“Ngồi im trong gió nghe đêm rớt, chợt thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là những gì còn đọng lại sau khi gấp cuốn sách. Cảm giác thật nhẹ nhàng, lâng lâng khó tả. Truyện đưa ta trở về thời tuổi thơ, khi ấy ta còn ngô nghê, chân chất. Ta lại được một lần trở về thuở xưa, ngập tràn những điều dung dị, thoang thoảng pha chút sự nuối tiếc khi bắt gặp hình ảnh của ta trong đó.

Gia đình là nơi trao cho ta sự ấm áp, yêu thương

Từ nhỏ, hai anh em Thiều và Tường sống với ba mẹ tại một ngôi làng nghèo. Ba Thiều ra ngoài thì hoạt bát, vui vẻ về nhà rất hay nổi cộc. Anh em Thiều ăn đòn của ba khá thường xuyên. Ba không biết kiếm đâu ra cây roi mây, giắt trên vách. Mỗi lần hai anh em làm điều gì lầm lỗi, ông bặm môi rút cây roi một cái “sột”, quất một cái “vút”. Thiều ăn roi mây, đau vãi ra quần, lằn ngang lằn dọc khắp người. Tuy vậy, ông là một người vô cùng thương con cái “Thương cho roi cho vọt”. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông phải đi làm ăn xa. Nhưng khi nghe tin Tường bị tai nạn, ông tức tốc chạy về thăm con nhưng không quên la rầy người con vì ham chơi mà để ra cớ sự này (mặc dù tai nạn này do chính Thiều gây ra).

Người mẹ thì ân cần, vun vén cho gia đình và con cái. Vì thương con, bà giấu cây roi để ba Thiều không đánh hai đứa con nữa. Sau khi bão ập đến làng, cả làng trở nên khó khăn hơn, người mẹ đành phải đi buôn củi để dành dụm ít tiền mua thịt gà cho các con, nhìn bữa ăn hàng ngày càng ít dần đi, chỉ có rau là rau mà bà xót cho các con.

Thiều và Tường mặc dù sống trong cảnh nghèo khổ, luôn bị la mắng vì những trò nghịch ngợm nhưng chẳng bao giờ oán than hay trách móc ba mẹ mình. Thiều sẵn sàng đi mua chai nước mắm, miếng muối cho mẹ vào xế chiều mặc dù mình rất sợ ma do phải đi ngang qua nghĩa trang mới tới tiệm tạp hóa, chỗ nhà con Mận. Tường luôn phụ giúp ba mẹ với các công việc lặt vặt trong nhà, nào là quét sân, nào là chẻ củi,… Rồi khi gia đình khó khăn do bão, tình cờ thấy Tường nhặt được miếng vàng, cả hai anh em vui mừng không phải vì bản thân, mà vì gia đình sẽ giàu sang, hết khổ mặc dù sau này mới biết nó là đồng

Miếng vàng mỏng manh đó trong hình dung của tôi cũng lung linh và màu nhiệm chẳng khác nào chiếc đũa phép của bà tiên trong những câu chuyện cổ tích thằng Tường hay kể tôi nghe. Ai được chiếc đũa đó chạm vào người, cuộc đời sẽ lập tức thay đổi, ba tôi sẽ không còn lang thang một cách vô vọng trên thành phố và mẹ tôi không phải sớm tối vất vả đi về.



Chú Đàn sống bên nhà nội của Thiều. Chú rất hay kể chuyện ma nhưng toàn là những câu chuyện cũ rích, nhưng không hiểu sao hai anh em luôn muốn chú kể. Chú bị cụt một tay nhưng thổi kèn Harmonia rất hay. Chuyện tình cảm giữa chú và chị Vinh – con thầy Nhãn – luôn bị chính thầy Nhãn ngăn cách và cản trở

Tiếng kèn nỉ non, như oán trách ai đó. Chắc chú Đàn đang nghĩ đến mối tình trắc trở với chị Vinh. Chị Vinh và chú yêu nhau, nhưng thầy Nhãn không muốn chị Vinh lấy chồng cụt tay.

Tuy nhiên, khi nghe tin cơn bão và lũ lụt đã cuốn chị Vinh đi, thầy Nhãn hết sức lo lắng. Ông tra hỏi thằng Dưa ngọn ngành chuyện nó thấy chị Vinh bị nước cuốn đi, rồi ông lại van xin mẹ Thiều nếu biết chỗ chị Vinh và chú Đàn ở đâu thì xin nói dùm

Như không thấy vẻ ngơ ngác của mẹ tôi, thầy Nhãn lại cất giọng, lần này nghe như van nài, là thứ giọng tôi không bao giờ hình dung có thể thốt ra từ đôi môi quen quát thét của thầy nên cảm giác rất kỳ cục.

Ông Tám Tàng – ba con Nhi – chấp nhận sống ở nơi hoang vắng với lời đồn là có cọp thành tinh cùng với đứa con gái bị ngớ ngẩn vì ông không muốn đứa con gái bị tổn thương bằng những lời đồn đại ác độc. Cô luôn cho rằng mình là công chúa. Ông thương con, ông may những bộ đồ giống đức vua, đầu đội vương miệng và cầm trên tay thanh kiếm gỗ để cùng đứa con đáng thương đóng tròn vai diễn.

Tình yêu chớm nở pha chút ghen tỵ

Câu chuyện tình yêu trong sáng và đẹp đẽ này bắt đầu từ khi Thiều cho Mận chép bài của mình và đặc biệt từ câu nói của Thiều “Bây giờ tao chỉ thích chơi với mày”, và cái đáp trả của Mận “Mình thích chơi với bạn lâu rồi”.

Khi nhà Mận có biến. Căn nhà phía sau bị cháy, hơn ai hết, Thiều là người luôn lo lắng đến Mận. Mặc dù sợ ma nhưng Thiều chấp nhận tối đó ở lại nhà Mận để trông chừng nhà

Tôi là chúa sợ ma. Nhưng đang xúc động trước hoàn cảnh không may của con Mận, tôi quên bẵng nỗi sợ của mình.

Cũng vì vậy, câu chuyện tình yêu ngây ngô hiện lên mới đẹp làm sao “Sáng ra, tôi mở mắt thấy nó đang quàng tay ôm cả tôi lẫn chiếc gối. Nó vẫn còn ngủ, hơi thở êm đềm thổi phơ phất những sợi tóc vướng ngang gò má hồng hồng”. “Tôi bất giác bừng đỏ mặt”. Dường như, niềm vui nỗi buồn nơi Mận, Thiều đều cảm nhận và thấu hiểu được

Gương mặt con Mận rạng lên như thể đang tắm trong nắng mai khiến tôi không thể nào dời tia nhìn đi nơi khác. Những lúc đó, tôi ngắm nó như ngắm một bông hoa, cảm thấy niềm vui của nó truyền sang tôi một cách êm đềm và tôi hoàn toàn có thể nhận biết điều đó qua nét mặt hoan hỉ của tôi đang phản chiếu trong mắt nó.



Sau đó nhà của Mận được rao bán nên Mận phải chuyển qua ở nhà Thiều. Từ đây, sự ghen tỵ của một trái tim lần đầu rung động trước tình yêu bùng phát. Tường và Mận thân nhau một cách kỳ lạ

Bây giờ giống như có hai thế giới trong một căn nhà: trong khi tôi suốt ngày ở trong nhà hoặc chạy nhảy ở sân trước, con Mận và thằng Tường lại thích rủ rỉ ở sau hè.

Đỉnh điểm là lúc Tường và Mận đang cùng ăn thịt gà, một món ăn xa xỉ trong những ngày khó khăn, nhưng thật ra chỉ là chơi trò đồ hàng thôi. Thiều không hiểu rõ cũng như chưa tận mắt thấy đầu đuôi câu chuyện đã dùng cây gậy đánh chó mà ba thường hay đánh hai anh em, quất túi bụi lên lưng Tường khiến em không thể đi được những ngày sau đó “Chưa hết giận, tôi quét tia nhìn tức tối về phía con Mận, thấy nó há hốc miệng ra nhìn tôi, cặp mắt mở to như đứng tròng. Đó là vẻ mặt không thể nhầm được của người đang sửng sốt, kinh hoàng, đau khổ - cùng một lúc, vẻ mặt mà mãi về sau này tôi không thể nào quên được”. Và

Trong những ngày tăm tối đó, thực lòng tôi không sợ tiếng khóc của mẹ tôi hay tiếng quét thét của ba tôi bằng ánh mắt của con Mận. Ánh mắt nó nhìn tôi lặng lẽ và thăm thẳm,, giống như không phải nhìn tôi mà xuyên qua tôi để xem bụng dạ tôi có gì mà độc ác đến thế. Có lẽ cho đến bây giờ nó vẫn không thể hiểu được tại sao tôi lại thình lình phát rồ trong ngày hôm đó. Tâm trí nó chắc không bao giờ quên được bộ mặt hung dữ của tôi lúc tôi xông vào nhà chộp lấy cây gậy quất túi bụi lên lưng em tôi và điều đó chắc ám ảnh nó ghê gớm.

Bữa tiệc bắt đầu thì cũng có ngày kết thúc nhưng nó sẽ mở ra một bữa tiệc mới hoặc để lại sự tiếc nuối trong ta. Tình yêu cũng vậy, bắt đầu rồi kết thúc và chia xa, để lại trong ta dấu hỏi lớn về con đường phía trước.

Trước khi theo mẹ nó ra xe, con Mận nhìn tôi bằng đôi mắt ướt và nói thêm một câu mà tôi biết chắc chính nó cũng không rõ nó có thực hiện được hay không.

Tập truyện đã bỏ ngõ câu nói của Mận nhưng phần nào chúng ta cũng nghĩ suy và đoán được nó. Liệu rằng câu chuyện tình yêu này đến đây là kết thúc, để lại trong mỗi người sự nuối tiếc hay chính là tia hy vọng cho cái kết tốt đẹp sau này.

“Anh em như thể tay chân – Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”

Tường là một thằng nhóc rất đẹp trai. Nó đẹp ngay từ khi còn bé. Tường mang khuôn mặt thanh mảnh của mẹ và đôi mắt to với cặp lông mi dài của ba. Tóc nó dày, mịn như tơ, da trắng hồng, miệng rộng với hàm răng trắng và đều tăm tắp như những viên đá cuội được mài giũa và sắp xếp cẩn thận. Mỗi khi Tường cười có cảm giác như mặt nó đang tỏa sáng. Nụ cười đó, gương mặt đẹp như thiên thần đó luôn đem lại cho người đối diện một niềm vui khó giải thích.

Tường gồng gánh nhiều việc nên ít có thì giờ mó tay vào bài vở, nhưng nó xem đó như là số phận của mình và nó chấp nhận cái phần số hẩm hiu đó một cách nhẹ nhõm, miễn sao tôi học cao thiệt cao, mai mốt trở thành bác sĩ hay kỹ sư và nếu có giặc giã thì tôi ráng làm tới đại tướng để nó có lý do để tự hào.

Có thể thấy, Tường yêu thương anh Hai của mình vô bờ bến mặc dù có những lúc Thiều làm những chuyện có lỗi với Tường. Khi Tường bị Sơn đánh vì bênh vực và bảo vệ chuyện của con Mận khi mẹ nó nhốt ba nó bị bệnh phong trên căn gác sau nhà, Tường không nghĩ ngợi mà quyết liệt “Em sẽ trả thù cho anh” và còn hâm dọa thằng Sơn rằng “Từ hôm nay trở đi, hễ anh đụng vô anh Hai em, dù chỉ một sợi lông chân thôi, em sẽ giết chết anh, anh hiểu chưa?”. Mặc dù Tường bị đánh bầm dập trong vụ của thằng Sơn nhưng

Thằng Tường nói giọng thản nhiên. Nó nghĩ nó nói vậy sẽ làm tôi yên tâm, thật ra càng khiến tôi thêm bùi ngùi. Nó đẹp trai hơn tôi, ham đọc sách hơn tôi, chịu khó hơn tôi, giàu tình cảm hơn tôi, cái gì nó cũng hơn tôi mà sao số nó hẩm hiu quá sức. Ờ, quen gì không quen lại quen chịu đòn!.

Mặc dù hết lần này đến lần khác, Thiều làm những chuyện có lỗi với Tường như cho ông Năm Ve bắt con Cu Cậu (con cóc mà Tường rất yêu quý) về nấu cháo chữa bệnh cho thằng Ghế; rồi chuyện Thiều chơi xấu ném đá vào đầu Tường làm chảy máu;… Nhưng không lần nào Tường trách anh của mình, mà trái lại luôn bảo vệ, nhận những lỗi lầm này về mình và đổ cho số phận bản thân sao quá hẩm hiu

Cái cách Tường bảo vệ tôi ngay cả lúc nó là nạn nhân của tôi khiến tôi cảm thấy xấu hổ và day dứt ghê gớm. Tình yêu của em tôi dành cho tôi thật mênh mông trong khi tôi hết lần này đến lần khác đối xử với nó chẳng ra gì.



Đỉnh điểm là việc Thiều đánh Tường trong chuyện ăn thịt gà trong trò chơi đồ hàng làm Tường không thể đi lại khoảng thời gian sau đó. Nhưng Tường một mực dặn anh Hai rằng đừng nói ba mẹ là anh đánh em mà nói rằng do Tường trèo cây và bị té. Từ vụ việc này, Thiều dường như ân hận vô cùng

Vì em tôi, tôi có thể làm tất cả. Điều duy nhất tôi không thể làm là trả con Cu Cậu về cho nó.

Đây là sự việc đỉnh điểm của tập truyện để người đọc có thể thấy được “Hoa vàng trên cỏ xanh” sau đó.

Tôi thấy …

Tường không thể ngồi dậy được mặc dù đã uống thuốc đều đặn. Mọi người trong nhà dần lo lắng Tưởng sẽ không thể ngồi dậy được nữa. Nhưng một câu chuyện ly kỳ đã mang đến kỳ tích. Một nàng công chúa với “áo đầm xanh, tay phồng, có tua ren màu hồng. Mái tóc cô ta cũng thắt nơ hồng. Trên cổ có đeo một xâu chuỗi ngọc màu tím…” xuất hiện. Lần một, sự xuất hiện của công chúa làm cho Tường ngồi dậy được, lần hai Tường đứng dậy, và lần ba cũng là lần mà Thiều tận mắt nhìn thấy công chúa, Tường đã vịn vào đồ vật và đi được.

Thiều lần theo từng bước đi của công chúa, đi qua đồi cỏ Úa và tới xóm Miễu, nơi từng có lời đồn là cọp thành tinh sẽ xuất hiện nơi đây. Đồi Cỏ Úa và xóm Miễu dù có khác nhau nhưng vẫn chứa đựng những điểm chung

Nhưng dù đổi màu, nó vẫn là bức tranh mô tả sự hoang vắng và tạo cảm giác rờn rợn với một con cọp thành tinh đang rình rập đâu đó trong một góc tối của bức tranh. Điểm sinh động duy nhất mà tôi nhìn thấy là nàng công chúa đang dạo bước giữa những hàng cây thưa.

Thiều phát hiện công chúa đó chính là con Nhi, người đã chết sau một vụ tai nạn nhưng thật ra cô không chết mà chỉ bị ngớ ngẩn. Có lẽ nhờ gặp được Tường, người bạn thuở xưa đã gợi cho Nhi nhớ về cái cái kỷ niệm giữa hai người và làm cô nhớ lại tất cả

Như vậy là con Nhi đã nhận biết thế giới chung quanh. Nó đã ra khỏi cơn mê dài của nó theo cách không ai ngờ tới. Tôi bấm mười ngón tay lên đùi, nhìn sững nó, đoán rằng mấy ngày trước đây lúc nhìn thấy “phò mã” Tường chắc trong tiềm thức nó cũng lờ mờ nhận ra người bạn thân của nó. Nhưng có lẽ phải đợi đến tiếng quát quen thuộc của Tường, tâm trí con Nhi mới bị lay động và bừng tỉnh.

… hoa vàng trên cỏ xanh

Tôi nhìn xuống, thấy con Nhi kịp dừng lại trước mặt Tường cách đúng một bước chân. Đôi chân của nó ghim vào cỏ như hai ngọn lao, rung bần bật vì hãm quá gắt. Cỏ dưới chân nó xanh biêng biếc nhưng ánh mắt tôi vẫn bắt gặp những ánh hoa vàng li ti đang kín đáo nở trong nách lá và điều đó cho tôi cảm giác rằng mùa hè khắc nghiệt sắp sửa trôi qua.



Mỗi người nên tạo niềm tin, sự tin tưởng vào những điều quan trọng đối với bản thân, dù nó chỉ là những thứ viễn vông đi chăng nữa, và chính niềm tin này sẽ tạo động lực giúp ta chữa lành những tổn thương trong tâm hồn và có thể là thể xác của mình. Giống như Tưởng luôn tin rằng công chúa là có thật và sự xuất hiện của công chúa đã giúp Tường khỏi bệnh, hơn nữa, với niềm tin mãnh liệt là muốn gặp công chúa, Tường đã quyết tâm tập đi cho vững để có thể đi qua đồi Cỏ Úa gặp cô. Cũng như Thiều, với niềm tin một ngày nào đó, Mận sẽ thực hiện được câu nói cuối cùng trước lúc chia tay Thiều. Niềm tin là điều chúng ta cần trân quý và gây dựng, nó giúp ta tạo động lực cực lớn để ta vượt qua bản thân, thực hiện những điều ta chưa nghĩ rằng mình có thể làm được. Mỗi ngày ta gặp biết bao người, vậy thì sao không đặt niềm tin, sự tin tưởng nơi họ thử một lần. Một lúc nào đó, nếu bạn thấy “hoa vàng trên cỏ xanh” nghĩa là bạn đã đặt niềm tin đúng nơi và hãy luôn trân quý, trau dồi nó ngày một tốt hơn.

 

Tác giả: Nguyễn Trung Hậu - Bookademy

 

----

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: 
https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3

Xem thêm

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mãi mãi là người bạn của trẻ thơ. Bởi những trang viết của bác là ánh lửa hồng làm tan chảy bao trái tim trẻ nhỏ. Nhà văn luôn đem lại những dòng văn trong ngần khi viết về thế giới của trẻ thơ. Chính sự êm dịu, réo rắt đó đã khiến tôi đắm mình trong thế giới của tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.Nguyễn Nhật Ánh đưa người đọc vào một thế giới êm đềm, yên bình quá đỗi của những đứa trẻ vô tư nơi làng quê nghèo. Bao bức tranh cuộc sống đời thường, bao trò chơi gắn liền với những thế hệ trẻ nông thôn… cứ dần dần hiện lên rõ nét như ngọn núi sừng sững sau khi những đám mây lướt qua. Nhà văn kể tự nhiên, sống động đến nỗi tay tôi cứ lần giở từng trang sách mãi, không muốn dừng lại. Dường như có chút gia vị tò mò được rắc vào món ăn tinh thần này nên tôi khó lòng mà dứt ra được.Những kỉ niệm thuở học trò hồn nhiên của tôi đã chôn vùi theo bao năm tháng lại được dịp trỗi dậy như chồi non nhú lên sau cơn mưa mát lành. Những trò viết thư, chọc ghẹo nhau trong lớp, những trò chơi dân gian, ánh mắt nghiêm khắc của giáo viên… mà Nguyễn nhật Ánh kể, tả lại sao giống quá những kí ức đẹp một thời của tôi. Thế nên, nhiều người lớn cũng thích văn Nguyễn Nhật Ánh là thế. Nó bay bổng và giàu sức gợi nhớ vô cùng. Nó là cánh diều mềm mại đưa ta về vùng trời tuổi thơ, những tháng năm tuy nghèo, tuy vất vả nhưng đẹp đẽ vô ngần.Đẹp biết bao là những nụ cười trong veo, những giận hờn vu vơ, có khi là vô cớ của lũ trẻ. Chính nét đẹp như thiên thần ấy đã cuốn hút biết bao bạn đọc. Nhà văn khéo léo dựng lên bao tình huống để chất ngọt ngào đó chảy tràn như nắng mật trong từng trang giấy. Chầm chậm và tự nhiên thôi nhưng Nguyễn Nhật Ánh rất tinh tế khi dẫn dắt người đọc vào thế giới tươi đẹp mà ai cũng từng trải qua.Nhưng niềm vui luôn đi kèm nỗi buồn, cuộc sống không phải là một dòng chảy êm đềm. Hiểu được điều đó, bác Ánh đã dựng lên biết bao biến cố, tình huống đôi lúc khá kịch tính đan lồng vào câu chuyện mượt mà chất trữ tình của mình. Đó là những nhỏ nhen, đố kỵ, những hiểu lầm, tai họa giáng xuống… Những đợt sóng ấy khiến mặt biển “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” sống động và chân thật như cuộc đời. Càng đọc càng thấy Nguyễn Nhật Ánh rất am tường tâm lý trẻ thơ. Bác khai thác từng thay đổi nhỏ nhặt nhưng phức tạp trong tâm hồn của những đứa trẻ mới lớn bằng con mắt thấu hiểu và giọng văn giàu cảm xúc. Có rất nhiều những Thiều, Tường, Mận trong cuộc sống này. Có thể bạn từng là một chàng trai mới lớn, bắt đầu nhận ra mình say nắng trước một đứa con gái chơi thân như Thiều. Có thể bạn là một đứa trẻ hồn nhiên, vị tha như Tường hay một cô gái vô tư nhưng rụt rè như Mận khi đứng trước người bạn mình thích. Dù miêu tả, khai thác các em ở khía cạnh tình cảm nào, nhà văn đều thành công khi trải chất đời lên tác phẩm. Cái tài của bác là ở chỗ đó. Chẳng đao to búa lớn, chẳng dữ dội, mãnh liệt nhưng vẫn hấp dẫn, lôi cuốn người đọc như thứ hương thơm sực nức của trái chín đầu mùa.Theo tôi, nếu văn chương chỉ đơn thuần là giải trí thì nó chưa phải là văn chương đúng nghĩa. Văn chương phải đem đến cho người đọc những trăn trở, suy nghĩ, những giá trị đích thực, những tác động tích cực. Đó mới là văn chương thực thụ. Và “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã làm được điều đó. Nó không đơn thuần là kể lại những câu chuyện đời của lũ trẻ nghèo mà còn gửi gắm bao thông điệp xanh trong cuộc sống. Đó là tình yêu, tình cảm gia đình, tình cảm bạn bè, tình làng nghĩa xóm… Không quá nặng nề, áp đặt mà tất cả đều nhẹ nhàng ẩn sau những biến cố, những câu chuyện thường ngày thôi. Có lẽ vì thế mà nó dễ đi sâu vào lòng người, nhẹ nhàng như một làn gió thổi mát tâm hồn ta.

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được giới thiệu cách đây 10 năm và ngay lập tức tạo nên cơn sóng best seller thường thấy của tác giả Nguyễn Nhật Ánh. Sau 5 năm, Victor Vũ chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh cùng tên và gặt hái được không ít thành công.Câu chuyện là những mẩu tự sự của cậu bé Thiều xung quanh cuộc sống của mình nơi nông thôn nghèo khó. Thiều học giỏi, có nhiều ưu điểm, nhưng đôi khi cũng có những ích kỷ, hẹp hòi kiểu trẻ con đáng yêu. Bên cạnh đó là Tường em trai Thiều, một cậu bé giàu lòng nhân hậu và yêu thương, rất hiền hậu, biết điều nhưng khi cần lại thật quật cường, dũng cảm.Ngoài ra, còn có Mận, Xin, Sơn, Nhi, chú Đàn, chị Vinh, thầy Nhẫn… làm nên chuỗi các nhân vật xung quanh Thiều, họ đại diện cho sự đa dạng của đời sống, sinh hoạt, lao động ở nông thôn. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” khá lôi cuốn và thành công, trong đó đáng kể nhất là cách kể chuyện liền mạch và những tình tiết gây xúc động mạnh cho người đọc. Sự yêu thương, cảm thông, áy náy, giận hờn… và nhiều trạng thái tâm lý khác đan xen trong con người của Thiều đã mang lại thành công nhất định cho tác phẩm. Sự không hoàn hảo hay cảnh đời éo le của mỗi nhân vật cũng khách quan giúp người đọc gần gũi với tác phẩm hơn, hình như ai cũng có thể tìm thấy mình hay một phần của mình trong số các nhân vật đó. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” có sức ám ảnh, thu hút, hấp dẫn. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói có khá nhiều tình huống gượng ép và không thực sự thuyết phục, có chút ít cải lương.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, được xuất bản lần đầu vào năm 1984. Cuốn sách là một tác phẩm văn học dành cho tuổi mới lớn, mô tả một cách sống động và cảm động về tuổi thơ, tình bạn, tình yêu và những kỷ niệm đẹp trong cuộc sống.

Nội dung

Câu chuyện xoay quanh cuộc sống của một nhóm trẻ em sống ở một làng quê nhỏ. Nhân vật chính là Thiều, một cậu bé nhạy cảm và mơ mộng, cùng với những người bạn thân thiết như Mận, Bộ, và Mẹo. Qua những trải nghiệm hàng ngày, tác phẩm khắc họa rõ nét những niềm vui, nỗi buồn, và những ước mơ ngây thơ của lứa tuổi thiếu niên.

Tình bạn: Cuốn sách làm nổi bật mối quan hệ giữa các nhân vật. Tình bạn của họ là vô tư và chân thành, không bị ràng buộc bởi những lo toan của người lớn. Những trò đùa nghịch, cuộc phiêu lưu và những bí mật trẻ con được thể hiện một cách sống động, tạo nên bức tranh tươi đẹp về tuổi thơ.

Tình yêu: Tình cảm đầu đời, sự ngây thơ và những rung động đầu tiên của Thiều đối với Mận cũng được tác giả thể hiện một cách nhẹ nhàng và tinh tế. Những cảm xúc này không chỉ đơn thuần là tình yêu mà còn là sự khám phá bản thân trong giai đoạn trưởng thành.

Cuộc sống nông thôn: Tác phẩm khắc họa một cách chân thực và sinh động về cuộc sống nơi làng quê, từ những buổi sáng tươi đẹp, cánh đồng xanh mướt, cho đến những cơn mưa rào mùa hạ. Những chi tiết nhỏ này gợi nhớ về vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống giản dị.