cối chày dù cũ đã mòn nhưng cũng có cảm xúc, cái chăn Tây bạc phếch mùi mốc
meo cũng biết nhắn nhủ.
Những đồ dùng biết nói thật đấy! Tôi đã từng nhìn khắp nhà, những đồ
dùng đã sống cùng chúng tôi: Cái võng đay rách. Cái chiếu manh thủng giữa. Cái
mâm gỗ mộc ‘cóc gặm’ một góc. Cái giỏ cua trông hình con ong, vá đi vá lại. Cái
rổ, cái rá cạp lại. Cái trạn bát xiêu vẹo đầy mọt, đụng vào là bụi bay. Cái giường
nứa ọp ẹp nan gãy nan còn. Cái điếu bát nứt vành, chằng dây thép. Đến cái vại
nước cũng phải vá xi măng, v.v…
Tất cả, tất cả chúng đều cất tiếng: ‘Chúng tôi được sống cùng với tuổi thơ anh. Chúng tôi hoàn toàn không muốn nhờ vả anh cái gì. Chúng tôi chỉ muốn theo dõi từng bước anh đi…
Tình yêu gia đình
Tình yêu gia đình có lẽ là tình
yêu được tác giả thể hiện rõ nhất, mãnh liệt nhất trong suốt tác phẩm. Những
câu văn như thốt lên từ tấm lòng, giàu cảm xúc. Ở chương "Người nhà",
khi nói về thầy u mình, nhà văn Duy Khán không còn dùng đại từ "tôi"
để tự sự nữa, mà lúc này đã được chuyển thành "con". Có lẽ lời văn
này không còn là lời kể chuyện mà đã trở thành lời từ tâm mình đến với cha mẹ rồi.
Đôi vai của mẹ thành chai từ bao giờ con không biết.
Trên đôi vai ấy ai để chiếc bánh dày vào. Bánh dày màu nâu sẫm, có lúc nứt ra. Cái năm mẹ leo lên núi gánh ‘đá trăm’ xuống thuyền cho người ta chở lên tỉnh, ấy là năm vai mẹ nứt to nhất, mất một lần da, rớm máu, dính cả vào đòn gánh…
Bà nội, thầy u, anh trai, em gái,
thằng út, tác giả kể về người nhà của tác giả mà ta cứ thấy hình bóng gia đình
mình đâu đây. Chắc người bà nào cũng thương cháu, cha mẹ nào cũng thương con,
anh em nào cũng cùng khóc cùng cười với nhau. Mình đọc chương "Bà nội"
mà cứ nhớ đến bà mình. Có lẽ mình ở với bà từ nhỏ, được nghe bà kể chuyện, đọc
mấy câu ca dao, những mẹo những tục dân gian truyền lại. Hay cùng kể về chuyện
thầy u tác giả đi đâu về cũng có quà cho các anh em, nhưng cái cách thầy với u
đối với con cũng khác nhau. Nếu thầy đi làm về mang theo đồ chơi, sách vở, dặn
con cái phải học hành cho chăm, cho tốt thì lần nào u về cũng mang mấy thức quà
ăn, hôm thì cái bánh đa, hôm củ sắn củ khoai, hôm xôi đỗ. Cũng giống như bố mẹ
mình khi mình còn nhỏ vậy, bố thường chở đi chơi, đi mua sách , còn mẹ cứ chiều
chiều lại mua mấy thức quà cái bánh, cốc chè cho. Thế mới nói, tuổi thơ của mỗi
thế hệ có thể khác xa nhiều, nhưng tình yêu gia đình đối với mình thì chẳng
khác gì. Ta đọc để ta hiểu hơn về cuộc sống nông thôn, khó khăn ngày đó và ta
cũng đọc để nhớ đến tuổi thơ riêng của mình.
Kết luận:
Mặc dù tên cuốn hồi ký là Tuổi Thơ Im Lặng nhưng mình nghĩ đó là một tuổi thơ tràn ngập âm thanh của chim chóc, tiếng cười, tiếng khóc và cả tiếng dạy bảo của thầy u tác giả. Tuổi thơ lúc nào cũng thế, ai cũng nhớ, có người muốn trở về, có người muốn gạt bỏ nhưng mà nó vẫn ở đấy, vẫn hiện hữu, vẫn là nơi mỗi khi hiện tại mệt mỏi thì ta trở về trong tâm tưởng để dựa vào. Theo cảm nhận của mình, đây là cuốn hồi ý chân thực nhất, đẹp và giàu hình ảnh nhất về tuổi thơ, nhất là đối với những người con sinh ra ở Bắc bộ. Những thế hệ sau như chúng ta, không được trải nghiệm hoặc tuổi thơ có đôi nét giống thì hãy nên đọc, đọc để cảm nhận, đọc để sống, đọc để yêu lấy quê hương mình.
Deal mua sách này giá tốt hiện tại: https://goo.gl/F23kWD
-----------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3