Tình
yêu có thể không đủ để đánh thức con dậy vào
buổi sáng, mặc quần áo cho con, đưa nó đến trường và cho nó ăn bữa tối, tắm rửa
cho nó rồi đưa nó vào giường ngủ. Tuy nhiên, thử hình dung tuổi thơ của chúng
ta sẽ ra sao nếu thiếu đi những điều ấy.
Đây không phải là một cuốn sách thường được đưa vào
hàng những cuốn sách hay nên đọc hay những quyển sách bất hủ, cũng không phải
là một cuốn sách đang được săn đón hiện nay. Bạn sẽ khó lòng mà tìm được Trưởng
thành từ hy vọng trong một số nhà sách lớn trong thành phố. Tôi – rất may- có
dịp tình cờ nhìn thấy cuốn sách này trong một nhà sách giáo dục ở một tỉnh lẻ
năm tôi học lớp 9 và vẫn chưa có cơ hội nhìn thấy cuốn thứ hai ở đâu đó. Nhưng
tôi dám khẳng định, một cuốn sách ít được biết
đến không có nghĩa đó là một cuốn sách không
hay. “Trưởng thành từ hy vọng” cũng như vậy. Đây là một cuốn sách đặc biệt, nó
khiến chúng ta nhìn nhận lại tình yêu của chính bản thân mình dành cho cuộc sống
và người mình yêu thương. Tình yêu có thể đưa ta đi đến đâu? Tình thương có thể
nâng đỡ ta trên đôi cánh để bay cao như thế nào? Bất chấp vẻ bề ngoài, thiếu thốn
tiền bạc, giáo dục, cuốn sách là một minh chứng tình yêu chân thật vẫn là một
thứ tình cảm thiêng liêng có thể đem lại cho con người nội lực mạnh mẽ để vượt
qua mọi nghịch cảnh.
“Trưởng thành từ hy vọng” có tên tiếng anh là “Hope’s
Boy” (Chàng trai của Hope), là một cuốn tự truyện về tuổi ấu thơ bất hạnh của
Andrew Bridge. Anh tốt nghiệp trường đại học Harvard danh tiếng và trở thành luật
sư tận tụy đấu tranh cho quyền trẻ em trên đất nước Mỹ. Hope cũng là tên của mẹ
anh – người mà anh luôn kính trọng và yêu quý. Thông qua tự sự về cuộc đời
mình, Andrew bày tỏ tình yêu sâu sắc và mãnh liệt đối với người mẹ đáng thương
của anh, đồng thời phản ánh những góc khuất tồn tại trong những hệ thống nuôi
trẻ cơ nhỡ của chính phủ Mỹ mà anh đã từng là nạn nhân khi còn nhỏ.
Andrew có tên thân mật là Andy. Cuốn sách được bắt đầu với kí ức của một đứa trẻ bốn tuổi về người Mẹ. Andy sinh ra trong một gia đình đổ vỡ và bất hạnh. Bà ngoại của Andy – Kate – hai lần sai lầm trong cuộc đời, một là kết hôn với một người đàn ông lớn hơn bà một thế hệ, sau đó ông tử trận trong Thế chiến thứ nhất khi đứa con lớn mới tròn sáu tuổi. Bà bị chính phủ tước luôn hai đứa con của mình (trong đó có Hope – mẹ Andy) và chúng bị buộc đưa vào trại trẻ. Trong thất vọng, bà tái hôn với người đàn ông thứ hai, người này lấy mảnh đất duy nhất của bà đầu tư vào dầu hỏa và thất bại, rồi cũng rời bỏ gia đình mà đi. Bà cô độc và phải tự lo liệu trong nỗi nhớ con và sự dằn vặt. Không một ai trong gia đình ở bên bà trong suốt nhiều năm.
Rồi Mẹ Hope cũng đi theo vết xe đổ của bà. Sau khi
trở về từ trại trẻ, năm mười sáu tuổi, Hope qua lại với một người lính hai mươi
mốt tuổi thô bạo và ích kỉ. Hai người kết hôn khi Hope mới
mười bảy tuổi và cho ra đời cậu nhóc Andy với mái tóc vàng hoe. Ba năm sau, cả
hai bị bắt giam vì tội lừa đảo ngân hàng khi hết
tiền tiết kiệm để tiêu xài. Sau khi ra tù, cả hai ly dị và thỏa thuận Hope sẽ giữ đứa
con mình yêu thương với số tiền chu cấp hằng tháng ít ỏi của chồng. Từ nhỏ,
Andy đã sống với bà ngoại, cậu cũng sớm nhận ra người bà của mình cô độc đến
nhường nào. Bà của cậu giờ đây chỉ có một mình đứa cháu ngoại ở bên cạnh để yêu
thương và chăm sóc. Nhưng điều hạnh phúc nhỏ bé ấy cũng không kéo dài được lâu. Mẹ Hope quyết định đưa Andy lên Los
Angeles để sống cùng mình. Sau bao nhiêu năm xa cách, cuối cùng Andy cũng được ở
cùng mẹ. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này,
Andy không được đi học tử tế, thiếu thốn đồ ăn
và chỗ ngủ. Andy đã viết rất chân thật về người mẹ của mình:
“Mẹ
ích kỷ, bốc đồng và vô trách nhiệm. Mẹ quên ngày sinh nhật, ngày lễ Giáng sinh,
có thể quan tâm những nhu cầu của con mèo hơn nhu cầu của tôi. Mẹ giấu các séc
phúc lợi để sắm sửa quần áo và đôi giày bốt, đứng chờ ngoài tiệm MacDonalds
trong khi tôi đang ở trong cửa hàng ăn xin hamburger để nuôi sống hai mẹ con
chúng tôi…Tuy nhiên, là một đứa con, tôi tha thứ cho bà. Ngay khi đã là người lớn.
mặc dù đã qua nhiều đổi thay, tôi vẫn tha thứ cho bà. Bởi vì tôi sẽ luôn là đứa
con của Mẹ.”
Trải qua quãng thời gian đầy khó khăn, ám ảnh với nỗi sợ tiếng nói trong đêm, sợ bóng tối, nhà kho, tất cả những gì Andy dành cho Mẹ là sự tha thứ và nỗi nhớ mong. Mẹ Hope với tuổi thơ bất hạnh khiến bà luôn thường trực nỗi lo một ngày nào đó cũng sẽ bị cướp đứa con yêu của mình. Bà cố gắng tập cho Andy tự xoay xở, dạy cho Andy sẵn sàng lìa xa khi ngày cuối cùng sẽ đến. Có lẽ bà cũng biết một ngày nào đó bà buộc lòng phải chia tay Andy và Andy cần phải dũng cảm hơn bà. Trong khoảnh khắc cảnh sát bắt Hope, là lúc Andy quyết định vùng ra khỏi vòng tay của Mẹ để tiếp tục mạnh mẽ và sống tiếp.
Sau đó, Andy được đưa vào một trung tâm nuôi dưỡng
trẻ em cơ nhỡ Maclaren Hall, thực chất nó giống như một bệnh viện tâm thần cho
trẻ từ một đến mười tám tuổi. Tất cả đều con nhà nghèo. Bị thất lạc, bị lạm dụng,
bị gia đình bỏ rơi. Giới thẩm quyền gọi nó với một danh xưng đẹp đẽ là “Trung
tâm chăm sóc đặc biệt” nhưng thật ra đó là nơi của những kẻ bị vứt bỏ. Trẻ bị
giam cầm và cấm túc hơn là được chăm sóc. Nếu có gia đình nào đó nhận nuôi,
chúng sẽ được giải thoát. May mắn thay, Andy được gia đình bà Leonard nhận nuôi
dưỡng sau mấy tháng trời sống trong im lặng khiến cả trung tâm hoảng sợ.
Có một điều chắc chắn đó là gia đình ông bà Leonard không thể thương yêu Andy như con ruột của mình. Chỉ cần một chút sơ hở, Andy có thể ra đi như bất cứ đứa trẻ nào đã đến vào buổi sáng và ra đi vào buổi chiều, không cần một lời giải thích. Bà Leonard nóng tính, thường hay bực bội và la rầy, quát mắng, xách tai Andy. Nhưng đằng sau đó là một tâm hồn yếu đuối và dễ tổn thương bởi quá khứ u tối của bà. Có thể là do tiền bạc, lòng thương hại, lợi ích hoặc tất cả cộng lại, Andy trở thành con nuôi vĩnh viễn. Giống như kẻ sống sót trên một bè cứu sinh, không biết đi đâu, trôi dạt về đâu, đành phải ở lại nơi bè tấp vào. Dù căm ghét bà Leonard và luôn tự nhủ bản thân về sự tồn tại của Mẹ nhưng ở một góc trong trái tim, Andy cảm thấy đồng cảm với những gì bà đã trải qua. “Một phần trong tôi lại thấy quan tâm và thậm chí yêu thương bà hơn. Mặc dù tôi không ra mặt bảo vệ bà, tôi vẫn xúc động trước lòng tốt bất chợt của bà… Trải qua những tháng năm niên thiếu, lòng tốt của bà tăng lên từng chút một. Nếu như bà không quá sợ hãi, không tràn đầy thù hận và bạo tàn, có lẽ tôi đã xem bà là một bà mẹ thật sự. Có lẽ tôi thậm chí đã chấp nhận cuộc sống con nuôi…Chỉ cần thêm một chút xíu nữa từ bà Leonard, tôi có thể xem bà là người ruột thịt của tôi. Tôi có thể quên mẹ Hope hoàn toàn…”
Nhưng sự thật lúc nào cũng trái ngang. Bà Leonard không thể đủ tốt để khiến cậu quên đi người mẹ đáng thương ngoài kia. Và khi cậu biết được Mẹ cậu đã đấu tranh để giành lại cậu như thế nào, tình yêu thương mẫu tử lại dâng trào. Mẹ Hope dù có lúc ích kỷ, vô tâm nhưng bà là một người mẹ có tình yêu thương con vô bờ bến. Bà sẵn sàng dấn bước để đòi lại đứa con, bất chấp người ta nói bà bị điên, bất chấp bà bị chửi bới, đánh đập. Không một hành động nào mạnh mẽ hơn thế. Không có gì can đảm hơn thế. Và bà chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho Andy mỗi khi nỗi mất mát và cô đơn ùa về. Không giống như những đứa con của bà Leonard dễ tổn thương vì không có ai để che chở trước người mẹ bạo tàn, không có ý ức để tựa vào. Andy có Mẹ. “Trong sự tĩnh lặng của mỗi buổi sáng những ngày sau đó, tôi chờ đợi. Và trong những buổi bình minh khi cảm thấy mình quá cô đơn , tôi lặp lại điệp khúc mà Mẹ đã thì thầm vào tai tôi trong đêm tối đầy hỗn loạn ấy: Tôi là con mẹ tôi.” Và “tôi đã được dạy cái nào là đúng, cái nào là sai, cái nào lành mạnh và cái nào điên rồ, cái nào là tình thương và cái nào không phải…”
Andy ví mình là một kẻ “sống không chân thật với lòng mình, sống với quá nhiều giả dối.” Mỗi
khi có đứa trẻ nào hỏi về gia đình, Andy che giấu thân phận của một người, một
người mà cậu thương yêu nhất, một người mà cậu cầu nguyện đến mỏi mòn, đó là Mẹ.
“Mày từ đâu đến? – Tôi ước gì mình cứng rắn
hơn. Tôi ước có ai đó chỉ cho tôi cách trả lời . Tôi ước phải chi tôi là một thằng
bé tám tuổi không phải tôi, khác hơn tôi thì tốt hơn. Tôi đã chối bỏ mẹ tôi và
để cho ông bà Leonard vào thế chỗ.”
Tình yêu không có nghĩa là bạn luôn làm đúng. Đôi
khi tình yêu lại khiến chúng ta nghi ngờ chính bản thân và sức mạnh của tình
yêu ấy. Đối với Andy, có lúc cậu tưởng rằng mình có thể chấp nhận sự thay thế của
Mẹ, có lúc cậu cảm thấy tự ti và yếu đuối để có thể bảo vệ tình yêu của mình.
Con người vốn vậy. Có những giai đoạn, bỗng nhiên chúng ta yếu lòng. Tình cảm
trở thành một cục than nguội lạnh. Nhưng ngọn lửa ấy không tắt. Nó âm ỉ, dai dẳng,
với Andy nó là nguồn sức mạnh để cậu bước tiếp, trở thành một người tử tế.
Tình yêu cũng khiến người ta mù quáng. Mẹ Hope là một
minh chứng. Giá như lúc ấy, bà đừng quá lo sợ, đừng quá yếu đuối. Giá như lúc
đó bà đủ tỉnh táo để tìm kiếm cách thực sự có thể giữ Andy bên mình. Giá như
lúc đó, bà chịu chuyển về quê sống với Andy và bà ngoại, tiếp tục là một Hope
cao ngạo và đầy thách thức để không phải đi ăn trộm để có tiền, để không phải
trải qua những cơn khủng hoảng tinh thần trầm trọng vì tên người yêu thô bạo
Louis. Thì có lẽ cả ba người đã có kí ức đẹp bên nhau. Và bà ngoại Andy đã
không ra đi một chiều đông giá lạnh và cô độc.
Xoay quanh quãng đời thơ ấu của Andy còn có cậu bé đáng thương Jason. Cậu luôn khao khát tình yêu và sự chấp nhận của gia đình Leonard. Khác với Andy, cậu yêu quý gia đình ấy và mong muốn được bà Leonard quan tâm. Nhưng Jason không biết rằng, thân phận của cậu bé chỉ là một đứa con nuôi. Sau những phiền phức cậu gây ra để gây sự chú ý và để khẳng định vai trò quan trọng của mình, Jason bị đưa đi. Việc đưa Jason đầy lặng lẽ. Cậu bé ấy khốn khổ thay khi không một ai khóc lóc níu giữ, không một ai thừa nhận rằng cậu đã có một ý nghĩa nào đó trong cuộc sống. “Giống như một tai nạn xe cộ nào đó trên đường, không ai biết phải làm gì, ngoại trừ nhìn người bị nạn và sự đau đớn của họ…”
Không cốt truyện gay cấn, không tình tiết lãng mạn
hay đau khổ bi ai, mạch truyện rất nhẹ nhàng. Nhưng càng đọc, bạn càng thấy
trong những câu nói đơn giản kia chất chứa cả một tuổi thơ đầy bão tố. Một đứa
trẻ từ khi bốn tuổi đã biết thế nào là nỗi buồn cô độc, đã nếm trải mọi khó
khăn cuộc đời, đã phải đi ăn xin để có miếng ăn. Cũng một đứa trẻ bốn tuổi, bất
chấp những lỗi lầm của người Mẹ, không một câu oán than, trách móc. Và người Mẹ
- đã chứng minh mình xứng đáng được yêu thương nhiều như thế. “Mẹ tôi yêu thương tôi nhiều hơn những gì Mẹ
có thể làm được cho tôi… Cuộc chiến đấu của mẹ tôi trên đường nhằm giành giật
tôi đã thể hiện tình yêu thương vô cùng mạnh mẽ của Mẹ… Đó là tình yêu, mà tình
yêu là phải như thế. Tình yêu mà chúng ta mong ước. Mọi điều.”
Mặc cho tổn thương về thể xác, cuộc đời Hope là những cuộc tranh đấu không hồi kết để giữ con bên mình. “Có người sinh ra là để tranh đấu. Lòng dũng cảm của họ thật bền bỉ, mặc cho họ có nhược điểm hoặc yếu kém về thể chất đi nữa. Đó là những người mà chúng ta trông thấy và thán phục. Họ là những người chiến thắng vĩ đại và là người thất bại trong lịch sử… một bà mẹ mất con đã làm hết sức mình, làm nhiều hơn bất cứ ai trong chúng ta có thể làm, mà vẫn mãi bị thất bại. Với ý nghĩa đó, mẹ Hope là anh hùng đối với con mình.” Có lẽ bà hiểu được nỗi ám ảnh khi phải lìa xa gia đình lớn thế nào, và bà không thể để mặc con trai yêu quý phải trải qua những gì mà bà đã từng trải lúc nhỏ. Thất bại hết lần này đến lần khác, bị đưa từ bệnh viện tâm thần này đến bệnh viện khác, đầu óc vì những viên thuốc an thần mà trở nên mụ mị và không một ai giang tay cứu giúp, bà vẫn kiên trì, vẫn dũng cảm đương đầu. Tất cả. Đó là tình yêu. Và nhờ đó, bà đã đem lại hy vọng cho Andrew trưởng thành…
Tác giả: Vivian - Bookademy
---------
Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3"
[Dịch] Đây là một cuốn sách hay nói về hệ thống chăm sóc nuôi dưỡng ở Hoa Kỳ. Tôi cảm thấy Andy rất đáng thương, nhưng cũng nghĩ cần phải xem xét góc độ thực sự. Ý tôi là đã bao nhiêu lần khi còn ở lứa tuổi thiếu niên, tôi nghĩ bố mẹ mình thật tồi tệ và hay kiểm soát? Thêm vào đó, tôi không cho rằng anh ấy đã từng thực sự cho Leonards cơ hội để vượt qua ranh giới. Và hãy đối mặt với việc mẹ anh ấy là một người dở hơi và không có khả năng chăm sóc anh ấy... tệ nhất có thể (hoặc không) đã xảy ra với Leonards, điều đó tốt hơn những gì mẹ anh có thể làm cho anh.
Một người trong diễn đàn này nói rằng cô ấy từng sống chung nhà nuôi với Andy. Và rằng cuốn sách này không miêu tả chính xác nhà nuôi dưỡng. Ngoài ra, Andy đã có quan điểm sai lệch về lý do tại sao anh ấy được nhận nuôi. Đúng hay không thì sau khi đọc bài đánh giá này, tôi đã phải nghĩ lại về những gì mình đang đọc.