Cho đến nay Trăm năm cô đơn vẫn là cuốn tiểu thuyết lớn nhất của Gabriel Garcia Márquez, nhà văn Columbia, người được giải Nobel về văn học năm 1982.

Trăm năm cô đơn ra đời (1967) đã gây dư luận sôi nổi trên văn đàn Mỹ Latinh và lập tức được cả thế giới hâm mộ. Sau gần hai mươi năm, Trăm năm cô đơn đã có mặt ở khắp nơi trên hành tinh chúng ta để đến với mọi người và mọi nhà.

Trăm năm cô đơn là câu chuyện về dòng họ Buênđya tồn tại bảy thế hệ, người đầu tiên bị trói vào gốc cây và người cuối cùng bị kiến ăn, một dòng họ tự lưu đày vào cõi cô đơn để trốn tội loạn luân. Trong cõi cô đơn ấy, những Accađiô, Aurêlianô, Rêmêđiôt và những Amaranta đã ra đời, sống với số phận bi đát như đã được định trước: lay lắt trong nỗi cô đơn và hoài nhớ, thấp thỏm lo phạm tội loạn luân. Nhưng rồi họ yêu nhau mãnh liệt và lấy nhau với hy vọng tình yêu sẽ cải tạo nòi giống mình. Nhưng họ vẫn đẻ ra những đứa con có đuôi lợn và chính nó đã kết liễu dòng họ Buênđya.

Trăm năm cô đơn là lời kêu gọi mọi người hãy sống đúng bản chất người – tổng hòa các mối quan hệ xã hội – của mình, hãy vượt qua mọi định kiến, thành kiến cá nhân, hãy lấp bằng mọi hố ngăn cách cá nhân để cá nhân mình tự hòa đồng với gia đình, với cộng đồng xã hội. Vì lẽ đó Garcia Márquez từng tuyên bố cuốn sách mà ông để cả đời sáng tác là cuốn sách về cái cô đơn và thông qua cái cô đơn ông kêu gọi mọi người đoàn kết, đoàn kết để đấu tranh, đoàn kết để chiến thắng tình trạng chậm phát triển của Mỹ Latinh, đoàn kết để sáng tạo ra một thiên huyền thoại khác hẳn. Một huyền thoại mới, hấp dẫn của cuộc sống, nơi không ai bị kẻ khác định đoạt số phận mình ngay cả cái cách thức chết, nơi tình yêu có lối thoát và hạnh phúc là cái có khả năng thực sự, và nơi những dòng họ bị kết án trăm năm cô đơn cuối cùng và mãi mãi sẽ có vận may lần thứ hai để tái sinh trên mặt đất này.

Người đọc tìm đến với Trăm năm cô đơn bởi đó là cuốn sách văn học thực sự mang hơi thở đời sống hiện đại – cuốn sách của niềm tin và những số phận con người.

Trích dẫn

Rất nhiều năm sau này, trước đội hành hình, đại tá Aureliano Buendía đã nhớ lại buổi chiều xa xưa ấy, cái buổi chiều cha chàng dẫn chàng đi xem nước đá. Thời ấy Macondo là một làng gồm vài chục nóc nhà tranh vách đất dựng bên bờ con sông nước trong như pha lê, ào ào chảy qua những tảng đá nhẵn thín, trắng bong, to như những quả trứng thời tiền sử. Thế giới lúc ấy còn ở buổi hồng hoang, chưa có tên gọi các đồ vật và để gọi chúng cần phải dùng ngón tay chỉ đích vào từng cái một. Cứ vào tháng ba hàng năm, một gia đình digan rách rưới dựng một túp lều bạt ngay cạnh làng, rồi với tiếng kèn trống om xòm quảng cáo những phát minh mới. Ðầu tiên, họ mang tới đá nam châm. Một người digan lực lưỡng, hàm râu lởm chởm, bàn tay lông lá, tự giới thiệu mình tên là Melquíades, làm ngay một thí nghiệm kinh rợn trước công chúng về cái mà chính ông ta gọi là kỳ quan thứ tám của các thuật sĩ luyện đá giả kim uyên bác xứ Macedonia. Từ nhà này sang nhà khác ông ta kéo hai thỏi kim loại đã nhiễm từ, và thế gian kinh ngạc khi nhìn thấy xanh, chảo, vạc, kìm, bếp lò rơi đổ ngổn ngang, đồ gỗ kêu cọt kẹt bởi đinh, ốc vít đang như muốn tuột ra khỏi chúng, và hơn nữa, những vật bằng sắt bị mất từ lâu bỗng lại ló ra ở ngay nơi chủ nó từng mất công tìm kiếm. Rồi sau đó, mọi người bị lôi cuốn đổ ra đường, lũ lượt, ồn ĩ theo sau những trò ảo thuật đầy thích thú của Melquíades. “Mỗi một vật đều có cuộc sống”, người digan quảng cáo với giọng lanh lảnh, “vấn đề là ở chỗ biết đánh thức tâm hồn nó”. José Arcadio Buendía, người có trí tưởng tượng thường đi xa hơn cả bản thể của giới tự nhiên và còn vượt quá rất xa những phép màu và trò huyền ảo, nghĩ rằng có thể sử dụng phát minh vô bổ ấy vào việc moi vàng từ trong lòng đất. Melquíades, vốn là người cao thượng, nói trước cho ông biết: “Ðồ này không dùng vào việc ấy được” Nhưng José Arcadio Buendía lúc ấy vẫn không tin đức tính cao thượng của người dân digan, vì vậy đã đổi ngay một con lừa và một cặp dê đực để lấy hai thanh nam châm. Úrsula Iguarán, vợ ông, từng nghĩ tới việc dùng những gia súc này vào việc mở rộng ngôi nhà ở của họ vốn dĩ tồi tàn, đã không thuyết phục được ông. “Ôi dào, rồi chúng ta sẽ có ối vàng để xây nhà, lo gì mình ơi”, ông cãi lại. Trong vài tháng liền, ông trần lưng làm việc để biến những dự đoán của mình thành hiện thực. Ông đào bới cặn kẽ khắp vùng, kể cả dưới lòng sông, rồi kéo rê hai thanh nam châm, khấn rõ to lời cầu nguyện của Melquíades. Vật duy nhất mà ông đào bới được là một bộ giáp trụ từ thế kỷ XV, bị lớp han rỉ phủ kín, bên trong như một quả bí khổng lồ chứa đầy đá Khi José Arcadio Buendía và bốn người đàn ông trong đội khai quật của mình tháo rời được bộ giáp trụ này, họ thấy một bộ xương người đã hóa vôi, cổ còn lủng lẳng đeo một hộp thánh tích bằng đồng đựng mớ tóc phụ nữ.

Những người digan trở lại làng vào tháng ba. Lần này họ mang theo một kính viễn vọng và một kính lúp có mặt gương to bằng mặt trống, họ trưng bày chúng như thể trưng bày phát kiến mới nhất của những người Do Thái ở Amsterdam. Họ cho một cô digan ngồi ở đầu làng và đặt cái kính viễn vọng ở ngay cửa vào của túp lều bạt. Sau khi trả năm đồng real, dân chúng ghé mắt vào kính viễn vọng và họ nhìn thấy cô digan ở ngay trong tầm tay mình. “Khoa học đã rút ngắn khoảng cách”, Melquíades quảng cáo: “Chẳng bao lâu, không cần phải ra khỏi nhà mình, con người đã có thể biết được bất kỳ điều gì xảy ra trên trái đất”. Một buổi trưa nóng bỏng, bọn họ làm một thử nghiệm khủng khiếp bằng chiếc kính lúp khổng lồ: chồng một đống cỏ khô ở giữa đường rồi lấy kỉnh lúp chiếu tia mặt trời vào, thế là cả đống cỏ bùng cháy. José Arcadio Buendía, người vẫn chưa nguôi buồn về sự thất bại của việc dùng nam châm tìm vàng, lại nẩy ra ý định sử dụng phát minh ấy như một thứ vũ khí. Một lần nữa, Melquíades lại khuyên can ông. Nhưng rồi chính Melquíades phải nhận lại hai thanh nam châm và nhận thêm ba đồng tiền thời thuộc địa để đổi cho José Arcadio Buendía chiếc kính lúp. Úrsula khóc lóc thảm thiết. Số tiền ấy là một phần của túi tiền vàng mà cha bà đã tích cóp trong suốt cuộc đời ăn đói mặc rách và bà đã chôn chúng dưới gầm giường chờ dịp cần thiết mới tiêu đến. José Arcadio Buendía, ngay đến an ủi vợ cũng không có ý định, đã vội dốc toàn lực vào những việc thí nghiệm với đam mê của một nhà khoa học và hơn thế nữa còn dấn thân vào những nguy hiểm chết người. Ðể làm rõ hiệu quả của kính lúp đối với quân địch, chính ông đã tự mình đứng ngay vào vùng ánh sáng là nơi kính lúp đã hội tụ tia nhiệt mặt trời, và ông bị bỏng, những vết bỏng này trở thành ung nhọt phải mất nhiều thời gian mới chữa lành. Suýt nữa ông đốt nhà vì không thể chịu nổi những lời rỉa rói của bà vợ, người từng cảnh giác trước nỗi nguy hiểm của phát minh này. Ông ở lỳ trong phòng mình nhiều giờ liền, tính toán về những khả năng chiến lược của thứ vũ khí mới sáng chế, cho đến khi ông viết được một bản chỉ dẫn mạch lạc có tính sư phạm và đầy sức thuyết phục. Ông gửi nó cho nhà chức trách, có kèm nhiều bằng chứng của kinh nghiệm bản thân và vài bản vẽ thuyết trình. Ông giao nó cho một sứ giả mang đi. Người này đi xuyên rừng, bị lạc trong đầm lầy đáng sợ, vượt qua những con sông cuộn sóng, suýt nữa thì mất mạng vì thú dữ, vì thất vọng và dịch bệnh, trước khi tìm thấy con đường mà những con lừa của người đưa thư vẫn qua lại. Mặc dù đường đi đến thủ đô thời ấy là rất khó khăn, José Arcadio Buendía đã dự định sẽ chế tạo rất nhanh thứ vũ khí này nếu như chính phủ ra lệnh thử nó ngay trước mặt các nhà quân sự và ông sẽ đích thân hướng dẫn cho họ về nghệ thuật phức tạp của chiến tranh sử dụng năng lượng mặt trời. Trong nhiều năm liền ông chờ đợi thư phúc đáp của chính phủ. Cuối cùng, chán chường vì chờ đợi, ông đành phải than phiền với Melquíades về sự thất bại của công việc vừa ở bước khởi đầu. Vậy là người digan lại có dịp bày tỏ tư chất cao thượng của mình: trả lại ông những đồng tiền Doblón để lấy lại chiếc kính lúp ngoài ra còn để lại một số tấm bản đồ của người Bồ Ðào Nha, và một vài dụng cụ đi biển. Tự tay mình, Melquíades còn viết một bản tổng kết chặt chẽ về những nghiên cứu của thày tu Hermann, rồi đặt vào vị trí của nó để ông có thể sử dụng kính thiên văn, la bàn và thước đo góc 60 độ. Trong những năm tháng mưa dài lê thê, José Arcadio Buendía ở lỳ trong cái phòng nhỏ làm ở cuối nhà để không một ai quấy rầy mình trong lúc làm thí nghiệm. Nhờ hoàn toàn bỏ thói quen ăn, ngủ đúng giờ, ông ở ngoài sân suốt đêm để theo dõi đường đi của các vì sao và suýt nửa mắc bệnh đau đầu vì ý muốn xây dựng một phương pháp chính xác để tìm phương Nam. Khi đã thành thạo sử dụng và điều khiển các dụng cụ, ông có ý niệm về một khoảng không gian mênh mông cho phép ông đi thuyền trên những biển xa lạ, đến những miền đất hoang vu không bóng người và kết bạn với những người hiển hách mà không cần phải ra khỏi bàn làm việc của mình. Ðấy là thời kỳ ông mắc tật nói một mình, đi dạo khắp nhà chẳng để ý tới ai trong lúc Úrsula và bọn nhóc nhổ cỏ trong vườn, chăm bón chuối và khoai sọ sắn và củ từ, bí ngô và cà dái dê. Không một dấu hiệu báo trước nào, bỗng nhiên ông ngừng mọi hoạt động sôi nổi để chìm đắm trong suy tưởng. Vài ngày liền, ông cứ như người bị bỏ bùa mê, giọng thì thầm nhắc đi nhắc lại cho chính mình nghe hàng loạt những phỏng đoán đầy kinh ngạc mà ông không cần tin vào sự hiểu biết của chính mình. Cuối cùng, vào giờ ăn trưa, một ngày thứ ba tháng chạp, ông xổ tung tất cả nỗi căng thẳng trong tâm tưởng mình. Bọn trẻ cả đời sẽ nhớ mãi vẻ trang trọng của cha chúng khi ông ngồi vào đầu bàn, người run rẩy lên cơn sốt, gầy rộc đi vì công việc quan sát kéo dài và vì lòng chua xót bởi trí tưởng tượng. Ông đã công bố cho chúng biết phát kiến của mình: “Trái đất tròn như thể quả cam ấy?“ Bà Úrsula không chịu được nữa. “Nếu ông có điên thì một mình ông điên thôi”, bà gào, “nhưng xin ông chớ có nhồi sọ bọn trẻ những ý nghĩ bông lông của mình nhét. José Arcadio Buendía lặng thinh, không để cho mình sợ hãi trước cơn thất vọng của bà vợ mà trong lúc bực mình bà đã quẳng kính thiên văn xuống sàn nhà làm nó vỡ toang. Ông làm cái khác và tụ tập những người đàn ông trong làng ở ngay trong phòng nhỏ rồi bằng thứ lý thuyết khó hiểu đối với bọn người này ông đã chứng minh cho họ thấy khả năng trở lại điểm xuất phát ban đầu nếu cứ nhằm hướng đông cho tàu thuyền chạy. Cả làng đều nhất loạt đồng ý với nhau rằng José Arcadio Buendía đã mất trí. Giữa lúc ấy, Melquíades trở lại để dàn xếp mọi việc. Ông công khai biểu dương trí thông minh của con người bằng việc đơn thuần nghiên cứu thiên văn, đã xây dựng được một lý thuyết từng được công nhận trong thực tiễn mặc dù cho đến lúc ấy ở làng Macondo vẫn chưa ai biết tới, và để bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình ông đã tặng lại José Arcadio Buendía một phòng thí nghiệm giả kim, một kỷ vật sẽ gây ảnh hưởng quyết định đối với tương lai của làng này.

Vào thời ấy, Melquíades già đi nhanh đến mức ai cũng phải ngạc nhiên. Trong những chuyến đầu tiên đến làng này hầu như ông cùng trạc tuổi với José Arcadio Buendía. Nhưng trong lúc ông này vẫn giữ được sức khỏe vâm váp của mình, cái sức chỉ cầm hai tai con ngựa có thể quật ngã nó, thì người digan dường như đã bị suy nhược bởi những đau đớn khủng khiếp. Thực ra đó là hậu quả của rất nhiều thứ bệnh lạ lùng do ông nhiễm phải trong những chuyến du lịch vòng quanh thế giới. Theo như chính lời ông kể với José Arcadio Buendía trong lúc giúp ông này dựng phòng thí nghiệm thì thần chết đuổi theo ông khắp miền, nó cứ đánh hơi ống quần ông mà theo riết nhưng vẫn không túm được ông. Cuộc đời ông là cả một cuộc trốn chạy trước không biết bao nhiêu thứ tai ương và hoạn nạn đã giống xuống đầu cái giống người. Ông qua khỏi bệnh phong ở Ba Tư, bệnh hoại huyết ở quần đảo Mã Lai, bệnh hủi ở Alexandria, bệnh phù thũng ở Nhật Bản, bệnh dịch hạch ở đảo Madagascar, nạn động đất ở Sicily và nạn đắm tàu xảy ra thường ngày ở eo biển Magallanes[4]. Cái con người kỳ vĩ đó, người từng nói rằng mình nắm được các bí quyết của Nostradamus[5], là một người mang vẻ buồn rầu, bởi mặt trời buồn bao quanh ông, với con mắt Á châu dường như đã biết được mặt trái của sự vật. Ông dùng một chiếc mũ rộng vành màu đen nom như cánh quạ xòe và một chiếc áo nỉ khoác ngoài bị rêu xanh hàng thế kỷ phủ lên. Nhưng dù có sức hiểu biết quảng bác là thế và có môi trường hoạt động bí hiểm là thế, ông vẫn có một tư chất người, một tư chất thế tức, là cái làm cho ông gắn bó với những vấn đề nhỏ nhặt của cuộc sống thường ngày: ông than vãn về những mệt mỏi của tuổi già, do phải chịu đựng hoàn cảnh kinh tế túng thiếu, và từ lâu ông không mỉm cười vì bệnh hoại huyết đã nhổ hết răng. José Arcadio Buendía hiểu rõ rằng cái buổi trưa ngột ngạt Melquíades đã bộc bạch những chuyện riêng tư của đời mình mãi mãi sẽ là ngọn nguồn của một tình bạn vĩ đại. Bọn trẻ đầy thán phục trước những câu chuyện huyền thoại của ông. Aureliano, lúc ấy chưa quá năm tuổi, sẽ phải nhớ suốt đời hình ảnh Melquíades mà cậu đã được nhìn thấy: ông ngồi để cho ánh sáng chói chang trắng bạc từ cửa sổ chiếu vào mặt, trong lúc mồ hôi ròng ròng chảy trên hai thái dương và với giọng nói trầm vang của cây đại phong cầm ông đã rọi ánh sáng vào những miền tối tăm nhất của trì tưởng tượng. José Arcadio, ông anh cậu có lẽ sẽ di lại cho con cháu mình cái hình ảnh kỳ diệu ấy như di lại một kỷ vật truyền đời. Trái lại, Úrsula lại giữ mãi kỷ niệm xấu về chuyến thăm viếng ấy, bởi vì bà bước vào phòng đúng lúc Melquíades do đãng trí đã làm vỡ một chai thủy ngân.

 

Nguồn: downloadsach.com 

------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected] 

Xem thêm

Thật khó để tóm tắt cuốn sách này vì các câu chuyện dàn trải và liên tục nối tiếp nhau xoay vòng. Mình vẫn tiếp tục coi cuốn sách này là kỳ cục cho tới khi đọc được đoạn tả về cái chết của người tình Meme. Lúc này mình mới nhận ra, cả dòng họ Buendia, thậm chí cả những người không cùng huyết thống nhưng có quan hệ yêu thương hay thân cận với gia đình họ, đều chịu chung một “lời nguyền” về sự cô đơn.

Càng về nửa sau của cuốn sách thì hầu như chương nào cũng kết thúc bằng cái chết của một ai đó, và đều chết trong sự cô đơn. Đặc biệt là cái chết của Đại tá Aureliano, người từng chết đi sống lại, khiến mình liên tưởng tới Heathcliff trong Đồi gió hú, người cả đời tìm mọi cách hòng đạt được mục tiêu của bản thân cho tới khi gần chạm tới nó thì lại chết chìm trong cảm giác cô độc và trống trải. Đại tá cũng tương tự như thế, cũng đã có thời huy hoàng chinh chiến để rồi những ngày cuối đời về lại Macondo dưỡng lão với tinh thần "buông bỏ tất cả".

Làng Macondo, nơi chứng kiến trăm năm cô đơn của dòng họ Buendia cho tới những ngày cuối cùng của gia tộc ấy cũng gần như trở về hư không, cô đơn hiu quạnh.

Câu chuyện kể về một dòng họ và ngôi làng nơi họ sinh sống là Macondo qua một trăm năm, tựa như một phần lịch sử của Colombia: từ khởi sinh, phát triển đến suy tàn, và tận diệt. Người đầu tiên trong dòng họ là Jose Acardio Buendia và người cuối cùng là Aureliano – người mang chiếc đuôi lợn và bị kiến ăn khi vừa mới sinh ra. Dòng họ này đã tự lưu đày vào chốn cô đơn để chạy trốn tội loạn luân.  

“Trăm năm cô đơn” có khoảng sáu mươi nhân vật, bao gồm cả chính lẫn phụ và có tất cả là sáu thế hệ. Thế hệ đầu tiên là ông José Arcadio Buendía và bà Úrsula Iguarán. Hai người họ yêu nhau nhưng bị cha mẹ hai bên ngăn cản vì hai dòng họ có mối quan hệ thân thiết lâu đời  , đã từng có người vì kết hôn cận huyết nên sinh ra đứa trẻ với cái đuôi lợn. Nhưng vì tình yêu, hai người vẫn quyết định tiến tới với nhau, tuy vậy, Úrsula vẫn luôn lo lắng mỗi khi những đứa con của bà sinh ra, bà thường kiểm tra thật tỉ mỉ xem có thứ gì thuộc về con vật trên người chúng không.

Trải qua năm đời khác nhau, Úrsula nhận ra rằng, ở những đứa con, đứa cháu dòng họ Buendia đều có một điểm chung: đó là nỗi cô đơn. Nỗi cô đơn của những con người ấy mang hình thái khác nhau. Nhân vật trong “Trăm năm cô đơn” được phân ra làm hai tuyến: José Arcadio và Aureliano. Trong đó những Aureliano luôn có trí thông minh tuyệt vời nhưng lại trầm tư, ủ dột và lánh đời thì những José Arcadio bao giờ cũng khỏe mạnh, táo bạo và sống chan hòa nhưng cuối cùng đều thất bại và cô đơn. Chính sự giống nhau này đã gây cho Úrsula Iguarán luôn có cảm giác thời gian quay tròn, vì bà lão cứ nhận thấy các thế hệ sau giống hệt thế hệ trước. Khi về già, bà luôn nhầm lẫn José Arcadio Segundo và Aureliano Babilonia với ngài đại tá Aureliano Buendía con trai mình. Pila Ternera cũng nhận ra những nét tương đồng giữa các thế hệ trong dòng họ. Cái vòng tròn lớn nhất là dòng họ Buendía chạy trốn tội loạn luân, để rồi trải qua bảy thế hệ lại phạm vào tội loạn luân và bị tuyệt diệt.

Trong cái vòng tròn lớn là các vòng tròn nhỏ, là cuộc đời của mỗi nhân vật. Tiêu biểu là ngài đại tá Aureliano Buendía, khi còn trẻ sản xuất những con cá vàng, tham gia chiến trận, về già lại sản xuất những con cá vàng; đó là cặp anh em sinh đôi Aureliano Segundo và José Arcadio Segundo, khi còn bé giống nhau từ ngoại hình cho đến hành động, lớn lên một trở thành kẻ ăn chơi trác táng, một trầm tư lánh đời khi đến chết lại giống nhau như đúc. Những vòng tròn nhỏ này, những mảnh vụn thời gian, đánh dấu những cố gắng của các thế hệ trong dòng họ Buendía muốn thoát khỏi nỗi cô đơn. Nhưng hết thảy đều vô ích và thất bại, tựa như bản án mà tạo hóa đã sắp đặt lên con người: chúng ta vĩnh viễn sẽ bất lực trước cô đơn .

Những sự kiện lịch sử từng xảy ra ở Colombia và Mỹ Latinh được tác giả tái hiện chính xác tới từng chi tiết  . Đó là cuộc nội chiến triền miên và khốc liệt giữa phái Bảo hoàng và phái Tự do. Sĩ quan hai phái ban ngày đánh nhau kịch liệt, ban đêm làm bạn với cờ bạc. Trong  “Trăm năm cô đơn”, điều đó được phản ánh trong quan hệ bạn bè giữa đại tá Aureliano và tướng Raquel Moncada. 

Sự kiện xuất hiện căn bệnh mất trí nhớ trong ngôi làng Macondo thời kì này, cũng không khỏi làm cho chúng ta liên tưởng đến lịch sử khai phá châu Mỹ của người châu Âu. Các đế quốc thực dân đã chinh phục những dân tộc da đỏ không chỉ bằng sự mua chuộc, gươm, súng, mà đặc biệt là bằng vi trùng, biểu hiện thông qua những căn bệnh dịch mà người da đỏ chưa bao giờ nếm trải. Người châu Âu nhờ có kháng thể từ trước nên sẽ có sức đề kháng mạnh hơn, còn người da đỏ hầu như bị tuyệt diệt trong những trận dịch lây lan một cách nhanh chóng. “Khắp nơi ở châu Mỹ, các bệnh dịch do người châu Âu mang tới… giết chết 95% dân số người châu Mỹ bản địa tiền Columbus”.

Căn bệnh dịch mất trí nhớ trong làng Macondo thời kì này cũng được đem đến bởi một nhân vật “ngoại lai” , đó là sự xuất hiện của Rebecca, cô con gái nuôi kì lạ với nỗi đam mê ăn đất. Một ví dụ khác là vụ thảm sát hơn ba ngàn người tại ga tàu, là một vụ án có thực từng xảy ra ở Colombia vào cuối những năm 20 thế kỷ XX nhưng đã được tác giả huyền thoại hóa theo hướng quái dị để bộc lộ bản chất xấu xa, đê tiện, tàn nhẫn của tư bản Mỹ.

Trước hết, “Trăm năm cô đơn” là một sự song chiếu huyền thoại: song chiếu cuộc sống ở làng Macondo với cuộc sống đời thực, song chiếu với những sự kiện lịch sử từng xảy ra ở Colombia và Mỹ Latinh với những sự kiện diễn ra trong tiến trình 100 năm của gia tộc Buendya, song chiếu những nguyên mẫu con người có ngoài đời thực với sự hư cấu của con người tiểu thuyết và song chiếu giữa những con người trong gia tộc Buendya với nhau. 

Cái có thực trong thời gian ra đời “Trăm năm cô đơn” vào 1928, khu vực Mỹ La Tinh vốn là một khu vực cổ hủ, lạ hậu. Nhưng khi song chiếu lên làng Macondo, sự cổ hủ, lạc hậu ấy đã được phóng đại, huyền thoại hóa trở nên hư ảo. Những vật dụng hết sức thường nhật và được phổ biến trên thế giới như nam châm, kính lúp, la bàn, nước đá (thời kì đầu), máy hát, xe lửa (thời kì sau)…, được người digan hay đám tư bản mang tới làng Macondo lại trở thành những thứ phù phép, phép màu đối với dân làng ở đây. 

Những sự kiện lịch sử, chính trị từng xảy ra ở mảnh đất Gabriel Garcia Marquez sinh sống được tác giả tái hiện trong tác phẩm chân thực tới từng chi tiết. Công cuộc vượt núi băng rừng khai khẩn làng Macondo của cụ tổ gia tộc Buendya; cuộc nội chiến khốc liệt, triền miên giữa hai phe phái: một bên là phái Bảo hoàng, một bên là những người thuộc phái Tự do. Và cuộc chiến tranh này được phản ảnh gần như trong suốt cuộc đời đại tá Aureliano.

Nhưng ngay chính trong những sự kiện bám sát theo tiến trình phát triển của lịch sử đó cũng ẩn chứa những yếu tố huyền thoại được song chiếu vào tác phẩm. Hành trình vượt núi băng rừng, rồi lại vượt rừng băng núi từ làng Macondo về đời thực của cụ tổ Buendya là câu chuyện như lạc vào một mê cung với những yếu tó hoang đường, hư ảo. Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của đại tá Aureliano khiến ông trở thành huyền thoại, là một trở ngại cho nhà cầm quyền nhưng trong suốt quá trình hoạt động, những trận chiến nổ ra do ông đứng đầu gần như lại chỉ có bại mà không có thắng. Để đến cuối cùng là thất bại hoàn toàn về mặt tinh thần của đại tá Aureliano khi ông chính thức thu mình lại trong cõi cô đơn nơi xưởng kim hoàn chế tác những con cá vàng của ông.

Và hơn cả, sự song chiếu huyền thoại trong tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” còn là sự song chiếu của chính các huyền thoại trong câu chuyện với nhau. Huyền thoại về gia tộc Buendya, mở đầu bằng sự loạn luân với kết cục đẻ ra đưa con có chiếc đuôi lợn; kết thúc cũng bằng sự loạn luân với đứa con của Aureliano Babilonia và Amaranta Ucsula mang chiếc đuôi lợn. 


Trong bóng hình của những người con, người cháu, những người sống ở hiện tại luôn mang hình dáng của người đi trước, người đã khuất qua cách đặt tên bằng những cái tên đã trở thành luật bất thành văn của gia tộc Buendya: Accadio, Aureliano cho con trai và Ucsula, Amaranta, Remediot cho con gái. Cách đặt tên như vậy làm nên tính tuần hoàn, một thứ thời gian lịch sử xoay vòng trong đời sống của gia tộc Buendya. Qua những cái tên ấy là những mảng ký ức đầy cô đơn suốt hơn 100 năm của cả một gia tộc. Mà ký ức ấy, những gì đã chìm vào dĩ vãng, các cái chết lại luôn chẳng ngủ yên, chúng sống trong những cái tên và hiện hữu ngay trong cuộc sống thực: Sự xuất hiện của bóng ma Prudenxio Aghila, Menkyadet, Hose Acadio Buendya… 

Ngoài ra, sự song chiếu còn được thể hiện từ những hình tượng có thực ngoài đời được nhà văn tưởng tượng, đắp nên nó màu sắc huyền thoại đến mức tưởng như vô lý. Như trường hợp của Remediot – Người đẹp. Trong nguyên mẫu đời thực, Remediot không đẹp và cũng chỉ mang thân phận của một người hầu, sự mất tích của cô ta không ai biết là do đâu rồi cuối cùng cô ta đi đâu. Nhưng đến “Trăm năm cô đơn”, tác giả đã khoác lên nhân vật Remediot – Người đẹp một thân phận mới, nhan sắc mới cùng một sự biến mất đầy huyền ảo. 

Bởi thế, với sự song chiếu huyền thoại, Gabriel Garcia Marquez trên nền những sự kiện lịch sử có thật, những con người có thật; ông đã đan cài chúng với những sự kiện, chi tiết hư cấu và tạo nên sử tính cho tiểu thuyết.

“Một viên đạn găm vào cuộc sống buộc anh suốt đời nằm liệt trên giường. Anh chết già trong nỗi cô đơn, không một tiếng rên rỉ, không một lời chửi bới, không một âm mưu bội phản. Anh mòn mỏi sống trong hoàn cảnh bị những kỷ niệm dằn vặt và đàn bướm vàng không để cho anh có lấy một phút yên tĩnh. Anh bị xã hội bỏ rơi vì là một tên ăn trộm gà.”

“Trăm năm cô đơn” có 492 trang nhưng phải tới trang 346, tức khoảng ¾ cuốn sách và đọc được những dòng kia, mình mới vô tình phát hiện ra có một nỗi cô đơn đang âm thầm ám lên cuốn sách này.

Một cuốn sách kỳ quặc...

Ấn tượng của mình khi đọc từ những trang đầu tiên là cuốn sách này thật kỳ quặc, thậm chí có phần gàn dở, từ câu chuyện cho tới cách kể chuyện. Khung cảnh mở ra nó hoang sơ như một thế giới người ta sống bằng bản năng mà chưa hình thành trí khôn hay sự sắc sảo, tinh thông vậy. Đến cả câu chuyện cũng được kể theo một cách khá lộn xộn nếu chẳng may bạn không theo kịp câu chuyện.

Tình dục buông thả, những đứa trẻ ra đời như con rơi con vãi, những công cuộc đầu tư và phung phí của cải để theo đuổi mục tiêu ngớ ngẩn,... Nhưng kỳ thực, khi ngài Buendía đời đầu tiên thất bại sau cuộc khai hoang và chấp nhận thất bại thì kể cũng thật tội, như giấc mơ và hoài bão tự dưng bị vùi dập và tắt ngấm vậy.

Nửa sau của sách thậm chí còn loạn lạc hơn. Người trần thì bay lên trời, người sống thì không ai nhìn thấy, hồn ma thì quay về quẩn quanh, các cụ già sống như sẽ chẳng thể nào chết,... Có những đoạn có thể do lối kể chuyện phóng đại nên câu chuyện vốn dĩ đã kỳ cục còn trở nên kỳ cục gấp bội.

7 thế hệ của một dòng họ chung sống và chồng chéo lên nhau, người này vừa về với lòng đất thì đứa trẻ kia lại được ra đời với những cái tên giống nhau được đặt từ đời này qua đời khác. Cả câu chuyện của cuộc đời họ cũng như một vòng lặp bị dính lời nguyền của gia tộc khi những đứa con, đứa cháu lại trải qua hoàn cảnh và cảm giác của thế hệ cha ông, cụ cố.

Nếu bạn nghĩ “Trăm năm cô đơn” vì là một cuốn tiểu thuyết kinh điển của một tác giả người Columbia nên sẽ khó đọc và nhàm chán thì bạn đã sai. Truyện không được kể hoàn toàn theo thứ tự thời gian mà đôi lúc có sự hoán đổi, có những thứ được bật mí trước kích thích sự tò mò của người đọc. Cảm tưởng như có một nhà tiên tri đang dự đoán cho chúng ta nghe những chuyện sẽ xảy đến đối với dòng họ này (và nhà tiên tri này….à không, mình nghĩ các bạn nên đọc để biết ). G.G.Márquez sở hữu lối kể chuyện lôi cuốn và đầy hấp dẫn, đan xen giữa những chi tiết hoang đường và hiện thực, phủ lên cuốn sách bầu không khí hư hư thực thực mà sau này đã trở thành một trường phái nổi bật trong nền văn chương Mỹ Latin - “Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo”. Đó là một trào lưu nghệ thuật, một lối viết mà những người theo chủ nghĩa này quan niệm rằng bên cạnh thực tại còn có sự tồn tại của các yếu tố tâm linh, tôn giáo, các huyền thoại hay truyền thuyết. Có ý kiến cho rằng bởi vì “Trăm năm cô đơn” chứa nhiều yếu tố hoang đường nên khiến họ cảm thấy phi lý và khó hiểu khi đọc. Tuy nhiên nếu tìm hiểu và chiêm nghiệm những yếu tố này thì ta sẽ thấy tác giả hoàn toàn không tự nhiên mà sáng tạo ra những chi tiết đó. “Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” đã giúp G.G.Márquez phản ánh thực tại vào trong trang sách một cách tài tình, tái hiện những tư liệu có thật vào trong câu chuyện của mình thật khéo léo. Ngoài ra nó còn giúp câu chuyện bớt nhàm chán, cũng bằng giọng kể vô cùng thu hút của tác giả đã biến những yếu tố này trở nên lôi cuốn hơn. Vì thế, mặc dù phản ánh khá nhiều sự kiện trong thực tế (như công ty chuối, các cuộc nội chiến, cuộc đàn áp và thảm sát công nhân tham gia đình công,…) nhưng “Trăm năm cô đơn” không hề là một cuốn sách lịch sử khô khan, hơn nữa lại khéo léo tránh đụng chạm những vấn đề nhạy cảm ngoài thực tại.

Hệ thống nhân vật đồ sộ cùng bảng gia phả đầy những cái tên na ná nhau cũng là thứ ngăn cách độc giả đến với cuốn sách. Thế nhưng chỉ cần đọc cùng một sự tập trung nhất định thôi bạn sẽ không còn cảm thấy quá khó khăn trong việc nhớ và phân biệt các nhân vật. Bởi với mỗi nhân vật thì G.G.Márquez không chỉ sáng tạo ra cho có mà ông đầu tư rất nhiều vào các nhân vật của mình. Nói riêng trong dòng họ Buendía, tuy mình cũng hơi thắc mắc là tại sao họ lại tự làm khó mình khi đặt tên cho con cháu giống nhau đến vậy, loanh quanh chỉ có “José Arcadio”, “Aureliano”, “Amaranta”, “Remedios”, Úrsula”,… Nhưng mình nhận ra đó là cách mà tác giả muốn nhấn mạnh và cho ta biết rằng “thời gian là một vòng tròn” và số phận của những người thuộc dòng họ này là giống nhau. Tuy vậy, với mỗi nhân vật tuy nhập nhằng về cái tên giống nhau nhưng lại có những đặc điểm và câu chuyện riêng, đủ cho ta phân biệt họ. Còn nếu xét chung trong toàn bộ tác phẩm, thì những nhân vật còn lại cũng không phải được thêm vào chỉ để cho có mà có một vai trò nhất định. Giả dụ, Melquíades - một người digian vốn không liên quan đến dòng họ lại rất được coi trọng và sau ta sẽ nhận ra vai trò của ông khá quan trọng, ẩn hiện trong suốt 7 thế hệ của nhà Buendía. Hay như Rebeca - một đứa con nuôi không biết từ đâu đến tại sao lại được đưa đến nhà Buendía trong khi nhà này không hề thiếu con? Rebeca là một nhân vật được G.G.Márquez đưa vào để làm đối trọng với toàn bộ những đứa con cháu nhà Buendía. Bởi cũng như Úrsula đã nhận ra, Rebeca tuy không chảy dòng máu của nhà Buendía trong người, nhưng lại là đứa có được thứ mà họ không có - một trái tim yêu thương mãnh liệt. Hoặc như 17 đứa con rơi của Đại tá Aureliano Buendía, tuy được hoài thai với 17 người phụ nữ khác nhau ở từng nơi mà đội quân của Đại tá đi qua, nhưng lại có chung một đặc điểm dễ dàng nhận thấy ở dòng họ - sự cô đơn. Hay như Petra Cotes - người tình suốt đời của Aureliano Segundo (đời thứ 4) cho thấy tuy chỉ là một người phụ nữ không danh phận nhưng lại có trái tim yêu đương sục sôi và lòng vị tha còn to lớn hơn người vợ chính danh của ông. Tóm lại, không có gì để chê đối với hệ thống nhân vật của “Trăm năm cô đơn”, dù nhiều nhưng không trùng lấp, không nhạt nhòa, không thừa thải.

Cuối cùng, điều làm mình nhận ra “Trăm năm cô đơn” vô cùng đáng đọc đó là khi cuốn sách gấp lại, nó kích thích mình muốn tìm hiểu nhiều hơn. Mình tìm đọc những bài phân tích chuyên sâu về tác phẩm, về “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo”, cả về văn hóa và con người Mỹ Latin. Một tác phẩm hay và có giá trị là tác phẩm thôi thúc ta nghĩ về nó nhiều hơn sau khi đọc, để sáng tỏ trong ta những điều ta chưa biết.

Ngay từ tựa đề, “Trăm năm cô đơn” hiện lên với một sự mệt mỏi, chán chường và sẵn sàng thách thức bất cứ ai có ý định chinh phục gần 500 trang sách của nó. Đó là một nỗi sợ hãi vô hình, sự ngần ngại được tổng hòa từ những yếu tố như: văn học kinh điển; tác phẩm được đánh giá cao nhất của tác giả đạt giải Nobel Văn học năm 1982; những cái tên xa lạ và khó đọc đến từ vùng đất Mỹ La tin; một bảng gia phả chằng chịt khiến ta hoa mắt,… Trên hết, có mấy ai thích nỗi cô đơn, mà lại còn là một trăm năm cô đơn. Thế nhưng thiên tiểu thuyết của Gabriel García Márquez bằng cách khai thác sự cô đơn trong tận xương tủy của một dòng họ 7 thế hệ, đã lôi cuốn người ta đắm mình vào câu chuyện dài dằng dặc kéo dài hơn 100 năm đó. Mình thì không dám nhận xét là cuốn sách này hay hay dở, bởi vì thời gian, những giải thưởng, những lời tán dương mà người ta dành cho nó đã quá đủ để minh chứng cho giá trị của tác phẩm. Bằng cảm nhận và vốn hiểu biết ít ỏi của bản thân mình, bài viết này muốn mang đến cho những ai chưa đọc “Trăm năm cô đơn” một “động lực” để trải nghiệm nó, bằng cách nêu lên một vài điểm mà mình thấy hay trong tác phẩm đồ sộ này của G.G.Márquez.

Cốt truyện của “Trăm năm cô đơn” được gói gọn trong sự hình thành và suy vong của dòng họ Buendía, từ điểm khởi đầu là José Arcadio Buendía và Úrsula Iguarán vì chạy trốn tội loạn luân mà đi đến vùng đất mới và lập nên làng Macondo, cho đến điểm kết thúc là cậu bé Aureliano có đuôi lợn đã thiệt mạng ngay sau khi được sinh ra vì bị kiến ăn thịt do là kết quả của một mối tình loạn luân. Bao phủ lên 7 thế hệ của cả dòng họ này là một nỗi lo lắng về sự loạn luân (sợ sinh ra những đứa con có đuôi lợn) và đã được hình tượng hóa bằng một đặc tính cố hữu trong tâm lý những người thuộc dòng họ này - thích sự cô đơn. Mình thích cách mà tác giả đã lấy “nỗi cô đơn” của con người ra để làm “xương sống” cho toàn bộ tác phẩm. Mình đã từng thắc mắc về tựa đề, tại sao một dòng họ trải qua đến 7 thế hệ, vợ - chồng - con - cháu - anh - chị - em - cô - dì - chú - bác đủ cả mà sao lại “cô đơn”? Phải chăng đây là cuốn sách viết về một người trải qua một trăm năm trong sự cô đơn hiu quạnh? Thế nhưng sau khi đã đọc, mình nhận ra sự “cô đơn” trong tác phẩm mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Như đã nói, bởi vì hôn nhân của chính mình (cũng là điểm khởi đầu cho dòng họ Buendía) là một mối quan hệ loạn luân nên bà Úrsula Iguarán luôn luôn lo lắng rằng con cháu của mình sinh ra sẽ có đuôi lợn. Rất may là trong cả 6 thế hệ, không có đứa bé nào được sinh ra là kết quả của một mối tình loạn luân, cũng không có cái đuôi lợn nào (cho đến đứa trẻ của thế hệ thứ 7 là Aureliano thì có). Thế nhưng nỗi lo lắng vẫn hiện diện một cách thường trực và đè lên dòng họ này. Tuy không có đuôi lợn, nhưng cái bản chất “thích cô đơn” của những người trong dòng họ lại chính là điểm yếu, là “cái đuôi lợn” mà họ luôn lo sợ. Như một nhát dao chí mạng của số phận, không biết bằng cách nào mà những con người này dù được sinh ra với những đặc tính tốt nhưng cuộc đời luôn phải chịu sự giày vò của nỗi cô đơn sâu trong tâm trí. Sự cô đơn trong tác phẩm được lột tả bằng muôn hình vạn trạng, được nêu lên như là nguyên nhân, là chất xúc tác cho từng hành động, từng suy nghĩ, từng quyết định của nhân vật. Nó xuất hiện nhiều đến mức buộc ta phải đặt câu hỏi rằng liệu nó chỉ đơn giản là thứ biểu trưng cho hình phạt mà cái dòng họ Buendía phải chịu khi chạy trốn tội loạn luân, hay liệu nó còn mang ý nghĩa nào khác khi nhìn toàn cảnh vào toàn bộ tác phẩm.

Bằng câu chuyện tưởng như chỉ đơn thuần là kể về sự thịnh suy tồn vong của một dòng họ, hóa ra cái dòng họ ấy dưới ngòi bút của G.G.Márquez còn là hình ảnh tượng trưng cho mảnh đất và con người Mỹ Latin thời bấy giờ. Đó chính là thứ tạo nên giá trị và tác động to lớn của “Trăm năm cô đơn” ngay từ khi nó mới được xuất bản lần đầu tiên. Từng nhân vật trong dòng họ Buendía (mà nếu đọc qua các bạn sẽ thấy) có những đặc điểm mà ta có thể so sánh với con người Mỹ Latin ngoài đời thực như: ít bảo thủ, nhạy bén, lối sống mãnh liệt cuồng nhiệt, sôi nổi, bị hấp dẫn bởi những cái mới về khoa học kỹ thuật đồng thời cũng có niềm tin vào thế giới tâm linh và tôn giáo. Ngoài ra, cái đặc tính “luôn cảm thấy cô đơn” chảy trong huyết mạch dòng họ Buendía còn là phương tiện để G.G.Márquez lên tiếng về thực trạng của Mỹ Latin thời bấy giờ đó là lối sống cá nhân, vị kỷ. Cùng với việc phản ánh lối sống cô đơn ích kỷ đó, tác giả cũng đồng thời lồng vào câu chuyện các sự kiện về “công ty chuối”, “đoàn tàu hỏa” đã đưa người nước ngoài, khách du lịch, gái điếm,…đến với Macondo, từ đó cho ta thấy một bức tranh toàn cảnh về hiện thực của Mỹ Latin lúc bấy giờ. Vốn là một khu vực được tìm ra khá trễ, cộng với ngăn cách về mặt địa lý thì Mỹ Latin có phần tụt hậu hơn so với phần còn lại của thế giới. Họ thích thú khám phá những cái mới đồng thời cũng phải tiếp nhận làn sóng giao lưu hội nhập quốc tế. Do đó, tác giả G.G.Márquez muốn cho ta thấy lối sống vị kỷ, cô đơn của con người có thể ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống, tương lai và vận mệnh của Mỹ Latin. Đây là một tác phẩm có ý nghĩa bởi nó phản ánh được con người và thời cuộc, nên dễ nhận được sự đón nhận đông đảo từ quần chúng. Giống như tờ nhật báo The Sydney Morning Herald đã nhận xét: “Ở Mỹ Latin, ai ai cũng đọc tác phẩm này, từ các giáo sư cho đến dân lao động và cả gái điếm”. Sẽ là không hề phí hoài nếu bạn bỏ thời gian ra để đọc một tác phẩm có tầm vóc như thế.

Cuốn sách "Trăm năm cô đơn" của Gabriel García Márquez, một tác phẩm đã đoạt giải Nobel văn chương năm 1982, là một hành trình tuyệt vời đưa độc giả vào thế giới ma thuật của văn học. Với một câu chuyện đầy cảm xúc và sự đan xen giữa thực và hư cấu, Marquez mang đến một tác phẩm kỳ diệu về tình yêu, cô đơn và sự sống.

Cuốn tiểu thuyết bắt đầu với Gabriel García Márquez mắc kẹt trong một khủng hoảng sáng tác, nhưng một ngày nọ, ông tìm được nguồn cảm hứng. Ông đã hứa với vợ mình rằng sẽ kể cho bà nghe một câu chuyện đặc biệt, với giọng điệu của bà ngoại khi ông còn nhỏ. Và từ đó, câu chuyện của dòng họ Buendía và ngôi làng Macondo bắt đầu được dệt lên.

"Trăm năm cô đơn" là một hành trình qua trăm năm lịch sử của một dòng họ, một góc nhìn sâu sắc vào Colombia. Từ sự ra đời, phát triển, suy tàn và tận diệt, câu chuyện này tái hiện một phần lịch sử đầy đau thương của đất nước. Dòng họ Buendía bắt đầu với Jose Arcadio Buendía và kết thúc với Aureliano, chàng trai mang trên mình dấu hiệu bi kịch và bị chấp niệm ngay từ lúc mới sinh. Họ buộc phải sống trong sự cô đơn, trốn chạy khỏi tội ác gia tộc.

Cuốn sách đầy cảm xúc này giới thiệu khoảng sáu mươi nhân vật, từ các nhân vật chính đến phụ, kéo dài qua sáu thế hệ. Jose Arcadio Buendía và Úrsula Iguarán là thế hệ đầu tiên, hai người yêu nhau mặc dù bị gia đình ngăn cản vì mối quan hệ thân thiết giữa hai dòng họ. Tuy nhiên, tình yêu đã thắng lên, và mặc dù Úrsula luôn lo lắng cho sự xuất hiện của những đứa con, bà kiểm tra từng chi tiết nhỏ trên cơ thể chúng để đảm bảo rằng không có dấu hiệu của quá khứ đen tối.

Đối với những người yêu thích văn học, "Trăm năm cô đơn" là một tác phẩm không thể bỏ qua, một cuốn sách kinh điển đầy sức sống và khám phá tinh tế về thế giới của chúng ta.

Là trăm năm con người vò võ cuộn mình lại với sự trống trải của thời cuộc? Hay là trăm năm tình yêu mãnh liệt nhưng chẳng dũng cảm mà nói ra thành lời?

Những con người, những số phận đã được định sẵn trên tấm da thuộc của dòng họ Buendía như chẳng thể thoát khỏi số mệnh “Trăm năm cô đơn“. Có người chấp thuận, lãnh cảm sống một đời với không chút cảm xúc vui buồn nào. Có người buông xuôi để mặc cho tình yêu cứ thế vuột mất với tất cả lí do “chính đáng” có thể nghĩ ra. Lại có kẻ gồng mình lên để đấu tranh, cho tình yêu, cho những phức cảm ham muốn bị ngăn trở bởi định kiến tồn tại ở mọi “xã hội văn minh” mà ta vẫn thường thấy. Kết cục nào cho những kẻ đó? Liệu trăm năm cô đơn có phải một lời nguyền chẳng thể hoá giải nổi không? Hay chính những con cháu Buendía đang đời đời kiếp kiếp giam hãm mình trong đó, với những nỗi sợ vô hình khiến họ chẳng dám mạnh mẽ mà nhìn sâu vào những cảm xúc rối bời trong lòng mình?

Bằng khả năng tưởng tượng độc đáo cùng tư duy rành mạch, Gabriel García Márquez đã kể cho người đọc câu chuyện sinh động và hấp dẫn trải qua 7 đời của dòng họ Buendía, với nỗi cô đơn cùng cực và những ham muốn phóng túng đến mức điên dại bộc phát ra bằng những cách thức khác nhau. Sự đan xen nhuần nhuyễn giữa huyền ảo và thực tế cùng những sự kiện, tên riêng chồng chéo của các nhân vật có lẽ là thách thức tuyệt vời cho sự đọc và tư duy của độc giả.

Với tình yêu, với sự phóng khoáng trong những ham muốn thể xác nhưng tâm hồn tràn ngập sự cô đơn, Gabriel García Márquez đã cho độc giả thấy tất cả những triết lý và những vô lý của cuộc đời. Những khát vọng tưởng chừng như chính nghĩa trong cuộc chiến tranh, của người lãnh đạo được tôn sùng, tất thảy cũng chỉ là những chết chóc, những máu me, những ảo tưởng về thời cuộc, về quyền lực sinh sát của một kẻ với trái tim trống rỗng. Hay chính kẻ đó vào trăm năm sau, lại bị sự tàn khốc của thời gian đánh gục, khi người đời chất vấn nhau về sự tồn tại của con người ấy, về giai thoại ấy như những lời ma mị của chính phủ đương thời.

Trăm năm, hay hơn cả trăm năm, là một sự hồi vọng, cho những huy hoàng, những tan vỡ, những hạnh phúc cùng đớn đau đi qua 43 kiếp người. Cảm ơn ba dịch giả Nguyễn Trung Đức, Phạm Đình Lợi và Nguyễn Quốc Dũng đã truyền tải lại ngòi bút phóng khoáng, trữ tình nhưng đầy sâu cay và châm biếm trong áng văn chương này của Gabriel García Márquez.

Đối với cá nhân tôi, “Trăm năm cô đơn” có vị trí danh dự trong danh sách các tác phẩm văn chương phải đọc trong đời. Bởi những quy luật, những triết lý sâu sắc, những bài học vô nghĩa tất thảy đều được gửi gắm nơi đây.