Phạm Thuý Quỳnh là một trong số ít những tác giả trẻ Việt Nam theo đuổi dòng văn học dã sử. Trong cô dường như đau đáu một sứ mệnh của loài người - gìn giữ những giá trị cổ xưa, nâng niu di sản lịch sử truyền đời qua các thế hệ. Trăng Trong Cõi  là chuyến hành trình ngược dòng quá khứ để minh oan cho vị vua Lê Long Đĩnh - Lê Ngoạ Triều, là cuốn “sách Ước” dẫu có lưu lạc ngàn đời vẫn làm nặng lòng bao người con đất Việt có nhiều duyên nợ với lịch sử quê hương.


1. Ánh trăng thấu tỏ ngàn đời:


Một trong những sứ mệnh cao cả nhất của loài người là gìn giữ văn minh, văn hoá nhân loại và chuyển giao cho các thế hệ mai sau. Trong xã hội hiện đại ngày nay, nhịp sống hối hả, vội vã dường như chẳng còn chỗ nữa cho những trầm tích văn hoá dân gian. Nhưng, lịch sử hơn cả một sứ mệnh mà ai đó phải gánh vác trên vai, đó là định mệnh không thể chối từ. 



Những trầm tích lắng đọng của ngàn năm lịch sử vẫn còn đó, vẫn đau đáu trong lòng những người con đất Việt, như một bản ngã, con người tìm về nguồn cội là một việc có lẽ chẳng thể cấm cản, chối từ.

Thập kỉ đã vuột xuống dưới chân và biến mất. Quá khứ của mảnh đất này… Rốt cuộc tôi đào bới quá khứ của mảnh đất này để làm gì?

Kết cấu truyện lồng truyện sẽ mở cánh cửa du hành cho các bạn ngược dòng lịch sử tìm đến chốn không gian huyền hồ trong màn sương bí ẩn. Câu chuyện bắt đầu hấp dẫn mang màu sắc tâm linh. Nhà báo Lâm tìm đường tới Viên Mai, một vùng quê nghèo, nghèo người nghèo cả của. Thanh niên trong làng đã bỏ đi hết, chỉ còn những ông già bà cả - người tứ xứ chọn Viên Mai như chốn làm ăn và giờ cũng chẳng còn hơi sức tìm về quê cũ. Mỗi người một vẻ, một câu chuyện khác nhau và đều đang chuẩn bị cho cái chết của mình theo một cách nào đó. Đó là cụ ông ngày ngày đóng quan tài để chuẩn bị cho ngày chết, là bà bán hàng nước cả đời khao khát tìm quyển Sách Ước, đến cuối đời chẳng có một cỗ quan tài hẳn hoi. Trong số đó, Phương là chàng trai nổi lên như chút sức sống của Viên Mai. Tuy mong manh nhưng sức sống không bao giờ lụi tắt, mảnh đất lịch sử phủ màn sương huyền hồ, bí ẩn ấy chỉ mở ra cho những người có lòng. Chính Phương kết nối Lâm với cuốn nhật kí của Bá Đa Lộc - tác giả cuốn Dictionarium Anamitico Latinum. Từ cuốn nhật kí này cô đã gặp được biết bao con người Mạc Thiên Tứ, Nguyễn Phúc Ánh, Lý Công Uẩn, Bá Đa Lộc, bà Phượng, bà lão trong căn nhà cổ… tất cả cuộc đời ấy hiện lên, nối dài với nhau, như một dòng chảy lịch sử vô thuỷ vô chung, tất cả nối liền với nhau bởi một cuốn Sách Ước.

Hành trình đi tìm kiếm sách Thánh non Tản của Bá Đa Lộc là một sự ám ảnh, không phải chỉ là yêu thích đơn thuần, hành trình này vượt lên cả tín ngưỡng, cả tình yêu của ông ta đối với Tiếng Việt.

Sách Ước ở đây là một hình ảnh ẩn dụ. Đó là những giá trị tốt đẹp cổ xưa, là những trầm tích văn hoá cha ông nặng lòng truyền lại, là tâm tư của biết bao con người Việt Nam dẫu có nằm xuống cũng không thôi trăn trở vì nước vì dân.



Dù muốn hay không, muôn đời vẫn thế, vẫn có những số phận nguyện gắn cả đời mình để gìn giữ nguồn gốc tổ tiên, nguyện làm người truyền lửa, giữ lửa cho văn minh loài người. Đó là sứ mệnh thiêng liêng cao cả, là định mệnh vinh quang cũng là số phận xót xa của những người con cống hiến và hi sinh mà mấy khi được sẻ chia, thấu hiểu.

Mỗi một thế hệ phải có một người lĩnh nhiệm vụ tìm sách Ước và đưa về Tản Viên, nếu bội ước, tội truyền sang báo nghiệt cho con cháu.

Lâm là nữ nhà báo tiếp tục sứ mệnh gìn giữ lịch sử như Phương, như những bà cụ dành cả đời đau đáu khát vọng tìm Sách Ước, đã từng có lúc chỉ mong thoát bỏ gánh nặng trên vai nhưng cuối cùng đã tận hưởng sứ mệnh vinh quang ấy. Lâm cũng như người trẻ tuổi của chúng ta, đừng chối từ sức nặng của lịch sử, hãy đưa đôi vai, chọn lấy nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng tổ tiên trao lại cho mình.


2. Ánh trăng soi rọi những kiếp người đã khuất:


Cuốn nhật kí của Bá Đa Lộc sẽ đưa người đọc về với vùng đất mũi Hà Tiên, về với những vùng lịch sử còn bị phủ mờ. Cảnh Thuỵ hay vua Lê Long Đĩnh, nhà vua cuối cùng của thời Tiền Lê, người nghìn đời nay vẫn bị người đời phỉ nhổ: giết anh soán ngôi, hoang dâm vô độ, giết người làm thú vui, róc mía trên đầu nhà sư, dìm nước giết người… về sau chết vì bệnh trĩ. Vì hoang dâm nên tương truyền nhà vua bị bệnh trĩ rất nặng, khi lâm triều phải nằm nên cái tên Lê Ngoạ Triều cũng từ đó mà ra. Ngày nay, có nhiều ý kiến cho rằng những tội trạng của Lê Ngoạ Triều chẳng qua chỉ là bịa đặt.

Cô gái trẻ Phạm Thuý Quỳnh đã chọn dã sử để đưa mình về 700 năm trước, để nghe và thấu hiểu tấm lòng của vị vua trẻ này.



Những cuộc hội ngộ với những nhân vật lịch sử như Lí Công Uẩn, Mạc Thiên Tứ… làm nên sức hút của câu chuyện. Tấm lòng của những con người vì nước vì dân, nghìn năm nay vẫn thao thức, sáng tỏ và may mắn nhất đó là vẫn tìm được những tấm lòng thấu hiểu, sẻ chia. Ánh trăng soi rọi những tấm lòng đế vương…

Nhiều năm về sau còn ai sẽ nhớ tới tôi

Nếu bạn là một người hứng thú với lịch sử, nhưng đã chán những con số, sự kiện hãy thử cùng Quỳnh nương theo ánh trăng về miền quá khứ, thử lắng nghe tâm tình của những con người cách ta hàng thế kỉ kia, để chẳng thể quên biết bao tính cách, gương mặt, số phận tưởng chừng đã chấm dứt từ lâu mà vẫn còn hiển hiện ngay đây, ở thì hiện tại.

Không ai chống lại được cái chết

Trong câu chuyện này mỗi nhân vật đều trăn trở với sự hữu hạn của đời người. Nghiệt ngã và đau đớn, cái chết luôn chờ sẵn tất cả chúng ta. Với những người cả đời vì một lý tưởng truy tìm sách Ước, dường như cuộc đời họ đã hóa thành một cuộc đời chung như dòng chảy trôi không ngừng của lịch sử, tâm tư, cống hiến của họ còn mãi trong hồn cốt Việt Nam, như một thứ sức mạnh ngầm thúc đẩy những nhà báo như Lâm độc hành trên con đường tìm về quá khứ.


3. Tình yêu Tiếng Việt và văn hoá quê hương:


Ngôn ngữ là vỏ bọc của tư duy, là con thuyền chuyên chở và gìn giữ văn hoá qua các thế hệ. Trong câu chuyện này bạn sẽ thấy nổi lên một tình yêu thương đến si mê của nhà nghiên cứu ngoại quốc Bá Đa Lộc với tiếng nói của dân tộc ta.

Ngôn ngữ của họ thật đẹp… ngay cả những ngôi sao ngoài kia cũng không sánh bằng

Sự nhập thân của tác giả với các nhân vật lịch sử đôi lúc ám ảnh tới nỗi bạn sẽ phải rùng mình. Sợi dây liên kết mạnh mẽ của cô với các nhân vật lịch sử giúp họ sống dậy đầy trăn trở và chân thật.

Tôi thường nhìn thấy ông đi lại quanh căn phòng, đôi lúc ngồi ngoài sân và đăm chiêu suy nghĩ điều gì đó, ngực áo nhét cuộn da dê. Những dòng chữ đen đó trườn trên cổ và cánh tay ông, luồn dần vào mạch máu qua làn da nhễu nhão vì tuổi già

Chọn Bá Đa Lộc một người ngoại quốc phải lòng đất nước Việt Nam, những trang nhật kí của ông là tình cảm ông dành cho xứ sở này.



Tâm tư của ông dành cho vị hoàng tử nhỏ bị đưa về “mẫu quốc”, sự yêu thương thẳm sâu, chân thành ông dành cho những tiếng cười thơ trẻ, ngôn ngữ sáng trong… là minh chứng rõ ràng nhất của sức hút văn hóa, bản sắc dân tộc. Tiếng Việt trong miêu tả của ông mang âm vang của nghìn năm lịch sử, lắng đọng tinh hoa, hồn cốt của Việt Nam. 

Trăng Trong Cõi là một tác phẩm ngắn đáng đọc, đáng để thưởng thức. Giữa những bận rộn sau một ngày dài, hãy thử chọn tác phẩm này như một chén trà chiều, để thấy mình lạc về những vùng đất cổ xưa, lắng nghe tâm tư và sẻ chia với họ. Lịch sử là thứ đã qua, hãy gạn lọc những trầm tích tinh hoa cho hiện tại chứ đừng đắm chìm và lạc lối trong quá khứ mù sương:

Thật ngu ngốc khi muốn xâm nhập cõi lòng người đã khuất. Cõi lòng họ cũng giống như vầng trăng đêm rằm, đẹp đẽ nhưng không thể chạm vào

Hãy để lịch sử như người dẫn đường tinh thông, hãy khám phá nó bằng một niềm say mê, hứng khởi chứ đừng biến quá khứ thành mê cung nhốt bạn khỏi hiện tại của mình.


Deal mua sách giá tốt hiện có: https://goo.gl/Tpr3nP

Review chi tiết bởi: Dương Phương Anh - Bookademy

------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn


Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3

Xem thêm

Trăng trong cõi - Phạm Thuý Quỳnh. “Trăng trong cõi” là một truyện dã sử khá ngắn, 200 trang sách sẽ đưa người đọc cùng Lâm - một cô gái bỏ việc ở toà soạn để đi ngược lên Viên Mai heo hút ma mị. Tại đây, Lâm tình cờ tìm được cuốn nhật kí của một nhân vật hết sức đặc biệt đó là Bá Đa Lộc, hay còn được gọi là Cha Cả. Từng trang nhật kí thổ lộ về cuộc đời ngược xuôi vất vả và ước vọng cháy bỏng cả đời của Bá Đa Lộc đó là tìm được quyển sách Ước thần bí để trao cho minh vương trong cơn đại loạn. Đồng thời, Lâm cũng tìm cách lý giải những hư thực bủa vây quanh đời cô và bí mật của dòng họ của mình. —— Thú thật là sau khi đọc xong “Trăng trong cõi" mình thất vọng quá chừng. Tác phẩm là một câu chuyện chắp vá vụng về với các diễn biến thiếu tự nhiên từ mạch truyện đến nội tâm nhân vật. Ngoài điểm sáng duy nhất là nội dung quyển nhật kí khá mạch lạc và có tính lịch sử thì mọi tình tiết khác đều khiên cưỡng và không rõ ràng. Tác giả khá ôm đồm khi ngay từ đầu nhấn mạnh muốn khám phá vị vua này này nhưng về sau lại lan man hết người này đến người khác, không cao trào cũng chả có tí logic nào, làm mình quên hẳn luôn dụng ý ban đầu của bạn ấy. Các tuyến nhân vật phụ cũng không làm mình thấy họ đóng góp vai trò gì trong câu chuyện, nhạt nhoà và vô lý (!) —— Về phần nhân vật chính thì càng cố hiểu và làm quen với chị mình càng thấy vạch đen đầy mặt. Để kể về lịch sử tất nhiên phải quay lại quá khứ, nhưng dường như tác giả không tìm được cách nào khác khéo léo và thuyết phục hơn nên cứ cho chị nữ chính đầy đủ combo té, lạc, bất tỉnh, ... để trở về thời xa xưa, nhìn và nói chuyện với các hồn ma. Kiểu này gặp vài lần không sao nhưng ở mức độ dày đặt như trong truyện thì mình chỉ thấy buồn cười. Chưa kể phần về giải mã dòng họ của chị cũng không đi tới đâu cả. Phần này mình đọc chỉ thấy hoang mang chứ không thông cảm gì được cả.

Đoạn văn bản cổ trên được viết trên tấm da dê, cùng với sách Ước là những cổ vật đã trôi theo dòng chảy lịch sử, xuất hiện xuyên suốt mạch truyện, như một sợi dây vô hình liên kết các nhân vật sống cách nhau tận 1000 năm: Mạc Thiên Tứ, Bá Đa Lộc, Nguyễn Phúc Ánh, bà Phượng, bà lão trong căn nhà cổ, anh Phương, và Lâm - nhân vật nữ chính trong câu chuyện này. Tất cả họ đều liên tục lạc vào quá khứ, gặp những vong hồn mang đến những điềm báo và gánh trên vai trách nhiệm mang sách Ước đến Tản Viên. Các cuộc gặp gỡ, những biến cố đều là những chỉ dẫn của người đã viết đoạn văn bản cổ trên tấm da dê, Lê Long Đĩnh.Về Lê Long Đĩnh, hay còn gọi là Lê Chí Trung, ông là vị hoàng đế cuối cùng của nhà Tiền Lê, niên hiệu Cảnh Thụy. Ông cai trị được 4 năm thì qua đời, hưởng dương 24 tuổi. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, từ lúc lên ngôi ông liên tiếp cầm quân chinh phạt và mở rộng bờ cõi, qua đời vì di chứng từ các trận chiến chứ không phải do bệnh trĩ vì hoang dâm vô độ như sử sách chép lại. Sau bao nhiêu điềm báo Lâm cũng đã “gặp” được vị vua này và có cơ hội đọc được nội dung sách Ước, hoá giải lời nguyền đồng thời cắt đứt sợi dây liên kết giữa lịch sử với bao phận đời liên quan. Nhưng đến cuối cùng, Lâm đã chọn cách để quyển sách nằm yên mãi mãi trong chiếc tráp gỗ. Vì chỉ có làm vậy thì những thứ cổ xưa mới không biến mất, lòng tin của con người vào giá trị sẽ mãi trường tồn.Trong truyện, Phương và Lâm đều là những người trẻ tuổi. Ở họ có sự xông xáo, luôn muốn làm sáng tỏ những điều bí ẩn. Song song đó là tình cảm chan chứa với những vùng đất lịch sử, muốn lưu giữ nét bình dị nguyên sơ bao đời của nó. Với lối miêu tả rất chi tiết, đặc sắc, vốn từ ngữ phong phú đã khắc họa rất rõ nét cuộc đời đầy biến động của các nhân vật. Thời gian đan xen giữa quá khứ và hiện tại, mang đến những vẻ đẹp nhẹ nhàng, đôi lúc lại đầy vẻ bí ẩn, ma mị khiến câu chuyện càng cuốn hút hơn.

Nằm trong chuỗi những tác phẩm lọt vào vòng chung khảo cuộc thi Văn học tuổi 20, Trăng trong cõi được Nhà xuất bản Trẻ xếp vào thể loại truyện dài nhưng khi khép lại cuốn sách này, tôi rất muốn gọi nó bằng định danh tiểu thuyết. Bởi lẽ, chỉ với hơn 170 trang sách, Trăng trong cõi đã điểm xuyết một cách chọn lọc chặng đường lịch sử đầy biến động thăng trầm trải dài hơn 1000 năm, từ thời cuối thời Tiền Lê cho đến thì hiện tại. Qua đó để thấy được sức nén đáng ghi nhận của một cây bút trẻ đang trong thời kỳ định hình phong cách sáng tác. Với việc vận dụng uyển chuyển thủ pháp truyện lồng truyện, Phạm Thúy Quỳnh đã khéo léo xây dựng một mê cung lịch sử nhằm thôi miên độc giả bước vào câu chuyện của cô một cách tự nhiên tựa như đang tham gia vào trò chơi truy tìm quá khứ. . “Trăng trong cõi” là cuộc hành trình bất quy tắc từ hiện tại ngược về quá khứ, rồi từ quá khứ xuôi tới miền hiện tại mà ở đó mở đầu của tuyến truyện này là kết thúc của tuyến truyện kia và ngược lại. Mọi ranh giới về thời gian, không gian đã bị tác giả mờ hóa để câu chuyện trở nên hư hư, thực thực như một màn sương mỏng mảnh, u huyền. Điểm xuất phát của tiểu thuyết này là chuyến thực tế của “tôi”- cô phóng viên trẻ tên Lâm lên miền Viên Mai - nơi được mệnh danh là “Chốn đào nguyên cõi thực, mây cuộn trôi xa, sau mưa núi biếc, bước vào tưởng như gặp tiên cảnh. Nơi đây có dòng nước trong ngọt đáng dùng để pha trà thượng phẩm” để tìm tư liệu viết bài. Tại đây, cô gặp Phương - người nắm giữ cuốn nhật ký của Bá Đa Lộc. Và từ đó, cánh cửa quá khứ được bóc tách dần theo những trang nhật ký đầy cảm xúc… . Cuốn nhật ký của Bá Đa Lộc được viết từ năm 1767 chính là chiếc chìa khóa mở ra những câu chuyện bí ẩn đượm màu liêu trai, huyền ảo về tấm da dê mang trên mình lời nguyền: “Truy tầm Sách Ước Thánh Tản cả đời nhưng chúng ta, không một ai chống lại được cái chết cả”, về cuốn Sách Ước mà sở hữu được nó là có cả thiên hạ khiến không ít kẻ bao phen tranh đoạt và đặc biệt là về vị hoàng đế cuối cùng trong lịch sử đầy hào quang mà cũng lắm biến cố của nhà Tiền Lê – Lê Long Đĩnh – “vị hoàng đế chịu nhiều điều tiếng nhất”. Bằng lối viết dòng ý thức đòi hỏi những kỹ thuật cắt cúp tinh xảo, Phạm Thúy Quỳnh đã kết nối “tôi” với rất nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng ở nhiều thời đại khác nhau như Lê Long Đĩnh, Lý Công Uẩn, Nguyễn Ánh, Bá Đa Lộc, Mạc Thiên Tứ … mà những người chưa đọc tiểu thuyết này hẳn sẽ băn khoăn, làm sao để đặt họ đứng cạnh nhau trong một cuốn tiểu thuyết có dung lượng ngắn như vậy? . Cả Bá Đa Lộc và cô phóng viên Lâm trong “Trăng trong cõi” sống trong hai giai đoạn hoàn cách nhau đến ba thế kỷ nhưng ở họ có một điểm chung là những ám ảnh và trăn trở về quá khứ nhưng ngay sau đó lại hoang mang đặt ra câu hỏi: “Rốt cuộc, mình đào bới quá khứ của mảnh đất này để làm gì?”. Tấm da dê lưu những dòng cổ tự và cuốn Sách Ước thấp thoáng hiện lên cơ hồ như có, như không, như mơ, như thực. Có lẽ cũng bởi vì sự mơ mơ, hồ hồ vừa đáng sợ, vừa cuốn hút ấy mà mặc cho lời nguyền “Truy tầm Sách Ước Thánh Tản cả đời nhưng chúng ta, không một ai chống lại được cái chết cả” luôn như “thanh gươm đương treo lơ lửng chỉ chực rơi xuống”, bao thế hệ hơn 1000 năm vẫn tìm cách hóa giải những bí ẩn xung quanh chúng và chấp nhận vòng tuần hoàn luẩn quẩn giữa được và mất. . Tại sao lời nguyền kia lại ứng nghiệm vào cuộc đời những con người một lòng đi tìm Sách Ước? Và nội dung trong cuốn sách ước là gì mà những thế hệ nối tiếp nhau vin vào lời thề và cứ thế “dốc sức tìm kiếm, đổ cả máu và nước mắt”? Những bí ẩn trong Sách ước tựa như “vầng trăng đêm rằm, đẹp đẽ nhưng vĩnh viễn không thể chạm vào”. Những người vướng duyên nợ với nó chỉ cần làm một việc tưởng chừng như đơn giản là “mang nó trở lại Điện thờ trên Tản Viên”, nhưng thực ra lại chẳng hề đơn giản chút nào. Bởi lời nguyền về cái chết chưa bao giờ quên lãng một ai. Không vội vàng giải thích, không thiên về những diễn biến hành động thường thấy trong các tác phẩm văn học đề tài lịch sử, “Trăng trong cõi” chậm rãi dẫn dắt người đọc đi từ mê cung thời gian này đến mê cung thời gian khác để có lúc độc giả phải dừng lại và tự hỏi, đây là quá khứ hay hiện tại? Và rồi chợt nhận ra, điều đó không còn quá quan trọng nữa rồi, bởi, “cứ đi rồi sẽ đến”. . Khó lòng mà buông được Trăng trong cõi khi chưa khám phá ra nội dung trong cuốn Sách Ước ấy. Mê cung mà Phạm Thúy Quỳnh dựng nên là thách thức để đo lường độ kiên nhẫn của độc giả. Khi ranh giới về thời gian, không gian đã bị xóa nhòa thì mọi con đường trong mê cung đều dẫn đến một trải nghiệm đầy ý nghĩa. Cái tài của Thúy Quỳnh là sự nhào nặn lịch sử một cách vô cùng nhuẫn nhuyễn và mềm mại để rồi có những đoạn, nhân vật “tôi” bước qua ranh giới thời gian tham dự vào lịch sử, trực tiếp gặp gỡ Bá Đa Lộc, người ông đã chết hay đối thoại với Lê Long Đĩnh mà mạch truyện vẫn trôi chảy tự nhiên, không hề vấp víu, khiên cưỡng. . Độc giả hẳn sẽ phải mở rộng trường liên tưởng để đoán xem trong Sách Ước ẩn chứa những bí mật, những điều lớn lao gì? Và rồi cuối cùng, “cuốn thánh thư mở ra. Quầng sáng chói mắt bung tỏa khắp vòm không, Sách Ước bay lên cao, tôi nén hơi thở của mình gắng đọc nội dung của nó. Hiềm nỗi, trong cuốn sách không hề có nội dung gì cả, chỉ là những tờ giấy trắng được ghép lại với nhau bằng một đoạn chỉ thô mà thôi”. Một cái kết đầy bất ngờ, nhưng không hề hụt hẫng. Hãy để quá khứ và những bí ẩn mãi mãi ẩn sâu trong màu trắng nguyên khôi ấy để mỗi người tự đi tìm lời giải mà họ cho là phù hợp nhất. Nhà văn có quyền truyền tải lịch sử đến độc giả theo cách riêng của mình, nhưng họ không có nghĩa vụ phải giải thích hay chứng minh lịch sử. Nếu mọi thứ phải rạch ròi đen trắng thì lịch sử đâu còn là lịch sử. Kết thúc nửa kín nửa hở này đã làm tăng độ dư ba cho “Trăng trong cõi”. Để khi gấp cuốn sách lại rồi thì những câu hỏi vẫn còn vấn vương trong tâm trí bạn đọc. . Lịch sử là thứ vĩnh viễn không bao giờ có thể thay đổi. Nhưng vì lịch sử ẩn khuất sau màn sương mù thời gian nên nó có thể gây ra rất nhiều tranh cãi. Không phụ thuộc vào những sự kiện hay tiến trình lịch sử, với “Trăng trong cõi”, Phạm Thúy Quỳnh đã chọn một vài hình ảnh, chi tiết nhỏ mà sử sách ít nhắc tới để thông qua đó vén bức màn sương khói thời gian mập mờ giúp độc giả có những góc nhìn rõ hơn, tỉnh táo hơn về quá khứ. Qua đó, cô đem tiếng nói bản thân gián tiếp đấu tranh với những tư tưởng bảo thủ cố hữu nhằm nỗ lực minh oan cho vị hoàng đế nhiều tai tiếng – Lê Long Đĩnh. Như cô từng tâm sự: “Tôi “gặp” Lê Long Đĩnh trong một lần đọc lại cuốn Đại Việt sử ký toàn thư và cứ ám ảnh không thôi về cuộc đời của vị hoàng đế với thân phận bị lịch sử phủ mờ này. Đó là căn duyên mà “Trăng trong cõi” ra đời - chẳng rõ lý do, chẳng hay hậu quả, tôi chỉ biết rằng mình phải viết ra câu chuyện này mà thôi”. . Trở về quá khứ là trở về với sự thật, với những ký ức vừa sống động, vừa dở dang, vừa nuối tiếc. Để tự tin bước lên chuyến tàu xuyên không ấy, Quỳnh đã cho mình một vốn đọc khá đầy đặn, nghiêm túc mà những trích dẫn, những cái tên như Cao Hành Kiện, Goethe, Monseigneur Pigneau de Béhaine, Witold Gombrowicz, Raxun Gamzatop mà cô nhắc đến là minh chứng rằng còn đường văn chương Quỳnh theo đuổi không phải là một cuộc dạo chơi hời hợt. Và những điều cô viết trong cuốn tiểu thuyết này được bồi đắp trên nền kiến văn chắc chắn, bài bản chứ không phải là quá trình “sáng tác” hay thậm chí bóp méo lịch sử như một vài cây bút chọn đề tài này thường mắc phải. Chợt vỡ ra, khám phá thế giới đâu chỉ là những chuyến du lịch khắp bốn bể, năm châu. “Trăng trong cõi” nhắc nhớ chúng ta, nhất là những người trẻ rằng, đừng quên điều quan trọng không kém là khám phá lịch sử đang dần bị xem nhẹ, bị vùi lấp trong sự thờ ơ, vô cảm của lòng người mà chúng ta vẫn thường lấy thời gian làm cái cớ hoàn hảo nhất nhằm đổ lỗi. . Văn phong trong tiểu thuyết này chặt chẽ và đẹp đến độ chuẩn mực với vốn từ Hán Việt đáng nể mà tác giả dày công tích lũy. Song cũng chính sự chuẩn mực đó khiến cho nét cá tính của Quỳnh phần nào bị khuất lấp sau sự chỉn chu quá mức. Đã có một Phạm Thúy Quỳnh phá phách, nổi loạn cùng câu chữ trong những truyện ngắn độc đáo ở hai tập “Nhện, Trịnh, Thiên thu” và “Sợi chỉ đỏ kết nối”. Đến với “Trăng trong cõi”, dường như, Quỳnh đã “hiền” hơn trước. Hay đây chính là nốt lặng để cô suy nghiệm về nghệ thuật và chuẩn bị cho những “cuộc chiến” mới? Giống như Nguyễn Tuân – một trong những nhà văn thần tượng của mình, nhiều đoạn văn, Quỳnh mắc lỗi phô bày kiến thức hơi rườm rà khiến mạch truyện bị loãng, đơn cử như khi cô miêu tả quá chi tiết về trà. Lại có những đoạn trong cuốn nhật ký của Bá Đa Lộc, Quỳnh nhập thân chưa thực sự hòa hợp, nhịp nhàng, kín kẽ khiến hơi văn bị lộ suy nghĩ chủ quan mang đậm phong cách ngôn ngữ của nhà văn chứ không phải của nhân vật. . “Trăng trong cõi” là mê cung của lịch sử, ký ức, hoài niệm, ảo ảnh và những giấc mơ không hồi kết. Cứ bước vào đi, đừng sợ lạc… . Nguồn: nguoihanoi.com.vn

Tác giả đã kể một câu chuyện hấp dẫn xuyên thời gian và không gian. Lâm, một nữ nhà báo trẻ tìm đường đến Viên Mai, một ngôi làng đơn sơ lặng lẽ và giản dị trên một vùng cao hẻo lánh, cách biệt với văn minh và ánh sáng đô thị, nơi là bến đậu cho dân tứ xứ trôi dạt về, với đặc sản là những gốc trà già cỗi cho thứ nước thơm lừng trong trẻo không đâu sánh bằng. Mục đích ban đầu của cô gái trẻ là lấy tin cho tòa soạn về một vùng đất nên thơ tiềm ẩn khả năng phát triển du lịch sinh thái, nhưng nguyên nhân bên trong thôi thúc còn bởi những bí ẩn đến từ sứ mệnh đặc biệt của dòng họ, truyền từ ông ngoại của Lâm. . Tại đây, cô gặp Phương, trưởng thôn Viên Mai, một nam nhân 35 tuổi có học thức nhưng lại bám trụ lại quê nhà, khác biệt với hầu hết thanh niên đã rời bỏ Viên Mai để tìm một nơi chốn mới hiện đại và quyến rũ hơn. Phương cũng như Viên Mai, bình thản, rỗi rãi và nhàn tản bên niềm đam mê gốm sứ. Phương cũng là người đã kết nối Lâm với cuốn nhật ký cổ xưa mà chủ nhân của nó là Bá Đa Lộc, nhà truyền giáo thế kỷ 18, người thân cận và hỗ trợ đắc lựa cho Nguyễn Ánh, cũng là tác giả cuốn từ điển Tiếng Việt Dictionarium Anamitico Latinum. . Cuốn nhật ký đưa Phương và người đọc quay về thế giới của thế kỷ 18 ở vùng mũi đất tít tận Hà Tiên, với những trang viết về cuộc đời biến động của Bá Đa Lộc, cũng như những trăn trở, khúc mắc của ông về một nhân vật bị lịch sử che mờ: Cảnh Thụy hay vua Lê Long Đĩnh, nhà vua cuối cùng của thời Tiền Lê, người mang trọng tội giết anh soán ngôi, vị vua độc ác và hoan dâm vô độ nổi tiếng của sử Việt. Trong cõi mộng tranh tối tranh sáng của ngôi chùa cổ, cùng với hình ảnh tấm da dê xuyên suốt toàn bộ câu chuyện, Lâm đã gặp được nhà truyền giáo và cả vị vua trẻ của 700 năm về trước, thấu hiểu những băn khoăn, trăn trở của Bá Đa Lộc, hay ám ảnh và đồng cảm với vị vua trẻ ốm yếu nhưng quyết đoán trên ngôi báu. Cô tiếp tục đi tìm quyển sách Ước, thứ mà bao bậc đế vương khao khát hàng ngàn năm qua, vật kết nối giữa Lê Long Đĩnh và Nguyễn Ánh, để mang về vùng núi Tản Viên, hoàn thành sứ mệnh của đời mình. . Phạm Thúy Quỳnh kể một câu chuyện lịch sử với giọng văn giàu cảm xúc, ẩn chứa trong đó là tình yêu sâu đậm dành cho đất nước và lòng tự hào dân tộc sâu đậm. Các nhân vật lịch sử như Lê Long Đĩnh, Lý Công Uẩn, Nguyễn Phúc Ánh, Bá Đa Lộc, Mạc Thiên Tứ… được tác giả khắc họa với một thái độ trân trọng và biết ơn sâu sắc. Đó còn là mong ước của một người trẻ với khát vọng muốn rọi sáng được những ngóc ngách còn chìm trong màn sương mờ ảo của quá khứ: Góc nhìn khác minh oan cho vua Lê Long Đĩnh, những biến chuyển trong tâm tư của Bá Đa Lộc khi đem ấu chúa là Hoàng tử Cảnh làm con tin cho người Pháp để cầu viện cho đất An Nam… . Tác phẩm còn là tình yêu bao la với ngôn ngữ Việt. “Ngôn ngữ họ quá đẹp để có thể diễn tả, ngaycả những vì sao ngoài kia cũng không thể lấp lánh bằng.” Đó là lý do mà Bá Đa Lộc đã tốn bao nhiêu công sức và tâm huyết để làm nên cuốn từ điển Tiếng Việt, cũng như bao thế hệ người ngoại quốc đến với nước Việt và say mê những ngôn từ đẹp đẽ trong bài đồng dao của trẻ thơ, những ngôn từ sống động và truyền cảm có sức mạnh lay chuyển cả lịch sử. . Nguồn: Trạm Đọc - Read Station